Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/10/2020

Đảng hết "biện chứng" – Báo "lề dân" bị nhốt tù

Thu Thủy

Luật sư Nguyễn Văn Miếng, người bào chữa cho hai ông Phạm Chí Dũng và Nguyễn Tường Thụy cho biết cơ quan An ninh Điều tra, thuộc Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã kết thúc điều tra vụ án đối với 3 lãnh đạo của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam là ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn.

Hồ sơ vụ án đã được gửi sang Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố.

Tuy nhiên, thủ tục bào chữa của luật sư Nguyễn Văn Miếng đối với hai ông Phạm Chí Dũng và Nguyễn Tường Thụy hiện bị gây cản trở.

bao1

Ảnh chụp văn bản trả lời luật sư Nguyễn Văn Miếng của cơ quan An ninh Điều tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đề ngày 16/10/2020

Luật sư Miếng cho BBC biết ngay sau khi ông Phạm Chí Dũng bị bắt hồi tháng 11/2019 và ông Nguyễn Tường Thụy bị bắt mấy tháng sau đó vào tháng 05/2020, gia đình của các ông đã liên lạc với luật sư Miếng và đồng nghiệp Đặng Đình Mạnh để nhờ tham gia bảo vệ, bào chữa cho các ông.

Sau đó, Luật sư Miếng và luật sư Mạnh đã tiến hành các thủ tục theo luật định để xúc tiến việc có thể tham gia bào chữa cho hai ông Dũng và Thụy. Tuy nhiên sau khi gửi văn bản để đăng ký bào chữa thì cơ quan an ninh điều tra khi đó gửi một văn bản nói rằng khi nào kết thúc điều tra thì mới cho hai vị luật sư tham gia.

Bình thường khi kết thúc điều tra thì cơ quan đó phải gửi văn bản cho luật sư, nhưng ngược lại luật sư phải thường xuyên gửi văn bản yêu cầu cho được tham gia làm luật sư bào chữa. Luật sư Miếng đã phải gửi công văn, giấy tờ lặp lại việc đăng ký làm luật sư bào chữa thì đến hôm 16/10 cơ quan An ninh Điều tra mới gửi một thông báo và nói rằng họ vừa kết thúc điều tra xong hôm 15/10 và họ đã chuyển sang Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cùng với kết luận điều tra.

Nhưng thay vì việc gửi cho luật sư thông báo bào chữa thì cơ quan An ninh Điều tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh lại yêu cầu luật sư liên hệ với Viện Kiểm sát để được cấp thông báo bào chữa.

Luật sư Miếng nhận định cách làm của cơ quan An ninh Điều tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã gây mất thời gian cho các luật sư, buộc luật sư phải làm lại hồ sơ để đăng ký, trong khi Viện Kiểm sát có cấp ngay thông báo bào chữa cho các luật sư hay không đó lại là vấn đề khác.

Luật sư Miếng giải thích : "Thông thường, sau 24 giờ nhận được hồ sơ và đề nghị của luật sư, thì họ sẽ thông báo việc cấp thông báo bào chữa, tuy nhiên kinh nghiệm nhiều lần cho thấy chúng tôi nộp và thông qua đăng ký tại Viện Kiểm sát thì họ bắt đợi cho đến khi nào họ ra cáo trạng và khi đó thì họ sẽ chuyển qua Tòa án… Khi chuyển hồ sơ qua Tòa án như thế, người ta tới khi đó có thể mới cấp cho chúng tôi thông báo bào chữa, như vậy thì các luật sư mất đi rất nhiều thời gian để vào cuộc".

Luật sư Miếng nhấn mạnh do cơ quan An ninh Điều tra của Công an và nhà nước không cho luật sư được tham gia bảo vệ quyền lợi cho các thân chủ của mình ngay từ sau khi họ bị bắt, nên tới nay luật sư không có bất cứ một thông tin nào về các thân chủ của mình và bản thân gia đình hai ông Phạm Chí Dũng và Nguyễn Tường Thụy cũng không được gặp họ.

