Nạn man khai để lấy danh hiệu Giáo sư, Phó giáo sư tại Việt Nam
RFA, 27/10/2020
Truyền thông nhà nước Việt Nam ngày 27/10 đăng tin cho biết có thêm 22 ứng viên Giáo sư, Phó giáo sư bị tố cáo "khai gian bài báo khoa học" để qua mặt Hội đồng xét duyệt. Trong đó bao gồm 21 ứng viên ngành Y và một ứng viên ngành Hóa học - Công nghiệp thực phẩm.
Một giảng viên nhận giấy chứng nhận Phó giáo sư trong một buổi lễ được tổ chức tại Văn Miếu, Hà Nội vào ngày 04/02/2015. AFP photo
Cụ thể, có 6 email đã được gửi đến Giáo sư Nguyễn Ngọc Châu thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng với Giáo sư Phạm Đức Chính, Viện Cơ học với cùng nội dung tố cáo 21 ứng viên Giáo sư, Phó Giáo sư ngành Y không đạt tiêu chuẩn, nhưng vẫn được Hội đồng Giáo sư ngành thông qua và đề nghị Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận.
Hiện Giáo sư Nguyễn Ngọc Châu đã chuyển tiếp các đơn thư này tới Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước.
Bên cạnh đó, còn có email tố cáo một ứng viên ngành Hóa – Công nghiệp thực phẩm không đạt điều kiện cứng cho ứng viên Phó Giáo sư kèm theo bằng chứng ứng viên gian dối sửa nội dung bản đăng ký xét duyệt được gửi đến Giáo sư Nguyễn Ngọc Châu. Với trường hợp này, ông Châu đã xem và xác nhận không đạt.
Trước đó, vào ngày 22/10, báo chí trong nước cũng đưa tin 16 Giáo sư, Phó Giáo sư bị tố có vấn đề về các bài đăng báo quốc tế. Do đó, thời gian công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm nay có thể sẽ phải lùi lại muộn hơn so với mọi năm.
Trao đổi với RFA tối 27/10, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, từng trong chương trình đào tạo Thạc sĩ hợp tác giữa Bỉ và Việt Nam nhận định về tình trạng vừa nêu như sau :
"Cũng như những nước tiên tiến khác, tại Việt Nam danh hiệu Giáo sư có một uy tín xã hội nào đó, người Việt mình rất thích danh và có yêu cầu đó. Có cái dở là trong quy chế hành chính của Việt Nam ưa không dựa vào thực chất mà hơi dựa vào bằng cấp. Ở Việt Nam có chế độ Giáo sư chỉ có chức chứ không cần dạy nên đại đa số những người ở Việt Nam gọi là Giáo sư nhưng những người thực chất có thời giờ giảng dạy, có giáo trình chiếm không tới phân nửa. Những ông Giáo sư kia làm gì, ông mang chức Giáo sư làm danh thiếp để mang đi khoe chứ không làm gì cụ thể cho giáo dục và nghiên cứu khoa học. Tình trạng này vẫn chưa chấm dứt và Bộ Giáo dục Đào tạo chưa có chế độ loại bỏ hình thức Giáo sư đi chơi như vậy".
Đồng quan điểm nêu trên, Giáo sư Phạm Minh Hoàng, từng là giảng viên tại trường Đại Học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh hơn 10 năm đưa ra thực tế từ môi trường sư phạm mà ông tham gia :
"Tôi từng tận mắt thấy những người thay vì bỏ thời gian nghiên cứu, giảng dạy một cách đúng mực thì họ bỏ hết thời giờ để họ lo vấn đề soạn hồ sơ. Nếu làm bộ hồ sơ để làm Phó giáo sư không thôi thì tôi nghĩ phải dành 50-60% thời giờ và lượng giấy in ra có thể xếp trong phòng chừng 3-4 m3. Đấy chỉ mới là Phó giáo sư, còn Giáo sư chắc phải nhân đôi lượng thời gian cũng như số lượng giấy. Tôi không hiểu ai có thời giờ đọc hết những cái đấy. Thời giờ phải bỏ ra thay vì cải thiện và để cập nhật bài giảng của mình thì họ lấy kiến thức cũ dạy cho sinh viên thì họ dùng thời giờ ấy để thực hiện bộ hồ sơ của mình. Nếu bộ hồ sơ đó chưa đạt chuẩn thì họ sẽ tìm mọi cách để "chạy". Bây giờ những thứ không mua được bằng tiền thì người ta mua bằng rất nhiều tiền, cái gì cũng có thể mua nổi chứ đừng nói chức vị Giáo sư".
