Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/11/2020

2017-2020 : Thách thức với tân tổng thống Mỹ

Phạm Trần - Trọng Thành

Tổng thống mới và tương lai nước Mỹ trong 4 năm tới

Phạm Trần, 04/11/2020

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 3/11/2020 đã khép lại, nhưng nước Mỹ sẽ đi về đâu trong 4 năm tới là câu hỏi ai cũng muốn biết, bất kể đương kim Tổng thống Donald Trump tái đắc cử hay Tổng thống mới Joe Biden lên cầm quyền.

dojo1

Ai sẽ là Tổng thống Mỹ cho 4 năm tới : cựu Phó Tổng thống Joe Biden hay đương kim Tổng thống Donald Trump mãn nhiệm ?

A. Nếu Donald Trump tái đắc cử

Trước hết, hãy dự đoán về chính sách đối nội và đối ngoại của Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ hai. Ông Trump của 4 năm nhiệm kỳ đầu là người chủ trương "nước Mỹ trên hết" (America First) để ưu tiên bảo vệ quyền lợi Mỹ, không quan tâm tới những vị phạm nhân quyền của các nước đối tác.

1. Đối ngoại

- An ninh và thương mại

Nước Mỹ dưới thời Donald Trump không còn hào hiệp bảo vệ an ninh miễn phí cho các nước trong khối NATO (North Atlantic Treaty Organization) và Canada, đã có từ năm 1949, hay gánh vác phí tổn trong Security Treaty với ANZUS gồm Nhật Bản, Úc Đại Lợi (Australia) và Tân Tây Lan (New Zealand), hoặc với Hiệp ước Quốc phòng song phương với Nam Hàn năm 1953 (The Mutual Defense Treaty with the Republic of Korea (ROK).

Hoa Kỳ hiện có khoảng 50.000 quân đồn trú tại Nhật, 35.000 quân tại Đức và lối 28.000 quên tại Nam Hàn. Hàng năm, Nhật chi tiêu khoảng 2 tỷ USD để mua sắm vũ khí của Mỹ và trả cho các phí tổn khác để chia bớt gánh nặng chi tiêu với Mỹ, trong khi chi tiêu cua Nam Hàn khoảng 1 tỷ USD.

Đối với Trung Quốc, Donald Trump đã tăng cường hoạt động của Hải quân Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương để canh chừng sự bành trướng quân sự và chính trị của Trung Quốc, song song với với cuộc chiến thương mại nhằm giảm thiểu tác động xấu đối với thâm thủng trong cán cân mậu dịch với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, cán cân thương mại của Mỹ với các nước đã liên tiếp ở dạng "âm". Theo thống kê, do hãng tin AP (Associated Press) công bố ngày 3/9/2020 cho thấy vào tháng 7/2020, số hàng Mỹ nhập cảng tăng 18,9%, cao hơn tháng 6 khi chỉ số âm là 53,5 tỷ USD. Số "âm" mậu dịch trong tháng 7/2020 của Mỹ là 10,9%, tăng lên 231,7 tỷ USD, trong khi trị giá hàng xuất khẩu của Mỹ, tuy có tăng nhưng cũng chỉ ở mức 8,1%, hay 168,1 tỷ USD.

Riêng với Trung Quốc thì nước Mỹ có số "âm" 31,6 tỷ USD trong tháng 7/2020, tăng 11,5% so với tháng 6.

Chính sách ngoại giao co cụm, không muốn Mỹ tiếp tục đóng vai "cảnh sát" thế giới của chính quyền Trump đã khiến cho các nước Đồng minh lo ngại và băn khoăn liệu nước Mỹ có đến giúp khi họ bị tấn công hay cứ dửng dưng đứng ngoài nhìn vào ?

- Bỏ đa phương

Lập trường của Donald Trump

Bằng chứng là ông Trump, trong diễn văn trước Hội nghị APEC (Asia-Pacific Economic Cooperation) tại Đà Nẵng ngày 10/11/2017, đã cổ võ cho chính sách mậu dịch "song phương", trái với lập trường "đa phương và hội nhập" của Chủ tịch, Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông Trump nói :

"Mỹ sẵn sàng phối hợp với từng lãnh đạo trong hội trường này hôm nay để đạt được thương mại cùng có lợi mang lại lợi ích cho cả nước bạn lẫn nước tôi. Đó là thông điệp mà tôi muốn truyền tải ở đây.

