Có một người comment như vậy trong trang nhà facebook của nghệ sĩ Hoài Linh.
Người dân xã Mỹ Thượng Lộc, tỉnh Quảng Bình nhận tiền cứu trợ bão lụt hôm 26/10/2020 - Reuters
Hôm nay sau gần một tuần bị dân mạng phanh phui vụ (ai đó) làm giả phiếu chuyển khoản 14 tỷ đồng cho Mặt trận Tổ quốc Trung ương, thì Võ Hoài Linh, nghệ sĩ hài với nghệ danh Hoài Linh cũng đã lên tiếng.
Đây là số tiền do đồng bào và doanh nghiệp khắp nơi, trong nước lẫn nước ngoài gửi về cấp tốc để cứu trợ khẩn cấp cho miền Trung bị lũ lụt vào cuối năm ngoái, theo lời kêu gọi của nghệ sĩ Hoài Linh thời điểm đó.
Trận đại hồng thủy cuối năm ngoái khiến người dân khắp một dải miền Trung tan cửa nát nhà, tài sản, nông sản, nông cụ… bị cuốn trôi sạch ra biển.
Những ngôi nhà bị bão tố lột sạch mái, đánh vỡ tường, lũ ngâm dầm dề nhiều ngày ngay trong thời điểm nước sạch, thực phẩm, thuốc thang là tối cần thiết. Sau khi nước lũ rút đi, bà con cần gấp tiền để sửa sang nhà cửa, mua hạt giống và vật tư nông nghiệp để ngay lập tức bắt tay trồng trọt chăn nuôi, tiếp tục cuộc vật lộn mới để sinh tồn.
Những đồng tiền chắt chiu từ tiền mẹ cho ăn sáng của thiếu nhi, từ dành dụm lương tháng của nhân viên văn phòng, từ đồng lời lãi hạn hẹp của chị bán rau, từ trí tuệ và mồ hôi của các doanh nhân… do thương đồng bào, do yêu cái tài của nghệ sĩ mà thành tin tưởng tuyệt đối, gửi về cho Hoài Linh. Họ đều mong ước tấm lòng của mình nhanh chóng chuyển thành chăn ấm bù đắp cho đồng bào trong cơn thiên tai khủng khiếp.
Ấy vậy mà nửa năm trôi qua, lũ lụt lại đang chuẩn bị cho mùa mới rồi, nhưng tiền của bá tánh góp về thì vẫn ở yên trong tài khoản của Hoài Linh. À quên, nói vậy oan cho ảnh quá ! Theo trần tình của ảnh với báo chí Việt Nam hôm nay thì nó nằm yên trong tài khoản riêng dành cho làm từ thiện, chớ hổng xập xí xập ngầu nằm chung với tiền nào hết á. Ý là, rất sáng rõ, tiền của quý vị gởi vô không mẻ một xu, tui không ăn dộng gì vô đó hết, nhưng chừng nào nó tới được tay những người khổ nạn mà quý vị nhờ tui làm shipper chuyển tới thì… hên xui ha !
Nghệ sĩ ưu tú Hoài Linh lên tiếng về chuyện từ thiện. Ảnh : NSCC.
Mặc dù dùng những lời lẽ mềm mại ngọt ngào rất dễ mị hoặc người nhẹ tâm như "Thương lắm quý vị ơi… tôi sẽ đến tận nơi trao và xin lỗi đồng bào miền Trung vì sự chậm trễ này (…) đây là sứ mệnh của tôi…" nhưng những người tỉnh táo thừa hiểu nguyên nhân tại sao Hoài Linh không đi được nhưng cũng không ủy thác cho cộng đồng người dân địa phương, hoặc thông qua các hình thức tổ chức khác để giải ngân số tiền này nhanh nhất vào thời điểm người dân cần nhất.
Là vì, nếu anh không tự tay cầm tiền trao cho từng người thì làm sao không tốn lấy một cắc mà có cả đội quân marketing cả triệu người lăm lăm chụp hình quay phim ? Làm sao có cảnh vô số người dân ùa lên ráng sờ chạm vào người thần tượng rồi cười khóc nức nở như mới được tái sinh ? Làm sao có vô số lời mô tả và ca ngợi từng bước chân, nụ cười, lời nói, vẻ mặt mà dân mình vốn rất hào phóng cho đi khi nhận được quà, nhất là quà lại do thần tượng mang tới ?
Nhất là, làm sao có cảnh một nghệ sĩ diễn hài nhưng được các cấp chính quyền địa phương bảo vệ, đón tiếp, bắt tay bắt chân, trọng vọng ? Được Nhà nước tặng bằng khen cho việc làm từ thiện ? Được các báo chí chính thống vốn phải tuân thủ nghiêm khắc các quy định về chọn nhân vật phỏng vấn mời lên các chương trình talk show với các quan chức hay những trí thức có tiếng ?
Từ một danh hài trở thành một nhân vật xã hội, đó là đột khởi lên một level hoàn toàn mới, cao hơn, oai hơn, vinh dự hơn rất, rất nhiều (và cũng kiếm tiền dễ hơn rất nhiều).
Dân mạng Việt Nam đang phân tích số tiền lãi vài trăm triệu do hơn 13 tỷ gửi ngân hàng suốt nửa năm, hay số tiền không thể biết được do ai đó quay vòng vốn suốt thời gian qua… Ồ quý vị ơi đừng có lầm ! Tôi cho rằng đó chỉ là tiền lẻ với Hoài Linh-người nghệ sĩ vốn đã từng khoe thú vui chơi kim cương nhiều năm nay. Cái danh trong showbiz Việt Nam, sự yêu thích của tuyệt đại đa số khán giả bình dân, Hoài Linh đã đạt tới mức tột bậc, không thể còn cao hơn vậy nữa. Cái Hoài Linh thiếu là sự công nhận từ những tầng lớp cao hơn trong xã hội, là muốn trở thành một thần tượng có vai vế trong xã hội ngang hàng với "tầng lớp thượng lưu" chứ không phải suốt đời là một danh hài.
Nói thẳng ra, phần lớn nghệ sĩ Việt Nam cả đời cũng không bao giờ lên được vị trí này.
Tôi không chỉ trích nghề nghiệp của các danh hài. Bản thân họ được xã hội yêu thích, có nhiều fans kính ngưỡng thần tượng bất chấp, giàu có… là do tài năng và lao động nghệ thuật. Nhưng giữa việc giúp người khác giải trí đến việc trở thành người có uy tín trong xã hội lại đòi hỏi kiến thức cùng hiểu biết xã hội sâu sắc, và cả sự quan tâm thực lòng. Yêu cầu này thật sự quá khó với đa số nghệ sĩ hiện tại của Việt Nam.
Tóm lại, thiếu quảng cáo, thiếu marketting, làm sao Hoài Linh đi (làm từ thiện đợt vừa rồi) được ?
Một nghệ sĩ đã từng giản dị, chất phác, thành thật… không có nghĩa là họ sẽ cứ như vậy suốt đời. Khi cái tâm ma nổi lên, chữ thiện bị mờ đi trước lực hấp dẫn của tiền, của danh, của quyền lực thì nghề diễn và danh tiếng đã từng được tạo dựng sẽ nhanh chóng biến thành những lớp vỏ đạo đức rất tốt để bên trong múa may. Huống gì, chuyện 13 tỷ đồng chỉ là khúc đuôi rất nhỏ của những hành động khó giải thích khác. Ví dụ việc tiếp tay "thần y" lừa đảo Võ Hoàng Yên bằng cách mang cả "người nhà" của mình ra để "thần y"kéo lưỡi chữa câm điếc.
Sự xuất hiện tích cực của Hoài Linh trong vai trò người bệnh, người đồng hành, người ủng hộ Võ Hoàng Yên trong nhiều năm đã tạo niềm tin vững chắc cho vô số fans của Hoài Linh đến để được ông Yên "chữa bệnh". Xin nhắc, ông Yên không "chữa bệnh" miễn phí !
Cũng xin nói thẳng cho dù có thể làm Hoài Linh và một số fans của ông buồn lòng : cho dù có đông đảo khán giả yêu thích nhưng fans "ruột" của Hoài Linh đại đa số là người bình dân, kiến thức có hạn, rất quyết liệt trong hành động nhưng thường không hay phản biện, hoặc không đủ khả năng phản biện. Vì vậy, gương mặt của thần tượng đóng vai trò bảo chứng cho mọi sự tin tưởng, có khi lên đến mức u mê của một số người.
Cũng vì vậy mà khi biết là bị lừa, họ cũng thường không dám nói ra vì sợ không ai tin, sợ bị vu cáo, hoặc không biết cách làm đơn tố cáo, tố cáo với cơ quan nào… nên chỉ ngậm đắng nuốt cay.
Đó là một phần nguyên nhân dẫn đến "thần y" Võ Hoàng Yên lộng hành nhiều năm như vậy, với sự tiếp tay của nhiều người nổi tiếng như vậy nhưng đến hiện tại mới bị vạch mặt.
