Thăm dò : Chủ nghĩa cực đoan là nỗi lo lớn nhất của cử tri Mỹ
Reuters, VOA, 28/02/2024
Những lo ngại về chủ nghĩa cực đoan chính trị hoặc các mối đe dọa đối với nền dân chủ đã nổi lên như mối quan tâm hàng đầu của cử tri Hoa Kỳ và là vấn đề mà Tổng thống Joe Biden có lợi thế hơn một chút so với ông Donald Trump trước cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay, theo cuộc thăm dò mới của Reuters/Ipsos.
Ảnh phối hợp cựu Tổng thống Donald Trump và đương kim Tổng thống Joe Biden.
Khoảng 21% số người được hỏi trong cuộc thăm dò kéo dài ba ngày, kết thúc hôm 25/2, cho biết "chủ nghĩa cực đoan chính trị hoặc các mối đe dọa đối với nền dân chủ" là vấn đề lớn nhất mà Hoa Kỳ phải đối mặt, tỷ lệ cao hơn một chút so với những người chọn nền kinh tế - 19% - và di trú - 18%.
Đảng Dân chủ của ông Biden cho đến nay coi chủ nghĩa cực đoan là vấn đề số 1 trong khi Đảng Cộng hòa của ông Trump đa phần coi di trú là vấn đề hàng đầu.
Chủ nghĩa cực đoan là mối quan tâm hàng đầu của những người độc lập, được gần 1/3 số người trả lời độc lập nêu ra, tiếp theo là vấn đề di trú, được khoảng 1/5 trích dẫn. Nền kinh tế là mối quan tâm đứng thứ ba.
Trong lúc làm tổng thống và kể từ nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Trump đã liên tục chỉ trích các định chế của Hoa Kỳ, cho rằng bốn vụ truy tố hình sự mà ông phải đối mặt đều có động cơ chính trị và khẳng định rằng ông thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020 là kết quả của gian lận trên diện rộng.
Ngôn từ đó là trọng tâm trong thông điệp của ông gửi tới những người ủng hộ trước cuộc tấn công vào Điện Capitol vào ngày 6 tháng 1 năm 2021.
Nhìn chung, 34% số người được hỏi cho biết ông Biden có cách tiếp cận tốt hơn để xử lý chủ nghĩa cực đoan, so với 31% cho rằng ông Trump, người dẫn đầu cho đề cử tổng thống của Đảng Cộng hòa.
Sự ủng hộ dành cho ông Biden tuột dốc
Tỷ lệ tán thành của Biden trong cuộc thăm dò, 37%, gần với mức thấp nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông và giảm một điểm phần trăm so với một tháng trước đó. Chín trong số mười đảng viên Đảng Dân chủ tán thành việc làm của ông và tỷ lệ tương tự các đảng viên Đảng Cộng hòa không tán thành, trong khi những người độc lập hơi nghiêng về phía không tán thành.
Nhưng 44% đảng viên Đảng Dân chủ cho biết chủ nghĩa cực đoan là vấn đề hàng đầu của họ, so với 10% cho rằng kinh tế là mối quan tâm thứ hai của họ. Các cuộc thăm dò trước đây của Reuters/Ipsos không coi chủ nghĩa cực đoan chính trị là một lựa chọn để những người trả lời xem có phải là vấn đề lớn nhất của đất nước hay không.
Chiến dịch tái tranh cử của ông Biden đã tập trung thông điệp vào những mối nguy hiểm đối với nền dân chủ do ông Trump đặt ra, người có nhiều vấn đề pháp lý bao gồm các cáo buộc hình sự gắn liền với nỗ lực lật ngược thất bại trước ông Biden trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Các cuộc thăm dò khác của Reuters/Ipsos cho thấy những người ủng hộ ông Biden có động cơ phản đối ông Trump hơn là ủng hộ tổng thống.
Ông Trump đã không nhận tội đối với tất cả các cáo buộc mà ông phải đối mặt, mà ông cho rằng đó là một phần trong âm mưu của đảng Dân chủ nhằm cản trở việc ông trở lại Tòa Bạch Ốc.
Ông Trump thường xuyên phát động các cuộc khẩu chiến chống lại các công tố viên và thẩm phán đang xử lý các vụ án dân sự và hình sự của ông, và một đánh giá của Reuters hồi đầu tháng này cho thấy các mối đe dọa nghiêm trọng đối với các thẩm phán liên bang Hoa Kỳ đã tăng hơn gấp đôi trong ba năm qua.
Trong khi 38% đảng viên Đảng Cộng hòa trong cuộc thăm dò cho rằng di trú là vấn đề hàng đầu của đất nước, một tỷ lệ đáng kể - 13% - chọn chủ nghĩa cực đoan, một dấu hiệu cho thấy những tuyên bố của ông Trump về mối nguy hiểm đối với quốc gia do các đảng viên Dân chủ "cực tả" gây ra cũng gây tiếng vang trong đảng của ông.
Nền kinh tế, vốn đã phải hứng chịu lạm phát cao trong phần lớn nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden, là vấn đề lớn thứ hai trong số các đảng viên Cộng hòa, với 22% cho rằng vấn đề này nặng nề nhất.
Nền kinh tế từ lâu đã là một điểm nhức nhối đối với ông Biden. 39% số người tham gia cuộc thăm dò cho biết ông Trump có cách tiếp cận nền kinh tế tốt hơn, so với 33% của ông Biden.
Ông Trump dẫn trước ông Biden 36% so với 30% khi nói đến việc có cách tiếp cận tốt hơn với các xung đột nước ngoài, mặc dù rất ít đảng viên Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa coi những vấn đề đó là ưu tiên hàng đầu của quốc gia.
Cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos đã thu thập phản hồi trực tuyến từ 1.020 người lớn, sử dụng mẫu đại diện trên toàn quốc và có sai số khoảng 3 điểm phần trăm.
Nguồn : VOA, 28/02/2024
*************************
Bầu cử sơ bộ ở bang Michigan, Mỹ : Trump và Biden đều thắng lớn
Thùy Dương, RFI, 28/02/2024
Tại bang Michigan, Mỹ, trong cuộc bầu cử sơ bộ chọn ứng viên tổng thống của đảng Dân Chủ và Cộng Hòa ngày hôm qua 27/02/2024, Jode Biden đảng Dân Chủ và Donald Trump của đảng Cộng Hòa đều giành chiến thắng trước đối thủ trong đảng với tỉ lệ phiếu bầu rất cao. Donald Trump được 58% phiếu bầu so với tỉ lệ 20% của đối thủ Nikki Haley. Theo Reuters, trên tổng số 50% số phiếu đã được kiểm, ông Biden được 80%.
Bầu cử tổng thống Mỹ 2024 được dự kiến sẽ là cuộc tái đấu giữa Donald Trupm và Joe Biden. Ảnh minh họa © Ản chụp màn hình France 24
Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin cho biết chiến thắng của Biden và Trump tại bang Michigan không gây ngạc nhiên, nhưng ẩn sau đó là những khó khăn mà cả hai phải tìm cách tháo gỡ để có thể có thêm lá phiếu ủng hộ chắc chắn cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11/2024 :
"Họ là những ứng cử viên được ưa thích và họ đã thắng lớn. Thường thì tỉ lệ phiếu ủng hộ rất cao sẽ cho phép họ thể hiện một sự vui mừng thắng lợi nào đó. Nhưng trong trường hợp này thì mọi chuyện lại không như vậy, bởi vì họ đều có những khó khăn.
Đối với Joe Biden, đây là cuộc bỏ phiếu gọi là "uncommited", không cam kết (cử tri có thể đánh dấu vào ô "không cam kết", tức là bỏ phiếu theo đảng nhưng không cam kết ủng hộ các ứng viên có tên trên lá phiếu). Khả năng này đặc biệt thu hút những cử tri trẻ tuổi và những người Mỹ gốc Ả Rập theo đạo Hồi, vốn rất đông ở bang Michigan và không hài lòng về việc tổng thống Biden ủng hộ Israel trong cuộc chiến ở Gaza.
Những người có thái độ gay gắt nhất muốn truyền đi một thông điệp, một thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng. Chiếm đến ¼ số phiếu được kiểm, như vậy là số phiếu "không cam kết" - lá phiếu phản kháng, đã vượt quá mức thông thường. Và tổng thống Biden sẽ phải tính đến điều đó để có thể kéo số cử tri này về phía ông trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới đây. Không phải vô cớ mà ông Biden đã thay đổi giọng điệu và nhắc lại là ông đang tìm kiếm một lệnh ngừng bắn.
Về phần Donald Trump, dù thắng lớn, nhưng ông cũng gặp một vấn đề. Vấn đề đó có tên là Nikki Haley. Bất chấp những thất bại liên tiếp, bà Nikki Haley vẫn tiếp tục cuộc đấu với Donald Trump. Và những người trung thành với bà ấy cũng vậy, mặc dù bà Nikki Haley gần như không có cơ hội để được chọn làm ứng viên đại diện cho đảng ra tranh cử tổng thống. Số người ủng hộ bà vẫn chiếm gần 1/3 thành viên của đảng Cộng Hòa. Và Donald Trump cũng sẽ phải nỗ lực thuyết phục họ".
Thùy Dương
*************************
Ông Trump và ông Biden cùng thắng bầu cử sơ bộ ở bang Michigan
AP, VOA, 28/02/2024
Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộở bang Michigan hôm 27/2, càng củng cố thêm mức độ chắc chắn sẽ diễn ra cuộc tái đấu giữa hai ông, theo AP.
Bầu cử sơ bộ ở Michigan, Mỹ. Ảnh minh họa
Ông Biden đánh bại Dân biểu Dean Phillips của bang Minnesota, đối thủ quan trọng duy nhất của ông còn sót lại trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ. Nhưng các đảng viên đảng Dân chủ cũng theo dõi chặt chẽ kết quả về số phiếu chọn phương án "không cam kết", vì bang Michigan đã trở thành tâm điểm cho các thành viên bất mãn trong liên minh của ông Biden, những người đã đưa ông đến chiến thắng tại bang này – và trên toàn quốc – vào năm 2020. Số phiếu chọn phương án "không cam kết" này đã tăng đã vượt xa tỷ lệ 10.000 phiếu bầu mà ông Trump đã giành được ở Michigan vào năm 2016, là mục tiêu mà những người tổ chức việc thể hiện bày tỏ sự phản kháng đã đặt ra.
Về phần ông Trump, đến nay ông đã thắng trong 5 bang đầu tiên trong lịch bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa. Chiến thắng của ông ở bang Michigan trước đối thủ lớn cuối cùng của ông, bà Nikki Haley, cựu Đại sứ tại Liên Hiệp Quốc, diễn ra sau khi cựu tổng thống đánh bại bà với cách biệt 20 điểm phần trăm tại bang quê nhà của bà là South Carolina vào ngày 24/2. Chiến dịch tranh cử của ông Trump đang tìm cách chốt lại 1.215 đại biểu cần thiết để đảm bảo được đảng Cộng hòa đề cử vào khoảng giữa tháng 3.
Cả hai ban vận động tranh cử đều đang theo dõi kết quả ngày 27/2 không chỉ để biết liệu họ có thắng như mong đợi hay không. Đối với ông Biden, một số lượng lớn cử tri chọn "không cam kết" có thể có nghĩa là ông ấy đang gặp rắc rối đáng kể với các bộ phận cơ sở của đảng Dân chủ ở một bang mà ông ấy khó có thể để thua vào tháng 11 tới. Trong khi đó, ông Trump lại kém hiệu quả với các cử tri ngoại ô và những người có bằng đại học, đồng thời phải đối mặt với một phe phái ngay trong đảng của ông tin rằng ông đã vi phạm pháp luật trong một hoặc nhiều vụ án hình sự.
Đến nay, ông Biden giành chiến thắng ở bang South Carolina, Nevada và New Hampshire. Ông thắng ở bang New Hampshire nhờ một chiến dịch vận động cử tri tự điền tên ứng cử viên mà họ ủng hộ, vì tên của ông Biden đã không chính thức xuất hiện trên lá phiếu sau khi New Hampshire vi phạm các quy định cấp quốc gia của đảng vì bang này đã tổ chức bỏ phiếu trước South Carolina, là nơi được chỉ định tổ chức bỏ phiếu đầu tiên trong số các cuộc bầu chọn ứng cử viên của đảng Dân chủ.
Cả Nhà Trắng lẫn các quan chức ban tranh cử của ông Biden đều đã đến bang Michigan trong những tuần gần đây để nói chuyện với các nhà lãnh đạo cộng đồng về cuộc chiến Israel-Hamas và cách ông Biden tiếp cận cuộc xung đột, nhưng những nhà lãnh đạo đó, cùng với những người tổ chức nỗ lực "không cam kết", đã không hề dao động.
Bà Mariam Mohsen, một giáo viên 35 tuổi đến từ thành phố Dearborn, bang Michigan, nói bà đã lên kế hoạch bỏ phiếu "không cam kết" vào ngày 27/2 để gửi thông điệp cùng với các cử tri khác rằng "sẽ không có ứng cử viên nào nhận được phiếu bầu của chúng tôi nếu họ tiếp tục ủng hộ nạn diệt chủng ở Gaza".
"Bốn năm trước tôi đã bỏ phiếu cho ông Joe Biden. Điều quan trọng là chúng tôi bỏ phiếu để loại ông Trump khỏi chức vụ", bà Mohsen nói thêm. "Hôm nay, tôi cảm thấy rất thất vọng về ông Joe Biden và tôi không cảm thấy mình đã làm điều đúng đắn trong cuộc bầu cử lần trước. Nếu ông Trump được đề cử cho cuộc bầu cử vào tháng 11 này, tôi sẽ không bỏ phiếu cho ông Trump. Tôi sẽ không bỏ phiếu cho ông Trump hay ông Biden. Tôi không nghĩ về mặt chính sách đối ngoại sẽ có bất kỳ sự khác biệt nào".
Thắng lợi áp đảo của ông Trump ở các bang đầu tiên là điều chưa từng có kể từ năm 1976, khi bang Iowa và New Hampshire bắt đầu truyền thống tổ chức các cuộc bầu chọn ứng cử viên đầu tiên. Ông đã giành được sự ủng hộ vang dội từ hầu hết các nhóm cử tri cơ sở của đảng Cộng hòa, bao gồm các cử tri theo đạo Tin lành, những người bảo thủ và những người sống ở khu vực nông thôn. Nhưng ông Trump đã chật vật với những cử tri có trình độ đại học, để mất khối đó ở South Carolina vào tay bà Haley vào tối ngày 24/2.
Bà Olivia Perez-Cubas, người phát ngôn ban tranh cử của bà Haley, cho rằng kết quả ở bang Michigan là "ánh đèn nháy cảnh báo đối với ông Trump vào tháng 11".
"Hãy coi đây là một dấu hiệu cảnh báo nữa rằng những gì đã xảy ra ở bang Michigan sẽ tiếp tục diễn ra trên khắp đất nước. Chừng nào Donald Trump còn đứng đầu bảng, đảng Cộng hòa sẽ tiếp tục thua phe cánh tả xã hội chủ nghĩa. Con cái chúng ta xứng đáng được hưởng điều tốt hơn thế".
AP
Nguồn : VOA, 28/02/2024
Mỹ : Cựu tổng thống Trump bị phạt 355 triệu đô la vì gian lận tài chính
Minh Phương, RFI, 17/02/2024
Hôm qua, 16/02/2024, toà án tối cao bang New York đã cấm ông Donald Trump quản lý "bất kỳ doanh nghiệp nào ở New York trong thời hạn ba năm" và tuyên phạt ông 355 triệu đô la, sau khi xác định tập đoàn của cựu tổng thống Mỹ đã nâng khống giá trị bất động sản nhằm thu lợi bất chính.
Donald Trump trong phiên tòa tại New York, Hoa Kỳ. Ảnh chụp ngày 15/02/2024. © Jefferson Siegelon Siegel / AP
Từ Washington, thông tín viên RFI Guillaume Naudin cho biết cụ thể :
Hơn 355 triệu đô la là số tiền mà tòa án New York đã yêu cầu ông Donald Trump phải nộp phạt. Đây là mức án rất gần với mức phạt tối đa mà công tố viên bang New York, bà Letitia James, đã đề nghị.
Kết thúc phiên tòa kéo dài nhiều tuần, thẩm phán khẳng định tập đoàn Trump Organization đã thổi phồng giá bất động sản của mình để có được các hợp đồng bảo hiểm và các khoản vay ngân hàng ưu đãi. Cũng trong phán quyết này, thẩm phán Engoron kết luận rằng tội của Trump không phải tội trọng, một thuật ngữ được sử dụng trong Công Giáo, mà chỉ là tội nhẹ và Donald Trump cũng không giống như kẻ lừa đảo khét tiếng Bernard Madoff. Đây là lý do chính khiến vị thẩm phán này không yêu cầu giải thể doanh nghiệp của Trump.
Tuy vậy, vị cựu tổng thống vẫn bị cấm quản lý bất kỳ công ty nào đăng ký kinh doanh ở New York trong vòng 3 năm. Hai người con trai của ông mỗi người cũng phải trả 4 triệu đô la. Tổng số tiền xử phạt là rất lớn nếu tính thêm cả 80 triệu đô la mà ông Trump phải trả cho tác giả E. Jean Carrol vài ngày trước. Theo báo chí, đây là phần lớn số tiền mặt mà Donald Trump hiện sở hữu.
Nhưng ông Trump sẽ kháng cáo. Và ông còn có những nhà tài trợ hào phóng. Ngay sau phán quyết, được mô tả như một cuộc săn lùng phù thủy, Donald Trump đã viết thư kêu gọi những nhà tài trợ này giúp đỡ về mặt tài chính.
Minh Phương
***************************
Donald Trump, cựu tổng thống Mỹ đầu tiên bị xét xử hình sự
Trọng Thành, RFI, 16/02/2024
Ngày 15/02/2024 sẽ đi vào lịch sử nước Mỹ với việc cựu tổng thống đầu tiên bị tư pháp xét xử tại một phiên tòa hình sự. Quyết định được một tòa án New York đưa ra. Phiên tòa sẽ ra diễn từ ngày 25/03/2024, cũng tại New York. Cựu tổng thống Donald Trump, 77 tuổi, bị cáo buộc làm giả các chứng từ để hợp thức hóa việc trả 130.000 đô la cho nữ diễn viên khiêu dâm Stormy Daniels, nhằm mua lấy sự im lặng của người phụ nữ này.
Hình ký họa tại Tòa Án ở New York : Cựu tổng thống Donald Trump (thứ 3 từ trái) cùng các luật sư bào chữa trình diện tại tòa, ngày 5/02/2024. AP - Elizabeth Williams
Thông tín viên Guillaume Naudin tường trình từ Washington :
"Phiên tòa hình sự đầu tiên trong lịch sử xét xử một cựu tổng thống Mỹ sẽ liên quan đến quan hệ bị tình nghi của bị cáo với một nữ hoàng khiêu dâm. Kết thúc phiên xử hôm qua, mà ông Donald Trump tham dự, thẩm phán đã bác bỏ toàn bộ các đòi hỏi của bên luật sư bào chữa, yêu cầu hoặc đình hoãn, hoặc hủy bỏ phiên tòa nói trên. Phiên tòa hình sự này sẽ bắt đầu vào đúng vào cao điểm của cuộc tranh cử tổng thống.
Donald Trump không bỏ lỡ dịp để nhấn mạnh đến điều này khi rời khỏi phiên xử hôm qua : "Như vậy, thay vì ở bang Nam Carolina hoặc một số bang khác để vận động bầu cử, tôi lại bị kẹt ở đây. Đó là một ví dụ về hành động can thiệp vào bầu cử. Chưa bao giờ có một chuyện như vậy xảy ra. Đây là một điều hổ thẹn. Thực sự là một tình trạng đáng hổ thẹn. Chúng ta cần phải tìm ra giải pháp. Cụ thể là tôi sẽ có mặt tại phiên tòa ban ngày, và ban đêm tôi sẽ đi vận động tranh cử. Biden cũng phải làm như vậy, nhưng ông ta sẽ ngủ thôi".
Donald Trump phải ra tòa với cáo buộc làm giả các chứng từ thuộc một số công ty, có trụ sở tại New York, để trả tiền cho nữ diễn viên khiêu dâm, đổi lại Stormy Daniels giữ im lặng về mối quan hệ với Donald Trump vào thời điểm cuộc tranh cử tổng thống thắng lợi 2016. Cho đến nay cựu tổng thống vẫn phủ nhận mối quan hệ với nữ diễn viên khiêu dâm.
Ông Trump hiện còn đối mặt với ba vụ truy tố hình sự khác : một vụ với tư pháp bang Georgia và hai vụ khác với tư pháp liên bang. Các luật sư của Donald Trump tuyên bố sẽ làm mọi cách để đẩy lùi thời điểm tổ chức các phiên tòa đến sau cuộc bầu cử tổng thống tháng 11".
Hai trong số ba vụ truy tố hình sự nói trên liên quan đến cáo buộc có "các nỗ lực bất hợp pháp nhằm đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020", trong đó có vụ án về các can thiệp nhằm thay đổi kết quả bầu cử tại bang Georgia.
Trọng Thành
Tổng thống Biden ‘không chắc’ sẽ tranh cử nếu ông Trump không chạy đua năm 2024
Reuters, VOA, 07/12/2023
Tổng thống Joe Biden cho biết hôm thứ Ba 5/12 rằng ông lẽ ra đã không cố tái tranh cử năm 2024 nếu như ông không phải đối đầu với ông Donald Trump, vì ông Biden cho rằng đảng Cộng hòa gây ra mối đe dọa đặc biệt cho nước Mỹ.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.
"Nếu ônh Trump không tranh cử, tôi không chắc mình sẽ ra tranh cử", ông Biden nói tại một sự kiện gây quỹ cho chiến dịch tranh cử năm 2024 của ông ở ngoại ô Boston. "Chúng ta không thể để ông ta thắng được".
Lời tự nhận định nổi bật của ông Biden được đưa ra trong bối cảnh ngay cả những cử tri đảng Dân chủ trung thành cũng bày tỏ lo ngại về tuổi tác của tổng thống. Đảng viên Dân chủ này đã tròn 81 tuổi vào tháng trước và là người lớn tuổi nhất trong lịch sử ngự trong Phòng Bầu dục.
