Những ‘đòn bẩn’ trong vụ Lê Vinh Danh
Trân Văn, VOA, 29/10/2020
Ông Lê Vinh Danh, cựu Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng, vừa lên tiếng giải thích về một số cáo buộc của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đặc biệt là cáo buộc về việc trả lương tại trường này (1).
Ông Lê Vinh Danh, cựu Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng, vừa lên tiếng giải thích về một số cáo buộc của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Ngày 23 tháng này, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức một… hội nghị để công bố quyết định cách chức ông Danh từ 21/10/2020 vì nhiều sai phạm liên quan đến công tác đảng, công tác quản lý hành chính, tài chính tại Đại học Tôn Đức Thắng...
Trong hội nghị vừa kể, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam loan báothu nhập tháng 9 của ông Danh là 556 triệu đồng, trong khithu nhập bình quân tháng 9 của viên chức giảng dạy chỉ hơn 22,5 triệu đồng, viên chức hành chính chỉ hơn 22,5 triệu đồng(2)…
***
Sở dĩ Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam vất vả dụng công trong việc loại bỏ ông Danh,chấn chỉnh Đại học Tôn Đức Thắng vì vài năm gần đây, Đại học Tôn Đức Thắng được xem như một ví dụ tích cực trong đào tạo đại học ở Việt Nam và nhiều người tin rằng, vì tham Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đang… phá mô hình này !
Đại học Tôn Đức Thắng hiện có hơn 30 khoa, đào tạo nhiều ngành khác nhau trong lĩnh vực kỹ thuật, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Ngoài hai cơ sở đào tạo ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Tôn Đức Thắng còn có ba cơ sở đào tạo ở Khánh Hòa, Lâm Đồng, Cà Mau và là một trong vài đại học được một số đại học, tổ chức ngoại quốc chọn làm đối tác để gửi sinh viên đến học, nghiên cứu trong một số ngành, một số lĩnh vực (CSUMB - một đại học công lập của tiểu bang California tọa lạc ở Monterey Bay), chương trình Fulbright của chính phủ Mỹ,…). Đại học Tôn Đức Thắng cũng là đại học được HCERES (Hội đồng Thẩm định về Đào tạo và Nghiên cứu của các đại học) công nhận chương trình đào tạo của Đại học Tôn Đức Thắng đạt chuẩn chung của đại học Châu Âu...
Đại học Tôn Đức Thắng hình thành từ nỗ lực thử nghiệm mô hình "tự chủ đại học" của một số viên chức hữu trách ở Thành phố Hồ Chí Minh cách nay hơn 20 năm. Khởi đầu như một đại học dân lập, Đại học Tôn Đức Thắng chuyển thành bán công, sau cùng chuyển thành công lập để thoát khỏi những ràng buộc và phân biệt đối xử về chính sách trong phát triển. Cũng vì vậy, Đại học Tôn Đức Thắng là đại học công lập duy nhất được hưởng quy chế tự chủ về tổ chức và tài chính. "Tự chủ" – kể cả tài chính (chỉ vay rồi trả) ngay từ khi thành lập đã giúp Đại học Tôn Đức Thắng tạo được dấu ấn riêng cả trong đào tạo lẫn xây dựng – phát triển hạ tầng (các cơ sở đào tạo, ký túc xá được xem là đẹp, hiện đại nhất trong khối đại học công).
Đại học Tôn Đức Thắng bắt đầu khựng lại sau khi có sự thay đổi nhân sự lãnh đạo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam – cơ quan mà trên danh nghĩa là chủ quản của Đại học Tôn Đức Thắng. Từ 2016, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam muốn Đại học Tôn Đức Thắng phải nộp 30% lợi nhuận. Đại học Tôn Đức Thắng phản đối và được nhiều người, nhiều giới ủng hộ (3).
