Người Việt tại Mỹ cũng bị chia rẽ vì bầu cử tổng thống
Thanh Phương, RFI, 31/10/2020
Theo thẩm định, hiện nay tổng số người Việt sống ở nước ngoài là khoảng 4,5 triệu, trong đó cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ là chiếm số đông nhất, với khoảng 1,3 triệu người. Cho tới nay, cử tri Mỹ gốc Việt nói chung vẫn có truyền thống ủng hộ đảng Cộng hòa hơn đảng Dân chủ.
Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm nay cũng không ra ngoài thông lệ đó. Thế nhưng, giống như xã hội Mỹ nói chung, cộng đồng người Việt cũng bị chia rẽ nặng nề giữa một bên là những người ủng hộ Trump, chiếm đa số và bên kia là những người theo ứng cử viên Dân chủ Joe Biden.
Một cuộc thăm dò do các tổ chức APIAVote, AAPI Data and Asian Americans Advancing Justice thực hiện, kết quả được công bố vào tháng 9, cho thấy là trong số những người Mỹ gốc Á, người Mỹ gốc Việt có vẻ ủng hộ Trump nhiều hơn cả. Cụ thể là có đến 48% cử tri Mỹ gốc Việt cho biết sẽ bỏ phiếu cho tổng thống Trump, và chỉ có 36% ủng hộ ứng cử viên Dân chủ Joe Biden. Trong khi đó, những người Mỹ gốc Á khác (gốc Hoa, Ấn, Hàn, Nhật, Phi) thì lại ủng hộ ông Biden nhiều hơn (54% so với 30% ủng hộ ông Trump).
Kết quả một cuộc thăm dò tương tự do hai tổ chức APIAVote và AAPI Data thực hiện năm 2018 cũng cho thấy người Mỹ gốc Việt là cộng đồng gốc Á duy nhất khen ngợi thành tích về kinh tế của tổng thống Trump (64%).
Lý do ủng hộ Donald Trump
Đối với những người ủng hộ Trump, có hai lý do chính. Thứ nhất, vị tổng thống tỷ phú là lãnh đạo Hoa Kỳ chống Trung Quốc quyết liệt nhất. Thứ hai, dưới thời tổng thống Trump, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh trở lại, cho đến khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Ông Hà Ngọc Cư
Trả lời RFI Việt ngữ, ông Hà Ngọc Cư, giám đốc điều hành trung tâm CISS chuyên về di dân và tị nạn, Houston, Texas, trước hết nhắc lại xu hướng bỏ phiếu của cử tri gốc Việt tại Mỹ trong những năm qua :
Kể từ năm 1980 cho đến năm 2000, số người Việt Nam theo đảng Cộng hòa đông hơn bên phía ủng hộ Dân chủ, nhưng kể từ năm 2010 cho đến bây giờ, thì phía người Việt nghiêng về đảng Dân chủ thì cao hơn bên phía ủng hộ Cộng hòa một chút.
Lý do là vì 60% người Việt có bằng cử nhân và những người học đại học Mỹ, hội nhập với xã hội Mỹ, thì thường nghiêng về phía đảng Dân chủ. Còn những người ủng hộ đảng Cộng hòa và riêng về những người ủng hộ Trump thì nghĩ rằng đảng Cộng hòa chống cộng mạnh hơn đảng Dân chủ. Cũng có những người nghĩ rằng đảng Dân chủ có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa và không chống cộng như đảng Cộng hòa.
Thứ hai là có những người chống chuyện phá thai, cho nên họ nghiêng về phía đảng Cộng hòa. Rồi có những người nghiêng về phía Cộng hòa là vì họ muốn bảo vệ truyền thống văn hóa Việt Nam, chống hôn nhân giữa những người đồng tính, chuyển giới, cho đó là phản văn hóa.
Thứ ba là vấn đề những người Mỹ gốc Phi Châu xuống đường, phong trào Black Lives Matter. Họ cho là người da đen "quậy" xã hội Mỹ và cái đó là do đảng Dân chủ tạo ra. Cho nên, họ chống đảng Dân chủ. Họ sinh ra ở nước Mỹ, chỉ có nước Mỹ là tổ quốc của họ, cho nên họ nhìn tương lai của nước Mỹ là tương lai của họ. Họ quan tâm về vấn đề học phí đại học, y tế, biến đổi khí hậu, môi trường. Họ có cái nhìn thoáng hơn về văn hóa.
Ngay cả con cháu chúng tôi, sinh ra ở đây, chúng nó không phân biệt da trắng, da đen, da màu. Giới trẻ đó có khuynh hướng chống bất công về kinh tế, bất công về pháp luật. Những người ủng hộ ông Biden còn đặt vấn đề về nhân cách lãnh đạo. Lãnh đạo nào trung thực hơn, nhân đạo hơn thì họ nghiêng về phía đó.
Phe ủng hộ ông Trump thì rất hăng hái xuống đường, trong khi phe theo Biden thì có vẻ thầm lặng hơn, cũng biểu lộ sự ủng hộ nhưng một cách kín đáo hơn, không rầm rộ như phe ông Trump".
ÔngVõ Đăng Khoa
Cũng là một cư dân gốc Việt sống tại bang Texas, luật gia Võ Đăng Khoa giải thích lý do vì sao ông sẽ bầu cho tổng thống Cộng hòa Donald Trump :
Tôi sống tại Houston, Texas, mà Texas là thành trì của đảng Cộng hòa. Lý do mà tôi chọn bầu cho ông Trump không phải là vì tôi là người của đảng Cộng hòa, mà thật sự tôi là người theo đảng Dân chủ. Tôi không đồng ý với ông Trump về một số chính sách, như chính sách về di dân, về xây tường rào ở phía nam nước Mỹ. Mặc dù vậy, những chính sách khác lại đúng hơn, cho nên tôi sẽ chọn bầu cho ông Trump.
Thứ nhất, trong khi bên đảng Dân chủ không hề dám đụng đến nguyên nhân của Covid-19, thì ông Trump đã thẳng thẳng vạch mặt vai trò của Trung Quốc trong việc phát tán virus corona. Đảng Dân chủ chỉ chĩa mũi dùi vào phía ông Trump. Thật sự đó là sai lầm lớn của đảng Dân chủ. Thứ nhất, nước Mỹ theo thể chế liên bang, có những quyền hạn của tiểu bang mà liên bang không được đụng tới, ví dụ như những vấn đề về đời sống thường nhật của người dân. Mỗi tiểu bang được quyền quyết định đeo khẩu trang hay không đeo, được ra đường hay không được ra đường, được tụ tập hay không.
Thứ nhì, nếu như liên bang có quyền đó, thì Quốc hội phải làm ra luật, vì theo cơ chế của nước Mỹ, tổng thống chỉ là người thi hành, chứ không phải là người làm ra luật. Cho nên, không thể nói là ông Trump đã không làm gì hết để ngăn ngừa dịch Covid-19, vì Quốc hội không đưa luật lên để ông Trump ký phê chuẩn.
Lý do thứ hai : thái độ của ông Trump đối với Trung Quốc rất là thẳng thắn, rất quyết liệt. Là một người Việt Nam, tôi nghĩ điều đó rất là đúng, vì trong khi cả thế giới không ai dám đụng đến Trung Quốc thì chỉ có một mình tổng thống Trump vạch mặt Trung Quốc về các chiêu trò, về những chuyện không được trong sạch.
Lý do thứ ba là về vấn đề người da đen. Trong cái chết của George Floyd thì cảnh sát Minesota hoàn toàn có lỗi, nhưng không thể vì chuyện đó mà dấy lên một phong trào để mà phá đi những heritage (di sản), đi đập phá các bức tượng, ngay cả tượng của Abraham Lincoln, người đã khở xướng phong trào giải phóng nô lệ, hoặc đập phá tượng của tổng thống Washington, người cha của nước Mỹ.
Đó là những lý do tại sao tôi bầu cho tổng thống Trump, thật sự thì tôi bầu cho các chính sách của đảng Cộng hòa hơn là bầu cho tổng thống Trump".
Theo luật sư Võ Đăng Khoa, đa số người Việt ở Texas cũng sẽ bầu cho tổng thống Donald Trump :
Do việc tổng thống Trump chống Trung Quốc, cho nên người Việt ở Texas nói chung và ở Houston nói riêng ủng hộ ông rất nhiều. Tại vì, nói nôm na là nếu ủng hộ ông Trump chống Trung Quốc thì Việt Nam sẽ được ăn theo. Nhưng điều đó thì cũng không nói được, vì nước Mỹ chỉ làm những gì có lợi cho nước Mỹ. Họ có thể chống Trung Quốc, nhưng chưa chắc là Việt Nam có lợi.
Người Việt ở Houston và vùng phụ cận, thì sự ủng hộ của người Việt đối với tổng thống Trump sôi nổi hơn là sự ủng hộ ông Biden. Ví dụ như có những rally, những cuộc tụ tập, những đoàn xe ủng hộ có số người tham gia hơn hẳn số người ủng hộ phó tổng thống Biden.
