Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

31/10/2020

'Ông Trump không hề chống cộng sản hay chống Trung Quốc' !

Tina Hà Giang

Việc cộng đồng Mỹ gốc Việt có tỷ số ủng hộ Tổng thống Donald Trump cao nhất (48%, theo AAPI) trong khối cử tri gốc Á, có lẽ không gây bối rối cho ai nhiều như cho Frank Snepp, người phục vụ tại Việt Nam từ 1969 đến 1975.

snepp1

Frank Snepp (phải) và Donald Trump - Ảnh minh họa

Frank Snepp, một nhà báo chuyên về phóng sự điều tra, tác giả cuốn "Decent Interval : An Insider's Account of Saigon's Indecent End Told by the CIA's Chief Strategy Analyst in Vietnam", còn là nhà phân tích chính về chiến lược Bắc Việt của cơ quan tình báo Mỹ (CIA) tại Sài Gòn, trong cuộc chiến Việt Nam.

Phản ứng trước sự ủng hộ người Mỹ gốc Việt dành cho Tổng thống Donald Trump, ông Frank Snepp thổ lộ tâm tư trong bài 'Vietnamese Friends and Other Patriots : Trump Doesn't Deserve You'.

"Là một nhân viên CIA đã đến công tác tại Việt Nam nhiều lần, và là tác giả của hai cuốn sách về sự sụp đổ của Sài Gòn, cũng như tình cảnh của đồng minh, tôi thấy mình có một mối quan hệ và tình cảm đặc biệt với người Mỹ gốc Việt trên khắp nước Mỹ". Ông viết.

Nhưng 'quan hệ đặc biệt' đó không giúp Frank Snepp hiểu được tại sao rất nhiều người Mỹ gốc Việt lại muốn ông Trump đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa.

"Tôi rất thất vọng khi biết có bao nhiêu người trong số những người cùng hàng ngũ với tôi này, những người mà vì kinh nghiệm cay đắng lẽ ra phải ghét Donald Trump, lại vẫn cứ ủng hộ ông ấy". Ông bộc bạch trong bài viết.

Và nằn nì :

"Chao ôi, bạn bè người Việt của tôi ơi, qua sự tán thành dành cho nhà tiên tri giả này, các bạn đã bỏ qua những hô hào phân biệt chủng tộc, thái độ khinh thường của ông ta với người kém may mắn nhất trong xã hội, và quyết tâm làm cho chúng ta chia rẽ của ông ấy".

"Nếu bạn tin rằng "con người đạo đức" này sẽ đến bên bạn trong giờ phút bạn cần nhất, như khi Sài Gòn thất thủ, thì tôi có lời cảnh báo cho bạn : "Người Kurd". Khi những đồng minh dũng cảm này trở thành sự bất tiện với chính sách 'khi thế này, lúc thế khác' của Trump ở Syria, ông ta sẽ đơn giản bỏ rơi họ. Lần này, sẽ không có bất kỳ trực thăng khẩn cấp nào được đưa đến để mang những người bị bỏ rơi ra khỏi nơi nguy hiểm".

"Và nếu lỡ bạn có nghĩ rằng những đóng góp khôn lường mà bạn đã làm cho đất nước này sẽ cho phép bạn hưởng bất kỳ sự đối xử đặc biệt nào từ Trump, thì hãy suy nghĩ lại. Mới năm ngoái, Trump đã hủy bỏ thỏa thuận với Việt Nam từ năm 2008, tìm cách trục xuất một số người tị nạn, trong một phần chính sách nhập cư của ông".

Trả lời câu hỏi của BBC News tiếng Việt là điều gì đã khiến ông viết một bài viết thống thiết như thế, ông Frank Snepp nói :

"Tôi phục vụ rất lâu trong cuộc chiến Việt Nam với cơ quan CIA, và vì thế có một mối quan hệ và tình cảm đặc biệt với những người Việt tôi làm việc cùng, và trở thành người tị nạn sau cuộc chiến. Tôi vẫn liên lạc với họ, tôi thực sự quý trọng và yêu mến những người bạn này, và rất để ý đến khuynh hướng chính trị của họ".

"Tôi đã sắp xếp ý tưởng để chuẩn bị viết bài này lâu rồi, với mục đích thổ lộ tâm can với tất cả những người ủng hộ Trump, không chỉ riêng với người Việt. Nhưng điều làm tôi muốn viết cho bạn bè người Việt, và những người cùng hàng ngũ với tôi tại Little Saigon, Quận Cam, California, là một số Tweets của những người Việt ủng hộ Trump, đăng ngay sau khi ông Trump đàn áp người biểu tình Black Lives Matter. Ông Trump cho người dẹp biểu tình ôn hòa, chỉ để ông ta chụp tấm hình với cuốn kinh thánh trước một thánh đường trước cửa Nhà Trắng. Những tweets này ca ngợi Trump là người 'kính sợ Chúa', người sẽ bảo vệ tôn giáo, là điều làm tôi hết sức bất bình".

snepp2

Frank Snepp nhận Huy chương của CIA năm 1975 từ tay Giám đốc CIA William E. Colby (trái). Một nhân viên của BBC quay Frank Snepp năm 1991 trên nóc Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn cho một cuốn phim tài liệu (phải).

