Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

31/10/2020

Bầu cử tổng thống Mỹ qua cái nhìn của người dân Pháp

Thùy Dương

Bầu cử tổng thống Mỹ và những điều lạ lùng theo cái nhìn của người dân Pháp

Chỉ còn có vài ngày nữa là đến ngày 03/11/2020, ngày nước Mỹ chính thức bỏ phiếu bầu tổng thống. Kỳ bầu cử tổng thống Mỹ có thu hút báo chí, công luận Pháp hay không ? Nhìn từ nước Pháp, bầu cử tổng thống Mỹ có gì đặc biệt ?

lalung1

Ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump và Joe Biden.  Reuters

Khi hai ứng viên Mỹ bước vào giai đoạn nước rút thì tại Pháp lại xảy ra rất nhiều chuyện, nhất là vụ khủng bố Hồi giáo chặt đầu một thầy giáo sử - địa vì cho học trò xem ảnh biếm họa đấng tiên tri Mohamet trong giờ học về quyền tự do ngôn luận, khiến dư luận Pháp rúng động, trong khi đó dịch bệnh Covid-19 trong những ngày qua bùng lên dữ dội vượt tầm kiểm soát khiến tổng thống Macron phải ban hành lệnh giới nghiêm rồi sau đó là lệnh tái phong tỏa đất nước. Tình hình trong nước phức tạp như vậy nhưng báo chí Pháp vẫn dành nhiều chỗ cho kỳ bầu cử tổng thống Mỹ.

Thực ra, bầu cử tổng thống Mỹ là một trong những đề tài được báo chí, truyền thông Pháp đặc biệt quan tâm khai thác từ nhiều tháng trước nay. Không chỉ nói về quy định, thể thức bầu cử, chiến dịch vận động tranh cử của các ứng viên, các cuộc tranh luận trên truyền hình, rất nhiều câu chuyện bên lề thú vị cũng được truyền thông Pháp đề cập đến, chẳng hạn tại sao ngày chính thức bỏ phiếu bầu tổng thống Mỹ luôn diễn ra vào ngày 03/11, tại sao voi đại diện cho đảng Cộng hòa còn lừa là biểu tượng của đảng Dân chủ, hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện, bỏ phiếu sớm…

Có thể nói là "nhất cử nhất động" trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ đều được truyền thông Pháp theo dõi sát sao, dù là báo giấy hay phát thanh, truyền hình, báo chí thiên tả hay thiên hữu… Năm nay, chưa có kết quả khảo sát về việc người Pháp có quan tâm đến bầu cử Mỹ không, nhưng hồi năm 2016, tuần báo Le Point cho biết theo một cuộc khảo sát Odoxa công bố trên báo Le Parisien, có đến 64% người Pháp quan tâm đến bầu cử tổng thống Mỹ. Bà Céline Bracq, tổng giám đốc Odoxa giải thích 84% người Pháp cho rằng bầu cử tổng thống Mỹ quan trọng đối với thế giới và 63% nghĩ rằng kỳ bầu cử tổng thống Mỹ quan trọng với nước Pháp.

Bầu cử Pháp – Mỹ khác nhau thế nào ?

Vì thể thức bầu cử ở hai nước có nhiều nét khác nhau, nên mỗi lần đến kỳ bầu cử tổng thống Mỹ, truyền thông Pháp lại có những chương trình giải thích "Bầu cử Mỹ diễn ra như thế nào ?", chẳng hạn trên đài France Télévision ngày 29/09, nhà báo Raphael Godet khái quát cho người dân Pháp hiểu về vài nét đặc biệt của kỳ bầu cử tổng thống Mỹ :

"Trái ngược với người Pháp, người Mỹ không trực tiếp bầu cho một ứng cử viên. Họ bầu ra những người được gọi là "đại cử tri". Có tổng cộng 538 đại cử tri, và chính những người này lựa chọn chủ nhân tương lai của Nhà Trắng. Số đại cử tri thay đổi từ bang này sang bang khác tùy theo quy mô và dân số của bang. Chẳng hạn các bang Montana và Wyoming chỉ có 3 đại cử tri, trong khi đó Texas có 38 và California có 55 đại cử tri. Một ứng viên tổng thống muốn đắc cử phải có đa số tuyệt đối phiếu đại cử tri, tức là ít nhất 270 phiếu trên tổng số 538 phiếu đại cử tri.