Bà Lý Kim Khoa
Khác với Texas, California là bang mà từ nhiều năm qua vẫn có truyền thống bầu cho đảng Dân chủ. Nhưng quận Cam, Orange County, nơi tập trung cộng đồng người Việt, thì ủng hộ tổng thống Trump nhiều hơn. Tuy vậy, tại California, cũng có không ít người Việt chọn Joe Biden, trong đó có bà Lý Kim Khoa, hiện làm việc trong ngành bảo hiểm :
Thứ nhất, chủ trương của đảng Dân chủ là theo chủ nghĩa nhân bản, vì con người, chứ không phải là vì mục đích show off (phô trương) nước Mỹ hay bản thân mình. Joe Biden là người rất khiêm nhường, nói ít làm nhiều.
Thứ hai, Joe Biden hứa sẽ trở lại hiệp ước TPP (hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương) để loại Trung Quốc ra khỏi hiệp ước thương mại thế giới, tức là đánh về kinh tế. Muốn đánh tàu về kinh tế thì phải có đồng minh. Joe Biden hứa sẽ nối lại các liên minh của Mỹ như WHO, Liên Hiệp Châu Âu.
Joe Biden hứa sẽ duy trì Obamacare (bảo hiểm y tế phổ quát) cho người dân Mỹ, giúp cho những người thuộc thành phần trung lưu có bảo hiểm. Tôi thấy những lời hứa của Joe Biden rất thực tế. Những điều mà Trump đã phá hoại, như hiệp ước TPP, làm cho Trung Quốc lớn mạnh, rồi lại làm cho Mỹ lệ thuộc Trung Quốc trong thời đại dịch, khiến không có đủ thiết bị y tế.
Chưa kể là từ thời tổng thống George W. Bush, mỗi năm ông ấy dành ra 7 tỷ đôla để đối phó với đại địch, vì theo ông, 100 năm đại dịch sẽ trở lại một lần, thành ra chúng ta phải chuẩn bị. Khi ông bàn giao cho Obama kế thừa chương trình này. Vào thời Obama, vẫn có dịch, 60 triệu người nhiễm, mà chỉ có 12 ngàn người chết.
Đến thời Donald Trump, ông Trump không quan tâm đến healthcare, không quan tâm đến chương trình này, vì vậy khi dịch tới trở tay không kịp, giấu thiết bị y tế rồi đổ thừa cho đảng Dân chủ. Tôi thấy điều này không có fair. Ông tổng thống Trump nói láo nhiều quá, làm sao mà chọn được !".
Chính sách kinh tế của Donald Trump
Bà Lý Kim Khoa
Theo cái nhìn của bà Lý Kim Khoa, chính sách kinh tế của tổng thống Trump cũng không có hiệu quả gì trong việc tạo công ăn việc làm cho người dân Mỹ :
Nếu nói về các lợi thế kinh tế, việc đem công ăn việc làm về Mỹ lầ một cái chuyện không hợp lý, do đó tới giờ này đâu có đem được công ăn việc là về nước Mỹ. Thứ nhất, giá nhân công ở nước Mỹ rất cao, đội giá thành lên. Sản phẩm cung ứng của Mỹ, nếu đem về đây rồi khi xuất cảng trở lại thì chi phí vận chuyển và các chi phí khác lại cao.
Trong khi nếu chúng ta sử dụng hiệp ước TPP của Obama hồi trước, ví dụ như người dân bên đó sản xuất một cái áo, một giờ họ có thể sản xuất 10 cái, trong khi công nhân bên Mỹ tay nghề không thạo thì sản xuất chừng một cái thôi. Công nhân Mỹ giỏi về điện tử hơn.
Trump nói như thế vì ông mà một người buôn bán, chứ không phải là một nhà kinh tế và một nhà chính trị. Thành ra ông ấy hứa rồi cố gắng thực hiện. Đâu phải chính trị nào đắc cử cũng giữ được lời hứa, tại vì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Ông ấy hứa là hứa bừa, không có một chính sách nào hết. Nói đánh kinh tế Tàu, ai là người chịu ? Người dân Mỹ phải trả thuế, chứ ai chịu ? Giá thành đội lên cao mà không có lợi lộc gì cả.
Thế hệ trẻ trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt có quan điểm xã hội và chính trị khác với các thế hệ đàn anh
Thật ra, cũng như nhiều cộng đồng gốc nước ngoài khác ở Mỹ, thế hệ trẻ trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt có quan điểm xã hội và chính trị khác với những người lớn tuổi. Rất nhiều gia đình người Mỹ gốc Việt gặp tình trạng bố mẹ theo Trump, nhưng con cái chỉ thích Biden, hay nói chung là nghiêng về phía đảng Dân chủ.
Cho nên, nhiều khi trong gia đình rất khó nói chuyện với nhau về bầu cử tổng thống Mỹ, như nhận xét của ông Hà Ngọc Cư.
Ông Hà Ngọc Cư :
Trong gia đình bạn bè tôi và ngay cả trong gia đình tôi, giới trẻ có suy nghĩ độc lập. Học ở đại học, nên tư duy của nó là tư duy của giới trẻ Mỹ, độc lập, cho nên bố mẹ nghĩ thế nào là chuyện của bố mẹ, còn nó nghĩ thế nào là chuyện của nó, bố mẹ không thể tác động lên tư duy của con cháu mình. Cho nên, trong nhiều gia đình, có khi bố mẹ ủng hộ ông Trump, con cái lại ủng hộ Biden. Trong nhiều gia đình, để giữ hòa khí, không ai dám nói chuyện chính trị".
Theo ông Hà Ngọc Cư thì sự khác biệt quan điểm này chính là do ảnh hưởng của các trường đại học ở Mỹ nói chung và ở Texas nói riêng :
"Đa số các giáo sư đại học có tinh thần dân chủ là tại vì họ cho rằng xã hội liberal là để bảo vệ quyền tham dự của mọi sắc tộc. Ví dụ như tại Houston, nhất là quận Harris County, 45% là người gốc Mỹ Latinh, thành thử tại Houston, đảng Dân chủ luôn luôn thắng, nhưng ở vùng ngoại ô, thì đảng Cộng hòa thắng. Cho nên, Texas vẫn được coi là tiểu bang "đỏ rực". Lần này, theo các cuộc thăm dò, ông Trump vẫn được nhiều phiếu hơn đảng Dân chủ".
ÔngVõ Đăng Khoa :
Luật sư Võ Đăng Khoa cũng đưa ra một giải thích tương tự về lý do tại sao giới trẻ trong các gia đình người Việt có xu hướng thiên tả hơn :
Tôi thấy giới trẻ trong các trường đại học có vẻ thiên tả hơn một chút. Giới khoa bảng bên Mỹ là giới rất là thiên tả, trong đó có các trường đại học nổi tiếng như Yale, Stanford, Berkeley hay University of Texas, là những trường mà sinh viên và giáo sư rất là thiên tả. Trong khi đó Houston thật sự là một thành phố Dân chủ trong một tiểu bang Cộng hòa, nhưng người Việt tại Houston ủng hộ đảng Cộng hòa. Có những cái khúc mắc như vậy.
Mặc dù là khoa bảng, nhưng thế hệ trước, thế hệ một hay một rưỡi trong cộng đồng người Việt ở đây thì lúc nào cũng ủng hộ đảng Cộng hòa vì những quyết định rất là cứng rắn đối với các đảng độc tài. Trong khi đó, phe Dân chủ đúng ra phải là những người ủng hộ người dân nhiều hơn, nhưng tôi không biết tại sao trong các trường đại học lớn ở đây, người ta lại cỗ võ cho mác-xít. Đó là nguyên nhân tại sao thế hệ trẻ hơn thế hệ cha anh".
Dầu sao, thì như đã nói ở phần dẫn nhập, có lẽ chưa bao giờ mà cộng đồng người Việt lại bị phân hóa mạnh như trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ lần này. Càng gần đến ngày bầu cử, mâu thuẫn giữa hai phe ủng hộ Trump và ủng hộ Biden càng thêm gay gắt, đến mức một số người ngại công khai bày tỏ quan điểm, nhất là bên phía ủng hộ Biden tại quận Cam, có người thậm chí không dám trả lời phỏng vấn RFI, sợ ảnh hưởng đến việc làm của mình, vì tại nơi đây số người ủng hộ Donald Trump chiếm đa số !
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 31/10/2020
************************
Bầu cử ở Little Saigon : ủng hộ Trump rầm rộ, ủng hộ Biden âm thầm
Ngọc Lễ, VOA, 31/10/2020
Little Saigon ở Quận Cam, California, ‘thủ đô’ của người Việt tị nạn ở Mỹ, lâu nay vẫn quen thuộc với các hoạt động lên án chính quyền Hà Nội nhưng những ngày này đang dồn hết năng lượng chính trị vào cuộc bầu cử 2020. Ẩn dưới không khí chính trị cuồng nhiệt là sự phân hóa, chia rẽ và thù địch dựa trên niềm tin sâu sắc của mỗi bên vào ứng viên của mình.
Các cuộc tuần hành ủng hộ ông Trump diễn ra rầm rộ ở vùng Little Saigon
Một sáng cuối tuần cuối tháng 10, cũng như nhiều dịp cuối tuần khác, trước cửa Thương xá Phước Lộc Thọ, đám đông chừng trên trăm người Việt với cờ hoa, băng rôn, biểu ngữ phấp phới tập hợp để ủng hộ đương kim Tổng thống Donald Trump. Họ hô to ‘Four more years’ (Bốn năm nữa) và những khẩu hiệu lên án ứng viên Joe Biden của Đảng Dân chủ là ‘bán nước’, ‘hèn hạ’, ‘làm nô lệ cho Tàu Cộng’.
