Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/11/2020

Thủy Tiên giúp nạn nhân bão lụt, cán bộ muốn cướp nhưng không thành

Trần Trung

Cao trào "trưởng thôn ăn tiền lũ của người dân"

Trần Trung, RFA, 01/11/2020

"Trước đây, hộ bà Hoàng Thị Phước, thôn Trung Minh thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã Quảng Châu. Nhà chỉ có vài sào ruộng, chồng mất sớm, một mình phải gồng gánh nuôi 4 đứa con nên gia đình bà Phước nhiều năm thuộc diện hộ nghèo ở địa phương. Vì nghèo, toàn bộ các con của bà Phước đều học xong cấp 3 là nghỉ học để kiếm kế sinh nhai.

caotrao1

Một em nhỏ nhận thực phẩm cứu trợ từ người tình nguyện ở Quảng Bình hôm 22/10/2020 - Reuters

Tuy nhiên, do cơ hội việc làm ở địa phương không nhiều, Đàm Quang Tính (con trai đầu của bà Phước) quyết định vào tận miền Nam làm thuê. Khác với người anh cả, sau khi học xong cấp 3, Đàm Minh Hiền (con trai thứ 3) lấy vợ rồi táo bạo bàn với mẹ thế chấp toàn bộ tài sản để hai vợ chồng cùng tham gia xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Tài sản gia đình thế chấp không đủ, Hiền nhờ mẹ vay mượn thêm…

Bà Phước tâm sự : "Nhờ chí thú làm ăn và khéo tiết kiệm, chỉ hơn một năm sau, hai vợ chồng Hiền đã trả hết tiền vay ngân hàng. Không những thế, vợ chồng Hiền còn tạo điều kiện giúp cho vợ chồng anh trai Đàm Đức Hạnh (con thứ 2) và vợ chồng Đàm Thái Hòa (em út) cùng sang lao động ở Đài Loan.

Gia đình bà Phước là một minh chứng điển hình cho hàng trăm trường hợp ở huyện Quảng Trạch nhờ tham gia xuất khẩu lao động mà trở nên khá giả trong những năm gần đây."

Đó là một đoạn trong bài viết "Quảng Trạch : Tạo đột phá trong xuất khẩu lao động", đăng vào đầu tháng 3/2019 trên báo Quảng Bình.

Bài báo trên còn có đoạn mở đầu trịnh trọng : "Xác định xuất khẩu lao động là động lực quan trọng trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững và thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển…, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền các địa phương ở huyện Quảng Trạch đã vào cuộc rất tích cực, tạo nhiều đột phá trong công tác xuất khẩu lao động".

Quảng Trạch chính là huyện có xã Cảnh Hóa, thôn Ngọa Cương mà hai ngày nay đột nhiên vang danh trên báo chí và truyền thông xã hội Việt Nam.

Xã Cảnh Hóa là xã thuộc khu vực III theo quyết định của thủ tướng chính phủ. Con số này nêu ra các xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, trong đó tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 65% trở lên, đường trục chính chưa phải là đường nhựa hay đường bê tông, chưa có trường học bất cứ cấp nào đạt chuẩn quốc gia, 20% số hộ trở lên chưa có nước sinh hoạt sạch, 40% số hộ trở lên chưa có nhà vệ sinh đúng chuẩn của Bộ Y tế.

Phải chọn con đường xuất khẩu lao động, nói trắng ra là bán sức làm thuê tay chân ở nước ngoài để thoát đói nghèo là động lực quan trọng để giải quyết việc làm, chứng tỏ vùng này không có gì ngoài vất vả.

Trong trích dẫn ở đầu bài, bà Hoàng Thị Phước chồng mất sớm, có 4 đứa con ly hương cả 4. Trong khi chờ các con gom nhặt thêm tiền từ việc lao động ở nước ngoài, bà sống một mình tại quê.

Sống một mình tại quê không giống với sống một mình ở thành phố. Ở thành phố hàng xóm không biết mặt biết tên nhau là bình thường, nhưng ở quê, một thôn hay một xóm có khi chỉ gồm vài dòng họ. Gia đình này là họ hàng của gia đình kia, quan hệ chằng chịt nhiều đời. Bà Phước vắng chồng con, nhưng vẫn còn anh chị em, cháu chắt chung quanh để nương tựa. Nếu không, như truyền thống người Việt, chắc chắn một trong những người con của bà còn ở lại Việt Nam sẽ đón bà về ở cùng để chăm sóc lẫn nhau.

Mối liên hệ làng xóm chặt chẽ này, người sinh ra và lớn lên tại thành phố khó có thể hiểu.

Sống ở nông thôn, ai cũng phải biết câu "tối lửa tắt đèn" "tình làng nghĩa xóm". Nhà cửa ở nông thôn không phải là một pháo đài kín mít như thành phố mà thông thống, các nguồn sinh nhai phổ biến như gia súc gia cầm và nông sản cũng lộ thiên ngoài trời. Đến mùa, hầu như cả xóm, cả thôn đều cả ngày ngoài đồng, trong nhà chỉ còn trẻ con hay ông bà già. Cho nên mỗi nhà đều có ý thức trông nom, nhìn ngó, canh giữ cho nhau để đảm bảo an ninh chung. Nếu không thế, trộm cắp vào được một nhà thì tha cả làng.

