Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/11/2020

Luật về đảng chính trị ở Việt Nam chỉ là một tất yếu lịch sử

Hồng Dân - Thới Bình - Võ Hàn Lam

Bao giờ Việt Nam có luật về đảng chính trị ?

Hồng Dân, VNTB, 02/11/2020

Phải chăng vì ‘nhất nguyên’ nên không cần luật ?

Đảng Cộng sản Việt Nam – đảng duy nhất cầm quyền. Cầm quyền trong điều kiện thể chế pháp quyền, hệ thống chính trị nhất nguyên đòi hỏi Đảng làm rõ hơn nữa những vấn đề : Tư duy về Đảng cầm quyền ; quan niệm về cầm quyền trong mối quan hệ với lãnh đạo, quản lý quản trị xã hội ; nội dung cầm quyền ; phương thức cầm quyền ; thể chế cầm quyền ; mô hình cầm quyền ; điều kiện để cầm quyền ; dự báo những nguy cơ có thể xảy ra đối với Đảng cầm quyền và chủ động tìm kiếm những giải pháp đẩy lùi nguy cơ, tranh thủ và tận dụng thời cơ phát triển đất nước.

dang1

Trong các khóa bồi dưỡng chính trị, những tiết học về Tư tưởng Hồ Chí Minh dạy người đảng viên luôn nhớ rõ rằng, giám sát và kiểm soát quyền lực cần được bắt đầu từ trong Đảng, và đi liền với nó là dân chủ trong Đảng. Hồ Chí Minh coi thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn. Dân chủ trong Đảng tốt, xã hội sẽ dân chủ.

Kiểm soát quyền lực theo Tư tưởng Hồ Chí Minh, nó sẽ tạo ra một thói quen, một nhu cầu biết lắng nghe ý kiến của dân từ cơ sở, tiếng nói của người dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ, quan chức, công chức bắt đầu từ cơ sở. Cùng với đó, Hồ Chí Minh nói rằng sẽ tìm được cách khắc phục bệnh hình thức trong việc tiếp dân. Lẽ ấy nên tỉnh nào cũng có văn phòng đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, có cả bộ máy, kinh phí định kỳ tiếp dân.

Như vậy trước mắt nếu làm tốt tất cả những quy trình đang có như nêu ở trên, cho thấy nền chính trị của đảng cầm quyền mới thực sự là chính trị hành động, chính trị có hiệu quả, và đổi mới chính trị khi ấy mới đem lại lợi ích cho nhân dân – dĩ nhiên đó vẫn là dự báo về lý thuyết.

Vẫn theo lập luận của Tư tưởng Hồ Chí Minh ở các khóa bồi dưỡng chính trị, bởi vậy nên những đảng viên luôn cần giải quyết tốt các vấn đề về thực hành dân chủ, nghiên cứu lý luận về Đảng cầm quyền và kiểm soát quyền lực.

Và khi ‘quán triệt’ để tháo gỡ được những vấn đề này, sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển chứ không cản trở, thậm chí không làm tổn hại đến kinh tế, và như thế nhân dân được lợi từ đổi mới chính trị, chứ không dừng lại ở các mỹ từ tung hô trang điểm cho nội dung văn kiện Đảng.

Từ góc nhìn căn cứ vào cái gọi là Tư tưởng Hồ Chí Minh, đòi hỏi cần giải quyết tốt mối quan hệ của trục giữa Đảng – Nhà nước – và nhân dân. Đây là quan hệ giữa 3 chủ thể với chức năng nhiệm vụ khác nhau, với thẩm quyền, trách nhiệm khác nhau.

Theo Hiến pháp, thì Đảng có trọng trách lãnh đạo, dẫn dắt xã hội ; Nhà nước có trọng trách về thể chế hóa, biến quan điểm đường lối của Đảng thành luật pháp, chính sách để thực hiện ; nhân dân là chủ thể gốc của quyền lực. Nó là quan hệ giữa các chủ thể chính trị pháp lý được thể chế hóa, được hiến định. Vì vậy, trước hết, cần nhận thức, xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa Đảng – Nhà nước – Nhân dân.

Thế nhưng đến đây thì vấn đề khác lại nêu ra : vậy Đảng sẽ lãnh đạo, dẫn dắt xã hội dựa trên các nguyên tắc luật định nào, cụ thể ra sao, có chế tài gì trong trường hợp lãnh đạo sai lầm ?

