Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/03/2021

Chùa là nơi tu hành hay là chốn kinh doanh ?

Nhiều tác giả

Biển người viếng chùa Tam Chúc có nói lên sự hưng thịnh của Phật giáo ?

Diễm Thi, RFA, 19/03/2021

Hôm 14 tháng Ba vừa qua, báo chí trong nước đưa tin kèm hình ảnh biển người đông nghẹt tại khuôn viên chùa Tam Chúc để tham quan, lễ chùa. Chùa Tam Chúc hiện được quảng cáo là ngôi chùa lớn nhất thế giới được xây dựng trên nền ngôi chùa Tam Chúc cổ tự với niên đại hơn 1000 năm.

chua1

Các nhà sư Phật giáo trong Ngày Phật Đản tại chùa Tam Chúc. Ảnh chụp năm 2019.Reuters

Báo Dân Việt dẫn lời Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó trụ trì chùa Tam Chúc rằng, ngày cao điểm thường khoảng trên 10.000 người nhưng hôm 14 tháng Ba lượng khách tăng đột biến khiến nhà chùa rơi vào thế bị động. Thống kê cho thấy có khoảng 50.000 du khách. Để chở khách tham quan vào chùa, hơn 400 xe điện hoạt động liên tục song không thể đáp ứng nhu cầu. Ban quản lý chùa Tam Chúc phải tăng cường thêm 30 xe khách loại 45 chỗ, đồng thời ba lần dừng bán vé xe điện, vé thuyền để giảm tải khách. Các điểm như cổng Tam Quan, vườn Cột Kinh, điện Quan Âm, điện Pháp Chủ, điện Tam Thế và chùa Ngọc đều chật kín du khách.

Ngoài việc lo ngại dịch Covid bùng phát, dư luận xã hội cho rằng chuyện hàng chục ngàn người đổ đến chùa Tam Chúc như vậy là chuyện lạ, bởi đây là ngôi chùa mới xây chứ không phải ngôi chùa truyền thống hàng trăm năm như chùa Hương.

Theo thống kê từ Chính phủ, lượng du khách tìm về chùa Hương vãng cảnh, lễ Phật trong ngày đầu mở cửa 13 tháng Ba vừa qua chỉ khoảng 30.000 người, tức khoảng 60% lượng khách đổ về chùa Tam Chúc.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho rằng, các công ty du lịch nắm bắt được tâm lý khủng hoảng lòng tin của người dân Việt nên quảng cáo rất mạnh hình thức du lịch tâm linh. Ông nói :

"Mấy năm gần đây có một sự rất lạ lùng là những ngôi chùa to lớn mới lập được các báo chí tung hô rất nhiều, ví dụ như chùa bái Đính, chùa Ba Vàng, chùa Tam Chúc. Nhưng hoạt động của những ngôi chùa này thực sự không phải để tôn vinh đạo pháp và hoằng dương Phật pháp, mà nó hoạt động giống như những công ty du lịch. Có thể gọi là những công ty TNHH về du lịch văn hóa tâm linh. Người ta đã nắm bắt được nhu cầu rất lớn của người dân Việt Nam hiện nay là khủng hoảng về lòng tin.

Họ không còn biết tin vào đâu nữa và họ cảm thấy cuộc sống của họ có nhiều bất trắc, rủi ro cả trong công việc làm ăn lẫn trong cuộc sống. Họ phải tìm một niềm tin ở tôn giáo hoặc tín ngưỡng".

Trong một trang web quảng cáo về du lịch trong nước, chùa Tam Chúc được giới thiệu là ‘quần thể khu di tích chùa Tam Chúc - ngôi chùa lớn nhất thế giới với các hạng mục : Cổng Tam Quan, Vườn Cột Kinh, Điện Tam Thế. Bước qua hàng cửa gỗ chạm khắc tinh xảo, phía trước là ba pho Tam Thế đại diện cho quá khứ, hiện tại và vị lai. Đoàn sẽ tham quan Điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, vãn cảnh chùa Ngọc trên đỉnh núi Thất Tinh với 299 bậc lên, được xây dựng hoàn toàn bằng khối đá granit lấy từ Ấn Độ.’

chua2

Một nhà sư đang cầu khấn tại chùa Tam Chúc. Reuters

Tiến sĩ tâm lý Phạm Quỳnh Hương nhận định về hiện tượng chùa Tam Chúc vừa qua :

"Theo tôi, một phần là do Việt Nam có phong tục đi chùa dịp Tết. Tết năm nay do dịch bệnh nên người ta không thể đi, đến khi được nới lỏng thì họ đổ lên chùa đông như vậy. Một phần nữa là do người ta tập trung vào một ngôi chùa chứ nếu rải ra nhiều chùa thì không đến mức đông như vậy. Chùa Tam Chúc mới xây và được quảng cáo dữ quá nên người dân dân đổ về quá đông. Quảng cáo rầm rộ từ trước cho đến bây giờ vẫn đang quảng cáo trên TV, trên báo mà người ta gọi là du lịch tâm linh, tức là du lịch lễ chùa. Chính vì quảng cáo mạnh như thế nên lượng người đến đông như vậy.

Hòa Thượng Thích Không Tánh thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất từng nhận định với RFA rằng, bây giờ đời sống xã hội Việt Nam về mọi mặt đều suy yếu, xuống cấp, người dân bây giờ quá nhiều khổ đau, cuộc sống bấp bênh nên họ không có niềm tin vào xã hội mà họ chỉ biết tin vào Thần Thánh.