"Có người đã soạn cho ông ấy một ý để phát biểu mà họ cho là hay", ông Trump, người từng là tổng thống từ năm 2017 đến 2021, nói tại tòa nhà Fox News hôm 5/12.
Ông Biden, người đang nhắm đến nhiệm kỳ 4 năm lần thứ hai trong cuộc bầu cử vào năm tới, sau đó nói với các phóng viên tại Nhà Trắng rằng ông sẽ không rút ra khỏi cuộc đua.
"Không, không phải bây giờ", ông Biden nói khi được hỏi liệu ông có cân nhắc việc rút lui nếu ông Trump, 77 tuổi, ngừng nhắm đến nhiệm kỳ thứ hai hay không. "Hãy nhìn xem, ông ấy đang tranh cử, thì tôi phải tranh cử chứ".
Khi được hỏi liệu ông có tranh cử nếu ông Trump không tham gia cuộc đua nữa hay không, ông Biden nói : "Tôi mong đợi như vậy".
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020, ông Biden thường nói rằng quyết định tranh cử của ông một phần là do cách xử lý các vấn đề của Tổng thống Trump khi đó, bao gồm cả cuộc tuần hành theo chủ nghĩa dân tộc da trắng năm 2017 ở Charlottesville, bang Virginia.
Hiện tại, ông Biden chỉ phải đối mặt với ít sự cạnh tranh để được đề cử trong đảng của mình và một lần nữa coi ông Trump là mối nguy hiểm cho chính nền dân chủ.
Ông Trump, người phải đối mặt với cáo buộc hình sự vì nỗ lực đảo ngược thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020, đã mô tả ông Biden là một kẻ chuyên quyền nguy hiểm.
Sau khi cân nhắc quyết định trong nhiều tuần với gia đình và những người bạn thân, ông Biden tuyên bố tái tranh cử vào tháng 4, dẫn đến nhiều người tin rằng cả Phó Tổng thống Kamala Harris và bất kỳ ứng cử viên đảng Dân chủ nào khác đều không thể đánh bại ông Trump trong cuộc tổng tuyển cử vào năm tới, theo lời một cựu quan chức Nhà Trắng yêu cầu được giấu tên.
Các trợ lý của tổng thống ngày càng coi vị thế dẫn đầu của ông Trump trong cuộc đua giành đề cử tổng thống của đảng Cộng hòa là không thể vượt qua, theo hai trong số những người thuộc đảng Dân chủ cũng từ chối nêu tên.
Ông Biden đã nhiều lần đưa ra những bình luận về ông Trump trong một đợt gây quỹ rầm rộ bắt đầu vào ngày 5/12 ở Boston và dự kiến sẽ bao gồm ít nhất 9 sự kiện trước cuối tháng này.
"Tôi không nghĩ có ai nghi ngờ nền dân chủ của chúng ta sẽ lại gặp rủi ro lần nữa", ông Biden nói trước đó trong cùng ngày 5/12.
Cuộc thăm dò gần đây cho thấy ứng cử viên dẫn đầu của đảng Cộng hòa dẫn trước ông Biden trong các cuộc đối đầu giả định ở các bang tranh chấp quan trọng và ở cả cấp quốc gia.
Nguồn : VOA, 07/12/2023
*****************************
Bầu cử Mỹ 2024 : Biden, Trump ‘mất điểm’, làm tăng hy vọng cho các bên thứ ba
Reuters, VOA, 18/11/2023
Đối mặt với sự lựa chọn có thể xảy ra giữa ông Donald Trump của Đảng Cộng hòa hoặc ông Joe Biden của Đảng Dân chủ trong cuộc đua tổng thống năm 2024, nhiều người Mỹ đang khao khát những gương mặt trẻ hơn, ít gây chia rẽ hơn.
Ứng cử viên Tổng thống Mỹ bên thứ ba : ông Gary Johnson đảng Tự do trong cuộc bầu cử năm 2012 và bà Jill Stein đảng Xanh tranh cử năm 2024.
Một thị trường rộng lớn và có tiềm năng mang lại kết quả cho các ứng cử viên bên thứ ba - một thị trường chưa từng thấy kể từ những năm 1990 - là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng ở ông Trump và ông Biden, hai đảng lớn có khả năng sẽ đề cử những ứng cử viên không được ưa chuộng một cách bất thường.
Cuộc tái đấu tiềm năng của họ diễn ra khi đất nước đang vật lộn với nỗi lo kinh tế, sự chia rẽ chính trị sâu sắc, cuộc tấn công gây tranh cãi của Israel vào Gaza và những lời kêu gọi rộng rãi về một thế hệ lãnh đạo mới của Mỹ.
Theo một cuộc thăm dò gần đây của Viện Gallup, khoảng 63% người trưởng thành ở Hoa Kỳ đồng ý với tuyên bố rằng Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ "kém cỏi" trong việc đại diện cho người dân Mỹ đến mức "cần có một đảng lớn thứ ba". Tỷ lệ này tăng 7 điểm phần trăm so với một năm trước và là mức cao nhất kể từ khi Viện Gallup lần đầu tiên đặt câu hỏi vào năm 2003.
Cả ông Biden và ông Trump đều phải đối mặt với những thách thức chính nhưng dự kiến sẽ trở thành ứng cử viên của đảng họ vào năm 2024, bất chấp những lo ngại sâu sắc về tuổi tác của ông Biden và hàng loạt cáo trạng hình sự liên bang và tiểu bang mà ông Trump đang đối mặt.
Chưa có ứng cử viên bên thứ ba nào giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ thời hiện đại, mặc dù đôi khi họ đóng vai trò là kẻ phá hoại bằng cách lấy phiếu bầu từ các ứng cử viên của các đảng lớn.
Năm 1992, doanh nhân tỷ phú Ross Perot đã giành được 19% số phiếu bầu, được cho là đã chuyển Toà Bạch Ốc sang ứng viên đảng Dân chủ Bill Clinton thay vì Tổng thống đương nhiệm George H.W. Bush.
Nhà hoạt động chính trị Ralph Nader giành được ít hơn 3% sự ủng hộ vào năm 2000 nhưng đã lấy đủ số phiếu từ ứng cử viên Đảng Dân chủ Al Gore ở Florida để mang lại chiến thắng cho George W. Bush ở bang này và cùng với đó là Tòa Bạch Ốc.
Giờ đây, một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos cho thấy Robert F. Kennedy Jr., hậu duệ của triều đại Đảng Dân chủ, người đã phát động cuộc tranh cử tổng thống độc lập vào tháng 10, có thể giành được 20% trong cuộc cạnh tranh tay ba với ông Biden và ông Trump.
Ông Kennedy được hỗ trợ bởi SuperPac "American Values 2024", tổ chức đã huy động được hơn 17 triệu đô cho nỗ lực tranh cử của ông từ một số nhà tài trợ có túi tiền dồi dào, bao gồm cả một người ủng hộ ông Trump trước đây.
"American Values 2024" hôm 14/11 đã tổ chức một sự kiện nhắm đến các cử tri Da đen và La tinh ở Manhattan, thu hút khoảng 40 người, trong đó có một số người không biết các chính sách cốt lõi của ông Kennedy nhưng nói rằng họ đánh giá cao tiềm năng đột phá của ông.
"Chúng tôi tìm kiếm một kẻ nổi loạn kể từ thời ông Barack Obama. Chúng tôi nghĩ ông ấy là một kẻ nổi loạn, sau đó chúng tôi nghĩ ông Bernie Sanders là một kẻ nổi loạn. Sau đó, chúng tôi nghĩ ông Trump là một kẻ nổi loạn. Bây giờ, tất nhiên, chúng tôi biết, ông RFK là một kẻ nổi loạn", ông Larry Sharpe, cựu ứng cử viên Đảng Tự do cho chức thống đốc New York, người đã tham dự sự kiện này, nói.
Cả hai đảng đều bày tỏ lo ngại về nỗ lực của ông Kennedy. Đảng Dân chủ lo ngại giòng họ nổi tiếng của ông và các chính sách ủng hộ môi trường, chống doanh nghiệp sẽ gây được tiếng vang với một số cử tri của họ. Đảng Cộng hòa lo ngại quan điểm chống vắc-xin và sự nổi tiếng của ông trên các nền tảng bảo thủ có thể thu hút sự ủng hộ của cử tri.
Cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos và những cuộc thăm dò khác cho thấy ông Kennedy thu hút khá ngang bằng các đảng viên Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ trong cuộc đua ba bên. Tuy nhiên, đảng Dân chủ không xem nhẹ chuyện gì cả.
Ông Matt Bennett, người đồng sáng lập tổ chức trung tả Dân chủ Third Way, nói : "Quan điểm chung của chúng tôi là bất cứ điều gì gây chia rẽ liên minh chống Trump đều là xấu. Và vì vậy, bất kỳ lựa chọn nào bạn đưa ra cho những cử tri đơn giản là không thể bỏ phiếu cho ông Trump, ngoài Joe Biden, đều có vấn đề".
Ông Tony Lyons, người đồng sáng lập "American Values 2024" nói với Reuters rằng ông Kennedy không nên bị coi là mối nguy hiểm đối với chỉ ông Biden hay chỉ ông Trump. Ông Lyons nói tại sự kiện ở Manhattan : "Ông ấy là mối nguy hiểm cho hệ thống hai đảng tham nhũng đang không làm những việc để giúp đỡ những người trong căn phòng này".
Phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của ông Trump, Steven Cheung, nói : "Các cuộc thăm dò cho thấy Tổng thống Trump hoàn toàn đè bẹp ông Joe Biden ngay cả khi có các ứng cử viên khác có mặt, cả trên toàn quốc và ở các tiểu bang chiến trường".
Chiến dịch tranh cử của ông Biden từ chối bình luận.
‘Mọi người muốn có lựa chọn tốt hơn’
Trong khi tiền đang chảy vào các lựa chọn thứ ba, ông Biden và ông Trump thậm chí còn huy động được nhiều hơn. Tổng thống và các đồng minh của ông đã thu về 71 triệu đô la trong qúy vừa qua và ông Trump đã huy động được 45,5 triệu đô la.
No Labels, một nhóm chính trị bên thứ ba, đã huy động được 60 triệu đô la cho năm 2024 và đủ điều kiện tham gia bỏ phiếu ở 12 tiểu bang, bao gồm cả các tiểu bang chiến trường Arizona, Nevada và North Carolina – mà không có ứng cử viên nào tại chỗ.
Ông Ryan Clancy, chiến lược gia trưởng của No Labels, một nhóm lưỡng đảng đang nỗ lực tranh cử tổng thống đầu tiên sau vài năm ủng hộ các ứng cử viên ôn hoà trong Quốc hội, nói : "Chúng tôi đã cố gắng nắm bắt nhịp đập của cử tri trong hai năm qua và vẫn là một điều rằng mọi người muốn có những lựa chọn tốt hơn".
Nhóm này đang ve vãn cựu Thống đốc Đảng Cộng hòa Larry Hogan của Maryland và Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Joe Manchin, một đảng viên Đảng Dân chủ bảo thủ đến từ Tây Virginia, người gần đây đã tuyên bố sẽ không tái tranh cử vào Thượng viện.
Khi được hỏi liệu ông có cân nhắc việc vào Toà Bạch Ốc hay không, ông Manchin ngày 15/11 nói với NBC News : "Tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể để giúp đỡ đất nước của mình".
Ông Clancy cho biết No Labels lên kế hoạch tổ chức đại hội đề cử vào tháng 4 và sẽ chọn một liên danh tổng thống nếu trận tái đấu Biden-Trump là không thể tránh khỏi và nếu họ tin rằng các ứng cử viên của mình có thể giành chiến thắng.
Các ứng cử viên bên thứ ba khác được coi là ít đe dọa hơn. Ông Cornel West, một triết gia và nhà lãnh đạo xã hội Da đen, cũng đang tranh cử với tư cách là một người độc lập và hy vọng thương hiệu chính trị tiến bộ trực tiếp của ông sẽ ảnh hưởng đến cuộc tranh luận năm 2024.
Bà Jill Stein gần đây đã thông báo rằng bà sẽ một lần nữa tranh cử vào Toà Bạch Ốc với tư cách là ứng cử viên Đảng Xanh. Cả ông West và bà Stein đều dự kiến sẽ nhận được một tỷ lệ phiếu bầu không đáng kể và sẽ phải vật lộn để có tên trong danh sách phiếu bầu của các tiểu bang.
Reuters
Nguồn : VOA, 18/11/2023
Ai là người cả gan truy tố cựu tổng thống Trump ?
Trọng Thành, RFI, 01/04/2023
Ngày 30/12/2023 sẽ đi vào lịch sử nước Mỹ với việc lần đầu tiên một cựu tổng thống Hoa Kỳ bị truy tố. Đáng chú ý hơn nữa là cựu tổng thống bị truy tố là người đầy uy lực trong công luận và chính giới Mỹ : tỉ phú Donald Trump. Thành phố New York phải huy động hơn 50.000 nhân viên cảnh sát và dân sự để bảo vệ an ninh trong thời gian ông Trump dự kiến trình diện tòa ngày 04/03, theo các nguồn tin của NBC News. Ai là người đã cả gan truy tố Trump?
Biện lý Alvin Bragg (người cầm cặp) đến văn phòng Công tố Manhattan, New York, ngày 29/03/2023. Reuters – Andrew Kelly
Ngày 30/03, một đại bồi thẩm đoàn của bang New York đã thông qua quyết định truy tố ông Donald Trump, theo đề nghị của biện lý Alvin Bragg, người đứng đầu cơ quan công tố Manhattan, bang New York. Hiện thời cáo trạng chưa được chính thức công bố, nhưng một trong những cáo buộc được truyền thông nhắc đến nhiều là việc ông Trump, trước khi đắc cử tổng thống, đã chi tiền bất hợp pháp để bịt miệng một nữ diễn viên phim khiêu dâm, cô Stormy Daniels, mà đương sự có quan hệ.
Áp lực Hạ Viện : Lên án "vụ lạm quyền chưa từng có"
Theo ABC News, ngay sau khi có thông tin về khả năng ông Trump bị truy tố, ngày 20/03, nhiều đảng viên Cộng hòa trong Ủy ban Tư pháp Hạ Viện Mỹ, đứng đầu là dân biểu Jim Jordan bang Ohio, chủ tịch Ủy ban Tư pháp đã gửi thư đến viên biện lý để gây áp lực. Đêm hôm 30/03, chủ tịch Hạ Viện Kevin McCarthy trên Twitter tố cáo biện lý Alvin Bragg là "kẻ lạm dụng quyền lực chưa từng có", đã "sử dụng hệ thống pháp lý thiêng liêng" của nước Mỹ để "chống lại tổng thống Donald Trump".
Biện lý Alvin Bragg, 49 tuổi, người đứng đầu cơ quan công tố Manhattan, bang New York, cũng là người da đen đầu tiên phụ trách cơ quan này. Alvin Bragg sinh trưởng tại khu Harlem, New York. Ngay từ nhỏ Alvin Bragg đã bị chấn động trước những hành xử bạo lực, phi pháp của lực lượng an ninh đối với các cộng đồng thiểu số da đen và gốc Mỹ Latinh. Năm 2021, khi hồi tưởng lại thời trẻ, biện lý Alvin Bragg cho biết, hồi đó ông đã nhận ra rằng đất nước không thể có được an ninh thực sự, nếu người dân không tin vào luật pháp.
Alvin Bragg, biện lý quận Manhattan, phát biểu trong một cuộc họp báo ở New York, ngày 19/10/2022. Benjamin Norman/New York Times/Redux
Không nhắm người phạm tội vặt, mà nhắm kẻ máu mặt
Biện lý Alvin Bragg tốt nghiệp luật ở Harvard, từng là cấp phó của chưởng lý bang New York, và từng làm việc tại một cơ sở của cơ quan công tố liên bang tại New York. Ngay từ khi kế nhiệm biện lý Cyrus Vance Jr. hồi tháng 1/2022, biện lý Alvin Bragg đã coi "giới tội phạm cổ cồn trắng" là mục tiêu ("cổ cồn trắng" là cụm từ thường dùng để chỉ nhóm xã hội thượng lưu).
Biện lý Alvin Bragg hứa hẹn một thành phố New York "công bằng và an ninh". Xúc động bởi cái chết oan ức của người da đen George Floyd dưới tay một cảnh sát da trắng, biện lý Alvin Bragg đã cam kết cố gắng không truy tố các vi phạm được đánh giá là nhỏ, như đi lậu vé tàu, kháng cự lại hành động câu lưu của cảnh sát. Đối với ông, nhà tù là biện pháp cực chẳng đã với những thành phần dân cư thấp cổ bé họng.
Ngược lại, "giới tội phạm cổ cồn trắng" là đích chính của ông. Một trong những "thành tích" của ông trong thời gian hơn một năm lãnh đạo cơ quan công tố Manhattan vừa qua là đã buộc Trump Organization, doanh nghiệp gia đình của tỉ phú Trump, phải nộp phạt 1,6 triệu đô la tiền biển thủ tài chính, trốn thuế. Allen Weisselberg, cựu giám đốc tài chính của Trump Organization, một người thân tín của Trump, đã chấp nhận hợp tác với tư pháp, nộp phạt 2 triệu đô la, và chịu án 5 tháng tù.
Một người ủng hộ đeo mặt nạ cựu tổng thống Donald Trump, một tay giơ ngón cái, một tay chỉ vào chiếc xe cảnh sát thành phố New York (NYPD), Hoa Kỳ, ngày 24/03/2023. Reuters/Amanda Perobelli Reuters – Amanda Perobelli
Gershman : "cuộc điều tra táo bạo"
Giới trong ngành có những đánh giá trái ngược về biện lý Alvin Bragg. Báo Mỹ New York Times từng thuật lại việc viên biện lý hồi 2022 bị hai trợ lý chưởng lý cáo buộc đã do dự trước quyết định có cần truy tố cựu tổng thống hay không. Hai nhân vật nói trên đã từ chức vào tháng 2/2022 để tố cáo thái độ "hoài nghi" của Alvin Bragg về cuộc điều tra nhắm vào Donald Trump. Ngược lại, trả lời AFP, cựu biện lý Bennett Gershman, nguyên trợ lý đặc biệt của chưởng lý bang New York, thừa nhận "Bragg là một người khôn khéo và thực tế", đồng thời hoan nghênh "cuộc điều tra táo bạo" nhắm vào tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Cựu biện lý Bennett Gershman cũng là một nhân vật kỳ cựu, và nổi tiếng trong giới luật học. Ông là chuyên gia hàng đầu nước Mỹ về ngành công tố, đồng sáng lập trường Luật - Đại học Pace năm 1976.
Cuộc đối đầu giữa biện lý Alvin Bragg và cựu tổng thống Donald Trump hứa hẹn nhiều bất ngờ. Theo The Washington Post hôm qua, ông Trump sẽ từ Florida bay đến New York vào thứ Hai 03/04, trước ngày ra trình diện tòa. Luật sư Joe Tacopina của cựu tổng thống, ngày hôm qua, cũng cho biết, thân chủ của ông không có ý định cố thủ ở Mar-a-Lago.
Hiện tại, tình hình ở New York trước ngày cựu tổng thống ra trình diện tư pháp có vẻ yên ắng. Theo AFP, ngày hôm qua, mới chỉ có khoảng vài chục người ủng hộ hay phản đối Trump có mặt ở Manhattan. Một số người ủng hộ cuồng nhiệt cựu tổng thống, trong đó có dân biểu Cộng hòa Marjorie Taylor Greene, báo trước sẽ biểu tình trước tòa án trong thời gian ông Trump ra trình diện.
Những người biểu tình chống Trump giương biểu ngữ 'Trump lies all the Time'' (tạm dịch là Trump nói dối như cuội) tại một một công viên gần Tòa án Manhattan, ngày 23/03/2023. © Reuters – Mike Segar © Reuters
"Không khí kỳ lạ" ở New York
Trước trụ sở tòa án New York, nơi an ninh siết chặt từ mươi ngày nay, một phụ nữ qua đường cho AFP biết hệ thống chính trị nước Mỹ, cơ chế cân bằng quyền lực ở nước Mỹ đang bị chao đảo với những nỗ lực "gây chia rẽ đất nước" của Donald Trump. Pilar Banos, một nữ du khách Tây Ban Nha 72 tuổi, ghé thăm New York, ghi nhận vụ truy tố cựu tổng thống đang tạo ra một "bầu không khí kỳ lạ" ở thành phố này.
Cựu tổng thống Trump thường xuyên lên án biện lý Alvin Bragg là "kỳ thị chủng tộc" và "thiên tả". Ngược lại, viên biện lý New York cam kết các "nỗ lực nhằm hù dọa các nhân viên công lực, đe dọa chống nhà nước pháp quyền ở New York sẽ không được khoan thứ".
Trọng Thành
**********************
Hoa Kỳ : Cựu tổng thống Donald Trump bị truy tố hình sự
Anh Vũ, RFI, 31/03/2023
Lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, một cựu tổng thống bị truy tố hình sự. Ngày 30/03/2023, bồi thẩm đoàn của New York đã thông qua quyết định truy tố ông Donald Trump do công tố viên Alvin Bragg đệ trình, với cáo buộc chi tiền để bịt miệng một nữ diễn viên phim khiêu dâm.
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tại Orlando, Florida, Hoa Kỳ ngày 26/02/2022. AFP – Chandan Khanna
Ông Donald Trump bị truy tố hình sự trong một vụ án liên quan đến các cáo buộc đương sự chi 130.000 đô la để "mua sự im lặng" của diễn viên phim sex Stormy Daniels thông qua luật sư riêng của ông là Michael Cohen trong những ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử năm 2016. Ngoài ra, ông Trump cũng bị điều tra về cáo buộc làm sai lệch hồ sơ kinh doanh, trốn thuế và vi phạm luật liên quan đến tài trợ chiến dịch tranh cử.
Ông Trump được yêu cầu phải trình diện trước tòa án Manhattan vào thứ Ba tới để nghe nội dung cáo trạng và biện hộ nhận tội hay không.
