Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/10/2020

Vụ Thủ Thiêm : sao lại cứ ùn đẩy trách nhiệm đền bù cho dân ?

Cao Nguyên - RFA tiếng Việt

Khu Đô thị mới Thủ Thiêm : Di sản ông Nhân và kỳ vọng trong nhiệm kỳ ông Nên

Cao Nguyên, RFA, 23/10/2020

Từ giữa năm 2018, khi vụ việc ở Thủ Thiêm nóng trở lại, nhiều người dân ở đây đã nuôi hy vọng sẽ được đền bù thỏa đáng sau nhiều năm khiếu kiện ròng rã. Tuy nhiên cho đến nay, khi mà ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư thành phố Hồ Chí Minh đã rời chức vụ thì lời hứa về chuyện giải quyết về bồi thường tái định cư cho người dân vẫn chưa thực hiện xong.

thuthiem1

Khu Đô thị mới Thủ Thiêm bên bờ sông Sài Gòn nhìn từ trên cao - Photo : RFA

Khu Đô thị mới Thủ Thiêm là một dự án đầy tham vọng của thành phố Hồ Chí Minh từ đầu những năm 2000 với hy vọng biến nơi đây thành một trung tâm tài chính. Việc giải tỏa Thủ Thiêm đã khiến khoảng 60.000 người phải dời đi, nhưng đến giờ vẫn còn hàng trăm hộ gia đình đi khiếu kiện ra trung ương vì những sai phạm trong việc giải toả, đền bù ở Thủ Thiêm của chính quyền thành phố.

Thủ Thiêm - sự thất hứa của cả hệ thống

Trong suốt hơn 2 năm nay, lần lượt các lãnh đạo thành phố hứa giải quyết dứt điểm vụ Thủ Thiêm trong nhiệm kỳ này. Ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư thành phố hứa sẽ đền bù cho người dân trước tháng 9/2019. Ông Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Thanh Liêm thông báo sẽ hoàn thành bồi thường trong tháng 9/2020. Mới đây, ông Ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch UBND thành phố lại tiếp tục tuyên bố sẽ giải quyết dứt điểm vụ Thủ Thiêm trước tháng 6/2021.

Nhưng tất cả lời nói của những người trong bộ máy lãnh đạo thành phố đều chưa thực hiện được.

thuthiem2

Ông Nguyễn Thiện Nhân (phải), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tặng hoa chúc mừng ông Nguyễn Văn Nên hôm 11/10/2020 SGGP

Bà Nguyễn Thuỳ Dương, người theo sát và đòi quyền lợi cho người dân Thủ Thiêm nói rằng di sản mà ông Nguyễn Thiện Nhân để lại là sự "thất hứa" và "bất lực" của cả một hệ thống lãnh đạo :

"Tôi thấy đây là sự bất lực của ông Nhân, và không hẳn chỉ là một mình ông Nhân.

Thứ nhất khu vực ở Thủ Thiêm khi mà được chính quyền công nhận ngoài ranh là khu 4,3 ha thì vẫn không được giải quyết một cách rốt ráo theo nguyện vọng của người dân, theo thực tế. Tức là mức giá đề ra vẫn thấp hơn so với mức giá thị trường rất nhiều và nó có nhiều khúc mắc trong chính khu vực 4,3 ha này, dù đã được công nhận là ngoài ranh.

Cả hai bên vẫn chưa có bất kỳ một cuộc trao đổi pháp lý nào rõ ràng, sòng phẳng, rành mạch. Và với một hệ thống truyền thông đưa tin chưa được chính xác ở trong nước thì rất khó để phân định được rằng vấn đề pháp lý này là dân đúng hay chính quyền đúng. Đó là ở thời của ông Nhân.

Và còn một vấn đề nữa là khu vực 160 ha Tái định cư của người dân Thủ Thiêm bị mất. Với số đất đó và cái giá thị trường hiện nay thì làm sao để trả lại được đất cho người dân.

Cho nên tôi nhìn nhận nó không phải chỉ là sự thất hứa của ông Nhân, mà đây là sự bất lực của ông ấy, và là sự thất hứa của cả một hệ thống".

