Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/10/2020

Chính sách đối ngoại Mỹ sẽ thế nào nếu Trump tái đắc cử ?

Walter Russell Mead

Mọi khả năng vẫn đang chống lại Donald Trump nhưng ông vẫn có ý định giành thêm một nhiệm kỳ nữa. Ít nhất, về chính sách đối ngoại, nhiệm kỳ thứ hai có thể sẽ còn mang lại nhiều thay đổi và khác thường hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên của ông.

policy1

Đối với Trump, tất cả chỉ là đòn bẩy, và để đạt được thỏa thuận mong muốn, ông sẽ đưa ra những nhượng bộ lớn và không theo quy luật nào.

Hầu hết các tổng thống nhiệm kỳ hai đều mong muốn tạo được dấu ấn trong chính sách đối ngoại. Điều này một phần là do ảnh hưởng chính trị của tổng thống ở trong nước giảm đi khi nhiệm kỳ thứ hai dần kết thúc, trong khi ở nước ngoài, tổng thống tương đối rảnh tay hành động ngay cả khi sắp kết thúc nhiệm kỳ hai. Vì vậy các vị tổng tư lệnh thường đi tìm những đột phá về ngoại giao. Bill Clinton và George W. Bush đều dành nhiều nỗ lực để đạt được một thỏa thuận giữa Israel và Palestine trong nhiệm kỳ thứ hai của mình. Barack Obama đã ký thỏa thuận Iran và Hiệp định Khí hậu Paris. Là một nhân vật khác thường, Trump có khả năng cũng sẽ tìm kiếm những di sản cho mình ở nước ngoài.

Các tổng thống nhiệm kỳ hai có một đặc điểm quan trọng khác : Họ có xu hướng tin tưởng vào bản năng của mình hơn. Được bầu một lần có thể có nghĩa là bạn may mắn ; được bầu hai lần chắc chắn có nghĩa là bạn giỏi. Trump chưa bao giờ là một người ngần ngại khi nói đến sự tin tưởng vào bản năng của mình. Nếu ông gây sốc cho các chuyên gia bằng cách giữ lại Nhà Trắng, ông sẽ càng tin rằng phương pháp và niềm tin của mình là đúng đắn. Với sự tự tin đó và mong muốn ghi dấu ấn trong các hoạt động đối ngoại, Trump sẽ quay lại chương trình nghị sự cũ của mình với một năng lượng mới — và tiếp tục khinh miệt các quan chức và chuyên gia đối ngoại ở Mỹ cũng như nước ngoài nào coi thường ông.

Nhiệm kỳ thứ hai của Trump có thể sẽ được thúc đẩy bởi nhiệm vụ tìm kiếm "các thỏa thuận", các giao dịch với các nhà lãnh đạo khác, thậm chí còn nhiều hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên. Điều này có thể gây khó chịu cho những người xung quanh ông đang tìm cách tạo dựng một nền tảng thể chế cho một cách tiếp cận lâu dài đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc và an ninh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đối với Trump, tất cả chỉ là đòn bẩy, và để đạt được thỏa thuận mong muốn, ông sẽ đưa ra những nhượng bộ lớn và không theo quy luật nào. Trung Quốc, Nga, Iran, Triều Tiên, Venezuela : Chính sách của ông Trump có thể là tìm kiếm các thỏa thuận kịch tính nhưng không phải lúc nào cũng thực chất hoặc bền vững.

Điều này gây ra một số hậu quả. Nó củng cố sự thờ ơ tương đối của Trump đối với chính sách ngoại giao dựa trên nhân quyền. Nó củng cố sở thích của ông đối với ngoại giao giữa các quốc gia có chủ quyền thay vì dựa trên các quy tắc đa phương, đồng thời càng khiến ông thiếu kiên nhẫn đối với các thể chế quốc tế. Nó sẽ khiến Trump tiếp tục tìm kiếm các mối quan hệ cá nhân tốt với ngay cả những nhân vật gây tranh cãi và đối nghịch nhất trên đấu trường thế giới.