Đây là vụ việc chưa từng có trong lịch sử đối với một cựu tổng thống Mỹ. Ngay sau đó, cựu tổng thống Trump đã có phản ứng gay gắt với quyết định của bồi thẩm đoàn Manhattan.
Ông Trump gọi đây là "cuộc truy bức chính trị và can thiệp bầu cử ở mức độ cao nhất trong lịch sử", theo CNN. Cựu tổng thống Mỹ (2017-2021) đã liên tục phủ nhận các cáo buộc nói trên, đồng thời cảnh báo vào tuần trước về những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra nếu ông bị bắt và bị buộc tội.
Thông tin truy tố cựu tổng thống, ứng viên của đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống 2024, đã được chính ông Trump tung ra cách đây hơn một tuần, ngay lập tực đã gây những phản ứng rộng rãi trong chính trường Mỹ.
Thông tín viên Guillaume Naudin tại Washington cho biết chi tiết :
Không bất ngờ, phe Cộng hòa đoàn kết đứng sau cựu tổng thống. Cần phải nói rằng ông đang khát khao trở lại với sự ủng hộ của nhiều cử tri bảo thủ. Chủ tịch Hạ Viện, Kevin McCarthy, đã nhờ vào những lá phiếu của những người thân Trump mới có được vị trị hiện nay, hứa sẽ khiến công tố viên Alvin Bragg phải chịu trách nhiệm về quyết định này. Cựu phó tổng thống Mike Pence, từng bị những người ủng hộ Trump đe dọa hôm 06/01/2021, cũng lên án đây là vụ bê bối. Ngay cả ứng viên tranh cử trong đảng Cộng hòa chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống 2024, Ron DeSantis, trên cương vị thống đốc bang Florida, bang mà ông Donald Trump đang cư trú, đã hứa sẽ không tạo điều kiện trong trường hợp ông Trump bị dẫn giải về New York.
Trái lại, về phía đảng Dân chủ, đó là sự thỏa mãn. Chủ tịch ủy ban đặc biệt điều tra vụ 6 tháng Giêng, đã giải thể, ông Bennie Thompson lý giải rằng như vậy là không một ai có thể đứng trên pháp luật.
Nhà Trắng vẫn giữ im lặng. Tổng thống Joe Biden chưa bao giờ bỏ lỡ cơ hội bảo vệ tính độc lập của Tư pháp. Nhưng ông giữ thận trọng khi mà đang chuẩn bị ra ứng cử thêm nhiệm kỳ nữa. Có điều là những hệ quả chính trị của quyết định này sẽ còn khó có thể lường hết được.
Anh Vũ
Các tổng thống trong thời hiện đại của Mỹ như Barack Obama và Ronald Reagan ở vị trí gần đầu trên bảng xếp hạng các nhà lãnh đạo xuất sắc nhất trong lịch sử Mỹ, trong khi ông Donald Trump nằm gần cuối bảng, theo cuộc khảo sát mới nhất của các nhà sử học chuyên nghiên cứu về tổng thống.
Tượng đài của Tổng thống Abraham Lincoln tại Washington, người được đánh giá là Tổng thống giỏi nhất nước Mỹ.
Năm tổng thống được đánh giá cao nhất, theo cuộc khảo sát C-SPAN, là Abraham Lincoln, George Washington, Franklin D. Roosevelt, Theodore Roosevelt và Dwight D. Eisenhower.
Năm người cuối bảng bao gồm William Henry Harrison, Donald Trump, Franklin Pierce, Andrew Johnson và James Buchanan.
Điểm chung của các vị tổng thống đứng đầu danh sách là hầu hết đều phải đối mặt với những thách thức to lớn liên quan đến sự tồn vong của quốc gia. Tổng thống Lincoln đối phó với cuộc Nội chiến và giữ cho đất nước không bị chia cắt. Ông Washington, tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, giúp nuôi dưỡng nền dân chủ chớm nở bằng cách không trở thành vua và từ chức sau khi làm tổng thống. Ông Franklin Roosevelt lãnh đạo nước Mỹ trong Thế chiến II và ông Eisenhower đàm phán chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên.
"Họ đều là tổng thống trong những giai đoạn quan trọng trong lịch sử nước Mỹ", bà Cassandra Newby-Alexander, giáo sư lịch sử tại Đại học Tiểu bang Norfolk, người tham gia cuộc khảo sát, nhận xét. "Và tất cả họ, từ John F. Kennedy (hạng 8), cho đến Abraham Lincoln (hạng nhất) đã tạo ra một số tầm nhìn lý tưởng về nước Mỹ".
Các tổng thống được đánh giá dựa trên tầm nhìn của họ đối với nước Mỹ, khả năng thuyết phục công chúng, khả năng lãnh đạo khủng hoảng, kinh tế, thẩm quyền đạo đức, đối ngoại, kỹ năng hành chính, mối quan hệ với Quốc hội, theo đuổi công lý bình đẳng và hiệu quả hoạt động của họ trong bối cảnh thời gian họ lãnh đạo đất nước.
Nhà khoa học chính trị Robert Kaufman, giáo sư chính sách công tại Đại học Pepperdine, người cũng tham gia cuộc khảo sát, nói rằng điều quan trọng là phải phân biệt giữa sự vĩ đại và một tổng thống hiệu quả.
Ông nói : "Không phải tất cả các tổng thống hiệu quả đều có thể trở nên vĩ đại, theo ước tính của tôi, bởi vì sự vĩ đại cũng phụ thuộc vào mức độ của thử thách".
"Theodore Roosevelt, vào đầu thế kỷ 20, và Bill Clinton, vào cuối thế kỷ, đã hoạt động hiệu quả, nhưng chưa bao giờ phải đối mặt với loại thách thức có thể trở thành vĩ đại".
Người đứng cuối danh sách, James Buchanan, thường được xếp hạng là một trong những tổng thống tồi tệ nhất của Hoa Kỳ. Việc ông từ chối có quan điểm rõ ràng về vấn đề nô lệ, trong khi đôi lúc lại đứng về phía các chủ nô, được cho là đã gây chia rẽ trong nước trước Nội Chiến.
Và, mặc dù nói rằng có thể là một ý kiến không được phổ biến, nhưng ông Kaufman cho rằng Tổng thống Trump (hiện xếp hạng 41 trong số 44 tổng thống) cũng sẽ vượt lên trong các cuộc khảo sát trong tương lai. Theo ông, theo năm tháng, ông Trump sẽ được ghi công vì đã đặt một số vấn đề từ lâu đã bị phớt lờ lên bàn - chủ quyền, đặc biệt là Trung Quốc, và vấn đề độc lập về năng lượng.
"Tôi nghĩ rằng Trung Quốc, mối đe dọa chính sách đối ngoại thống trị trong thời đại của chúng ta, theo ước tính của tôi, là thứ mà ông Trump sẽ nhận được nhiều tín nhiệm hơn, về cơ bản, chứ không phải về mặt tính khí, so với những gì người ta đánh giá hiện nay trong nhiệm kỳ tổng thống của ông ấy".
Tổng thống đương nhiệm, Joe Biden, không có tên trong danh sách, và các nhà sử học nói rằng còn quá sớm để phán xét ông.
Nguồn : VOA, 17/06/2022
Tổng thống mới và tương lai nước Mỹ trong 4 năm tới
Phạm Trần, 04/11/2020
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 3/11/2020 đã khép lại, nhưng nước Mỹ sẽ đi về đâu trong 4 năm tới là câu hỏi ai cũng muốn biết, bất kể đương kim Tổng thống Donald Trump tái đắc cử hay Tổng thống mới Joe Biden lên cầm quyền.
Ai sẽ là Tổng thống Mỹ cho 4 năm tới : cựu Phó Tổng thống Joe Biden hay đương kim Tổng thống Donald Trump mãn nhiệm ?
A. Nếu Donald Trump tái đắc cử
Trước hết, hãy dự đoán về chính sách đối nội và đối ngoại của Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ hai. Ông Trump của 4 năm nhiệm kỳ đầu là người chủ trương "nước Mỹ trên hết" (America First) để ưu tiên bảo vệ quyền lợi Mỹ, không quan tâm tới những vị phạm nhân quyền của các nước đối tác.
1. Đối ngoại
- An ninh và thương mại
Nước Mỹ dưới thời Donald Trump không còn hào hiệp bảo vệ an ninh miễn phí cho các nước trong khối NATO (North Atlantic Treaty Organization) và Canada, đã có từ năm 1949, hay gánh vác phí tổn trong Security Treaty với ANZUS gồm Nhật Bản, Úc Đại Lợi (Australia) và Tân Tây Lan (New Zealand), hoặc với Hiệp ước Quốc phòng song phương với Nam Hàn năm 1953 (The Mutual Defense Treaty with the Republic of Korea (ROK).
Hoa Kỳ hiện có khoảng 50.000 quân đồn trú tại Nhật, 35.000 quân tại Đức và lối 28.000 quên tại Nam Hàn. Hàng năm, Nhật chi tiêu khoảng 2 tỷ USD để mua sắm vũ khí của Mỹ và trả cho các phí tổn khác để chia bớt gánh nặng chi tiêu với Mỹ, trong khi chi tiêu cua Nam Hàn khoảng 1 tỷ USD.
Đối với Trung Quốc, Donald Trump đã tăng cường hoạt động của Hải quân Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương để canh chừng sự bành trướng quân sự và chính trị của Trung Quốc, song song với với cuộc chiến thương mại nhằm giảm thiểu tác động xấu đối với thâm thủng trong cán cân mậu dịch với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, cán cân thương mại của Mỹ với các nước đã liên tiếp ở dạng "âm". Theo thống kê, do hãng tin AP (Associated Press) công bố ngày 3/9/2020 cho thấy vào tháng 7/2020, số hàng Mỹ nhập cảng tăng 18,9%, cao hơn tháng 6 khi chỉ số âm là 53,5 tỷ USD. Số "âm" mậu dịch trong tháng 7/2020 của Mỹ là 10,9%, tăng lên 231,7 tỷ USD, trong khi trị giá hàng xuất khẩu của Mỹ, tuy có tăng nhưng cũng chỉ ở mức 8,1%, hay 168,1 tỷ USD.
Riêng với Trung Quốc thì nước Mỹ có số "âm" 31,6 tỷ USD trong tháng 7/2020, tăng 11,5% so với tháng 6.
Chính sách ngoại giao co cụm, không muốn Mỹ tiếp tục đóng vai "cảnh sát" thế giới của chính quyền Trump đã khiến cho các nước Đồng minh lo ngại và băn khoăn liệu nước Mỹ có đến giúp khi họ bị tấn công hay cứ dửng dưng đứng ngoài nhìn vào ?
- Bỏ đa phương
Lập trường của Donald Trump
Bằng chứng là ông Trump, trong diễn văn trước Hội nghị APEC (Asia-Pacific Economic Cooperation) tại Đà Nẵng ngày 10/11/2017, đã cổ võ cho chính sách mậu dịch "song phương", trái với lập trường "đa phương và hội nhập" của Chủ tịch, Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ông Trump nói :
"Mỹ sẵn sàng phối hợp với từng lãnh đạo trong hội trường này hôm nay để đạt được thương mại cùng có lợi mang lại lợi ích cho cả nước bạn lẫn nước tôi. Đó là thông điệp mà tôi muốn truyền tải ở đây.
Tôi sẽ ký các thỏa thuận thương mại song phương với bất cứ quốc gia Ấn Độ - Thái Bình Dương nào muốn trở thành đối tác của Mỹ và sẽ tuân thủ nguyên tắc thương mại công bằng và có đi có lại. Điều chúng tôi không tiếp tục làm là tham gia vào những thỏa thuận lớn trói tay nước Mỹ, ảnh hưởng đến chủ quyền, cũng như khiến việc thực thi điều đó một cách có ý nghĩa trở nên bất khả thi trong thực tế…
Từ hôm nay trở đi, chúng ta sẽ cạnh tranh một cách công bằng và bình đẳng. Chúng tôi sẽ không để nước Mỹ bị lợi dụng thêm nữa. Tôi sẽ luôn đặt nước Mỹ lên hàng đầu, như cách mà tôi mong muốn tất cả các bạn trong hội trường này đưa tổ quốc mình lên trên hết".
(trích APEC-Việt Nam, 10/11/2017)
Lập trường Tập Cận Bình
Trái với chính sách tự cô lập mình của Donald Trump, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiệt liệt cổ võ hợp tác "đa phương" và "hội nhập toàn cầu" để mưu cầu phúc lợi cho các dân tộc.
Ông Tập nói :
"Chúng ta cần thượng tôn chủ nghĩa đa phương cùng theo đuổi phát triển chung thông qua xây dựng các mối quan hệ đối tác, xây dựng cộng đồng chung vì tương lai của mọi người. Tôi tin rằng đây là điều cần phải làm.
Đối mặt với những thay đổi sâu sắc trong kinh tế toàn cầu chúng ta nên dẫn đầu toàn cầu hóa kinh tế hay chỉ ngờ vực và do dự, bỏ lỡ cơ hội. Chúng ta có nên cùng nhau thúc đẩy hợp tác khu vực hay mỗi người, mỗi nước đi một đường. Đây là câu trả lời của chúng ta : chúng ta phải đi cùng với thời đại, đáp ứng được trách nhiệm của mình…
Chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế mở có lợi cho tất cả mọi người, sự mở cửa mang lại tiến bộ còn đóng cửa khiến chúng ta ở lại phía sau, các nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương hiểu điều này quá rõ".
(trích APEC-Việt Nam, 10/11/2017)
Sau Đà Nẵng, ông Trump đến Hà Nội để chính thức thăm Việt Nam trong 2 ngày, từ 11 đến 12/11/2017.
Trong thời gian ngắn ngủi này, phái đoàn Mỹ đã tập trung ký kết với Việt Nam các thỏa thuận thương mại trị giá 12 tỷ USD.
Trong tất cả các cuộc họp chính thức với Chủ tịch nước Trần Đại Quang (hồi đó), hay trong 2 cuộc thăm xã giao với Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng (trước khi ông Trọng kiêm luôn chức Chủ tịch nước, sau khi Trần Đại Quang qua đời năm 2018) và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vấn đề nhân quyền và nhu cầu tự do dân chủ của người dân Việt Nam đã không được nói tới.
Trong Tuyên bố chung 14 điểm phổ biến trước giờ Donald Trump rời Hà Nội, hai bên chỉ ghi 19 chữ ngắn ngủi : "Lãnh đạo hai nước ghi nhận tầm quan trọng của việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người".
Như vậy về cơ bản, Donald Trump sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách ngoại giao không kèm theo những điều kiện tôn trọng nhân quyền trong các thỏa hiệp thương mại và kinh tế với bất cứ quốc gia nào, kể cả với đối thủ hàng đầu là Trung Quốc.
Trên bình diện bảo vệ an ninh thế giới, nhiệm kỳ 2 của ông Trump cũng vẫn không thay đổi đối với chính sách bành trướng chủ quyền của Do Thái trên các vùng đất tranh chấp với người Palestine và khối Ả Rập. Donald Trump sẽ tiếp tục sử dụng các biện pháp chế tài nhiên liệu và kinh tế với Iran để trừng phạt nước này không ngưng sử dụng các lò nguyên tử để chế tạo vũ khí giết người. Iran nói hoạt động nguyên tử năng của họ chỉ để phục vụ cho các mục tiêu hòa bình.
- Gọng kìm Ấn Độ - Thái Bình Dương
Chính sách quốc phòng tầm xa của Mỹ cũng dự trù tiếp tục xúc tiến một liên minh an ninh giữa Mỹ với Ấn Độ, Nhật Bản, Úc Đại Lợi để đối phó với chính sách bành trướng quân sự và kinh tế của Trung Quốc ở khu vực Châu Á-Thái Binh Dương và Ấn Độ Dương.
Hoa Kỳ cũng đã có tầm nhìn đến Việt Nam như một thành viên mới trong mắt xích ngăn chặn Trung Quốc ở Đông Nam Á, nhưng lại tự chế không công khai để tránh phản ứng của Trung Quốc.
Việt Nam biết rõ như thế nên đã tránh nói nhiều đến vấn đề tế nhị này, trong khi tiếp tục nhấn mạnh đến chính sách quốc phòng "4 không", bao gồm :
1) Không tham gia liên minh quân sự ;
2) Không liên kết với nước này để chống nước kia ;
3) Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác ;
4) Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Vì Việt Nam và Mỹ không có hiệp ước an ninh chung như Phi Luật Tân và Hoa Kỳ nên khi bị Trung Quốc tấn công, hay đánh chiếm thêm các vị trí ở Biển Đông thì Hoa Kỳ không thể tự động can thiệp nếu không có yêu cầu chính thức của Hà Nội.
Dường như biết nhau quá rõ nên Trung Quốc đã khuyến cáo Việt Nam không nên "thả mồi bắt bóng" để quá thân thiện với Hoa Thịnh Đốn. Báo chí Trung Quốc và các nhà bình luận cúa báo Hoàn Cầu, một ấn bản phụ của tờ Nhân Dân ở Bắc Kinh đã cảnh giác Việt Nam không nên có hành động "phản nghịch" nếu không muốn bị trừng phạt những đòn chí mạng về kinh tế và thương mại.
Tuy nhiên, từ một năm qua, báo chí Việt Nam đã tỏ ra phấn khởi để loan tin rộng rãi các hoạt động của tầu chiến và máy bay Mỹ đi tuần tra ở vùng Biển Đông, đặc biệt theo dõi hoạt động của Hải quân Trung quốc gần vùng Hoàng Sa.
Nhìn chung, đó là chính sách dự kiến ở Châu Á của chính quyền Trump nhiệm kỳ 2, nếu kết qủa bầu cử ngày 3/11/2020 xác minh ông chiến thắng.
Về chính sách đối với Châu Âu, Donald Trump dự trù sẽ không thay đổi. Nhưng mối giao hảo sẽ tiếp tục ở trạng thái "bằng mặt nhưng không bằng lòng" trên các lĩnh vực an ninh chung và mậu dịch. Ngược lại việc ông công khai "thân thiện" với đối thủ của nước Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã khiến cho nhiều đồng minh Châu Âu nhăn mặt khó chịu, đặc biệt với bà Thủ tướng Đức, Angela Merkel.
2. Đối nội
Trong lĩnh vực đối nội, chính quyền Donald Trump của nhiệm kỳ 2 sẽ cố gắng phục hồi nền kinh tế bị xuống dốc vì đại dịch Covid-19, đồng thời sẽ có những chính sách nâng cao đời sống người dân Mỹ, tạo thêm công ăn việc làm và phục hồi an ninh nội địa là những việc làm nhằm bổ túc cho những "điểm sáng" trong di sản mà ông Trump hy vọng sẽ để lại trong lịch sử Hoa Kỳ.
Viễn ảnh nào cho tương lai nước trong 4 năm tới ? Joe Biden chủ trương phục hồi lại vai trò lãnh đạo trong và ngoài nước Mỹ...
B. Nếu Joe Biden thắng cử
Đối với ông Joe Biden, một chuyện gia về Ngoại giao trong thời gian 36 năm là Thượng nghị sĩ và 8 năm làm Phó Tổng thống dưới thời Tổng thống Barack Obama, ông chủ trương phục hồi lại vai trò lãnh đạo trong nước Mỹ song song với vai trò lãnh đạo của Mỹ trên chính trường quốc tế.
1. Phục hồi lại vai trò lãnh đạo
Trong bài diễn văn tại The Graduate Center at CUNY (City University of New York) tại New York, ngày 11/07/2019, ông Biden đã nói về "Vì sao Hoa Kỳ phải nắm lại vai trò lãnh đạo" (1).
Ông Biden cho biết khi là Tổng thống, ông ta sẽ cổ võ cho an ninh và sự thịnh vượng và giá trị của nước Mỹ bằng cách thực hiện ngay lập tức những bước cần thiết để tái lập nền dân chủ của nước Mỹ và liên minh, bảo vệ tương lai kinh tế, lãnh đạo Thế giới để đối phó với những thách đố khẩn trương của toàn cầu (2).
Ông Biden cũng nói với nhân dân Mỹ rằng, dưới Chính quyền Biden, nước Mỹ sẽ lãnh đạo qua những việc làm cụ thể và vận động Thế giới để đương đầu với những hiểm họa chung trong những lĩnh vực mà không nước nào có thể một mình đối phó được, từ thay đổi khí hậu đến vũ khí hạch nhân, từ chủ trương xâm lăng của nước lớn và nạn khủng bố xuyên quốc gia, từ chiến tranh kỹ thuật điện tử đến di dân ồ ạt (3).
Ngoài ra Joe Biden còn khẳng định sẽ tái lập những cam kết về nhân quyền và dân chủ khắp Thế giới (4).
Và, ông Biden, với tư cách Tổng thống, ngay trong năm đầu tiên, sẽ triêu tập và chủ trì một Hội nghị Quốc tế về Dân chủ để làm mới ý chí và chia sẻ trách nhiệm chung của các quốc gia trong Thế giới tự do (5).
Hội nghị thượng đỉnh này nhằm đem lại những cam kết mới của các nước trong 3 lĩnh vực : 1) Chống tham nhũng ; 2) Chống chủ nghĩa độc tài, kể cả chính sách an ninh bầu cử ; 3) Phát triển nhân quyền tại mỗi nước và nước ngoài (6).
Theo nội dung diễn văn vừa kể trên, ông Biden cho biết các tổ chức dân sự trên toàn cầu có chủ trương đi tiên phong trong việc bảo vệ các nền tảng dân chủ cũng sẽ được mời tham dự Hội nghị này (7).
2. Kinh tế - y tế quốc nội và mậu dịch quốc tế
Về chính sách kinh tế, chính quyền Biden dự trù sẽ có những kế hoạch tạo thêm công ăn việc làm với những kích tố mới để phục hồi kinh tế đang tụt hậu do hậu quả của dịch Covid 19 tạo ra khiến nhiều người Mỹ thất nghiệp và nhiều nhà buôn, tiêm ăn và công ty phải đóng cửa.
Ông Biden cũng phải phục hồi kỹ nghệ vận chuyển máy bay, xe lửa, xe bus đã bị đình trệ vì thiếu hành khách khi bệnh dịch chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.