Theo một số nhà xã hội học, việc tư nhân đầu tư xây dựng những ngôi chùa lớn có tính thẩm mỹ cao ở một khía cạnh nào đó đem lại giá trị văn hóa, kiến trúc cho xã hội. Tuy nhiên, nếu quản lý chùa theo xu hướng thương mại hóa thì thành phản cảm. Sinh hoạt tâm linh vốn khuyến khích con người làm điều thiện. Một khi tâm linh bị thương mại hóa sẽ tạo ra tâm lý ỷ lại cho con người. Thay vì lao động, họ chỉ nghĩ đến cầu cúng để đạt được sở nguyện.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện nêu quan điểm của ông : 

"Vào những ngày cuối tuần vừa qua, một ngày mà chùa Tam Chúc đón tới 50.000 người. Thế thì ở đây nó cho thấy một sự mê lầm và khủng hoảng niềm tin của người dân Việt Nam hôm nay. Đấy không phải là sự thịnh vượng của đạo Phật, của Phật giáo mà nó là biểu hiện của thời kỳ mạt pháp của đạo Phật ở Việt Nam.

Những ngôi chùa to lớn với hàng trăm hecta như Bái Đính hay Tam Chúc như một mạng lưới kết hợp rất chặt chẽ với các công ty du lịch cho nên người ta đón khách một cách dễ dàng, đưa đến lợi nhuận kinh khủng. Người dân đi lễ chùa cũng không còn hướng đến Phật pháp, hướng đến những điều thiện, hướng đến điều chân của đạo Phật nữa mà họ đi vào những lời cầu nguyện mê lầm với những mong mỏi về ăn thua và may rủi trong cuộc sống".

Hiện xã hội đang thiếu bệnh viện, trường học và cơ sở hạ tầng nhiều nơi xuống cấp, thế nhưng những người có tiền không đầu tư vào đây mà lại đầu tư vào những khu du lịch tâm linh, chùa chiền. Những ngôi chùa được xây dựng ngày càng to đẹp sẽ đem lại gì cho xã hội, là điều dư luận có quyền thắc mắc.

Một trong những ngôi chùa được chính vị trụ trì là Đại đức Thích Trúc Thái Minh xác nhận là ngôi chùa lớn trong nước cũng như thế giới, là Chùa Ba Vàng. Ngôi chùa này tọa lạc trên lưng chừng núi Thành Đẳng, thuộc phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Ngôi chùa này được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là ngôi chùa trên núi có tòa chính điện lớn nhất Việt Nam với diện tích 4.500 mét vuông.

Ngôi chùa đang được nói đến nhiều nhất những ngày qua là Chùa Tam Chúc là chùa lớn nhất Đông Nam Á. Toàn khu vực rộng 5.100 ha, bao gồm hệ thống các công trình văn hóa thể thao được xây dựng mới gắn với hồ Tam Chúc nằm ở thị trấn Ba Sao tỉnh Hà Nam.

Chùa Bái Đính là một quần thể Phật Giáo rộng khoảng 540 ha. Du khách lần đầu đến sẽ choáng ngợp trước sự hùng vĩ, rộng lớn và vẻ đẹp nơi đây.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 19/03/2021

*********************

Chùa to không có chân tu : nơi kinh doanh tâm linh !

Giang Nguyễn, RFA, 18/03/2021

Hình ảnh du khách nườm nượp đổ về chùa Tam Chúc hôm trung tuần tháng 3 lan tỏa rộng rãi trên mạng xã hội. Một ngày sau chính quyền địa phương phải ‘vào cuộc’ yêu cầu chùa thực hiện biện pháp phòng chống Covid-19.

Cư dân mạng xôn xao trước hiện tượng tụ tập quá tải, gây ùn tắc trong mùa dịch Covid-19 và đặt câu hỏi liệu đi chùa như đi chợ như thế có phải hoàn toàn do nhu cầu tâm linh hay không ? 

chua3

Thắp nến về đêm ở chùa Tam Chúc - Ảnh minh họa - AFP

Tài khoản Phú Trần trên mạng xã hội Facebook có ý kiến : "Nên gọi là công ty dịch vụ thương mại chùa thì đúng hơn".

Facebooker Henry SanDiego nhận định : "Nên gọi đó là những điểm du lịch Tam Chúc, Bái Đính. Đừng gọi nó là chùa mà phỉ báng Đức Phật, người đã từ bỏ vợ đẹp con xinh cung điện ngọc ngà Châu báu. Phật đâu cần chùa to lớn như phủ Chúa thế này. Tiền xây chùa đem tế độ chúng sanh chắc cũng được vài chục năm, công đức sẽ vô lượng".

Thượng tọa Thích Vĩnh Phước, thành viên Tăng Đoàn Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (bị chính quyền cấm và thay thế bằng Giáo hội quốc doanh), chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do rằng chế độ cộng sản đã tìm cách đè nén niềm tin vào Phật, vào Chúa trong nhiều thập niên. Họ đã không thành công, nay chính quyền tìm cách đáp ứng nhu cầu tâm linh bằng những khu du lịch tâm linh nhưng chẳng qua chỉ là những dự án thương mại.

