Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/03/2021

Chính sách đối ngoại của Biden : cứng rắn hơn với cả Nga lẫn Trung Quốc

Nhiều tác giả

Tổng thống Mỹ Biden lên án nguyên thủ Nga Putin là "kẻ sát nhân"

Thanh Hà, RFI, 18/03/2021

Căng thẳng Washington – Moskva đột ngột gia tăng vào hôm 17/03/2021 sau khi tổng thống Mỹ Joe Biden tố cáo đồng nhiệm Nga, Vladimir Putin là một "kẻ sát nhân". Để trả đũa, điện Kremlin triệu hồi đại sứ Nga tại Mỹ.

joe1

Ảnh tư liệu : Joe Biden, phó tổng thống Mỹ gặp thủ tướng Nga Vladimir Putin, ngày 10/03/2011 tại Moskva, Nga.  AP – Alexander Zemlianichenko

Trả lời câu hỏi của nhà báo George Stephanopoulos trên đài truyền hình ACB : "Ông có nghĩ (Putin) là kẻ sát nhân hay không ?", tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trả lời là "Có" nhưng không đi sâu vào chi tiết. Giới phân tích không biết nguyên thủ Hoa Kỳ có muốn nhắc tới vụ nhà đối lập Nga Alexeï Navalny bị ám sát hụt hồi tháng 08/2020 hay không.

Ngoài ra trong bối cảnh Moskva liên tục bị tố cáo can thiệp vào bầu cử tổng thống Hoa Kỳ hồi năm 2016 và 2020, lãnh đạo Nhà Trắng cảnh báo Nga sẽ phải "trả giá" cho các hành vi can thiệp vào chính trường Mỹ.

Thông tín viên đài RFI Daniel Vallot từ Moskva giải thích :

"Vladimir Putin có phải là kẻ sát nhân hay không ? Câu hỏi này đã nhiều lần được nên lên với các lãnh đạo Mỹ trong những năm gần đây. Nhưng đây là lần đầu tiên một tổng thống đương nhiệm trả lời là "có" khi được hỏi.

Donald Trump trước đây đã hai lần tránh né trả lời câu hỏi này và khẳng định là không có bằng chứng về cáo buộc trên nhắm vào ông Putin. Báo chí Moskva đã nhắc lại là hai ứng viên tổng thống Hoa Kỳ, cố thượng nghị sĩ John McCain và thượng nghị sĩ bang Massachusetts, Mitt Romney, đã từng tố cáo nguyên thủ Nga là một kẻ giết người.

Moskva biết Joe Biden sẽ là một vị tổng thống cương quyết. Ông sẽ có quan điểm đối với Nga cứng rắn hơn nhiều so với người tiền nhiệm là Donald Trump. Tuy nhiên, công luận bất ngờ về tuyên bố vừa qua cho dù là nguyên thủ Mỹ chỉ trả lời "có" trước một câu hỏi của một phóng viên.

Đây có thể là một giai đoạn căng thẳng ngoại giao mới giữa hai nước. Ngoài ra, Moskva cũng cho rằng Mỹ sẽ nhanh chóng ban hành han các biện pháp trừng phạt nhắm vào nước Nga". 

Nga triệu hồi đại sứ để phản đối

Chỉ vài giờ sau tuyên bố của tổng thống Biden về đồng nhiệm Putin, Moskva triệu hồi đại sứ Nga tại Washington. Ông Anatoli Antonov sẽ rời khỏi thủ đô Mỹ trước ngày thứ Bảy 20/03.

Bộ Ngoại giao Nga tuy nhiên tìm cách giảm thiểu mức độ căng thẳng qua tuyên bố "tìm kiếm những phương tiện để điều chỉnh quan hệ song phương đang trong giai đoạn khó han và quan hệ đó đã bị Washington đẩy vào ngõ cụt trong những năm gần đầy". Chủ tịch Hạ Viện Nga Viatcheslav Volodin với lời lẽ gay gắt hơn cho rằng tổng thống Biden đã "thóa mạ" và xúc phạm đến các công dân Nga, cả nước Nga bị tổn thương.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng có dấu hiệu hòa hoãn với tuyên bố không có ý định triệu hồi đại sứ Mỹ tại Moskva đồng thời chủ trương "mở tất cả những kênh đối thoại" vì lợi ích của Hoa Kỳ và giảm thiểu những "hiểu nhầm" trong quan hệ song phương.

