Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tổng thống Mỹ Biden lên án nguyên thủ Nga Putin là "kẻ sát nhân"

Thanh Hà, RFI, 18/03/2021

Căng thẳng Washington – Moskva đột ngột gia tăng vào hôm 17/03/2021 sau khi tổng thống Mỹ Joe Biden tố cáo đồng nhiệm Nga, Vladimir Putin là một "kẻ sát nhân". Để trả đũa, điện Kremlin triệu hồi đại sứ Nga tại Mỹ.

joe1

Ảnh tư liệu : Joe Biden, phó tổng thống Mỹ gặp thủ tướng Nga Vladimir Putin, ngày 10/03/2011 tại Moskva, Nga.  AP – Alexander Zemlianichenko

Trả lời câu hỏi của nhà báo George Stephanopoulos trên đài truyền hình ACB : "Ông có nghĩ (Putin) là kẻ sát nhân hay không ?", tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trả lời là "Có" nhưng không đi sâu vào chi tiết. Giới phân tích không biết nguyên thủ Hoa Kỳ có muốn nhắc tới vụ nhà đối lập Nga Alexeï Navalny bị ám sát hụt hồi tháng 08/2020 hay không.

Ngoài ra trong bối cảnh Moskva liên tục bị tố cáo can thiệp vào bầu cử tổng thống Hoa Kỳ hồi năm 2016 và 2020, lãnh đạo Nhà Trắng cảnh báo Nga sẽ phải "trả giá" cho các hành vi can thiệp vào chính trường Mỹ.

Thông tín viên đài RFI Daniel Vallot từ Moskva giải thích :

"Vladimir Putin có phải là kẻ sát nhân hay không ? Câu hỏi này đã nhiều lần được nên lên với các lãnh đạo Mỹ trong những năm gần đây. Nhưng đây là lần đầu tiên một tổng thống đương nhiệm trả lời là "có" khi được hỏi.

Donald Trump trước đây đã hai lần tránh né trả lời câu hỏi này và khẳng định là không có bằng chứng về cáo buộc trên nhắm vào ông Putin. Báo chí Moskva đã nhắc lại là hai ứng viên tổng thống Hoa Kỳ, cố thượng nghị sĩ John McCain và thượng nghị sĩ bang Massachusetts, Mitt Romney, đã từng tố cáo nguyên thủ Nga là một kẻ giết người.

Moskva biết Joe Biden sẽ là một vị tổng thống cương quyết. Ông sẽ có quan điểm đối với Nga cứng rắn hơn nhiều so với người tiền nhiệm là Donald Trump. Tuy nhiên, công luận bất ngờ về tuyên bố vừa qua cho dù là nguyên thủ Mỹ chỉ trả lời "có" trước một câu hỏi của một phóng viên.

Đây có thể là một giai đoạn căng thẳng ngoại giao mới giữa hai nước. Ngoài ra, Moskva cũng cho rằng Mỹ sẽ nhanh chóng ban hành han các biện pháp trừng phạt nhắm vào nước Nga". 

Nga triệu hồi đại sứ để phản đối

Chỉ vài giờ sau tuyên bố của tổng thống Biden về đồng nhiệm Putin, Moskva triệu hồi đại sứ Nga tại Washington. Ông Anatoli Antonov sẽ rời khỏi thủ đô Mỹ trước ngày thứ Bảy 20/03.

Bộ Ngoại giao Nga tuy nhiên tìm cách giảm thiểu mức độ căng thẳng qua tuyên bố "tìm kiếm những phương tiện để điều chỉnh quan hệ song phương đang trong giai đoạn khó han và quan hệ đó đã bị Washington đẩy vào ngõ cụt trong những năm gần đầy". Chủ tịch Hạ Viện Nga Viatcheslav Volodin với lời lẽ gay gắt hơn cho rằng tổng thống Biden đã "thóa mạ" và xúc phạm đến các công dân Nga, cả nước Nga bị tổn thương.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng có dấu hiệu hòa hoãn với tuyên bố không có ý định triệu hồi đại sứ Mỹ tại Moskva đồng thời chủ trương "mở tất cả những kênh đối thoại" vì lợi ích của Hoa Kỳ và giảm thiểu những "hiểu nhầm" trong quan hệ song phương.

Trái với thái độ hòa hoãn của Bộ Ngoại giao, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki trong cuộc họp báo hôm 17/03 nhắc lại, trước những cáo buộc Nga đã can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ, chính quyền Biden sẽ "không ngoảnh mặt nhìn đi nơi khác" như dưới thời chính quyền Trump.

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 18/03/2021

*******************

Tình báo Mỹ : Nga từng định can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống 2020

Thụy My, RFI, 17/03/2021

Theo một báo cáo của cơ quan tình báo Mỹ (DNI) được công bố hôm 16/03/2021, tổng thống Nga Vladimir Putin rất có thể đã toan can thiệp để phần thắng nghiêng về ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Moskva bác bỏ cáo buộc này.

joe2

Ảnh tư liệu : Tranh luận giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng viên đảng Dân Chủ Joe Biden tỏng cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, tại Case Western Reserve University, Cleveland, Ohio, Mỹ, ngày 29/09/2020.  Reuters – Jonathan Ernst

Báo cáo dài 15 trang cho rằng cần chú ý đến vai trò của ông Putin, vì những nhân vật thân Nga như dân biểu Ukraina, Andrei Derkach, đã nhờ đến các chính khách Mỹ trong chiến dịch tố cáo Joe Biden và con trai ông là Hunter. Theo đó, ông Derkach đã gặp gỡ luật sư của ông Trump là Rudy Giuliani năm 2019.