"Giữa Đảng và Nhà nước, họ đặt trên chủ thuyết duy vật biện chứng, là vô thần, nghĩa là không có tôn giáo. Trước đó vào thập niên 50, 60 là phá rừng phá chùa, phá miếu, thay đổi tín ngưỡng tâm linh truyền thống. Nhưng mà sau khi thất bại, bây giờ họ bắt đầu mở cửa cho đi. Điều đó không giúp cho sự học hỏi, tìm hiểu được giáo lý gì. Từ khi mà mở cửa như vậy, biết rằng sự khao khát của người dân rất nhiều, nên họ đưa ra những chùa xây dựng như vậy để người ta tưởng rằng bây giờ có được tự do tôn giáo, tự do đi chùa, tự do với những sinh hoạt. Nhưng thực chất những tổ chức tôn giáo độc lập như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, những tăng đoàn của GHPGVNTN, họ chèn ép, họ không muốn cho những tổ chức này phát triển. Và cơ hội để cho người dân tìm hiểu từ những con người chân tu, thì họ không được đứng ra để lãnh đạo. Cho nên điều đó nó đưa con người đến mê tín dị đoan".

chua4

Vì mê tín, hay vì không có được sự hướng dẫn từ những lãnh đạo tinh thần chân chính, người dân dễ bị thu hút vào các cấu trúc vĩ đại, lộng lẫy như Chùa Tam Chúc, Chùa Bái Đính.

Chùa Tam Chúc được xây dựng với vốn đầu tư là 11.000 tỷ đồng, cất trên diện tích 5.000 héc-ta. Chủ đầu tư là nhà kinh doanh Nguyễn Văn Trường ở Ninh Bình. Chùa Tam Chúc cũng như nhiều chùa lớn do doanh nghiệp Xuân Trường của ông Trường trên báo VietnamNet đã bị chỉ trích là những khu tâm linh "do doanh nghiệp xin cấp đất từ địa phương thời hạn khai thác lên đến 70 năm".

Thầy Thích Vĩnh Phước nói thêm, trong việc xây dựng những khu du lịch tâm linh, chùa chiền với tầm quy mô như chùa Tam Chúc, được mệnh danh là chùa lớn nhất Đông Nam Á, không những là phá rừng phá núi để xây dựng mà hoàn toàn đi ngược với tinh thần Đức Phật là hòa nhập với thiên nhiên, từ bỏ cung vàng, địa ngọc, những thứ vật chất. Thầy giải thích :

"Ví dụ như ngôi chùa biểu tượng cho văn hóa ở miền Bắc, là chùa Một Cột, họ chỉ cần một ngôi chùa rất nhỏ thôi. Nó thể hiện cho cả một tôn giáo ở vùng đất thủ đô Thăng Long, ngàn năm văn vật. Cho nên xây dựng ngôi chùa mà to như chùa Tam Chúc, chùa Bái Đính, nó không thể đáp ứng được nhu cầu tâm linh. Đáp ứng nhu cầu tâm linh, trong đó phải có cái hồn, cái gì đó mang tính thiêng liêng. Cái đó không phải là bằng việc xây dựng cho to, hoành tráng như vậy đâu. Nhưng mà nơi đó phải có những vị tu hành, những vị chân tu, những con người sống có tâm hướng thiện, cảm ứng được những điều vi diệu mà sự giao thoa giữa cõi chúng ta đang sống và những cõi thiêng liêng nữa. Cái kia chẳng qua là thương mại thôi"...

Thầy Thích Vĩnh Phước nói nếu ý thức được một phần đất của Chùa Tam Chúc là nơi đã từng giam giữ các vị lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, như là cố Đức tăng thống Hòa Thượng Thích Quảng Độ thì Phật tử có lẽ sẽ nghĩ lại.

"Các ngôi chùa hiện nay được Chính phủ cho phép và ngay cả ngôi chùa Tam Chúc, quý vị biết nơi đó đã từng giam giữ giữ các vị lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, như là Đức tăng thống Hòa Thượng Thích Quảng Độ và rất nhiều vị của Phật giáo cũng như các tôn giáo khác. Bây giờ họ lấy đất một phần đó để họ xây chùa Tam Chúc".

Xét về văn hóa Việt Nam nói chung, PGS.Tiến sĩ Trần Lâm Biền, chuyên gia nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam, trong một cuộc phỏng vấn với báo chí trong nước vào năm ngoái nhận định rằng chùa Tam Chúc cũng không thể hiện nét văn hóa Việt Nam :

"Sự thật thì chùa Tam Chúc không mang nét văn hóa dân gian Việt Nam. Với các nhà chuyên môn về văn hóa có thể dễ dàng nhận ra, ngôi chùa được xây dựng trên khu đất không có lịch sử văn hóa, cũng không gắn với tín ngưỡng tâm linh của người dân trong vùng mà đơn giản nơi đó chỉ là vị trí đẹp, được doanh nghiệp lựa chọn xây dựng vì mục đích phát triển kinh tế hơn là văn hóa tâm linh. Khi vào bên trong chùa, kiến trúc xây dựng cũng không mang bản sắc dân tộc mà đem từ các nước trên thế giới kết hợp lại tạo ra một công trình lạ mắt với du khách nhưng lại không mang hồn cốt văn hóa tôn giáo Việt Nam".