Trái với thái độ hòa hoãn của Bộ Ngoại giao, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki trong cuộc họp báo hôm 17/03 nhắc lại, trước những cáo buộc Nga đã can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ, chính quyền Biden sẽ "không ngoảnh mặt nhìn đi nơi khác" như dưới thời chính quyền Trump.

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 18/03/2021

*******************

Tình báo Mỹ : Nga từng định can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống 2020

Thụy My, RFI, 17/03/2021

Theo một báo cáo của cơ quan tình báo Mỹ (DNI) được công bố hôm 16/03/2021, tổng thống Nga Vladimir Putin rất có thể đã toan can thiệp để phần thắng nghiêng về ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Moskva bác bỏ cáo buộc này.

joe2

Ảnh tư liệu : Tranh luận giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng viên đảng Dân Chủ Joe Biden tỏng cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, tại Case Western Reserve University, Cleveland, Ohio, Mỹ, ngày 29/09/2020.  Reuters – Jonathan Ernst

Báo cáo dài 15 trang cho rằng cần chú ý đến vai trò của ông Putin, vì những nhân vật thân Nga như dân biểu Ukraina, Andrei Derkach, đã nhờ đến các chính khách Mỹ trong chiến dịch tố cáo Joe Biden và con trai ông là Hunter. Theo đó, ông Derkach đã gặp gỡ luật sư của ông Trump là Rudy Giuliani năm 2019.

Tình báo Mỹ cũng phủ nhận tố cáo của phía Donald Trump cho rằng Trung Quốc đã nhúng tay vào cuộc bầu cử. Ngược lại, theo DNI, Iran từng mưu toan gây ảnh hưởng lên cử tri ; Cuba, Venezuela, Hezbollah cũng đã âm mưu can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa rồi.

Trước đây, cơ quan tình báo Mỹ cũng đã từng kết luận Nga can thiệp vào cuộc đối đầu giữa hai ứng cử viên Donald Trump và Hillary Clinton hồi năm 2016.

CNN đưa tin Hoa Kỳ dự kiến công bố các biện pháp trừng phạt Nga vào tuần tới, sau cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020. Iran cũng có thể sẽ bị trừng phạt.

Reuters hôm nay dẫn tuyên bố của đại sứ quán Nga tại Hoa Kỳ bác bỏ cáo buộc của tình báo Mỹ, cho rằng nhằm tạo hình ảnh xấu cho Moskva, và việc đổ lỗi cho bên ngoài là không phù hợp với nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho việc bình thường hóa quan hệ song phương.

Thụy My

Nguồn : RFI, 17/03/2021

******************

Đối thoại Mỹ-Trung tại Alaska : Washington gởi thông điệp cứng rắn đến Bắc Kinh

Mai Vân, RFI, 18/03/2021

Theo đúng chương trình, một cuộc họp được mở ra hôm 18/03/2021, tại thành phố Anchorage, bang Alaska (Hoa Kỳ), giữa ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan với ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cùng ủy viên Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Dương Khiết Trì.

joe3

Cờ của Trung Quốc và Hoa Kỳ tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 14/02/2019. Ảnh minh họa.  AP - Mark Schiefelbein

Nhân cuộc đối thoại đầu tiên với Trung Quốc thời tổng thống Mỹ Joe Biden, nhiều nhà quan sát cho rằng Washington có thể sẽ thể hiện thái độ cứng rắn đối với Bắc Kinh trên một loạt hồ sơ, từ Hồng Kông đến Biển Đông.

Theo hãng tin Anh Reuters, trước ngày đối thoại mở ra, các quan chức cao cấp trong chính quyền Biden cho biết rằng phía Mỹ sẽ bày tỏ lập trường không khoan nhượng đối với các hành động sai trái của Trung Quốc, và cuộc gặp tại Alaska có thể trở thành một cuộc tiếp xúc duy nhất nếu Bắc Kinh không cải thiện hành vi của mình.