Tình báo Mỹ cũng phủ nhận tố cáo của phía Donald Trump cho rằng Trung Quốc đã nhúng tay vào cuộc bầu cử. Ngược lại, theo DNI, Iran từng mưu toan gây ảnh hưởng lên cử tri ; Cuba, Venezuela, Hezbollah cũng đã âm mưu can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa rồi.

Trước đây, cơ quan tình báo Mỹ cũng đã từng kết luận Nga can thiệp vào cuộc đối đầu giữa hai ứng cử viên Donald Trump và Hillary Clinton hồi năm 2016.

CNN đưa tin Hoa Kỳ dự kiến công bố các biện pháp trừng phạt Nga vào tuần tới, sau cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020. Iran cũng có thể sẽ bị trừng phạt.

Reuters hôm nay dẫn tuyên bố của đại sứ quán Nga tại Hoa Kỳ bác bỏ cáo buộc của tình báo Mỹ, cho rằng nhằm tạo hình ảnh xấu cho Moskva, và việc đổ lỗi cho bên ngoài là không phù hợp với nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho việc bình thường hóa quan hệ song phương.

Thụy My

Nguồn : RFI, 17/03/2021

******************

Đối thoại Mỹ-Trung tại Alaska : Washington gởi thông điệp cứng rắn đến Bắc Kinh

Mai Vân, RFI, 18/03/2021

Theo đúng chương trình, một cuộc họp được mở ra hôm 18/03/2021, tại thành phố Anchorage, bang Alaska (Hoa Kỳ), giữa ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan với ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cùng ủy viên Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Dương Khiết Trì.

joe3

Cờ của Trung Quốc và Hoa Kỳ tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 14/02/2019. Ảnh minh họa.  AP - Mark Schiefelbein

Nhân cuộc đối thoại đầu tiên với Trung Quốc thời tổng thống Mỹ Joe Biden, nhiều nhà quan sát cho rằng Washington có thể sẽ thể hiện thái độ cứng rắn đối với Bắc Kinh trên một loạt hồ sơ, từ Hồng Kông đến Biển Đông.

Theo hãng tin Anh Reuters, trước ngày đối thoại mở ra, các quan chức cao cấp trong chính quyền Biden cho biết rằng phía Mỹ sẽ bày tỏ lập trường không khoan nhượng đối với các hành động sai trái của Trung Quốc, và cuộc gặp tại Alaska có thể trở thành một cuộc tiếp xúc duy nhất nếu Bắc Kinh không cải thiện hành vi của mình.

Nhân chuyến ghé thăm Nhật Bản và Hàn Quốc trước khi đến Alaska, ngoại trưởng Mỹ Blinken đã không ngần ngại chỉ trích các hành động hung hăng của Trung Quốc, đồng thời kêu gọi các đồng minh hợp tác với nhau và với Hoa Kỳ để ngăn chặn "sự xói mòn nguy hiểm của nền dân chủ" trong khu vực.

Phát biểu ngày 18/03, trước lúc gặp ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui Yong, ông Blinken nói rõ : "Trung Quốc đang sử dụng các hành vi ép buộc và gây hấn để bào mòn quyền tự trị của Hồng Kông một cách có hệ thống, hạn chế nền dân chủ ở Đài Loan, chà đạp nhân quyền ở Tân Cương và Tây Tạng, và khẳng định các yêu sách hàng hải ở Biển Đông vi phạm luật pháp quốc tế".

Ngày 17/03, Hoa Kỳ đã ban hành một loạt biện pháp nhắm vào Trung Quốc, từ việc bắt đầu thu hồi giấy phép của một số tập đoàn viễn thông Trung Quốc, gởi trát đòi hầu tòa đối với nhiều công ty công nghệ thông tin Trung Quốc với lý do an ninh quốc gia và cập nhật các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc về vấn đề Hồng Kông .

Về phía Trung Quốc, từ đại sứ nước này ở Hoa Kỳ là ông Thôi Thiên Khải, cho đến phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, cả hai đều kêu gọi Washington có thái độ xây dựng tại cuộc đối thoại ở Alaska, được cho là điểm khởi đầu cho một tiến trình dài lâu.

Tuy nhiên, theo Reuters, một quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho biết là Washington sẽ căn cứ vào các "hành động cụ thể chứ không phải lời nói suông" của Bắc Kinh.