Một số người cũng nêu sự phản cảm trong việc đặt tượng của vợ chủ đầu tư, bà Phạm Thị Lan, pháp danh Diệu Liên, trong đền Tứ Ân tại chùa Tam Chúc.

Nhà văn Nguyễn Đình Bổn đăng trên trang Facebook cá nhân và cho phép Đài Á Châu Tự Do trích, có những đoạn nhận định như sau :

"Trong cái hình hài lai tạp này, có nhiều cái tượng bị gọi là tượng Phật, và một cái tượng đồng rất to, đặt chính diện để thờ ở tầng hai, là tượng bà Lan (đã mất), vợ của ông xây cái khu này, cùng "bảng ghi danh công trạng" của bà. Đã không phải chùa, đã không phải tượng Phật, lại thờ chung đụng với một phụ nữ không ai biết là ai, thì những ai đến đây vái lạy, cúng kiếng là những kẻ ngu muội. Còn nếu thuần túy đi chơi thì cũng không... thông minh lắm, chen nhau toát mồ hôi như vậy thì du lịch cái chi đây ?"

Thượng toạ Thích Minh Quang, trụ trì tại chùa Tam Chúc trên báo nhà nước giải trình đối với những chỉ trích tương tự rằng Phật tử Diệu Liên, tức bà Phạm thị Lan, được thờ tại nhà thờ Tứ Ân là vì có công đóng góp rất lớn trong việc xây dựng chùa Tam Chúc.

Tuy nhiên việc kinh doanh trong lĩnh vực tâm linh vẫn gây nhiều ý kiến trái chiều. Trong cùng bài báo, GS.TS. Phạm Trung Lương lập luận :

"Từ góc độ quản lý nguồn lực của đất nước, trong bối cảnh hiện nay việc dành hàng nghìn ha đất cho nhà đầu tư một dự án tâm linh thật quá lãng phí, cần xem xét lại. Hiện, khung pháp luật vẫn chưa có quy định cụ thể về dự án tâm linh. Vì vậy, đang có sự lách luật, lợi dụng núp bóng dự án tâm linh để kinh doanh".

Facebooker Nguyễn Đình Bổn cũng đưa ra câu hỏi để rồi giải đáp luôn :

"Ai tiếp tay để ông này thu tóm đất đai, danh lam thắng cảnh của quốc gia thành của riêng ? Tất nhiên là kẻ cầm quyền các cấp từ trung ương, tỉnh thành mới dám làm điều đó.

Còn ai tiếp tay để ngu dân ? Đó là Giáo hội Phật giáo Việt Nam khi chọn nơi đăng cai đại lễ Vesak 2019 (Lễ Phật đản 2019) tại Tam Chúc.

Việt Nam đâu có thiếu chùa xưa, chùa thật, tại sao các ông chọn một cái chùa giả ? Mục đích không phải làm ngu dân thì là gì" ?

Giang Nguyễn

Nguồn : RFA, 18/03/2021

************************

Vì sao lừa gạt có hệ thống vẫn cứ mọc như nấm ở Việt Nam ?

Đỗ Ngà, quyenduocbiet, 17/03/2021

Thông thường sự sáng suốt và trung thực sẽ đi đôi với nhau, và ở thái cực bên kia thì sự ngu muội và gian trá cũng thường song hành với nhau. Xã hội nào đưa sự sáng suốt và tính trung thực thành tính phổ quát cho toàn dân xã hội đó là văn minh. Còn ngược lại, xã hội nào đưa sự ngu dốt và sự gian trá trở thành tính phổ quát thì đó là xã hội mông muội. Sự văn minh không đo bằng thước đó thu nhập đầu người mà nó đo bằng những giá trị như vừa đề cập. Tuy nhiên thực tế cho thấy, thường là quốc gia giàu có thì quốc gia đó là văn minh.

chua5

Khoảng 50.000 du khách đổ về chùa Tam Chúc ngày 14/3. Ảnh : Dân Việt

Để có sự sáng suốt thì phải có tri thức, ở đây không phải chỉ là tri thức về chuyên môn. Thứ tri thức về chuyên môn nó là giá trị tạo nên của cải vật chất cho xã hội và dùng để kiếm tiền cho bản thân, nó hoàn toàn không xây dựng nên cái văn minh cho bản thân và đóng góp cho cái văn minh của cả xã hội. Văn minh là nói về vấn đề khác, đó là giá trị tích lũy tạo nên nhân cách con người, trong đó sự sáng suốt là một trong những giá trị nền tảng. Để có sự sáng suốt, điều cốt lõi là con người phải biết chấp nhận khác biệt, biết chấp nhận sự khác biệt mới nhìn vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau từ đó có niềm tin vào sự đúng đắn. Biết chấp nhận sự khác biệt là tự trong nhân cách đã hình thành tính bao dung, đấy là một giá trị nền tảng để tạo nên một xã hội nhân bản.

Để có sự trung thực thì con người phải biết tôn trọng sự thật. Nếu lỡ sai lầm thì phải dám thừa nhận. Như vậy nếu ai tập cho bản thân biết thừa nhận sai lầm thì tự trong con người đó cũng hình thành nên sự can đảm. Nếu cả xã hội biết tôn trọng sự thật mà có lòng can đảm thì ắt dân khí của quốc gia sẽ mạnh lên. Dân khí Việt Nam trăm năm vẫn chưa mạnh là dân tộc Việt Nam đang còn thiếu những giá trị như thế.