Một bà cụ 79 tuổi tên là Trúc Minh bức xúc nói với chúng tôi rằng bà rất ‘đau lòng’ khi con cháu bà không nghe lời bà mà bầu cho ‘Đảng quỳ’, cách bà gọi Đảng Dân chủ, và rằng ‘khi nào chúng nó nếm mùi cộng sản rồi mới thấm thía’.
Đó chỉ là một trong số hàng chục cuộc tập hợp lớn nhỏ trong thời gian qua ở Little Saigon để biểu dương lực lượng cho ông Trump. Trong khi đó, chỉ mới có một cuộc tập hợp để ủng hộ cho cựu Phó Tổng thống Joe Biden.
Cách đó không xa, tại công viên Mile Square, một nhóm khoảng 10 người đang có một cuộc họp như thường lệ để trao đổi những cách thức vận động cộng đồng người Việt ủng hộ ông Joe Biden. Cuộc họp diễn ra lặng lẽ, yên ắng trái hẳn với bầu không khí cuồng nhiệt, ồn ào trước Thương xá Phước Lộc Thọ.
‘Hết sức phấn khởi’
Ông Ngô Đình Lượng, 51 tuổi, một chủ cửa hàng hoa và đã ghi danh theo Đảng Cộng hòa kể từ khi nhập tịch Mỹ, là một trong những người có lời hiệu triệu đám đông trong cuộc tuần hành đó. Ông Lượng cho biết đây là lần đầu tiên ông tích cực tham gia vận động chính trị như vậy.
Tiếp chúng tôi tại nơi làm việc có xưởng in băng rôn, biểu ngữ ủng hộ Trump mà ông Lượng tự bỏ tiền túi ra làm để phát cho mọi người, ông cho biết sau 5 cuộc tuần hành mà ông là một trong những người tổ chức, số người tham dự ‘ngày càng đông’ và hiện thu hút khoảng 300-500 người.
"Mình có cảm giác rất phấn khởi, mình vui giống như trước kia Đức Giáo hoàng đến Denver và chúng tôi cũng có cảm giác y chang như vậy", ông Lượng giãi bày với VOA.
Ông Lượng vượt biên đến Mỹ dưới thời cố Tổng thống Cộng hòa Ronald Reagan và trở thành cảm tình viên Cộng hòa do chính sách của ông Reagan cứng rắn với Liên Xô. Ông nói điều làm ông yêu thích ông Trump là ‘ông ấy đã hứa là làm và làm mỗi ngày’.
Tại cửa hàng của mình, ông Lượng đã tự bỏ tiền túi ra in ấn các băng rôn ủng hộ ông Trump và phát miễn phí cho mọi người
Theo lời ông thì trong nhà các anh chị em của ông ‘đều đi ủng hộ ông Trump rất là cuồng nhiệt’. "Những ai nói hay về ông Trump chúng tôi thích nghe lắm", ông nói và cho biết thêm là xung quanh ông ‘không thấy ai ủng hộ ông Joe Biden’.
Ông Lượng ca ngợi việc ông Trump đánh thuế vào hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc mà ông cho rằng ‘giúp đem việc làm trở lại Mỹ’ và ‘làm nước Mỹ trở lại rất nhiều’. Trong khi đó ông than phiền Đảng Dân chủ đặt ra các luật lệ bảo vệ môi trường khắt khe, như đánh thuế vào túi nylon hay tăng thuế xăng, là ‘gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp’.
"Tôi chưa thấy vấn đề gì mà ông Trump chưa làm được", ông Lượng, người bác bỏ việc mình ‘cuồng Trump’, nói. "Ngay cả dịch Covid-19 nếu không có tổng thống giỏi như ông Trump thì nước Mỹ đã tan nát như nước Ý vì ông ấy đã nhanh lẹ, kịp thời giao cho các hãng xưởng làm máy trợ thở, khẩu trang".
‘Phân hóa tàn khốc’
Tại buổi họp của nhóm vận động cho ông Biden ở công viên Mile Square, ông Tạ Trung, vốn từng là kỹ sư làm việc trong ngành quốc phòng, không gian Mỹ và hiện đã nghỉ hưu, giải thích lý do ông ủng hộ Đảng Dân chủ là ‘chế độ Trump đã đẩy nước Mỹ đến mức phân hóa và chia rẽ chưa từng thấy’.
"Ngay cả trong cộng đồng người Việt trước đây không có xảy ra như vậy, nhưng bây giờ đã có sự phân hóa phải nói là rất tàn khốc giữa những người Cộng hòa và Dân chủ", ông Trung nói.
Theo giải thích của ông thì nước Mỹ chia rẽ như vậy là ‘có sự khuyến khích của ông Trump bằng cách hành xử của ông ta’.
"Chúng tôi nghĩ rằng chỉ có ông Joe Biden đã nói rằng ông sẽ là tổng thống không chỉ của Đảng Dân chủ mà là của tất cả người dân Mỹ nên chúng tôi ủng hộ ông", ông nói thêm.
Ông Tạ Trung hiện là chủ tịch Hội người Mỹ gốc Việt ủng hộ ông Biden vốn ra mắt vào ngày 3/9 với 500 người trên toàn nước Mỹ.
Theo lời ông thì vùng Little Saigon cách nay 20 năm ‘có đến 90% dân gốc Việt theo Cộng hòa, chỉ có 10% thành phần thầm lặng là theo Dân chủ’. Nhưng sau thời gian vận động tỷ lệ này hiện nay ‘đã là 60-40%’, ông nói.
Ông cho biết hiện con số thành viên hội của ông ‘đã lên đến hàng chục ngàn’, trong đó chủ yếu là giáo sư đại học, bác sỹ, kỹ sư, luật sư, kiến trúc sư, cựu quân nhân Việt Nam Cộng hòa và rất đông ‘các em trẻ có bằng đại học’ và ‘thành công trong sự nghiệp’.
"Bên cạnh đó cũng có những người lớn tuổi sau một thời gian đã nhận thức được những chính sách của Đảng Dân chủ như Medicare, an sinh xã hội mới giúp ích cho họ chứ không phải Đảng Cộng hòa vốn không bao giờ quan tâm đến những người thấp cổ bé họng như họ", ông cho biết thêm.
Trong khi ông Lượng biết ơn Tổng thống Ronald Reagan, ông Trung lại nói những người tị nạn như ông đến Mỹ chỉ có hai bàn tay trắng chỉ nhờ các chương trình giúp đỡ người tị nạn của Đảng Dân chủ mà họ mới được học hành thành tài như ngày nay.
‘Không sợ lép vế’
Hội của ông Trung vừa tổ chức một cuộc tập hợp ủng hộ ông Joe Biden trên toàn nước Mỹ nhưng riêng tại Little Saigon cuộc tuần hành đã xảy ra sự cố. Theo lời kể của một người tham gia thì những ủng hộ viên của ông Trump đã tấn công họ bằng ngôn từ nặng nề.
"Chính là những người lớn tuổi đã chửi rủa chúng tôi bằng những danh từ rất thậm tệ. Họ còn giơ mặt họ không đeo khẩu trang vào anh em chúng tôi rất là nguy hiểm", ông Trung kể và cho biết sau đó ông đã quyết định hủy các cuộc tuần hành tiếp theo ở miền Nam California và ‘không muốn tạo sự căng thẳng’.
"Họ có quyền ủng hộ ông Donald Trump thì chúng tôi cũng có quyền ủng hộ ông Joe Biden trong tinh thần thẳng thắn và tôn trọng lẫn nhau", ông Trung bức xúc và lên án những người ủng hộ ông Trump là ‘vô cùng ồn ào và hung hăng’. "Để lớp trẻ nhìn thấy họ thất vọng vô cùng về những người cha chú", ông nói.
Biểu ngữ ủng hộ ứng cử viên Joe Biden là hình ảnh hiếm hoi ở Little Saigon
Mặc dù không còn tuần hành rầm rộ như phe ủng hộ ông Trump nữa, nhưng ông Trung nói rằng phe Dân chủ của ông đã ‘tạo được hình ảnh rất tốt trong lòng công chúng’ và ‘không sợ bị lép vế’.
"Nếu chúng tôi chứng tỏ được mình là có trí thức, có trình độ đàng hoàng, ôn hòa, có căn bản chính trị thì chúng tôi nghĩ rằng mình không cần phải ồn ào lên tiếng. Nếu ồn ào lên tiếng mà tạo những hình ảnh xấu xa như vậy thì sẽ bị hiệu ứng ngược", ông phân tích.
Ông cho biết những người gốc Việt theo Dân chủ ở vùng Little Saigon cho đến giờ ‘vẫn còn cảm giác rất sợ’ và không muốn công khai mình theo Đảng Dân chủ và bản thân ông là một trong những người Dân chủ đầu tiên ‘đường đường chính chính công khai’.
