Lá phiếu cử tri đoàn
Đinh Yên Thảo, VOA, 05/11/2020
Rất hiếm hoi mà một cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vẫn chưa có kết quả sau đôi ngày bầu cử. Trong khi số phiếu phổ thông cho thấy cựu Phó Tổng thống Joe Biden vượt đương kiêm tổng thống Donald Trump hơn 3,5 triệu phiếu, cả thế giới vẫn chưa biết chắc ai sẽ là tổng thống Hoa Kỳ trong bốn năm đến. Điều này liên quan đến thể thức cử tri đoàn mà nhân dịp này chúng ta có thể điểm lại đôi nét tại sao nó ra đời và tại sao nước Mỹ vẫn còn sử dụng cho đến nay.
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 : Kết quả tạm thời chiều ngày 04/11/2020.
Mỗi mùa bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, người ta lại nhắc về thể thức bầu cử cử tri đoàn chỉ có mỗi Hoa Kỳ áp dụng, thay cho phổ thông đầu phiếu được áp dụng trên thế giới. Đã có năm lần trong lịch sử, dù ứng viên thắng phiếu phổ thông, tức có tổng số phiếu bầu cao hơn nhưng đã thất cử vì thua phiếu cử tri đoàn. Chính vì vậy vẫn luôn có cuộc tranh luận cho đến nay là, liệu thể thức hơn 200 tuổi này đã lạc hậu và cần thay đổi hay sẽ vẫn là thể thức bầu cử lâu dài của Hoa Kỳ ?
Cử tri đoàn là thể thức chính thức bầu ra Tổng thống và Phó Tổng thống Hoa Kỳ do hiến pháp Hoa Kỳ quy định. Số lượng cử tri đại biểu hay còn gọi là "đại cử tri" trong cử tri đoàn sẽ tương ứng cùng con số 435 dân biểu Hạ Viện và 100 Thượng Nghị Sĩ của Quốc hội Hoa Kỳ, cộng thêm ba đại cử tri của đặc khu Washington DC, tổng cộng là 538 người. Ứng viên nào nhận được quá bán tổng số cử tri đoàn, tức 270 phiếu sẽ thắng cử chức vụ tổng thống.
Khi cử tri đi bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử Tổng thống, họ thực sự đang bỏ phiếu cho nhóm đại cử tri cam kết sẽ thay mặt cử tri để bỏ lá phiếu của họ cho các ứng viên có đa số phiếu bầu trong tiểu bang mình, mà hầu hết các bang đều theo công thức "được ăn cả, ngã về không", tức thắng phiếu phổ thông tại tiểu bang nào sẽ nhận hết các lá phiếu cử tri đoàn tại tiểu bang đó.
Quay lại cùng lịch sử, trong số rất nhiều vấn đề hóc búa được những nhà lập quốc tham dự Công ước Hiến pháp tại Philadelphia vào năm 1787 (Constitutional Convention) tranh luận là cách bầu chọn tổng thống. Cho đến bấy giờ thì chưa có quốc gia nào có thể thức bầu chọn tổng thống, cũng như là quốc gia non trẻ vừa thoát khỏi ách thuộc địa của Anh đi theo thể chế cộng hòa nên các nhà lập quốc phải bàn thảo, tìm ra phương cách áp dụng cho riêng mình. Các nhà lập quốc đã tranh luận trong nhiều tháng trời, với một số lập luận rằng Quốc hội nên là cơ quan bầu chọn tổng thống và những người khác kiên quyết đòi một cuộc bầu cử đầu phiếu phổ thông dân chủ.
Giải pháp Quốc hội bầu chọn tổng thống bị cho rằng sẽ tạo ra sự thông đồng, cấu kết giữa hai nhánh lập pháp và hành pháp, đưa ra các tệ nạn chính trị và tham nhũng mà không kiểm soát nhau theo thể chế tam quyền phân lập. Còn theo thể thức phổ thông đầu phiếu thì lúc bấy giờ người dân ở rải rác, các vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh không có phương tiện để biết đến các ứng viên tổng thống, hoặc sự lo ngại có thế lực khống chế người dân bỏ phiếu cho kẻ độc tài hay một ứng viên mang chủ nghĩa dân túy có khả năng quyến dụ người dân nhưng thực chất là kẻ nguy hiểm cho quốc gia. Kết quả và thỏa thuận cuối cùng sau các tranh luận là thể thức "Cử Tri Đoàn" ra đời và được sử dụng cho đến nay.