Nhưng ưu tiên số một và cấp bách của ông Biden, ngay sau khi nhận nhiệm vụ Tổng thống, là phải có giải pháp y tế hữu hiệu để giải quyết nạn dịch Covid 19 đang hoành hành ở nước Mỹ và chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt.
Theo thống kê chính thức, cho đến đầu tháng 11 nước Mỹ đã có trên 9 triệu người bị nhiễm bệnh và hơn 230.000 người đã thiệt mạng từ đầu năm 2020. Trong tuần lễ đầu tháng 11, mỗi ngày có trên 90.000 ca nhiễm bệnh mới, con số cao nhất thế giới.
Về kinh tế đối ngoại, mậu dịch và quan hệ với các tổ chức quốc tế, người ta dự đoán ông Biden sẽ đề nghị Hoa Kỳ gia nhập Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được 11 nước, đứng đầu là Nhật Bản, tham gia chính thức ký kết vào đầu tháng 3/2018.
Hiệp ước này thay thế cho Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được 11 nước tham gia ký kết tại thành phố Santiago (Chile), dưới thời Tổng thống Barack Obama, trong đó Hoa kỳ là quốc gia điều hợp. Nhưng vào tháng 1/2017, ông Donald Trump đã đơn phương rút Mỹ ra khỏi Hiệp định này.
(1) Why America Must Lead Again. Joe Biden laid out his foreign policy vision for America to restore dignified leadership at home and respected leadership on the world stage".
(2) As president, he will advance the security, prosperity, and values of the United States by taking immediate steps to renew our own democracy and alliances, protect our economic future, and once more place America at the head of the table, leading the world to address the most urgent global challenges.
(3) In a Biden administration, America will lead by example and rally the world to meet our common challenges that no one nation can face on its own, from climate change to nuclear proliferation, from great power aggression to transnational terrorism, from cyberwarfare to mass migration.
(4) Revitalize our national commitment to advancing human rights and democracy around the world.
(5) President Biden will organize and host a global Summit for Democracy to renew the spirit and shared purpose of the nations of the Free World.
(6) The Summit will prioritize results by galvanizing significant new country commitments in three areas : 1) fighting corruption ; 2) defending against authoritarianism, including election security ; 3) advancing human rights in their own nations and abroad.
(7) The Summit will include civil society organizations from around the world that stand on the frontlines in defense of our democracies.
Trọng Thành, RFI, 04/11/2020
Bốn năm cầm quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump đang khép lại. Điểm lại một số nét lớn trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ trong nhiệm kỳ sắp qua là chủ đề chính của Tạp chí Đặc biệt của RFI nhân dịp bầu cử tổng thống Mỹ. Di sản Trump 2017 – 2020, với đặc điểm tiêu biểu là các cơ chế đa phương quốc tế bị xói mòn, để lại những thách thức nào cho tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ ?
Rời bỏ hàng loạt các định chế đa phương
Một đặc điểm nổi bật trong chính sách đối ngoại của Donald Trump trong nhiệm kỳ sắp qua là việc Mỹ rút khỏi hàng loạt định chế đa phương và nhiều thỏa ước quốc tế quan trọng. Từ bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngay từ đầu nhiệm kỳ. Hiệp định vốn đã hoàn tất dưới thời tổng thống tiền nhiệm Obama. Rời Hiệp định Khí hậu Paris (tháng 6/2017), hiệp định mà toàn thể cộng đồng quốc tế đã hết sức khó khăn mới đạt được đồng thuận. Tháng 10/2017, Washington tuyên bố rút khỏi UNESCO, cơ quan Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc. Tháng 5/2018, chính quyền Mỹ đơn phương rút khỏi Thỏa thuận Hạt nhân với Iran (2015). Tháng 6/2018, đến lượt Mỹ từ bỏ Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (UNHCR). Tháng 8/2019, chính quyền Trump rút khỏi Hiệp ước về tên lửa hạt nhân tầm trung với Nga (INF).
Trong lúc, đại dịch Covid-19 đưa thế giới vào cuộc khủng hoảng chưa từng có, tháng 7/2020, Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO / OMS). Kể từ khi lên cầm quyền tổng thống Donald Trump đã nhiều lần đe dọa rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO / OMC).
Một số định chế quốc tế lớn trên đây, được coi là nền móng của cơ chế đa phương trong quan hệ quốc tế, đã bị nước Mỹ quay lưng, trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 45. Nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi : phải chăng cơ chế đa phương quốc tế được cộng đồng quốc tế dày công kiến tạo từ sau Thế chiến Hai đến nay đang suy tàn ? Chuyên gia về quan hệ quốc tế, nhà nghiên cứu Martin Quencez, quỹ German Marshall Fund, ghi nhận chính bản thân sự tồn tại của một "cộng đồng quốc tế" mở rộng cho tất cả cũng bị chính quyền Trump hoài nghi và tìm cách phân hóa.
Khi Hoa Kỳ phá cơ chế đa phương, Trung Quốc lấn tới
Nhà báo Phạm Trần (từ Washington) điểm lại một đôi nét về tác động đối với cơ chế đa phương quốc tế của chính sách đối ngoại của tổng thống thứ 45 của nước Mỹ :
"Điều đầu tiên chúng ta biết là khi ông Donald Trump lên cầm quyền, đó là chính sách Nước Mỹ trên hết. Khi ông ấy đưa ra chính sách đó, có nghĩa là ông ấy tự cô lập nước Mỹ, rút vai trò lãnh đạo của nước Mỹ, co cụm lại. Chính sách đó đưa tới hậu quả là thứ nhất, nước Mỹ mất vai trò lãnh đạo thế giới, và làm cho các đồng minh của Hoa Kỳ, đặc biệt mà ở bên Châu Âu, Châu Á – Thái Bình Dương lo ngại. Ông Donald Trump đã để lại một chính sách mà đến đời tổng thống mới, nếu không phải là ông Donald Trump, thì có lẽ phải thay đổi toàn diện. Vấn đề tổ chức nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, ông ấy không có tha thiết, không có tích cực, như các đời tổng thống trước. Và về vấn đề y tế cho nhân loại, đã bị giảm thiểu. Chúng ta biết là Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), là một tổ chức của Liên Hiệp Quốc, quy tụ tất cả nước trên thế giới. Cái điều quan hệ là bây giờ ông Donald Trump rút lui. Rút lui tức là bỏ sự đóng góp rất lớn và cốt lõi của Hoa Kỳ đối với tổ chức này. WHO đã tồn tại được bao nhiêu năm, vẫn giúp đỡ nơi này nơi kia, mặc dù cũng có những chuyện làm ăn bê bối. Từ khi xảy ra nạn dịch, Hoa Kỳ là một cường quốc, vẫn đứng vai trò hàng đầu, mà Hoa Kỳ lại không có sáng kiến đưa ra tổ chức một hội nghị quốc tế, tìm cách nào để ngăn chặn ngay lập tức nạn dịch này".
Việc Hoa Kỳ rút khỏi nhiều định chế đa phương quan trọng, khiến các đồng minh chao đảo, nhưng tạo thuận lợi cho chính quyền Bắc Kinh lấn tới, khẳng định thêm vị trí tại nhiều định chế quốc tế. Trong nhiệm kỳ của ông Donald Trump 2017 – 2020, Trung Quốc giành được vị trí lãnh đạo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc (FAO), Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế hay Liên minh Quốc tế về Viễn thông. Tiếng nói của Bắc Kinh ngày càng gia tăng trọng lượng, cùng với việc Trung Quốc tăng đóng góp tài chính cho nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Tổ chức Y tế Thế giới. Nhân vật số hai của UNESCO, cơ quan Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc, là người Trung Quốc. Chưa kể đến các dự án lớn mang tính quốc tế mà Trung Quốc đang tìm cách triển khai ở khắp nơi, nhằm mở rộng ảnh hưởng, thông qua các khoản đầu tư, cho vay khổng lồ, như dự án Con đường Tơ lụa mới.
Trong một chương trình đặc biệt về chủ đề này, Đài France Culture ghi nhận : "Tại Liên Hiệp Quốc, Bắc Kinh đang áp đặt quan điểm của mình. Vấn đề nhân quyền ngày càng tránh được đề cập đến, với hệ quả là chính quyền Trung Quốc không phải đối mặt với nhiều cáo buộc xâm phạm nhân quyền. Giờ đây, người ta nói đến sự ‘‘tôn trọng lẫn nhau’’ giữa các quốc gia. Đây là một cách để nhấn mạnh là chính quyền các nước có quyền đối xử với người dân trong nước, tùy theo "các giá trị" riêng của họ… Đây cũng là một cách để ngăn chặn mọi can thiệp nhắm vào chính sách xâm phạm nặng nề các quyền con người căn bản, như tại Tây Tạng hay đối với người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương".
Theo các học giả Trung Quốc, như viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế thuộc trường đại học Thanh Hoa – Bắc Kinh, ông Diêm Học Thông (Yan Xuetong), "ông Trump đã hủy hoại hệ thống liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo", điều này mang lại "cho Trung Quốc một giai đoạn chưa từng có về cơ hội chiến lược, kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc đến nay" (bài "Đối với Bắc Kinh, Trump chỉ khiến phương Tây nhanh chóng suy tàn", Le Monde, ngày 30/10/2020).
"Vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương" : khoảng cách lớn giữa tuyên bố và hành động
Phá bỏ quan hệ đoàn kết với nhiều đồng minh truyền thống, tại Châu Âu, cũng như Châu Á, rút khỏi hàng loạt định chế quốc tế về nhân quyền, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, y tế hay khí hậu, không có nghĩa là Hoa Kỳ có ý định rút khỏi toàn bộ các liên minh quốc tế mang tính chiến lược.
Trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 45 của Mỹ, đặc biệt là hai năm cuối của nhiệm kỳ, chính quyền Trump đưa ra chính sách thúc đẩy phát triển một "khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở, tự do", dựa trên luật pháp (gọi tắt là FOIP) để ngăn chặn đà bành trướng của Trung Quốc. Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, dựa trên trụ cột là Bộ Tứ, bốn quốc gia dân chủ, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, được coi là mở rộng cho mọi quốc gia trong và ngoài khu vực, chia sẻ cùng một tôn chỉ.
Chiến lược xây dựng khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, với Biển Đông là một trọng tâm, với lý tưởng như trên, được kỳ vọng đem lại một phương hướng giúp cho nhiều quốc gia trong khu vực thoát khỏi sự chi phối, thậm chí thao túng đang ngày càng mạnh của Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát ghi nhận khoảng cách rất lớn giữa tuyên bố và hành động thật sự của cơ chế đa phương mới mà Hoa Kỳ mong muốn xây dựng.
Chuyên gia về quan hệ quốc tế Raphael Delbrouck, Trung tâm nghiên cứu các khủng hoảng và xung đột quốc tế (CECRI), Louvain-la-Neuve, Bỉ, nhận định : chính sách xây dựng khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do hiện nay của chính quyền Trump là sự tiếp nối của chính sách xoay trục sang Châu Á của chính quyền tiền nhiệm Obama (báo cáo "Ấn Độ - Thái Bình Dương : phân tích về chiến lược của nước Mỹ"). Theo chiến lược này, "hòa bình và ổn định vốn đã mong manh tại khu vực chỉ có thể được bảo đảm nhờ sự chia sẻ các giá trị chung trong một trật tự khu vực, mà Hoa Kỳ muốn tiếp tục đầu tư và xây dựng, với tư cách thủ lĩnh". Để thực hiện chiến lược này, Washington đã có nhiều sáng kiến để thúc đẩy hợp tác khu vực, như đạo luật về Sáng kiến Trấn an Châu Á (ARIA - Asia Reassurance Initiative Act) (tháng 12/2012), hay Sáng kiến hạ lưu sông Mêkông (Lower Mekong Initiative). Khối APEC, nhóm G20 và kể cả Tổ chức Thương mại Thế giới vẫn tiếp tục là các định chế quốc tế mà Hoa Kỳ cần đến để thúc đẩy chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên điều mà nhà nghiên cứu Raphael Delbrouck nhấn mạnh là khoảng cách rất lớn giữa mục tiêu mà Hoa Kỳ tuyên bố và khả năng hành động trên thực tế. Theo tác giả, nước Mỹ không thiếu chiến lược tốt, vấn đề là khả năng thực thi. Lập trường mang tính bảo hộ, dân tộc chủ nghĩa, đặt nặng tầm quan trọng của các quan hệ song phương hơn là quan hệ đa phương, xung đột trực tiếp với mục tiêu hành động nhằm xây dựng "một kiến trúc khu vực ổn định", đã khiến Hoa Kỳ rất khó đầu tư mạnh cho các hợp tác của khu vực. Với chủ trương "Nước Mỹ trước hết" (America First), của chính quyền Trump, cũng như "chủ nghĩa biệt lập Mỹ", chính quyền Mỹ khó có khả năng kiến tạo các quan hệ đa phương mềm dẻo, với nhiều quốc gia trong khu vực, vốn có quan hệ lâu đời với Trung Quốc.
Biden : tái xây dựng cơ chế đa phương trong hoàn cảnh mới
Về triển vọng chính sách của nước Mỹ, nếu lãnh đạo bên Dân chủ, ứng cử viên Joe Biden đắc cử, theo nhiều nhà quan sát, ông Biden sẽ phải tiếp tục chính sách đối ngoại của nước Mỹ từ 70 năm vừa qua, không kể 4 năm dưới thời Donald Trump. Đó là tiếp tục "đóng vai trò hàng đầu trong việc thảo ra các quy tắc, thực thi các thỏa thuận quốc tế, cổ vũ các định chế đóng vai trò định hướng quan hệ giữa các quốc gia, thúc đẩy an ninh và thịnh vượng tập thể". Một trong những quyết định đầu tiên của ông Biden sẽ là tổ chức "một thượng đỉnh toàn cầu vì dân chủ", quy tụ xung quanh Mỹ các quốc gia đang nỗ lực kháng cự các xu thế "độc tài, phản tự do" (bài "Quan hệ quốc tế, điều mà Biden có thể làm thay đổi", Le Monde, 26/10/2020).
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo là dù Biden thắng, Mỹ không dễ trở lại thành trụ cột của cơ chế quốc tế đa phương, như trước. Nhà chính trị học Laurence Nardon, phụ trách ban Mỹ của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (Ifri), thậm chí nhấn mạnh là "việc trở lại với chính sách đối ngoại của Mỹ thời Obama, như tuyên bố của phe ông Biden, là (…) điều không thể" (La Croix, 22/10/2020). Chuyên gia Cécilia Belin, trung tâm tư vấn Brookings Institution, nhấn mạnh là "thế giới đã thay đổi và Trump đã thay đổi luật chơi về quá nhiều lĩnh vực, khiến điều đó là không thể" (trả lời AFP). Thực tế mới mà nhiều người nói đến là sự lên ngôi của các chế độ độc đoán ở khắp nơi, và nền dân chủ không còn ở thế thượng phong trên quy mô toàn cầu. Thách thức lớn đối với chính quyền Biden là chấp nhận đối diện với sự thực.
Chính sách đối đầu quyết liệt, trực diện với Trung Quốc, đã được vạch ra trong nhiệm kỳ tổng thống 2017-2020, là rất khó thay đổi. Theo nhà cựu ngoại giao Bill Burns, Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế (Carnegie Endowment for International Peace), nếu đắc cử, chính quyền Biden sẽ phải tập trung nhiều hơn vào việc xây dựng các mạng lưới đồng minh tại Châu Á, "không phải để ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc, vì nước Mỹ không có đủ phương tiện", mà là để xây dựng môi trường nhằm ngăn chặn những mặt tiêu cực của sự trỗi dậy đó.
Chính sách liên minh của Trump : ẩn số lớn
Về phía ông Donald Trump, nếu tái đắc cử, tân tổng thống sẽ có chính sách gì ? Hiện tại, chính sách của đối ngoại của ứng cử viên Cộng hòa vẫn còn là một ẩn số. Theo chuyên gia Laurence Naudan, chính sách đối ngoại của ông Trump sẽ phải là sự nối tiếp nhiệm kỳ đầu tiên. Phe Dân chủ lo ngại nếu đắc cử, Donald Trump sẽ có những hành động táo tợn, không còn biết đến giới hạn, gây nguy hiểm cho thế giới, ví dụ như bất ngờ tấn công Iran hay Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, phe Cộng hòa khẳng định tổng thống đã thực hiện toàn bộ các cam kết về đối ngoại, như rút khỏi nhiều định chế quốc tế. Ứng cử viên Donald Trump cũng không đưa ra cương lĩnh tranh cử mới cho năm 2020.
Tuy nhiên, về cơ chế đa phương quốc tế, cho dù không cổ vũ ở quy mô toàn cầu, Washington không thể từ bỏ mục tiêu thiết lập các cơ chế đồng minh và đối tác tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Theo chuyên gia về chính sách đối ngoại Hoa Kỳ Maud Quessard, Học viện Chính trị Paris, cho đến nay nước Mỹ trên thực tế chưa làm được gì nhiều tại khu vực này, và Bắc Kinh đang ở thế thượng phong.
Nhà nghiên cứu Martin Quencez, Quỹ German Marshall Fund, Hội đồng Quan hệ Quốc tế, khẳng định thách thức số một hiện nay của ông Trump, nếu tái đắc cử, là tạo lập được một lộ trình cho phép phát triển được các hợp tác quốc tế, trong đó có khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, chống lại các thách thức từ Trung Quốc, cũng có nghĩa là phải điều chỉnh lại chính sách làm suy yếu các cơ chế đa phương quốc tế trong bốn năm vừa qua.
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 04/11/2020
Xét xử luận tội Tổng thống Trump : Chuyện gì xảy ra kế tiếp ? (VOA, 14/12/2019)
Toàn bộ Hạ viện Hoa Kỳ sẽ biểu quyết về các điều khoản luận tội nhắm vào Tổng thống Donald Trump vào tuần sau sau khi Ủy ban Tư pháp Hạ viện hôm thứ Sáu đề xuất hai điều khoản là lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội.
Tổng thống Donald Trump phát biểu trong một cuộc hội kiến tại Phòng Bầu Dục ở Nhà Trắng, ngày 13 tháng 12, 2019.
Đây là những gì đã diễn ra vào ngày thứ Sáu và có thể sẽ xảy ra trong những ngày tới :
- Thứ Sáu 13/12 : Ủy ban Tư pháp Hạ viện thông qua hai điều khoản luận tội sau một phiên họp tranh cãi gay gắt và một cuộc biểu quyết mang tính đảng phái.
- Thứ Ba 17/12 : Ủy ban Nội quy Hạ viện sẽ xác định các vấn đề như thời lượng tranh luận và thời điểm biểu quyết luận tội.
- Có thể là thứ Tư, 18/12 : Hạ viện dự kiến sẽ luận tội ông Trump, là cuộc biểu quyết luận tội thứ ba trong lịch sử nước Mỹ. Có phần chắc cuộc tranh luận và cuộc biểu quyết sẽ mang tính đảng phái. Một số nghị sĩ Đảng Dân chủ có thể biểu quyết trái với lập trường của phe họ, nhưng không đủ để gây nguy hiểm cho việc thông qua các điều khoản luận tội. Ông Trump sẽ vẫn tại vị nhưng sẽ chờ một phiên xét xử tại Thượng viện.
Nếu việc luận tội được phê chuẩn, Hạ viện sẽ chọn các nhà lập pháp được gọi là người quản lí để trình bày luận cứ chống lại ông Trump trong phiên xét xử tại Thượng viện. Phe Dân chủ Hạ viện cho biết hầu hết những người quản lí có phần chắc sẽ là thành viên của Ủy ban Tư pháp, và có thể là Ủy ban Tình báo vốn đã dẫn đầu cuộc điều tra luận tội. Dự kiến chức vụ này sẽ được nhiều người săn đón.
Đầu tháng 1/2020
Ông Trump sẽ đối mặt với một phiên xét xử tại Thượng viện để xác định xem ông có nên bị kết tội và bị bãi nhiệm hay không. Lãnh đạo Thượng viện Mitch McConnell dự kiến sẽ thụ lí vụ việc ngay sau khi các nhà lập pháp tái hội họp vào tháng 1. Thượng viện được kiểm soát bởi phe Cộng hòa đồng đảng của ông Trump, phần lớn vẫn bênh vực tổng thống. Sẽ cần một đa số hai phần ba những người có mặt và biểu quyết trong nghị viện 100 thành viên này để kết tội ông Trump.
Chánh thẩm phán Tòa án Tối cao Hoa Kỳ John Roberts sẽ làm chủ tọa phiên xét xử, những quản lí của Hạ viện sẽ trình bày luận cứ của họ chống lại ông Trump và đội ngũ pháp lí của tổng thống sẽ phản hồi, với các thượng nghị sĩ là bồi thẩm viên. Một phiên xét xử có thể bao gồm lời khai từ các nhân chứng và một lịch trình làm việc dày đặc mà trong đó các thủ tục tố tụng diễn ra từ sáu ngày tới sáu tuần.
Ông McConnell đã nói rằng Thượng viện có thể lựa chọn giải quyết trong khoảng thời gian ngắn hơn bằng cách biểu quyết về các điều khoản luận tội sau các lập luận mở đầu, bỏ qua lời khai nhân chứng. Nhưng ông McConnell vẫn đang trao đổi với Nhà Trắng về vấn đề này.
Theo Reuters
********************
Truất phế : Tổng thống Donald Trump sẽ bị luận tội (RFI, 14/12/2019)
Nếu không có bất ngờ vào phút chót, tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ bị đưa ra luận tội, sau cuộc bỏ phiếu lịch sử tại Hạ Viện tuần tới, do hôm qua 13/12/2019 Ủy ban Tư pháp đã thông qua hai điều khoản cáo buộc ông.
Phiên bỏ phiếu tại Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện thông qua hai điều khoản luận tội tổng thống Donald Trump ngày 13/12/2019. Reuters/Erin Scott
Hai tháng rưỡi sau khi xì-căng-đan Ukraine bùng nổ, Ủy ban Tư pháp Hạ Viện đã kết luận hai tội danh đối với tổng thống Trump là "lạm dụng quyền lực" và "cản trở hoạt động của Quốc Hội". Do phe Dân Chủ chiếm đa số tại Hạ Viện, ông Donald Trump sẽ trở thành vị tổng thống thứ ba trong lịch sử nước Mỹ bị luận tội, sau hai ông Andrew Johnson năm 1868 và Bill Clinton năm 1998.