Theo lời vị cựu kỹ sư này thì các bạn trẻ tham gia trong hội của ông có than phiền với ông về hố sâu ngăn cách với cha mẹ. Theo như ông giải thích thì các bạn trẻ khi muốn tranh luận đã ‘nghiên cứu, tìm hiểu rất kỹ’ nên không chấp nhận cách suy nghĩ áp đặt, cảm tính, phi logic của cha mẹ. "Các bậc phụ huynh muốn thuyết phục được con cái của mình phải có lập luận, dữ liệu khoa học vì các em bây giờ giỏi lắm", ông khuyên.
Có những gia đình người cha và người con vì bất đồng quan điểm chính trị mà không ngồi ăn cùng nhau nữa, theo lời ông Trung, đến nỗi một số bạn trẻ dù còn đi học phải dọn ra ở riêng. "Người con thì cho rằng cha mình cuồng tín còn người cha nói con mình có đầu óc cộng sản", ông cho biết.
‘Trump hủy diệt đất nước’
Trước những lập luận của những người ủng hộ ông Trump rằng ông Joe Biden và Đảng Dân chủ là ‘cộng sản’ và ‘tay sai cho Trung Quốc’, ông Trung phản bác hoàn toàn.
"Tôi là nhà khoa học, tôi phải dựa vào thực tế, vào bằng chứng chứ không phải cảm tính", ông diễn giải.
Ông cho rằng chính Đảng Cộng hòa dưới thời của Tổng thống Richard Nixon và Ngoại trưởng Henry Kissinger mới là ‘người bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa cho cộng sản’.
"Hãy nhìn vào công việc kinh doanh, tài khoản của ông ta ở Trung Quốc", ông phản bác lập luận Trump ‘đánh Trung Quốc’. "Đánh Trung Quốc hay không là chính sách của nước Mỹ chứ không phải chỉ ông Trump mới đánh được mà các tổng thống khác không làm được vì đó là quyền lợi nước Mỹ".
Còn về việc ông Biden không cho người tị nạn Việt vào Mỹ, ông Trung nói ‘hoàn toàn là bịa đặt để tuyên truyền’. "Chính ông Biden và những người đồng nhiệm đã đưa ra dự luật giúp 183 ngàn người tị nạn vào Mỹ vào có những đạo luật giúp người tị nạn có đời sống tiêu chuẩn của dân tị nạn", ông làm rõ.
Trong đại dịch Covid-19, ông Trung lên án ông Trump là ‘vô trách nhiệm’ vì ‘nếu ông ấy xem trọng vấn đề này thì chúng ta có thể có thêm 40-50 ngàn người Mỹ không phải chết theo số liệu của Đại học John Hopkins’.
Ông cũng than phiền ông Trump đã làm đánh mất vị thế nước Mỹ khi xa lánh các đồng minh trong khi lại ‘gần gũi với kẻ thù của nước Mỹ như Kim Jong Un và đặc biệt khúm núm trước Tổng thống Nga Vladimir Putin’.
Trên hồ sơ kinh tế, ông Trung cho rằng Tổng thống Trump ‘đã thừa hưởng nền kinh tế đang lên từ thời Obama’ và việc cắt giảm thuế của ông chỉ có lợi cho những thành phần đại tỉ phú như ông Trump và bạn bè ông khiến cho ‘thâm hụt ngân sách ngày càng cao’
‘Dân chủ là cộng sản’
Chúng tôi mang những lập luận của ông Tạ Trung đến gặp ông Đặng Văn Âu, 80 tuổi, một cựu phi công của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, người đã đứng ra thành lập hội người Mỹ gốc Việt ủng hộ Tổng thống Donald Trump.
Trong căn nhà có treo nhiều hình ảnh của ông Trump cùng gia đình, ông Âu cho biết trong thời gian qua ông đã tích cực viết nhiều bài nói về cái hay, cái tốt của ông Trump, bỏ tiền túi thuê người làm các chương trình tung lên Youtube và đã tổ chức được 10 cuộc tuần hành ủng hộ ông Trump.
Ông Đặng Văn Âu ngày nào cũng miệt mài viết bài biện luận cho ông Trump để đăng lên mạng với hy vọng thuyết phục thêm nhiều cử tri
Ông lập luận rằng ‘Đảng Dân chủ bán nước cho Trung Quốc vì ông Biden đã tuyên bố rõ ràng rằng Trung Quốc là đối tác của Mỹ và sự phát triển của Trung Quốc phù hợp cho sự phát triển của Mỹ’.
"Đảng Dân chủ bắt chước cộng sản ở chỗ mị dân. Họ đưa ra những chương trình xã hội rất tốt đẹp nhưng phải lấy tiền ở đâu ra", ông Âu nói thêm.
"Với hiểu biết thông thường của một người đã mất nước vào tay cộng sản thì tôi thấy con đường Đảng Dân chủ đi là tai họa cho nước Mỹ. Không có quốc gia nào xóa bỏ ngân sách cảnh sát. Không có quốc gia nào mở cửa biên giới cho những thành phần bất hảo vào Mỹ mà được hưởng những quyền lợi như y tế, gia cư, thực phẩm", ông bức xúc.
Ông Âu cho biết ông chưa bao giờ đứng ra vận động cho một ai cả nhưng vì trong thời gian ông ‘quá bức xức vì các đài truyền thông của người Việt ở đây toàn là chửi Trump’.
"Có khi 1-2 giờ sáng tôi ngồi dậy viết bài", ông nói. "Giá như tôi có đài phát thanh truyền hình riêng tôi sẽ lên đó cổ động đồng bào hàng đêm".
Hội ủng hộ ông Trump mà ông lập ra ‘tập hợp những người cùng chung chí hướng hoạt động cho đến ngày bầu cử và chỉ có mục đích là vận động mọi người bầu cho ông Trump đắc cử nhiệm kỳ hai mà thôi’, ông cho biết.
Mỗi tuần hội của ông họp trực tiếp một lần, ông nói. Chiến thuật của hội, theo lời ông, là ‘đưa ra lập luận ủng hộ ông Trump để thuyết phục mọi người, làm thành vết dầu loang từ người này đến người kia’.
"Có những chị em hoạt động rất hăng say, theo dõi tin tức của hai đảng trên đài rồi trong cuộc họp đem ra nói cho các anh em biết là nên đem lập luận này đi thuyết phục quần chúng".
Còn về các cuộc tuần hành, ông Âu cho biết là ‘ngày càng đông người tham gia’ và dù đã 80 tuổi ông vẫn đích thân lái xe chở người đi tuần hành. "Mỗi lần tuần hành xe hơi là cờ quạt ủng hộ Tổng thống Donald Trump tràn ngập cả đường phố", ông nói.
Ông nhắc đến một cuộc tuần hành ròng rã từ Bắc kéo về Nam California rồi ‘kéo thêm một số người ủng hộ ở Nam California làm một cuộc hành trình dài từ California sang tận thủ đô Washington D.C’
"Trong lịch sử Hoa Kỳ chưa từng có vị tổng thống nào được ủng hộ nhiều như thế", ông Âu bình luận.
‘Ủng hộ Trump để chống Cộng’
Ông Âu nói rằng do ông là ‘chiến sỹ chống Cộng quyết liệt’ nên ông thấy cần phải bầu cho ông Donald Trump.
"Bây giờ dù tất cả người Việt tị nạn cộng sản trên khắp thế giới đoàn kết với nhau thì cũng không có khả năng lật đổ cộng sản được. Chỉ có Hoa Kỳ vì sự sống còn của mình họ sẽ kết hợp với Âu Châu, Ấn Độ, Nhật, Úc bao vây Trung Quốc làm cho họ chết đói và tan rã bởi vi Trung Quốc sống dựa vào sản xuất và xuất khẩu", ông phân tích.
"Một khi cộng sản Trung Quốc tiêu thì Đảng cộng sản Việt Nam cũng tiêu", ông cho biết và do đó ông sẽ bầu cho ai làm nước Mỹ giàu mạnh vì khi đó mới đương đầu Trung Quốc được.
Ông Âu cũng mạnh mẽ biện hộ cho những chỉ trích nhằm vào ông Trump : "Ông Trump nói dối có hại gì cho nước Mỹ ?"
"Chuyện đạo đức không quan trọng vì đâu có ai hoàn hảo", ông Âu lập luận. "Một người có đạo đức như Jimmy Carter nhưng tài lãnh đạo đất nước không có thì có cũng như không".
Ông nói việc ông Trump có tài khoản ở Trung Quốc ‘là điều bình thường ở một doanh nhân có tài khoản khắp thế giới’.
"Trong 4 năm cầm quyền, ông Trump đã làm nhiều hơn tất cả các tổng thống khác thì tại sao lại không bầu ông nữa", ông Âu lập luận.
Ông không đồng ý với ông Trung là ‘người tị nạn Việt Nam phải biết ơn Đảng Dân chủ’ vì ‘nếu Đảng Dân chủ đi theo con đường của cộng sản thì tôi có phải mang ơn và quý trọng nữa không ?’
‘Dùng lý lẽ thuyết phục’
Ông Âu nói ông không chủ trương dùng bạo lực tấn công những người bên phe Dân chủ vì trong xã hội dân chủ ‘phải dùng lý lẽ và khả năng thuyết phục dựa trên những thành quả ông Trump đã làm cho nước Mỹ.