Võ Hoàng Yên mới chỉ là một cái ví dụ nho nhỏ. Với thói vô trách nhiệm hoặc sự ngậm miệng ăn tiền của một số nghệ sĩ, hoặc tồi tệ hơn cả là sự tiếp tay, phối hợp lừa đảo…, trong tương lai sẽ còn nhiều "thần y" khác bị bóc ra.
Hôm nay sau nhiều ngày bị truy vấn và phanh phui mẫu chuyển tiền giả mạo, danh hài Hoài Linh mới bộc lộ việc vẫn chưa chuyển đi khoản tiền 13 tỷ đồng mà bá tánh đã góp cho đồng bào miền Trung bị nạn hồng thủy.
Sẽ rất nhanh chóng, Hoài Linh mang số tiền này, thậm chí có thể bồi thêm tiền của mình để chuyển đến người dân miền Trung, lấp lại vụ này. Đúng như Hoài Linh nói, không ai có thể nuốt trôi tiền từ thiện.
Nhưng quan trọng hơn hết và cần trả lời hơn hết lại không phải câu chuyện 13 tỷ đồng. Khán giả, người dân và pháp luật cần câu trả lời minh bạch từ phía Hoài Linh cho việc nhiều năm liền cùng với Võ Hoàng Yên tổ chức chữa bệnh một cách sai trái và gây nhiều hậu quả tồi tệ. Sức khỏe và sinh mạng của những con người tội nghiệp ấy ra sao ? Vai trò của Hoài Linh và những người đi theo ông như thế nào ?
Liệu họ có phải tiếp tục chờ 6 tháng nữa mới có câu "xin lỗi" ?
Chín cơn bão và áp thấp nhiệt đới đã tàn phá miền Trung Việt Nam chỉ trong hai tháng, từ giữa tháng 09 đến giữa tháng 11/2020 (từ bão số 5-Noul đến bão số 13-Vamco). Thiệt hại do các cơn bão gây ra ước tính lên tới 29.300 tỉ đồng (tương đương với 1,3 tỉ đô la), theo bản tin Cập nhật Tình hình Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 11 được Ngân hàng Thế giới công bố ngày 13/11.
Những ngôi làng gần Hội An (miền trung Việt Nam) bị chìm trong nước vì bão lụt. Ảnh chụp ngày 07/11/2020. AP - Tran Van Minh
Bão lũ đã làm 243 người chết và mất tích, khoảng 7,7 triệu người sống trong các khu vực bị ảnh hưởng và khoảng 219.000 ngôi nhà bị hư hỏng hoặc bị phá hủy, vẫn theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới. Bão số 13 (bão Vamco) quét qua nhiều tỉnh miền Trung trong hai ngày 15 và 16/11 không gây thiệt hại về người, nhưng đã làm tốc mái hơn 1.500 ngôi nhà, khiến nhiều cây xanh gãy đổ, bờ biển tan hoang, bờ, kè sạt lở.
Chín tỉnh miền trung, từ Nghệ An đến Bình Định, là khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất, đặc biệt là những đợt mưa lớn từ 06 đến 22/10 gây sạt lở đất nghiêm trọng và đại hồng thủy. "Tại một số địa điểm, nước lũ vượt quá mức cao nhất lịch sử trước đó được ghi nhận vào năm 1979 hoặc 1999", theo báo cáo của Liên đoàn Hội Chữ Thập Đỏ và Lưỡi Liềm Đỏ (FICR).
Bão chồng bão, lũ chồng lũ, nước chưa kịp thoát, người dân chưa kịp gia cố nhà cửa từ cơn bão trước, đã phải đón trận bão mới chỉ cách nhau 2 đến 3 ngày. Nhiều khu dân cư trở thành ốc đảo giữa biển nước mênh mông. Giao thông bị cắt, người dân bị cô lập nhiều ngày trước khi được cứu hộ và nhận được nhu yếu phẩm.
Xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình nằm trong khu vực bị lũ lụt kéo dài. Sau hơn một tháng, đến giữa tháng 11/2020, tình hình vẫn còn rất khó khăn cho bà con Vân Kiều ở bản Sắt, nằm trong một thung lũng hẻo lánh. Nước lũ lên ngập đến tận sàn và mái hầu hết các ngôi nhà sàn trong bản trong gần 3 tuần, thay vì chỉ vài ngày như những năm trước.
Trả lời RFI Tiếng Việt, ông Hoàng Minh Hà, bí thư đảng ủy xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, cho biết thêm khó khăn :
"Vừa rồi xã Trường Sơn cũng chịu ảnh hưởng vì đợt mưa, lũ lụt trong tháng 10 và chịu thiệt hại rất nặng nề. Trên toàn địa bàn xã có đến 7 đơn vị, bản là có nguy cơ sạt lở, có hai đơn vị nằm ở vùng rốn lũ, gọi là lũ nhưng là lụt lội. Đảng ủy và chính quyền địa phương cũng đã nhanh chóng di dời bà con đến các điểm an toàn.
Trong đợt mưa lũ từ ngày 17-19/10, tại bản Sắt đã có nguy cơ sạt lở rất cao. Đặc biệt năm nay, do diễn biến mưa lũ bất thường, nước đã dâng lên và không thoát được trong suốt gần 20 ngày. Tại bản Sắt đã xuất hiện một vết nứt dài khoảng 700 mét, có nguy cơ sạt lở cao, ảnh hưởng đến đời sống của bà con bản Sắt. Ở đó có 34 hộ và chúng tôi cũng đã kịp thời di dời bà con qua địa bàn an toàn và dựng tạm nhà lán để bà con sinh sống.
Bà con gặp nhiều khó khăn ở nhà lán trong diễn biến mưa lũ phức tạp và mùa đông giá rét đến gần. Vì vậy, chúng tôi luôn bám sát bà con trong thời gian bố trí khu tái định cư mới. Chúng tôi bảo đảm an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh môi trường để tránh tình trạng dịch bệnh cục bộ xảy ra".
Hậu quả của mưa lũ và sạt lở vẫn hằn lại ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Tạm thời các điểm sạt lở đã được khắc phục, các tuyến đường đã được nối lại để có thể giúp người dân, đặc biệt là bà con bản Sắt. Ông Hoàng Minh Hà cho biết tiếp :
"Hiện tại bà con 34 hộ với 152 khẩu đang ở trong 23 lán tạm thời, lán bạt. Hiện giờ, chúng tôi cũng đang gấp rút lên các phương án để khảo sát vị trí an toàn để tái định cư bà con. Chúng tôi đang vướng mắc một số thủ tục pháp lý, đang tiến hành thủ tục báo cáo cơ quan cấp trên để giải quyết và cũng có đề nghị cấp trên bố trí kinh phí để tái định cư, ổn định nơi sống cho bà con trong thời gian tới. Vừa rồi tỉnh hỗ trợ trước mắt 1 tỉ đồng để chúng tôi làm thủ tục thành lập các phương án khu tạm cư và sửa lại đường đi cho bà con, để đảm bảo phương tiện thông suốt.
Sáng 19/11, Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn cũng đã lên, bàn phương án về địa điểm và có mức hỗ trợ cho bà con để qua tái định cư. Còn huyện xây trường và nhà văn hóa. Hiện chúng tôi cũng mới xây dựng phương án thôi, chứ để làm được hay không thì chúng tôi cũng đang chờ nguồn kinh phí. Nhưng trước mắt, chúng tôi phải ổn định được 34 hộ đó qua điểm an toàn, còn điểm cũ thì chịu. Điểm cũ có nguy cơ sạt lở rất cao, và giờ chưa ai kết luận được là trong điều kiện khô ráo thì có sạt lở hay không, nên chúng tôi không để bà con trở lại khu vực cũ sinh sống".
Tinh thần "tương thân tương ái", "Lá lành đùm lá rách"
Chính phủ Việt Nam và chính quyền địa phương đã khẩn trương triển khai ứng cứu người dân những vùng bị thiên tai. Các nhà hảo tâm, tổ chức và cá nhân, nhanh chóng vận động quyên góp, không quản khó khăn đến tận nơi để hỗ trợ đúng người đúng hoàn cảnh, như ví dụ của nhiều nghệ sĩ, các đoàn từ thiện từ các chùa, các hiệp hội… Ngày 24/10, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu "không gây khó khăn cho các nhà hảo tâm" đang làm công tác cứu trợ cho người dân miền Trung.
Ở nước ngoài như tại Pháp, Đức hay Hungary, nhiều bà con Việt kiều và sinh viên kêu gọi chung tay giúp người dân miền Trung. Số tiền quyên góp được của họ không lớn như những mạnh thường quân có ảnh hưởng, nhưng được đưa đến đúng chỗ, đúng tay người khó khăn nhờ những mối liên hệ tại quê nhà. Chị Lê Thị Hoa, nhà hàng Sen Việt, quận 3 Paris, là một người như vậy, thường xuyên tham gia làm thiện nguyện :
"Khi miền Trung, đợt vừa rồi bị lũ lụt quá nặng, qua thông tin đài báo thì thật sự là ai cũng cảm thấy đau xót cho đồng bào của mình. Mình cũng muốn đóng góp một phần nhỏ để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn, đang gặp hoạn nạn.