***
Ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng, trở thành chướng ngại vật lớn nhất khi Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam muốn chấn chỉnh Đại học Tôn Đức Thắng. Để thắng, "bóng" được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chuyền cho Ủy ban Kiểm tra của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Nơi này chuyền "bóng" choBan Thường vụ Đảng ủy của Khối Đại học, Cao đẳng ở Thành phố Hồ Chí Minh (bộ phận tập trung những viên chức đang điều hành các đại học công lập bị Đại học Tôn Đức Thắng qua mặt). Ông Danh bị kết luận là có nhiều sai phạm đến mức phảitước bỏ tất cả các chức vụ trong đảng.Bốn Ủy viên của Đảng ủy Đại học Tôn Đức Thắng (một Phó Bí thư, một Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra) bịkhiển tráchvà tập thể Đảng ủy Đại học Tôn Đức Thắng bịcảnh cáo(3) !
Trong… hội nghị công bố quyết định cách chức ông Danh, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam xác định ông Danh có đầy đủ tất cả các sai phạm mà những viên chức Việt Nam thường mắc : Từ công tác đảng đến công tác quản lý tài chính, quản lý hành chính. Trong đó, chi tiết đáng chú ý nhất, được nhấn nhá kỹ nhất nhằm gợi ý để công chúng… nhận thức lại về cá nhân ông Danh là thu nhập của ông Danh trong tháng 9 tới hơn 550 triệu đồng, gấp… 25 lầnthu nhập bình quân tháng 9 của viên chức giảng dạy.
Ngay sau đó, Đại học Tôn Đức Thắng khẳng định, ông Danh chưa bao giờ được trả lương tới 556 triệu đồng/tháng. Mức lương tháng của ông Danh là 407 triệu/tháng, trừ thuế và các khoản phải nộp khác thì thực nhận chỉ còn 286 triệu/tháng. Năm nay, do tác động của dịch bệnh, Đại học Tôn Đức Thắng gặp khó khăn về tài chính, nhiều viên chức, giảng viên tình nguyện chỉ nhận một phần lương, phần còn lại sẽ nhận khi tài chính ổn định. Ông Danh nằm trong số này và đó là lý do… thu nhập tháng 9 của ông Danh trở thành 556 triệu (4).
Những cá nhân hữu trách ở Đại học Tôn Đức Thắng còn nhấn mạnh, việc xác định thu nhập của các cá nhân ở Đại học Tôn Đức Thắng dựa vào các loại việc mà các cá nhân đó đảm trách và khối lượng công việc mà cá nhân đó phải thực hiện. Thu nhập của ông Danh – Hiệu trưởng – chỉ ngang với thu nhập của một Trưởng phòng. Đại học Tôn Đức Thắng có nhiều chuyên gia nước ngoài vì trả lương cao và nếu chuyên gia trong nước làm việc hiệu quả như chuyên gia nước ngoài thì cũng được trả lương giống hệt như vậy (4).
Khai thác… thu nhập tháng 9của riêng ông Danh, rồi tính… thu nhập bình quân tháng 9 của viên chức giảng dạy và… không giải thích gì thêm, không chỉ… bẩn, đó còn là bằng chứng cho thấy Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam bất lương, cố tình lừa gạt đồng chí, đồng bào !
Không chỉ có thế, để ngăn chặn phản ứng của nhiều cá nhân, nhiều giới trong việcchấn chỉnh Đại học Tôn Đức Thắng. Tờ Lao Động – cơ quan ngôn luận của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam – cáo buộc ông Danhcó những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Một giảng viên bị ông Danh bác đề nghị được hỗ trợ để nghiên cứu về lĩnh vực kinh tế - chính trị đã gửi băng ghi âm, tố cáo ông Danh không tin "chủ nghĩa xã hội theo kiểu của Việt Nam có thật" nên không đồng ý hỗ trợ đề nghị của giảng viên này (5).