Tuy nhiên, ông cũng than phiền về việc trong gia đình người anh của ông có người con ‘cứ nhắm mắt đi theo Đảng Dân chủ’.
"Thật đau đớn cho những người qua đây theo diện HO, họ chống Cộng, bị tù bị đày, đem con qua đây, nuôi con ăn học, phải lo đi làm để nuôi con mà con vô trường đại học của Mỹ là đi theo Đảng Dân chủ hết", ông than thở.
Ông nói những trường hợp như vậy thì ‘cha mẹ cũng phải chịu vì không thể thay đổi được con em họ. "Bọn trẻ ỷ là có bằng cấp, tiếng Anh giỏi nên nghĩ rằng họ thông minh hơn bố mẹ nhưng họ quên rằng họ có ngày hôm nay là đứng trên vai ai ?"
Mặc dù các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy ông Biden đang dẫn trước ông Trump, ông Âu vẫn tin chắc chắn rằng ‘ông Trump sẽ thắng’.
Ông dẫn ra việc hồi năm 2016 ông Trump ở thế yếu mà vẫn thắng cử và khẳng định rằng ‘ý dân là ý Trời’.
"Tôi tin là ông Trump sẽ thắng vì ông ấy là người được Chúa định để cứu nước Mỹ và ông ấy đã nói cái gì thì làm hơn điều ông nói thì làm sao người dân không tin cho được", ông diễn giải.
‘Bất bình vì sự dối trá’
Là người thường xuyên sinh hoạt với giới trẻ, ông Nguyễn Thế Ngọc, 87 tuổi, một cựu giáo viên Toán dưới thời Việt Nam Cộng hòa, cho biết ông vốn là người theo Cộng hòa nhưng trong kỳ bầu cử lần này ông quyết định ngả theo Dân chủ để bầu cho ông Biden vì thấy phe Cộng hòa gốc Việt ‘toàn tuyên truyền dối trá’.
"Ở đây (Little Saigon) người nào mà nói không bầu cho ông Trump là bị hành hung, chửi bới và làm những chuyện kỳ khôi lắm", ông Ngọc cho biết. "Do đó tôi muốn cất lên tiếng nói của mình chống lại sự cuồng tín".
Các cuộc tuần hành của những người Việt ủng hộ Biden thường gặp phản ứng dữ dội từ những người ủng hộ ông Trump
Ông cũng lên án những người ủng hộ ông Trump "bóp méo sự thật". "Chính sách của Đảng Dân chủ toàn là có lợi cho người tị nạn, từ ưu đãi nhà ở, học hành, y tế - cái đó được công bố công khai trong hồ sơ lưu trữ của Quốc hội". ông cho biết.
"Tại sao lại nói sai sự thật ? Chẳng thà nói rằng mình không thích bầu cho ông Biden", ông phân tích. "Làm như vậy là có tội với những người đã cưu mang, giúp đỡ mình".
"Ở đây nhiều người cứ chụp mũ ông Biden là kỳ thị người tị nạn, chửi bới ổng, chửi bới ông Obama là Mỹ đen này kia nọ. Tôi không đồng ý chuyện đó. Người ta làm sai điểm nào thì mình vạch ra chứ không phải nhằm màu da người ta mà chửi".
Khi được hỏi liệu có sợ hay không khi đối đầu với đám đông cuồng nhiệt ủng hộ ông Trump, ông Ngọc nói ông ‘không sợ vì ở Mỹ còn có luật pháp’.
Theo lời ông thì ông học theo người Mỹ là ‘tôn trọng sự thật’ và ‘tôn trọng quyền tự do ngôn luận của người khác nhưng không được nói dối, không được chụp mũ’.
Ông lập luận là nếu nói cái gì Cộng hòa cũng đúng thì không công bằng với Đảng Dân chủ. "Cái gì ông Trump không đúng thì mình phải nói. Tại sao cái gì cũng nhất định là ông Trump đúng ?" ông đặt vấn đề.
Ông Ngọc chỉ ra những sai lầm của ông Trump như ‘nói láo là Covid-19 là trò lường gạt’, ‘tấn công Tiến sỹ Anthony Fauci’, ‘tổ chức sự kiện siêu lây lan virus ở Nhà Trắng’.
"Nước Mỹ dồn sức vô chữa trị cho nhà ông Trump thì dĩ nhiên ông mới hết bệnh còn người dân thì vẫn chết như rạ", ông bức xúc.
‘Trump sẽ giúp kinh tế Mỹ’
Tổng thống Trump luôn coi vấn đề kinh tế là lá bài chủ giúp ông tái đắc cử. Cô Phạm Nguyễn Đan Thư, một giáo viên 24 tuổi, cho biết do cô quan tâm đến vấn đề kinh tế nên sẽ bầu cho ông Trump.
"Tôi sẽ mở cơ sở kinh doanh riêng nên sẽ ủng hộ Đảng Cộng hòa vì tôi thích chương trình kinh tế của họ", cô giải thích.
Theo quan sát của cô thì kinh tế Mỹ trước khi có Covid-19 là đang đi lên vì không có nhiều người thất nghiệp.
Cô cho biết mặc dù ngả theo Đảng Cộng hòa nhưng tùy theo vấn đề mà cô có lập trường tự do hay bảo thủ, chẳng hạn cô ủng hộ quyền phá thai nhưng không đồng ý với chính sách phúc lợi xã hội hào phóng của Đảng Dân chủ vì bản thân cô ‘đóng thuế thu nhập cao’.
Vốn từng là một di dân, cô Thư nói lúc đầu cô ‘có cảm thông với những người vượt biên vào Mỹ bằng đường bộ’ nhưng dần dần cô đi theo lập trường của Đảng Cộng hòa về di dân vì ‘họ đem vào Mỹ những điều không tốt’.
Cô cho biết khi còn đi học ở trường thì nghe bạn bè xung quanh nói chuyện với nhau, cô đã ủng hộ Đảng Dân chủ vì những câu chuyện về ông Barack Obama và bà Michelle Obama tạo nhiều cảm hứng cho giới trẻ.
Nhưng do gia đình cô đã từng trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ vào năm 2008 nên cô rất không mong muốn kinh tế nước Mỹ đi xuống.
Hiện tại vùng cô đi làm ở San Jose, San Francisco đa số mọi người đều có tư tưởng tự do, cô cho biết, nên cô ‘cảm thấy áp lực nếu công khai cô là người ủng hộ ông Trump’. "Tôi sẽ mất bạn bè", cô nói.
"Tôi sẽ giấu lập trường của mình mà chỉ thể hiện khi đi bỏ phiếu", cô nói thêm.
Theo nhận định của cô thì ông Joe Biden ‘hơi yếu’ vì ‘ông ấy tranh cử dựa trên một chiến dịch tình cảm như cảm thông với các nạn nhân Covid-19, hay những người biểu tình Black Lives Matter’.
Niềm tin chiến thắng
Trái với chị Thư, cô Nguyễn Minh Hà, một thành viên tích cực trong hội của ông Tạ Trung, khen ngợi ‘ông Biden quan tâm đến mọi người dân’ – điều này trái ngược với ông Trump ‘vốn chỉ quan tâm đến bản thân ông ấy’.
"Ông Trump đã nói dịch Covid-19 là vậy đó nên ráng phải chịu (it is what it is). Chúng tôi thấy vậy là không có nhân tính vì ông ấy không quan tâm đến chúng tôi thì làm sao làm lãnh đạo của chúng tôi được ?" cô đặt vấn đề.
Cô Hà, người từng làm tư vấn về dịch vụ dân sinh, cho biết giờ đây cô tích cực lên mạng xã hội tranh luận với những người ủng hộ ông Trump cho dù ‘có bị chụp mũ, lăng mạ’ vì cô ‘hy vọng những người trung lập sẽ nhận ra sự thật’.
Hầu hết các thành viên trong hội của ông Trung mà VOA tiếp xúc đều bày tỏ bức xúc về việc họ bị chụp mũ là cộng sản. Họ cho biết họ là những người đã có chồng bị tù tội trong nhà tù cộng sản suýt chết, hoặc có thân nhân chết trên chiến trường Việt Nam nên ‘họ là những người chống Cộng quyết liệt và không thể nào thân Tàu được hết’.
Cô Hà dẫn ra trường hợp ‘lạ đời’ là một người em được anh trai bảo lãnh qua Mỹ đòi ‘đuổi anh về Việt Nam’ vì dám ủng hộ Joe Biden mà không ủng hộ ông Trump như người em.
Ông Tạ Trung nói sau ngày bầu cử này dù kết quả như thế nào thì ông hy vọng người Việt ở hai phía sẽ ngồi lại với nhau để hàn gắn quan hệ ‘vì lợi ích chung của người Việt trên đất Mỹ’.
Các thành viên trong hội của ông vừa làm một video clip ‘50 Phụ nữ chống Trump’ tung lên mạng và ‘rất được ủng hộ’, cô Minh Hà cho biết. Họ cũng sáng tác bài hát cổ động ‘Hãy bầu cho Biden’ bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh và đang chuẩn bị sáng tác một bài hát ‘ăn mừng chiến thắng’ của ông Joe Biden.