Ai từng vào một thôn xóm nông thôn Việt Nam cũng rõ, người lạ mặt mới bước chân đầu làng thì cuối làng đã biết, đi đến đâu lập tức hàng chục hàng trăm ánh mắt đưa theo từng bước. Chưa kể sẽ có ngay ông chú bà thím nào đấy cất giọng hỏi liền người lạ từ đâu đến, muốn tìm ai, có việc gì. Có thể nói ở nông thôn, mỗi ngôi nhà đều là một chốt canh an ninh chung, mỗi người dân đều là một dân phòng tự nguyện.

Bên cạnh đó, làm nông không phải là công việc độc lập. Nó mất sức, cần có nhiều người cùng nhau làm mới kịp với thời tiết và mùa vụ. Khái niệm "đổi công", "vần công" giờ đây xa lạ trong ngôn ngữ xã hội Việt Nam, nhưng đó vẫn là một nền tảng vận hành mô hình kinh tế lúa nước nhỏ lẻ ở các vùng nông thôn nghèo, đất ruộng ít không bõ chạy máy, và cũng không đủ tiền để chạy máy.

caotrao2

Sinh hoạt của người dân Ngọa Cương trước đây Hình tác giả cung cấp

Sự ràng buộc họ hàng cộng với đặc trưng kinh tế nhiều đời góp phần tạo nên văn hóa đặc biệt ở vùng quê. Thâm tâm có thể không ưa nhau nhưng bên ngoài, ai cũng phải nhân nhượng và nhìn nhau mà sống thuận hòa, hoặc chí ít, không quá tách biệt. Tính cá nhân ở thôn quê không được đề cao, mà là tính tập thể. Sống ở quê mà không hòa hợp, chẳng chóng thì chầy sẽ bị tẩy chay ngầm hoặc công khai. Sự trừng phạt này ghê gớm không khác gì việc một tín đồ Thiên chúa bị rút phép thông công. Hoặc bán nhà đi hẳn nơi khác mà sống, hoặc, xin lỗi, thay đổi cách sống và mong dân làng chấp nhận.

Ở miền Trung thiên tai thường xuyên, luồng di cư ly hương lớn nhất cả nước, người ở lại cùng một xóm, một thôn càng hiểu sâu đạo lý này.

Khi con cái bỏ xứ đi làm xa hết, cha mẹ già ở quê cần dựa rất nhiều vào làng xóm. Nếu không, nước lụt lút làng ai là người đến kê giường, chạy heo gà lên tra ? Ai giúp gặt hái, cất thóc, phơi thóc ? Ai đưa thuyền đến cứu ? Ai san sẻ miếng cơm manh áo ? Ai vô vườn tỉa nhánh, leo nóc nhà đằn mái chống bão gió ? Mái nhà bị trốc bay, con cái đi làm thuê Sài Gòn, Hà Nội, xuất khẩu lao động nước ngoài có về kịp để lợp lại ? Nửa đêm đau bệnh, ai là người nấu cháo, mua thuốc, đưa đi cấp cứu ? Nhà có tang ma giỗ chạp cưới hỏi, lạnh lùng với làng xóm thì ai đến chung vui chia buồn ?

Hỏi, đã là trả lời.

Đây là vài hình ảnh trong Group Ngọa Cương-Lò Độc. Nhờ có 3G, wifi và facebook, người làng dù xa dù gần dễ dàng liên lạc, nắm tình hình và giúp đỡ nhau mau chóng.

caotrao3

Hình ảnh từ FB của người dân Ngọa Cương FB

Xem ảnh đủ biết sự tương trợ ở Ngọa Cương là tự nhiên và gắn bó ra sao.

Quay lại việc 69 suất quà cứu trợ bằng tiền mặt, 6 triệu đồng/suất mà ca sĩ Thủy Tiên phát cho người dân thôn Ngọa Cương, sau đó ban cấp phát thôn thu lại.

Thêm thái độ dọa dẫm của cô Thủy Tiên khi live stream "Không ăn được một đồng đâu… Tới số với chị", báo chí và mạng xã hội khắp nơi ào ào mắng trưởng thôn Ngọa Cương, thậm chí ví von với cường hào ác bá.

Ngay lập tức, huyện Quảng Trạch yêu cầu trả lại tiền cho các hộ đã nhận. Uy tín của cô Tiên càng dâng cao như nước lũ.

Nhưng, nhiều người dân ở chính thôn Ngọa Cương không vui vẻ như vậy. Họ cho hay do thôn ở gần sông, thường thường có lũ lụt và được cứu trợ nên từ nhiều năm nay người dân đã tự thỏa thuận với nhau, khi đoàn cứu trợ tới nếu tặng hàng hóa cho ai thì người ấy nhận. Nếu tặng tiền thì giao lại cho Ban cấp phát, để cuối tất cả đợt cứu trợ toàn thôn sẽ họp lại, căn cứ vào mức độ thiệt hại và hoàn cảnh của mỗi gia đình để chia lại số tiền đó.

caotrao4

Người Ngọa Cương kêu gọi giúp đỡ trên FB khi bị lụt FB

Nhấn mạnh, đây là lệ làng, được đa số-nếu không phải tất cả người dân đang sinh sống trong thôn Ngọa Cương thống nhất và tự thực hiện từ nhiều năm nay.

Cơ sở để người dân đồng tình là, quà tặng của các đoàn rất khác nhau về số lượng, thôn 150 gia đình nhưng ví dụ nhóm của ca sĩ Thủy Tiên chỉ phát cho 69 hộ bị ngập nước từ 1 m trở lên. Các đoàn cứu trợ khác cũng tương tự. Sẽ có đoàn chủ yếu phát cho người già, phát cho phụ nữ, phát cho học sinh… Số tiền mọi năm cũng không quá lớn, thường thường ở mức 500.000 đ/hộ là tối đa.