Nhiệm kỳ thứ hai ít nhất sẽ hỗn loạn như nhiệm kỳ đầu tiên. Điều này không chỉ đơn giản là vì tổng thống sẽ vô kỷ luật và thờ ơ đối với các tiến trình và đưa ra các quyết định dựa trên trực giác nhiều hơn là phân tích. Đối với Trump, sự hỗn loạn không chỉ là một sự lựa chọn hay thậm chí là một thói quen. Nó còn là một công cụ để giữ quyền kiểm soát tối cao trong tay mình. Việc một dòng tweet của tổng thống vào bất cứ lúc nào cũng có thể đảo ngược một chính sách mà các trợ lý đã nỗ lực trong nhiều tháng để đạt được sẽ khiến cấp dưới bẽ mặt, phẫn nộ, và xa lánh, nhưng Trump vẫn nắm quyền kiểm soát. Trong cẩm nang của Trump, khiến cho các cộng sự và đối thủ của bạn phải luôn suy đoán, mất phương hướng, chính là một chiến thuật để thành công. Các quan chức luôn có thể bị thay thế ; quyền lực cần được bảo tồn.

Với việc hầu hết những người theo chủ nghĩa tân bảo thủ và những người theo chủ nghĩa quốc tế Cộng hòa truyền thống đã rời đi, thế giới chính sách đối ngoại của Đảng Cộng hòa sẽ chỉ còn bao gồm phần lớn những người kiềm chế ôn hòa kiểu Rand Paul và những người theo chủ nghĩa đơn phương diều hâu như Tom Cotton. Các phe nhóm này bất đồng về việc chính sách đối ngoại "Nước Mỹ trên hết" nên như thế nào. Đối với một số người như Paul, ngay cả thách thức đến từ Trung Quốc cũng không đủ để biện minh cho một thế hệ mới các chính sách liên minh và quốc phòng toàn cầu. Nhật Bản có đủ plutonium để chế tạo hàng nghìn vũ khí hạt nhân. Tại sao Mỹ phải trả các hóa đơn cho quốc phòng cho châu Á khi Tokyo, Seoul và những nước khác có những gì họ cần để tự kiềm chế Bắc Kinh ?

Còn những người như Cotton tin rằng thách thức đến từ Trung Quốc và mối đe dọa tiếp diễn của chủ nghĩa khủng bố, cùng với những mối lo ngại khác, đòi hỏi Mỹ phải giữ vị trí tối cao về công nghệ và quốc phòng. Họ cho rằng phòng thủ sớm là thông minh hơn so với chờ kẻ thù tấn công Hoa Kỳ trước.

Dù bản năng sâu xa nhất của ông ta là gì – có lẽ theo hướng của Paul hơn so với Cotton- Trump có thể coi việc giữ cân bằng giữa hai phe là một phần trong chiến lược kiểm soát môi trường chính trị Đảng Cộng hòa. Trump sẽ đôi khi nghiêng theo hướng này và đôi khi theo hướng khác, có lẽ với mục đích là khiến cho cả hai bên phải cạnh tranh để giành được sự ủng hộ của ông. Biện pháp này cho đến này đã mang lại hiệu quả cho Trump.

Walter Russell Mead

Nguyên tác : "What in the World if Trump Wins ?", The Wall Street Journal, 26/10/2020.

Trần Hùng dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 27/10/2020

Walter Russell Mead là Giáo sư về Ngoại giao và Nhân văn tại Đại học Bard, và Nghiên cứu viên Xuất sắc về Chiến lược và Kỹ năng lãnh đạo tại Viện Hudson.

**********************

Tư lệnh Mỹ : Quân đội có thể 'tham chiến bảo vệ Senkaku' tại Biển Hoa Đông

BBC, 27/10/2020

Tư lệnh của lực lượng Mỹ tại Nhật Bản nói khả năng của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và quân đội Mỹ có thể được sử dụng để "đưa quân tham chiến bảo vệ" quần đảo Senkaku ở Biển Hoa Đông.

policy2

Tàu của Hải quân Hoa Kỳ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản khởi đầu cuộc tập trận Keen Sword 21 hôm 26/10/2020

Trung tướng Kevin Schneider đưa ra tuyên bố trên trong buổi nói chuyện với các phóng viên hôm thứ Hai trên một tàu khu trục của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải, trong cuộc tập chung quy mô lớn, có tên Keen Sword 21 (KS21), giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản bắt đầu cùng ngày, theo Reuters.

Ông nói quân đội Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đang nỗ lực "phát triển các cách thức mới và tốt hơn để vận hành và tích hợp hơn nữa các cuộc tập trận như thế này".

Ông nói rằng một cuộc tập trận như Keen Sword 21 "thể hiện rõ ràng khả năng liên minh ngày càng tăng của liên minh Mỹ-Nhật".