Cử tri đoàn là thế nào ?
Trong số các cuộc tranh luận kéo dài đó, đã có một thỏa hiệp dựa trên ý tưởng của giải pháp "trung gian" qua việc bầu cử trung gian. Những đại biểu trung gian sẽ không được chọn bởi Quốc hội hoặc do người dân bầu chọn mà do mỗi bang sẽ chỉ định những "đại cử tri" độc lập, những người sẽ thực sự cân nhắc bỏ phiếu cho nhiệm kỳ tổng thống. Điều cần lưu ý ở đây là vào thời điểm này, chưa có đảng phái chính trị nên lá phiếu đầy thận trọng của các đại cử tri này rất độc lập và chính trực, không bỏ theo lịnh của tiểu bang hay mang tính đảng phái.
Tổng thống George Washington là tổng thống duy nhất đã từng được sự đồng thuận tuyệt đối của các đại cử tri để trở thành tổng thống đầu tiên của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Nhưng kể từ sau cuộc bầu cử này, các tiểu bang thay đổi luật lệ cũng như sự ra đời của các đảng phái chính trị, với đảng Dân chủ ra đời năm 1828 và đảng Cộng hòa ra đời năm 1854, bỏ phiếu theo cử tri đoàn đã bắt đầu có những thay đổi về số đại cử tri tri mỗi tiểu bang, cách chọn đại biểu, đại diện theo phiếu phổ thông... nhưng nói chung vẫn giữ theo thể thức như ban đầu.
Các tiểu bang đã có danh sách các đại cử tri của tiểu bang mình để bỏ lá phiếu thông thường vào trung tuần tháng 12 theo sau cuộc bầu cử, năm nay sẽ là ngày 14 tháng 12. Mỗi tiểu bang sẽ có cách chọn đại cử tri khác nhau nhưng thông thường là các tiểu bang sẽ đề cử các đại cử tri, là những người tích cực hoạt động đảng phái chính trị được đảng mình đề cử hay tự ra ứng cử và được bầu chọn tại đại hội đảng cấp tiểu bang.
Những người ủng hộ thể thức này cho rằng nó là yếu tố căn bản của chủ nghĩa liên bang, cân bằng quyền lực giữa các tiểu bang và tạo sự ổn định chính trị. Những người chỉ trích thì cho rằng xã hội và hệ thống chính trị Hoa Kỳ đã khác xa hơn 200 năm trước, nó thiếu dân chủ và không thể hiện ý nguyện toàn dân. Với một phân bổ địa chính trị rõ ràng giữa các tiểu bang như hiện nay, rốt lại thể thức bầu cử này đã làm cho các cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ chỉ còn phụ thuộc vào kết quả từ một số tiểu bang dao động, cũng như sự chọn lựa toàn dân cũng không là kết quả cuối cùng như mọi người đang thấy hiện nay.
Tuy nhiên việc thay đổi thể thức này xem ra khó có thể xảy ra trong tương lai gần. Các đảng phái chính trị không muốn thay đổi vì một khi chuyển sang phổ thông đầu phiếu thì nó sẽ có lợi cho đảng nào được đông đảo người dân ủng hộ và đảng đó sẽ có nhiều cơ hội thắng cử liên tục trong các cuộc bầu cử. Việc cần hai phần ba dân biểu Quốc hội chuẩn thuận và ba phần tư tiểu bang đồng ý đã giúp cho đảng bất lợi duy trì được thể thức này. Nên dù nhìn nhận thế nào thì thể thức cử tri đoàn này sẽ còn duy trì rất lâu trong nền chính trị Hoa Kỳ.
Đinh Yên Thảo
Nguồn : VOA, 05/11/2020
**********************
Bầu cử Mỹ : Biden tiến gần hơn đến Nhà Trắng
Thanh Phương, RFI, 05/11/2020
Tính đến tối 04/11/2020, ứng cử viên Dân chủ Joe Biden đã tiến gần hơn đến Nhà Trắng sau khi giành thắng lợi ở hai bang chủ chốt. Về phần tổng thống mãn nhiệm Mỹ, Donald Trump phát động một cuộc chiến tư pháp để ngăn chận thắng lợi của đối thủ.