Mai Vân

Nguồn : RFI, 18/03/2021

******************

Trước cuộc gặp tại Alaska, Mỹ trừng phạt thêm 24 quan chức Trung Quốc, Hồng Kông

Thu Hằng, RFI, 17/03/2021

Ngay trước cuộc họp với hai quan chức ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) và Dương Khiết Trì (Yang Jiechi) tại Anchorage, bang Alaska (Mỹ) diễn ra ngày 18/03/2021, Hoa Kỳ thông báo trừng phạt thêm 24 quan chức Trung Quốc và Hồng Kông tham gia trấn áp các quyền tự do chính trị ở đặc khu hành chính.

joe4

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Washington DC, ngày 03/03/2021. Reuters - POOL

Thông báo được Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra vào lúc hai bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Mỹ công du hai nước đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo AP, trong số những quan chức bị trừng phạt, có ông Vương Thần (Wang Chen), ủy viên Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc và ông Đàm Diệu Tâm (Tam Yiu Chung), đại diện Hồng Kông duy nhất tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, người đã soạn thảo dự luật an ninh quốc gia.

Ngoài ra, trong danh sách trừng phạt được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố ngày 17/03, có nhiều quan chức Hồng Kông và gia đình họ từng bị chính quyền Trump cấm nhập cảnh vào Mỹ, như ông Lý Quế Hoa (Li Kwai Wah), giám đốc cảnh sát Hồng Kông, thành viên Ủy ban bảo vệ An ninh Quốc gia và bà Lưu Tứ Huệ (Edwina Lau), phó giám đốc cảnh sát Hồng Kông.

Danh sách trừng phạt mới được ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken giải thích trong một thông cáo, theo đó, "Việc công bố cập nhật hôm nay (17/03) về báo cáo Luật Tự trị Hồng Kông nhấn mạnh đến mối bận tâm sâu sắc của chúng tôi (Hoa Kỳ) về quyết định ngày 11/03 của Quốc hội Trung Quốc đơn phương phá hoại hệ thống bầu cử Hồng Kông".

Quyết định được đưa ra chỉ một ngày trước cuộc họp của ngoại trưởng Mỹ Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan với ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và ông Dương Khiết Trì, ủy viên Bộ Chính Trị, tại Alaska. Washington không kỳ vọng lớn vào cuộc họp này. Một quan chức ngoai giao Mỹ, xin ẩn danh, cho biết có thể hai bên sẽ không ra thông cáo chung, cũng như không có thông báo quan trọng nào.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 17/03/2021

Additional Info

  • Author Thanh Hà, Thụy My, Mai Vân, Thu Hằng
Published in Diễn đàn

Mọi khả năng vẫn đang chống lại Donald Trump nhưng ông vẫn có ý định giành thêm một nhiệm kỳ nữa. Ít nhất, về chính sách đối ngoại, nhiệm kỳ thứ hai có thể sẽ còn mang lại nhiều thay đổi và khác thường hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên của ông.

policy1

Đối với Trump, tất cả chỉ là đòn bẩy, và để đạt được thỏa thuận mong muốn, ông sẽ đưa ra những nhượng bộ lớn và không theo quy luật nào.

Hầu hết các tổng thống nhiệm kỳ hai đều mong muốn tạo được dấu ấn trong chính sách đối ngoại. Điều này một phần là do ảnh hưởng chính trị của tổng thống ở trong nước giảm đi khi nhiệm kỳ thứ hai dần kết thúc, trong khi ở nước ngoài, tổng thống tương đối rảnh tay hành động ngay cả khi sắp kết thúc nhiệm kỳ hai. Vì vậy các vị tổng tư lệnh thường đi tìm những đột phá về ngoại giao. Bill Clinton và George W. Bush đều dành nhiều nỗ lực để đạt được một thỏa thuận giữa Israel và Palestine trong nhiệm kỳ thứ hai của mình. Barack Obama đã ký thỏa thuận Iran và Hiệp định Khí hậu Paris. Là một nhân vật khác thường, Trump có khả năng cũng sẽ tìm kiếm những di sản cho mình ở nước ngoài.

Các tổng thống nhiệm kỳ hai có một đặc điểm quan trọng khác : Họ có xu hướng tin tưởng vào bản năng của mình hơn. Được bầu một lần có thể có nghĩa là bạn may mắn ; được bầu hai lần chắc chắn có nghĩa là bạn giỏi. Trump chưa bao giờ là một người ngần ngại khi nói đến sự tin tưởng vào bản năng của mình. Nếu ông gây sốc cho các chuyên gia bằng cách giữ lại Nhà Trắng, ông sẽ càng tin rằng phương pháp và niềm tin của mình là đúng đắn. Với sự tự tin đó và mong muốn ghi dấu ấn trong các hoạt động đối ngoại, Trump sẽ quay lại chương trình nghị sự cũ của mình với một năng lượng mới — và tiếp tục khinh miệt các quan chức và chuyên gia đối ngoại ở Mỹ cũng như nước ngoài nào coi thường ông.

Nhiệm kỳ thứ hai của Trump có thể sẽ được thúc đẩy bởi nhiệm vụ tìm kiếm "các thỏa thuận", các giao dịch với các nhà lãnh đạo khác, thậm chí còn nhiều hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên. Điều này có thể gây khó chịu cho những người xung quanh ông đang tìm cách tạo dựng một nền tảng thể chế cho một cách tiếp cận lâu dài đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc và an ninh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đối với Trump, tất cả chỉ là đòn bẩy, và để đạt được thỏa thuận mong muốn, ông sẽ đưa ra những nhượng bộ lớn và không theo quy luật nào. Trung Quốc, Nga, Iran, Triều Tiên, Venezuela : Chính sách của ông Trump có thể là tìm kiếm các thỏa thuận kịch tính nhưng không phải lúc nào cũng thực chất hoặc bền vững.