Một vị Phó Giáo sư trong một buổi lễ trao bằng công nhận danh hiệu giáo sư và phó giáo sư tại Văn Miếu Hà Nội vào ngày 24/12/2012. AFP
Vẫn theo Giáo sư Phạm Minh Hoàng, tình trạng quá đặt nặng vấn đề hình thức, danh hiệu, chức tước ở Việt Nam là một bệnh trầm kha. Người ta không nghĩ đến công việc và hiệu quả việc làm mà chỉ toàn chú ý đến chức tước.
Do đó, Giáo sư Phạm Minh Hoàng cho rằng khi nhà nước còn giữ quyền phong Giáo sư, Phó giáo sư thì việc chạy chức, chạy quyền vẫn còn. Bên cạnh đó, nếu các thầy, cô còn đặt nặng vấn đề chức tước, quan quyền, quyền lợi thì chuyện khai gian để được cấp danh hiệu Giáo sư, Phó giáo sư không thể được giải quyết triệt để. Ông cho rằng :
"Phải có một sự cải tổ sâu rộng trong ngành giáo dục".
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cũng cho rằng những cơ chế để chọn lựa chức danh và tiêu chuẩn chọn lựa Giáo sư và Phó giáo sư, những người giữ vai trò lãnh đạo trong học thuật Việt Nam từ lâu rồi không được nghiêm túc và bị một số tác nhân nội tại lũng đoạn, tình hình rất phức tạp. Ông giải thích :
"Nó là vấn đề con người, trình độ và cơ chế. Ba thứ này trộn lại với nhau nên giải quyết rất khó. Vấn đề đầu tiên là tiêu chuẩn chọn lựa người giáo chức, Giáo sư, giảng dạy đại học. Do những đề đạc và những phản ứng khá gay gắt thì có một số cải tiến. Tiêu chuẩn chọn lựa đòi hỏi phải có công bố quốc tế, kiểm duyệt, đòi hỏi Giáo sư phải đào tạo được Tiến sĩ, Phó giáo sư đào tạo được Thạc sĩ… thì mới có những tiến bộ những vẫn không hoàn toàn thoát ly được lạc hậu, cơ chế hiện hành. Các cơ quan thẩm định có ngành, có chung nên từ ngành có những vấn đề chưa thông suốt và có hình thức lừa được ban thẩm định và đánh tráo tiêu chuẩn thẩm định…
Người ta dần dần chấp nhận cần có những công bố quốc tế, công bố những bài viết, công bố khóa học trên những tạp chí có chất lượng và được quốc tế được công nhận, từ đó mới tính điểm, xác định giá trị ứng viên. Tình trạng này được chấp nhận thì xảy ra tình trạng ngược lại là người ta cố tình thông đồng giữa những tờ báo không có chất lượng và nhưng cá nhân đóng tiền để từ tiền đó biến ra công bố khoa học thì chuyện này đang xảy ra".
Theo Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, trước những thực trạng như ông vừa nêu, cơ quan chức năng cần đặc biệt thay đổi nhanh chóng thành phần hội đồng kiểm tra. Ông cho rằng cần phải đưa những thành phần trẻ, có trình độ gần gũi với các nước tiên tiến vào hội đồng thẩm định, bởi vì theo ông :
"Làm thế nào, tiêu chuẩn thế nào chăng nữa thì cái tâm và trình độ con người vẫn là cái cơ bản nhất".
Còn Giáo sư Phạm Minh Hoàng đưa ra chủ trương nên để các trường quản lý người thầy có toàn quyền quyết định chức danh Giáo sư của trường đó. Có như vậy mới tránh được tình tạng "chạy" chức Giáo sư, Phó Giáo sư như hiện nay.
Theo thông tin từ báo Nhà nước Việt Nam, ông Trần Anh Tuấn, Chánh văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho hay đã yêu cầu hội đồng ngành giải trình.
Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Đức Cường cho biết Thanh tra Bộ phải chờ Hội đồng Giáo sư Nhà nước rà soát đơn thư, hồ sơ ứng viên và chỉ vào cuộc khi có vấn đề.
Đây không phải lần đầu việc công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư xảy ra những gian lận trong việc tiến cử. Trước đó, vào năm 2018, Hội đồng chức danh Giáo sư đã phải hoãn, không xét công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư của năm này với lý do tương tự.
Nguồn : RFA, 27/10/2020
*************************
Danh hiệu ‘cháu ngoan Bác Hồ’ : công cụ để nhồi sọ trẻ ở Việt Nam !
RFA, 27/10/2020
Đại hội cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ IX, năm 2020 vừa được diễn ra ở Hà Nội hôm 25/10/2020, mà theo truyền thông Nhà nước Việt Nam là một đại hội được tổ chức long trọng với quy mô lớn, nhằm tuyên dương thành tích của các em học sinh được mệnh danh là ‘cháu ngoan Bác Hồ’ xuất sắc giai đoạn 2015 - 2020.
Ảnh minh họa chụp tại một trường tiểu học ở Huế trước đây. AFP
Trong khi kinh tế Việt Nam vẫn còn khó khăn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, còn người dân miền Trung thì đối diện muôn vàn khó khăn do thiên tai, thì vì sao lại tổ chức đại hội với quy mô rầm rộ như vậy ?
Bạn trẻ Đăng Quang nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 27/10/2020 :
"Họ tuyên truyền về ‘cháu ngoan Bác Hồ’ một cách rầm rộ thì nghiêng về chính trị hơn là giáo dục, và đối với em là không cần thiết. Dù nhân vật Hồ Chí Minh gây hai luồng ý kiến trái chiều, nhưng em dừng lại ở nhân vật lịch sử, những gì đã qua thì nên tôn trọng, nhưng chúng ta cũng không cần thiết (tôn thờ) đến mức quá là như vậy. Bởi vì những lứa tuổi nhỏ như lớp 1 hay cấp tiểu học, thì các em chưa tự tìm hiểu được một cách khách quan ông Hồ Chí Minh là như thế nào ? Mà nhà trường đã áp đặt có danh hiệu ‘Cháu ngoan Bác Hồ’ mới là con ngoan trong gia đình... Để đạt được danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ thì họ đặt ra rất nhiều tiêu chuẩn, ví dụ ai nói xấu đảng, xấu bác thì phải phản bác lại là không đúng"…
Theo Đăng Quang, như vậy sẽ tạo ra cho trẻ nhỏ một tư duy không phản biện, không sáng tạo, không có tự do suy nghĩ, và theo Quang là không nên.
‘Cháu ngoan Bác Hồ" là một danh hiệu do Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh tặng cho các em học sinh có thành tích học tập và được đánh giá có đạo đức tốt. Tuy nhiên, học sinh đó phải là thành viên của Đội Thiếu niên mới được xét để được nhận danh hiệu này.
Một học sinh lớp 10 ở Sài Gòn nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 27/10 :
"Con cũng có được cháu ngoan Bác Hồ trước đây, nhưng năm ngoái thì không được... cháu ngoan Bác Hồ là tính từ lớp 1 cho đến lớn luôn, cháu ngoan Bác Hồ là tính hạnh kiểm của mình nguyên một năm, năm đó mình có đánh nhau không, có đi học trễ không, chuyên cần các kiểu... Còn học lực thì học sinh khá trở lên mới được cháu ngoan Bác Hồ. Bây giờ học sinh chỉ quan tâm học khá giỏi hay trung bình yếu, chứ cũng không quan tâm cái đó cho lắm".
Đại hội cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ IX, năm 2020 vừa được diễn ra ở Hà Nội hôm 25/10/2020. Courtesy TP
Cũng như các nước xã hội chủ nghĩa khác, việc thần tượng lãnh tụ ở Việt Nam là một điều ai cũng biết. Ngay từ lớp một hay mẫu giáo đã được học 5 điều Bác Hồ dạy, phấn đấu làm cháu ngoan Bác Hồ, coi Bác Hồ giống như một vị thần thánh rất tốt... Theo chính quyền Việt Nam, có lẽ việc thần tượng hóa ông Hồ giúp rất nhiều cho việc duy trì chế độ hiện nay.