Ở mỗi bang, ứng viên của đảng nào có nhiều phiếu nhất thì có được toàn bộ phiếu đại cử tri của bang đó. Chẳng hạn, nếu ứng viên đảng Dân chủ ở bang Florida về đầu thì họ thu được toàn bộ 29 phiếu đại cử tri. Trên thực tế, cuộc đua vào Nhà Trắng diễn ra ở khoảng chục bang, đây là những địa phương mà cử tri ngả từ phe này sang phe kia tùy theo từng kỳ bầu cử. Đó là những bang được gọi là swing states, chẳng hạn như các bang Florida hay Wisconsin. Những bang này nắm giữ chìa khóa kết quả chung cuộc".

Tại sao dân Mỹ không trực tiếp bầu tổng thống ?

Bầu cử tổng thống không phải là chỉ bầu tổng thống cũng là nét khác biệt lớn của kỳ bầu cử Mỹ. Thế nhưng, phiếu đại cử tri có lẽ là một trong những điều người Pháp cảm thấy khó hiểu nhất vì bầu cử tổng thống tại Pháp là bầu cử trực tiếp, theo hình thức phổ thông đầu phiếu. Trả lời phỏng vấn của RFI tiếng Việt, nhà báo Nguyễn Văn Huy, Paris nhấn mạnh :

"Trong suốt thời gian qua, người Pháp vẫn không bao giờ có thể hiểu được thể thức bầu cử tổng thống ở nước Mỹ. Bên Châu Âu thì rất giản dị, bầu cử tổng thống thì chỉ bầu tổng thống mà thôi, không có bầu chung với các cuộc bầu cử khác. Hoặc bầu Dân biểu quốc hội thì chỉ có bầu Dân biểu quốc hội thôi, không có bầu chung với các nhân vật lãnh đạo địa phương hay các nhân vật chính trị vùng. Trong lúc đó bên Mỹ lại khác. Khi bầu cử tổng thống Mỹ thì trong đó có kèm theo bầu những nhân vật trong lưỡng viện Quốc hội và cơ quan công quyền khác, thành ra danh sách bầu của họ cũng rất dài dòng, khó hiểu. Nhưng đặc biệt điều người Châu Âu và người Pháp không hiểu được là tại sao khi dân chúng ủng hộ một nhân vật chính trị nào đó thì phải bầu qua một người đại diện của họ, rồi người đó mới bầu tổng thống.

Người Pháp thấy rằng lối bầu theo đại cử tri ở đây là có cái gì không bình thường. Hơn hai trăm năm qua, xã hội Mỹ đã tiến bộ nhiều nhưng họ vẫn giữ lối bầu cử của ngày xưa, vào thời lập quốc. Người Pháp thắc mắc tại sao nước Mỹ không chịu cải tổ để có những cuộc bầu cử bình thường. Chẳng hạn một người được 50-60% dân số ủng hộ thì phải được tương đương 50-60% số phiếu ủng hộ, nhưng đằng này… Nhất là sau cuộc bầu cử 2016, người Pháp rất ngạc nhiên là bà Hilary Clinton mặc dù có sự ủng hộ của cử tri, tức là của dân chúng, cao hơn Donald Trump nhưng theo kết quả bầu cử theo thể thức đại cử tri thì Donald Trump lại là người thắng cử".

Vận động tranh cử sao mà phải hình thức thế ?

Về chiến dịch vận động tranh cử, nhất là chiến dịch của ứng viên Donald Trump, nhiều người dân Pháp cho rằng quá chú trọng đến hình thức thể hiện và tốn kém. Về điểm này, nhà báo Nguyễn Văn Huy cho biết thêm : 

"Cử tri Pháp và Mỹ ủng hộ cử tri của mình thì giống nhau, họ đều có sự đam mê, họ ủng hộ hết mình, nói thẳng ra sự ủng hộ các nhân vật chính trị đôi khi rất cuồng nhiệt. Điểm này thì người Pháp và người Mỹ giống nhau. Nhưng khác nhau là ở chỗ người Pháp ủng hộ ứng viên không theo kiểu trình diễn hình thức màu mè, ồn ào. Trong khi đó, tổng thống Donald Trump là người trong lĩnh vực truyền thông nên ông tổ chức vận động ồn ào, nhạc trống um xùm, tạo hình ảnh để gây tiếng vang như một người nghệ sĩ trên sân khấu.

Nhưng người Pháp lại quan niệm rằng dù sao ông cũng là một nhà chính trị, là một lãnh đạo quốc gia thì phải thể hiện theo cung cách của người lãnh đạo quốc gia chứ không phải theo cách người nghệ sĩ trước sân khấu. Khác biệt nằm ở chỗ đó, chứ sự cuồng nhiệt của người ủng hộ ứng cử viên hai nước là giống nhau, họ sẵn sàng hy sinh thì giờ công sức để hy vọng ứng viên của mình thắng cử".