Nhưng các hộ không bị ngập nước, có nhà cửa vững chắc hơn thì chính họ lại dùng nhà mình làm nơi tránh lũ tập thể cho bà con, thậm chí bỏ lương thực thực phẩm trong nhà ra nấu ăn cho những người tránh lũ. Do vậy họ cũng cần được bù đắp. Đó là sự công bằng, tính đến công sức cùng nhau của tất cả mọi người khi lụt bão. Nó không phải sự cào bằng thô thiển, và nó phù hợp hài hòa với cách sống ở thôn quê.

Nếu gia đình nào đó muốn giữ lại số tiền cho riêng mình, thì sau khi tổng kết toàn bộ đợt cứu trợ họ cũng sẽ không được nhận phần chia sẻ từ các gia đình khác. Quan trọng hơn, miếng ngọt không chia thì miếng đắng họ cũng sẽ phải ngậm một mình. Họ sẽ không được ai giúp đỡ khi cần.

Đó là luật ở làng. Nó phù hợp với những quần cư nhỏ, có phần tách biệt và có nhiều nền tảng quan trọng chung trong cuộc sống. Nó là một dạng hương ước, có thể so sánh với nội quy của Chung cư, hay của một doanh nghiệp vậy. Có thể ở nơi khác nó bị chê cười, nhưng tại nơi nó sinh ra, khi đã được số đông đồng thuận thì nó trở thành luật. Kẻ nào phá vỡ nó sẽ có những chế tài.

Công ty tôi còn có quy định mặc quần short đi làm vào thứ bảy. Mục đích là tạo không khí thoải mái khi phải làm việc cuối tuần. Không ai phản đối hết-hầu hết là thanh niên và làm việc trong môi trường sáng tạo nên càng thích phá cách. Tất nhiên có những người mặc khác- sao đây cũng không liên quan đến lợi ích, nên không tuân thủ cũng không sao cả.

Ở Vingroup, có những nội quy buộc nhân viên phải dùng xe máy hay xe hơi của công ty, nếu không sẽ không được giữ xe miễn phí.

Ở làng, ông trưởng thôn cũng chẳng phải quyền to chức trọng gì. Thực ra ông ta là cái dùi-ở trên gõ xuống, ở dưới đội lên. Ông không được tính là công chức viên chức để hưởng lương. Ông chỉ là người do dân tại chỗ bầu ra để thay mặt họ đốc thúc thực hiện các quy định chung.

Dân miền Trung vốn nổi tiếng ngang ngạnh, ưa lý sự, thẳng thắn đến mức thô kệch. Với bản tính đó, với sự thuận tiện của mạng xã hội hiện tại mà một ông trưởng thôn nho nhỏ có thể "đè đầu" 150 hộ dân cả thôn cộng với hàng trăm người con ly hương từng trải và hiểu biết, chỉ e là chuyện nằm mơ.

Rất tiếc, trong sự lên đồng của một nhóm to người xài facebook Việt Nam, do quá sợ hãi sẽ bị buộc tội "ăn không thiếu của dân cái gì", chính quyền huyện Quảng Trạch đã vội vã xử lý cực kỳ dân túy.

Mong rằng việc làm nóng vội và non nớt này sẽ không châm ngòi bất hòa ở một làng quê nho nhỏ và yên bình. Càng thêm vô cùng mong nó sẽ không tạo thành tiền lệ xấu nơi những làng quê khác, khi hành trình của cô "Tiên lụt" vẫn đang kéo dài chưa biết ngày kết thúc.

Trần Trung

Nguồn : RFA, 01/11/2020

*********************

Thủy Tiên phát tiền – Đảng vào "trấn" lại

Thu Thủy, Thoibao.de, 01/11/2020

Sự việc ở Quảng Bình, cán bộ thôn đến từng nhà thu tiền lại sau khi ca sĩ Thủy Tiên đã phát cho dân là có thật và đã khiến dư luận thực sự phẫn nộ.

Đây là hành động ăn cướp tài sản của dân, nói theo ngôn ngữ dân gian, hoặc là hành vi cưỡng đoạt tài sản được quy định tại điều 170 Bộ luật hình sự. Bởi lẽ tiền đã thuộc sở hữu của dân thì việc cán bộ đến lấy lại chính là hành vi chiếm đoạt tài sản.

caotrao01

Ca sĩ Thủy Tiên phát tiền cho dân Quảng Bình ở xã Hồng Thủy Huyện Lệ Thủy. Bên phải là Facebook của "Nguyen Thi Hang Nguyen" đăng tải dòng trạng thái như sau : "Nhà mình ngập lụt được Thủy Tiên về ủng hộ tiền nhưng đã bị thôn thu lại. Thật sự mình không đồng ý. Chuyện này mình sẽ đi hỏi tận nơi".

Dĩ nhiên cán bộ cậy vào quyền thế mới bắt dân miễn cưỡng giao nộp tiền, chứ người thường đâu thể nào đến lấy tiền khỏi tay người dân được, họa chăng chỉ là ăn cướp mà thôi.

Ông Nguyễn Hoàng Anh – Phó chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình cho hay, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo cán bộ thôn Ngọa Cương, xã Cảnh Hóa trả lại tiền cho người dân sau khi sự việc bị đưa ầm ĩ với nhiều phản ứng gay gắt trên mạng xã hội.