Nhân việc này, tôi cũng nghĩ ra là qua các kênh Facebook hoặc các nhóm, tôi đã kêu gọi mọi người, trong đó có bạn bè cũng như người thân, nếu ai muốn cùng đồng hành thì đóng góp cùng tôi để chuyển về giúp đỡ đồng bào ở miền Trung. Đó là việc từ tâm của mình, chứ không có lý do gì cả.
Số tiền đó, tôi chuyển về cho một hội bạn của tôi đi vào tận nơi để quyên góp cho một xã ở Hà Tĩnh. Các bạn ở nhà quyên góp thì sẽ mua sang hiện vật. Còn tiền tôi chuyển về, tôi nhờ các bạn làm riêng phong bì để hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn hơn ở vùng đó để mua sách vở. Mọi người đã chuyển tình cảm của tôi cũng như là bạn bè tôi đến đúng tay người nhận. Chúng tôi trực tiếp làm, chứ không qua tổ chức nào cả".
Charly HO, một nhiếp ảnh gia Pháp, gốc Cam Bốt và Việt Nam, có cách quyên góp rất riêng, kết hợp với hai hiệp hội Asia New Generation Vietnam và Securité pour Tous (An Toàn Cho Tất Cả Mọi người). Anh giải thích với RFI Tiếng Việt :
"Mọi chuyện bắt đầu với Roland Beaumont, chủ tịch hội Asia New Generation, khi anh nói với tôi về những khó khăn liên quan đến lũ lụt ở Việt Nam. Với tư cách là một nhà nhiếp ảnh, một nghệ sĩ, tôi thấy cần huy động được tối đa cộng đồng để giúp đỡ những gia đình bị nạn ở miền Trung Việt Nam, vì có rất nhiều gia đình không có điều kiện và bị mất hết trong đợt thiên tai.
Chúng tôi đưa ra ý tưởng tổ chức những buổi chụp ảnh tại Lyon. Sau đợt phong tỏa, người dân ở thành phố này có thể tham gia gây quỹ, với 5 euro và đổi lại là một bức ảnh chân dung do tôi chụp. Thực ra, chúng tôi muốn khởi động dự án từ đầu tháng 11 nhưng rồi phải tạm hoãn vì đợt phong tỏa thứ hai (do dịch Covid-19 tại Pháp). Tuy nhiên, trên trang Facebook "Ensemble et maintenant", chúng tôi vẫn tiếp tục kêu gọi quyên góp cho người dân miền Trung. Dù dự án chụp hình bị dời lại sau đợt phong tỏa, mọi người vẫn có thể góp 5 euro và giữ lại biên lai, sau đó, họ mang biên lai đến buổi chụp hình và tôi sẽ chụp chân dung miễn phí.
Hiện tại, chiến dịch "1 bức chân dung 5 euro" vì Việt Nam và Cam Bốt, đã được ấn định ngày ở Lyon. Sau đó, cùng với anh Sun-lay Tan, thuộc hiệp hội Sécurité Pour Tous (An toàn cho tất cả mọi người), chúng tôi sẽ tổ chức đợt chụp chân dung tại Paris và vùng phụ cận, cụ thể là tại quận 13 Paris và Bussy-Saint-George.
Như vậy hiện tại đang có ba sự kiện đã được lên chương trình. Tuy nhiên, chúng tôi chưa có ngày chính xác cho sự kiện ở Paris và vùng phụ cận, vì Pháp vẫn trong thời gian phong tỏa. Chúng tôi chờ thêm để xem có thể làm được vào lúc nào. Lý tưởng nhất đối với chúng tôi là làm sớm nhất có thể. Nhưng nếu vì phong tỏa, người dân ngại di chuyển do sợ bị phạt, thì việc này sẽ phức tạp và sẽ không thành công".
"Tích tiểu thành đại", những khoản tiền được quyền góp từ khắp nơi sẽ giúp người dân vùng thiên tai giảm bớt được gánh nặng, có kế sinh nhai để có thể nhanh chóng ổn định cuộc sống, như trường hợp của bản Sắt, theo giải thích của bí thư đảng ủy xã Trường Sơn, ông Hoàng Minh Hà :
"Về trước mắt, giờ chúng tôi cũng đang kêu gọi các nguồn kinh phí để sau khi hoàn thiện thủ tục pháp lý, chúng tôi sẽ xây dựng lại một khu tái định cư trong bản Sắt qua một điểm mới, đối diện bản cũ và phải xây dựng lại hai điểm học tập : một điểm là trường mầm non và điểm trường học và xây dựng lại nhà văn hóa của bản. Xây dựng thế nào đó, hỗ trợ cho bà con xây dựng được 34 nhà để 34 hộ bà con trong bản Sắt ổn định sinh sống, đảm bảo cuộc sống hàng ngày. Điều này là rất cần thiết.
Chúng tôi cũng lo nhất là mùa đông giá rét sắp về, sợ nhất là dịch bệnh, đặc biệt là trẻ em và người già rất dễ nhiễm các bệnh về phổi và hô hấp. Ở các lán rất thấp, không thể làm cao hơn được, do đó độ ẩm trong lán rất cao, nguy cơ tiềm ẩn về các bệnh này rất lớn".
Liên Hiệp Quốc và "Kế hoạch ứng phó với lũ lụt tại Việt Nam năm 2020"
Ở quy mô lớn hơn, sau khi chính phủ Việt Nam kêu gọi sự hỗ trợ và cứu trợ khẩn cấp của quốc tế, nhiều tổ chức quốc tế và đại sứ quán một số nước đã hỗ trợ tài chính và hàng hóa thiết yếu với tổng trị giá trên 10,18 triệu đô la. Ngoài ra, Liên Hiệp Quốc đứng ra lập "Kế hoạch ứng phó với lũ lụt tại Việt Nam năm 2020" kêu gọi 40 triệu đô la để hỗ trợ 177.000 người dân thuộc nhóm những người dễ bị tổn thương và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do lũ lụt ở các tỉnh miền Trung.
Thông cáo của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam ngày 04/11/2020, trích phát biểu của ông Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú Liên Hiệp Quốc : "Liên Hiệp Quốc, các đối tác cứu trợ nhân đạo và Hội Chữ Thập Đỏ đang tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu của những người dễ bị tổn thương nhất trong những khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Họ cần được hỗ trợ để được cứu sống ngay lập tức, cũng như những hỗ trợ phục hồi để giúp họ xây dựng lại cuộc sống và sinh kế".
Số tiền 40 triệu đô la sẽ được chia cho những lĩnh vực : bảo vệ (1,5 triệu đô la), y tế (1,5 triệu), dinh dưỡng (3 triệu), giáo dục (5 triệu), nước sạch-vệ sinh-dịch tễ (WASH, 9 triệu), lương thực, nông nghiệp, sinh kế (9,5 triệu), nhà cửa (10,5 triệu).
Thời gian cũng rất cấp bách để khắc phục hậu quả vì từ giờ đến cuối năm 2020, miền Trung Việt Nam sẽ còn có thể bị thêm 2 đến 3 cơn bão khác.
Thu Hằng
Nguồn : RFI, 23/11/2020
Thủy Tiên & Mặt trận Tổ quốc – Lòng dân & Quyền lực chính trị
Huy Đức, 20/10/2020
Con số trăm tỷ của ca sĩ Thủy Tiên vận động được trong tuần qua và hơn 20 tỷ của MC Phan Anh mấy năm trước không thể nào nói hết tinh thần "lá lành đùm lá rách" của người dân Việt. Hàng triệu người vẫn âm thầm quyên góp và hàng ngàn người khác đang cứu trợ trong vùng lũ và đang chuẩn bị cho các chuyến đi cứu trợ miền Trung. Số tiền thực sự vận hành bởi lòng dân là không bao giờ đong đếm được.
Điều gì dân chúng làm được thì nhà nước, đảng cầm quyền không nên làm. Hãy sử dụng quyền lực chính trị đó làm những việc lớn như hòa giải, đoàn kết các sắc dân ; đặc biệt, nghiên cứu chính sách giúp dân thoát nghèo.
Trong Friendlist của tôi có nhiều bạn đang là cán bộ các hội đoàn và Mặt trận Tổ quốc hiện cũng đang ngồi thuyền cứu trợ. Tôi tin rằng các hội đoàn của Đảng, các cấp Mặt trận Tổ quốc cũng quyên góp được không ít. Nhưng, nếu phân tích các danh sách đóng góp, những người làm chính sách sẽ phải thay đổi cách tiếp cận rất nhiều.
Tôi có trong tay danh sách đóng của một "tổ chức chính trị xã hội" (cho một chương trình từ thiện khác), số tiền khá lớn, nhưng số đầu mối góp chỉ đủ đếm trên đầu ngón tay ; có nơi góp dăm, ba tỷ.