Người Pháp nghĩ gì về Donald Trump ?

Liên quan đến cuộc đối đầu của hai ứng viên Donald Trump và Joe Biden năm nay, người Pháp ngả về bên nào hơn ? Theo một cuộc thăm dò ý kiến YouGov thực hiện cho trang mạng L’Internaute, 69% số người được hỏi cho rằng Donald Trump là một vị tổng thống tệ hại, thậm chí 61% muốn ông Trump bị truất phế trước khi hết nhiệm kỳ. Trả lời câu hỏi "Quý vị muốn Donald Trump hay Joe Biden thắng cử hơn ?", 52% muốn chiến thắng thuộc về Joe Biden, chỉ có 10% ủng hộ ứng viên đảng Cộng hòa, 19% không muốn Trump hay Biden đắc cử và 19% không đưa ra ý kiến. Nhưng nếu chỉ được chọn giữa Trump hoặc Biden, 84% người Pháp ủng hộ ứng viên Biden của đảng Dân chủ, chỉ có 16% "bỏ phiếu" cho ông Trump.

Thực ra, không phải bây giờ mà trong mấy năm qua, năm nào cũng có những cuộc thăm dò ý kiến dân Pháp về tổng thống Mỹ Donald Trump và lần nào cũng vậy người Pháp đều có cái nhìn không mấy thiện cảm về tổng thống Mỹ Donald Trump. Chẳng hạn, theo một cuộc thăm dò của Viện Elabe thực hiện cho đài truyền hình BFMTV hồi giữa năm 2019, 75% người Pháp có cái nhìn không mấy tốt đẹp về nguyên thủ Mỹ Donald Trump. Chỉ có 25% công chức cao cấp và 16% những người thuộc các tầng lớp trung lưu và bình dân có cái nhìn tích cực về Donald Trump.

Trước đó 1 năm, theo một cuộc khảo sát của Viện Ifop, 77% người Pháp coi chính quyền Obama là đáng tin cậy, nhưng chỉ có 44% nhận định chính quyền Trump đáng tin và chỉ có 17% dân Pháp đánh giá cao tổng thống Trump. Cũng theo khảo sát của Ifop, nước Mỹ vẫn được dân Pháp coi là "bạn" trong lĩnh vực an ninh và đấu tranh chống khủng bố, hoặc là đồng minh để đối phó với Trung Quốc và Nga. Nhưng về kinh tế thì có đến 78% cho rằng Mỹ là một đối thủ của Pháp.

Trả lời phỏng vấn của RFI tiếng Việt, nhà báo Nguyễn Văn Huy giải thích :

"Lúc đầu khi hay tin Donald Trump đắc cử thì người Pháp nghĩ rằng nhân vật mới này có thể đem lại sinh khí mới trong quan hệ Pháp-Mỹ, nhất là về xuất nhập khẩu hoặc quan hệ hợp tác quân sự quốc tế giữa hai nước tích cực hơn. Nhưng sau một thời gian quan sát họ thấy đây là một vị tổng thống bảo thủ, muốn co cụm lại và xem Châu Âu như một đối thủ kinh tế và nhất là Pháp, một quốc gia có nền kinh tế phát triển tương đương và có những hàng hóa được người Mỹ ưa chuộng. Ông Trump muốn đánh thuế cao để bình thường hóa nhập siêu. Vì thế, người Pháp rất bất mãn.

Và người Pháp thấy ông Trump không phải là người mà họ nễ trọng, vì ông là người không có văn hóa lãnh đạo quốc gia, không có tầm vóc của một người đứng đầu cường quốc số một thế giới qua cách nói chuyện, đối xử. Pháp mặc dầu là một quốc gia nhỏ hơn so với Mỹ, nhưng người Pháp đánh giá cao cái tư cách, kiến thức văn hóa, cách cư xử của một nhân vật lãnh đạo. Khi một vị tổng thống cứ dùng những lời thô tục, không thể hiện sự trung thực, hôm nay nói ừ mai lại nói không, thì không ai tin tưởng là Donald Trump có giữ lời hay không, nhất là khi Donald Trump coi Pháp là đối thủ.

Mặc dù vậy, trên bình diện quốc tế và Châu Âu người Pháp vẫn ủng hộ chính sách của Mỹ, dù sao thì cũng phải hợp tác với Mỹ để bảo vệ Châu Âu trước sự đe dọa của Nga và Trung Quốc, nhưng về mặt cá nhân và con người thì người Pháp không đánh giá cao nhân vật Donald Trump".