Để tìm hiểu thực tế, Đài Á Châu Tự Do hôm 27/10 liên lạc một giáo viên tiểu học, không muốn nên tên vì lý do an ninh, ở thành phố Hồ Chí Minh, và được Cô cho biết :
"Danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ vẫn còn, căn cứ dựa vào việc tham gia tốt các phong trào của đoàn đội tổ chức, và cũng dựa vào năng lực học tập, hai cái đó xét để thành cháu ngoan Bác Hồ. Bây giờ cấp một vẫn hưởng ứng cháu ngoan Bác Hồ, năm nào tụi chị cũng phải xét cháu ngoan Bác Hồ... Chị thấy các em có giấy khen thì các em cũng thích thú".
Chị Nguyễn Lai, một phụ huynh ở Nha Trang, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do qua tin nhắn hôm 27/10/2020, cho biết giá trị về học hành ngày xưa dựa trên nền tảng Triết lý giáo dục : Nhân Bản, Dân Tộc, Khai Phóng, lấy con người làm gốc, tinh thần dân tộc và giáo dục tri thức với tinh thần sáng tạo… Tuy nhiên với giáo dục tại Việt Nam sau 1975, Chị nhận xét :
"Sau 1975, nền giáo dục theo phong trào thành tích giả dối và những danh hiệu ảo như : ‘Cháu ngoan Bác Hồ’. Khi mục tiêu giáo dục sau 1975 hoàn toàn đánh mất đi tính Nhân bản - Lễ nghĩa. Khi học sinh đánh nhau lột đồ trước cổng trường... Thì danh hiệu ‘Cháu ngoan Bác Hồ’ chỉ là danh hiệu ảo.
Học sinh đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển đất nước nhưng thực tại thì đạo đức của học sinh ngày càng suy thoái trong đó góp phần không nhỏ từ nhà trường, thầy cô. Mục đích giáo dục không hướng thiện, để đạt thành tích bằng những danh hiệu ảo chỉ gây cho học sinh ngày càng mất đi tính thật thà, nhân ái... Chính vì vậy tôi phản đối danh hiệu ‘Cháu ngoan Bác Hồ’ và nên bỏ luôn danh hiệu này trong các trường học".
Với tư cách phụ huynh, vị giáo viên tiểu học không muốn nên tên ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết, cô thấy chuyện cháu ngoan Bác Hồ cũng hơi nặng về mặt chính trị. Chị nói tiếp :
"Nhưng con của Chị đi học thì chị cũng cho tham gia hết các phong trào. Vì phong trào không chỉ quan tâm về chính trị, mà còn phong trào ví dụ như em ủng hộ miền Trung lũ lụt, tức là các em phải biết chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn hơn".
Khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 27/10 liên quan việc này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể cho rằng, chuyện cháu ngoan Bác Hồ đã không còn phù hợp từ rất lâu rồi, nhưng nó lại rất cần cho chế độ Việt Nam hiện nay, cho sự độc quyền của đảng cộng sản. Tuy rằng theo ông, với xã hội và người dân, chuyện cháu ngoan Bác Hồ không còn có ý nghĩa gì cả, nhưng trong sự nhồi sọ về mặt tư tưởng, thì Đảng cộng sản vẫn bám lấy cộng cụ đấy và theo ông nó vẫn có tác dụng. Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói tiếp :
"Ai mà bảo vì nó không hợp thời nữa, nên chả có tác dụng gì, thì hoàn toàn lầm to... Những chuyện danh hiệu, tiêu chuẩn, thi đua... hoàn toàn là những chuyện thực tế nó không ăn nhập gì với cuộc sống, nhưng về mặt tâm lý, về mặt nghệ thuật nhồi sọ, nó làm hằn sâu vào đầu óc của người dân, của trẻ em và nó có tác động tai hại rất lâu dài, chứ không phải như mình nghĩ đấy là chuyện vớ vẩn, cho nên không cần để ý."..
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, những chuyện như ông vừa nói, là những chuyện cần vạch ra tường tận, để tìm hiểu những lý do vì sao Đảng cộng sản Việt Nam vẫn cứ bám vào. Theo ông, chính quyền Việt Nam bám vào như thế, hẳn phải có lý do của họ.
Nguồn : RFA, 27/10/2020