Rồi Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội khác sẽ mở các đợt vận động cứu trợ "đồng bào miền Trung". Sẽ có nhiều người lên tivi tuyên bố góp số tiền 5, 10 tỷ. Nhưng thành phần đóng góp đầu bảng sẽ là các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp "làm ăn" trên địa bàn... Cá nhân, phần lớn là cán bộ, công chức, đóng góp chủ yếu theo hình thức... khấu trừ lương. Dân chúng ngoài "hệ thống chính trị", ở các thành phố lớn, gần như chỉ góp khi những người vận động tới cùng... tổ trưởng dân phố và cảnh sát khu vực.
Mặc dù, Nghị định 64/2008/NĐ-CP quy định "Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ". Liệu các địa phương có cam lòng ngăn cản các "tổ chức, cá nhân" làm nhà chống lũ, nấu bánh chưng, mua mì tôm, áo phao... mang đến cho dân mình khi họ đang đói rét.
Không phủ nhận là cũng có không ít trường hợp tự nguyện đóng góp thông qua Mặt trận Tổ quốc hoặc các tổ chức chính trị xã hội của Đảng. Nhưng, quyền lực chính trị của đảng cầm quyền, quyền lực nhà nước đang ảnh hưởng rất lớn lên các cuộc vận động này. Tôi tin là nếu Mặt trận Tổ quốc chỉ có mạng xã hội thì không thể nào trong vòng một tuần lại có thể vận động được nhiều người tự nguyện tham gia và góp số tiền lớn như Thủy Tiên làm được.
Việt Nam đang có nhiều tổ chức cá nhân có thể quyên góp, có thể giúp người nghèo, người ở trong vùng thiên tai như Phan Anh, Thủy Tiên... Nhưng, không biết Thủy Tiên đã trao đổi kinh nghiệm quản trị công tác từ thiện với Phan Anh ; tôi chưa hình dung được, chưa có một pháp nhân, Thủy Tiên sẽ quản trị số tiền hơn trăm tỷ đồng này như thế nào.
Việc chỉ có rất ít người xin được giấy phép lập QUỸ và các rào cản trong Nghị định 64 hạn chế dân chúng nhận tiền cứu trợ, không chỉ đã đánh mất rất nhiều cơ hội bày tỏ lòng "thương nhau" của "người trong một nước", mà người nghèo, nạn nhân bão lụt cũng khó tiếp cận với các nguồn trợ giúp.
Hoạt động của Quỹ Học Trò Nghèo Vùng Cao và một số quỹ được cấp phép cho thấy nếu không có pháp nhân thì rất khó có chiến lược giúp dân bài bản và hiệu quả.
Điều gì dân chúng làm được thì nhà nước, đảng cầm quyền không nên làm. Hãy sử dụng quyền lực chính trị đó làm những việc lớn như hòa giải, đoàn kết các sắc dân ; đặc biệt, nghiên cứu chính sách giúp dân thoát nghèo. Nếu có những góc khuất mà chính sách chung không tới được hãy để "bầu bí thương nhau". Đừng phung phí uy tín và quyền lực chính trị vào những việc mà dân chúng không những có thể tự làm được mà còn làm tốt hơn các tổ chức chính trị đang dùng rất nhiều quyền lực.
Huy Đức
Nguồn : fb.osinhuyduc, 20/10/2020
************************
Hành động 'quyên góp 100 tỷ' của Thủy Tiên làm đại biểu Quốc hội Việt Nam quan tâm
BBC, 21/10/2020
Việc ca sĩ Thủy Tiên vận động quyên góp được 100 tỷ ủng hộ người dân miền Trung khắc phục thiệt hại vì thiên tai đang gây tiếng vang, khiến một số đại biểu Quốc hội Việt Nam bình luận.
Trao tặng hàng cứu trợ ở Thừa Thiên Huế ngày 20/10
Hôm 21/10, trả lời báo chí, đại biểu Lê Thanh Vân - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội - khen ngợi ca sĩ Thủy Tiên.
"Chắc chắn họ sẽ sẵn sàng để minh bạch. Người dân nên lưu giữ lại các bằng chứng để sau này khi lũ lụt hết rồi, những ai muốn truy cứu hành vi có minh bạch hay không thì Thủy Tiên có căn cứ để giải trình. Tôi nghĩ đây cũng là một sự lo xa, nhưng cũng nhiều bạn khác nói rằng khi người ta đã gửi tiền quyên góp cho Thủy Tiên, người ta đã ủy thác rồi và họ tin tưởng rằng đấy là địa chỉ tin cậy, cô sẽ đưa số tiền đó nhanh nhất, đúng nhất tới đối tượng cần cứu trợ".
Bên cạnh đó, ông Vân chỉ ra rằng nên tạo điều kiện về pháp luật để các cá nhân có thể kêu gọi đóng góp thiện nguyện.
"Thủ tục ta có thể đăng ký thôi, không nhất thiết là phải qua một trình tự thủ tục hành chính phức tạp, giống như doanh nghiệp, chỉ cần đăng ký một mã định danh với thông tin cá nhân và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Sau đó, quy định về phương thức quyên góp, hình thức đi cứu trợ như thế nào một cách công khai, minh bạch... để ràng buộc trách nhiệm".
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội nói nếu thông qua một tổ chức có năng lực thì sẽ hiệu quả hơn.
"Một người điều hành 100 tỷ đồng không thể bằng một tổ chức có uy tín, sức mạnh tham gia vận hành, phân phối. Thực tế, bây giờ nếu yêu cầu Thủy Tiên chứng minh chi tiết về nguồn tiền và việc sử dụng là rất khó".
"Rất nhiều đơn vị, cá nhân tự đứng ra làm thiện nguyện, kêu gọi cứu trợ nhưng với số tiền nhỏ thì có thể chuyển thẳng, tự đi làm dễ dàng hơn. Song khi số tiền lớn thì nên có tổ chức, những cá nhân, đơn vị kêu gọi được đều được ghi nhận và đánh giá đầy đủ. Điều quan trọng là tiền cứu trợ phải đến được đúng nơi, đúng chỗ, đúng thời điểm".
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện, nhận xét : "Chúng ta nên ghi nhận công lao của ca sĩ Thủy Tiên trong đợt lũ lụt này, nhưng không nên để một mình ca sĩ xoay xở như vậy".
"Tôi rất hoan nghênh hành động nhân văn của Thủy Tiên nhưng tôi có một lời khuyên là Thủy Tiên hãy cùng huy động mọi người làm với mình, để hỗ trợ nhanh nhất đến bà con, tránh những câu chuyện ì xèo về tiền bạc sau này".
Ca sĩ Thủy Tiên nói gì ?
Hôm 21/10, trên Facebook của mình, cô Thủy Tiên đăng dòng chia sẻ dài.
Cô nói : "Tiên chỉ là 1 cá nhân và Tiên sẽ làm việc theo cái tâm của 1 cá nhân mong muốn giúp đỡ cộng đồng, tiền trao tận tay để giúp đỡ bà con, không thông qua 1 tổ chức nào cả VÀ CŨNG KHÔNG TẠO RA 1 TỔ CHỨC NÀO CẢ , tiền người dân gửi cho Tiên đi trực tiếp giúp đỡ, là Tiên phải cầm đi, dù có cực đến mấy… nếu giao cho 1 cơ quan tổ chức nào thì khác gì Tiên lừa họ ??"
Cô chia sẻ : "Tiên đang gọi xin ngân hàng các khoản chi ra vì số đầu vào quá nhiều không giấy nào mà in nổi được hết các thông tin chuyển vào vì nó nhiều lắm lắm. Tiên nghĩ tốt nhất là mọi người cứ chuyển vào, ngân hàng xác nhận số tổng vào, và mình xin số sao kê chi ra chi tiết có đóng dấu ngân hàng, trên các khoản chi ra đó Tiên sẽ giải thích cho mọi người hiểu các khoản này dùng để làm gì làm gì".
"Mong là mọi người đừng lo lắng quá nhiều, 100 tỷ thấy nhiều, ai cũng sợ không làm nổi. Nhưng mà bản thân Tiên cũng không biết, có đủ hay là không đủ cho 3-4 tỉnh ngập lũ đâu, ngoài xây nhà mình còn làm cầu cống đường xá cho người dân ở vùng sâu xa, lũ này cuốn trôi bao nhiêu cây cầu, người dân họ không đi qua được nè, họ phải chế cầu tạm đi cực kỳ nguy hiểm. Nếu đủ thì thôi, dư thì mình còn thiếu gì việc để giúp người"....
Vấn đề pháp lý ?
Luật sư Ngô Ngọc Trai, từ Hà Nội, cho hay cần có quy định mới về pháp luật "tạo lập hành lang pháp lý bảo hộ cho những hoạt động cứu trợ như của ca sĩ Thủy Tiên".
Viết trên Facebook cá nhân, ông cho biết : "Hiện tại vấn đề vận động đóng góp cứu trợ thiên tai lũ lụt, hiện đang được điều chỉnh bởi Nghị định 64/2008/NĐ-CP của chính phủ về "Vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo".