Về phần mình, ông Đặng Văn Âu cho biết ông đã đặt một bữa tiệc tại nhà hàng vào ngày 8/11 để ‘ăn mừng ông Donald Trump tái đắc cử’. Theo lời ông thì 25 bàn tiệc với 250 người tham dự ‘đã hết sạch vé’. Ông Âu khẳng định rằng ‘sẽ không có rủi ro’ vì ‘ông Trump chắc chắn sẽ thắng’.
Ngọc Lễ
Nguồn : VOA, 31/110/2020
*******************
Họ bất đồng sâu sắc về chính trị * Tình chị em níu họ khỏi sự chia rẽ
Hoàng Long, VOA, 31/10/2020
GLENDALE, Ariz. — Những ngày này cuộc đua tranh cử tổng thống Mỹ gần như chiếm trọn sự quan tâm của chị Nguyễn Anh Thư. Bất cứ khi nào rảnh rỗi chị lại đem điện thoại ra lướt Facebook rồi chia sẻ lại những bài viết hay những video bình luận chính trị. Chị làm điều đó gần như mỗi ngày và chị không che giấu quan điểm và lập trường chính trị của mình. Chị ủng hộ mạnh mẽ Tổng thống Donald Trump.
Mến mộ vị tổng thống Đảng Cộng hòa bao nhiêu chị càng dè bỉu những người chỉ trích ông và giới truyền thông bấy nhiêu. Chị không ngần ngại tranh luận và đốp chát với những người mà chị nói là coi thường những người theo Đảng Cộng hòa và ủng hộ ông Trump như chị. Sự khinh thị của chị đối với họ tràn ngập trang Facebook cá nhân và chị không quan tâm những lời đả kích của chị làm mích lòng ai.
Nhưng có một ngoại lệ : chị sẽ giữ im lặng hoặc tránh nói về chính trị với chị gái của mình, người chống đối ông Trump quyết liệt và ủng hộ ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden.
Cặm cụi bên bàn làm móng trong một tiệm nail bên ngoài thành phố Phoenix, bang Arizona một sáng Chủ nhật gần đây, chị Thư, 47 tuổi, nói về sự khác biệt quan điểm chính trị giữa hai chị em với một vị khách người Mỹ lớn tuổi, người cũng ủng hộ Tổng thống Trump. Chị cho biết chị gái của chị ủng hộ "những thứ miễn phí" như y tế và giáo dục trong khi cá nhân chị thì ngược lại, và rằng chị không bao giờ tranh luận về sự khác biệt quan điểm với chị mình.
"Chị tôi là người tốt", chị nói bằng tiếng Anh với vị khách.
Sự phân cực chính trị đã trở nên sâu sắc hơn ở Mỹ trong những năm gần đây khi sự đối đầu đảng phái ngày một gay gắt và những tranh cãi bùng lên không ngớt ở Washington, với tâm điểm là một vị tổng thống quyết không lùi bước trong những cuộc đấu khẩu kịch liệt với những người chỉ trích.
Trên mạng xã hội, những cuộc tranh luận chính trị mau chóng nhường chỗ cho những lời lẽ đả kích, gièm pha và miệt thị giữa những người có quan điểm đối lập. Trong gia đình và giữa bạn bè, sự khác biệt quan điểm chính trị trở thành nguồn cơn gây chia rẽ và làm rạn nứt các mối quan hệ lâu năm, để lại nỗi bực dọc, thất vọng và tiếc nuối cho nhiều người.
Một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew đầu năm nay cho thấy gần ba phần tư người Mỹ nói rằng xung đột giữa những người theo Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa hiện giờ là rất mạnh và tỉ lệ này đã tăng cao đáng kể trong gần một thập niên. Viện nghiên cứu chuyên thăm dò dư luận về các vấn đề xã hội cho biết khi họ đặt câu hỏi đầu tiên vào tháng 12 năm 2012, 47% người Mỹ mô tả xung đột đảng phái là rất mạnh. Bốn năm sau, vào tháng 12 năm 2016, 56% nhận định như vậy, và tỉ lệ này hiện nay là 71%.
Xu hướng này nhất quán với sự gia tăng ác cảm về đảng phái trong những năm qua, bao gồm một bộ phận lớn những người trong mỗi đảng gán những đặc tính tiêu cực cho những thành viên của đảng đối lập và đánh giá họ một cách tiêu cực, Pew cho biết.
Chị Thư nói sự khác biệt quan điểm chính trị giữa hai chị em bắt đầu trở thành một điểm nóng trong mối quan hệ của họ vào năm 2016 cũng trong mùa vận động tranh cử tổng thống. Chị nhớ từng chất vấn chị gái trên Facebook về việc ủng hộ phá thai trong tư cách một người Công giáo. Sau đó chị nói chị nhận thấy hai người không còn là bạn trên mạng xã hội này nữa.
Kể từ khi ông Trump nhậm chức tổng thống và bắt đầu làm đảo lộn những lề thói và khuôn mẫu lâu năm ở Washington, chị Thư trở thành người ủng hộ nhiệt thành của ông, người mà chị nói chị không biết gì nhiều vào năm 2016 khi bỏ phiếu cho ông và rằng lá phiếu của chị dành cho Đảng Cộng hòa nhiều hơn. Phần lớn các thành viên khác trong gia đình chị đều ủng hộ Tổng thống ngoại trừ người chị thứ hai. Xung đột gần như là điều không thể tránh khỏi.
Chị kể một trong những tranh cãi bùng lên trong một bữa cơm gia đình liên quan đến số người chết vì dịch Covid-19. Người chị bày tỏ lo ngại về con số tử vong tăng cao và sự lây lan của dịch bệnh trong khi chị Thư tỏ ra nghi ngờ con số thật sự, dẫn ra những nguồn tin mà chị đọc nói rằng một số bệnh viện liệt kê sai số người chết để nhận được tiền hỗ trợ của chính phủ.
"Bả la mình liền, ‘Nói tầm bậy tầm bạ, vậy là mày nghe những đài fake news rồi.’ Mình biết lúc đó là nóng rồi đó nên mình nói, ‘OK, vậy thôi không nói nữa,’" chị kể.
Đó là sự nhún nhường mà chị sẽ không bao giờ chấp nhận trong những cuộc tranh luận với người ngoài, chị nói. Chị biết tranh cãi với người trong nhà, đặc biệt là người có quan điểm mạnh mẽ như chị gái của mình, không những không thuyết phục được họ thay đổi ý kiến mà thậm chí còn làm cho tình cảm gia đình sứt mẻ. Chị không muốn điều đó xảy ra với một trong những người mà chị gắn bó nhất suốt hơn 20 năm đầu đời.
Chị Thư kể hai chị em sống chung với nhau từ nhỏ cho đến khi họ theo mẹ sang Mỹ định cư vào năm 1991 nhờ ba chị bảo lãnh. Khoảng thời gian đầu họ đến sống ở bang Alaska hẻo lánh gần Bắc Cực rồi sau đó dọn vào trong lục địa của Mỹ ở Bờ Tây. Hai chị em thuê một căn hộ sống cùng nhau trong những năm tháng học đại học. Dù tính tình, lối sống và sở thích của họ gần như trái ngược nhau, họ hiểu nhau, đùm bọc và yêu thương nhau.
Sự khác biệt quan điểm chính trị ít nhiều khơi lên căng thẳng trong mối quan hệ của họ trong những năm gần đây, nhưng chị Thư xác định tình chị em của họ quan trọng hơn những khác biệt đó và chị nói sẵn lòng giữ im lặng hoặc lùi bước để giữ hòa khí gia đình. Ở một mức độ nào đó, sự nhún nhường này phản ánh một nguyên tắc sống của chị.
"Con người của mình không phải lật lọng hay giả dối hay không giữ vững lập trường nhưng mà mình nghĩ đôi khi mình sống trong cuộc sống mình phải linh động, có nghĩa là giống như một cái cây đừng có cứng quá nó sẽ gãy", chị nói, nhắc tới việc chị biết mình có thể đề cập tới những vấn đề chính trị với ai và vào lúc nào để tránh gây nên căng thẳng không cần thiết.
"Mình đi với gia đình thì mình phải dùng sự giao thiệp của gia đình. Mình biết người đó không thích cái đó, mình dù sao cũng là chị em, một cái gì đó mà trong trong tương lai hoặc ngày mai mình không thể cắt đứt bỏ được. Tại sao người ta không thích cái đó mình làm cái đó làm chi ?"
Chị Nguyễn Anh Thúy, người chị gái có quan điểm chính trị đối lập, đã dọn ra khỏi nhà của ba mẹ chị sau một khoảng thời gian sống chung kể từ khi chị dọn về từ California vài năm trước. Chị nói chị không thể chịu được việc hàng ngày phải nghe những bình luận chính trị từ các kênh YouTube của một số người Việt mà ba chị theo dõi. Sự xung khắc về quan điểm chính trị cũng làm cho sự giao tiếp giữa chị và người nhà thêm khó khăn, chị nói.
Nhưng chị Thúy vẫn giữ liên lạc thường xuyên với chị Thư và gần như không có sự rạn nứt nào trong mối quan hệ của họ bất chấp những khác biệt sâu sắc về quan điểm chính trị. Chị Thúy thậm chí thể hiện một sự tin tưởng nhất định vào khả năng của chị Thư thu xếp một cuộc họp mặt gia đình mà chị e ngại có thể khơi lên những bất đồng trên bàn ăn.