Sự ngu muội là là tin một cách thái quá vào những điều xằng bậy. Để con người tin vào những điều xằng bậy và cố chấp theo đuổi điều xằng bậy đó thì nền tảng là không biết chấp nhận sự khác biệt. Chỉ biết nghe những lời nói mùi tai rồi tự chấp nhận nó là chân lý (đối với bản thân), và với nền tảng không chịu lắng nghe nên con người ấy trượt theo niềm tin mù quáng một cách kiên định. Không biết tôn trọng chủ nghĩa đa nguyên thì con người không biết nhìn vấn đề ở nhiều góc độ, mà không biết nhìn ở nhiều góc độ thì họ không thể tìm ra sự thật. Nếu toàn xã hội mà theo một khuôn mẫu giáo dục như vậy thì xã hội ấy rất dễ bị dắt mũi bởi những trò lừa gạt, mà đặt biệt là lừa gạt có tính hệ thống thì có thể dắt mũi được toàn xã hội.

Nói đến sự lừa gạt thì sự lừa vĩ đại nhất đó chính là chủ nghĩa cộng sản. Nếu có lí trí thì con người sẽ nhìn ra ngay mục tiêu "làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu" của Karl Marx là chứa mâu thuẫn và từ đó phải biết nó là một ước mơ không tưởng. Tuy nhiên, một mục tiêu mâu thuẫn như thế nó lại nảy nở và trở thành niềm tin mãnh liệt trong những xã hội ngu muội. Đó là nền tảng để bộ máy lừa gạt khổng lồ của Đảng cộng sản vận hành trơn tru.

Trong bộ máy nhà nước cộng sản nó chứa 2 thứ quan trọng, đó là bộ phận lừa gạt và bộ phận đe dọa. Bộ phận lừa gạt chính là ban tuyên giáo, bộ Thông tin và truyền thông và nền giáo dục nhồi sọ. Bộ phận đe dọa chính là công an và hệ thống tòa án, chính nó không xem trọng việc thực thi công lý mà xem trọng trách nhiệm bảo vệ đảng, nên thay vì nó bảo vệ dân thì nó lại là hệ thống đe dọa sự an nguy của dân. Có thể nói, nhà nước cộng sản là bộ máy lừa gạt khổng lồ nhất mà nhân loại từng có. Nó chỉ sống được trên nền tảng một xã hội ngu muội để họ dễ dàng dắt mũi toàn dân.

Sự ngu muội của xã hội được ví như là vùng đất tốt, bộ máy lừa gạt của Đảng cộng sản được ví như là loại cây đặc thù cho loại đất đó. Với loại đất này, một khi bộ máy lừa gạt của Đảng cộng sản sống tốt thì những bộ máy lừa gạt khác cũng mọc lên và sống tốt vậy ? Vì chúng cùng sử dụng một loại dinh dưỡng mà ? Nếu nói cây lừa gạt Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cây đại thụ trong vườn thì "Thần y Võ Hoàng Yên và đồng bọn" cũng cùng loại như vậy nhưng là cây con, vì họ cũng hành nghề lừa gạt mà ? Nếu nói "Thần Y Võ Hoàng Yên và đồng bọn" sống tốt thì bọn buôn thần bán thánh kiểu "du lịch tâm linh" cũng sống tốt vậy ? Vì họ cũng sống bằng trò lừa gạt lòng tin người dân chứ có khác gì nhau ? ! Đấy là thực tế. Như vậy nhổ "Hoàng Yên" này thì ắt sau này cũng có "Hoàng Yên" khác mọc lên, hay dẹp "Chùa Ba Vàng" thì "Chùa Tam Chúc" cũng mọc lên vậy ? ! Không bao giờ mảnh đất này hết những trò lừa gạt mang tính hệ thống như vậy, bởi đơn giản mảnh đất ngu muội vẫn còn đó. Cây đại thụ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam còn đó thì những cây cỏ dại như "Võ Hoàng Yên", "Chùa Tam Chúc", "Chùa Ban Vàng" sẽ mọc lên ăn hôi phần dinh dưỡng thừa của cây đại thụ này.

Như đã nói, sáng suốt và trung thực là một cặp song hành, nó thuộc về thế giới văn minh ; sự ngu muội và gian trá nó cũng là một cặp song hành, nó thuộc về thế giới mông muội. Ở Việt Nam, với ngu muội là nền tảng thì không bao giờ dẹp được sự gian trá cả. Chuyện lừa đảo dựa trên sự ngu muội nó không bao giờ hết, trừ khi "chế độ lừa gạt vĩ đại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" không còn.

Đỗ Ngà

Nguồn : quyenduocbiet, 17/03/2021

**********************

Từ Ba Đình tới lăng Bà Lan

Cánh Cò, RFA, 17/03/2021

Việt Nam có rất nhiều lăng, đa số tập trung ở Huế. Triều đình nhà Nguyễn xây lăng và nhờ vậy ngày nay người dân mới có những thắng cảnh về lăng tẩm như thế để tham quan. Triều đình cộng sản cũng có lăng, đó là lăng Bác Hồ ở Ba Đình. Đây là lăng mộ có xác ướp và rất nổi tiếng tại Việt Nam. Nhiều người mỗi khi có ai quen ra Hà Nội thăm thú khi trờ về thường được hỏi "Có thăm lăng Bác chưa ?"

chua6

Cổng vào chùa Tam Chúc – Khu du lịch tâm linh

Theo thống kê chính thức của hệ thống báo chí nhà nước sau gần 50 năm dựng lên số người tới viếng lăng Bác là 60 triệu người, trung bình mỗi năm gần 1 triệu hai trăm ngàn, con số rất ấn tượng và nói lên tấm lòng của người dân đối với Bác.