Câu trả lời là với đặc điểm "nhất nguyên", để tránh vết đổ của "độc tài – độc đoán", cần có sự điều chỉnh của hành lang pháp luật về hoạt động của đảng chính trị.

Luật về đảng chính trị đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống luật pháp của một quốc gia. Trong một thể chế pháp quyền, luật về đảng chính trị cung cấp một khung khổ pháp lý cho hoạt động của các đảng chính trị, nhưng nó cũng là phương tiện để hạn chế sự lạm quyền của các đảng chính trị đang cầm quyền.

Việt Nam là độc đảng toàn trị, là ‘nhất nguyên’, nhưng rõ ràng là vẫn rất cần có luật về đảng chính trị để điều chỉnh các cách thức hoạt động trong nội bộ đảng, ngăn ngừa và hạn chế sự lạm quyền ngay trong nội bộ của đảng chính trị đó.

Hồng Dân

Nguồn : VNTB, 02/11/2020

*********************

Thiếu sự cạnh tranh chính trị nên tham nhũng quyền lực càng phát triển mạnh mẽ hơn

Thới Bình, VNTB, 02/11/2020

"Chúng ta bắt nhiều chỗ tham nhũng rất mạnh, nhưng cơ chế xin – cho, cái gốc đẻ ra tham nhũng mà không thay đổi thì chúng ta chỉ giải quyết hệ quả chứ không phải giải quyết nguồn gốc".

Đó là ý kiến của ông Võ Đại Lược, cựu Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam. Cơ chế xin – cho là một tên gọi khác của "tham nhũng quyền lực".

dang2

Ông Võ Đại Lược đánh giá đổi mới về kinh tế trong thời gian qua Việt Nam làm rất tốt, rất mạnh, có nhiều kết quả, song "đổi mới chính trị hơi chậm".

"Bây giờ đã đến lúc chúng ta đổi mới chính trị, làm sao đi kịp với kinh tế" – ông Lược nói. Theo ông Lược, cái vướng mắc nhất trong đổi mới chính trị hiện nay là kiểm soát quyền lực.

"Đến giờ chúng ta vẫn chưa có giải pháp triệt để cho việc này. Chúng ta bắt nhiều chỗ tham nhũng rất mạnh, nhưng cơ chế xin – cho, cái gốc đẻ ra tham nhũng mà không thay đổi thì chúng ta chỉ giải quyết hệ quả chứ không phải giải quyết nguồn gốc", ông Lược phân tích và cho rằng đồng ý Đảng lãnh đạo, nhưng phải đổi mới hệ thống chính trị cho phù hợp với thời đại.

Dẫn chứng về quản lý đất đai, theo ông Lược, đây là vấn đề nảy sinh tham nhũng, khiếu kiện, tranh chấp rất nhiều. Tương tự, quản lý doanh nghiệp nhà nước ra sao khi nhiều giám đốc doanh nghiệp nhà nước đi tù. "Cho nên, cái đẻ ra tham nhũng ta chưa xử lý, mà mới xử lý ngọn của vấn đề thôi", ông Lược nhận xét.

Vấn đề đặt ra với ít nhiều nhạy cảm, là yêu cầu "đổi mới hệ thống chính trị cho phù hợp" như lời kêu gọi của ông cựu Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, song cụ thể thì phải "phù hợp về điều gì ?".

Ông Võ Đại Lược, kể : "Việt Nam từ khi tiến hành công cuộc đổi mới cũng không thiếu những câu chuyện hay về dùng người, nhưng cho đến tận thời điểm này, chúng ta chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để tuyển dụng và trọng dụng nhân tài. Vì thế, mỗi năm có đến hàng trăm sinh viên đỗ thủ khoa khi ra trường, nhưng sau đó chỉ có 1 – 2% vào làm cơ quan nhà nước.

Cách đây 5 – 6 năm, tôi đến thăm Đại học Harvard (Mỹ), Hiệu trưởng trường này bắt tay vui mừng cảm ơn tôi vì tôi đã giới thiệu cho trường những người xuất sắc. Nhưng nhiều người trong số đó ở lại nước ngoài chứ không về nước làm việc, vì người xuất sắc họ không "chạy" để vào bộ máy".

Theo ông Võ Đại Lược, thể chế và nhân tài tuy hai, nhưng là một, bởi nếu không lựa chọn được những người có tài vào cơ quan quản trị quốc gia, thì làm sao có thể chế tốt được, nên việc quan trọng đầu tiên là tuyển chọn nhân tài.