"Huyện đã có chỉ đạo phải trả lại hết cho người dân trước 12 giờ trưa nay. Nguyên nhân vì sao thu, huyện sẽ cho làm rõ ngay và xử lý sau", ông Hoàng Anh được báo Phụ nữ online dẫn lời nói.

Trong ngày 28/10, ca sĩ Thủy Tiên và chồng là cựu ngôi sao bóng đá Lê Công Vinh đã về xã Cảnh Hóa đại diện các nhà hảo tâm trao tiền mặt cho đồng bào bị thiệt hại do mưa lũ.

Xã Cảnh Hóa có 703 hộ nhận hỗ trợ, mỗi hộ được 6 triệu đồng ; riêng thôn Ngọa Cương có 69 hộ được nhận hỗ trợ tổng cộng là 414 triệu đồng.

Sau khi người dân thôn Ngọa Cương nhận số tiền nói trên thì Ban cán sự thôn đã đến từng nhà và thu lại toàn bộ số tiền trên, nói là để chia đều cho 170 hộ của thôn.

Trong video phát trực tiếp vào chiều 29/10/2020, ca sĩ Thủy Tiên cho biết đã nhận được thông tin về việc có nơi thu tiền lại của người dân và sẽ xác minh làm rõ để lấy lại tiền cho người dân.

Thủy Tiên cũng căn dặn nhiều lần với người dân là bà con phải giữ tiền và "không được đưa số tiền này cho ai" nếu không cô sẽ thu lại.

Báo Quảng Bình online vào tối 29/10/2020 xác nhận thông tin cán bộ thôn Ngọa Cương, xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình thu tiền lại của người dân sau khi ca sĩ Thủy Tiên phát là CÓ THẬT, nhưng là để "đảm bảo sự công bằng, hài hòa và giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó tình làng, nghĩa xóm".

Sáng 29/10/2020, tài khoản Facebook "Nguyen Thi Hang Nguyen" đăng tải dòng trạng thái như sau :

"Nhà mình ngập lụt được Thủy Tiên về ủng hộ tiền nhưng đã bị thôn thu lại. Thật sự mình không đồng ý. Chuyện này mình sẽ đi hỏi tận nơi".

"Thông tin sau khi đăng tải đã thu hút rất nhiều người bình luận, chia sẻ và thể hiện thái độ bất bình, không đồng tình với cách làm của chính quyền địa phương.

Tài khoản Facebook Nguyen Thi Hang Nguyen sau đó không truy cập được nữa do có nhiều người vào đề nghị cục an ninh mạng xử lý, phạt tiền.

Báo Quảng Bình online, cơ quan ngôn luận của đảng bộ Cộng sản Việt Nam tại Quảng Bình có bài viết với tiêu đề Cần hiểu rõ bản chất hoạt động thu tiền cứu trợ ở thôn Ngọa Cương".

Theo tác giả Kỳ Sơn thì "Để đảm bảo sự công bằng, hài hòa và giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó tình làng, nghĩa xóm, những năm trước đây, ban cán sự và người dân thôn Ngọa Cương đã bàn bạc, đi đến thống nhất chủ trương, khi có các hoạt động cứu trợ bão lụt, đối với hàng hóa thì người dân được hưởng, còn tiền mặt thì thôn sẽ thu lại.

Cuối đợt, Ban cán sự thôn sẽ họp bàn với người dân bình xét, cân đối và phân chia lại cho từng hộ, trong đó ưu tiên cho những hộ gia đình bị thiệt hại nặng.

Lần này, với số tiền ủng hộ của ca sĩ Thủy Tiên, ban cán sự thôn cũng thực hiện như những năm trước đây.

Tuy nhiên, do chưa nắm bắt, tìm hiểu kỹ thông tin, chủ tài khoản Facebook "Nguyen Thi Hang Nguyen" đã vội vàng đăng tải thông tin nên gây hiểu nhầm, phản ứng trong dư luận và cộng đồng mạng." Báo Quảng Bình đưa ra lời giải thích như vậy.

caotrao02

Cán bộ phải trả lại tiền và xin lỗi dân, hình dưới – người dân đến chờ nhận lại tiền đã nộp cho cán bộ

Hồi tháng 6 năm nay, thông tin về việc người dân nghèo ở xã Ba Nang (Huyện Đa Krông, Quảng Trị) phải nộp lại cho cán bộ thôn mỗi người 50 ngàn đồng để "uống nước" sau khi nhận tiền hỗ trợ thiệt hại do dịch Covid-19 từ nhà nước – cũng gây bức xúc trong dư luận.

Năm 2016, người dân của thôn Trung Thôn, xã Ba Đồn tỉnh Quảng Bình cũng bị thôn thu lại 400 nghìn đồng sau khi được nhận 500 nghìn đồng của đoàn cứu trợ từ Thành phố Hồ Chí Minh với lý do chia lại cho những hộ dân khác cũng bị thiệt hại trong thôn. Sau khi vấp phải phản ứng gay gắt của dư luận, chính quyền đã phải trả lại cho các hộ số tiền trên.

Lời giải thích của Báo Quảng Bình bị nhiều người coi là cãi chày cãi cối, trên Facebook cá nhân, nhà báo Dương Phong (Cu Làng Cát) ở Quảng Trạch, Quảng Bình, người liên tục tường thuật về tình hình bão lũ chất vấn :

"Ban cán sự thôn thống nhất bàn bạc với sự đồng ý của dân hay là tự trong cái ban cán bộ Ngọa Cương chủ đích ?…".