Tôi sẽ ký các thỏa thuận thương mại song phương với bất cứ quốc gia Ấn Độ - Thái Bình Dương nào muốn trở thành đối tác của Mỹ và sẽ tuân thủ nguyên tắc thương mại công bằng và có đi có lại. Điều chúng tôi không tiếp tục làm là tham gia vào những thỏa thuận lớn trói tay nước Mỹ, ảnh hưởng đến chủ quyền, cũng như khiến việc thực thi điều đó một cách có ý nghĩa trở nên bất khả thi trong thực tế…

Từ hôm nay trở đi, chúng ta sẽ cạnh tranh một cách công bằng và bình đẳng. Chúng tôi sẽ không để nước Mỹ bị lợi dụng thêm nữa. Tôi sẽ luôn đặt nước Mỹ lên hàng đầu, như cách mà tôi mong muốn tất cả các bạn trong hội trường này đưa tổ quốc mình lên trên hết".

(trích APEC-Việt Nam, 10/11/2017)

Lập trường Tập Cận Bình

Trái với chính sách tự cô lập mình của Donald Trump, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiệt liệt cổ võ hợp tác "đa phương" và "hội nhập toàn cầu" để mưu cầu phúc lợi cho các dân tộc.

Ông Tập nói :

"Chúng ta cần thượng tôn chủ nghĩa đa phương cùng theo đuổi phát triển chung thông qua xây dựng các mối quan hệ đối tác, xây dựng cộng đồng chung vì tương lai của mọi người. Tôi tin rằng đây là điều cần phải làm.

Đối mặt với những thay đổi sâu sắc trong kinh tế toàn cầu chúng ta nên dẫn đầu toàn cầu hóa kinh tế hay chỉ ngờ vực và do dự, bỏ lỡ cơ hội. Chúng ta có nên cùng nhau thúc đẩy hợp tác khu vực hay mỗi người, mỗi nước đi một đường. Đây là câu trả lời của chúng ta : chúng ta phải đi cùng với thời đại, đáp ứng được trách nhiệm của mình…

Chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế mở có lợi cho tất cả mọi người, sự mở cửa mang lại tiến bộ còn đóng cửa khiến chúng ta ở lại phía sau, các nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương hiểu điều này quá rõ".

(trích APEC-Việt Nam, 10/11/2017)

Sau Đà Nẵng, ông Trump đến Hà Nội để chính thức thăm Việt Nam trong 2 ngày, từ 11 đến 12/11/2017.

Trong thời gian ngắn ngủi này, phái đoàn Mỹ đã tập trung ký kết với Việt Nam các thỏa thuận thương mại trị giá 12 tỷ USD.

Trong tất cả các cuộc họp chính thức với Chủ tịch nước Trần Đại Quang (hồi đó), hay trong 2 cuộc thăm xã giao với Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng (trước khi ông Trọng kiêm luôn chức Chủ tịch nước, sau khi Trần Đại Quang qua đời năm 2018) và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vấn đề nhân quyền và nhu cầu tự do dân chủ của người dân Việt Nam đã không được nói tới.

Trong Tuyên bố chung 14 điểm phổ biến trước giờ Donald Trump rời Hà Nội, hai bên chỉ ghi 19 chữ ngắn ngủi : "Lãnh đạo hai nước ghi nhận tầm quan trọng của việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người".

Như vậy về cơ bản, Donald Trump sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách ngoại giao không kèm theo những điều kiện tôn trọng nhân quyền trong các thỏa hiệp thương mại và kinh tế với bất cứ quốc gia nào, kể cả với đối thủ hàng đầu là Trung Quốc.

Trên bình diện bảo vệ an ninh thế giới, nhiệm kỳ 2 của ông Trump cũng vẫn không thay đổi đối với chính sách bành trướng chủ quyền của Do Thái trên các vùng đất tranh chấp với người Palestine và khối Ả Rập. Donald Trump sẽ tiếp tục sử dụng các biện pháp chế tài nhiên liệu và kinh tế với Iran để trừng phạt nước này không ngưng sử dụng các lò nguyên tử để chế tạo vũ khí giết người. Iran nói hoạt động nguyên tử năng của họ chỉ để phục vụ cho các mục tiêu hòa bình.

- Gọng kìm Ấn Độ - Thái Bình Dương

Chính sách quốc phòng tầm xa của Mỹ cũng dự trù tiếp tục xúc tiến một liên minh an ninh giữa Mỹ với Ấn Độ, Nhật Bản, Úc Đại Lợi để đối phó với chính sách bành trướng quân sự và kinh tế của Trung Quốc ở khu vực Châu Á-Thái Binh Dương và Ấn Độ Dương.