Ông chỉ ra : "Qua tìm hiểu thì thấy nội dung văn bản này quá lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế hiện nay.
Cụ thể nghị định 64 quy định chỉ những cơ quan đơn vị có tính nhà nước sau mới được tiếp nhận và phân phối tiền hàng cứu trợ.
1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội chữ thập đỏ Việt Nam, cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.
2. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định của chính phủ.
3. Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép, các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh và cấp huyện cho phép.
4. Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ".
Mới hơn, theo ông, theo thông tư 72/2018/TT-BTC của Bộ tài chính thì còn có thêm quy định về Các cơ quan thông tin đại chúng như báo, đài thì được tiếp nhận tiền hàng cứu trợ, nhưng không được phân phối đến cho tổ chức cá nhân, trừ trường hợp hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đã rõ đối tượng địa chỉ.
Đối với các cơ quan đơn vị là đầu mối tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ thì số tiền huy động được sẽ phải nộp trực tiếp vào tài khoản của Ban Cứu trợ do Mặt trận Tổ quốc thành lập.
Ông Ngô Ngọc Trai viết : "Như thế, xét theo quy định này thì không chỉ việc làm của ca sĩ Thủy Tiên, của diễn viên Trấn Thành, của nhiều nghệ sĩ khác hay các tổ chức tôn giáo, các doanh nhân uy tín muốn thiện nguyện phục vụ cộng đồng, đều không thực hiện đúng".
Nguồn : BBC, 21/10/2020
***************************
Ca sĩ Thủy Tiên và từ thiện luôn hợp pháp !
Hoài Nguyễn, VNTB, 21/10/2020
Con số 100% đắc cử là do đảng tặng. Con số 100 tỷ đồng là do công chúng giao phó. Người đắc cử 100% do đảng tặng thì không chắc được công chúng giao phó 100 tỷ. Nhưng người được công chúng giao phó 100 tỷ thì chắc chắn sẽ đắc cử 100% nếu ứng cử.
Và xin được chia buồn với bà con Hải Lăng, dự kiến là sự cứu trợ đồng bào ở đây sẽ giảm nếu áp dụng theo yêu cầu số 1 và số 2.
Vì sao lại ngờ vực ‘lòng tốt’ của ông chủ tịch ?
Số là ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị có ký một công văn đóng dấu "Hỏa tốc", với yêu cầu đại để là nếu các cá nhân, nhóm hội đoàn xã hội dân sự muốn đến Hải Lăng để cứu trợ, cần thông qua chính quyền địa phương để "có phương án sắp xếp, bố trí lực lượng, phương tiện vận chuyển đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình cứu trợ".
Thoạt nghe thì rõ ràng đây là một quyết định không ngoài nhằm bảo vệ tính mạng của những mạnh thường quân. Tuy nhiên nếu đọc nguyên văn điều 3 ở công văn "Hỏa tốc" này thì thấy chút gì đó bất thường : "3. Trường hợp các tổ chức, cá nhân thật sự mong muốn trực tiếp trao hàng cứu trợ đến tận người dân, yêu cầu UBND các xã, thị trấn phải thông tin về UBND huyện, Thường trực Ban chấp hành Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện trước khi tiếp nhận để có phương án sắp xếp, bố trí lực lượng, phương tiện vận chuyển đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình cứu trợ".
Tại sao ông chủ tịch Lê Đức Thịnh không yêu cầu thư ký soạn điều 3 thế này sẽ tránh được sự nghi ngờ là cấp trên đang có ‘ý đồ’ với hàng cứu trợ : "3. Trường hợp các tổ chức, cá nhân thật sự mong muốn trực tiếp trao hàng cứu trợ đến tận người dân, yêu cầu UBND các xã, thị trấn chủ động có phương án sắp xếp, bố trí lực lượng, phương tiện vận chuyển đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình cứu trợ".
Cớ sự nào mà người viết ngờ vực thiện ý của ông chủ tịch Lê Đức Thịnh ?
Cựu luật sư Phạm Công Út kể : "Lần đó đi phát quà từ thiện, Ủy ban xã nói là cứ để hết tiền ủng hộ và quà cứu trợ ở trụ sở, xã sẽ phát cho từng hộ nghèo theo danh sách đã được lập. Ai cũng phải ngoan ngoãn nghe lời, chỉ có tôi và hai bạn nữa đánh xe vào tận bản làng, gặp nhà nào nghèo thì trao tiền và quà tận tay cho họ. Hỏi ra thì mới biết, lần đầu tiên trong đời họ mới được nhận quà cứu trợ, dù hầu như năm nào họ cũng bị thảm họa lũ lụt".
Không chỉ vậy, trên mạng xã hội đang có nhiều ý kiến được cho là từ đội ngũ dư luận viên của nhà chức trách, về hàm ý chụp chiếc mũ chính trị đối với những cá nhân, nhóm xã hội dân sự nào dám tự tay đi trao tặng quà cho người dân mà không theo sự dẫn dắt của chính quyền.
Từ thiện luôn hợp pháp
Luật sư Đặng Bá Kỹ, phân tích chi tiết về mặt pháp lý đối với chuyện đe dọa này từ một số dư luận viên :
"Cho tới thời điểm hiện tại, lũ lụt vẫn đang hoành hành, tàn phá ở miền Trung ! Chính trong những lúc nguy nan như vậy, mới thấy tình cảm đồng bào, nhân dân hướng về nhau thật lớn lao ! Rất nhiều bà con ở khắp mọi miền tổ quốc, cũng như hải ngoại, đã đóng góp tiền bạc, vật tư, nhu yếu phẩm… giúp người dân miền Trung trong cơn hoạn nạn. Một trong số đó, phải kể đến việc ca sĩ Thủy Tiên, đã kêu gọi được hơn 105 tỷ đồng (tính đến cuối ngày 20/10) đóng góp của nhân dân, giúp bà con vùng lũ.
Tuy nhiên, có một số "Chuyên gia pháp lý", đã viện dẫn vài quy định pháp lý, cụ thể là Nghị định 64 năm 2008 "Nghị định Về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo" của Chính phủ ; và đã căn cứ vào việc Nghị định này, chỉ cho phép một số tổ chức nhất định, được phép kêu gọi ủng hộ giúp khắc phục thiên tai – để rồi đã đi đến kết luận rằng : Việc ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi và nhận tiền để làm từ thiện là không đúng quy định của pháp luật hiện hành, là không hợp pháp !
Xin khẳng định ngay rằng : Lập luận pháp lý vừa nêu là hoàn toàn sai lầm, phiến diện và vớ vẩn ! Xin luận giải các khía cạnh pháp luật có liên quan.
Xác định quan hệ pháp luật
Bản chất của việc nhân dân quyên góp tiền bạc, tài sản để giúp bà con vùng lũ, đó chính là việc : Tặng cho tài sản (tiền, hiện vật như nhu yếu phẩm). Đây là một loại giao dịch dân sự phổ biến – là một quan hệ pháp luật dân sự.
Trong giao dịch tặng cho tài sản này, có sự xuất hiện của 03 loại chủ thể :
Thứ nhất : Những người quyên góp tiền bạc, vật chất khác – được gọi là Bên tặng cho tài sản !
Thứ hai : Bà con nhận cứu trợ tiền bạc, nhu yếu phẩm – được gọi là Bên nhận tặng cho tài sản.
Thứ ba : Nhóm những người kêu gọi và trực tiếp đi tới vùng lũ như ca sĩ Thủy Tiên hay những người khác – được gọi là Bên trung gian nhận vận chuyển và giao tài sản.
Nó đơn giản như việc ông A tặng cho ông B một chiếc xe máy, nhưng thay vì trực tiếp trao cho nhau, thì ở đây ông A nhờ ông C chuyển giúp. Y chang như vậy, không có gì khác cả.
Như vậy, trong vụ việc này, quan hệ pháp luật được hình thành giữa các bên là quan hệ pháp luật dân sự – và giao dịch dân sự giữa các bên là giao dịch tặng cho tài sản !
Quy định pháp luật được áp dụng
Như trên đã phân tích, quan hệ pháp luật được hình thành giữa các bên là quan hệ pháp luật dân sự, do đó, quan hệ pháp luật này sẽ do luật dân sự điều chỉnh.
Bộ luật Dân sự 2015 quy định : "Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng".
Trong khi đó việc kêu gọi ủng hộ và từ thiện của Thủy Tiên, cũng như những hội nhóm thiện nguyện khác, không bị quy định nào của Lluật cấm, nên không có gì là trái luật, và đương nhiên không trái đạo đức xã hội. Không những vậy, việc tặng cho tài sản là hợp pháp.
Cần nhớ rằng Nghị định 64 mà các "Chuyên gia pháp lý" nêu trên, là văn bản do Chính phủ ban hành, chỉ là văn bản dưới luật. Trong khi Bộ luật Dân sự quy định rõ : "Không vi phạm điều cấm của Luật" – tức phải là Văn bản do Quốc hội ban hành, mới có giá trị cấm. Hay nói cách khác, không thể viện dẫn bất kỳ quy định nào của Nghị định 64, để nói rằng Nghị định này cấm, nên không được làm. Vì Bộ luật Dân sự do Quốc hội ban hành có giá trị pháp lý cao hơn Nghị định của Chính phủ.