Trung tướng Schneider nhấn mạnh khả năng vận chuyển nhân viên của hai quốc gia "có thể được sử dụng để đưa quân tham chiến bảo vệ Senkaku".

policy3

Phó Thủ tướng Nhật bản Taro Aso và Trung tướng Kevin Schneider (phải) trong dịp kỷ niệm 60 năm ký hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ tại Iikura Guesthouse ở Tokyo vào ngày 19/1/2020

Các quan chức từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản coi phát biểu của Trung tướng Kevin Schneider như một lời cảnh báo với Trung Quốc, nước đang đẩy mạnh các hoạt động của mình ở vùng biển gần quần đảo Senkaku.

Nhật Bản kiểm soát Senkakus. Trong khi Trung Quốc và Đài Loan tuyên bố chủ quyền trên quần đảo này. Chính phủ Nhật Bản duy trì các hòn đảo là một phần vốn có của lãnh thổ Nhật Bản.

Vào tháng 7, Schneider cam kết hỗ trợ Nhật Bản về quần đảo này. Ông cho biết đất nước của ông "hoàn toàn kiên định 100% trong cam kết giúp đỡ" chính phủ Nhật Bản về tình hình.

Theo thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, cuộc diễn tập thực địa hai năm một lần do Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ tài trợ, được gọi là Keen Sword 21, bắt đầu ngày 26/10.

Tập trận Keen Sword 21, kéo dài đến hết ngày 5/11, được thiết kế để nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và khả năng tương tác giữa Nhật-Mỹ, đồng thời củng cố mối quan hệ song phương và thể hiện quyết tâm của Mỹ trong việc hỗ trợ lợi ích an ninh của các đồng minh và đối tác trong khu vực, theo thông cáo trên.

Keen Sword 21 là cuộc tập trận lớn đầu tiên kể từ khi Yoshihide Suga trở thành thủ tướng Nhật Bản tháng trước, với cam kết sẽ tiếp tục xây dựng quân đội nhằm chống lại Trung Quốc, quốc gia tuyên bố chủ quyền các đảo do Nhật Bản kiểm soát ở Biển Hoa Đông, Reuters đưa tin.

"Tình hình an ninh xung quanh Nhật Bản ngày càng trở nên nghiêm trọng. Điều này cho chúng tôi cơ hội thể hiện sức mạnh của liên minh Nhật-Mỹ", Tướng Koji Yamazaki, chỉ huy quân sự hàng đầu của Nhật Bản nói trên tàu sân bay trực thăng Kaga ở vùng biển phía nam Nhật Bản.

Thủ tướng Nhật bản Yoshihide Suga, trong tháng này, đã đến thăm Việt Nam và Indonesia như một phần trong nỗ lực của Nhật Bản nhằm tăng cường quan hệ với các đồng minh quan trọng của Đông Nam Á.

Chuyến đi này diễn ra sau cuộc họp tại Tokyo của "Bộ tứ", một nhóm không chính thức gồm Ấn Độ, Úc, Nhật Bản và Hoa Kỳ mà Washington coi như bức tường thành chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng trong khu vực của Trung Quốc.

Theo Reuters, Bắc Kinh đã tố cáo đây là một "NATO mini" nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc.

Nhật Bản đặc biệt lo ngại về sự gia tăng hoạt động của hải quân Trung Quốc xung quanh các đảo tranh chấp ở Biển Hoa Đông mà Tokyo gọi là Senkaku và Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.

"Bất chấp tác động toàn cầu to lớn từ Covid, Liên minh Mỹ-Nhật không chùn bước và chúng tôi vẫn sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng". Trung tướng Kevin Schneider, tư lệnh của lực lượng Mỹ tại Nhật Bản, khẳng định.

Ước tính có khoảng 9.000 nhân viên từ Hải quân, Không quân, Lục quân và Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tham gia cuộc tập trận, bao gồm các tàu từ Nhóm tấn công Hàng không Mẫu hạm Ronald Reagan và hơn 100 máy bay từ những đơn vị khác của Mỹ.

Các đơn vị từ quân đội Mỹ và đối tác Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ huấn luyện theo một kịch bản toàn diện, được thiết kế để thực hiện các khả năng quan trọng cần thiết để hỗ trợ phòng thủ Nhật Bản và ứng phó với một cuộc khủng hoảng hoặc tình huống bất thường ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, thông cáo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho hay.

Nguồn : BBC, 27/10/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Walter Russell Mead, Trần Hùng, BBC tiếng Việt
Read 486 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)