Điều này gây ra một số hậu quả. Nó củng cố sự thờ ơ tương đối của Trump đối với chính sách ngoại giao dựa trên nhân quyền. Nó củng cố sở thích của ông đối với ngoại giao giữa các quốc gia có chủ quyền thay vì dựa trên các quy tắc đa phương, đồng thời càng khiến ông thiếu kiên nhẫn đối với các thể chế quốc tế. Nó sẽ khiến Trump tiếp tục tìm kiếm các mối quan hệ cá nhân tốt với ngay cả những nhân vật gây tranh cãi và đối nghịch nhất trên đấu trường thế giới.

Nhiệm kỳ thứ hai ít nhất sẽ hỗn loạn như nhiệm kỳ đầu tiên. Điều này không chỉ đơn giản là vì tổng thống sẽ vô kỷ luật và thờ ơ đối với các tiến trình và đưa ra các quyết định dựa trên trực giác nhiều hơn là phân tích. Đối với Trump, sự hỗn loạn không chỉ là một sự lựa chọn hay thậm chí là một thói quen. Nó còn là một công cụ để giữ quyền kiểm soát tối cao trong tay mình. Việc một dòng tweet của tổng thống vào bất cứ lúc nào cũng có thể đảo ngược một chính sách mà các trợ lý đã nỗ lực trong nhiều tháng để đạt được sẽ khiến cấp dưới bẽ mặt, phẫn nộ, và xa lánh, nhưng Trump vẫn nắm quyền kiểm soát. Trong cẩm nang của Trump, khiến cho các cộng sự và đối thủ của bạn phải luôn suy đoán, mất phương hướng, chính là một chiến thuật để thành công. Các quan chức luôn có thể bị thay thế ; quyền lực cần được bảo tồn.

Với việc hầu hết những người theo chủ nghĩa tân bảo thủ và những người theo chủ nghĩa quốc tế Cộng hòa truyền thống đã rời đi, thế giới chính sách đối ngoại của Đảng Cộng hòa sẽ chỉ còn bao gồm phần lớn những người kiềm chế ôn hòa kiểu Rand Paul và những người theo chủ nghĩa đơn phương diều hâu như Tom Cotton. Các phe nhóm này bất đồng về việc chính sách đối ngoại "Nước Mỹ trên hết" nên như thế nào. Đối với một số người như Paul, ngay cả thách thức đến từ Trung Quốc cũng không đủ để biện minh cho một thế hệ mới các chính sách liên minh và quốc phòng toàn cầu. Nhật Bản có đủ plutonium để chế tạo hàng nghìn vũ khí hạt nhân. Tại sao Mỹ phải trả các hóa đơn cho quốc phòng cho châu Á khi Tokyo, Seoul và những nước khác có những gì họ cần để tự kiềm chế Bắc Kinh ?

Còn những người như Cotton tin rằng thách thức đến từ Trung Quốc và mối đe dọa tiếp diễn của chủ nghĩa khủng bố, cùng với những mối lo ngại khác, đòi hỏi Mỹ phải giữ vị trí tối cao về công nghệ và quốc phòng. Họ cho rằng phòng thủ sớm là thông minh hơn so với chờ kẻ thù tấn công Hoa Kỳ trước.

Dù bản năng sâu xa nhất của ông ta là gì – có lẽ theo hướng của Paul hơn so với Cotton- Trump có thể coi việc giữ cân bằng giữa hai phe là một phần trong chiến lược kiểm soát môi trường chính trị Đảng Cộng hòa. Trump sẽ đôi khi nghiêng theo hướng này và đôi khi theo hướng khác, có lẽ với mục đích là khiến cho cả hai bên phải cạnh tranh để giành được sự ủng hộ của ông. Biện pháp này cho đến này đã mang lại hiệu quả cho Trump.

Walter Russell Mead

Nguyên tác : "What in the World if Trump Wins ?", The Wall Street Journal, 26/10/2020.

Trần Hùng dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 27/10/2020

Walter Russell Mead là Giáo sư về Ngoại giao và Nhân văn tại Đại học Bard, và Nghiên cứu viên Xuất sắc về Chiến lược và Kỹ năng lãnh đạo tại Viện Hudson.

**********************

Tư lệnh Mỹ : Quân đội có thể 'tham chiến bảo vệ Senkaku' tại Biển Hoa Đông

BBC, 27/10/2020

Tư lệnh của lực lượng Mỹ tại Nhật Bản nói khả năng của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và quân đội Mỹ có thể được sử dụng để "đưa quân tham chiến bảo vệ" quần đảo Senkaku ở Biển Hoa Đông.

policy2

Tàu của Hải quân Hoa Kỳ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản khởi đầu cuộc tập trận Keen Sword 21 hôm 26/10/2020

Trung tướng Kevin Schneider đưa ra tuyên bố trên trong buổi nói chuyện với các phóng viên hôm thứ Hai trên một tàu khu trục của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải, trong cuộc tập chung quy mô lớn, có tên Keen Sword 21 (KS21), giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản bắt đầu cùng ngày, theo Reuters.