******************

*Frank Snepp : Ngay cả với tiêu chuẩn của Khổng giáo hay Phật giáo, người đàn ông này không phải là một người yêu Thượng Đế. Khuynh hướng kỳ thị chủng tộc của ông, khuynh hướng thích sỉ nhục những người kém may mắn trong xã hội của ông, thói quen khiến mọi người bất hòa, căm thù nhau của ông không phải là lòng khoan dung hay sự cảm thông. Lòng khoan dung và sự cảm thông là căn bản của bất cứ tôn giáo nào. Phân biệt chủng tộc không phải là lòng trắc ẩn.

Hai người Việt Nam này đang làm gì với những Tweets này thế ? Tôi tự hỏi, và muốn bàn về sự mê đắm của họ với Trump, vì rõ ràng là mọi điều mà Trump đại diện đi ngược lại niềm tin tôn giáo và quan điểm của người Việt tại Việt Nam trước đây, và cả đến bây giờ.

Có nhiều điều về Trump cho thấy ông không hề có chút lòng trắc ẩn với người Việt. Ông ấy muốn tống cổ những người tị nạn Việt Nam đã phạm bất kỳ tội gì ra khỏi Mỹ, kể cả những người đến Mỹ hồi còn tấm bé. Chính sách nhập cư của ông ấy ảnh hưởng nhiều vào Little Saigon, một trong những nơi có nhiều người Việt.

Thêm vào đó, Trump có mặc cảm tự tôn và xem mình như một Thượng đế. Ông tweet đi những thông điệp so sánh mình với đấng tối cao, và người ái mộ xem như ông là Chúa xuống trần. Tôi không thể nào hiểu được tại sao bất kỳ người Việt nào có thể chấp nhận được con người này. Trump cũng không phải là người đàn ông tôn trọng những giá trị gia đình, điều mà văn hóa Việt Nam coi trọng.

BBC : Có nhận định cho rằng sở dĩ người Mỹ gốc Việt ủng hộ ông Trump là vì quan niệm cứng rắn của ông ta với Trung Quốc. Ông nghĩ sao về điều này ?

Frank Snepp : Rất nhiều người Việt Nam bị thu hút bởi đảng Cộng hòa vì đảng Cộng hòa thường có quan điểm chống cộng, và vì thái độ có vẻ cứng rắn của Trump với Tập Cận Bình, vì thế họ cho là ông ấy chống cộng. Dường như là vậy. Nhưng tôi cho đó là những suy nghĩ vớ vẩn.

Ông Trump chỉ làm điều gì có lợi cho bản thân ông ấy. Ông áp thuế lên hàng Trung Quốc, nhưng những thuế suất ấy cuối cùng người Mỹ phải chịu hậu quả. Ông ấy tìm cách đánh lừa chúng ta bằng cách áp thuế để mọi người tin là ông cứng rắn với Bắc Kinh.

Thật ra ông bợ đỡ khen ngợi Tập Cận Bình đến tận mây xanh về việc xử lý virus corona cho đến khi ông quyết định thôi không làm thế nữa. Giờ đây, chúng ta cũng đã biết, từ cựu cố vấn an ninh John Bolton, trong cuốn sách của ông ta, rằng Trump đã cầu xin Trung Quốc giúp ông tái đắc cử bằng cách mua thêm nông sản của Mỹ, để ông lấy được phiếu của giới nông dân. Trump không hề chống cộng. Ông ta cũng không hề chống Trung Quốc.

Đây là một người đàn ông chỉ chuyên giao dịch, đổi chác. Ông ta sẽ làm bất cứ điều gì để lấy phiếu. Làm sao những người Việt đáng kính lại có thể ủng hộ được ông ta một cách ngây thơ như vậy được ?

BBCNhiều người Mỹ gốc Á khác cũng ủng hộ ông Trump về cách ông đối phó với Bắc Kinh, nhưng tại sao việc người Việt có cảm tình với Trump lại khiến ông có vẻ khổ tâm như thế ?

Frank Snepp : Nhiều người Mỹ gốc Trung Hoa cũng ủng hộ Trump. Nhưng có lẽ vì phục vụ ở Việt Nam rất lâu nên tôi có một cảm tình đặc biệt với người Việt, xem họ là những người cùng hàng ngũ.