"Thật ra chị không muốn ở bên đó, nếu em qua được chị sẽ theo em", chị Thúy, 51 tuổi và là chuyên viên xử lý hóa đơn y tế cho Amazon Pharmacy, viết trong tin nhắn bằng tiếng Anh gửi cho chị Thư vài tuần trước. "Nói thật bây giờ chị tránh xa chính trị. Chắc tới ngày 3 tháng 11".
"Thư nó là người tốt", chị Thúy nói với phóng viên VOA trong một cuộc gặp gỡ vào tuần trước. Chị khen em gái mình về những phát biểu "tiếu lâm" đôi lúc khiến chị bật cười.
Nhận xét về chị mình, chị Thư nói chị phục tính cách "kiên cường" của Thúy. Không chỉ là sự kiên cường trong những cuộc tranh luận mà chị nói "gây đến khi nào phải thắng, không thắng thì giận bỏ đi", mà còn là sự kiên cường dấn thân học hỏi và trải nghiệm.
"Bả học nhiều lắm, ngày xưa bả làm cho Honeywell nghe nói là bả học lấy bằng lái máy bay, bả học làm cô giáo, hồi xưa bả cũng mở tiệm nail mà cũng thất bại, rồi bả mở tiệm giặt khô, rồi bả học lấy bằng chăm sóc em bé", chị Thư liệt kê. "Mình không biết bả lấy đâu ra nhiều năng lượng vậy".
Một buổi chiều Chủ nhật cuối tháng 10, chị Thư ghé thăm căn nhà mới mà chị Thúy dọn vào ở sau khi dọn đi khỏi nhà ba mẹ mấy tháng trước. Chị trầm trồ khen gian phòng ấm cúng với ban-công nhìn ra khoảng không gian rộng mở giữa lòng đô thị. Hai con chó poodle và chihuahua của chị Thúy quấn quít theo bước chị Thư. Tiếng cười nói rộn rã xua tan sự tĩnh lặng của căn nhà lúc chiều tà.
Chị Thư đến rủ chị Thúy đi ăn phở nhưng chị Thúy vẫn chưa sẵn sàng. Chị còn vài việc lặt vặt muốn giải quyết xong trước khi đi nhưng vẫn chưa có thời gian. Chị Thư ôm giỏ quần áo tiến đến chỗ đặt máy giặt.
"Em sẽ bỏ đồ của chị vào máy giặt cho chị, OK ?" chị Thư nói lớn bằng tiếng Anh.
Không rõ chị Thúy có nghe thấy gì không. Trong phòng ngủ chị vẫn bận bịu lục lọi trong tủ đồ thứ mà chị đã giữ gìn cẩn thận gần 30 năm nay. Một bài báo cũ viết về một trại hè dành cho các thanh niên Công giáo người Việt mà chị và Thư từng tham gia. Những trang báo ngả màu thời gian lưu giữ những kỉ niệm của hai chị em khi họ sống cùng nhau.
"Làm ơn cắt phần này để dành lại cho con !" hàng chữ viết bằng bút lông đen vẫn in đậm trên trang báo ố vàng. Một bức hình các bạn trẻ tham gia sinh hoạt trại in ngay chính giữa trang báo. Bút mực đỏ khoanh tròn hai cô gái trẻ ngồi quây quần cùng những trại viên khác.
Những hoạt động như vậy đã giúp kết nối hai con người khác biệt "một trời một vực", chị Thư nói.
Tình chị em của họ trở thành chỗ dựa tinh thần cho mỗi người khi họ bắt đầu tìm kiếm những con đường của riêng mình trong cuộc đời.
Giờ nó là chất keo hàn gắn những rạn nứt trong thời đại chia rẽ chính trị trầm trọng.
Hoàng Long
Nguồn : VOA, 31/10/2020
***********************
Việt Nam : Mối lo Trung Quốc khiến một bộ phận giới trẻ đặc biệt quan tâm bầu cử Mỹ
Trọng Thành, RFI, 28/10/2020
Giới trẻ tại Việt Nam quan tâm đến bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 không ? Người quan tâm đến bầu cử Mỹ có quan điểm ra sao ? Điểm nổi bật là mối lo ngại, thậm chí thái độ thù nghịch với chính quyền Trung Quốc, khiến một bộ phận thế hệ 8X, 9X đặc biệt quan tâm đến bầu cử Mỹ, và ủng hộ tổng thống mãn nhiệm Donald Trump. Thái độ ủng hộ mạnh mẽ này đang gây chia rẽ sâu sắc trong giới trẻ tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ.
Nhà báo Võ Văn Tạo (Nha Trang) đưa ra một nhận định chung : "Tỉ lệ các cháu quan tâm đến bầu cử ở Mỹ không cao lắm đâu. Thứ nhất là do tình hình giáo dục, chính sách tuyên truyền, quản lý thông tin… của Nhà nước, ở trong một chế độ gọi là "công an trị", làm cho mọi người, đặc biệt là các cháu thanh niên rất ngại quan tâm đến chính trị. Số trẻ quan tâm đến chính trị, đến thời vận của đất nước, của thế giới… đến các giá trị như nhân quyền, là không nhiều".
Một số bạn trẻ cũng chia sẻ với chúng tôi cảm nhận chung, là cuộc bầu cử tại Mỹ còn rất ít được giới trẻ nói chung ở Việt Nam quan tâm, trong lúc thông tin không hẳn đã thiếu. Cùng với cuộc tranh cử 2016, tranh cử 2020 là cuộc tranh cử thứ hai tại Mỹ được đưa tin khá phong phú tại Việt Nam, ngay trên truyền thông Nhà nước.
Đối đầu Mỹ - Trung : Tâm điểm tranh luận
Dù sao, cũng có một số bạn trẻ, kể cả người trẻ làm việc trong bộ máy Nhà nước, sẵn sàng bày tỏ quan điểm mình về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Anh Vinh Thu (Hà Nội), một nhà báo trẻ làm việc trong truyền thông Nhà nước, trong một trao đổi qua thư điện tử với chúng tôi, với tư cách cá nhân, chia sẻ : "Trong số bạn bè tôi và những người tôi biết, chỉ những người trên 35 tuổi có hứng thú nhiều hơn khi trao đổi về những khía cạnh khác nhau của cuộc bầu cử. Có vẻ họ ấn tượng hơn về ông Donald Trump, nhưng người nào ghét thì cũng đặc biệt ghét".
Lý do chính nào khiến nhiều người trẻ ở Việt Nam đặc biệt quan tâm đến bầu cử Mỹ ? Giáo sư Hoàng Dũng (Thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh đến thế đối đầu Mỹ - Trung : "Thực ra không phải bản thân vấn đề ông Trump và ông nào đó, mà là do họ nhìn cuộc bầu cử qua góc độ của người Việt, xem cái này có ảnh hưởng đến Việt Nam không ? Tôi nghĩ rằng người trẻ mà quan tâm đến việc này cũng không ngoài quỹ đạo đó đâu. Xem xét cuộc bầu cử này có lợi hay không có lợi cho Việt Nam, trong cuộc đối đầu với Trung Quốc hiện nay".
Tin Trump có thể "chặn đứng" Trung Quốc về kinh tế
Nhà báo Nguyễn Thiện Nhân (Bình Dương), Hội Nhà Báo Độc Lập, một tổ chức xã hội không thuộc Nhà nước, nhận xét : "Tôi nghĩ rằng số người Việt Nam quan tâm đến tổng thống Mỹ trên tổng dân số không phải là con số lớn… Tôi có sự quan sát với giới trẻ, thông thường nhiều người muốn tổng thống Trump tái đắc cử, vì ông ấy là người có thể chặn đứng sự trỗi dậy của Trung Quốc, vì sự trỗi dậy đó là không lành mạnh. Sự trỗi dậy đó là gian dối. Người ta nói là sự gian dối đó có thể phá hủy nền kinh tế thế giới. Điều đó ông Trump muốn chặn đứng".
Anh Thang Chu (Bắc Ninh), làm việc trong ngành xây dựng, chia sẻ : "Với tư cách là một người Việt Nam, tôi rất mong ông Trump là người chiến thắng. Bởi vì ông ấy đã đưa ra các quyết sách xoay trục. Không như ông Obama trước đây chỉ là nói hướng đến xoay trục, nhưng trong hai nhiệm kỳ loay hoay không xoay được trục sang Châu Á. Khi ông Trump ông ấy lên làm, không cần nói nhiều, mà ông ấy đã thực thi quyết sách hướng về Châu Á".