Do vậy, việc kêu gọi bà con, ủng hộ đồng bào vùng lũ của Thủy Tiên hay bất kỳ ai khác, là một hành động hợp pháp, đầy tính đạo đức và rất nhân văn, thể hiện tình cảm tương thân tương ai của nhân dân.
Giả định rằng, nếu có ai đó lợi dụng việc kêu gọi từ thiện, để rồi sau đó trục lợi cá nhân, thì đây là một câu chuyện khác, một vấn đề khác, không phải là điều chúng ta đang bàn đến ! Cho nên, cần phải tách bạch và phân biệt đúng bản chất pháp lý của các vấn đề khác xa nhau.
Và dù nhìn từ góc độ nào, tư duy pháp lý hay triết học đạo đức, thì việc từ thiện, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong khó khăn, hoạn nạn, luôn luôn là giá trị nhân ái cốt lõi của nhân loại !".
Thay lời kết
Luật sư Đặng Đình Mạnh cảm thán : Nếu có bầu cử tự do, cô ấy – tức ca sĩ Thủy Tiên, muốn ứng cử vào chức vụ gì mà công chúng đầy cảm tính lại không chiều lòng bỏ phiếu cho cô ấy, kể cả vị trí tứ trụ đang chỉ gồm những ông bà cụ lụ khụ, trông buồn bã.
Nhưng xem ra, tôi mong cô ấy không nên làm điều dại dột ấy. Vì ngắm sen giữa đầm, đôi khi cũng là một thị nghiệp không nên khuyến khích…
Hoài Nguyễn
Nguồn : VNTB, 21/10/2020
*****************************
Ca sĩ Thủy Tiên và từ thiện luôn hợp pháp!
Đặng Bá Kỹ, VietnamBusinessInsider, 20/10/2020
Cho tới thời điểm hiện tại, lũ lụt vẫn đang hoành hành, tàn phá ở Miền Trung ! Chính trong những lúc nguy nan như vậy, mới thấy tình cảm Đồng bào, Nhân dân hướng về nhau thật lớn lao ! Rất nhiều bà con ở khắp mọi miền Tổ quốc, cũng như Hải ngoại, đã đóng góp tiền bạc, vật tư, nhu yếu phẩm… Giúp người dân miền Trung trong cơn hoạn nạn. Một trong số đó, phải kể đến việc Ca sĩ Thủy Tiên, đã kêu gọi được hơn 105 tỷ đồng đóng góp của nhân dân, giúp bà con vùng lũ.
Tuy nhiên, có một số "Chuyên gia pháp lý", đã viện dẫn vài quy định pháp lý, cụ thể là Nghị định 64 năm 2008 "Nghị định Về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo" của Chính phủ; Và đã căn cứ vào việc Nghị định này, chỉ cho phép một số tổ chức nhất định, được phép kêu gọi ủng hộ giúp khắc phục thiên tai – Đã đi đến kết luận rằng : Việc ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi và nhận tiền để làm từ thiện là không đúng quy định của pháp luật hiện hành, là không hợp pháp !
Tác giả xin khẳng định ngay rằng : Lập luận pháp lý vừa nêu là hoàn toàn sai lầm, phiến diện và vớ vẩn ! Trong bài viết này, tác giả sẽ luận giải các khía cạnh pháp luật có liên quan để Bà con tham khảo.
I. Xác định quan hệ pháp luật
Bản chất của việc Nhân dân quyên góp tiền bạc, tài sản để giúp Bà con vùng lũ, đó chính là việc : Tặng cho tài sản (tiền, hiện vật như nhu yếu phẩm). Đây là một loại Giao dịch dân sự phổ biến – Là một quan hệ pháp luật Dân sự.
Trong giao dịch tặng cho tài sản này, có sự xuất hiện của 03 loại Chủ thể :
1. Thứ nhất : Những người quyên góp tiền bạc, vật chất khác – được gọi là Bên tặng cho tài sản!
2. Thứ hai : Bà con nhận cứu trợ tiền bạc, nhu yếu phẩm – được gọi là Bên nhận tặng cho tài sản.
3. Thứ ba : Nhóm những người kêu gọi và trực tiếp đi tới vùng lũ như Ca sĩ Thủy Tiên hay những người khác – được gọi là Bên trung gian nhận vận chuyển và giao tài sản.
Nó đơn giản như việc ông A tặng cho ông B một chiếc xe máy, nhưng thay vì trực tiếp trao cho nhau, thì ở đây ông A nhờ ông C chuyển giúp. Y chang như vậy, không có gì khác cả.
Như vậy, trong Vụ việc này, quan hệ pháp luật được hình thành giữa các bên là quan hệ pháp luật dân sự – Và giao dịch dân sự giữa các bên là giao dịch tặng cho tài sản !
II. Quy định pháp luật đã áp dụng
Như trên đã phân tích, quan hệ pháp luật được hình thành giữa Các bên là quan hệ pháp luật dân sự. Do đó, quan hệ pháp luật này sẽ do Luật Dân sự điều chỉnh.
Bộ luật Dân sự 2015 quy định : "Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng". Trong khi đó việc kêu gọi ủng hộ và từ thiện của Thủy Tiên, cũng như Những Hội nhóm thiện nguyện khác, không bị quy định nào của Luật cấm, nên không có gì là trái luật, và đương nhiên không trái đạo đức xã hội. Không những vậy, việc tặng cho tài sản là hợp pháp.
Cần nhớ rằng : Nghị định 64 mà các "Chuyên gia pháp lý" nêu trên, là Văn bản do Chính phủ ban hành, chỉ là Văn bản dưới luật. Trong khi Bộ luật Dân sự quy định rõ : "Không vi phạm điều cấm của Luật" – tức phải là Văn bản do Quốc hội ban hành, mới có giá trị cấm. Hay nói cách khác, không thể viện dẫn bất kỳ quy định nào của Nghị định 64, để nói rằng Nghị định này cấm, nên không được làm. Vì Bộ luật Dân sự do Quốc hội ban hành có giá trị pháp lý cao hơn Nghị định của Chính phủ.
Do vậy, việc kêu gọi Bà con, ủng hộ Đồng bào vùng lũ của Thủy Tiên hay bất kỳ ai khác, là một hành động hợp pháp, đầy tính đạo đức và rất nhân văn, thể hiện tình cảm tương thân tương ai của Nhân dân ta. Giả định rằng, nếu có ai đó lợi dụng việc kêu gọi từ thiện, để rồi sau đó trục lợi cá nhân, thì đây là một câu chuyện khác, một vấn đề khác, không phải là điều chúng ta đang bàn đến ! Cho nên, cần phải tách bạch và phân biệt đúng bản chất pháp lý của các vấn đề khác xa nhau. Và dù nhìn từ góc độ nào, tư duy pháp lý hay triết học đạo đức, thì việc từ thiện, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong khó khăn, hoạn nạn, luôn luôn là giá trị nhân ái cốt lõi của nhân loại !
Viết tại Sài Gòn, ngày 20/10/2020
Luật sư Đặng Bá Kỹ
*********************
Đại biểu quốc hội và Phó thủ tướng lên tiếng về việc cứu trợ
RFA, 21/10/2020
Đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách, trong trao đổi bên hành lang Quốc hội với báo giới nhà nước Việt Nam sáng 21/10, cho rằng, không nên máy móc chỉ có tổ chức nhà nước, tổ chức xã hội mới có quyền huy động kêu gọi quyên góp tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ mà nên quy định cá nhân cũng có quyền.
Người dân tại một làng quê ở tỉnh Nghệ An gói bánh chưng để cung cấp cho đồng bào vùng lũ. Ảnh chụp hôm 21/10/2020. Reuters
Nghị định 64/2008 về việc vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng… không quy định cho cá nhân được vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ. Điều 21 Nghị định này còn nêu rõ, cá nhân huy động, quản lý và phân phối sử dụng tiền, hàng cứu trợ trái với quy định tại Nghị định này thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Cũng theo báo chí trong nước, ca sĩ Thủy Tiên đã nhận khoảng 105 tỷ đồng tiền cứu trợ nạn nhân vùng lũ từ khắp nơi gởi về. Ông Lê Thanh Vân tin rằng ca sĩ Thủy Tiên và nhóm của cô không đi ban phát một cách bừa bãi. "Họ sẵn sàng chịu trách nhiệm trước những nhà tài trợ quyên góp vào quỹ đó cho họ. Chắc chắn họ sẽ sẵn sàng để minh bạch".
Liên quan chuyện cứu trợ, tại Hội nghị chỉ đạo ứng phó với bão và mưa, lũ các tỉnh miền Trung hôm 21/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định rằng, quá nhiều đoàn cứu trợ chỉ đi vào chỗ thuận lợi giao thông, còn những chỗ khó thì chưa vào. Chính vì thế có chỗ nhận được nhiều, có chỗ chẳng có gì…
Ộng đánh giá trong cả nhiệm kỳ của ông, lần này thiệt hại do lũ nặng nề nhất. Ông đề nghị Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục cử đoàn vào miền Trung để xem bà con cần hỗ trợ những gì để có biện pháp cứu trợ.