Hoa Kỳ cũng đã có tầm nhìn đến Việt Nam như một thành viên mới trong mắt xích ngăn chặn Trung Quốc ở Đông Nam Á, nhưng lại tự chế không công khai để tránh phản ứng của Trung Quốc.

Việt Nam biết rõ như thế nên đã tránh nói nhiều đến vấn đề tế nhị này, trong khi tiếp tục nhấn mạnh đến chính sách quốc phòng "4 không", bao gồm :

1) Không tham gia liên minh quân sự ;

2) Không liên kết với nước này để chống nước kia ;

3) Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác ;

4) Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Vì Việt Nam và Mỹ không có hiệp ước an ninh chung như Phi Luật Tân và Hoa Kỳ nên khi bị Trung Quốc tấn công, hay đánh chiếm thêm các vị trí ở Biển Đông thì Hoa Kỳ không thể tự động can thiệp nếu không có yêu cầu chính thức của Hà Nội.

Dường như biết nhau quá rõ nên Trung Quốc đã khuyến cáo Việt Nam không nên "thả mồi bắt bóng" để quá thân thiện với Hoa Thịnh Đốn. Báo chí Trung Quốc và các nhà bình luận cúa báo Hoàn Cầu, một ấn bản phụ của tờ Nhân Dân ở Bắc Kinh đã cảnh giác Việt Nam không nên có hành động "phản nghịch" nếu không muốn bị trừng phạt những đòn chí mạng về kinh tế và thương mại.

Tuy nhiên, từ một năm qua, báo chí Việt Nam đã tỏ ra phấn khởi để loan tin rộng rãi các hoạt động của tầu chiến và máy bay Mỹ đi tuần tra ở vùng Biển Đông, đặc biệt theo dõi hoạt động của Hải quân Trung quốc gần vùng Hoàng Sa.

Nhìn chung, đó là chính sách dự kiến ở Châu Á của chính quyền Trump nhiệm kỳ 2, nếu kết qủa bầu cử ngày 3/11/2020 xác minh ông chiến thắng.

Về chính sách đối với Châu Âu, Donald Trump dự trù sẽ không thay đổi. Nhưng mối giao hảo sẽ tiếp tục ở trạng thái "bằng mặt nhưng không bằng lòng" trên các lĩnh vực an ninh chung và mậu dịch. Ngược lại việc ông công khai "thân thiện" với đối thủ của nước Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã khiến cho nhiều đồng minh Châu Âu nhăn mặt khó chịu, đặc biệt với bà Thủ tướng Đức, Angela Merkel.

2. Đối nội

Trong lĩnh vực đối nội, chính quyền Donald Trump của nhiệm kỳ 2 sẽ cố gắng phục hồi nền kinh tế bị xuống dốc vì đại dịch Covid-19, đồng thời sẽ có những chính sách nâng cao đời sống người dân Mỹ, tạo thêm công ăn việc làm và phục hồi an ninh nội địa là những việc làm nhằm bổ túc cho những "điểm sáng" trong di sản mà ông Trump hy vọng sẽ để lại trong lịch sử Hoa Kỳ.

dojo0

Viễn ảnh nào cho tương lai nước trong 4 năm tới ? Joe Biden chủ trương phục hồi lại vai trò lãnh đạo trong và ngoài nước Mỹ...

B. Nếu Joe Biden thắng cử

Đối với ông Joe Biden, một chuyện gia về Ngoại giao trong thời gian 36 năm là Thượng nghị sĩ và 8 năm làm Phó Tổng thống dưới thời Tổng thống Barack Obama, ông chủ trương phục hồi lại vai trò lãnh đạo trong nước Mỹ song song với vai trò lãnh đạo của Mỹ trên chính trường quốc tế.

1. Phục hồi lại vai trò lãnh đạo

Trong bài diễn văn tại The Graduate Center at CUNY (City University of New York) tại New York, ngày 11/07/2019, ông Biden đã nói về "Vì sao Hoa Kỳ phải nắm lại vai trò lãnh đạo" (1).

Ông Biden cho biết khi là Tổng thống, ông ta sẽ cổ võ cho an ninh và sự thịnh vượng và giá trị của nước Mỹ bằng cách thực hiện ngay lập tức những bước cần thiết để tái lập nền dân chủ của nước Mỹ và liên minh, bảo vệ tương lai kinh tế, lãnh đạo Thế giới để đối phó với những thách đố khẩn trương của toàn cầu (2).