Ông Dương Phong cho rằng cách giải thích về việc "công bằng" là lỏng lẻo vì việc chia lại tiền của ban sự thôn có thể gây phức tạp lòng dân, chưa kể tới trường hợp "thân hữu" của ban cán sự sẽ dẫn đến việc chia tiền thiếu công bằng. Đồng thời, nhà báo cũng cho rằng đây là chủ trương "không thuận lòng dân cả người cho và người nhận".

Ông lý giải : "vì thôn đã lập danh sách từ trước để đoàn Thủy Tiên có căn cứ phát tiền, giờ thôn thu lại nghĩa là danh sách ấy là DANH SÁCH LÀM LÁO nhằm nhận tiền, vậy thì càng tai hại. Thôn Ngọa Cương cần nhanh chóng trả lại tiền cho dân để giữ tình làng nghĩa xóm".

Facebook Nguyễn Ngọc Minh nêu ý kiến rằng : "Chính quyền đã không coi trọng sức mạnh quyên góp của người dân, công lao của Thủy Tiên và xem thường dư luận. Chúng tôi quyên góp cho Thủy Tiên vì cô ấy đến tận nơi, trao tận tay và giờ cán bộ lại lấy cớ chủ trương lạc hậu mà thu lại. Chính vì thế từ đầu, chúng tôi không chọn quyên tiền cho Mặt trận Tổ quốc".

Có người còn đặt vấn đề về pháp luật, cho rằng Thủy Tiên tặng tiền cho dân thì đó là tài sản hợp pháp của người dân. Vì vậy, việc cán bộ chỉ vịn vào chủ trương để thu lại tiền của dân là hành vi xâm phạm tài sản.

FB Bo Anh bình luận rằng :

"Không đưa cho nó lần sau đến xin ký giấy tờ thì nó hành ra xương !"

FB Lê Xuân Bình viết : "Chẳng qua nuốt không trôi. Dân giờ đâu có ngu"

caotrao03

Hộ nghèo chỉ có cơm trắng để ăn ở xã Ba Nang đã phải nộp lại cho cán bộ 50 ngàn đồng tiền uống nước, sau khi nhận tiền cứu trợ Covid-19

Trên Facebook cá nhân, Tiến sĩ Nguyễn Quang A lên tiếng :

"Tiền Thủy Tiên cho dân là thuộc sở hữu của dân ! Kẻ nào thu lại là kẻ cướp phạm luật : cướp, lừa, bạo lực"

Luật sư Luân Lê đưa ra bình luận :

"CƯỚP CỦA DÂN – Đã không giúp được gì cho người dân về sinh kế và việc tổ chức cuộc sống, nhưng lại nhân danh quyền lực để ăn cướp của dân khi hoạn nạn khốn cùng, đó chẳng thể là con người. Đám này cần truy tố và bắt giam chúng lại để xét xử với những mức hình phạt thật đích đáng để những kẻ khác biết chùn tay trước mưu đồ cướp đoạt sự sống của dân, đặc biệt trong thảm cảnh.

Lý do mà cán bộ thôn đưa ra – thu lại tiền từ thiện của dân là để chia đều cho toàn bộ 170 hộ trong thôn – thật hết sức nực cười. Sao lại lấy tiền của những gia đình chịu thiệt hại do ngập lụt để chia cho những hộ không bị ảnh hưởng gì ? Chuyện sai trái như vậy, cán bộ cũng có thể làm và có thể biện minh sao ?

Thật khó hiểu, cớ gì mà nhiều nơi, các hộ dân ở miền Trung đến giờ này rồi vẫn còn tư duy phải nộp tiền hoàn toàn thuộc sở hữu của mình lại cho thôn hay xã ? Họ có lẽ không thể ý thức được vị thế của mình là chủ mà luôn tâm niệm bản thân như là con sâu con kiến vậy, trong khốn cùng và đói khổ nhất vẫn sợ hãi và thần phục quyền lực, thứ quyền hành cỏn con và bé mọn nhất." Luật sư Luân Lê nêu quan điểm.

caotrao04

Nữ sinh Hồ Thị Điệp học sinh lớp 11 trường Trung học phổ thông Nam Trà My gục mặt khóc đau đớn bên mộ bố mẹ ở Trà Leng, trên mộ có những gói mì tôm đã xé ra để thay cho mâm cơm cúng mả. Nhiều người không cầm được nước mắt khi nhìn bức ảnh này

"Thu lại tiền từ thiện của dân, trò đáng xấu hổ sao cứ tái diễn ?" là ý kiến của bạn đọc Hải Long trên báo VTC News.

"Có vị còn lý giải, bản thân các hộ nhận tiền cũng muốn chia sẻ với các hộ khác. Thật đúng là cãi chày cãi cối. Nếu quả thật muốn chia sẻ thì tự họ sẽ làm chuyện đó, đâu cần nhờ đến cán bộ nhọc công, và làm gì có chuyện họ giận dữ "tố" lên mạng xã hội" - Bạn đọc Hải Long viết.

"Đây không phải là lần đầu chuyện tương tự diễn ra. Bao nhiêu năm nay, báo chí đã nêu nhiều trường hợp cán bộ cơ sở tự ý thu lại tiền cứu trợ mà dân được các đoàn, nhóm thiện nguyện trao tặng với lý do để chia cho các gia đình khác.