Ông nói quân đội Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đang nỗ lực "phát triển các cách thức mới và tốt hơn để vận hành và tích hợp hơn nữa các cuộc tập trận như thế này".

Ông nói rằng một cuộc tập trận như Keen Sword 21 "thể hiện rõ ràng khả năng liên minh ngày càng tăng của liên minh Mỹ-Nhật".

Trung tướng Schneider nhấn mạnh khả năng vận chuyển nhân viên của hai quốc gia "có thể được sử dụng để đưa quân tham chiến bảo vệ Senkaku".

policy3

Phó Thủ tướng Nhật bản Taro Aso và Trung tướng Kevin Schneider (phải) trong dịp kỷ niệm 60 năm ký hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ tại Iikura Guesthouse ở Tokyo vào ngày 19/1/2020

Các quan chức từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản coi phát biểu của Trung tướng Kevin Schneider như một lời cảnh báo với Trung Quốc, nước đang đẩy mạnh các hoạt động của mình ở vùng biển gần quần đảo Senkaku.

Nhật Bản kiểm soát Senkakus. Trong khi Trung Quốc và Đài Loan tuyên bố chủ quyền trên quần đảo này. Chính phủ Nhật Bản duy trì các hòn đảo là một phần vốn có của lãnh thổ Nhật Bản.

Vào tháng 7, Schneider cam kết hỗ trợ Nhật Bản về quần đảo này. Ông cho biết đất nước của ông "hoàn toàn kiên định 100% trong cam kết giúp đỡ" chính phủ Nhật Bản về tình hình.

Theo thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, cuộc diễn tập thực địa hai năm một lần do Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ tài trợ, được gọi là Keen Sword 21, bắt đầu ngày 26/10.

Tập trận Keen Sword 21, kéo dài đến hết ngày 5/11, được thiết kế để nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và khả năng tương tác giữa Nhật-Mỹ, đồng thời củng cố mối quan hệ song phương và thể hiện quyết tâm của Mỹ trong việc hỗ trợ lợi ích an ninh của các đồng minh và đối tác trong khu vực, theo thông cáo trên.

Keen Sword 21 là cuộc tập trận lớn đầu tiên kể từ khi Yoshihide Suga trở thành thủ tướng Nhật Bản tháng trước, với cam kết sẽ tiếp tục xây dựng quân đội nhằm chống lại Trung Quốc, quốc gia tuyên bố chủ quyền các đảo do Nhật Bản kiểm soát ở Biển Hoa Đông, Reuters đưa tin.

"Tình hình an ninh xung quanh Nhật Bản ngày càng trở nên nghiêm trọng. Điều này cho chúng tôi cơ hội thể hiện sức mạnh của liên minh Nhật-Mỹ", Tướng Koji Yamazaki, chỉ huy quân sự hàng đầu của Nhật Bản nói trên tàu sân bay trực thăng Kaga ở vùng biển phía nam Nhật Bản.

Thủ tướng Nhật bản Yoshihide Suga, trong tháng này, đã đến thăm Việt Nam và Indonesia như một phần trong nỗ lực của Nhật Bản nhằm tăng cường quan hệ với các đồng minh quan trọng của Đông Nam Á.

Chuyến đi này diễn ra sau cuộc họp tại Tokyo của "Bộ tứ", một nhóm không chính thức gồm Ấn Độ, Úc, Nhật Bản và Hoa Kỳ mà Washington coi như bức tường thành chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng trong khu vực của Trung Quốc.

Theo Reuters, Bắc Kinh đã tố cáo đây là một "NATO mini" nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc.

Nhật Bản đặc biệt lo ngại về sự gia tăng hoạt động của hải quân Trung Quốc xung quanh các đảo tranh chấp ở Biển Hoa Đông mà Tokyo gọi là Senkaku và Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.

"Bất chấp tác động toàn cầu to lớn từ Covid, Liên minh Mỹ-Nhật không chùn bước và chúng tôi vẫn sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng". Trung tướng Kevin Schneider, tư lệnh của lực lượng Mỹ tại Nhật Bản, khẳng định.

Ước tính có khoảng 9.000 nhân viên từ Hải quân, Không quân, Lục quân và Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tham gia cuộc tập trận, bao gồm các tàu từ Nhóm tấn công Hàng không Mẫu hạm Ronald Reagan và hơn 100 máy bay từ những đơn vị khác của Mỹ.

Các đơn vị từ quân đội Mỹ và đối tác Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ huấn luyện theo một kịch bản toàn diện, được thiết kế để thực hiện các khả năng quan trọng cần thiết để hỗ trợ phòng thủ Nhật Bản và ứng phó với một cuộc khủng hoảng hoặc tình huống bất thường ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, thông cáo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho hay.