Với kiểu tư duy này, tại sao Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và tờ Lao Động khôngđề nghị cơ quan chức năng xem xét, làm rõ ông Nguyễn Phú Trọng có thiếuniềm tin nội tâm vào việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hay không ? Chẳng lẽ phát biểu của ông Trọng tại cuộc thảo luận về việc sửa Hiến pháp 1992 hồi cuối 2013 :Xây dựng chủ nghĩa xã hội còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa - không nguy hiểm khi lung lạcniềm tin nội tâmcủa nhiều người về chủ nghĩa xã hội (6) ?
***
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, vừa bảo rằng :Sai phạm tại Đại học Tôn Đức Thắng là loại sai phạm có hệ thống và nhiều loại sai phạm xảy ra trong thời gian dài. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã tổ chức giám sát, kiểm tra và chỉ đạo nhiều nội dung nhưng cá nhân ông Danh và tập thể Đại học Tôn Đức Thắng chưa chấp hành nghiêm túc. Các cá nhân lãnh đạo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đều thấy đó là trách nhiệm của mình và đã sẵn sàng kiểm điểm, rút kinh nghiệm vì chưa kiên quyết, quyết liệt...
Ông Trần Văn Thuật, một Phó Chủ tịch khác của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, thì khẳng định : Việc xem xét, xử lý kỷ luật các viên chức quản lý Đại học Tôn Đức Thắng của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã được tiến hành nghiêm túc, khách quan, minh bạch, công bằng, dân chủ, trên cơ sở các quy định của đảng và pháp luật nhà nước. Đánh giá đúng mức giữa thành tích, đóng góp và tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, nguyên nhân vi phạm, ý thức sau vi phạm và kết quả khắc phục hậu quả(7)…
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam từng nói đi, nói lại rất nhiều lần về các sai phạm trong công tác quản lý hành chính, tài chính, đấu thầu – giao thầu, không đúng qui định của đảng, nhà nước tại Đại học Tôn Đức Thắng. Nếu công tác quản lý hành chính, quản lý tài chính, giao thầu – đấu thầu đúng với các qui định của đảng, nhà nước như vô số đại học công lập khác, hiệu quả hoạt động, thành quả đào tạo, vị trí của Đại học Tôn Đức Thắng ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam có thể như thời gian vừa qua hay không ?
Câu chuyện về xung đột giữa ông Lê Vinh Danh và những người quản trị - điều hành Đại học Tôn Đức Thắng với những viên chức lãnh đạo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, giữa Đại học Tôn Đức Thắng với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam không phải là chuyện giữa các cá nhân với nhau hay chuyện giữa chủ quản với trực thuộc. Đó là chuyện thắng – thua giữa cũ và mới. Đó là khả năng cải tổ hệ thống đại học, rộng hơn là khả năng cải tổ giáo dục nói riêng và cải tổ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền có thực chất không hay chỉ là "đầu môi, chót lưỡi".
Có một điểm đáng chú ý là những cá nhân lãnh đạo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam rất dễ dàng, mạnh dạn… nhận trách nhiệm và sẵn sàng kiểm điểm, rút kinh nghiệm vì chưa kiên quyết, quyết liệt đối với các sai phạm của ông Danh nói riêng và Đại học Tôn Đức Thắng nói chung, trong quản lý hành chính, quản lý tài chính nhưng lại không đả động gì đếntrách nhiệmđối với các sai phạm của chính họ mà Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đề cập ởBáo cáo Kiểm toán về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam(8) công bố hồi đầu tháng trước.
Chẳng lẽ chỉ vì là cơ quan lãnh đạo hệ thống đại diện và bảo vệ quyền lợi cho người lao động của các giới khác nhau ở Việt Nam, mà Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có quyền hưởng phí công đoàn do cả người lao động lẫn doanh giới đóng góp (mỗi người lao động phải nộp 1% lương, mỗi doanh nghiệp phải nộp 2% tổng quĩ lương cho hệ thống công đoàn) và vì chỉ thu vào, không cần chi ra cho ai nên tích lũy được tới… 29.000 tỉ đồng ? Điều đó có thể không sai… qui định của đảng, nhà nước nhưng liệu có hợp lý, hợp tình ?