Lần nào cũng vậy, dư luận đều phản ứng gay gắt và cán bộ sau đó phải trả lại tiền cho dân, vậy mà hành động tự bôi tro trát trấu này vẫn cứ diễn ra.

Theo tôi hiểu thì tiền từ thiện mà người dân được trao là tài sản hợp pháp của họ được pháp luật đảm bảo. Nghĩa là số tiền đó là bất khả xâm phạm. Vậy ai cho những cán bộ này cái quyền đi "thu" lại tiền của người dân ? Nếu cách hiểu trên đây là đúng thì những cán bộ này đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Và nữa, ai dám chắc rằng những cán bộ đi "thu" lại tiền từ thiện mà người dân được hỗ trợ không đút túi ? Ai kiểm soát được họ ?

Thử hỏi các vị cán bộ, nếu gia đình họ được ai đó cho tiền của, vật chất, rồi lại có người đến đòi thu lại để chia cho những nhà khác, họ có chấp nhận được không ? Chắc chắn là không. Vậy thì xin được hỏi, "thu" lại tiền hợp pháp của người khác của các vị là hành động gì ?" Ông Hải Long gay gắt chất vấn.

‘Chông gai’ trên những nẻo đường làm từ thiện

Các đoàn từ thiện của các tổ chức và cá nhân ùn ùn lên đường, hướng về miền Trung với mục tiêu cùng sẻ chia những khó khăn và mất mát với người dân nơi đây.

Nhưng những nhiêu khê và bất cập khi đi làm từ thiện theo con đường ‘chính thống’ thông qua các cơ quan nhà nước hay chính quyền địa phương lâu nay đã trở thành một đề tài gây tranh luận.

Những người từng trải qua kinh nghiệm này cho biết khó khăn nảy sinh ngay từ khâu đầu với thủ tục xin giấy giới thiệu làm việc với các địa phương để tới cứu trợ.

Anh Nguyễn Huy Trung, một cư dân sinh sống tại thành phố Hải Phòng, có bố mẹ vợ là cán bộ và cựu chiến binh nghỉ hưu. Với uy tín lâu năm tại địa phương và trong các cơ quan công tác, cách đây vài năm trong chuyến từ thiện đầu tiên của mình, hai ông bà đã quyên góp được hơn 400 triệu để đi giúp đỡ bà con khu vực miền Trung bị bão lụt. Anh cho biết trước hết bố mẹ anh phải xin giấy giới thiệu của UBND phường sở tại, nơi cư trú, thì khi xuống tới địa phương người ta mới tiếp và làm việc. Riêng công việc này thôi, anh Trung cho biết, phải mất đến vài ngày và nhiều lượt đi lại. Sau những va chạm lời qua tiếng lại vì bức xúc, hai ông bà mới có được giấy giới thiệu cần thiết.

caotrao05

Núi Chín Khúc đã được chính quyền tỉnh Khánh Hòa cho phép doanh nghiệp băm nát để làm khu du lịch tâm linh và kinh doanh bất động sản đang khiến cho dư luận đau xót

"Liên lạc, gọi điện mãi không được, ông bà phải lên tận phường mấy lần người ta mới cho. Mà khi cho rồi, người ta còn nói kiểu như không vừa lòng rằng cái này phải để cho phường và nhà nước làm chứ sao hai bác lại tự làm thế ?

Đấy là ông bà có uy tín thế người ta mới phải giải quyết cho đấy. Chứ người khác thì chắc khó mà xin được," anh Trung chia sẻ thêm.

Trong đợt lũ lụt ở miền Trung lần này, bố mẹ anh Trung tiếp tục quyên góp được hơn 200 triệu và 1 tấn gạo. Rút kinh nghiệm lần trước, lần này hai ông bà liên lạc với nhà chùa và có một sư thầy đi tiền trạm, tìm tới những vùng khó khăn thực sự tại Quảng Bình và liên lạc trước. Toàn bộ số gạo và tiền này sẽ chuyển trực tiếp tới tay người dân tại khu vực khó khăn đó, thay vì làm việc qua UBND địa phương, nhờ chỉ dẫn.

Tuy nhiên, hiện anh Trung cũng như cả gia đình đang rất lo lắng cho chuyến từ thiện tới đây.

"Mình thấy người ta chụp ảnh và thông tin rằng nếu không qua địa phương thì cũng khó mà phát đồ từ thiện cho người dân đấy. Có đoàn đi trước, xe chở đồ ăn đã tới nơi, gọi người dân ra xếp hàng nhận cả rồi thì đại diện UBND xã ra làm việc nói là cái này không được phát vì chưa thông qua địa phương. Thế là các sư thầy lại phải khiêng lên xe hết, không dám phát nữa," anh Trung lo lắng bày tỏ.

caotrao06

Cán bộ đi thăm lũ thong thả với ô che và bên phải là một bà mẹ giữa đêm ôm con dở mái tôn cầu thoát cơn nước dâng đột ngột

Anh Nguyễn Nghĩa, một phóng viên lâu năm tại Hà Nội, chia sẻ trong những lần anh cùng các bạn đi làm từ thiện tại các bệnh viện ở thủ đô, nơi tập trung rất đông bà con ngoại tỉnh, thì gần như tất cả đều phải có tiền ‘bôi trơn’ để công việc được thuận tiện.