Luật sư Miếng cho biết hiện nay hai ông đều đang bị giam tại số 4 Phan Đăng Lưu, là trụ sở của cơ quan An ninh Điều tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh. Vị luật sư lưu ý là tuy bị giam ở số 4 Phan Đăng Lưu, nhưng hai ông lại thuộc sự quản lý của trại giam Chí Hòa, trại giam này có hai cơ sở : một là trại giam Chí Hòa và thứ hai nữa là tại số 4 Phan Đăng Lưu.

Cũng vì chưa có thông báo bào chữa mà các luật sư chưa được phép nghiên cứu hồ sơ, công tác bảo vệ quyền lợi cho các thân chủ của các luật sư bị ảnh hưởng rất nhiều.

bao2

Nhà báo Phạm Chí Dũng biểu tình yêu cầu Trung Quốc rút khỏi Biển Đông

Dự đoán về thời gian vụ án được đưa ra xét xử, luật sư Miếng đưa ra mốc thời gian sớm nhất là cuối năm nay.

Ông lý giải : "…thường thì một tháng nữa, sau khi Viện Kiểm sát hoàn thành và chuyển cáo trạng qua Tòa án, sau đó thêm một tới hai tháng nữa, nếu không sớm hơn và không có gì đặc biệt, thì Tòa án sẽ xét xử".

Về tội danh của hai nhà hoạt động dân sự, luật sư Miếng nhận định : "Thông thường các vụ án hình sự ở Việt Nam rất ít khi thay đổi tội danh, người ta có thể thay đổi giữa khung này với khung khác, nhưng tội danh thì ít khi thay đổi, và hai ông Dũng và Thụy đã bị họ truy tố về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm chống nhà nước mà được quy định theo điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017, thì theo tôi là ít khi họ sửa đổi tội danh… Trừ trường hợp có gì đặc biệt mà phải bổ sung điều tra, mà Tòa trả lại hồ sơ, thì ít khi họ thay đổi tội danh của hai ông và khả năng cao là các ông sẽ bị xét xử theo đó".

Bà Nguyễn Thị Lân, vợ của Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam – ông Nguyễn Tường Thụy ngày 21/10 đã bày tỏ quan điểm trên facebook cá nhân như sau :

"Vu án về hội nhà báo độc lập đã kết thúc điều tra . Vậy là họ truy tố 3 người gồm Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn. Không biết họ điều tra cái gì khi những người này không hề vi phạm gì theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành. Tôi cực lực lên án nếu chính quyền kết tội họ !

Để đòi được công lý cho những người nằm trong đó có chồng tôi – anh Nguyễn Tường Thuỵ, tôi tha thiết cầu mong sự lên tiếng của các cá nhân, tổ chức của Việt Nam và cộng đồng quốc tế, các tổ chức nhân quyền kêu gọi trả tự do cho chồng tôi Nguyễn Tường Thuỵ, Phạm Chí Dũng và Lê Hữu Minh Tuấn".

bao3

Ảnh buổi họp thường kỳ Chi hội Miền Bắc của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam tháng 09/2016 trong đó có nhà báo Nguyễn Tường Thụy

Ngày 21/11/2019, Cơ quan An ninh điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Phạm Chí Dũng (sinh năm 1966) về tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 117 – Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ông Phạm Chí Dũng là Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam, một hội dân sự không được nhà nước Việt Nam thừa nhận. Ông Phạm Chí Dũng có học vị Tiến sĩ Kinh tế, từng là công tác tại Ban An ninh Nội chính Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước sự việc ông Phạm Chí Dũng bị bắt, ông Nguyễn Tường Thụy khi đó là Phó Chủ tịch Hội đã bày tỏ sự sửng sốt bởi ông đánh giá cao cách viết lách và sự cẩn thận trong viết lách của ông Phạm Chí Dũng.

Ông Thụy lý giải : "Thí dụ ông Dũng luôn tin tưởng những bài viết của mình không vi phạm pháp luật. Thứ hai, tôi được biết rằng ông rất thận trọng trước các bài viết thiếu căn cứ, những ngôn từ xúc phạm và những bài ấy ông đều xét duyệt rất là kỹ… Và qua thực tế đọc những bài viết của ông Dũng, thì tôi nghĩ rằng ông Dũng không nằm trong chuyện là tuyên truyền chống nhà nước".