Nhưng cũng như hai người tiền nhiệm, ông Trump sẽ không bị truất phế vì Thượng viện, nơi quyết định việc này, đang do đảng Cộng hòa kiểm soát.
Ông Donald Trump tuyên bố việc bỏ phiếu luận tội là "nỗi nhục cho đất nước chúng ta, nhưng lại là điều tốt cho tôi", nhấn mạnh tỉ lệ được lòng dân của ông đang "chạm đến trần".
Nếu thủ tục truất phế có thể để lại một vết đen không phai nhạt cho nhiệm kỳ của tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, ông Donald Trump luôn được phe Cộng hòa và cử tri của ông nhiệt tình ủng hộ.
Thời điểm và cách thức tiến hành thủ tục truất phế ở Thượng viện hiện vẫn chưa rõ. Các nhà lãnh đạo Cộng hòa muốn càng nhanh càng tốt, tuy nhiên tổng thống Donald Trump có lẽ muốn sử dụng thủ tục này như một diễn đàn chính trị.
Thụy My
*****************
Hạ viện thông qua hai điều khoản luận tội Tổng thống Trump (VOA, 14/12/2019)
Một Ủy ban Hạ viện Mỹ do Đảng Dân chủ kiểm soát hôm 13/12 đã đẩy Tổng thống Donald Trump của Đảng Cộng hoà tới bên bờ vực bị luận tội khi ủy ban thông qua hai điều khoản để luận tội ông về những cố gắng nhằm áp lực Ukraine điều tra đối thủ chính trị của mình, cựu Phó Tổng thống Joe Biden.
Ủy ban Tư pháp Hạ viện Hoa Kỳ biểu quyết thông qua hai điều khoản luận tội chống Tổng thống Trump tại Điện Capitol, Washington DC, ngày 13/12/2019. Reuters/Erin Scott
Ủy ban Tư pháp Hạ viện Hoa Kỳ đã biểu quyết 23 phiếu thuận -17 phiếu chống, thông qua hai điều khoản luận tội Tổng thống Trump về tội lạm dụng quyền lực Tổng thống liên quan tới Ukraine, và tội cản trở các nỗ lực của phe dân chủ trong việc điều tra ông về tội lạm dụng quyền lực.
Nếu toàn thể Hạ viện bỏ phiếu luận tội ông Trump vào tuần tới như trông đợi, thì ông Trump sẽ trở thành vị tổng thống thứ ba trong lịch sử Hoa Kỳ chính thức bị luận tội. Tuy nhiên nguy cơ ông bị truất phế, mất chức Tổng thống được đánh giá là gần bằng số không, bởi vì Thượng viện, do Đảng Cộng hòa chiếm đa số, sẽ có quyết định chung cuộc.
Trong buổi điều trần tại quốc hội thu hút mọi sự chú ý ở thủ đô Washington, Đảng Dân chủ tố cáo Tổng thốngTrump là một mối nguy đối với hiến pháp Hoa Kỳ, phương hại tới an ninh toàn cầu và tìm cách phá hoại tính cách chính đáng của cuộc bầu cử năm 2020 khi ông áp lực Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy điều tra đối thủ Joe Biden trong một cuộc gọi điện thoại hồi tháng Bảy năm nay.
"Hôm nay là một ngày trang trọng và đáng buồn", Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerry Nadler, một người thuộc Đảng dân chủ, nói. "Lần thứ ba trong hơn một thế kỷ rưỡi, Ủy ban tư pháp Hạ viện đã bỏ phiếu về điều khoản luận tội chống lại Tổng thống".
Nếu chính thức bị luận tội, ông Trump sẽ được đưa lên Thượng viện xét xử vào đầu năm tới, giữa lúc chiến dịch vận động tranh cử cho cuộc bầu cử năm 2020 bắt đầu tăng tốc.
Cáo trạng lạm dụng quyền lực chống lại ông Trump còn tố cáo ông đã đóng băng gần 400 triệu USD tiền viện trợ an ninh của Mỹ cho Ukraine, và đề nghị một cuộc họp tại Toà Bạch Ốc để áp lực ông Zelenskiy công khai loan báo sẽ tiến hành điều tra ông Joe Biden và con trai ông, Hunter Biden.
Ông Trump còn đòi Ukraine điều tra một giả thuyết đã bị phơi bày là sai, rằng chính Ukraine, chứ không phải Nga, đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 của Hoa Kỳ.
Điều khoản cản trở công lý được dựa trên lệnh của ông Trump, chỉ thị các quan chức cấp cao đương nhiệm, cũng như các cựu quan chức trong chính phủ ông, chẳng như Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo, không hợp tác với cuộc điều tra luận tội, ngay cả khi phải thách thức trát hầu tòa.
Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa nói ông Trump không làm điều gì sai trái trong cuộc điện đàm với Tổng thống Zelenskiy của Ukraine, và không có bằng chứng trực tiếp nào cho thấy Tổng thống đóng băng viện trợ an ninh cho Ukraine hay mời ông Zelenskiy tới Toà Bạch Ốc để đánh đổi ông bằng lòng làm theo yêu cầu của ông Trump. Đảng Dân chủ phản công với lập luận rằng ông Trump đã ngăn cản, cấm các phụ tá hàng đầu ra làm chứng.
Nếu toàn thể Hạ viện biểu quyết luận tội vào tuần tới, thì ông Trump sẽ là tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ bị luận tội. Tổng thống Bill Clinton của Đảng Dân chủ bị luận tội vào năm 1998 vì đã khai man về mối quan hệ tình dục với một thực tập viên Toà Bạch Ốc, nhưng ông Clinton được tha bổng tại Thượng viện. Tổng thống Andrew Johnson, cũng thuộc Đảng Dân chủ, bị luận tội vào năm 1868 nhưng ông cũng không bị kết án tại Thượng viện.
Cuộc điều tra luận tội sẽ tới đâu khi ông Trump bất hợp tác ? (VOA, 12/10/2019)
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang áp dụng chiến lược phong tỏa (stonewall) tức không hợp tác với cuộc điều tra luận tội do phe Dân chủ ở Hạ viện khởi xướng. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng điều này sẽ rủi ro hơn là có lợi cho ông Trump vì nó chỉ càng khiến cho ông Trump đối mặt thêm tội danh mới và quá trình luận tội được đẩy nhanh.
Tổng thống Trump đang đối mặt cuộc điều tra luận tội từ Hạ viện
Trong lá thư dài 8 trang gửi cho Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hôm 8/10 để thông báo về việc không hợp tác điều tra, luật sư Nhà Trắng Pat Cipollone viết : "Tổng thống Trump và chính quyền của ông bác bỏ những nỗ lực không có cơ sở, vi hiến của quý vị nhằm đảo lộn tiến trình dân chủ… Hành động không có tiền lệ của quý vị đã khiến Tổng thống không còn lựa chọn. Để hoàn thành nghĩa vụ của ông đối với người dân Mỹ, Hiến pháp cũng như nhánh Hành pháp, Tổng thống Trump và chính quyền của ông không thể tham gia vào cuộc điều tra mang tính đảng phái và vi hiến của quý vị trong những hoàn cảnh này".
Không khai, không nộp
Theo nhận định của nhật báo Guardian thì thái độ bất hợp tác của ông Trump chỉ càng làm trầm trọng thêm các cáo buộc luận tội ông và càng đẩy nhanh quá trình luận tội.
Trái ngược với cách tiếp cận làm lệch hướng và giảm thiểu tối đa thiệt hại của Bill Clinton, ông Trump đã thực hiện phương cách giống lộ trình của Richard Nixon hơn – hai vị cựu Tổng thống đều đã đối mặt với luận tội. "Ông Trump xem đó là cuộc tấn công mang tính sống còn và giữ chặt trận địa như một tay súng trong trận đấu cuối cùng", bài báo trên tờ Guardian viết.
Đó là một chiến lược không có chỗ cho sai sót, các nhà phân tích nói. Ông Trump cùng một lúc phải dựa vào việc giữ cho công chúng ủng hộ ông và chặn đứng vô số phương cách mà Quốc hội có thể thu thập bằng chứng và quan trọng là duy trì lòng trung thành của cấp dưới – những người sẽ chịu áp lực ngày càng tăng buộc phải ra làm chứng.
Một cuộc thăm dò được công bố hôm 8/10 cho thấy Trump có thể đang tính toán sai về dư luận. Đa số những người được thăm dò hiện ủng hộ cuộc điều tra luận tội với 58% so với tỷ lệ 38% phản đối, theo cuộc thăm dò chung của Washington Post và Schar School. Sự ủng hộ cho cuộc điều tra luận tội đã tăng 20 điểm trong ba tháng, cũng theo cuộc thăm dò.
Bất chấp tất cả, ông Trump tiếp tục tiến tới với chiến lược bất hợp tác với việc chặn vào phút cuối phiên điều trần của Gordon Sondland, đại sứ Mỹ ở Liên minh Châu Âu, người đã bay về Washington để nói với Quốc hội những gì ông biết về những nỗ lực của Tổng thống hầu áp lực Ukraine điều tra cựu phó Tổng thống Joe Biden. Đây là điều cốt lõi của cuộc điều tra luận tội.
Việc chặn Sondland ra làm chứng là một phần trong chiến dịch phòng vệ của nhánh hành pháp. Trước đó Ngoại trưởng Mike Pompeo, đã trễ hạn nộp tài liệu theo yêu cầu của Hạ viện. Hạ viện cũng ra trát cho Nhà Trắng, Bộ quốc phòng, Văn phòng Quản lý và Ngân sách. Phó Tổng thống Mike Pence cũng đối mặt với yêu cầu cung cấp tài liệu.
Ông Rudy Giuliani, luật sư riêng của Trump, đã tuyên bố hôm 8/10 rằng ông sẽ bất chấp trát đòi của Quốc hội và nói : "Lập trường mà tôi phát biểu lúc này cũng là lập trường của chính quyền".
"Hãy để họ quy cho tôi tội khinh mạn", ông Giuliani nói với tờ Washington Post. "Chúng tôi sẽ ra tòa. Chúng tôi sẽ thách thức tội khinh mạn".
Lợi-hại ?
Tuy nhiên, sự vắng mặt của ông Sondland cũng sẽ chỉ đẩy nhanh quá trình luận tội, ông Adam Schiff, chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện vốn dẫn đầu cuộc điều tra luận tội, được Guardian dẫn lời nói.
"Không cung cấp nhân chứng, không cung cấp tài liệu – chúng tôi xem đây là thêm một bằng chứng mạnh mẽ nữa cho thấy sự cản trở chức năng của Quốc hội theo quy định của Hiến pháp", ông Schiff nói.
Ngay cả khi những nỗ lực bất hợp tác của ông Trump hủy hoại khả năng thu thập bằng chứng của Đảng Dân chủ trong ngắn hạn nó vẫn có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của cáo buộc luận tội nhằm vào ông Trump, ông Bradley P Moss, một luật sư an ninh quốc gia nhận định với tờ Guardian.
"Mặc dù xét trên quan điểm sự việc thực tế sẽ tốt hơn nếu tất cả các nhân chứng có liên quan ra làm chứng và đưa ra các tài liệu liên quan", ông Moss được dẫn lời nói, "Nhưng nếu Đảng Dân chủ ở Hạ viện tin rằng họ đã có đủ bằng chứng để tiến hành luận tội, họ có thể đơn giản nhét sự từ chối hợp tác đó vào điều khoản ‘cản trở công lý’ bao trùm hết trong quá trình luận tội và đặt nó lên trên tất cả mọi thứ".
Sự lệ thuộc của ông Trump vào lòng trung thành của cấp dưới cũng có thể là một bước đi sai lầm chiến lược - bởi vì các cựu quan chức đã lên tiếng.
Sau khi từ chức, ông Kurt Volker, cựu đặc phái viên tại Ukraine, tuần trước đã gửi tới Quốc hội các trang tin nhắn trên WhatsApp giữa ông và các nhà ngoại giao khác vốn đã làm hỏng nỗ lực của ông Trump để định hình cuộc đàm phán của ông với Ukraine.
Trong một bài viết trên trang Just Security nhằm so sánh các quá trình luận tội đối với Nixon, Clinton và Trump, bà Sidney Blumenthal, cựu trợ lý của ông Clinton và là nhân chứng phiên tòa luận tội Clinton, lưu ý rằng sự chống đối của Nixon trước Quốc hội đã đẩy nhanh sự sụp đổ của ông.
"Khi phiên xử vụ Watergate ở Thượng viện bắt đầu, vị thế của Nixon trong dư luận bắt đầu bị xói mòn, sự suy sụp này càng được đẩy nhanh theo từng giai đoạn do sự bất hợp tác của Nixon với Quốc hội và tòa án", ông Blumenthal viết.
Bằng cách phớt lờ trát đòi và chặn điều trần, Nhà Trắng dường như hy vọng sẽ làm chậm lại quá trình luận tội này.
"Phải mất năm tháng điều trần trong nỗ lực luận tội Nixon trước khi sự mức độ ủng hộ của công chúng đối với luận tội đạt 58%, ông Greg Dworkin, biên tập viên của tờ Daily Kos lưu ý. Trong khi đó, quá trình luận tội Trump chỉ mới diễn ra được hai tuần", tờ Guardian lưu ý.
Bước kế tiếp của Hạ viện ?
"Trông như thể cuộc điều tra luận tội của Đảng Dân chủ ở Hạ viện sẽ tập trung ít hơn vào các cáo buộc trong vụ Ukraine mà sẽ đi sâu nhiều hơn vào việc chính quyền của Tổng thống Trump không để Hạ viện điều tra những gì đã xảy ra", tờ Washington Post nhận định.
Đảng Dân chủ nói rằng tất cả những việc này đã cấu thành tội cản trở công lý và đang ám chỉ rõ ràng điều mà Hạ viện có thể làm để giải quyết vấn đề : luận tội Trump vì đã chặn cuộc điều tra. Họ đã đưa ra cảnh báo rằng họ coi cản trở công lý là lý do luận tội Trump vào tuần trước, sau khi Ngoại trưởng Mike Pompeo ngăn các quan chức Bộ Ngoại giao ra làm chứng.
Theo Hiến pháp Mỹ, luận tội một Tổng thống vì không tham gia vào cuộc điều tra luận tội là điều ‘đáng phải làm’. "Quốc hội sẽ quyết định đâu là ‘tội nặng và hành vi sai trái’ để luận tội. Nếu họ cho rằng việc ngăn Quốc hội thực hiện chức năng giám sát rơi vào phạm vi này, thì họ sẽ luận tội", Washington Post phân tích và dẫn ra một điều khoản luận tội tương tự nhằm vào Tổng thống Richard M. Nixon mà trong đó nêu lên bốn lần chính quyền Nixon cố tình không tuân thủ trát đòi.
Vì vậy, quá trình luận tội của Trump vẫn có thể tiếp tục ngay cả khi chính quyền của ông không cung cấp tài liệu hay nhân chứng cho cuộc điều tra, cũng theo tờ báo này.
Tuy nhiên chiến lược này có thể có tác động chính trị tiêu cực đối với Đảng Dân chủ, Washington Post cho biết. Đảng này có nguy cơ theo đuổi luận tội mà không có cuộc điều tra toàn diện về những gì ông Trump đã làm. Họ sẽ không có được lợi ích qua các phiên điều trần công khai hoặc thông qua việc có được hoặc công bố các văn bản ngoại giao bí mật để chứng minh tính chính đáng của nỗ lực luận tội.
Theo Washington Post thì tại Điện Capitol, có những dấu hiệu ban đầu cho thấy việc theo đuổi tội danh cản trở công lý với ông Trump sẽ được tiếp nhận giống như luận tội những tội danh khác như lạm quyền.
‘Khủng hoảng Hiến pháp’
Trao đổi với VOA dưới góc độ Hiến pháp, ông Phan Quang Tuệ, nguyên Thẩm phán Luật Hành chính tại Sacramento, California, và từng là Thẩm phán Tòa Di trú Liên bang Hoa Kỳ, nói ông nhìn những gì đang xảy ra trong cuộc điều tra luận tội là ‘khủng hoảng Hiến pháp’ và kêu gọi ‘bảo vệ Hiến pháp’.
Ông nói rằng theo Hiến pháp Mỹ thì Hạ viện ‘có toàn quyền quyết định quy trình và thủ tục luận tội’ chứ nhánh hành pháp, cụ thể là Nhà Trắng, không thể bắt quá trình luận tội đi theo ý của họ.
Vẫn theo lời ông, trước chiến lược ‘không khai, không nộp’ của chính quyền Trump, Hạ viện có thể ‘tiếp tục ra trát đòi nhân chứng và tài liệu’, ‘tiếp tục điều tra từ những bằng chứng từ các nguồn khác’ vì ngoài những bằng chứng lấy từ cơ quan hành pháp (mà chính quyền Trump không chịu giao nộp) còn có lời khai của người tố cáo và của những công dân có thể bị điều tra".
"Việc ‘stonewall’ (phong tỏa) điều tra của ông Trump có làm chậm lại nhưng không ngăn được cuộc điều tra luận tội vì Hạ viện có toàn quyền", ông nói và cho biết Hạ viện có thể yêu cầu thẩm phán liên bang đòi hành pháp phải tuân thủ yêu cầu của lập pháp và điều này đã từng xảy ra trong trường hợp luận tội Tổng thống Richard Nixon.
"Tôi nhìn vấn đề dưới khía cạnh của những định chế dân chủ trong Hiến pháp Mỹ có đời sống hơn 230 năm đang bị thử thách. Liệu trình độ dân chủ của người dân Mỹ, cách điều hành và tuân thủ định chế có vượt qua được và bảo vệ định chế dân chủ của Mỹ hay không", ông nói và cho biết nước Mỹ đang trải qua ‘khủng hoảng Hiến pháp’.
*****************
Cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine ra khai chứng chống lại Trump (VOA, 12/10/2019)
Cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine hôm 11/10 đã khai trong cuộc điều tra luận tội của Hạ viện về Tổng thống Donald Trump rằng ông đã cách chức bà dựa trên những ‘tuyên bố vô căn cứ và sai lầm’ sau khi bà bị luật sư riêng của ông Trump là ông Rudy Giuliani công kích.
Cựu đại sứ Mỹ ở Ukraine Marie Yovanovitch đến Điện Capitol để khai chứng
Bà Marie Yovanovitch, người bị đột ngột triệu hồi khi đang là đại sứ Mỹ ở Ukraine hồi tháng Năm, đã có mặt tại phiên lấy lời khai kín, theo các nhà lập pháp Dân chủ, sau khi bà bị Bộ Ngoại giao yêu cầu không xuất hiện theo chỉ thị của Nhà Trắng. Các dân biểu cho biết sau đó họ đã ra trát đòi cho bà và bà đã tuân thủ.
Bà Yovanovitch, theo một bản sao phát biểu mở đầu của bà được Washington Post đăng tải, nói rằng bà đã được một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao nói về ‘một chiến dịch phối hợp chống lại tôi’ và rằng ông Trump đã thúc đẩy cách chức bà từ giữa năm ngoái mặc dù Bộ Ngoại giao tin rằng "Tôi đã không làm gì sai".
Bà cũng lên tiếng báo động về thiệt hại đối với chính sách ngoại giao của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump và cảnh báo về ‘lợi ích riêng’ đã cản trở các nhà ngoại giao chuyên chứ không phải vì lợi ích chung.
Cuộc điều tra luận tội tập trung vào một cuộc điện đàm vào ngày 25/7 mà khi đó ông Trump đã gây sức ép buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy điều tra một đối thủ chính trị của ông là cựu phó Tổng thống Joe Biden và con trai là Hunter Biden.
Ông Giuliani đã cáo buộc bà Yovanovitch ngăn chặn các nỗ lực thuyết phục Ukraine điều tra nhà Biden. Giuliani cho biết ông đã cung cấp thông tin cho cả ông Trump và Bộ Ngoại giao về Yovanovitch, người mà ông cho rằng đã có thành kiến đối với ông Trump.
Hôm 11/10, ông Giuliani nói : "Tôi làm điều đó với vai trò là luật sư biện hộ cho ông Trump".
Trong tuyên bố của mình, Yovanovitch nói rằng bà không biết động cơ tấn công bà của Giuliani nhưng các cộng sự của ông ấy ‘có thể cho rằng tham vọng tài chính cá nhân của họ đang bị cản trở bởi chính sách chống tham nhũng của chúng tôi ở Ukraine’.
Đảng Dân chủ đã gọi việc loại bỏ bà Yovanovitch là ‘có động cơ chính trị’.
"Bà là một người phụ nữ dũng cảm", dân biểu nghị sĩ Dân chủ Michael Quigley ca ngợi bà Yovanovitch trong giờ nghỉ giải lao của buổi khai chứng.
Theo một bản tóm tắt của Nhà Trắng, ông Trump trong cuộc điện đàm với ông Zelenskiy đã mô tả bà Yovanovitch như sau : "Người đàn bà này là tin xấu và những người mà bà ta đang làm việc cùng ở Ukraine là xấu xa". Ông Zelenskiy đồng ý với Trump rằng bà là ‘đại sứ tồi’ và đồng ý điều tra nhà Biden.
*****************
Trump nói quyền bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ sẽ từ chức (VOA, 12/10/2019)
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Sáu nói rằng quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Kevin McAleenan sẽ từ chức và một người lãnh đạo tạm quyền của cơ quan này sẽ được bổ nhiệm vào tuần sau.
Quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Kevin McAleenan sẽ từ chức dù nhiệm kì sáu tháng của ông chứng kiến các vụ vượt biên giới Mỹ-Mexico sụt giảm.
Ông McAleenan trở thành người thứ tư lãnh đạo cơ quan này dưới thời Trump vào tháng 4 sau khi vị tổng thống theo Đảng Cộng hòa yêu cầu Bộ trưởng An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen từ chức.
Trước khi trở thành bộ trưởng, ông McAleenan từng đứng đầu Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ, một trong những cơ quan hoạt động dưới quyền của Bộ An ninh Nội địa (DHS).