Người dân vẫn mòn mỏi ra Trung ương khiếu kiện

Ông Nguyễn hồng Quang, là một người dân ở Thủ Thiêm cho biết hiện nay hàng chục người dân Thủ Thiêm đang còn "đội đơn" ra Hà Nội khiếu nại khắp các cơ quan công quyền. Lần nào bà con cũng bị cưỡng chế bắt về đồn :

"Người dân người dân bây giờ vẫn còn đang ở Hà Nội. họ đi xe ôm để lên nhà ông Trương Hòa Bình, nhà ông Nguyễn Phú Trọng, ông Vượng, rồi văn phòng Thủ tướng. Sáng nay vẫn còn bị lùa lên xe họ kêu gào, khóc lóc cầu cứu".

thuthiem3

Người dân Thủ Thiêm, ngày 30/9/2020, căng băng-rôn trên khu đất đã bị Chính quyền quận 2 cưỡng chế sai pháp luật. Người dân Thủ Thiêm cung cấp

Ông Quang nói rằng tất cả những gì ông Nhân để lại cho người dân Thủ Thiêm không có gì ngoài những lời hứa :

"Cho đến thời điểm anh Nhân về hưu thì không có vấn đề gì xảy ra cả, ngoài những lời hứa. hết người này đến người khác.

Ở trên Trung ương đá banh về thành phố, rồi thành phố đá xuống Ủy ban quận 2, rồi Chủ tịch quận 2 cũng bác đơn hết. Không có giải quyết một vấn đề gì hết.

Không có một giải quyết nào, một cái giải trình nào cụ thể. Chỉ có họp tiếp xúc, báo chí đưa tin, người dân đưa lên công nhận, rồi phóng viên viết bài. Chứ không có một giải quyết nào cụ thể, thiệt tâm cả.

Cho đến giờ này họ không có khả năng hoặc họ phải đối diện với những tảng băng quá lớn hoặc là họ bao che không có cái gì được giải quyết hết.

Mấy chục năm qua rồi, họ ghi nhận rồi họ hứa sẽ báo cáo lên Thủ tướng, Quốc hội, báo cáo lên cấp trên. Tiếp xúc cử tri cũng ghi nhận, thông cảm, chia sẻ, cũng đau buồn, nhận lỗi rồi cũng đâu vào đó".

Kỳ vọng của người dân và đề xuất giải pháp

Ông Nguyễn Văn Nên được điều về lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh thay cho ông Nhân từ ngày 17/10/2020. Ông Quang hy vọng lãnh đạo chính quyền thành phố nhiệm kỳ mới sẽ thực hiện được những lời hứa còn dang dở mà ông Nhân để lại :

"Anh Nên trước đây chưa bao giờ "dính chàm" vụ Thủ Thiêm. Anh ở xa cho nên chưa dính. hy vọng là sẽ độc lập, khách quan, trung thực, lắng nghe người dân".

Nói về giải pháp nằm giải quyết dứt điểm khiếu nại của người Thủ Thiêm, ông Quang đề xuất :

"Đơn giản, thứ nhất là trong nhân dân có kiến trúc sư, có luật sư, có giáo sư luật, có những nhà quy hoạch, có những nhà tài chính… Cho nên tôn trọng quyền giám sát và lắng nghe góp ý của người dân thì chỉ cần một tiếng đồng hồ là sẽ có giải pháp.

Áp dụng chính sách đền bù mới, đúng pháp luật cho người dân, và luật sư sẽ tư vấn cho chính phủ là ở trong ranh bị đền bù rẻ mạt.

Còn ở ngoài ranh thì phải lập dự án trình cho Thủ tướng phê duyệt rồi thương lượng với người dân ở ngoài ranh. 4,3 ha là ngoài ranh, phải trả về nguyên trạng, thu hồi các các vùng đã cưỡng chế tàn bạo, đền bù vật chất tinh thần cho người dân, rồi mới lập dự án mới. Đó là đúng theo tinh thần chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đúng pháp luật".

Bà Nguyễn Thuỳ Dương đưa ra một giải pháp cụ thể hơn mà bà cho rằng sẽ có lợi cho cả đôi bên, chỉ cần chính quyền chịu lùi một bước :

"Có một hướng giải quyết có lợi cho cả đôi bên nhưng vấn đề là họ có làm hay không. Thứ nhất là đối với những hộ dân chưa nhận đền bù thì nên có một chính sách đền bù mới cho họ. Bởi vì cái quy hoạch Thủ Thiêm này sai về đền bù là sai ngay từ chính sách. Chính cái chính sách sai đã dẫn đến hậu quả là người dân phải gánh chịu và cả ngân sách bị thất thoát.