Sau khi giành được thêm hai bang Wisconsin và Michigan (sau Arizona) từ tay ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump, ông Joe Biden kể từ nay nắm trong tay lá phiếu của 264 đại cử tri, tức là chỉ cần 6 phiếu nữa là đủ mức tối thiểu 270 đại cử tri để đắc cử tổng thống thứ 46 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Trong khi đó tại bang Pennsylvania, tính đến hôm qua, ông Donald Trump vẫn qua mặt đối thủ Dân chủ, nhưng khoảng cách giữa hai ông đang ngày càng bị thu hẹp, khi ngày càng có nhiều phiếu bầu qua bưu điện được kiểm. Đa số các phiếu được kiểm xong là bầu cho ông Biden.
Không chấp nhận thua cuộc, tổng thống Donald Trump đã cho tiến hành nhiều thủ tục tư pháp. Tai Wisconsin, nơi mà ứng cử viên Dân chủ thắng sát nút, nhóm phu trách tranh cử của ông Trump đòi kiểm lại phiếu và yêu cầu một thẩm phán địa phương xem xét lại các phiếu đã được kiểm. Họ cũng kiện để đòi tạm ngưng kiểm phiếu ở bang Pennsylvania. Bản thân ông Trump đêm thứ Ba rạng sáng thứ Tư cũng đã dọa sẽ yêu cầu Tối Cao Pháp Viện can thiệp, nhưng không nói rõ là để làm gì. Phe của ông Trump cũng loan truyền nhiều tin đồn về gian lận phiếu. Hôm qua, Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu đã chỉ trích "những cáo buộc vô căn cứ" của tổng thống Mỹ về bầu cử.
Như vậy là lần đầu tiên kể từ năm 2000, người dân Mỹ vẫn chưa biết tên của vị tân tổng thống một ngày sau bầu cử. Chưa bao giờ người dân Mỹ đi bỏ phiếu đông đảo như thế : 160 triệu cử tri đã đi bầu, tức là tỷ lệ tham gia lên đến 66,9%, so với 59,2% năm 2016, theo US Elections Project. Đặc biệt lần này có rất nhiều cử tri bỏ phiếu qua bưu điện. Tại một số thành phố, việc mở thư và scan các phiếu bầu sẽ mất nhiều tuần.
Trong khi đó tình hình tại nhiều bang đang ngày càng căng thẳng, theo tường trình của thông tín viên Eric de Salves từ San Francisco :
"Người dân Mỹ vẫn chưa biết tên vị tân tổng thống, căng thẳng bắt đầu dâng lên tại nhiều bang mà hai ứng cử viên tranh phiếu gay go như Michigan hay Arizona. Những ủng hộ viên của Donald Trump, mà một số có mang vũ khí, đã biểu tình trước trung tâm bầu cử nơi mà phiếu đang được kiểm. Một số người đòi phải ngưng kiểm phiếu, những người khác thì ngược lại, đòi phải kiểm cho đến cùng tại những nơi mà họ nghĩ là có nhiều phiếu bỏ cho ứng cử viên của họ.
Những cuộc biểu tình này diễn ra sau khi có những cáo buộc của ông Donald Trump về gian lận bầu cử. Trên mạng Twitter, tổng thống mãn nhiệm khẳng định "phe Dân chủ đã làm việc cật lực để tạo ra 500.000 lá phiếu ở Pennsylvania, Michigan", nhưng ông không đưa ra một bằng chứng nào.
Trong khi đó, đối thủ của ông có vẻ như tiến gần hơn đến Nhà Trắng. Joe Biden đã giành chiến thắng ở hai bang vùng Midwest đã từng bầu cho Trump vào năm 2016 : Wisconsin và Michigan. Một bang khác của Trump là Arizona cũng nghiêng hẳn về phía ứng cử viên Dân chủ. Donald Trump vẫn dẫn đầu ở Georgia và Pennsylvania. Nhưng khoảng cách dẫn đầu ngày càng bị rút ngắn khi ngày càng có nhiều phiếu bầu qua bưu điện được kiểm".