Ông Trump, người đã biến di trú hợp pháp và bất hợp pháp thành một vấn đề nổi bật của nhiệm quyền tổng thống của ông và nỗ lực tái tranh cử năm 2020, cho biết ông và McAleenan "đã làm việc tốt với các vụ vượt biên giảm mạnh".
Dù khen ngợi, ông Trump không bao giờ chính thức đề cử ông McAleenan để điều hành cơ quan này.
Trong một phát biểu, ông McAleenan cho biết trong nhiệm kì sáu tháng của mình, DHS đã "đạt những tiến bộ hết sức to lớn trong việc khắc phục khủng hoảng an ninh biên giới và nhân đạo mà chúng ta đối mặt trong năm nay".
Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ cho biết trong tuần này rằng các vụ bắt giữ tại biên giới Mỹ-Mexico đã giảm trong tháng 9, là tháng thứ tư liên tiếp.
Họ cho biết chỉ có hơn 52.000 di dân bị bắt giữ hoặc bắt gặp ở biên giới tây nam vào tháng 9, giảm gần 65% từ đỉnh điểm vào tháng 5 là 144.000 người.
Phần lớn những người di cư đến từ Trung Mỹ, nhiều người trong số họ là các gia đình, chạy lánh tình trạng bạo lực và nghèo khó ở quê nhà và thường xin bảo hộ tị nạn ở Mỹ.
********************
Chính quyền của Tổng thống Trump hôm 8/10 đã ngăn đại sứ Mỹ ở Liên minh Châu Âu ra điều trần trong cuộc điều tra luận tội của Hạ viện Mỹ do phe Dân chủ kiểm soát, theo Reuters.
Ông Gordon Sondland, người từng đóng góp 1 triệu đôla cho ủy ban nhậm chức của Tổng thống Trump, dự kiến sẽ gặp kín với các thành viên của ba ủy ban của Hạ viện liên quan tới vai trò của ông trong nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm kêu gọi Ukraine mở cuộc điều tra liên quan tới đối thủ chính trị, cựu Phó Tổng thống Joe Biden.
Trước đó, theo Reuters, ông Sondland dường như tự nguyện ra điều trần, và thông qua luật sư của mình hôm 8/10, nói rằng ông hy vọng "các vấn đề mà Bộ Ngoại giao nêu lên trước cuộc điều trần sẽ sớm được giải quyết nhanh chóng".
"Ông ấy sẵn sàng ra điều trần, bất kỳ khi nào ông được phép xuất hiện", luật sư của ông Sondland, Robert Luskin, nói trong một tuyên bố.
Reuters đưa tin rằng hãng này không thể liên lạc được ngay với Đại diện của Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao.
Cuộc điều tra luận tội tập trung vào tố cáo nói rằng ông Trump đã sử dụng viện trợ quân sự Mỹ để nhận được cam kết của tổng thống Ukraine về việc điều tra cha con ông Biden.
Tổng thống Donald Trump lần đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình đã dùng quyền phủ quyết để chống lại quyết định của quốc hội tuyên bố hủy bỏ Tình Trạng Khẩn Cấp của đất nước do ông ban hành.
Tổng thống Donald Trump lần đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình đã dùng quyền phủ quyết để chống lại quyết định của Quốc hội - Ảnh minh họa
Quốc hội đã thông qua quyết định chặn đứng tuyên bố Tình Trạng Khẩn Cấp của ông Trump với số phiếu thuận ở hạ viện là 245/182, ở thượng viện là 59/41. Ông Trump ngay sau đó đã dùng quyền phủ quyết bác bỏ quyết định này.
Đây không phải là lần đầu tiên, một tổng thống Mỹ dùng quyền lực của mình để bác bỏ một dự luật hay quyết định đã dược quốc hội thông qua.
Quyền phủ quyết của tổng thống không được quy định trong hiến pháp. Tuy nhiên, điều khoản thứ nhất (Article. 1) đòi hỏi mọi dự luật, nghị quyết hay bất cứ hành động pháp lý nào được quốc hội phê chuẩn đều phải trình lên tổng thống để được chấp thuận bằng chữ ký.
Dự luật, nghị quyết, hành động pháp lý có hiệu lực hay không tùy thuộc vào quyết định của tổng thống trong 10 ngày sau khi đệ trình.
Trong 10 ngày đó (không kể chủ nhật) tổng thống có thể ký chấp thuận. Dự luật, nghị quyết sẽ trở thành luật.
Tổng thống cũng có thể gửi trả lại bản đệ trình cho quốc hội trong vòng 10 ngày với một văn bản phản đối – Đó là quyền phủ quyết của tổng thống (Veto of President) - được gọi là Phủ quyết thông thường (Regular Veto) - khác với Phủ quyết bỏ túi (Pocket Veto).
Nếu tổng thống phủ quyết dự luật, nghị quyết được đệ trình thì quốc hội sẽ phải xem xét, bỏ phiếu để xóa bỏ quyền phủ quyết của tổng thống (Override the President's veto). Trong trường hợp này hạ viện cũng như thượng viện phải có đủ 2/3 số phiếu (HV 290/435) và (TV 67/100).
Đạt được điều này thì sự phủ quyết của tổng thống không có giá trị, văn bản đệ trình sẽ trở thành luật dù không có chữ ký của tổng thống.
Trong 10 ngày nếu tổng thống không phản ứng gì với văn bản được đệ trình, quốc hội không trì hoãn, dự luật, nghị quyết sẽ có hiệu lực pháp lý, trở thành luật.
Tổng thống cũng có thể không làm gì nhưng nếu trong 10 ngày đó quốc hội lại trì hoãn thì văn bản cũng trở nên không có giá trị trở thành luật. Trường hợp này được gọi là phủ quyết bỏ túi (Pocket Veto).
Cũng đã có trường hợp, tổng thống hoặc công khai hay trong các phiên họp quốc hội, tìm cách ảnh hưởng, tác động đến một dự luật bằng cách cảnh cáo sẽ dùng quyền phủ quyết của mình. Dù không có bằng chứng nào được lưu trữ lại, chứng minh một tổng thống trong quá khứ đã có hành động, lời nói hăm dọa quốc hội nhưng điều này đã trở thành một phần trong sinh hoạt chính trị của nước Mỹ.
Việc nhắc nhở quốc hội về quyền phủ quyết của mình, tổng thống muốn nói cho quốc hội biết rằng không nên phí thời gian cho dự luật, nghị quyết đó.
Hiện tại, một sắc luật đã được một số tiểu bang ban hành cũng như chờ biểu quyết, nhưng chưa thành luật liên bang, đó là đòi hỏi ứng cử viên tổng thống từ năm 2020 trở đi phải công khai hồ sơ thuế, nếu không sẽ không được ứng cử trong tiểu bang đó (2).
Nếu điều này thành luật liên bang, chắc chắn ông Donald Trump sẽ không thể ra ứng cử bất cứ nơi nào trên nước Mỹ khi ông từ chối không công khai hồ sơ thuế trong 5 năm vừa qua.
Đáng lẽ ra nước Mỹ nên có đạo luật này từ lâu, bởi nó nói lên sự trong sạch về tài chánh của ứng viên khi ra tranh cử tổng thống, chức vụ cao nhất về hành pháp. Sự trong sạch về tài chánh là một trong những yếu tố đạo đức cực kỳ quan trọng trong cương vị lãnh đạo quyền lực nhất của đất nước bởi người dân thấy rõ sự thanh liêm, chính trực của người lãnh đạo quốc gia.
Richard Nixon từ chức vì thủ đọan chính trị nhưng ông không lem nhem tài chánh, tiền bạc… đó ông chỉ bị phê bình, lên án vì nhơ nhớp chính trị, không bị dân chúng oán ghét vì tham nhũng, hối lộ, trốn thuế…
Trường hợp đảng Dân Chủ – đang chiếm đa số ở Hạ viện – dự trù đưa dự luật công khai hồ sơ thuế của ứng viên tổng thống thành luật liên bang, chắc chắn sẽ bị phản đối tại thượng viện khi ông Trump còn nắm quyền.
Ngay cả khi dự luật này được thông qua ở thượng viện thì ông Trump chắc chắn sẽ dùng quyền phủ quyết của mình để bác bỏ bởi dù đã hứa nhiều lần, Trump vẫn lần lửa, tìm cách trì hoãn, tránh né, không công bố hồ sơ thuế của mình theo phương châm Để Lâu Cứt Trâu Hóa Bùn.
Trong lịch sử Mỹ, người sử dụng quyền phủ quyết nhiều nhất là tổng thống Franklin D. Roosevelt, thứ nhì là Glover Cleverland.
Sử dụng quyền phủ quyết có những điều lợi là ngăn chận được những nghị quyết, dự luật không phù hợp với chủ trương của tổng thống, nội các hay của đảng. Tuy nhiên sự phủ quyết cũng có những bất lợi về sau, quyền phủ quyết sẽ bị lợi dụng khi người của đảng đối lập trở thành tổng thống.
Thạch Đạt Lang
(22/03/2019)
----------------------
(2) https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_United_States_presidential_vetoes
Lại chuyện ruồi bu
Thạch Đạt Lang, 19/02/2019
Ngày 27-28/02/2019 tại Hà Nội sẽ diễn ra cuộc họp thượng đỉnh giữa ông Donald Trump, tổng thống Mỹ và Kim Jong-un, chủ tịch nhà nước Bắc Hàn. Cuộc họp chưa diễn ra nhưng đã lôi cuốn sự chú ý, quan tâm của cả thế giới, đặc biệt của người dân Việt Nam.
Mẹ Việt Nam ơi chúng con vẫn còn đây ? Ảnh minh họa
Người Việt Nam bày tỏ sự quan tâm, háo hức, mong đợi cuộc họp một cách cuồng nhiệt, biểu lộ qua những bài viết, những đoản văn phổ biến tràn ngập trên mạng xã hội facebook, email, twitter…
Đặc biệt là lời kêu gọi biểu tình vào ngày 27-28/02/2019 và một lá thư được một trăm "nhân sĩ, trí thức xã hội chủ nghĩa, các tổ chức, xã hội dân sự" nổi tiếng trong nước lẫn hải ngoại đồng ký tên gửi đến ông Donald Trump được đăng trên nhiều tờ báo online.
Xin nói đến lá thư trước. Chỉ bàn đến nội dung lá thư vì không ai biết chắc chắn lá thư có đến tay Donald Trump không ? Trump có đọc lá thư đó khi nhận được không ?
Theo lời của Rex Tillerson, cựu bộ trưởng ngoại giao đầu tiên của Trump nhận xét về ông ta như sau : "Trump là một nhà độc tài, một kẻ ngu dốt, vô kỷ luật, không thích đọc, chỉ muốn làm những việc bất hợp pháp theo ý mình".
Đọc là thư 3 lần, người viết thật sự chẳng hiểu mục đích của lá thư là gì ? Phần đầu lá thư, sau khi giới thiệu những người ký tên, hoan nghênh lý do, sự hiện diện sắp tới của Trump ở Hà Nội, kể lể chuyện quá khứ giữa 2 nước... sau đó là khen ngợi thông điệp liên bang của ông Trump đọc vào dịp đầu năm 2019... rồi cuối cùng khẳng định chắc nich :
Nhân dân Việt Nam quyết bảo vệ Độc lập, Tự do, Toàn vẹn lãnh thổ của mình bằng mọi giá ; và để bảo vệ những quyền thiêng liêng ấy, chúng tôi sẽ phải tự cường bằng con đường cải tổ đất nước, dân chủ hóa, văn minh hóa, theo "một tiêu chuẩn sống mới cho thế kỷ 21" mà Hoa Kỳ đề xướng.
Làm thế nào để tự cường bằng con đường cải tổ đất nước, dân chủ hóa, văn minh hóa theo "một tiêu chuân sống mới cho thế kỷ 21 mà Hoa Kỳ đề xướng" khi mà những người ký tên vẫn chỉ rụt rè phản đối chế độ cộng sản bằng những thư ngỏ, kiến nghị, yêu sách… ?
Muốn cải tổ đất nước thì phải nắm chính quyền, phải có chính sách, kế hoạch dài hạn, ngắn hạn. Cải tổ đất nước bằng cách nào khi không có quyền lực trong tay, không có tổ chức chính trị đủ mạnh để đối đầu với chính quyền cộng sản, không có một dự án chính trị tương lai cho ra hồn ?
Dân chủ hóa đất nước theo phương thức nào khi đảng cộng sản vẫn lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện ? Mọi tiếng nói đối kháng đều bị bóp nghẹt từ trong trứng nước, bao nhiêu thư ngỏ, kiến nghị rồi đến yêu sách... đảng cộng sản vẫn trơ ra như gỗ đá dường như vẫn không thức tỉnh được thành phần trí thức, nhân sĩ này.
Làm sao để văn minh hóa xã hội khi nền giáo dục xã hội chủ nghĩa xuống cấp trầm trọng, thầy, cô giáo đánh đập, tra tấn, khủng bố, đe dọa học sinh nhan nhản khắp nơi ? Văn minh, văn hóa ở đâu khi vào dịp Tết đầu năm, lãnh đạo cộng sản từ địa phương đến trung ương lũ lượt thay phiên nhau đi lễ bái, cúng kiến, cầu an, hái lộc, xin phước phù hộ cho mình thăng quan, tiến chức, giầu có ?
Tiêu chuẩn sống mới cho thế kỷ 21 mà Hoa Kỳ đề xướng ra sao, ai soạn thảo, ban hành… hay cũng chỉ là America first ? Nếu có, đó có phải là mẫu mực sống cho tất cả mọi người trên thế giới ?
Tiêu chuẩn sống của người dân trong một đất nước phụ thuộc rất nhiều vào kinh tế, địa chính trị, xã hội, tôn giáo, văn hóa, giáo dục... Không thể đem tiêu chuẩn sống của người dân đất nước này áp dụng vào quốc gia khác.
Hơn thế nữa, thông điệp liên bang mà Donald Trump đã khẳng định "Nước Mỹ trên hết", vậy làm sao số phận nước Mỹ có thể gắn chặt với số phận mọi dân tộc trên thế giới để có thể đem tiêu chuẩn sống mới của Mỹ áp dụng vào Việt Nam ?
Một trăm nhân sĩ, trí thức, đại diện các tổ chức xã hội dân sự, một trăm bộ óc tinh hoa của đất nước đồng ký tên vào môt lá thư rỗng tuếch với những lời lẽ viển vông, mâu thuẫn, thiếu thực tế gửi cho một lãnh đạo nổi tiếng hoang tưởng ở một đất nước cách xa hàng chục ngàn cây số. Để làm gì ? Chẳng lẽ để chứng tỏ : Mẹ Việt Nam ơi chúng con vẫn còn đây ?
Ngoài lá thư với những ý tưởng sáo rỗng, lời văn cường điệu, tưởng cũng nên có đôi dòng về những lời kêu gọi biểu tình trong 2 ngày 27-28/02/2019.
Khi kêu gọi biểu tình, người kêu gọi phải đặt ra mục đích rõ ràng. Biểu tình để làm gì ? Hoan hô, cổ võ, ủng hộ hay phản đối, lên án hành động một cá nhân, một nhóm người hay một chủ trương, kế hoạch của một tổ chức, chế độ… ?
Muốn biểu tình thành công, đạt được mục đích, cuộc biểu tình cần được chuẩn bị, tổ chức chu đáo, kỹ lưỡng. Từ cờ, biểu ngữ, khẩu hiệu, loa phóng thanh... đến lực lượng giữ gìn trật tự, an ninh, phòng chống bị đàn áp, giải tán bởi sự tấn công của công an, dân phòng, cảnh sát cơ động và đặc biệt thành phần phá hoại là công an giả dạng người biểu tình.
Những lời kêu gọi biểu tình trên các mạng xã hội ngày 27-28/02/2019 không hề đưa ra một mục đích rõ ràng nào về lời kêu gọi của mình. Cờ quạt, biểu ngữ, slogan... cũng không nói đến phải như thế nào ? Hoan hô Donald Trump hay đả đảo Kim Jong-un, cầm cờ Mỹ hay cờ vàng, cờ đỏ, đòi hỏi hay yêu cầu chuyện gì… ?
Vậy xuống đường biểu tình để làm gì ? Để ăn nó đòn của công an, dân phòng, cảnh sát cơ động hay để bị bắt giữ, giam cầm ít ngày, bị kết án tù cho có tín dụng… ?
Không ai có quyền đòi hỏi, yêu cầu người khác phải tranh đấu, đòi hỏi tự do, dân chủ cho mình nhưng trí thức, nhân sĩ có bổn phận, trách nhiệm phải giải thích, hướng dẫn người dân đứng lên tranh đấu, đòi hỏi những quyền lợi mà họ đương nhiên được hưởng.
Nếu không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của người trí thức thì nên im lặng, sẽ không ai trách cứ được mình nhưng xin đừng làm chuyện ruồi bu. Chẳng có đất nước nào có thể tự cường, bảo vệ được độc lập, tự do với những trí thức chỉ có khả năng viết thư ngỏ, kiến nghị, yêu sách.
Thạch Đạt Lang
(19/02/2019)
*************
Thư của 100 nhân sĩ, trí thức và các tổ chức xã hội dân sự gửi Tổng thống Mỹ
Thư của 100 nhân sĩ, trí thức, nhà hoạt động xã hội và tổ chức xã hội dân sự người Việt gửi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhân dịp ông tới Hà Nội dự họp Thượng đỉnh Mỹ – Triều
Kính thưa Ngài Donald Trump, Tổng thống Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ
Trước hết, chúng tôi, những nhân sĩ trí thức và nhà hoạt động xã hội người Việt yêu đất nước mình, yêu tự do dân chủ và hoà bình, xin nhiệt liệt hoan nghênh sự có mặt của Ngài tại Hà Nội trong cuộc họp Thượng đỉnh Mỹ-Triều ngày 27 và 28 tháng 2 năm 2019 sắp tới. Chúng tôi thành tâm cầu chúc, đồng thời tin tưởng vào sự thành công của cuộc gặp gỡ tối quan trọng đối với việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đảm bảo nền hoà bình vững bền cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và thế giới, mà Ngài đóng vai trò dẫn dắt trong tư cách người đứng đầu quốc gia hùng mạnh nhất và tiên tiến nhất.
Vai trò của Hoa Kỳ đối với thế giới, nhân dân Việt Nam và cả nhân loại đã nghe rõ Ngài khẳng định trong Thông điệp Liên bang năm 2019. Ngay trong lời mở đầu, sau khi nhấn mạnh một lần nữa rằng Hoa Kỳ "theo đuổi chính sách đối ngoại đặt lợi ích của nước Mỹ lên trên hết", Ngài lập tức nhắc đến "cuộc Thập tự chinh Vĩ đại – quân Đồng minh giải phóng Châu Âu trong Thế chiến thứ Hai" và tuyên bố : "Giờ đây, chúng ta phải bước đi mạnh bạo và can đảm vào chương mới của cuộc phiêu lưu vĩ đại của nước Mỹ, và chúng ta phải tạo nên một tiêu chuẩn sống mới cho thế kỷ 21". Và Ngài đã kết thúc thông điệp bằng lời cam kết gắn số phận của nước Mỹ với số phận mọi dân tộc trên thế giới : "Chúng ta phải giữ nước Mỹ trước hết trong tim mình. Chúng ta phải giữ tự do sống trong hồn mình. Và chúng ta phải luôn luôn giữ niềm tin vào số mệnh của nước Mỹ – một Quốc gia, dưới Thượng đế, phải là niềm hy vọng và lời hứa hẹn và ánh sáng và vinh quang giữa mọi quốc gia trên thế giới !".
Định mệnh từng gắn số phận của dân tộc Việt Nam với nước Mỹ trong một cuộc chiến mà hôm nay chắc chắn cả hai quốc gia đang thấm thía những hậu quả của nó. Hậu quả đau đớn nhất chính là việc một nước Trung Hoa trở nên hùng hổ, đang trắng trợn mở rộng cuộc xâm chiếm vùng biển và các đảo của Việt Nam trên biển Đông, đe dọa quyền tự do hàng hải của mọi quốc gia trên vùng biển quốc tế, thách thức uy quyền của Hoa Kỳ ở Châu Á-Thái Bình Dương.
Điều này đã được chính phủ của Ngài nhiều lần cảnh cáo, đặc biệt là trong lời lên án gay gắt của Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo trong cuộc Đối thoại thường niên Mỹ-Trung về Ngoại giao và An ninh tháng 11 năm 2018.
Nhân dân Việt Nam ngày càng nhận thức rõ rằng nguy cơ bành trướng, xâm lược của Trung Hoa cộng sản hôm nay là sự tiếp nối tham vọng đế quốc hàng ngàn năm của các triều đại phong kiến Trung Hoa. Tham vọng ấy đã bị nhân dân chúng tôi đập tan nhiều lần trong quá khứ, và chắc chắn sẽ bị đập tan trong thời đại ngày nay.
Tham vọng ấy phải bị đập tan vì nó là bất chính, vì nó là tham vọng tước đoạt quyền Tự do thiêng liêng của dân tộc Việt Nam và các dân tộc Châu Á-Thái Bình Dương, quyền Tự do mà chúng tôi "giữ sống trong hồn mình" không khác gì nhân dân Mỹ mà Ngài nói đến trong thông điệp 2019.
Cũng bởi thế, nhân dịp Ngài có mặt tại Hà Nội, thủ đô nước chúng tôi trong những ngày sắp tới, chúng tôi xin khẳng định với Ngài, và thông qua Ngài, khẳng định với nhân dân Hoa Kỳ : Nhân dân Việt Nam quyết bảo vệ Độc lập, Tự do, Toàn vẹn lãnh thổ của mình bằng mọi giá ; và để bảo vệ những quyền thiêng liêng ấy, chúng tôi sẽ phải tự cường bằng con đường cải tổ đất nước, dân chủ hóa, văn minh hóa, theo "một tiêu chuẩn sống mới cho thế kỷ 21" mà Hoa Kỳ đề xướng.
Chúng tôi tin rằng, trong thời cuộc thế giới hôm nay, quyền lợi của Việt Nam và Hoa Kỳ là tương đồng ; một nước Việt Nam độc lập, hùng cường là đảm bảo vững chắc cho an ninh, hoà bình khu vực. Vì thế, trong cuộc đấu tranh để bảo vệ và cải tổ đất nước, chúng tôi tin vào sự ủng hộ của nhân dân và chính quyền các nước yêu tự do công lý, đặc biệt là Hoa Kỳ.