Tôi muốn nhắc họ là chúng ta đừng quên thời chiến tranh Việt Nam, khi quý vị và cha anh quý vị hy sinh trên chiến trường để ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản, ông Trump đã trốn quân dịch. Khi tranh cử tổng thống năm 2016 Trump đã gièm pha chê bai John McCain, người từng chiến đấu bên cạnh những phi công kiêu hùng của miền Nam Việt Nam, rồi bị bắt làm tù binh. Trump không hề tôn trọng John McCain vì ông ấy bị tù.

Bạn có nghĩ rằng Trump ta sẽ tôn trọng những người Việt bị vào tù cải tạo, ra tù đến Mỹ theo diện HO không ? Ông ta chẳng có tí tôn trọng nào cho quý vị. Ông ta sẽ gọi bạn là "loser". Lúc viết bài viết này, tôi càng viết càng trở nên tức giận.

BBC : Bài viết của ông đã nhận được phản hồi như thế nào, nhất là từ bạn bè người Việt của ông ?

Frank Snepp : Tôi nhận được rất nhiều phản ứng về bài viết đó, nhiều bạn trẻ Việt Nam đồng ý với suy nghĩ của tôi. Nhiều người lớn tuổi nói rằng tôi không hiểu họ. Tôi suy luận rằng có lẽ họ phản ứng như thế vì thói quen tôn trọng quyền lực, thói quen tôn thờ lãnh tụ có sẵn trong họ.

Có người lập luận với tôi rằng ngoài vấn đề Trung Quốc, họ còn thích Trump vì ông ta khôn ngoan, lợi dụng được hệ thống (game the system) để làm giàu, và vì thế họ đánh giá cao ông ta. Khôn và biết lợi dụng kẽ hở của hệ thống để làm giàu thì tôi còn có thể hiểu được, vì ở Việt Nam khó có cơ hội thay đổi hệ thống. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên, là họ thích cả sự kỳ thị của ông ta, điều này thì tôi không thể nào giải thích nổi.

BBC : Nói đến kỳ thị, ông nghĩ gì về khuynh hướng không ủng hộ phong trào Black Lives Matter của nhiều người Việt ?

Frank Snepp : Có vẻ như có một chút kỳ thị nào đó trong cộng đồng Việt mà tôi không hiểu. Tôi có một người bạn Mỹ gốc Việt. Cô ấy nói không bao giờ xin được người nhà giàu người Việt nào đóng góp cho từ thiện, cho những người kém may mắn. Họ có vẻ không có nhiều cảm thông với những người họ cho là không làm việc chăm chỉ như mình.

À, còn có một khía cạnh khác tôi cần phải nói. Đó là việc nhiều người Việt tức giận vì tin Joe Biden không muốn Mỹ giúp đỡ người tị nạn Việt Nam. Nhưng đó là tin giả do phe cực hữu tung ra để bôi xấu Joe Biden, và nhiều người Việt đã tin việc này, mặc cho những dữ kiện và nỗ lực phân tích chứng minh đó không phải là tin thật.

BBC : Thế còn sự cách biệt quan điểm giữa hai thế hệ của người Mỹ gốc Việt thì sao, theo ông ?

Frank Snepp : Vâng, có một điều khá rõ ràng là những người trẻ tuổi Việt Nam đang chống lại Trump một cách áp đảo để ủng hộ một điều khác. Họ muốn một cái gì đó khác thế hệ cha mẹ của họ. Họ có thể gặp khó khăn trong việc thuyết phục cha mẹ để họ có cùng hướng nhìn với mình, nhưng giới trẻ có cách tiếp cận đa sắc thái hơn với chính trị, so với thế hệ của cha mẹ họ, và họ đi con đường của riêng họ.

Người Mỹ gốc Á nói chung, trong cuộc bầu cử vừa qua đã bầu nhiều cho đảng Dân chủ. Tuy nhiên nhiều người Việt lớn tuổi vẫn có cái nhìn đặc biệt bảo thủ.

BBC : Bài viết này của ông có khiến ông mất đi nhiều bạn bè người Mỹ gốc Việt không ?

Frank Snepp : Tôi rất yêu quý người Mỹ gốc Việt, thậm chí cả những người Việt lớn tuổi không cùng quan điểm với tôi. Chúng tôi đã chia sẻ nhiều. Bạn tôi chỉ lắc đầu và nói rằng chúng ta suy nghĩ rất khác nhau, nhưng họ nói họ 'tha thứ' cho tôi. (cười).

Một người bảo sẽ mời tôi đến Little Saigon ăn tối, và sẽ 'thay đổi cái nhìn' của tôi sau bữa ăn tối đó.

Thú thực nếu không có Covid-19, thì tôi đã đến đấy đấy.

Tina Hà Giang

Nguồn : BBC, 29/10/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tina Hà Giang
Read 578 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)