Ông Biden cũng nói với nhân dân Mỹ rằng, dưới Chính quyền Biden, nước Mỹ sẽ lãnh đạo qua những việc làm cụ thể và vận động Thế giới để đương đầu với những hiểm họa chung trong những lĩnh vực mà không nước nào có thể một mình đối phó được, từ thay đổi khí hậu đến vũ khí hạch nhân, từ chủ trương xâm lăng của nước lớn và nạn khủng bố xuyên quốc gia, từ chiến tranh kỹ thuật điện tử đến di dân ồ ạt (3).

Ngoài ra Joe Biden còn khẳng định sẽ tái lập những cam kết về nhân quyền và dân chủ khắp Thế giới (4).

Và, ông Biden, với tư cách Tổng thống, ngay trong năm đầu tiên, sẽ triêu tập và chủ trì một Hội nghị Quốc tế về Dân chủ để làm mới ý chí và chia sẻ trách nhiệm chung của các quốc gia trong Thế giới tự do (5).

Hội nghị thượng đỉnh này nhằm đem lại những cam kết mới của các nước trong 3 lĩnh vực : 1) Chống tham nhũng ; 2) Chống chủ nghĩa độc tài, kể cả chính sách an ninh bầu cử ; 3) Phát triển nhân quyền tại mỗi nước và nước ngoài (6).

Theo nội dung diễn văn vừa kể trên, ông Biden cho biết các tổ chức dân sự trên toàn cầu có chủ trương đi tiên phong trong việc bảo vệ các nền tảng dân chủ cũng sẽ được mời tham dự Hội nghị này (7).

2. Kinh tế - y tế quốc nội và mậu dịch quốc tế

Về chính sách kinh tế, chính quyền Biden dự trù sẽ có những kế hoạch tạo thêm công ăn việc làm với những kích tố mới để phục hồi kinh tế đang tụt hậu do hậu quả của dịch Covid 19 tạo ra khiến nhiều người Mỹ thất nghiệp và nhiều nhà buôn, tiêm ăn và công ty phải đóng cửa.

Ông Biden cũng phải phục hồi kỹ nghệ vận chuyển máy bay, xe lửa, xe bus đã bị đình trệ vì thiếu hành khách khi bệnh dịch chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.

Nhưng ưu tiên số một và cấp bách của ông Biden, ngay sau khi nhận nhiệm vụ Tổng thống, là phải có giải pháp y tế hữu hiệu để giải quyết nạn dịch Covid 19 đang hoành hành ở nước Mỹ và chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt.

Theo thống kê chính thức, cho đến đầu tháng 11 nước Mỹ đã có trên 9 triệu người bị nhiễm bệnh và hơn 230.000 người đã thiệt mạng từ đầu năm 2020. Trong tuần lễ đầu tháng 11, mỗi ngày có trên 90.000 ca nhiễm bệnh mới, con số cao nhất thế giới.

Về kinh tế đối ngoại, mậu dịch và quan hệ với các tổ chức quốc tế, người ta dự đoán ông Biden sẽ đề nghị Hoa Kỳ gia nhập Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được 11 nước, đứng đầu là Nhật Bản, tham gia chính thức ký kết vào đầu tháng 3/2018.

Hiệp ước này thay thế cho Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được 11 nước tham gia ký kết tại thành phố Santiago (Chile), dưới thời Tổng thống Barack Obama, trong đó Hoa kỳ là quốc gia điều hợp. Nhưng vào tháng 1/2017, ông Donald Trump đã đơn phương rút Mỹ ra khỏi Hiệp định này.

Ông Biden hứa sẽ tái gia nhập Hiệp ước kiểm soát Khí hậu Paris ngay sau khi nhậm chức và một số tổ chức quốc tế khác như Tổ chức Nhân quyền, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mà chính quyền Trump đã rút lui vì cho rằng các tổ chức này không hoạt động hữu hiệu và làm hao tổn ngân quỹ đóng góp của Mỹ.

Tóm lại, trong chức vụ Tổng thống, ông Joe Biden sẽ "đảo ngược gần như toàn bộ các chính sách đối nội và đối ngoại của Chính quyền Trump.

3. An ninh quốc phòng và chiến lược quân sự quốc tế

Riêng trong lĩnh vực quốc phòng và bảo vệ an ninh nội địa, ít có chuyên gia nghĩ ông Biden sẽ có những chính sách mới táo bạo, nhất là kế hoạch chống lại sự bành trướng ảnh hưởng kinh tế và quân sự của Trung Quốc khắp nơi trên thế giới qua sáng kiến Vành Đại và Con Đường ra đời năm 2013 (Belt&Road Initiatives).