Tại một số diễn đàn, chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược cũng từng lên tiếng về việc chạy chức, chạy quyền. Rằng, nếu đúng là người tài, thì người ta không "chạy" vì có lòng tự trọng, còn nếu đi mua chức thì kém tâm đức rồi, tâm đức không tốt thì làm sao khiến thể chế tốt được nữa. Đó còn là vấn đề của tham nhũng quyền lực.

Việt Nam cần đổi mới gì trong hệ thống chính trị ? – Ông Võ Đại Lược, kể tiếp : "Có ông Bộ Trưởng Ngoại giao của một nước mới nhậm chức chỉ phát biểu vài câu sai là đã phải từ chức. Nhưng ở nước ta, không có chuyện từ chức, không có quy định quy trách nhiệm cá nhân, nên họ bám lấy cái mũ trách nhiệm tập thể để chối bỏ trách nhiệm cá nhân".

Ý thức trách nhiệm cá nhân nói trên, suy cho cùng đó cũng là một dạng của tham nhũng quyền lực.

Sẽ thuyết phục hơn khi người đứng đầu Bộ Chính trị dũng cảm nhận trách nhiệm, khi trong suốt nhiệm kỳ mà ông là người đứng đầu đảng chính trị, ông đã phê chuẩn những vị trí chóp bu trong bộ máy cầm quyền, dẫn đến hàng loạt bê bối kéo dài sau đó về tham nhũng, song ông lại không tự trọng về bất kỳ trách nhiệm nào, kể cả việc ‘tự kiểm điểm cá nhân’.

Đó cũng là một dạng tham nhũng quyền lực ở thế chế chính trị không phải chịu bất kỳ sự cạnh tranh nào về đảng phái.

Thới Bình

Nguồn : VNTB, 02/11/2020

********************

Đổi mới chính trị phải làm sao đi kịp với kinh tế

Võ Hàn Lam, VNTB, 02/11/2020

Việc phát triển nền kinh tế thị trường lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo là sáng tạo của Việt Nam khi vận dụng Chủ nghĩa Mác – Lênin, vì Mác – Ăngghen cũng không nói kinh tế thị trường lấy kinh tế nhà nước là chủ đạo.

Thế nhưng sáng tạo đó của Việt Nam lại cho thấy cần xem xét lại về tính tương thích chung ở nền kinh tế toàn cầu.

dang3

Sở dĩ cần xem lại, vì nếu theo cách dùng từ của cơ quan tuyên giáo Đảng, giờ chúng ta đã hội nhập rất sâu, ký đến 12 hiệp định thương mại tự do, song lại vẫn giữ quan điểm kinh tế nhà nước này, tất yếu sẽ làm khả năng cạnh tranh của chúng ta kém đi.

Kém đi ở đây còn là chuyện đổi mới chính trị cần làm sao đi kịp với kinh tế ; trong đó cần xem lại việc kiểm soát quyền lực lâu nay chỉ tập trung ở một nhóm quyền lực cố định thuộc Bộ Chính trị, vì lối tập quyền này là nguồn gốc để củng cố cho tham nhũng quyền lực.

Đổi mới chính trị đó, có thể nhìn từ nước Mỹ. Những ngày này, ngoài việc bỏ phiếu bầu chọn tổng thống mới, cử tri Mỹ còn có nhiệm vụ bỏ phiếu bầu chọn cho các ứng cử viên nghị sĩ tranh cử vào Hạ viện, Thượng viện và các chức chức thống đốc bang và các vùng lãnh thổ.

Một công cho rất nhiều đầu việc, và tất cả đều là lá phiếu dân chủ, chứ không phải qua các bước ‘quy hoạch nhân sự’ ở một nhóm quyền lực tại trung ương như Việt Nam.

Nhìn từ nước Mỹ, người ta có thể thấy rõ sự cạnh tranh bình đẳng giữa các ứng viên khi đăng đàn trước bàn dân thiên hạ. Tài hùng biện cần có của một chính khách, khả năng quản trị quốc gia… được các ứng viên thi thố qua việc đưa ra, và vận hành cụ thể ra sao các quyết sách nếu như họ được người dân tín nhiệm.

Cuộc bỏ phiếu bầu ra các hạ nghị sĩ được tổ chức 2 năm một lần. Còn cuộc bỏ phiếu bầu ra các thượng nghị sĩ được tổ chức mỗi 6 năm. Vì vậy, năm 2020 là một năm đặc biệt đối với nước Mỹ, khi cả 3 cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống, Hạ viện, Thượng viện diễn ra đồng thời. Ngày bầu cử chính thức được ấn định là 3-11, nhưng cử tri nhiều bang đã được bỏ phiếu từ vài tuần trước đó.