Như vậy, nếu như có thể thì UBND thành phố lùi một bước, ở chỗ là thu mua đất của một số doanh nghiệp lại, để ra một khu vực đất khoảng từ 20 đến 30 ha.

Thứ nhất là để tái định cư cho người dân chưa nhận đền bù. Thứ nhì là tạo nên một khu chợ ở phía Đông Sài Gòn. Khu chợ đó sẽ là khu chợ lớn nhất ở phía Đông. Và số ô trong khu chợ đó sẽ tương ứng với số hộ dân ở Thủ Thiêm đã bị giải tỏa.

Như vậy thì tất cả những hộ dân Thủ Thiêm đã bị giải tỏa với những mức giá đền bù rẻ mạt có thể quay về đó nhận một cái ki-ốt để họ kinh doanh làm ăn. Đó sẽ là một nơi ghi dấu lịch sử. Thứ hai, nó sẽ tạo ra một khu phức hợp mua bán lớn về thương mại, thuận lợi cho người dân phát triển.

Và một điều nữa là cái thiệt hại lớn nhất khi quy hoạch ở Thủ Thiêm, ngoài những cuộc đời của nhân dân ra thì còn thiệt hại về mặt văn hóa. Việc quy hoạch đã xóa bỏ toàn bộ văn hóa của người dân Thủ Thiêm. Như vậy thì trả lại cho người dân ở nơi đó một cái nền văn hóa là điều mà chính phủ cần phải cân nhắc hiện tại.

Bây giờ, quy hoạch đã xóa bỏ hết văn hóa chùa chiền, miếu mạo của họ. Văn hóa đó không chỉ của riêng người dân Thủ Thiêm mà của cả người dân trên cả nước Việt Nam này".

Năm 1996, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu đô thị Thủ Thiêm rộng 930 ha, bao gồm Khu đô thị mới 770 ha và Khu tái định cư cho người dân rộng 160 ha nằm giáp ranh, thuộc địa bàn phường An Khánh, An Lợi Đông, Bình An, Bình Khánh và Thủ Thiêm (quận 2).

Sau đó, chính quyền thành phố thu hồi luôn 160 ha dùng để tái định cư, chia nhỏ thành nhiều khu tái định cư khác và chuyển đi những nơi rất xa thành phố.

Còn lô đất 4,3 ha đã được Thanh tra chính phủ kết luận nằm ngoài ranh giới quy hoạch dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm vào tháng 6/2019. Trước đó, hơn 330 hộ dân trong khư vực này cũng bị cưỡng chế thu hồi đất để thực hiện dự án.

Tại Đại hội Đảng Thành phố Hồ Chí Minh ngày 18/10/2020, báo Nhà nước dẫn lời ông Nguyễn Thành Phong, nói rằng thành phố "sẽ hoàn tất bồi thường tái định cư cho người dân đối với những trường hợp còn lại. Tập trung khắc phục những vấn đề mà Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra. Tập trung xây dựng các khu tái định cư, để bồi thường tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng. Đồng thời, rà soát lại các trường hợp cần tái định cư bổ sung, giải quyết dứt điểm các trường hợp còn khiếu nại.

Vào ngày 12/10/2020, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập Thành phố Thủ Đức bao gồm 3 quận là quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức với diện tích hơn 211 km2 và dân số hơn 1 triệu người, định hướng xây dựng Thủ Thiêm thành một trung tâm tài chính tầm khu vực và quốc tế.

Cao Nguyên

Nguồn : RFA, 23/10/2020

*********************

Vì sao lại đổ chuyện xây dựng ‘Đô thị thông minh’ cho người dân ?

RFA, 23/10/2020

Hôm 22/10/2020, tại Diễn đàn cấp cao đô thị thông minh ASEAN (ASEAN Smart Cities Summit & Expo 2020) do Ban Kinh tế trung ương và Bộ Xây dựng phối hợp tổ chức ở Hà Nội, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phát biểu cho rằng ‘đô thị thông minh phải do chính người dân tạo nên, có quy hoạch xã hội tốt nhất’.

thuthiem4

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn cấp cao đô thị thông minh ASEAN (hôm 22/10/2020 ở Hà Nội. Courtesy chinhphu.vn

Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề xây dựng đô thị thông minh được đề cập đến. Chính quyền Việt Nam từng hô hào, đầu tư hàng ngàn tỷ đồng xây dựng thành phố thông minh, chính phủ điện tử... Nay qua phát biểu đó dường như Thủ tướng chuyền quả bóng trách nhiệm này cho người dân. Vậy thực chất trong phát triển đô thị thông minh, vai trò chính quyền quan trọng hơn hay sự đóng góp của người dân là quan trọng ?