Đối với chính sách cố hữu lâu đời "không thân thiện" với Mỹ của chính quyền Nga, đặc biệt với cá nhân Tổng thống Vladimir Putin, một cựu trùm mật vụ KGB, thì ông Biden có nhiều kinh nghiệm hơn ông Donald Trump.

Đó là những dự đoán của nước Mỹ và người Mỹ trong 4 năm sắp tới đối với viễn ảnh ông Donald Trump hay Joe Biden sẽ là Tổng thống thứ 46 của Hiệp chủng Quốc.

Phạm Trần

(04/11/2020)

(1) Why America Must Lead Again. Joe Biden laid out his foreign policy vision for America to restore dignified leadership at home and respected leadership on the world stage".

(2) As president, he will advance the security, prosperity, and values of the United States by taking immediate steps to renew our own democracy and alliances, protect our economic future, and once more place America at the head of the table, leading the world to address the most urgent global challenges.

(3) In a Biden administration, America will lead by example and rally the world to meet our common challenges that no one nation can face on its own, from climate change to nuclear proliferation, from great power aggression to transnational terrorism, from cyberwarfare to mass migration.

(4) Revitalize our national commitment to advancing human rights and democracy around the world.

(5) President Biden will organize and host a global Summit for Democracy to renew the spirit and shared purpose of the nations of the Free World.

(6) The Summit will prioritize results by galvanizing significant new country commitments in three areas : 1) fighting corruption ; 2) defending against authoritarianism, including election security ; 3) advancing human rights in their own nations and abroad.

(7) The Summit will include civil society organizations from around the world that stand on the frontlines in defense of our democracies.

**********************

Cơ chế đa phương bị xói mòn : Di sản Trump 2017-2020, thách thức với tân tổng thống Mỹ

Trọng Thành, RFI, 04/11/2020

Bốn năm cầm quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump đang khép lại. Điểm lại một số nét lớn trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ trong nhiệm kỳ sắp qua là chủ đề chính của Tạp chí Đặc biệt của RFI nhân dịp bầu cử tổng thống Mỹ. Di sản Trump 2017 – 2020, với đặc điểm tiêu biểu là các cơ chế đa phương quốc tế bị xói mòn, để lại những thách thức nào cho tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ ?

daphuong1

Khẩu hiệu của ông Donald Trump, "America First / Nước Mỹ trước hết" làm rạn nứt quan hệ giữa Hoa Kỳ với các đồng minh.  © Ảnh chụp màn hình

Rời bỏ hàng loạt các định chế đa phương

Một đặc điểm nổi bật trong chính sách đối ngoại của Donald Trump trong nhiệm kỳ sắp qua là việc Mỹ rút khỏi hàng loạt định chế đa phương và nhiều thỏa ước quốc tế quan trọng. Từ bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngay từ đầu nhiệm kỳ. Hiệp định vốn đã hoàn tất dưới thời tổng thống tiền nhiệm Obama. Rời Hiệp định Khí hậu Paris (tháng 6/2017), hiệp định mà toàn thể cộng đồng quốc tế đã hết sức khó khăn mới đạt được đồng thuận. Tháng 10/2017, Washington tuyên bố rút khỏi UNESCO, cơ quan Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc. Tháng 5/2018, chính quyền Mỹ đơn phương rút khỏi Thỏa thuận Hạt nhân với Iran (2015). Tháng 6/2018, đến lượt Mỹ từ bỏ Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (UNHCR). Tháng 8/2019, chính quyền Trump rút khỏi Hiệp ước về tên lửa hạt nhân tầm trung với Nga (INF).

Trong lúc, đại dịch Covid-19 đưa thế giới vào cuộc khủng hoảng chưa từng có, tháng 7/2020, Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO / OMS). Kể từ khi lên cầm quyền tổng thống Donald Trump đã nhiều lần đe dọa rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO / OMC).

Một số định chế quốc tế lớn trên đây, được coi là nền móng của cơ chế đa phương trong quan hệ quốc tế, đã bị nước Mỹ quay lưng, trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 45. Nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi : phải chăng cơ chế đa phương quốc tế được cộng đồng quốc tế dày công kiến tạo từ sau Thế chiến Hai đến nay đang suy tàn ? Chuyên gia về quan hệ quốc tế, nhà nghiên cứu Martin Quencez, quỹ German Marshall Fund, ghi nhận chính bản thân sự tồn tại của một "cộng đồng quốc tế" mở rộng cho tất cả cũng bị chính quyền Trump hoài nghi và tìm cách phân hóa.