Nguồn : BBC, 27/10/2020

Additional Info

  • Author Walter Russell Mead, Trần Hùng, BBC tiếng Việt
Published in Diễn đàn

Mối nguy hiểm của sự thiếu mạch lạc trong chính sách đối ngoại Mỹ

Kể từ khi Donald Trump bước vào Nhà Trắng, chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ vừa khó hiểu, vừa khó lường. Vì cái sự mù mờ, không biết đường nào lần ấy, nhà báo Renaud Girard, trong mục Ý kiến của báo Le Figaro (27/06/2017) điểm ra "Những mối nguy hiểm của sự thiếu mạch lạc trong chính sách đối ngoại Mỹ ".

moinguy1

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi họp báo chung với thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Nhà Trắng, Washington, 26/06/2017. Reuters

Mù mờ vì không ai có thể xác định được là Hoa Kỳ sẽ có chính sách ra sao trong quan hệ quốc tế trong số những dòng Tweet của Donald Trump được tung lên mạng vào ban đêm, những thông cáo của ba "người thành niên" (mà một số báo chí Pháp còn gọi hài hước là ba "bảo mẫu" của Trump là ngoại trưởng, bộ trưởng quốc phòng và cố vấn an ninh quốc gia) vào ban ngày, hay những nghị quyết của Quốc hội Mỹ.

Trong quan hệ với Nga, khi mới vào Nhà Trắng, Donald Trump cho rằng cần hợp tác với Moskva để tiêu diệt tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, kẻ thù duy nhất của Mỹ. Do đó cần tập trung chính sách đối ngoại vào mục tiêu khử trừ tổ chức này. Vậy mà giờ đây, quan hệ Mỹ-Nga xuống đến mức thấp nhất.

Do bị điều tra về khả năng quan hệ giữa Moskva và nhóm cộng sự thân cận của ông, để "chạy tội", tổng thống Mỹ buộc phải gia tăng trừng phạt Nga. Bộ Tài Chính Mỹ còn tuyên bố là các trừng phạt này gắn với việc Nga chấm dứt chiếm đóng Crimea.

Le Figaro mỉa mai, nếu nghĩ rằng một ngày nào đó Nga trả lại Crimea cho Ukraine thì thật là thiếu thực tế, giống như nghĩ rằng Liên Minh Bắc Đại Tây Dương đồng ý trả Kosovo cho Serbia.

Hoa Kỳ đã tự hạn chế khả năng hành động của mình qua những tuyên bố như vậy. Bởi vì về lâu dài, với lập trường của Mỹ như thế, thì quốc tế chỉ còn một giải pháp duy nhất về Ukraine : Nga rút quân và không can thiệp vào miền Đông Ukraine, thừa nhận nền độc lập của Kosovo. Đổi lại, phương Tây công nhận Crimea là của Nga.

Hiện nay, khả năng hòa giải giữa Mỹ và Nga trở nên khó khăn và Washington đã để lỡ một cơ hội bằng vàng để đạt đồng thuận với Moskva trong việc giảm đáng kể hệ thống vũ khí hạt nhân chiến lược.

Tại Trung Đông, Hoa Kỳ đã vụng về và không kiểm soát được các chư hầu của mình. Khi khuyến khích tính hoang tưởng tự đại của Saudi Arabia, Hoa Kỳ đang đùa với lửa. Trong cuộc khủng hoảng hiện nay giữa Saudi Arabia và các đồng minh với Qatar, Mỹ có lợi ích gì khi để Qatar buộc phải ngả vào vòng tay Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Mối bất hòa giữa các cường quốc Ả Rập chỉ tạo thuận lợi cho thánh chiến Hồi Giáo phát triển.

Với Trung Quốc, Donald Trump đã cam kết có thái độ cứng rắn, đặc biệt là chống lại chính sách thương mại hung hăng của Bắc Kinh. Thế nhưng, khi rút ra khỏi hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương – TPP, Mỹ đã tự tước bỏ một vũ khí chủ chốt để đối mặt với Trung Quốc.

Le Figaro kết luận, Hoa Kỳ là đồng minh lâu đời, Pháp chẳng vui mừng gì trước việc Mỹ mâu thuẫn và không rõ ràng trong chính sách đối ngoại. Thế nhưng, Pháp chẳng có sự lựa chọn nào khác là đành chuẩn bị tinh thần trước hoàn cảnh này.

"Nước Pháp 2017 có hương vị của cuộc cách mạng 1789"

Đây chính là nhận định của nhà sử học Ran Halévi (giáo sư thuộc Trung tâm nghiên cứu chính trị Raymond Aron), trong mục tranh luận trên báo Le Figaro. Theo sử gia này, làn sóng tư tưởng Macron có hơi hướng như thời "phá sạch tan tành" của cuộc cách mạng dân chủ tư sản dân quyền 1789 và khép lại một chu kỳ chính trị được mở ra từ hai thế kỷ qua.

Ngay sau vòng một cuộc bầu cử Quốc hội, báo giới Pháp thường nói đến một "big bang chính trị", một cuộc "Cách mạng Pháp không có máy chém".