Xin Ngài nhận ở đây lời cảm ơn chân thành từ những người nói lên ý chí và tâm nguyện của phần lớn người Việt Nam sinh sống trong nước cũng như ở nước ngoài.
Hà Nội ngày 17 tháng 2 năm 2019
Nguyễn Quang A, Tiến sĩ Tin học, nguyên Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, Hà Nội, Việt Nam
Nguyên Ngọc, Nhà văn, Hội An, Việt Nam
Chu Hảo, Tiến sĩ Vật lý, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, Hà Nội, Việt Nam
Hoàng Hưng, Nhà thơ & Nhà báo, đồng sáng lập Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam, sống tại Sài Gòn, Việt Nam
Hoàng Dũng, Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngôn ngữ, Sài Gòn, Việt Nam
Nguyễn Huệ Chi, Giáo sư, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Văn học, Hà Nội, Việt Nam
Mạc Văn Trang, Phó Giáo sư Tiến sĩ Tâm lý, Hà Nội, Việt Nam
Giuse Maria Lê Quốc Thăng, Linh mục, Sài Gòn, Việt Nam
Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục giáo phận Hà Tĩnh, Việt Nam
Gioan Baotixita Huỳnh Công Minh, Linh mục, Sài Gòn, Việt Nam
Nguyễn Quốc Thái, Nhà báo, Sài Gòn, Việt Nam
Nguyễn Đình Đầu, Nhà nghiên cứu Lịch sử, Sài Gòn, Việt Nam
Nguyễn Trung Dân, Nhà báo, Sài Gòn, Việt Nam
Dương Tường, Nhà thơ & Dịch giả, Hà Nội, Việt Nam
Uông Đình Đức, Kỹ sư (về hưu), Sài Gòn, Việt Nam
Phạm Toàn, Nhà văn, Dịch giả, Nhà giáo và nghiên cứu Giáo dục, Hà Nội, Việt Nam
Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, nguyên thành viên Tổ Tư vấn Võ Văn Kiệt, sống tại Sài Gòn, Việt Nam
Phạm Xuân Yêm, nguyên Giám đốc Nghiên cứu CNRS và Đại học Paris-Sorbonne, Pháp
Phạm Nguyên Trường, Kỹ sư (về hưu), Dịch giả, Vũng Tàu, Việt Nam
Trần Ngọc Sơn, Kỹ sư, Pháp
Nguyễn Thanh Hằng, Dược sĩ, Pháp
Cù Huy Hà Vũ, Tiến sĩ Luật, tạm trú tại Hoa Kỳ
Nguyễn Thị Dương Hà, Luật sư, tạm trú tại Hoa Kỳ
Vũ Quốc Ngữ, Thạc sĩ, Giám đốc tổ chức "Người bảo vệ Nhân quyền", Việt Nam
Trần Bang, Kỹ sư, Cựu chiến binh, Sài Gòn, Việt Nam
Kha Lương Ngãi, nguyên Phó Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải phóng, Sài Gòn, Việt Nam
Hồ Minh Tâm, Kiến trúc sư, Nhà thơ, Hà Nội, Việt Nam
Đỗ Đăng Giu, nguyên Giám đốc Nghiên cứu CNRS và Đại học Paris Sud, Pháp
Nguyễn Kiều Dung, Tiến sĩ Kinh tế, Hà Nội, Việt Nam
Bùi Hiền, Nhà thơ, Toronto, Canada
Nguyễn Đăng Hưng, Giáo sư Danh dự Đại học Liège (Bỉ), sống tại Sài Gòn, Việt Nam
Vũ Trọng Khải, Phó Giáo sư Tiến sĩ Kinh tế, Chuyên gia độc lập về chính sách phát triển nông nghiệp, Sài Gòn, Việt Nam
Phạm Gia Minh, Tiến sĩ Kinh tế, nguyên Phó Chủ tịch Hội Truyền thông Số, Hà Nội, Việt Nam
Lê Thân, Nhà hoạt động Xã hội, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, Nha Trang, Việt Nam
Dương Đình Giao, Nhà giáo, Hà Nội, Việt Nam
Trần Minh Thảo, Nhà văn (Câu lạc bộ Phan Tây Hồ), Lâm Đồng, Việt Nam
Nguyễn Viện, Nhà văn, Sài Gòn, Việt Nam
Huỳnh Sơn Phước, nguyên Phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ¸ Hội An, Việt Nam
Đào Tiến Thi, Nhà nghiên cứu Ngữ văn, nguyên uỷ viên BCH Hội Ngôn ngữ Việt Nam, Hà Nội, Việt Nam
Ngô Kim Hoa (Sương Quỳnh), Nhà báo, Sài Gòn, Việt Nam
Vũ Thế Khôi, Nhà giáo Ưu tú, Hà Nội, Việt Nam
Lê Công Định, Luật gia, Sài Gòn, Việt Nam
Bùi Minh Quốc, Nhà thơ & Nhà báo, Đà Lạt, Việt Nam
Nguyễn Thị Khánh Trâm, Nghiên cứu viên Văn hóa, đã nghỉ hưu, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
Võ Văn Tạo, Nhà báo, Nha Trang, Việt Nam
Nguyễn Thị Kim Chi, Nghệ sĩ Ưu tú, Sài Gòn, Việt Nam
Hà Quang Vinh, nguyên công chức chính quyền (đã nghỉ hưu), Sài Gòn, Việt Nam
Hồ Ngọc Nhuận, nguyên ủy viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam-Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
Hồ Hiếu, nguyên Chánh văn phòng Ban Dân vận – Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
Helen Nguyễn, Đạo diễn điện ảnh, Hoa Kỳ
Tiêu Dao Bảo Cự, Nhà văn, Đà Lạt, Việt Nam
La Khắc Hoà, Phó Giáo sư Văn học (về hưu), Hà Nội, Việt Nam
Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Minh Triết Việt¸ Hà Nội, Việt Nam
Đỗ Trọng Khơi, Nhà thơ, Thái Bình, Việt Nam
Lê Quốc Quân, Luật sư Nhân quyền, Hà Nội, Việt Nam
Nguyễn Thành Kiên, Biên tập viên Xuất bản, Hà Nội, Việt Nam
Nguyễn Thanh Phong, Nhà văn, Hà Nội, Việt Nam
Ngô Thị Kim Cúc, Nhà văn & Nhà báo, Sài Gòn, Việt Nam
Tô Nhuận Vỹ, Nhà văn, Huế, Việt Nam
Elisabeth Trần Thị Quỳnh Giao, nguyên Bề trên Giám tỉnh dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, Sài Gòn, Việt Nam
Phạm Đình Trọng, Nhà văn, Sài Gòn, Việt Nam
Nguyễn Thế Hùng, Giáo sư Tiến sĩ, Phó chủ tịch Hội Cơ học Thủy Khí Việt Nam, Đà Nẵng, Việt Nam
Đinh Hoàng Thắng, Tiến sĩ, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, Phó Chủ tịch Viện VIDS, Hà Nội, Việt Nam
Phan Đắc Lữ, Nhà thơ, Sài Gòn, Việt Nam
JB. Nguyễn Hữu Vinh, Kỹ sư, Nhà báo độc lập, Hà Nội, Việt Nam
Lê Mai Đậu, Kỹ sư (hưu trí), Hà Nội, Việt Nam
Nguyễn Khoa Thái Anh, Phiên dịch Toà án Di trú Hoa Kỳ, Oakland, California, Hoa Kỳ
Tống Văn Công, Nhà báo, nguyên Tổng biên tập báo Lao Động, hiện cư trú tại Hoa Kỳ
Nguyễn Văn Đài, Luật gia, Chủ tịch Hội Anh Em Dân Chủ, Bad Nauheim, Cộng hòa liên bang Đức
Nguyễn Quang Nhàn, Công chức về hưu, Đà Lạt, Việt Nam
Nguyễn Tường Thuỵ, Nhà báo độc lập, Hà Nội, Việt Nam
Nguyễn Gia Hảo, Nhà tư vấn kinh tế độc lập, Hà Nội, Việt Nam
Dương Thuấn (Dân tộc Tày), Nhà thơ, Nhà nghiên cứu văn hóa, Hà Nội, Việt Nam
Vũ Thành Sơn, Nhà văn, Sài Gòn, Việt Nam
Đặng Thị Hảo, Tiến sĩ Văn học, Hà Nội, Việt Nam
Nguyễn Đình Nguyên, Tiến sĩ Y khoa, Australia
Nguyễn Đăng Quang, Đại tá (về hưu), nguyên cán bộ Bộ Công An, Hà Nội, Việt Nam
Mai Thái Lĩnh, Nhà nghiên cứu, Câu lạc bộ Phan Tây Hồ, Đà Lạt, Việt Nam
Hà Sĩ Phu, Tiến sĩ Sinh học, Nhà văn & Nhà báo, Đà Lạt, Việt Nam
Nguyễn Xuân Diện, Tiến sĩ Văn học, Hà Nội, Việt Nam
Phạm Đức Nguyên, Phó Giáo sư Hà Nội, Việt Nam
Nguyễn Nguyên Bình, Nhà văn, Hà Nội, Việt Nam
Bửu Nam, Phó Giáo sư Tiến sĩ Văn học, Huế, Việt Nam
Lê Phú Khải, Nhà báo, Sài Gòn, Việt Nam
Lại Thị Ánh Hồng, Nghệ sĩ, Sài Gòn, Việt Nam
Lê Công Giàu, nguyên Tổng thư ký Tổng hội Sinh viên Sài Gòn 1966, Phó Bí thư Thành đoàn Thanh niên Cộng sản Thành phố Hồ Chí Minh 1975, Tổng giám đốc SAVIMEX, Sài Gòn, Việt Nam
Đào Công Tiến, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Sài Gòn, Việt Nam
Trần Minh Quốc, Nhà giáo trước 1975, Sài Gòn, Việt Nam
Huỳnh Nhật Hải, Hưu trí, Đà Lạt, Việt Nam
Huỳnh Nhật Tấn, Hưu trí, Đà Lạt, Việt Nam
Huỳnh Tấn Mẫm, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, Tổng biên tập báo Thanh Niên, Đại biểu Quốc hội khóa 6, Uỷ viên Mặt trận Tổ quốcVN Thành phố Hồ Chí Minh, Sài Gòn, Việt Nam
Nguyễn Thị Thanh Bình, nhà văn, Hoa Kỳ
Lê Hoài Nguyên, Nhà thơ, Hà Nội, Việt Nam
Tuấn Khanh, Nhạc sĩ, Blogger, Sài Gòn, Việt Nam
Nguyễn Đan Quế, Bác sĩ, Đồng chủ tịch Hội Cựu tù nhân lương tâm Việt Nam, Sài Gòn, Việt Nam
Nguyễn Mai Oanh, Chuyên gia Nông nghiệp và Nông thôn, Sài Gòn, Việt Nam
DIỄN ĐÀN XÃ HỘI DÂN SỰ. Đại diện : Tiến sĩ Nguyễn Quang A
BAN VẬN ĐỘNG VĂN ĐOÀN ĐỘC LẬP VIỆT NAM. Đại diện : Nhà văn Nguyên Ngọc
BAUXITE VIỆT NAM. Đại diện : Giáo sư Phạm Xuân Yêm
CÂU LẠC BỘ LÊ HIẾU ĐẰNG. Đại diện : Lê Thân
_____
February 17, 2019
His Excellency Donald Trump,
President of the United States
The White House
Washington, DC
Dear Mr. President,
First of all, we, Vietnamese intellectuals and social activists who aspire independence, freedom, democracy and peace for our country, are elated at your decision to choose Vietnam for the US-North Korea summit on February 27 and 28, 2019 and fervently welcome your presence in Hanoi. We sincerely wish, and believe in the success of this crucial meeting for the non-nuclearization of the Korean peninsula, ensuring a sustainable peace for the Asia-Pacific region and the world. As leader of the most powerful and foremost nation of the free world, Your Excellency play a leading role in the outcome of this summit.
The people of Vietnam and all humanity have heard you clearly affirming the role of the United States in the world in your 2019 "State of the Union Address". In the opening words once stated that the United States "pursues a foreign policy that puts America’s interests first", you immediately refer to the "Great Crusade – The Allied liberation of Europe in World War II" and declare "Now We must walk boldly and courageously into the new chapter of America’s great adventure, and we must create a new standard of living for the 21st century". Just as you end the message with the pledge of committing America’s destiny with the fate of all nations in the world : "We must keep America first in our hearts. We must keep freedom alive in our souls. And we must always keep faith in America’s destiny – that one Nation, under God, must be the hope and the promise and the light and the glory among all the nations of the world !"
Fate once attached the Vietnamese nation to the United States’ in a war that today certainly have both countries understood deeply in our soul its consequences. The most painful consequence is that China as an aggressive and unfettered ambitious nation has blatantly expanded the conquest of Vietnam’s waters and islands on the South China Sea, threatening the freedom of navigation of all countries in the region, challenging the authority of the United States in the Asia-Pacific region.
This has been repeatedly warned by the U.S. government, especially in the harsh words of the US Secretary of State, Mike Pompeo, condemning China during the November 2018 annual US-China Foreign Affairs and Security Dialogue.
The Vietnamese people are increasingly and keenly aware that the threat of expansion and invasion by Communist China today is a continuation of the empire’s thousands years of feudal dynasties. That hegemon has been smashed by our people many times in the history, and will surely be smashed again in this century.
That wrong-headed ambition must be crushed today because it is unrighteous, because it is an ambition to deprive the sacred Freedom of the Vietnamese people and the peoples of Asia-Pacific, the freedom that we "keep alive in our souls" is no different from the American people you mention in the message of 2019.
Therefore, on the occasion of your historic summit meeting in our country’s capital in the coming days, we would like to resolutely affirm to you and the American people that the Vietnamese people are determined to protect our Independence, Freedom, and Territorial integrity at all costs ; and to protect those sacred rights, we will have to reform our country towards the democratic and civilized one, in accordance with the "new standard of living for the 21st century" that was initiated by the United States of America.
We believe that in today’s world, the interests of Vietnam and the United States are similar ; a strong and independent Vietnam would ensure the greater security and peace for the region. Therefore, in the struggle to protect and reform the country, we believe in the support of the people and governments of the free world, especially the United States of America.
Please accept here the sincere thanks and appreciation of those of us who express the will and aspiration of the majority of Vietnamese people living in the country as well as abroad.
We have the honor to remain,
******************
Gửi thư ngỏ tới Donald Trump để làm gì ?
Phạm Quang Tuấn, Tiếng Dân, 19/02/2019
Xuất hiện trên mạng một lá thư từ một số "nhân sĩ trí thức" gửi cho Tổng thống Trump nhân dịp ông này tới Việt Nam họp thượng đỉnh với Kim Jong-un. Hầu như toàn là những người mình biết và không ít thì nhiều dành sự kính trọng, và cũng đã từng nhiều lần ký thư ngỏ chung với họ. Nên càng ngạc nhiên khi đọc lá thư tào lao này. Thử phân tích vài chỗ :
### "Trước hết, chúng tôi, những nhân sĩ trí thức …" ("First of all, we, Vietnamese intellectuals..".)
Mới vào câu mào đầu đã thấy ngây thơ rồi. Trump vốn là người ghét trí thức (intellectuals), không tin các khoa học gia hay chuyên gia bất cứ ngành nào - kinh tế, chính trị, thậm chí tình báo (chẳng hạn chê các nhà khoa học về biến đổi khí hậu là sai). Giới trí thức Mỹ và thế giới ít nhất 95% chống ông ta, các kinh tế gia, Nobels laureates đã ký vô số thư ngỏ chống Trump khiến ông ta càng bực. Những người bầu cho Trump cũng toàn là giới phản trí thức (anti-intellectuals), ghét "tinh hoa" (anti-elitist). Vậy mà tự giới thiệu mình là… trí thức thì… :) Viết thư cho Trump mà tự xưng trí thức thì khác nào viết thư cho Hitler mà tự xưng là người Do Thái !
### "…và nhà hoạt động xã hội…" ("...and social activists")
Trump cũng không bao giờ quan tâm tới các nhà hoạt động xã hội. Lần trước thăm Việt Nam, ông ta có thăm hay nói về nhà hoạt động xã hội nào đâu, chỉ luôn miệng khen "phép màu Việt Nam" dưới chế độ CS. Ngoài ra, đi đến đâu trên thế giới ông ta cũng bị activists tổ chức biểu tình chống đối nên đọc chữ activists hẳn Trump phải giật mình ! (ở Việt Nam thì lần trước có activist Do Nguyen Mai Khoi nhưng bị nhà nước bịt miệng ngay :) )
### "Vai trò của Hoa Kỳ đối với thế giới, nhân dân Việt Nam và cả nhân loại đã nghe rõ Ngài khẳng định trong Thông điệp Liên bang năm 2019. Ngay trong lời mở đầu, sau khi nhấn mạnh một lần nữa rằng Hoa Kỳ "theo đuổi chính sách đối ngoại đặt lợi ích của nước Mỹ lên trên hết"…" :
Người ta đã đặt lợi ích của nước Mỹ lên trên hết thì còn kêu gọi gì nữa ? Ngay cả những đồng minh lâu đời như Tây Âu còn bất cần thì Việt Nam kêu cầu xuông có ích gì ?
### "Trung Hoa trở nên hùng hổ, đang trắng trợn mở rộng cuộc xâm chiếm vùng biển và các đảo của Việt Nam trên biển Đông, đe dọa quyền tự do hàng hải của mọi quốc gia trên vùng biển quốc tế, thách thức uy quyền của Hoa Kỳ ở Châu Á-Thái Bình Dương" :
Không sai, nhưng cái này là "dậy đĩ vén váy". Thực ra Trump cũng chẳng lưu tâm gì đến Biển Đông, nhưng có vẻ để cho thuộc hạ (Pence, Pompeo...) và quân đội làm gì thì làm.
### "Nhân dân Việt Nam ngày càng nhận thức rõ rằng nguy cơ bành trướng, xâm lược của Trung Hoa Cộng sản hôm nay là sự tiếp nối tham vọng đế quốc hàng ngàn năm của các triều đại phong kiến Trung Hoa. Tham vọng ấy đã bị nhân dân chúng tôi đập tan nhiều lần trong quá khứ, và chắc chắn sẽ bị đập tan trong thời đại ngày nay".
Trump có bao giờ lưu tâm đến lịch sử đâu, lịch sử nước ngoài lại càng không. Ông ta đã từng nói Cao Ly ngày xưa là 1 phần của nước Tàu !
### "Nhân dân Việt Nam quyết bảo vệ Độc lập, Tự do, Toàn vẹn lãnh thổ của mình bằng mọi giá ; và để bảo vệ những quyền thiêng liêng ấy, chúng tôi sẽ phải tự cường bằng con đường cải tổ đất nước, dân chủ hóa, văn minh hóa, theo "một tiêu chuẩn sống mới cho thế kỷ 21" mà Hoa Kỳ đề xướng".
Họ quên rằng Trump mới gọi Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là "một phép mầu vĩ đại của thế giới" và ông ta cùng ngoại trưởng Pompeo đang thúc giục Bắc Hàn theo gương Việt Nam. Thậm chí, cái "phép màu Việt Nam vĩ đại" này là 1 trong những luận điểm chính của Trump và niềm hy vọng Trump đặt vào để dụ dỗ Ủn. Vậy là tốt quá rồi, còn "tự cường" với "văn minh hóa" gì nữa.
### "Xin Ngài nhận ở đây lời cảm ơn chân thành từ những người nói lên ý chí và tâm nguyện của phần lớn người Việt Nam sinh sống trong nước cũng như ở nước ngoài".
Ô hay, mình hay chỉ trích cộng sản là hay tự tiếm xưng đại diện dân Việt Nam mà sao bây giờ lại thay mặt phần lớn người Việt để cảm ơn Trump ?
Và rốt cuộc, vẫn chẳng hiểu lá thư này nói gì, viết để làm gì.
Phạm Quang Tuấn
Nguồn : Dân Luận, 19/02/2019
********************
Nguyện vọng thoát Trung qua lá thư gửi Tổng thống Mỹ của nhân sĩ trí thức Việt Nam
Diễm Thi, RFA, 19/02/2019
Hôm 17/2/2019, trên các trang mạng xã hội xuất hiện bức thư của 100 nhân sĩ, trí thức và các tổ chức xã hội dân sự gửi Tổng thống Mỹ. Bức thư nêu lên vai trò của Hoa Kỳ đối với thế giới và nhân dân Việt Nam, và nhắc lại tuyên bố của Tổng thống Mỹ trong Thông điệp Liên bang năm 2019 rằng "Giờ đây, chúng ta phải bước đi mạnh bạo và can đảm vào chương mới của cuộc phiêu lưu vĩ đại của nước Mỹ, và chúng ta phải tạo nên một tiêu chuẩn sống mới cho thế kỷ 21".
Người dân các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam rời bỏ nhà cửa trước cuộc xâm lược của Trung Quốc vào ngày 23/2/1979. AFP
Cựu Đại tá công an Nguyễn Đăng Quang, từng làm việc tại Bộ Ngoại giao, cũng là người tham gia soạn thảo lá thư, cho biết mục đích ra đời của lá thư :
"Nhân dịp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sắp sang Việt Nam họp Thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên (27 và 28/2/2019), lá thư này ra đời không chỉ để Tổng thống Mỹ biết (vì ông đã thừa hiểu), mà chính là để dư luận thế giới, đặc biệt dư luận Việt Nam, dư luận Trung Quốc và cả châu Á hiểu rằng, trước nguy cơ Việt Nam bị xâm lược biển đảo, thì Hoa Kỳ là đồng minh tự nhiên của Việt Nam".