Khi Hoa Kỳ phá cơ chế đa phương, Trung Quốc lấn tới

Nhà báo Phạm Trần (từ Washington) điểm lại một đôi nét về tác động đối với cơ chế đa phương quốc tế của chính sách đối ngoại của tổng thống thứ 45 của nước Mỹ :

"Điều đầu tiên chúng ta biết là khi ông Donald Trump lên cầm quyền, đó là chính sách Nước Mỹ trên hết. Khi ông ấy đưa ra chính sách đó, có nghĩa là ông ấy tự cô lập nước Mỹ, rút vai trò lãnh đạo của nước Mỹ, co cụm lại. Chính sách đó đưa tới hậu quả là thứ nhất, nước Mỹ mất vai trò lãnh đạo thế giới, và làm cho các đồng minh của Hoa Kỳ, đặc biệt mà ở bên Châu Âu, Châu Á – Thái Bình Dương lo ngại. Ông Donald Trump đã để lại một chính sách mà đến đời tổng thống mới, nếu không phải là ông Donald Trump, thì có lẽ phải thay đổi toàn diện. Vấn đề tổ chức nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, ông ấy không có tha thiết, không có tích cực, như các đời tổng thống trước. Và về vấn đề y tế cho nhân loại, đã bị giảm thiểu. Chúng ta biết là Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), là một tổ chức của Liên Hiệp Quốc, quy tụ tất cả nước trên thế giới. Cái điều quan hệ là bây giờ ông Donald Trump rút lui. Rút lui tức là bỏ sự đóng góp rất lớn và cốt lõi của Hoa Kỳ đối với tổ chức này. WHO đã tồn tại được bao nhiêu năm, vẫn giúp đỡ nơi này nơi kia, mặc dù cũng có những chuyện làm ăn bê bối. Từ khi xảy ra nạn dịch, Hoa Kỳ là một cường quốc, vẫn đứng vai trò hàng đầu, mà Hoa Kỳ lại không có sáng kiến đưa ra tổ chức một hội nghị quốc tế, tìm cách nào để ngăn chặn ngay lập tức nạn dịch này".

Việc Hoa Kỳ rút khỏi nhiều định chế đa phương quan trọng, khiến các đồng minh chao đảo, nhưng tạo thuận lợi cho chính quyền Bắc Kinh lấn tới, khẳng định thêm vị trí tại nhiều định chế quốc tế. Trong nhiệm kỳ của ông Donald Trump 2017 – 2020, Trung Quốc giành được vị trí lãnh đạo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc (FAO), Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế hay Liên minh Quốc tế về Viễn thông. Tiếng nói của Bắc Kinh ngày càng gia tăng trọng lượng, cùng với việc Trung Quốc tăng đóng góp tài chính cho nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Tổ chức Y tế Thế giới. Nhân vật số hai của UNESCO, cơ quan Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc, là người Trung Quốc. Chưa kể đến các dự án lớn mang tính quốc tế mà Trung Quốc đang tìm cách triển khai ở khắp nơi, nhằm mở rộng ảnh hưởng, thông qua các khoản đầu tư, cho vay khổng lồ, như dự án Con đường Tơ lụa mới.

Trong một chương trình đặc biệt về chủ đề này, Đài France Culture ghi nhận : "Tại Liên Hiệp Quốc, Bắc Kinh đang áp đặt quan điểm của mình. Vấn đề nhân quyền ngày càng tránh được đề cập đến, với hệ quả là chính quyền Trung Quốc không phải đối mặt với nhiều cáo buộc xâm phạm nhân quyền. Giờ đây, người ta nói đến sự ‘‘tôn trọng lẫn nhau’’ giữa các quốc gia. Đây là một cách để nhấn mạnh là chính quyền các nước có quyền đối xử với người dân trong nước, tùy theo "các giá trị" riêng của họ… Đây cũng là một cách để ngăn chặn mọi can thiệp nhắm vào chính sách xâm phạm nặng nề các quyền con người căn bản, như tại Tây Tạng hay đối với người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương".

Theo các học giả Trung Quốc, như viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế thuộc trường đại học Thanh Hoa – Bắc Kinh, ông Diêm Học Thông (Yan Xuetong), "ông Trump đã hủy hoại hệ thống liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo", điều này mang lại "cho Trung Quốc một giai đoạn chưa từng có về cơ hội chiến lược, kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc đến nay" (bài "Đối với Bắc Kinh, Trump chỉ khiến phương Tây nhanh chóng suy tàn", Le Monde, ngày 30/10/2020).

"Vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương" : khoảng cách lớn giữa tuyên bố và hành động

Phá bỏ quan hệ đoàn kết với nhiều đồng minh truyền thống, tại Châu Âu, cũng như Châu Á, rút khỏi hàng loạt định chế quốc tế về nhân quyền, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, y tế hay khí hậu, không có nghĩa là Hoa Kỳ có ý định rút khỏi toàn bộ các liên minh quốc tế mang tính chiến lược.

Trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 45 của Mỹ, đặc biệt là hai năm cuối của nhiệm kỳ, chính quyền Trump đưa ra chính sách thúc đẩy phát triển một "khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở, tự do", dựa trên luật pháp (gọi tắt là FOIP) để ngăn chặn đà bành trướng của Trung Quốc. Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, dựa trên trụ cột là Bộ Tứ, bốn quốc gia dân chủ, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, được coi là mở rộng cho mọi quốc gia trong và ngoài khu vực, chia sẻ cùng một tôn chỉ.

Chiến lược xây dựng khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, với Biển Đông là một trọng tâm, với lý tưởng như trên, được kỳ vọng đem lại một phương hướng giúp cho nhiều quốc gia trong khu vực thoát khỏi sự chi phối, thậm chí thao túng đang ngày càng mạnh của Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát ghi nhận khoảng cách rất lớn giữa tuyên bố và hành động thật sự của cơ chế đa phương mới mà Hoa Kỳ mong muốn xây dựng.

Chuyên gia về quan hệ quốc tế Raphael Delbrouck, Trung tâm nghiên cứu các khủng hoảng và xung đột quốc tế (CECRI), Louvain-la-Neuve, Bỉ, nhận định : chính sách xây dựng khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do hiện nay của chính quyền Trump là sự tiếp nối của chính sách xoay trục sang Châu Á của chính quyền tiền nhiệm Obama (báo cáo "Ấn Độ - Thái Bình Dương : phân tích về chiến lược của nước Mỹ"). Theo chiến lược này, "hòa bình và ổn định vốn đã mong manh tại khu vực chỉ có thể được bảo đảm nhờ sự chia sẻ các giá trị chung trong một trật tự khu vực, mà Hoa Kỳ muốn tiếp tục đầu tư và xây dựng, với tư cách thủ lĩnh". Để thực hiện chiến lược này, Washington đã có nhiều sáng kiến để thúc đẩy hợp tác khu vực, như đạo luật về Sáng kiến Trấn an Châu Á (ARIA - Asia Reassurance Initiative Act) (tháng 12/2012), hay Sáng kiến hạ lưu sông Mêkông (Lower Mekong Initiative). Khối APEC, nhóm G20 và kể cả Tổ chức Thương mại Thế giới vẫn tiếp tục là các định chế quốc tế mà Hoa Kỳ cần đến để thúc đẩy chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên điều mà nhà nghiên cứu Raphael Delbrouck nhấn mạnh là khoảng cách rất lớn giữa mục tiêu mà Hoa Kỳ tuyên bố và khả năng hành động trên thực tế. Theo tác giả, nước Mỹ không thiếu chiến lược tốt, vấn đề là khả năng thực thi. Lập trường mang tính bảo hộ, dân tộc chủ nghĩa, đặt nặng tầm quan trọng của các quan hệ song phương hơn là quan hệ đa phương, xung đột trực tiếp với mục tiêu hành động nhằm xây dựng "một kiến trúc khu vực ổn định", đã khiến Hoa Kỳ rất khó đầu tư mạnh cho các hợp tác của khu vực. Với chủ trương "Nước Mỹ trước hết" (America First), của chính quyền Trump, cũng như "chủ nghĩa biệt lập Mỹ", chính quyền Mỹ khó có khả năng kiến tạo các quan hệ đa phương mềm dẻo, với nhiều quốc gia trong khu vực, vốn có quan hệ lâu đời với Trung Quốc.