Bao giờ các cá nhân lãnh đạo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam kiểm điểm, nhận trách nhiệmkhi vận động xã hội hỗ trợ người lao động nhưngkhông có… phiếu thu, không đủ chứng từ nên thiếu căn cứ để xác nhận tính chính xác và hợp pháp của khoản thu ?
Bao giờ các cá nhân lãnh đạo Tổng Liên đoàn lao động Việt Namkiên quyết, quyết liệt mổ xẻ – truy cứu trách nhiệm những cá nhân lãnh đạo cơ quan này đã đem nguồn tiền lẽ ra phải dùng vào việc chăm sóc, hỗ trợ người lao động để… mua cổ phần, góp vốn, cho vaymà theo kiểm toán nhà nước tất cả những khoản chi ấy đều… chưa rõ ràng, minh bạch, rồi vì chưa quy định về thời hạn trả nợ, chưa đặt điều kiện ràng buộc về trách nhiệm trả nợ, cũng như không giám sát việc sử dụng vốn vay nên… khó có khả năng thu hồi vốn ?
Lẽ nào cứ lãnh đạo hệ thống đại diện và bảo vệ quyền lợi cho người lao động của các giới khác nhau ở Việt Nam là có cả quyền "ăn trên, ngồi chốc" lẫn đủ tư cách để nhân danh… qui định của đảng, nhà nước hành xử trơ trẽn, trâng tráo như thế ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 29/10/2020
Chú thích
(1) https://vnexpress.net/ong-le-vinh-danh-noi-ve-thu-nhap-556-trieu-dong-moi-thang-4183141.html
(2) https://zingnews.vn/thu-nhap-thang-9-cua-ong-le-vinh-danh-hon-nua-ty-dong-post1145157.html
(8) https://baodautu.vn/kiem-toan-tai-chinh-cong-doan-tren-lenh-lang-duoi-kho-han-d129060.html
****************************
Đoàn công tác Bộ giáo dục & đào tạo sẽ làm việc với trường Đại học Tôn Đức Thắng trong ngày 2/11
RFA, 30/10/2020
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Hoàng Minh Sơn sẽ cùng đoàn công tác của Bộ làm việc với Đại học Tôn Đức Thắng về việc kiện toàn các vị trí lành đạo của trường trong ngày 2/11.
Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ làm việc để kiện toàn bộ máy quản lý tại Đại học Tôn Đức Thắng - Courtesy of TTXVN - RFA edited
Tin được truyền thông Nhà nước Việt Nam loan vào ngày 30/10.
Theo đó, thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, làm trưởng đoàn, ngoài ra còn có sự tham gia của đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Vụ pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Giáo dục Đại học, Thanh tra Bộ Giáo dục và đào tạo và Bộ Tư pháp.
Nhiệm vụ của đoàn công tác nhằm giúp bộ trưởng rà soát, xem xét và hướng dẫn việc thực hiện các quy định của Luật Giáo dục Đại học và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học về thành lập Hội đồng trường và kiện toàn các vị trí lãnh đạo, quản lý của Đại học Tôn Đức Thắng.
Trước đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao Bộ Giáo dục và đào tạo thành lập đoàn công tác đến làm việc với tập thể lành đạo và cán bộ chủ chốt của trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Vào chiều ngày 31 tháng 7 vừa qua hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng là ông Lê Vinh Danh bị đình chỉ chức vụ với lý do có một số sai phạm trong công tác.
Ngày 1 tháng 10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam Tiến sĩ Phạm Đình Quý, giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng để điều tra về hành vi vu khống. Ông Quý là người đã có bài viết đăng trên báo nhà nước tố cáo Bí thư Đăk Lăk Bùi Văn Cường "đạo văn" luận án tiến sĩ. Bài báo này sau đó đã bị gỡ xuống và báo đăng bị phạt.
Nguồn : RFA, 30/10/2020