"Nếu mình không có tiền cho bảo vệ thì người ta còn không cho vào ý, rồi cũng phải có tiền cho các phòng ban thì người ta mới cho làm, chứ không người ta sẽ lấy lý do này lý do nọ từ chối, mệt lắm," ký giả này cho biết.

"Người ta nhận tiền rồi cho mình làm việc của mình là còn may mắn và tiện lợi đấy. Nhiều nơi người ta không nhận, rồi nói cái này phải làm việc với ban giám đốc. Đến lúc liên lạc với ban giám đốc thì họ nói cái này bọn mình không quyết được phải hỏi ý kiến anh Phó giám đốc XYX. Nhưng khi gọi điện cho anh Phó giám đốc đó thì anh ý đi đâu hoặc bận việc này, việc kia không tiếp thì chả làm được, mất công đi về thôi," anh Trung tiếp lời.

Tất nhiên, ai cũng biết làm việc qua con đường ‘chính thống’ là UBND và Mặt trận Tổ quốc ở các địa phương là cần thiết bởi đây là những đơn vị nắm rõ tình hình địa phương nhất. Nhưng con đường này, theo những người đã đi qua, hoàn toàn không đơn giản. Đó là chưa kể đến việc mất niềm tin trong công tác phân phát hàng hóa cứu trợ. Cho nên để yên tâm, ngày càng có nhiều đoàn từ thiện tìm cách trực tiếp tiếp cận các nạn nhân cần cứu giúp để trao gửi tận tay, dù cách làm này có thể bị ‘gây khó dễ’ hoặc có khi cũng rơi vào tình cảnh hàng cứu trợ không phù hợp với nhu cầu mà người dân địa phương đang cần kíp.

Thu Thủy (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 01/11/2020

***********************

Thủy Tiên lên tiếng vụ cán bộ thôn thu lại 400 triệu đồng cứu trợ, làm rõ chuyện bà con chê bánh chưng

Thương Đặng, 24h, 31/10/2020

Thủy Tiên cũng lý giải trước những tranh cãi về việc trao quà từ thiện không đồng đều giữa các địa phương.

caotrao07

Vợ chồng Thủy Tiên - Công Vinh cùng đồng hành trong chuyến cứu trợ đồng bào miền Trung gặp lũ lụt trong những ngày vừa qua. Mới đây, trên trang cá nhân, Thủy Tiên tiếp tục cập nhật tình hình, đồng thời làm rõ một số vấn đề gây xôn xao xung quanh việc cứu trợ.

Nữ ca sĩ cho biết, việc có một địa phương thu 400 triệu đồng tiền cứu trợ của người dân đã được xử lý và trả tiền lại sau đó. Trước nhiều ý kiến gây tranh cãi về việc trao tiền mặt cho người dân, Thủy Tiên cho biết, cô có danh sách các địa phương bị ngập và xác minh một cách cụ thể, với các hộ khó khăn hơn sẽ có mức hỗ trợ phù hợp. 

Thủy Tiên lên tiếng trước nhiều tranh cãi về việc phát tiền mặt khi đi từ thiện

"Tiên không làm tự phát thích cho nhiêu thì cho mà trong danh sách đưa ra đều phải xác minh rõ ràng. Dân vùng nào nghèo hơn, ngập sâu hơn và quanh năm suốt tháng chả có đoàn từ thiện nào có thể ghé đến thì Tiên cho 10 triệu. Tiên có quay livestream, mọi người nhìn vùng Tiên cho 10 triệu, vừa nói xong tất cả bà con 80% là bật khóc ngay tại chỗ vì họ quá khổ và như vớ được chiếc phao, Tiên cũng nhiều khi rớt nước mắt khi phát tiền vì nhìn họ sao mà thương quá.

Vùng ngập vừa hoặc ít và nghèo nhưng các đoàn từ thiện có thể tiếp cận được Tiên hỗ trợ ít hơn 1 chút 6 triệu, 5 triệu, 2 triệu, 3 triệu... là đều cân nhắc từ tình hình thực tế người dân nơi đây mà hỗ trợ, không phải đi làm tự phát cảm tính như 1 số ý kiến chủ quan đâu ạ" - Thủy Tiên giải thích.

Thủy Tiên bênh vực người dân khi bị cho là trông chờ tiền, chê bánh chưng cứu trợ

Thủy Tiên cũng lên tiếng bênh vực người dân khi bị cho là trông chờ tiền từ thiện, chê bánh chưng hay quà cứu trợ. Nữ ca sĩ cho biết : "Việc bảo rằng do Tiên từ thiện cho tiền nên giờ đa số ai cũng trông tiền cho bánh chưng họ đem bỏ. Thật sự bánh chưng ai cho Tiên ăn ngay luôn, đang thèm ghê nè. Là do vận chuyển không may có trục trặc nhiệt độ gì đó mà bánh bị hư ôi không ăn được chứ không phải người ta chỉ trông tiền mà bỏ đồ đâu, nói vậy tội họ lắm.

Ngoài kia vẫn có nhiều người ghen ghét mình rồi đặt điều, nhiều lúc mệt mệt vô tình đọc rồi tự nhiên buồn buồn trong bụng. Mà đến nơi, trời mưa tầm tả mà người dân vẫn ngồi ngoài mưa đợi từ sớm nhìn nụ cười và nước mắt của người dân khi người ta nhận được tiền thì tự nhiên hết buồn luôn. Có những thứ cảm xúc mà làm cho con người ta có động lực vô cùng mãnh liệt".