Biden : tái xây dựng cơ chế đa phương trong hoàn cảnh mới

Về triển vọng chính sách của nước Mỹ, nếu lãnh đạo bên Dân chủ, ứng cử viên Joe Biden đắc cử, theo nhiều nhà quan sát, ông Biden sẽ phải tiếp tục chính sách đối ngoại của nước Mỹ từ 70 năm vừa qua, không kể 4 năm dưới thời Donald Trump. Đó là tiếp tục "đóng vai trò hàng đầu trong việc thảo ra các quy tắc, thực thi các thỏa thuận quốc tế, cổ vũ các định chế đóng vai trò định hướng quan hệ giữa các quốc gia, thúc đẩy an ninh và thịnh vượng tập thể". Một trong những quyết định đầu tiên của ông Biden sẽ là tổ chức "một thượng đỉnh toàn cầu vì dân chủ", quy tụ xung quanh Mỹ các quốc gia đang nỗ lực kháng cự các xu thế "độc tài, phản tự do" (bài "Quan hệ quốc tế, điều mà Biden có thể làm thay đổi", Le Monde, 26/10/2020).

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo là dù Biden thắng, Mỹ không dễ trở lại thành trụ cột của cơ chế quốc tế đa phương, như trước. Nhà chính trị học Laurence Nardon, phụ trách ban Mỹ của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (Ifri), thậm chí nhấn mạnh là "việc trở lại với chính sách đối ngoại của Mỹ thời Obama, như tuyên bố của phe ông Biden, là (…) điều không thể" (La Croix, 22/10/2020). Chuyên gia Cécilia Belin, trung tâm tư vấn Brookings Institution, nhấn mạnh là "thế giới đã thay đổi và Trump đã thay đổi luật chơi về quá nhiều lĩnh vực, khiến điều đó là không thể" (trả lời AFP). Thực tế mới mà nhiều người nói đến là sự lên ngôi của các chế độ độc đoán ở khắp nơi, và nền dân chủ không còn ở thế thượng phong trên quy mô toàn cầu. Thách thức lớn đối với chính quyền Biden là chấp nhận đối diện với sự thực.

Chính sách đối đầu quyết liệt, trực diện với Trung Quốc, đã được vạch ra trong nhiệm kỳ tổng thống 2017-2020, là rất khó thay đổi. Theo nhà cựu ngoại giao Bill Burns, Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế (Carnegie Endowment for International Peace), nếu đắc cử, chính quyền Biden sẽ phải tập trung nhiều hơn vào việc xây dựng các mạng lưới đồng minh tại Châu Á, "không phải để ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc, vì nước Mỹ không có đủ phương tiện", mà là để xây dựng môi trường nhằm ngăn chặn những mặt tiêu cực của sự trỗi dậy đó.

 Chính sách liên minh của Trump : ẩn số lớn 

Về phía ông Donald Trump, nếu tái đắc cử, tân tổng thống sẽ có chính sách gì ? Hiện tại, chính sách của đối ngoại của ứng cử viên Cộng hòa vẫn còn là một ẩn số. Theo chuyên gia Laurence Naudan, chính sách đối ngoại của ông Trump sẽ phải là sự nối tiếp nhiệm kỳ đầu tiên. Phe Dân chủ lo ngại nếu đắc cử, Donald Trump sẽ có những hành động táo tợn, không còn biết đến giới hạn, gây nguy hiểm cho thế giới, ví dụ như bất ngờ tấn công Iran hay Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, phe Cộng hòa khẳng định tổng thống đã thực hiện toàn bộ các cam kết về đối ngoại, như rút khỏi nhiều định chế quốc tế. Ứng cử viên Donald Trump cũng không đưa ra cương lĩnh tranh cử mới cho năm 2020. 

Tuy nhiên, về cơ chế đa phương quốc tế, cho dù không cổ vũ ở quy mô toàn cầu, Washington không thể từ bỏ mục tiêu thiết lập các cơ chế đồng minh và đối tác tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Theo chuyên gia về chính sách đối ngoại Hoa Kỳ Maud Quessard, Học viện Chính trị Paris, cho đến nay nước Mỹ trên thực tế chưa làm được gì nhiều tại khu vực này, và Bắc Kinh đang ở thế thượng phong.

Nhà nghiên cứu Martin Quencez, Quỹ German Marshall Fund, Hội đồng Quan hệ Quốc tế, khẳng định thách thức số một hiện nay của ông Trump, nếu tái đắc cử, là tạo lập được một lộ trình cho phép phát triển được các hợp tác quốc tế, trong đó có khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, chống lại các thách thức từ Trung Quốc, cũng có nghĩa là phải điều chỉnh lại chính sách làm suy yếu các cơ chế đa phương quốc tế trong bốn năm vừa qua.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 04/11/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Trần, Trọng Thành
Read 997 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)