Nhưng năm nay do dịch bệnh, khách viếng lăng Bác vắng hẳn. Trong ngày 19 tháng 5 là ngày sinh nhật Bác nhưng chỉ có 10 ngàn người, đó là báo chí nói thách chứ thật ra con số ít hơn rất nhiều.

Nhưng thay vì đến viếng lăng lăng bác, hầu hết dân miền Bắc chọn một cái lăng khác để viếng, đó là lăng Bà Lan, nằm trong khuôn viên chùa Tam Chúc một thắng cảnh vừa mở cửa đã lập tức gây sốt cho hàng trăm ngàn du khách. Báo chí ước tính ngay ngày đầu tiên mở cửa con số khách tham quan tròm trèm 1 triệu người, gây ùn tắc dữ dội cho cả khu vực.

Theo Wikipedia thì chùa Tam Chúc nằm trong quần thể Khu du lịch Quốc gia Tam Chúc do đại gia Xuân Trường làm chủ đầu tư, có diện tích vùng lõi là 4.000 ha. Khu du lịch quốc gia Tam Chúc ngoài khu nghỉ dưỡng, khu bảo tồn thiên nhiên là Khu du lịch tâm linh với ba địa danh là đình Tam Chúc (thờ Đinh Tiên Hoàng), chùa Tam Chúc (thờ các vị "quốc sư" như trên đã nói), đền Tứ Ân, thờ bà Phạm Thị Lan, vợ đại gia Xuân Trường.

Đinh Tiên Hoàng và các vị quốc sư được thờ trong chùa Tam Chúc thì không ai nói làm gì nhưng cái tên Phạm Thị Lan thì lạ và rất hấp dẫn người xem. Người ta đến lăng Bà Lan vì Tam Chúc, cũng như người ta đến thăm lăng Bác vì Hà Nội, cả hai đều hợp lý, hợp… tình !

chua7

Đền Tứ Ân, thờ bà Phạm Thị Lan, vợ đại gia Xuân Trường (còn gọi là lăng Bà Lan).

Lăng Bà Lan tuy không to lớn nhưng nguy nga tráng lệ có phần hơn cả lăng bác vì tính thời thượng và một ít mê tín khiến người đến viếng mang một chút hy vọng. Bà Lan là ai người ta đâu cần biết tới, người ta chỉ chen lấn xô đẩy nhau đến rờ mó vào chất đồng lạnh toát của pho tượng bà Lan. Người ta xì sụp vái lạy bà để mong có con nối dõi, có tiền tài hạnh phúc tràn đầy và nhất là thoát mọi bệnh hoạn ốm đau…những điều mà khi viếng lăng bác họ không làm được.

Tới viếng lăng Bác họ thỏa mãn tính hiếu kỳ muốn xem một cái xác bằng sáp có giống với xác người thật hay không. Tới thăm lăng Bà Lan họ được xem những thắng cảnh chung quanh hồ Tam Chúc. Tới thăm lăng Bác họ phải nghiêm nghị, im ắng và nhất là phải tỏ ra thành kính còn khi viếng lăng Bà Lan họ có thể tràn đầy hỉ nộ ái ố mà không cần phải kềm giữ. Khi bị hỏi bà Lan là ai nhiều người sẽ ngẫn mặt ra nói là không biết nhưng khi hỏi bác Hồ là ai chắc rằng cái biết của người viếng lăng rất khác nhau. Người nói bác Hồ vĩ đại, kẻ nói bác rước cộng sản hại dân hại nước. Người bảo bác giỏi giang người lại bảo giỏi giang gì chỉ được cái rước Nga rước Tàu về hại nước hại non thì có…

Ôi con người, lúc nào cũng vậy, thiện ác trộn lẫn và hòa quyện với nhau mới làm nên lịch sử chăng ?

Rồi đây khi từ Tam Chúc trở về và bằng cách nào đó nhiều người bỗng giàu lên nhờ trúng số hay tự nhiên hết bệnh thì ngay lập tức lăng Bà Lan trở thành thần linh, vĩ đại và đáng thờ kính tới mức nào. Lúc ấy lăng Bà Lan không cần phải nói, mỗi khi muốn viếng phải đăng ký trước cũng nên !

Và câu chuyện cái lăng nằm trong Tam Chúc không phải để làm quà, nó sẽ trở thành đỉnh điểm khi quá nổi tiếng lúc ấy đảng của Bác không lẽ để cho Bác thua cả một người đàn bà không tên tuổi hay sao ?

Rồi đây trận huyết chiến giữa Ba Đình và Tam Chúc không thể không xảy ra, chỉ có điều lúc ây cái lò của ông Trọng đã bị dẹp sau khi ông ta…từ trần, lấy ai đốt lăng Bà Lan đây ?

Cánh Cò

Nguồn : RFA, 17/03/2021 (canhco's blog)

********************

Người ta đi chùa Tam Chúc, tôi đi trung tâm thương mại !