Còn ở Việt Nam, suốt từ năm 2019 đến nay, người dân cứ ám ảnh về những đấu đá, những bắt bớ rất thường thấy dần khi đến thời gian gọi là "Hoa Sơn luận kiếm", từ đại hội đảng cấp địa phương cho tới cấp trung ương bộ, ngành. Phải đến cuối tháng 3-2021, đại hội Đảng lần thứ XIII mới khai diễn, và khi đại hội này kết thúc, ngân sách lại quốc gia lại tiếp tục đổ ra bạc ngàn tỷ cho bầu cử Quốc hội nhiệm kỳ mới, rồi tiếp nữa là nội các Chính phủ nhiệm kỳ mới.

Lòng vòng kiểu ‘làm nhân sự’ ở thể chế chính trị độc đảng tại Việt Nam, tiếc thay lại không mang đến hiệu quả tương ứng như nhiều quốc gia khác có cung cách quản trị đơn giản hơn – như việc người dân Mỹ hiện đi bỏ phiếu bầu cùng lúc các vị trí tổng thống, các ứng cử viên nghị sĩ tranh cử vào Hạ viện, Thượng viện và các chức chức thống đốc bang và các vùng lãnh thổ.

Ngoài ra, cử tri Mỹ còn bỏ phiếu bầu đại biểu các cơ quan lập pháp địa phương, và nhiều vị trí trong tòa án tại khắp các tiểu bang ở Mỹ.

Ở Việt Nam khi lạm bàn về yêu cầu "đổi mới chính trị" sẽ dễ bị suy diễn là có ý đồ ‘tự diễn biến – tự chuyển hóa’, và khả năng đối mặt tù tội về chuyện chống phá Đảng.

Với tâm thế dè dặt đó, người viết bài này muốn khoanh vùng hẹp hơn, đó là khi nói về yêu cầu đổi mới chính trị đồng bộ, phù hợp với đổi mới kinh tế, phản xạ tự nhiên trong tư duy của cán bộ lãnh đạo, quản lý và do đó chi phối cả tư duy xã hội, là chỉ thường khoanh vùng vào hệ thống chính trị, còn các yếu tố khác, cấu phần khác của chính trị không được nhận thức và chú trọng đầy đủ.

Trong đó có công nghệ chính trị giải quyết một điểm nóng, một cuộc xung đột, một tình huống bất ổn xảy ra cần đến một công nghệ chính trị, thì dường như "Đảng – Nhà nước" đang lẩn tránh. Nên nhớ, trong công nghệ chính trị, nó không chỉ giải quyết các bất ổn định, cao hơn còn là khủng hoảng.

Chẳng hạn, công nghệ bầu cử được các nước phát triển rất chú trọng, còn "Đảng – Nhà nước" ở Việt Nam mới thừa nhận là trong bầu cử không rơi vào trạng thái nhất nguyên, tức là bầu cử có số dư. Còn vấn đề tranh cử, ứng cử viên tiếp xúc với cử tri, vấn đề tiếp xúc đối thoại, phản biện để tạo ra một môi trường xã hội dân chủ, tạo ra một không gian để cử tri lựa chọn những đại biểu xứng đáng, vẫn còn dừng ở chuyện kiến nghị cần phải có.

Do công nghệ chính trị yếu, nên công bằng mà nói, "Đảng – Nhà nước" cũng chậm thực hành văn hóa chính trị, một vấn đề rất quan trọng nhưng Việt Nam chưa làm được bao nhiêu.

Xin tạm kết ở đây bằng một lập luận theo cách thức của Văn kiện Đảng : Đảng chỉ cần hệ thống những chuyên gia giỏi, không nên biến đảng viên thành công chức, lãnh đạo Đảng trở thành người quản lý hành chính, chỉ thị mệnh lệnh lãnh đạo theo kiểu hành chính.

Từ lâu, V.I. Lê-nin đã chỉ ra : ra lệnh là dễ nhất nếu có chức có quyền, nhưng tệ hại nhất. Vì nó phạm vào dân chủ, làm thụ động con người, không trực tiếp kích thích được các nhân tố sáng tạo, trong khi chúng ta cần phát huy mọi năng lực sáng tạo của con người.

Võ Hàn Lam

Nguồn : VNTB, 02/11/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hồng Dân, Thới Bình, Võ Hàn Lam
Read 422 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)