Thủy Tiên cũng cập nhật lịch trình của chuyến từ thiện cứu trợ đồng bào miền Trung sau lũ và sẽ tiếp tục phát quà ở một số địa phương tại Quảng Trị.

Bà xã Công Vinh giải thích về việc phát từ thiện không đồng đều giữa các địa phương

Trước đó, nữ ca sĩ cũng nêu rõ quan điểm từ thiện riêng và mong muốn sẽ gửi tặng tiền mặt đến tận tay người dân để họ có thể tái thiết lại cuộc sống sau lũ. Đồng thời, khi phát quà tại các địa phương, vợ chồng Công Vinh cũng luôn nhấn mạnh việc số tiền này được mạnh thường quân cả nước quyên góp để hỗ trợ đồng bào miền Trung và cả hai chỉ thay mặt, trực tiếp trao đến tay bà con.

Thương Đặng (24h)

**************************

Thủy Tiên lên tiếng vụ cán bộ thôn thu tiền cứu trợ của dân, bác bỏ đồn đoán "dân cần tiền, không cần bánh chưng"

Minh Châu, Dân Việt, 31/10/2020

Sau khi nghe tin cán bộ thôn Ngọa Cương thu tiền cứu trợ của người dân, Thủy Tiên nhanh chóng xác minh và xử lý. Nữ ca sĩ cập nhật thông tin và trấn an công chúng.

Đúng theo kế hoạch, Thủy Tiên cùng Công Vinh trở lại miền Trung để cứu trợ bà con vùng ngập lụt. Vừa qua, cặp đôi đã có mặt ở thôn Ngọa Cương (xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) để trao tặng tiền mặt tới từng hộ dân. Điều đáng nói, khi đoàn từ thiện của nữ ca sĩ vừa đi khỏi, cô nhận được thông tin cán bộ thôn đã thu lại tiền của dân.

caotrao08

Thủy Tiên - Công Vinh rút tiền để trao tặng bà con vùng lũ

Ngay sau khi biết tin, Thủy Tiên đã nhờ người tìm hiểu và xác minh vụ việc. Theo đó, toàn bộ số tiền cán bộ thôn Ngọa Cương thu lại là hơn 400 triệu đồng. Sự việc này khiến dư luận bức xúc, lo lắng cho bà con vùng lũ.

Tối muộn ngày 30/10, Thủy Tiên chính thức lên tiếng trấn an công chúng. Nữ ca sĩ cho biết cô đã làm việc và xác minh, xử lý. Phía cán bộ thôn đã trả lại hết tiền cho người dân. Thủy Tiên khẳng định sẽ không có tiêu cực nào xảy ra. Nếu có, cô sẽ giải quyết nhanh chóng. Bởi đến mỗi nơi, cô đều nhận được sự hỗ trợ của lãnh đạo địa phương.

Thủy Tiên trấn an công chúng : "Việc cán bộ thôn thu tiền của dân Tiên đã làm việc, xác minh và sau khi xử lý thôn đã trả tiền lại hết cho dân rồi ạ. Mọi người đừng lo nhé ạ. Mình đi làm việc đều có nhận được hỗ trợ của lãnh đạo là người đứng đầu mỗi tỉnh, đến địa bàn tỉnh nào đều được sự hỗ trợ an toàn của công an và chính quyền địa phương cả nên mọi người yên tâm sẽ không có tiêu cực nào xảy ra, hoặc có thì sẽ được giải quyết nhanh chóng thôi ạ".

caotrao09

Thủy Tiên cập nhật hình ảnh bà con đến nhận tiền cứu trợ.

Theo Thủy Tiên, sau khi có được danh sách các hộ dân bị ngập lụt theo từng mức độ, cô sẽ kết hợp cùng người dân mỗi địa phương đi xác minh. Qua đó, đoàn cứu trợ của nữ ca sĩ sẽ biết được đời sống của người dân ở đâu khó khăn hơn và ưu tiên giúp đỡ trước. Thủy Tiên cân nhắc, đánh giá khá kỹ để số tiền mạnh thường quân gửi về được sử dụng đúng mục đích.

Giọng ca "Ngôi nhà hạnh phúc" khẳng định không phát tiền tự phát. Cô phát tiền dựa theo danh sách đã xác minh rõ ràng. Địa phương nào ngập sâu, ít có đoàn từ thiện nào ghé qua, người dân nghèo khó, cô sẽ tặng 10 triệu đồng. Đoàn của cô còn livestream lại để công chúng theo dõi và nắm bắt tình hình.

caotrao10

Trông thấy nụ cười và nước mắt của người dân, Thủy Tiên có thêm động lực để tiếp tục làm từ thiện.

Ngoài kia vẫn có nhiều người ghen ghét mình rồi đặt điều, nhiều lúc mệt mệt vô tình đọc rồi tự nhiên buồn buồn trong bụng. Mà đến nơi, trời mưa tầm tã mà người dân vẫn ngồi ngoài mưa đợi từ sớm. Nhìn nụ cười và nước mắt của người dân khi người ta nhận được tiền thì tự nhiên hết buồn luôn. Có những thứ cảm xúc mà làm cho con người ta có động lực vô cùng mãnh liệt".

Theo lịch trình, ngày 31/10, đoàn cứu trợ của Thủy Tiên và Công Vinh có mặt tại tỉnh Quảng Trị để giúp đỡ người dân ở đây.

Minh Châu (Dân Việt)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Trung
Read 663 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)