Nguyễn Thị Ban Mai, RFA, 15/03/2021

Ban đầu, nhìn tấm ảnh chụp từ trên cao xuống đám đông người như kiến chen chúc trong khuôn viên chùa Tam Chúc, tôi cũng phát hoảng. Chỉ nhìn ảnh không đã thấy nghẹt thở.

chua8

Cảnh người đổ về chùa Tam Chúc ở Hà Nam hôm 14/3/2021 - vnexplorer

Người ta đi chùa làm gì mà đi đông kinh khủng vậy ?

Nhưng nghĩ lại, tôi thấy cảnh này là bình thường.

Trước cảnh chen chúc ở chùa Tam Chúc, rất nhiều năm qua đã có cảnh chen chúc ở đền Trần, ở chùa Hương, ở đền bà chúa Kho, ở chùa Phúc Khánh, phủ Tây Hồ, đền Bảo Hà (phía Bắc). Trong Nam thì ở chùa Bà Đen, miếu bà Chúa Xứ. Ủa có ai nói gì đâu ? Vì với người Việt ta, bất kể chùa miễu đình đền nào, hễ được tiếng là linh thiêng, hoặc mới xây to rộng, kiến trúc tân kỳ, hoặc tọa lạc nơi thiên nhiên đẹp đẽ thì không sớm thì muộn, thể nào cũng có lúc người ta đổ đến như nêm.

Nhưng chỉ một phần nhỏ trong đó là phật tử hoặc những người hướng Phật, đến chùa để thực hành tín ngưỡng của họ. Phần tuyệt đại đa số còn lại là người đi chơi, là du khách, nhân đầu năm công ăn việc làm còn rảnh rỗi, thời tiết mát mẻ, bà con họ hàng còn ở chơi nấn ná thì rủ nhau đi chơi chùa.

Đi chơi chùa thích quá đi chứ ! Như chùa Tam Chúc đang hot chẳng hạn. Hãy xem ngôi chùa này được giới thiệu như thế nào.

"Chùa Tam Chúc (Hà Nam) gắn liền với truyền thuyết "Tiền lục nhạc, Hậu thất tinh". Ngôi chùa nằm ở vị thế hết sức đặc biệt : ba mặt được bao bọc bởi dãy núi thất tinh, trước mặt là hồ Tam Chúc có sáu quả núi Lục Sơn Thủy nhô lên. Tương truyền rằng trên từng ngọn núi của dãy thất tinh đều xuất hiện một đốm sáng hào quang lớn tựa như 7 ngôi sao. Nhiều người thấy ánh hào quang đó bèn kéo đến núi Thất Tinh đục đẽo, chất củi thành đống lớn và đốt nhiều ngày để lấy đi 7 ngôi sao. Trong 7 ngôi sao đã có 4 ngôi sao bị mờ dần, chỉ còn lại 3 ngôi sao còn sót lại. Vì thế ngôi chùa "Thất Tinh" sau này được đổi tên thành chùa "Ba Sao" (Tam Chúc) (trích các trang giới thiệu).

chua9

Hơn 60.000 người đến chùa Tam Chúc tham quan ngày 14/3. Ảnh : Thanh Thảo.

Trước khi bị chùa Tam Chúc soán ngôi là ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á, quần thể chùa Bái Đính đã từng giữ ngôi vị đó và chắc chắn là ngôi chùa đón nhiều du khách nhất Việt Nam. Cũng như Tam Chúc, Bái Đính nằm giữa thiên nhiên với diện tích vô cùng rộng lớn : tổng diện tích 1.700 ha, chùa nằm trên sườn núi, giữa những thung lũng mênh mông hồ và núi đá, có hang Sáng thờ Phật và thần, động Tối thờ Mẫu và tiên. Muốn lên chùa chính (chùa cổ), phải leo khoảng 300 bậc đá quanh co giữa rừng núi.

Chùa Hương thì không cần phải nói nữa. Đó là cả một quần thể thắng cảnh đẹp đẽ thơ mộng ngay từ cái tên, và nó quyến rũ người ta bằng dòng suối chảy quanh co giữa đồng bằng, hai bên bờ lúa chín. Xin chư Phật tạ lỗi, con xin mô tả việc đi chùa Hương bằng một câu ngạn ngữ nổi tiếng (nhưng con quên mất nguồn rồi, và con chế lại một chút) : "Sự thú vị không phải ở đích đến, mà là ở cuộc hành trình".

Nói không ngoa, ngạn ngữ này áp dụng đúng đắn cho hầu hết các sự "biển người chen chúc ở chùa X" trên đất Việt Nam.