Nhân chuyến ghé thăm Nhật Bản và Hàn Quốc trước khi đến Alaska, ngoại trưởng Mỹ Blinken đã không ngần ngại chỉ trích các hành động hung hăng của Trung Quốc, đồng thời kêu gọi các đồng minh hợp tác với nhau và với Hoa Kỳ để ngăn chặn "sự xói mòn nguy hiểm của nền dân chủ" trong khu vực.

Phát biểu ngày 18/03, trước lúc gặp ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui Yong, ông Blinken nói rõ : "Trung Quốc đang sử dụng các hành vi ép buộc và gây hấn để bào mòn quyền tự trị của Hồng Kông một cách có hệ thống, hạn chế nền dân chủ ở Đài Loan, chà đạp nhân quyền ở Tân Cương và Tây Tạng, và khẳng định các yêu sách hàng hải ở Biển Đông vi phạm luật pháp quốc tế".

Ngày 17/03, Hoa Kỳ đã ban hành một loạt biện pháp nhắm vào Trung Quốc, từ việc bắt đầu thu hồi giấy phép của một số tập đoàn viễn thông Trung Quốc, gởi trát đòi hầu tòa đối với nhiều công ty công nghệ thông tin Trung Quốc với lý do an ninh quốc gia và cập nhật các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc về vấn đề Hồng Kông .

Về phía Trung Quốc, từ đại sứ nước này ở Hoa Kỳ là ông Thôi Thiên Khải, cho đến phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, cả hai đều kêu gọi Washington có thái độ xây dựng tại cuộc đối thoại ở Alaska, được cho là điểm khởi đầu cho một tiến trình dài lâu.

Tuy nhiên, theo Reuters, một quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho biết là Washington sẽ căn cứ vào các "hành động cụ thể chứ không phải lời nói suông" của Bắc Kinh.

Mai Vân

Nguồn : RFI, 18/03/2021

******************

Trước cuộc gặp tại Alaska, Mỹ trừng phạt thêm 24 quan chức Trung Quốc, Hồng Kông

Thu Hằng, RFI, 17/03/2021

Ngay trước cuộc họp với hai quan chức ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) và Dương Khiết Trì (Yang Jiechi) tại Anchorage, bang Alaska (Mỹ) diễn ra ngày 18/03/2021, Hoa Kỳ thông báo trừng phạt thêm 24 quan chức Trung Quốc và Hồng Kông tham gia trấn áp các quyền tự do chính trị ở đặc khu hành chính.

joe4

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Washington DC, ngày 03/03/2021. Reuters - POOL

Thông báo được Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra vào lúc hai bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Mỹ công du hai nước đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo AP, trong số những quan chức bị trừng phạt, có ông Vương Thần (Wang Chen), ủy viên Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc và ông Đàm Diệu Tâm (Tam Yiu Chung), đại diện Hồng Kông duy nhất tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, người đã soạn thảo dự luật an ninh quốc gia.

Ngoài ra, trong danh sách trừng phạt được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố ngày 17/03, có nhiều quan chức Hồng Kông và gia đình họ từng bị chính quyền Trump cấm nhập cảnh vào Mỹ, như ông Lý Quế Hoa (Li Kwai Wah), giám đốc cảnh sát Hồng Kông, thành viên Ủy ban bảo vệ An ninh Quốc gia và bà Lưu Tứ Huệ (Edwina Lau), phó giám đốc cảnh sát Hồng Kông.

Danh sách trừng phạt mới được ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken giải thích trong một thông cáo, theo đó, "Việc công bố cập nhật hôm nay (17/03) về báo cáo Luật Tự trị Hồng Kông nhấn mạnh đến mối bận tâm sâu sắc của chúng tôi (Hoa Kỳ) về quyết định ngày 11/03 của Quốc hội Trung Quốc đơn phương phá hoại hệ thống bầu cử Hồng Kông".

Quyết định được đưa ra chỉ một ngày trước cuộc họp của ngoại trưởng Mỹ Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan với ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và ông Dương Khiết Trì, ủy viên Bộ Chính Trị, tại Alaska. Washington không kỳ vọng lớn vào cuộc họp này. Một quan chức ngoai giao Mỹ, xin ẩn danh, cho biết có thể hai bên sẽ không ra thông cáo chung, cũng như không có thông báo quan trọng nào.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 17/03/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà, Thụy My, Mai Vân, Thu Hằng
Read 638 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)