Phó Giáo sư Tiến sĩ ngôn ngữ học Hoàng Dũng nói với RFA rằng trên danh nghĩa thì lá thư được gửi cho Tổng thống Mỹ, nhưng thực chất không phải gửi cho cá nhân tổng thống mà là gửi cho người đại diện Hoa Kỳ để lên tiếng với thế giới nguyện vọng thoát Trung của người Việt Nam :
"Chúng tôi cũng không mong ông Trump làm gì được cho Việt Nam. Tất cả các nguyên thủ quốc gia khi quyết định việc gì thì họ đều đặt quyền lợi quốc gia của họ lên trên, chứ không vì lá thư mà họ thay đổi, nhưng qua lá thư chúng tôi muốn nói với công luận quốc tế và với người dân Việt rằng chính phủ Việt Nam đang lơ lửng giữa hai xu hướng : Một là ngày càng chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, và xu hướng thứ hai là muốn thúc đẩy càng nhanh càng tốt chuyển động thoát Trung.
Khi ông Trump và ông Kim Jong-un gặp nhau ở Việt Nam thì đây là thời điểm tốt để chúng tôi khẳng định lại là người Việt Nam thấy việc thoát Trung ngày càng cấp bách".
Ông dẫn chứng sự lúng túng của chính phủ Việt Nam trong mối quan hệ với Trung Quốc qua cách ứng xử vụ tưởng niệm 40 năm cuộc chiến biên giới phía Bắc vừa qua, là một mặt bật đèn xanh cho báo chí viết những bài khá mạnh mẽ về cuộc chiến ngày 17/2/1979, nhưng mặt khác thì lại giới hạn càng lúc càng chặt.
Cuộc Hội thảo cấp quốc gia về Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc do viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam tổ chức hôm 15/2/2019 tại Hà Nội đã không dám nói đó cuộc chiến tranh xâm lược, mà cũng không dám nêu tên Trung Quốc xâm lược. Trong buổi hội thảo tuyệt nhiên không có nhân vật chính trị cấp cao nào xuất hiện. Còn tại chuyến thăm nghĩa trang liệt sĩ hôm 17/2/2019 thì lại đưa một quan chức cấp cao nhưng đã rời khỏi chính trường đến dâng hoa, thắp hương, đó là nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Giáo sư Hoàng Dũng kết luận ‘Họ sợ !’ và nói thêm :
"Họ sợ hãi người dân nên phải ứng xử một cách vô văn hóa, đi ngược lại truyền thống dân tộc khi đem xe chở rác chắn ngang lối vào tượng đài Đức Trần Hưng Đạo, rồi cẩu lư hương đi chỗ khác…
Tất cả những điều đó cho thấy chính quyền Việt Nam đang rất lúng túng, tiến một bước lùi hai bước.
Và điều đó càng cho thấy cái thư của chúng tôi nhấn mạnh nguyện vọng của người Việt Nam là phải thoát Trung. Cái đó phải nói to ra cho thế giới biết và để thức tỉnh một bộ phận quan chức cũng như người dân để họ thấy đã đến lúc phải nói lên nguyện vọng đó".
Một điều xuyên suốt trong lá thư rất dễ nhận thấy là mối đe dọa từ Trung Quốc. Lá thư nhắc lại cuộc chiến Việt Nam mà ‘hậu quả đau đớn nhất chính là việc một nước Trung Hoa trở nên hùng hổ, đang trắng trợn mở rộng cuộc xâm chiếm vùng biển và các đảo của Việt Nam trên biển Đông, đe doạ quyền tự do hàng hải của mọi quốc gia trên vùng biển quốc tế, thách thức uy quyền của Hoa Kỳ ở châu Á-Thái Bình Dương.’
Cựu Đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang khẳng định :
"Mục đích chính của những người tham gia ký tên thư này nói lên một điều là lợi ích của Hoa Kỳ và lợi ích của Việt Nam lúc này ở Biển Đông, mở rộng ra là Châu Á - Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương có cùng lợi ích là ngăn chặn sự bành trướng bá quyền của Trung Quốc, nên Việt Nam và Mỹ có thể là đồng minh với nhau trong vấn đề này. Khởi đầu là đồng lợi ích rồi có thể tiến tới là đồng minh về đối ngoại, sau này có thể mở rộng thành đối tác chiến lược toàn diện, chứ không phải chỉ là đối tác toàn diện như hiện nay".
Tại phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ ngày 12/2/2019, đô đốc Philip Davidson, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương phát biểu rằng "Chúng ta phải chấp nhận một sự thật rằng tình hình Biển Đông đang thay đổi một cách nhanh chóng và chúng ta sẽ cần một cách tiếp cận mới. Điều này đòi hỏi chúng ta phải cân nhắc với một vài địa điểm Mỹ chưa đặt căn cứ quân sự tại khu vực này. Chúng tôi đang bàn bạc với các đối tác và đồng minh về khả năng thiết lập những cơ sở này".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng Bí thư Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội vào ngày 6 tháng 11 năm 2015. AFP
Việt Nam là một trong những nước có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc, là nước nhỏ nằm bên cạnh Trung Quốc và luôn chịu áp lực, đe dọa từ Trung Quốc. Lá thư cũng nêu lên rằng nhân dân Việt Nam ngày càng nhận thức rõ rằng nguy cơ bành trướng, xâm lược của Trung Hoa Cộng sản hôm nay là sự tiếp nối tham vọng đế quốc hàng ngàn năm của các triều đại phong kiến Trung Hoa. Ông Nguyễn Đăng Quang nhận định Việt Nam phải có sự chuẩn bị từ trước chứ không để "nước đến chân mới nhảy" :
"Nếu Mỹ đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam thì rõ ràng Trung Quốc sẽ không dám xâm lược Việt Nam, nhưng điều đó lại không phù hợp với chính sách "ba không" của Việt Nam là "Không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam ; không là đồng minh quân sự của bất kỳ quốc gia nào ; và không đi với nước này để chống nước kia".
Thế nhưng cái "không" thứ ba có thể thay đổi, nghĩa là để bảo đất nước, chống xâm lược thì buộc VN phải liên minh, tìm kiếm đồng minh với một nước thứ ba để bảo vệ Tổ quốc một khi Việt Nam bị một nước nào đó mạnh hơn xâm lược hay đe dọa xâm lược !
Vấn đề là phải chuẩn bị từ trước, để khi Việt Nam có nguy cơ bị xâm lược, hay bị xâm lược thì Việt Nam và Mỹ đã là đồng minh của nhau".
Mối đe dọa từ Trung Quốc là điều mà bất cứ người Việt Nam nào cũng nhận thấy, vì nó từ hàng ngàn năm qua rồi. Là người dân Việt Nam, cũng là một nghệ sĩ nổi tiếng luôn ủng hộ cho dân chủ, nhân quyền và thoát Trung, nghệ sĩ Kim Chi cho biết khi tham gia ký lá thư gửi cho Tổng thống Mỹ, bà không quá kỳ vọng nước Mỹ sẽ làm gì đó, bởi "người Mỹ họ thực dụng lắm. Cái gì có lợi cho họ thì họ làm, chứ không vì dân chủ nhân quyền của Việt Nam mà họ làm tất cả đâu".
Bà cho biết bà chỉ nghĩ đơn giản là bây giờ làm bất cứ điều gì để thúc đẩy tiến trình quan hệ Việt Nam với quốc tế tốt hơn, đi gần với dân chủ hơn là bà làm, và đây cũng là dịp để Hoa Kỳ thấy rằng người dân tin cậy ở sự hợp tác trong công cuộc đòi nhân quyền và thoát Trung ở Việt Nam.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 19/02/2019
100 trí thức, nhân sĩ Việt Nam gửi thư ngỏ cho Tổng thống Trump (Người Việt, 18/02/2019)
Một trăm nhân sĩ trí thức Việt Nam vừa gửi một bức thư ngỏ đến tổng thống Mỹ "tin vào sự ủng hộ của nhân dân và chính quyền các nước yêu tự do công lý, đặc biệt là Hoa Kỳ".
Hàng ngàn người ở Sài Gòn với băng-rôn, biểu ngữ ngày 10/6/2018 chống dự luật "Đặc khu kinh tế" mà họ cho rằng giúp Trung Quốc thôn tính Việt Nam. (Hình : AFP/Getty Images)
Nhân dịp Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp đến Hà Nội vào hai ngày cuối tháng Hai để họp thượng đỉnh với Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un, 100 nhân sĩ, trí thức và nhà hoạt động xã hội người Việt "yêu đất nước mình, yêu tự do dân chủ và hoà bình", cả trong và ngoài nước Việt Nam, vừa gửi một bức thư ngỏ cho ông Trump bầy tỏ sự hoan nghênh chủ trương "cam kết gắn số phận của nước Mỹ với số phận mọi dân tộc trên thế giới" của chủ nhân Tòa Bạch Ốc qua bản thông điệp liên bang ngày 6 tháng Hai, 2019 vừa qua.
Họ nhắc ông Trump rằng, "Định mệnh từng gắn số phận của dân tộc Việt Nam với nước Mỹ trong một cuộc chiến mà hôm nay chắc chắn cả hai quốc gia đang thấm thía những hậu quả của nó. Hậu quả đau đớn nhất chính là việc một nước Trung Hoa trở nên hùng hổ, đang trắng trợn mở rộng cuộc xâm chiếm vùng biển và các đảo của Việt Nam trên biển Đông, đe dọa quyền tự do hàng hải của mọi quốc gia trên vùng biển quốc tế, thách thức uy quyền của Hoa Kỳ ở Châu Á-Thái Bình Dương".
Trong hoàn cảnh của Việt Nam, các nhân sĩ trí thức viết trong bức thư rằng : "Nhân dân Việt Nam ngày càng nhận thức rõ rằng nguy cơ bành trướng, xâm lược của Trung Hoa cộng sản hôm nay là sự tiếp nối tham vọng đế quốc hàng ngàn năm của các triều đại phong kiến Trung Hoa. Tham vọng ấy đã bị nhân dân chúng tôi đập tan nhiều lần trong quá khứ, và chắc chắn sẽ bị đập tan trong thời đại ngày nay".
"Tham vọng ấy phải bị đập tan vì nó bất chính, vì nó là tham vọng tước đoạt quyền tự do thiêng liêng của dân tộc Việt Nam và các dân tộc Châu Á-Thái Bình Dương, quyền Tự do mà chúng tôi ‘giữ sống trong hồn mình’ không khác gì nhân dân Mỹ mà Ngài nói đến trong thông điệp 2019".
Cũng bởi thế, nhân dịp Tổng thống Trump đến Hà Nội, 100 nhân sĩ trí thức người Việt "xin khẳng định với Ngài, và thông qua Ngài, khẳng định với nhân dân Hoa Kỳ : Nhân dân Việt Nam quyết bảo vệ Độc lập, Tự do, Toàn vẹn lãnh thổ của mình bằng mọi giá ; và để bảo vệ những quyền thiêng liêng ấy, chúng tôi sẽ phải tự cường bằng con đường cải tổ đất nước, dân chủ hóa, văn minh hóa, theo ‘một tiêu chuẩn sống mới cho thế kỷ 21’ mà Hoa Kỳ đề xướng".
Các nhân sĩ trí thức người Việt tin rằng "trong thời cuộc thế giới hôm nay, quyền lợi của Việt Nam và Hoa Kỳ là tương đồng ; một nước Việt Nam độc lập, hùng cường là đảm bảo vững chắc cho an ninh, hoà bình khu vực. Vì thế, trong cuộc đấu tranh để bảo vệ và cải tổ đất nước, chúng tôi tin vào sự ủng hộ của nhân dân và chính quyền các nước yêu tự do công lý, đặc biệt là Hoa Kỳ".
Bức thư ngỏ gửi Tổng thống Trump đề ngày 17 tháng Hai, 2019, được phổ biến rộng rãi trên mạng xã hội. Trong số những người đầu tiên ký tên, người ta thấy có Tiến sĩ Nguyễn Quang A ; Nhà văn Nguyên Ngọc, Tiến sĩ Chu Hảo, nhà thơ Hoàng Hưng, Tiến sĩ ngôn ngữ Hoàng Dũng, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Tiến sĩ tâm lý Mạc Văn Trang, Linh mục Giuse Maria Lê Quốc Thăng, Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Linh mục Gioan Baotixita Huỳnh Công Minh…(TN)
********************
Thư ngỏ cho Tổng thống Trump nhân thượng đỉnh Hoa Kỳ - Bắc Triều Tiên về vấn đề Biển Đông (RFA, 19/02/2019)
Truyền thông quốc tế đã thông báo chính thức về cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un sẽ diễn ra vào ngày 27 và 28 tháng 2 năm nay tại Hà Nội.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un trong Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Bắc Hàn ở Singapore ngày 12/6/2018. AFP
Những tháng đầu năm, trong lịch sử cận đại của Việt Nam cũng là thời điểm nhắc nhớ lại những sự kiện đau thương với Trung Quốc :
- Ngày 19/1/1974 Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa gây nên cái chết của 75 binh sĩ và thủ thủ Việt Nam Cộng Hòa
- Ngày 17/2/1979 Trung Quốc xâm lăng Việt Nam để ủng hộ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ
- Và ngày 14/3 năm nay cũng đánh dấu 31 năm Trung Quốc chiếm Trường Sa, 64 binh sĩ đã hy sinh trong trận thủy chiến Gạc Ma
Trong bối cảnh đó, ngày 14/2 vừa qua Tiến sĩ Lê Trung Tĩnh, thuộc Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, Nhóm Biển Đông tại Pháp đã phổ biến lá thư ngỏ gửi Tổng thống Trump để kêu gọi ông chú ý đến những sự kiện này và coi đó như một mối đe dọa của nền hòa bình Quốc tế, nhất là ở khu vực Biển Đông. Đồng thời đề nghị Tổng thống Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc tôn trọng quyền tự do hàng hải và luật pháp Quốc tế. Ông Lê Trung Tĩnh chia sẻ về động lực thúc đẩy nhóm Biển Đông viết lá thư kêu gọi này :
Tôi muốn gửi thông điệp này đến Tổng thống Mỹ, kể lại những câu chuyện lịch sử của nước Việt Nam đối với Hoa Kỳ và Quốc tế và từ đó, cũng mong muốn gửi những đề nghị đối với Tổng thống Mỹ kêu gọi Trung Quốc đưa tranh chấp Hoàng Sa ra tòa án công lý quốc tế. Nếu Trung Quốc luôn mạnh miệng nói rằng họ có bằng chứng chủ quyền trên Hoàng Sa là mạnh nhất, tại sao họ không chấp nhận đưa phán quyết này ra một bên thứ ba ?
Lá thư không chỉ đề cập đến những giải pháp quân sự mà còn kệu gọi sự hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như các nước trong khu vực để có những giải pháp chính trị, kinh tế xã hội hầu đối phó với các kế hoạch chiếm lãnh toàn bộ biển Đông của Trung Quốc :
Tôi cũng mong muốn rằng Việt Nam có những hợp tác mạnh mẻ hơn với Mỹ trong công việc tuần tra trên biển và không chỉ Việt Nam, tôi cũng mong muốn những nước khác trong khu vực bị ảnh hưởng bởi đường 9 đoạn cùng hợp tác nhiều hơn với Mỹ để có thể giải quyết được công việc này.
Ông Thành Đỗ một cư dân ngoại ô Paris, vui mừng trước ý tưởng này :
Tôi rất vui mừng khi thấy có những người lợi dụng cơ hội Tổng thống Mỹ đến Việt Nam để viết một lá thư ngỏ như vậy. Đó là một ý kiến rất hay. Nếu không ai làm gì hết thì sẽ không ai nghĩ đến Việt Nam đâu, chúng ta phải biết lợi dụng cơ hội, nắm bắt thời cơ.
Căm phẩn về việc Trung Quốc xâm chiếm biển đảo cũng như đàn áp ngư dân đánh cá trong phạm vi được coi là chủ quyền của Việt Nam là lý do mà ông Nguyễn Vũ Bình, một nhà báo tự do đang sống tại Việt Nam ký tên vào lá thư này, ông nói :
Việc thôn tính biển Đông của Trung Quốc cũng như là o ép những ngư dân vi phạm trắng trợ luật pháp quốc tế. Và chúng ta muốn giữ chủ quyền biển đảo cũng như là giữ cho những ngư dân tự do đánh bắt cá thì chúng ta phải đưa vấn đề này ra quốc tế. Đó là một yêu cầu rất chính đáng và rất là đúng. Vì thế tôi đã ký bức thư ngỏ đó.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang (phải) và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (trái) nói chuyện tại cuộc gặp song phương ở Hà Nội hôm 12/11/217 AFP
Sau khi lá thư được đưa lên mạng ngày 14/2, sau bốn ngày đã thu được gần 2000 chữ ký. Bên cạnh đó, có rất nhiều ý kiến đóng góp, trong đó có người ái ngại cho rằng cách đây 5 năm Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông đã gửi một lá thư cho Liên Hiệp Quốc và không có phản hồi, Tiến sĩ Lê Trung Tĩnh cho rằng lần này sẽ khác, và nếu không có giá trị ngay lập tức thì cũng sẽ có ảnh hưởng về sau này, ông nói :
Chúng tôi xin thưa rằng lá thư này có một giá trị tích cực và thực sự hơn vì nó gửi đến một người cụ thể, một người có quyền lực cụ thể với những khả năng cụ thể, đó là Tổng thống Mỹ Donald Trump ! Khi họ nghe tiếng nói của hàng trăm ngàn người đến với họ khi họ đến đất nước đó thì một cách tự nhiên họ sẽ lắng nghe và suy xét để có những hành vi tương ứng. Nếu không ngay bây giờ, thì có thể là sau đó hay những điều chỉnh chính sách.
Cũng có người cho rằng những thư ngỏ hay pétition đều sẽ không đem lại hiệu quả, Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một trong những người đầu tiên đã ký tên vào lá thư này, lại có suy nghĩ khác :
Quỳnh nghĩ là tất cả những động thái, những chữ ký dù lớn hay nhỏ, tất cả những thỉnh nguyện thư ít nhiều đều có hiệu quả. Và với chuyến viếng thăm lần này của Tổng thống Hoa Kỳ, Quỳnh nghĩ ít nhất đây cũng là một động thái chứng tỏ cho nhà nước Việt Nam thấy rằng người Việt khắp nơi trên thế giới, người Việt trong và ngoài nước không bao giờ từ bỏ cái khát khao dành lại Hoàng Sa và Trường Sa và điều đó sẽ được thực hiện bằng sự văn mình, tiến bộ và luật pháp Quốc tế.
Theo kỹ sư Đỗ Thành, tùy theo bối cảnh tranh chấp, tùy trường hợp mà thời gian để đưa một vụ kiện ra tòa án quốc tế là 50 năm, và thời hạn đó với Hoàng sa đã gần kề, ông cho biết :
Chúng ta có đầy đủ yếu tố lịch sử và pháp lý để kiện vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa ra tòa án Quốc tế, chúng ta có đủ quyền để làm điều đó. Và xin thưa một điều khá quan trọng là theo luật pháp quốc tế thì một đất đai nào đó , nếu sau 50 năm mà chúng ta không kiện ra tòa án quốc tế thì coi như chúng ta mặc nhiên công nhận là điều đó đúng. Chúng ta chỉ còn có 5 năm nữa thôi, nếu không kiện thì chúng ta mặc nhiên công nhân Hoàng Sa thuộc về chủ quyền không thể chối cãi của Trung Quốc . Xin thưa như vậy. Chúng ta phải làm điều đó bởi vì tiền đồ của dân tộc, bởi vì tương lai, bởi vì giang sơn của Tổ Quốc, chúng ta không thể ngồi im được.
Với hàng ngàn phóng viên, báo chí quốc tế sẽ có mặt tại Hà Nội, nhà báo Nguyễn Vũ Bình tin rằng lá thư sẽ tạo được sự chú ý của Tổng thống Hoa kỳ vì vấn đề tự do hàng hải không chỉ liên quan đến Việt Nam, ông nói :
Sự tranh chấp ở biển Đông không chỉ giữa Việt Nam và Trung Quốc mà có cả Mỹ và Trung Quốc về vấn đề chiến lược biển Đông rồi tự do hàng hải nên tôi nghĩ Tổng thống Trump cũng sẽ quan tâm đến lá thư của người dân Việt Nam yêu cầu như thế. Nó tác động đến mức nào, như thế nào thì không nói được nhưng tôi nghĩ nó sẽ có tác động nhất định, có sự chú ý nhất định.
Gần đây truyền thông lề đảng gọi Trung Quốc là xâm lược, nhưng vẫn đàn áp những sự kiện tưởng nhớ Hoàng Trường Sa, nhà báo Nguyễn Vũ Bình nhận định về sự mâu thuẩn này :
Nhà nước Việt Nam lúc nào cũng nói Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam mà bị Trung Quốc xâm chiếm, thế nhưng việc quan trong nhất là khởi tiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế thì Việt Nam lại không làm. Đó là những điều ngịch lý, rồi những người trong phong trào dân chủ khi muốn ra thắp hương tưởng niệm những kiệt sĩ đã hy sinh trong chiến tranh biên giới thì đều bị giữ ở nhà, người nào ra đến nơi chưa làm được gì đã bị bắt hết cả. Chứng tỏ đây không phải là thực tâm.
Trả lời câu hỏi : Thế các bạn chờ đợi gì từ lá thư này, ông Lê Trung Tĩnh nói :
Tôi viết lá thư này không phải là một công việc để cho vui. Tôi viết lá thư này vì mong muốn Tổng thống Mỹ Donald Trump đọc nó và có những hành động tương ứng vì tương lai tươi sáng của Việt Nam, vì hòa bình, vì ổn định, vì sự hợp tác chặc chẻ hơn nữa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Tôi mong rằng điều đó sẽ được thực hiện và tôi sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện cho việc đó được thực hiện.
Cùng với ý tưởng đó, chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hy vọng :
Quỳnh mong rằng lá thư này sẽ được sự quan tâm của chính giới Hoa Kỳ, và nếu nó được đặt lên bàn trao đổi với nhà nước Việt Nam thì đó sẽ là một kết quả đáng khích lệ cho giới hoạt động Dân chủ tại Việt Nam và đặc biệt là cho những kết quả miệt mài của Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông.
Lá thư này, theo ông Lê Trung Tĩnh, không phải là một giấc mơ, đó là hành trình tiến đến công lý từ chữ ký của mỗi người, ông kêu gọi :
Chúng tôi cần sự tham gia của tất cả bạn của tất cả mọi người Việt, của tất cả công dân trên thế giới ký tên vào lá thư và chia sẻ nó với càng nhiều người càng tốt.
Tường An