Thùy Dương

Nguồn : RFI, 30/11/2020

**********************

Hôm nay đọc trên RFI, thấy ý kiến của anh Huy :

"Trong suốt thời gian qua, người Pháp vẫn không bao giờ có thể hiểu được thể thức bầu cử tổng thống ở nước Mỹ. Bên Châu Âu thì rất giản dị, bầu cử tổng thống thì chỉ bầu tổng thống mà thôi, không có bầu chung với các cuộc bầu cử khác. Hoặc bầu dân biểu quốc hội thì chỉ có bầu dân biểu quốc hội thôi, không có bầu chung với các nhân vật lãnh đạo địa phương hay các nhân vật chính trị vùng. Trong lúc đó bên Mỹ lại khác. Khi bầu cử tổng thống Mỹ thì trong đó có kèm theo bầu những nhân vật trong lưỡng viện Quốc hội và cơ quan công quyền khác, thành ra danh sách bầu của họ cũng rất dài dòng, khó hiểu. Nhưng đặc biệt điều người Châu Âu và người Pháp không hiểu được là tại sao khi dân chúng ủng hộ một nhân vật chính trị nào đó thì phải bầu qua một người đại diện của họ, rồi người đó mới bầu tổng thống".

Nhân tiện dịp này, tôi xin được trao đổi lại. Một cách tóm tắt :

Nước Mỹ, khác nước Pháp, là một Liên bang. Tổng thống Mỹ do đa số người dân bầu chọn phải đồng thời chiếm được sự công nhận của đa số các Tiểu Bang. Tổng thống Liên Bang thì phải là tổng thống của tất cả các Tiểu Bang. Phiếu của Tiểu Bang, do đại diện của Bang bầu ra, đây chính là Đại cử tri, được người dân của Bang bầu ra để đại diện cho họ trực tiếp bầu Tổng thống. Chiếm được đa số phiếu của đại cử tri là có phiếu của Tiểu Bang đó, nghĩa là có toàn bộ số phiếu đại cử tri của Tiểu Bang đó. Điều này thỏa mãn hai điều kiện. Một là công dân của Bang hiểu rõ người địa phương hơn và người đại diện trong tiểu Bang có trách nhiệm gắn bó hơn với công dân địa phương hơn. Hai là, dân số của các tiểu Bang không giống nhau, trong khi cảm xúc chính trị của người dân, phụ thuộc vào ảnh hưởng của môi trường, cần phải là đa số để có được đa số trong tiểu Bang đó, chính là chiếm được đa số Đại cử tri. Tiểu Bang đông dân cư, nhiều phiếu bầu, nhưng vẫn chỉ có giá trị đại diện cho Tiểu Bang đó, không đại diện dân chúng toàn Tiểu Bang khác, nghĩa là chỉ có số đại cử tri của Bang đó.

Đây là cơ chế đảm bảo thực chất nền Dân chủ Liên Bang, tránh hiện tượng, các Tiểu Bang đông dân chịu ảnh hưởng của một đảng chính trị, khuynh loát quyền chính trị của các tiểu Bang ít dân cư hơn. Mỗi Bang trên hình thức là một quốc gia độc lập có quyền chính trị như nhau, lớn hay nhỏ đã được tính theo quy định số lượng đại cử tri tương ứng. Số đông phiếu bầu trực tiếp không phản ánh ý nguyện của các Tiểu Bang trong toàn Liên Bang.

Ngoài ra phải kể tới cơ chế bầu cử này có bao hàm ý tứ cảnh giác của các nhà sáng lập, rằng trình độ nhận thức và mối quan tâm của quần chúng trực tiếp nhiều khi không phản ánh đúng hiện trạng môi trường, vì vậy cần có đại diện, thường là thuộc tầng lớp cao hơn, có nhận thức sát hơn, tầm nhìn xa và bao quát hơn.

Không nói Cơ chế bầu cử của Mỹ cao hơn, sâu hơn các cơ chế bầu cử của Pháp hay các nước khác, nhưng phải thừa nhận những nhà sáng lập Mỹ là những người hiểu rất rõ những thiết chế cần thiết để đảm bảo cho một nền dân chủ đích thực khó bị hủy hoại.

Đây là vài điều cảm nhận xin được trao đổi với Diễn Đàn.

Bùi Quang Vơm

(31/10/2020)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thùy Dương
Read 554 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)