Phủ Tây Hồ chiều chiều "Mịt mù khói tỏa ngàn sương/Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ". Núi Bà Đen "như chiếc nón úp xuống đồng bằng" với biển mây trắng như sóng vấn vít quanh đỉnh những ngày nhiều mây, cộng với những hang động gắn liền với các câu chuyện kỳ bí hấp dẫn như động Ba Cô, động Thanh Long, động Ông Hổ. Miễu bà chúa Xứ núi Sam cùng với quần thể sơn lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An, chùa Hang nằm trọn từ chân lên đỉnh ngọn núi nằm giữa lòng thành phố Châu Đốc là vô vàn sự tích ẩn hiện cùng lòng biết ơn với người mở cõi và che chở người dân

Vậy thì, phải khẳng định lại : Đi chùa thích quá đi chứ ! Vì đến chùa là được hưởng thụ không gian thiên nhiên rộng lớn và (lạ quá) vẫn còn xinh đẹp của Việt Nam. Là được băng rừng, lội suối, trèo thác, ngắm lá, ngắm hoa. Được rời mắt khỏi cái màn hình xanh mà phóng ra bao la, được tắt tiếng động cơ, tắt tiếng karaoke hàng xóm (ông nội mẹ ơi nó đắp mộ cuộc tình một tuần nay đắp quài chưa xong), tháo cái khẩu trang khỏi sặc sụa bụi mù phun ra từ triệu triệu ống pô xe máy, thoát ra khỏi cái mớ lưới cào hàng trăm ngàn quảng cáo rình rập vây bủa mỗi giây phút của cuộc sống. Là để bú mớm ngụm sữa lành sạch của đất mẹ nhằm dưỡng nuôi lại cái tâm hồn đã bị đông lạnh và vắt kiệt bởi triệu triệu tấm vách bê tông.

Nói gì nói, dân Việt Nam giờ giàu hơn trước. Đời sống thong thả hơn, thì cũng muốn đi chơi nhiều hơn. Chùa chiền toàn nằm ở nơi danh thắng, thì đến đấy chơi, nhân thể vào chùa đốt một thẻ hương cầu an, chẳng mất gì.

Đấy là mặt tích cực và xu thế tất yếu của một đời sống ngày càng dồi dào về kinh tế.

Còn ở mặt trái, sự ra đời của những ngôi chùa càng ngày càng lớn hơn, càng phá nhiều thiên nhiên hơn, càng sốt ruột đánh chiếm những kỷ lục chùa lớn nhất, tượng Phật lớn nhất, đắt tiền nhất, hành lang dài nhất, bảo tháp cao nhất một phần nhỏ là để đáp ứng cái sự thiếu vắng thiên nhiên của vài chục triệu con người đang bị quy hoạch sống trong những đô thị thiếu tính người. Phần còn lại, để đáp ứng nhu cầu khẩn thiết hơn nữa, là cầu xin sự che chở, sự an toàn trong một xã hội quá đỗi đảo điên và khó lường.

Những hệ lụy đẻ ra : những ngôi chùa sản sinh ra một loạt quái thai như cúng sao giải hạn, xin lộc giải hạn thì cũng là từ những nhu cầu xin thăng quan tiến chức, xin tiền tài, xin mua may bán đắt của những người đến chùa (xin nhắc lại, đến chùa chỉ có một số rất ít được gọi là Phật tử. Số đông còn lại chỉ là tục tử). Nó rất thương mại và phản cảm, bị chính những vụ cao tăng của Phật giáo Việt Nam chỉ trích. Nhưng nó vẫn tồn tại, vì sao ?

Thì chính là vì tuyệt đại đa số tục tử nằng nặc đòi phải có những dịch vụ đó đấy thôi.

Những tục tử này chính là nguồn nuôi dưỡng một bộ máy kinh doanh hoàn hảo giấu sau "danh tiếng" nổi như cồn của hàng loạt các ngôi chùa to lớn vĩ đại mới được xây gần đây.

Còn ai là ông chủ của các công ty, các tập đoàn kinh doanh chùa chiền đó, thì xin ngẫm nghĩ. Ai được quyền chiếm đất rừng, đất hồ, đất ruộng mênh mông ? Ai có thể huy động nguồn tiền khổng lồ ào ạt trong thời gian ngắn để kịp xây chùa, kịp tô tượng, kịp làm đường, kịp làm tour, kịp quảng cáo ? Ai có thể bảo đảm sự an toàn, không bị vào "lò" hay bị báo chí sờ gáy trong suốt thời gian đó ? Hỏi, đã là tự trả lời.

Hồi hôm qua, hôm kia, cũng cuối tuần. Người ta nô nức đi chùa Ba ngôi sao để ngắm hồ nước, ngắm núi, ngắm rừng, cầu tài lộc. Còn tui, đi trung tâm thương mại. Hổng leo núi thì thang máy đi xuống đi lên, cũng chen chúc như ai chớ bộ. Đèn điện sáng lóe thay nắng và ánh sao. Cây giả, cỏ giả bằng nhựa lủng lẳng trái đào trên cây lựu, lạ hơn cây thiệt. Bịch nilon đủ màu thay hoa rừng. Có nhạc điện tử pừng pừng thay tiếng chim, tiếng suối. Tài lộc thì ra đi theo số chi trên tài khoản.

Mọi thú vui tinh thần bị chặt nhỏ, vo viên, nén lại, biến dạng thành thú vui mua sắm. Nhạt quá, nhàm quá, thiếu dưỡng chất quá. Nhưng biết làm sao ? Đi đâu cho vui ? Ở thành thị Việt Nam bây giờ, một cái công viên đủ để tầm mắt không vướng bận, có cỏ cây không bị xén tỉa, có hồ nước tự nhiên róc rách, có con thú tin cậy tròn xoe mắt nhìn người kiếm đâu ra ? Kiếm đâu ra ?

Nguyễn Thị Ban Mai

Nguồn : RFA, 15/03/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Diễm Thi, Giang Nguyễn, Đỗ Ngà, Cánh Cò, Nguyễn Thị Ban Mai
Read 679 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)