Ông Thụy cho rằng có thể có một ‘thông điệp’ ‘không tốt và nguy hiểm’ đằng sau vụ bắt giữ và khởi tố hình sự với nhà báo Phạm Chí Dũng, ông nói : "Cái thông điệp của họ là đây là một bước đi tôi nghĩ là không tốt và nguy hiểm trong việc đàn áp báo chí tự do… Cho nên thông điệp của họ bắt Phạm Chí Dũng là cũng răn đe những người viết báo tự do khác".

bao4

Nhà báo Nguyễn Tường Thụy biểu tình cũng nhà báo Phạm Đoan Trang, hai người cũng bị bắt trong năm nay

Thực tế đã chứng minh cách nhìn nhận về chính quyền cộng sản của nhà báo Nguyễn Tường Thụy là hoàn toàn có cơ sở khi sau đó nhà cầm quyền đã tiến hành bắt giữ hàng loạt các nhà báo, nhà hoạt động xã hội, trong đó có chính ông Thụy.

Hôm 21/05/2020, Nhà văn Phạm Chí Thành (bút danh Phạm Thành), chủ trang blog Bà Đầm Xòe, là tác giả cuốn sách chỉ trích Đảng cộng sản Việt Nam và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gây xôn xao dư luận, đã bị an ninh cộng sản bắt giữ.

Hai ngày sau đó, ngày 23/05/2020, ông Nguyễn Tường Thụy đã bị bắt tại Hà Nội và đã bị dẫn giải vào Sài Gòn, an ninh đã đọc lệnh khởi tố ông Thụy về tội "Tuyên truyền chống phá nhà nước". Ông Nguyễn Tường Thụy sinh năm 1952, là cựu chiến binh ở Việt Nam tuy đã ra khỏi Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Đến ngày 12/06/2020, Cơ quan An ninh điều tra Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt giam thêm một thành viên của Hội Nhà báo độc lập : Lê Hữu Minh Tuấn, tên thường gọi là Lê Tuấn.

bao5

Thành viên Hội Nhà báo độc lập Việt Nam Lê Tuấn (phải) chụp với nhà thơ Bùi Minh Quốc năm 2017

Theo nhà báo Đoan Trang, người cũng mới bị nhà cầm quyền cộng sản bắt tại Sài Gòn hôm 07/10 vừa qua, so với hai thành viên bị bắt trước đây là ông Phạm Chí Dũng (SN 1966, bị bắt ngày 21/11/2019) và ông Nguyễn Tường Thụy (SN 1952, bị bắt ngày 23/05 vừa qua), thì Lê Tuấn còn rất trẻ, mới ngoài 30 tuổi (sinh ngày 20/03/1989), quê gốc Quảng Nam.

Lê Tuấn đã tốt nghiệp Đại học Đà Nẵng, chuyên ngành khoa học lịch sử, và hiện đang học thêm bằng thứ hai tại Đại học Luật Hà Nội. Những tháng sau khi Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Phạm Chí Dũng bị bắt, Tuấn liên tục bị cơ quan an ninh mời, triệu tập làm việc, với ý đồ rõ rệt là muốn mở rộng vụ án, bắt thêm nhiều thành viên nữa của Hội. Lê Tuấn ghi danh tham gia Hội Nhà báo Độc lập từ năm 2015. Là một trí thức trẻ, anh nhận thấy những bất công trong xã hội từ rất sớm và lâu nay vẫn thường xuyên theo dõi sát sao các vận động của tình hình chính trị trong nước cũng như phong trào dân chủ Việt Nam. Cũng với chuyên môn về sử học của mình, Tuấn vẫn ấp ủ mong mỏi một ngày nào đó sẽ viết một cuốn sách về lịch sử tiến trình dân chủ hóa đất nước.

Thu Thủy (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 26/10/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Thủy
Read 442 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)