Mùa bầu cử vừa qua đã vẽ lại cảnh quan chính trị Pháp : Đảng Xã Hội Pháp chết rụi. Cánh hữu thì mất đi những gương mặt tiêu biểu, suy yếu, chao đảo, nhưng lại lao vào một cuộc đấu đá nội bộ. Một chính đảng chỉ được thành lập trước đó vài tháng, với rất nhiều khuôn mặt mới đã giúp cho tổng thống Emmanuel Macron có được đa số tuyệt đối tại Quốc hội.

Trong vai trò như một "quân vương cộng hòa", Macron tìm cách lãnh đạo đất nước với đại diện các ngành nghề trong xã hội. Điều này có nguy cơ thúc đẩy việc hình thành một sự đối lập ở bên ngoài Quốc hội, được nhân rộng ra bởi các mạng xã hội và dội ngược trở lại nghị trường.

Bằng chứng là ông Mélenchon và một số thành viên phong trào cực tả Nước Pháp Bất Khuất trở thành dân biểu và họ đang chuẩn bị cho công việc này. Tức là dùng đường phố gây áp lực với nghị trường.

Sử gia Halevi nhận định, cuộc "cạnh tranh tính chính đáng" giữa chính quyền hợp pháp và những phát ngôn viên tự chỉ định của "chủ quyền nhân dân" làm người ta nhớ lại những gì xẩy ra trong thời kỳ cách mạng 1789.

Cuộc cạnh tranh đã kết thúc không tốt đẹp gì. Emmanuel Macron, sớm muộn gì cũng sẽ phải đối mặt với thực tế này. Đây là một loại thử thách đáng gờm, nhưng cũng là một trắc nghiệm lớn trong nhiệm kỳ tổng thống của Macron.

Brexit : May vất vả trấn an Liên Âu

Hồ sơ Brexit là tâm điểm thời sự Châu Âu trên một số báo Pháp. Luân Đôn và Bruxelles đối chọi nhau về quy chế sắp tới dành cho những kiều dân của các nước thành viên khối Liên Âu đang sinh sống và làm việc tại Anh. Đây sẽ là hồ sơ lớn đầu tiên trong vòng thương lượng Brexit giữa Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu.

Thủ tướng Anh Theresa May hôm qua trước Nghị viện nêu chi tiết các đề xuất liên quan đến quy chế dành cho các công dân của Liên Âu tại Anh và các công dân Anh sống tại các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Le Figaro giải thích "Những quyền nào dành cho các kiều dân Châu Âu".

Dù vậy, phía Liên Hiệp Châu Âu vẫn đánh giá các đề xuất của thủ tướng Anh là chưa rõ ràng. Nói tóm lại, như nhận xét của Libération "Brexit : Theresa May đang cố trấn an các kiều dân Châu Âu". Còn Les Echos thì cho rằng "Luân Đôn đang vất vả bảo đảm về quy chế sắp tới cho các công dân Châu Âu".

Nhật Bản : Nạn bạo hành trẻ em tăng mạnh

Trong lĩnh vực xã hội, Libération trong bài viết đề tựa "Nhật Bản, đất nước của trẻ em bất hạnh"cho biết tình trạng đối xử tệ với trẻ em và trẻ vị thành niên tại đây đã đạt đến một tỷ lệ kỷ lục. Nguyên nhân sâu xa chính là do tình trạng nghèo gia tăng và phương pháp giáo dục đôi khi cổ hủ.

Chỉ riêng trong năm 2015, số ca bị bạo hành bằng lời lẽ, bị đánh đập hay xâm hại tình dục đã vượt ngưỡng 100.000 người, cụ thể là 103.260 vụ, tăng lên gấp ba lần so với cách đây 10 năm.

Giải thích vì sao có sự gia tăng đáng kể này, ông Shinya Sugiura, phụ trách về tư vấn của Trung tâm Hỗ trợ Trẻ em Kyoto cho rằng có hai nguyên do : Thứ nhất, là người dân bắt đầu quan tâm nhiều đến vấn nạn này. Thứ hai, định nghĩa thế nào là "đối xử tệ" đã được xem xét lại.

Năm 2012, các hình thức bạo lực hôn nhân trước mặt trẻ con đã được đưa vào trong khái niệm bạo hành hay như tính gộp cả những ai tham gia vào việc ngược đãi anh hay chị em của mình.

Bắc Triều Tiên : Sinh viên Pháp vẫn "máu phiêu lưu"

Le Figaro quan tâm đến hiện tượng "Nhiều sinh viên Pháp thích mạo hiểm đến Bắc Triều Tiên". Từ năm 2015, nhiều thanh niên Pháp vẫn đến Bình Nhưỡng tham gia các kỳ thực tập ngắn ngày, bất chấp các khuyến cáo của bộ ngoại giao.

Dư âm vẫn còn âm ỉ trong vụ sinh viên Mỹ Otto Warmbier, 22 tuổi qua đời hôm 19/06 tại nhà ở Cincinnati, được trả về Mỹ trong trạng thái hôn mê sau 18 tháng bị giam ở Bắc Triều Tiên, chỉ vì muốn đánh cắp một bích chương tuyên truyền.