Trả lời RFA hôm 23/10, Ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghệ BKAV, nhận định :

"Tôi nghĩ vai trò người dân và hạ tầng công nghệ quan trọng như nhau. Nếu như một hệ thống đô thị thông minh do nhà nước hoặc các doanh nghiệp có triển khai ra, nhưng người dân không tham gia tương tác, sử dụng, thì nó cũng không có giá trị. Và ngược lại nếu như chỉ có người dân mà chính phủ và các doanh nghiệp không đầu tư thì cũng không có tác dụng. Tại Việt Nam trong khoảng 2 năm trở lại đây, theo đánh giá của tôi, các công ty công nghệ cũng tương đối tập trung phát triển các giải giáp cho đô thị thông minh. Về phía lãnh đạo Chính phủ thì họ cũng đưa ra nhiều văn bản quy định, cũng như tham gia các diễn đàn, như lần này là một ví dụ. Tôi nghĩ xu hướng phát triển đô thị thông minh đang phát triển theo hướng tốt".

Theo Tổ chức nghiên cứu tiêu chuẩn công nghệ viễn thông ITU-T (The ITU Telecommunication Standardization Sector), một đô thị thông minh bền vững là một thành phố đổi mới sáng tạo sử dụng các công nghệ thông tin truyền thông và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu quả hoạt động dịch vụ đô thị, tính cạnh tranh, đồng thời đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai về các khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa...

Tại Việt Nam, theo nhiều chuyên gia, cứ trào lưu nào xuất hiện trên thế giới... thì sớm muộn gì cũng xuất hiện ở Việt Nam... đặc biệt xuất hiện qua tuyên truyền và các văn bản của Nhà nước. Việc áp dụng các xu hướng phát triển của thế giới trên văn bản được các cơ quan chức năng áp dụng rất nhanh. Nhưng từ lý thuyết đến triển khai vào thực tế thì không phải lúc nào cũng phù hợp.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Chủ tịch Hội tin học Việt Nam, khi trao đổi với RFA hôm 23/10 liên quan vấn đề này, cho biết ý kiến của mình :

"Tôi nghĩ việc xây đô thị thông minh là một chủ trương rất quan trọng, bởi vì với sự tiến bộ về công nghệ thông tin cũng như các công nghệ khác, thì bây giờ nó có khả năng giúp những đô thị đấy hoạt động một cách hiệu quả hơn xưa nhiều, từ vấn đề cung cấp năng lượng, nước, bảo vệ môi trường, cho đến điều phối giao thông và tất cả các lĩnh vực khác"…

thuthiem5

Diễn đàn cấp cao đô thị thông minh ASEAN (ASEAN Smart Cities Summit & Expo 2020) hôm 22/10/2020 ở Hà Nội. Courtesy chinhphu.vn

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, đây là một trào lưu rất đáng quan tâm để thực hiện sao cho tốt nhất. Đáng tiếc, theo ông, ở Việt Nam lại có một tâm lý chạy theo phong trào, vì vậy ông cho rằng, có lẽ cái gọi là đô thị thông minh, rồi cách mạng 4.0 cũng đại loại theo phong trào, ai cũng nói, nhưng chẳng hiểu nội dung của nó là thế nào cả... Ông dẫn chứng :

"Tôi có lần đến nơi gọi là Đô thị Ecopark nổi tiếng hay khét tiếng một thời, thì thấy những người kinh doanh ở đấy nói đây là đô thị thông minh thế này thế kia. Nhưng khi đến nơi thì thấy chẳng có gì gọi là thông minh theo nghĩa thực của từ ngữ cả, đấy chỉ là sáo ngữ, mà người ta rất hay dùng để lòe thiên hạ. Tôi rất sợ cái đô thị thông minh ở Việt Nam cũng tương tự như vậy, bây giờ nói về đô thị thông minh họ chủ yếu khoe ra những bảng điện tử rộng lớn, để cho các quan chức chính phủ có thể nhìn thấy ô tô chạy thế nào, chỗ nào kẹt xe, chỗ nào có tai nạn... Cái đấy cũng là một khía cạnh, nhưng không phải là tất cả, nếu ở đâu cũng làm và trương cái ấy lên thì tôi e rằng sẽ rất tốn kém, mà nó lệch hoàn toàn với ý nghĩa của một đô thị thông minh. Nó bóp méo khái niệm ấy và gây lãng phí, thậm chí dùng những công cụ như thế vào chuyện theo dõi người dân chẳng hạn, thì cũng không phải là cái gì hay ho".