Nguồn : RFA, 21/10/2020
**************************
Lũ miền Trung : Ca sĩ Thủy Tiên quyên góp 100 tỷ, còn Việt Nam nên sửa luật ?
BBC, 20/10/2020
Tại Việt Nam, nhiều cá nhân đã giúp quyên góp tiền bạc cứu trợ trong bối cảnh lũ lụt đang gây thiệt hại nặng nề ở miền Trung.
Ca sĩ Thủy Tiên trao tặng hàng cứu trợ ở Thừa Thiên Huế ngày 20/10
Tuy nhiên, có luật sư chỉ ra rằng một văn bản pháp luật "lạc hậu" có thể khiến các việc làm thiện nguyện bị xem là phi pháp.
Những ngày gần đây, ca sĩ Thủy Tiên là một trong những cá nhân nổi bật khi đã kêu gọi đóng góp và nhận được hàng chục tỷ đồng cho đồng bào miền Trung.
Hôm 20/10, trên Facebook cá nhân, cô Thủy Tiên thông báo : "Số tiền quyên góp trong vòng 1 tuần cho đến thời điểm này là hơn 100 tỷ rồi".
Cô chia sẻ tâm trạng : "Bây giờ mình bắt đầu lo rồi, không biết ôm cục tiền này đi cứu trợ lũ lụt đến khi nào mình mới được về ổn định cuộc sống mà làm ăn…Nhưng nghĩ về niềm vui của bà con khi nhận được hỗ trợ và từng ngày trông chờ thì mình sẽ ráng cố gắng hết sức có thể".
Theo truyền thông, nhiều người nổi tiếng và công ty tư nhân ở Việt Nam cũng đang tham gia kêu gọi quyên góp.
Tuy nhiên, luật sư Ngô Ngọc Trai, từ Hà Nội, cho hay cần có quy định mới về pháp luật "tạo lập hành lang pháp lý bảo hộ cho những hoạt động cứu trợ như của ca sĩ Thủy Tiên".
Viết trên Facebook cá nhân, ông cho biết : "Hiện tại vấn đề vận động đóng góp cứu trợ thiên tai lũ lụt, hiện đang được điều chỉnh bởi Nghị định 64/2008/NĐ-CP của chính phủ về "Vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo"".
Ông chỉ ra : "Qua tìm hiểu thì thấy nội dung văn bản này quá lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế hiện nay.
Cụ thể nghị định 64 quy định chỉ những cơ quan đơn vị có tính nhà nước sau mới được tiếp nhận và phân phối tiền hàng cứu trợ.
1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ; Hội chữ thập đỏ Việt Nam ; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương ; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.
2. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định của chính phủ.
3. Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép ; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.
4. Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ".
Mới hơn, theo ông, theo thông tư 72/2018/TT-BTC của Bộ tài chính thì còn có thêm quy định về Các cơ quan thông tin đại chúng như báo, đài thì được tiếp nhận tiền hàng cứu trợ, nhưng không được phân phối đến cho tổ chức cá nhân, trừ trường hợp hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đã rõ đối tượng địa chỉ.
Đối với các cơ quan đơn vị là đầu mối tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ thì số tiền huy động được sẽ phải nộp trực tiếp vào tài khoản của Ban Cứu trợ do mặt trận tổ quốc thành lập.
Ông Ngô Ngọc Trai viết : "Như thế, xét theo quy định này thì không chỉ việc làm của ca sĩ Thủy Tiên, của diễn viên Trấn Thành, của nhiều nghệ sĩ khác hay các tổ chức tôn giáo, các doanh nhân uy tín muốn thiện nguyện phục vụ cộng đồng, đều không thực hiện đúng".
Trong khi đó, tạp chí của Hội Luật gia Việt Nam, Người đưa tin pháp luật, phỏng vấn luật sư Vũ Quang Bá (Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn AB & Partners, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội), người có diễn giải khác.
Ông Vũ Quang Bá cho rằng : "Hiện nay, hành động lập quỹ từ thiện, vận động, tiếp nhận và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện cho hoạt động nhân đạo được quy định tại Nghị định 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 và Nghị định 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019.
Ông nói : "Tuy nhiên, tại cả hai văn bản này chưa có quy định pháp luật nào cấm cá nhân vận động, tiếp nhận các nguồn đóng góp từ thiện".
"Tại Nghị định 64/2008/NĐ-CP Nhà nước còn quy định rõ, việc khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để cho cá nhân trong nước và ngoài nước đóng góp, cũng như tổ chức vận động đóng góp để nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, hay giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo… Hành vi cản trở cá nhân tham gia hoạt động cứu trợ nhân đạo được xem là một trong những hành vi bị cấm".
Theo luật sư Vũ Quang Bá : "Việc các cá nhân, tổ chức chuyển tiền, hàng cứu trợ thông qua một người, rồi sau đó người này thay mặt hoặc nhân danh họ chuyển tới những hoàn cảnh khó khăn như : Gặp thiên tai, hỏa hoạn, mắc bệnh hiểm nghèo… như là một hình thức ủy thác, thay họ thực hiện hoạt động từ thiện".
"Do đó, người tiếp nhận tiền, hàng hóa, phải thực hiện đúng mục đích của việc tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ mà mình đã công bố hoặc những cam kết với người ủy thác việc từ thiện về mục đích sử dụng tiền, hàng cứu trợ".
Trong khi đó, tình hình lũ lụt ở miền Trung Việt Nam vẫn đang diễn tiến phức tạp.
Hôm 20/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Trung ương đã về thăm hỏi, động viên và trao quà hỗ trợ người dân vùng lũ Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.
Mưa lũ ở Miền Trung : Dân lên mạng kêu cứu và phản ứng của Chính quyền
Cao Nguyên, RFA, 18/10/2020
Do tình hình mưa to kéo dài, mất điện, cộng thêm việc đập thuỷ điện xả nước khiến nước lũ lên nhanh trong đêm 17, rạng sáng ngày 18/10/2020. Nhiều khu vực ở tỉnh Quảng Trị bị cô lập. Nhiều người dân vùng lũ bất lực phải lên mạng Facebook kêu cứu.
Một làng ở Quảng Trị bị ngập lụt hôm 18/10/2020 - Reuters
Các khu vực như thành phố Đông Hà, huyện Triệu Phong, Cam Lộ, Hướng Hoá và Đakong (tỉnh Quảng Trị) bị ngập sâu trong nước. Làng xóm và các tuyến đường chính bị chia cắt vì nước lớn. Nhiều khu vực nhà dân bị nước lũ cô lập trong những ngày qua.
Theo báo chí trong nước đưa tin, trong đêm 17 rạng sáng 18/10, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Võ Văn Hưng chỉ đạo các lực lượng cứu hộ trên địa bàn phải dồn toàn lực để ứng cứu những người đang bị mắc kẹt tại các khu vực ngập lụt.
Tuy nhiên, không phải người dân nào kêu cứu cũng được sơ tán kịp thời.
Không liên lạc được đường dây cứu nạn
Ông V, một người dân ở huyện Cam Lộ, đã đăng tin kêu cứu đêm 17/10, nói với Đài Á Châu Tự do vào trưa ngày 18/10 rằng khi anh đăng tin kêu cứu thì nước đã vào nhà gần 2 mét, không liên lạc được với đường dây nóng cứu hộ. Cũng may gần sáng có người dân địa phương dùng ca-nô chở người già và trẻ nhỏ lên chỗ cao trước rồi :
"Hiện tại bây giờ đã an toàn rồi. Nước đang xuống rồi. Sáng nay kêu ca-nô họ không tới, điện họ không tới, không thấy liên lạc gì được. Đò và ca-nô của người dân địa phương ở đây đã di dời trẻ và ông già đi hết rồi.
Đêm qua nước lên gần 2 mét, mất điện 3 ngày rồi.
Sáng nay nước có xuống. Nước trong nhà ra rồi, ngoài sân còn tầm 1 mét nữa. Giờ cứ nhai mì sống rứa thôi"
Ông H, cũng nói rằng không thể liên hệ được với cơ quan cứu hộ. Gia đình ông phải kê đồ lên cao đợi đến khi ngừng mưa, nước tự rút :
"Bây giờ nước ra khỏi nhà rồi, ngập tầm 2 mét. Nghe bảo là không ai liên lạc được hết. Sau có một ông nói là buổi đêm họ không đi được.
Giờ đang mất điện, từ hôm qua, hôm kia, 3 ngày rồi".
Hình chụp hôm 18/10/2020 : quân đội đang tìm kiếm những người lính bị chôn vùi do lở đất ở Quảng Trị AFP
Chị Thảo, ở thành phố Đông Hà kêu cứu lúc 1 giờ sáng, đến 5 giờ thì được lực lượng cứu nạn đến đưa trẻ sơ sinh đi sơ tán trước. Những người còn lại trong gia đình phải giở nóc nhà ngồi chờ trắng đêm vì nước đã lên tới gần 2 mét rưỡi.