Nhưng điều đó không làm nhụt chí nhiều sinh viên Pháp muốn tiếp tục đến học tại Bắc Triều Tiên, quốc gia mà Le Figaro gọi là độc tài, khép kín nhất hành tinh. Từ năm 2015, hơn một chục sinh viên mỗi năm vẫn quyết tâm khăn gói đến ngồi học tại giảng đường đại học Kim Il-Sung, trường đại học danh tiếng nhất của Bắc Triều Tiên trong vòng một hay hai tháng.

Tất cả những sinh viên này đến chủ yếu để học tiếng Triều Tiên, mỗi ngày chừng 3-5 giờ học, và thường xuyên được một "đồng môn" Bắc Triều Tiên giám sát chặt chẽ.

Những người đã tham gia vào chương trình du học này nghĩ gì ? Le Figaro có dịp trao đổi với hai cựu sinh viên. Đối với Louis de Gouyon Matignon, 25 tuổi, cuộc trải nghiệm này là một cơn ác mộng. Tinh thần gần như bị trầm cảm. Sau hai tháng tạm trú trong một khách sạn lạnh lẽo mà anh không được phép rời, anh đã được đưa về nước khẩn cấp vào tháng 04/2012.

Nhưng Bryan Sauvadet, nghiên cứu về Phật học Triều Tiên và Việt Nam lại tỏ ra rất hứng thú với chuyến đi. Theo anh, "phải có một cách tiếp cận của người làm nghiên cứu : ngày đầu tiên, quan sát và tuân thủ, rồi mới bắt đầu bắt chuyện và khám phá". Nhờ vậy mà anh đã nhanh chóng thân thiện với "đồng môn". Anh nói : "Những cánh cổng sẽ tự mở khi có sự tôn trọng lẫn nhau".

Người tổ chức chương trình du học "mạo hiểm" này là ông Patrick Maurus, một cựu giáo sư thuộc Viện Ngôn Ngữ và Văn Minh Phương Đông Quốc Gia (Inalco). Ông là người duy nhất có thể kết nối được mối quan hệ hàn lâm giữa Paris và chế độ Bình Nhưỡng.

Còn theo giải thích của ông Charif Alami-Chawfi, lãnh đạo Inalco, "việc phát triển tầm nhìn về tất cả các quốc gia trên thế giới, kể cả những nước được cho là không có cùng tiêu chuẩn về tự do dân chủ như Pháp, chính là nhiệm vụ của viện chúng tôi".

Nguy cơ xuất huyết khi dùng Aspirine lâu ngày

Trong lĩnh vực sức khỏe, Le Figaro chú ý đến "Những rủi ro nào cho người trên 75 tuổi khi dùng aspirine dài hạn".

Nguy cơ xuất huyết nội (hay chảy máu trong) ở những người cao tuổi, nhất là những cụ trên 75 tuổi, thường dùng aspirine, dù ở liều thấp để tránh các chứng nhồi máu cơ tim hay tai biến mạch máu não, đã bị đánh giá thấp. Đây là báo động của một công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Anh, trường đại học Oxford, được đăng trên tờ The Lancet.

Theo các nhà khoa học, tại nhóm bệnh nhân này, rủi ro xuất huyết nội nghiêm trọng cao hơn như là những kết quả thử nghiệm cho thấy ở những bệnh nhân trẻ hơn. Nghiên cứu của các nhà khoa học trường đại học Oxford chỉ ra : "Mức độ nghiêm trọng của hiện tượng xuất huyết và khả năng tử vong tăng theo độ tuổi".

Tuy nhiên, giáo sư Gerard Helf, chuyên gia về tim mạch tại bệnh viện Pitié-Salpetrière Paris cũng trấn an rằng "nghiên cứu này không nhằm đặt lại vấn đề lợi ích của aspirine trong việc phòng ngừa thứ cấp ở những bệnh nhân có cơ may tái phát cao".

Quả thật, việc dùng aspirine mỗi ngày giúp giảm từ 20-25% xác suất tái phát bệnh sau một đợt nhồi máu cơ tim hay tai biến mạch máu não. Loại thuốc này hạn chế nguy cơ hình thành những cục máu đông trong các mạch máu. Lợi ích này thấy rõ ở những bệnh nhân cao tuổi.

Trang nhất các báo Pháp

Quốc hội mới của Pháp hôm nay họp phiên đầu tiên. Đây là đề tài chính trên trang nhất nhiều nhật báo lớn hôm nay. Le Figaro chơi chữ : "Quốc hội : trận ra quân đầu tiên của những người 'tiến bước' ". La Croix thì chú ý đến "Những quý bà dân biểu".

Báo kinh tế Les Echos nhận định : "Những bước khởi đầu của một Quốc hội với một cấu hình chưa từng thấy". Còn với Le Monde, "Nghị viện : Dân biểu mới và Ngôi thứ mới".

Duy chỉ có trang nhất tờ báo thiên tả Libération là đề cập đến giáo dục qua hàng tít : "Rút thăm ở đại học : Tiếng đồn xấu". Theo nhật báo, việc chọn giải pháp rút thăm các ứng viên ở những ngành học rất hút sinh viên, đang làm dấy lên các tranh cãi.

Minh Anh

Published in Quốc tế