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phát triển đô thị thông minh phải gắn kết chặt chẽ với hạ tầng thông tin mạnh, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số trong cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình phát triển đô thị Việt Nam. Tuy nhiên ông cũng cảnh báo các địa phương không được làm đô thị thông minh theo kiểu phong trào.

Vì sao Thủ tướng lại gắn trách nhiệm của người dân với việc xây dựng thông minh vào thời điểm này, trong khi người dân tại nhiều đô thị vẫn còn nhiều gánh lo cơm áo gạo tiền ?

Điều này cũng thật dễ hiểu, khi nhiều năm qua chính quyền hô hào, đầu tư hàng ngàn tỷ đồng xây dựng thành phố thông minh, chính phủ điện tử... Nhưng đến nay hiệu quả vẫn chưa rõ ràng.

Đơn cử như vào ngày 9/12/2019, chính phủ Việt Nam khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia trực tuyến. Tuy nhiên đến nay nhiều người vẫn cho rằng chỉ mang lại hiệu quả nửa vời.

Ông T., một người dân ở Sài Gòn cho biết ý kiến của mình về việc này :

"Việc giải quyết giấy tờ qua mạng đúng ra phải phải quyết từ lâu rồi, thời buổi thông tin internet mà. Phát triển thì cũng giúp cho người dân một ít thời gian, đỡ mất công đi lại, cái đó thì có. Nhưng lại nảy sinh ra tiêu cực khác, chẳng hạn rồi cũng phải đích thân đi lấy, nhiều khi có khâu còn bị tiền cò… hay phải tốn thêm lệ phí để chuyển về nhà. Nhưng không phải ai cũng làm được, trừ một số người thành thạo vi tính… tin học thì người ta mới làm được".

Theo Văn phòng Chính phủ, Cổng dịch vụ công quốc gia gồm 6 phần chính : cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính ; xác thực, đăng nhập một lần ; thanh toán trực tuyến ; hệ thống phản ánh, kiến nghị cho người dân, doanh nghiệp ; tích hợp các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương ; hỗ trợ trực tuyến và Tổng đài hỗ trợ.

Hiện Cổng dịch vụ công quốc gia cung cấp 5 dịch vụ công trực tuyến là : Đổi giấy phép lái xe ; thông báo hoạt động khuyến mại ; cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do mất, hỏng ; dịch vụ cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình) ; dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ doanh nghiệp).

Liệu cho đến nay, có nơi nào tại 63 tỉnh thành của Việt Nam được cho là một đô thị thông minh sau nhiều năm Chính phủ quy hoạch, hô hào ? Ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghệ BKAV, nói :

"Quy hoạch về đô thị thông minh đã nói rất nhiều tại Việt Nam, gần đây thì theo tôi nhận định đã có bước phát triển hơn rất nhiều. Tuy nhiên để nói thật sự có một nơi nào thực sự đã có đô thị thông minh, thì gần như là chưa có. Có một vài tỉnh có thể hiểu là đang bắt đầu triển khai đô thị thông minh rõ nét, ví dụ như ở Quảng Ninh chẳng hạn, có thể nói là đô thị thông minh, nhưng cũng chỉ ở giai đoạn ban đầu".

Xu hướng đô thị thông minh trên thế giới được cho là một xu hướng đúng đắn và nhiều nước đã áp dụng thành công. Nhưng ở thời điểm này, và trong tình trạng Việt Nam hiện nay, nếu đưa các tỉnh thành vào làm đô thị thông minh, ngay cả ở thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM thì vẫn chưa thể vì thiếu những yếu tố căn bản. Bản thân người dân cũng chưa được trang bị gì để góp phần vào công cuộc này.

Nguồn : RFA, 23/10/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Cao Nguyên, RFA tiếng Việt
Read 614 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)