Trao đổi với chúng tôi qua thư điện tử, chị Vân Anh, làm việc trong một ngân hàng nhà nước (Hà Nội) cho biết quan tâm đến bầu cử tổng thống Mỹ, nhưng chủ yếu là về mặt kinh tế, đặc biệt là tác động của biến động chính trị đến chứng khoán. Theo chị Vân Anh, nhìn chung, chính sách quyết liệt của ông Trump chống Trung Quốc ảnh hưởng "tốt" đến kinh tế Việt Nam. Quan điểm của chị Vân Anh cũng khá giống với nhận định chung của Bạch Huệ, phóng viên trẻ, báo kinh tế VnEconomy, được nhiều người trẻ dùng Facebook ở Việt Nam chia sẻ : "Khi đại dịch nhấn chìm thế giới, Trump điên cuồng chống Trung Quốc cả về kinh tế lẫn chính trị khiến dòng vốn chạy khỏi Trung Quốc không ngừng. Trump làm địa chính trị thế giới thay đổi như chong chóng, giấc mơ Trung Hoa bị kìm hãm… Nói chung là ủng hộ Trump, cứ cái gì lợi cho Việt Nam là ủng hộ thôi".
Quan điểm phản bác
Về quan điểm cho rằng chính sách của tổng thống mãn nhiệm Donald Trump chống Trung Quốc rất có lợi cho Việt Nam, chị Trang Nhung (Hưng Yên), một kỹ sư tin học, có nhìn nhận hoàn toàn ngược lại :
"Tôi không thấy như vậy, tôi thấy rằng, trong nhiệm kỳ của Trump, Trung Quốc có vẻ mạnh lên, và lấp đầy những chỗ trống mà Mỹ đã bỏ lại. Ví dụ, bây giờ ảnh hưởng của Trung Quốc ở Liên Hiệp Quốc đã tăng dần, cũng như ảnh hưởng của Trung Quốc trong các nước nằm trong khu vực chịu sự chi phối của Bắc Kinh. Ngoài ra, Mỹ cũng không làm cho quan hệ với các đồng minh tốt hơn (như Canada, Đức…).
Còn đối với Việt Nam, Việt Nam cũng sẽ không được lợi nhiều, khi Trump trở thành tổng thống. Trump sẽ không đánh Trung Quốc cho Việt Nam, như rất nhiều người đang ảo tưởng. Ông ta cùng lắm là đưa ra một số chính sách, biện pháp giống như kiểu rung cây, dọa khỉ vậy, chẳng có tác dụng gì về lâu về dài, cũng không biểu hiện ra đấy là một chiến lược gì, để làm giảm sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở trên thế giới cả. Biện pháp tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, có tác động tiêu cực với kinh tế Trung Quốc một phần, nhưng nó cũng có tác động tiêu cực đến chính nền kinh tế Mỹ. Hơn nữa là biện pháp ông ta áp thuế lên Trung Quốc cũng không nhất quán, không có chính sách rõ rệt".
Chị Trang Nhung tỏ ra rất bi quan khi thấy "đại đa số" ủng hộ ông Trump trong thời gian qua. Đối với chị, điều này rất "đáng chê trách, đáng thất vọng", vì như vậy "sẽ còn rất lâu nữa mới có thể hy vọng "dân chủ hay văn minh" cho Việt Nam", bởi hai lý do, đạo đức cá nhân của ông Trump, và khả năng chính trị của lãnh đạo mãn nhiệm Mỹ. Chị Trang Nhung cũng khẳng định trong thời kỳ ông Trump làm tổng thống, "tình hình nhân quyền tại Việt Nam không được cải thiện, thậm chí còn xấu đi".
Kỳ vọng Trump tấn công chế độ toàn trị Trung Quốc
Nếu như về mặt kinh tế hay về Biển Đông, nhiều người nhìn Việt Nam và Trung Quốc trong thế cạnh tranh, đối địch, thì về mặt chính trị, nhiều bạn trẻ lại coi Trung Quốc và Việt Nam là đồng minh ý thức hệ và chiến lược với Trung Quốc của tổng thống mãn nhiệm được hy vọng là có thể tạo ra các biến chuyển có lợi cho tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam. Chị Hằng Lê (Hà Nội), kinh doanh tự do, là người có quan điểm như vậy :
"Bởi vì hai chính quyền Việt Nam và Trung Quốc là đồng minh, khả năng cao là ông Trump mạnh tay tấn công Trung Quốc, như thế thì bản thân chính quyền Việt Nam cũng cảm thấy sợ hãi, như vậy thì nó cũng tốt cho sự thúc đẩy kinh tế thị trường ở Việt Nam, thúc đẩy các hệ thống chính trị Việt Nam biến đổi theo kịp xu hướng các nước phát triển. Nếu tôi là người Mỹ, tôi e rằng tôi sẽ bỏ phiếu cho ông Trump. Mặc dù ông ấy có những thứ không được hay ho lắm. Cả hai ông, Joe Biden và ông Trump, là hai sự lựa chọn không tốt cho nước Mỹ bây giờ, đều là tệ cả. Nhưng nói theo góc độ bộ mặt chung của thế giới, nếu 4 năm tới gọi là phẳng lặng, nếu như ông Joe Biden lên thì như vậy. Nếu như ông Trump lên thì cái này rất khó đoán biết".
Anh Quyết Hồ (Hà Nội), một nhà hoạt động nhân quyền, lưu ý đến một hệ quả bất lợi của cuộc tranh cử Mỹ, đó là làm gia tăng không khí đối nghịch trong nội bộ giới trẻ Việt Nam, và tâm lý đặt kỳ vọng quá nhiều vào một nhà lãnh đạo Mỹ, trong chiến lược với Trung Quốc, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc phát triển nội lực của Việt Nam :
"Cuộc bầu cử lần này của nước Mỹ có điểm tốt là nó làm cho người Việt Nam chúng ta quan tâm đến các cuộc bầu cử, đến chính trị nhiều hơn. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là, nó đã làm phân cực rất nhiều trong những người quan tâm đến tình hình chính trị ở Việt Nam. Các cuộc tranh luận với nhau dễ trở thành xung đột. Những người từng là bạn bè trên Facebook, hoặc trong đời sống, có thể dễ dàng tuyệt giao với nhau, hoặc là chửi bới nhau, chỉ vì họ ủng hộ người khác với mình.
Còn việc chống Trung Quốc hay là chúng ta muốn thoát Trung hay không, phải dựa vào nội lực của Việt Nam trước tiên. Nếu không có nội lực, không thể thoát Trung được. Cho nên, dù là ông Donald Trump, ông ấy có chống Trung Quốc triệt để đi chăng nữa, mà cái tâm lý, cái suy nghĩ, cái tư duy của người Việt trong nước mình, không có ý muốn thoát Trung, thì một ông Trump, chứ mười ông Trump thì có lẽ cũng không làm được gì mấy".
Thiếu thảo luận về chính sách của nước Mỹ trong ôn hòa
Bầu cử tổng thống Mỹ 2020 không mấy được giới trẻ ở Việt Nam quan tâm, theo cảm nhận chung của nhiều nhà quan sát. Hiện tại, thăm dò dư luận độc lập về các vấn đề chính trị không được phép ở Việt Nam, do vậy khó có được một hình ảnh chính xác về quan điểm của công chúng.
Tuy nhiên, thông tin về bầu cử Mỹ không thiếu. Điều thiếu hụt quan trọng là các thảo luận đa chiều về bầu cử Mỹ, về chính trị Mỹ, chính sách của Mỹ với Trung Quốc, với Việt Nam, trên các phương tiện truyền thông chính thức. Nhiều người cho rằng tâm trạng khá thờ ơ với bầu cử Mỹ cũng gắn liền với tâm lý thờ ơ hoặc tránh né đụng chạm đến chuyện chính trị nói chung tại Việt Nam, còn rất phổ biến trong giới trẻ.
Trong số ít những người trẻ quan tâm đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, động cơ hàng đầu của đa số họ là do tác động rất lớn đến Việt Nam, của các chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc. "Chống" hay "không chống" Trung Quốc, "chống" có hiệu quả hay không, là thước đo chính để nhiều người lựa chọn Trump hoặc Biden. Ghi nhận được nhiều người chia sẻ là, đông đảo người quan tâm đến bầu cử Mỹ ủng hộ ông Donald Trump. Đối với họ, chính trị gia này là người cứu nguy cho thế giới, chống lại chế độ cộng sản toàn trị Trung Quốc. Ngược lại, những người phản bác coi đây là một ảo tưởng, một thái độ cuồng tín rất nguy hiểm, bất lợi cho việc xây dựng dân chủ, khẳng định nhân quyền.
Ủng hộ hay chống Trump, các lập trường đối kháng nói trên đang gây phân hóa mạnh mẽ trong xã hội nhỏ bé của giới trẻ tranh đấu dân chủ ở Việt Nam. Một cách đánh giá về chính sách của nước Mỹ không quá tập trung vào vai trò cá nhân của tổng thống mãn nhiệm Donald Trump khó hình thành trong xã hội Việt Nam, nơi dường như việc trao đổi, thảo luận bình tĩnh để tìm ra cái dở, cái hay trong quan điểm của mỗi bên chưa trở thành một nhu cầu thiết thân của nhiều người, và nhất là trong bối cảnh việc thảo luận về các chủ đề chính trị "nhạy cảm" dễ bị chính quyền can thiệp. Nhiều người cũng đặt câu hỏi, phải chăng mối đe dọa thường trực, sự lấn lướt, thao túng của Trung Quốc đã đáng sợ đến mức mà nhiều người trẻ Việt Nam chấp nhận đặt niềm tin vào Donald Trump, như một vị cứu tinh, cho dù không phải là không biết những mặt xấu của chính trị gia này.
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 28/10/2020