Vào năm 2013, một buổi diễn tập cứu trợ đồng bào lũ lụt diễn ra với quy mô quốc tế. Trong buổi diễn tập, Việt Nam đã huy dộng 800 nhân viên tìm kiếm cứu nạn, lực lượng tìm kiếm - cứu hộ, cứu nạn Việt Nam, huy động cả trực thăng, xuồng, ca-nô cao tốc, cầu phao và nhiều thiết bị quân sự tham gia vào tình huống giả định cứu trợ khẩn cấp vùng ngập lụt.
Nhưng khi trận lũ lịch sử vào đêm qua, vẫn chưa thấy có trực thăng, ca-nô cao tốc nào được huy động để sơ tán dân bị mắc kẹt trong vùng lũ.
Nhận được thông tin trễ, người dân "trở tay không kịp"
Vào sáng ngày 17/10, hồ chứa thủy lợi - thủy điện Quảng Trị thông báo xả nước qua tràn với lưu lượng ước đạt 1.110 m3/s, trong khi nhiều vùng hạ du của tỉnh này vẫn đang bị ngập lụt nặng nề.
Một phụ nữ lớn tuổi cầm bát cơm cạnh căn nhà ngập nước của bà ở Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị hôm 16/10/2020 AFP
Ông V, cho biết do bị cắt điện từ 3 ngày trước nên khi biết được thông báo xã lũ thì nước đã lên quá nhanh khiến ông "trở tay không kịp", khu vực nhà ở đã bị cô lập :
"họ thông báo là xả đập đăng trên Facebook nhưng mà bên chỗ khu em bị cách li, cô lập nên em không biết. Chỗ khác họ gọi điện báo rồi cũng nghe báo lại vậy thôi.
Do nước lên ban đêm quá nhanh nên trở tay không kịp. Công văn báo trước đó ngày hôm qua nhưng khu vực em bị mất điện nên không có có biết, chỉ nghe nghe mấy người ở bên kia thông báo thôi, chứ em không biết chính xác là họ đã thông báo từ thời điểm nào".
Tương tự, nhà chị Thảo cũng bị mất điện, không có mạng internet nên không thể tiếp cận thông tin :
"Nghe nói họ có thông tin trên mạng nhưng do nhà không có mạng nên cũng không biết nữa, chỉ nghe nói họ có thông báo trên Facebook.
Khi đó đâu có biết nước lên cao như rứa, cứ nghĩ nước mới lụt, mới ra nên không nghĩ là sẽ lụt lại mô. Với họ nói xả nước thì cũng ít thôi, té ra khi xả chừng mô thì nước nó lên chừng nấy".
Thêm một công văn của Tổng cục thủy văn, Trung tâm dự báo khí tượng quốc gia đăng tải trên website vào rạng sáng ngày 18/10 với nội dung sẽ có lũ đặc biệt lớn trên các con sông ở Quảng Trị, nước sẽ dâng cao kỷ lục, hơn cả mức lũ lịch sử năm 1999. Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, ngập lụt sâu xảy ra trên diện rộng.
Đáng nói, thời điểm đăng tải công văn này là rạng sáng ngày 18/10/2020. Lúc này, nước lũ đã lên rất cao, người dân chỉ còn cách kêu cứu trên mạng xã hội.
Trong diễn biến liên quan, một vụ sạt lở đất xảy ra tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị vào khoảng 1 giờ sáng ngày 18/10. Có 22 cán bộ thuộc Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 đã bị vùi lấp. Đến 17 giờ cùng ngày, đã tìm thấy 14 thi thể cán bộ, chiến sĩ.
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, tính đến 19 giờ ngày 18/10, mưa lũ tại các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên đã làm 84 người chết, 38 người mất tích, cảnh báo mức độ rủi ro thiên tai lên cấp 4 là mức cảnh báo gần cao nhất.
Cao Nguyên
Nguồn : RFA, 18/10/2020
Năm cựu tổng thống Mỹ cùng xuất hiện gây quỹ (VOA, 22/10/2017)
Tất cả năm cựu tổng thống Mỹ hiện còn sống hôm 21/10 đã tham gia một buổi hòa nhạc gây quỹ cho các nạn nhân bão ở Hoa Kỳ và các vùng lãnh thổ thuộc Mỹ như Puerto Rico và Virgin Islands trong những tháng gần đây.
Các cựu tổng thống Mỹ xuất hiện trên sân khấu hôm 21/10.
Các cựu Tổng thống Barack Obama, George W. Bush, Bill Clinton, George H.W. Bush và Jimmy Carter tham dự buổi hòa nhạc ở Texas.
Tổng thống Donald Trump không thể tham dự sự kiện, nhưng xuất hiện trong đoạn video được chiếu tại buổi hòa nhạc.
Đương kim tổng thống Mỹ đã cảm tạ mọi người đóng góp vào nỗ lực cứu trợ. Ông Trump tuyên bố rằng Hoa Kỹ sẽ hồi phục mạnh mẽ hơn và tốt đẹp hơn trước đây.
Lady Gaga biễu diễn tại buổi hòa nhạc.
Tổ chức của các cựu tổng thống có tên gọi "One America Appeal". Văn phòng của ông George H.W. Bush hôm 21/10 thông báo rằng tổ chức này đã gây quỹ được 31 triệu đôla từ hơn 80 nghìn người hảo tâm.
Các trận bão gần đây đã gây thiệt hại ước tính lên tới 300 tỷ đôla, và dự kiến, công tác phục hồi sẽ phải mất vài tháng, thậm chí vài năm.
Năm cựu tổng thống Mỹ trên đã cùng nhau nỗ lực quyên góp tiền cho các nạn nhân bão kể từ khi bão Harvey đổ vào Texas hồi tháng Chín.
Kể từ đó, cơn bão Irma tràn vào Puerto Rico và Florida, và bão Maria ảnh hưởng tới Puerto Rico và US Virgin Islands.
Những người tổ chức buổi hòa nhạc nói rằng tiền quyên được từ buổi biểu diễn sẽ được phân bổ qua nhiều tổ chức ở Texas, Florida, Puerto Rico và US Virgin Islands.
********************
Cựu Tổng thống Carter ‘sẵn lòng’ tới Bắc Hàn thay ông Trump (VOA, 22/10/20147)
Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter cho biết rằng ông sẵn lòng thay mặt chính quyền của ông Trump, tới Bắc Hàn giúp hóa giải căng thẳng leo thang.
Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter.
Reuters dẫn một bản tin của The New York Times đưa tin như vậy trên trang web của tờ báo này hôm 22/10.
"Tôi sẽ đi", ông Carter, 93 tuổi, nói với tờ báo như vậy, khi được hỏi trong cuộc phỏng vấn ở tư gia tại Georgia về việc liệu đã đến lúc tiến hành một bước đi ngoại giao khác và rằng liệu ông có sẵn sàng làm vậy cho Tổng thống Trump hay không.
Ông Carter, tổng thống thuộc Đảng Dân chủ từ năm 1977 tới 1981, cho biết rằng ông đã nói chuyện với cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, ông H. R. McMaster, một người bạn của ông, nhưng tới nay mới chỉ nhận được phản ứng tiêu cực.
"Tôi nói với ông ấy rằng tôi sẵn lòng nếu họ cần tôi", tờ The New York Times dẫn lời ông Carter nói.
Khi được thông báo rằng một số người ở thủ đô Washington cảm thấy lo lắng về cuộc khẩu chiến giữa ông Trump và lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un, ông Carter nói : "Tôi cũng lo lắng về tình hình này".
"Họ muốn cứu vãn chế độ của mình. Và chúng ta đã tính toán quá đà về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Bắc Hàn, nhất là đối với ông Kim", ông Carter nhận định và nói thêm rằng theo như ông biết, lãnh tụ trẻ tuổi của Bắc Hàn chưa từng tới Trung Quốc.
Ông nói thêm : "Họ không có quan hệ gì. Kim Jong-il từng tới Trung Quốc và thân thiết với họ".
Miêu tả lãnh tụ Bắc Hàn là người "khó đoán định", ông Carter bày tỏ lo lắng rằng nếu ông Kim nghĩ rằng ông Trump sẽ hành động chống lại mình, ông ta có thể thực hiện một hành động phủ đầu, theo The New York Times.
Ông Carter nói : "Tôi nghĩ rằng ông ta giờ đây đã có vũ khí hạt nhân tối tân có thể hủy diệt bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản và một số lãnh thổ ngoài rìa của chúng ta ở Thái Bình Dương, có thể thậm chí cả vùng đất liền [Mỹ]".
Hồi giữa những năm 90, ông Carter tới Bình Nhưỡng bất chấp phản đối của Tổng thống Bill Clinton, theo The New York Times, và đã đạt thỏa thuận với Kim Il Sung, ông của lãnh tụ trẻ tuổi hiện nay.