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 05/11/2020
*********************
Bầu cử Mỹ : OSCE bác bỏ lập luận của Tổng thống Donald Trump về các vụ "gian lận"
Trọng Nghĩa, RFI, 05/11/2020
Sau những tuyên bố của tổng thống Mỹ Donald Trump về những điều mà ông cho là "gian lận" trong cuộc bầu cử ngày 03/11 vừa qua, các quan sát viên quốc tế của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) mà Hoa Kỳ là thành viên, vào hôm qua, 04/11/2020, đã lên tiếng chỉ trích gay gắt những "cáo buộc vô căn cứ" của chủ nhân Nhà Trắng.
Dân biểu Đức Michael Georg Link, điều phối viên của các quan sát viên của OSCE, chịu trách nhiệm theo dõi cuộc bầu cử cho rằng : "Không ai - không một chính trị gia hay một người dân cử nào – có quyền hạn chế quyền bỏ phiếu của người dân". Dân biểu này nói thêm : "Sau một chiến dịch vận động căng thẳng như vậy, việc bảo đảm mọi phiếu bầu đều được kiểm là nghĩa vụ cơ bản đối với tất cả các cơ quan chính phủ".
Phái bộ OSCE kết luận rằng "cuộc bầu cử ngày 3 tháng 11 đã diễn ra một cách có hiệu quả và tốt đẹp, bất chấp thách thức đến từ đại dịch Covid-19".
Tuy nhiên, phái bộ cũng ghi nhận : "Chiến dịch vận động tranh cử đã bộc lộ tình trạng chia rẽ sâu sắc, đôi khi cản trở cuộc tranh luận chính trị và bao gồm các cáo buộc vô căn cứ về việc gian lận có hệ thống".
Vào lúc kết quả đang lần lượt được công bố trong đêm từ 03 đến 04/11, ông Donald Trump đã sớm tuyên bố "chiến thắng lớn" của ông và cáo buộc đảng Dân chủ "đánh cắp" thắng lợi này bằng cách bỏ phiếu sau khi cuộc bầu cử kết thúc. Đối với OSCE : "Những tuyên bố này của một tổng thống tái ứng cử làm suy giảm niềm tin của công chúng vào các thể chế Nhà nước và bị nhiều người coi là nguy cơ làm bạo lực chính trị gia tăng sau cuộc bầu cử".
Với 57 thành viên, bao gồm cả Mỹ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và tất cả các nước Châu Âu, OSCE là một trong số ít các diễn đàn đối thoại giữa phương Tây và các nước thuộc Liên Xô cũ.
Facebook và Twitter cố gắng kềm chế Trump và những tin đồn thất thiệt
Cũng liên quan đến tổng thống Mỹ, Facebook và Twitter đã phải đối mặt với một loạt thông tin sai lệch trong ngày diễn ra cuộc bầu cử Mỹ, đặc biệt là các nguồn tin bị đánh giá là sai lạc đến từ ông Trump, theo đó chủ nhân Nhà Trắng tự nhận là mình đã thắng cử.
Twitter đã gắn vào hầu như là một nửa các tin nhắn của tổng thống Mỹ hàng chữ cảnh báo : "Một phần hoặc toàn bộ nội dung được chia sẻ trong thông điệp đang bị phản bác và có khả năng gây hiểu lầm về cách tham gia một cuộc bầu cử".
Trên Facebook, các tin nhắn của Donald Trump vẫn có thể đọc được, nhưng Facebook đã liên kết những tin này với Trung Tâm Thông Tin Bầu Cử của mình, cho thấy kết quả chính thức chưa ngã ngũ, đang rất khít khao giữa ông Trump và đối thủ Biden trong cuộc chạy đua giành đại cử tri. Facebook nói rõ : "Ngay sau khi tổng thống Donald Trump bắt đầu tuyên bố chiến thắng sớm, chúng tôi đã đăng thông báo trên Facebook và Instagram cho biết rằng việc kiểm phiếu đang được tiến hành và vẫn chưa có người chiến thắng".
Trọng Nghĩa
Nguồn : RFI, 05/11/2020
********************
Mười khác biệt trong cách bỏ phiếu của người Mỹ so với thế giới
Eric Bjornlund, Nghiên cứu quốc tế, 05/11/2020
Nhiều người Mỹ không biết quá trình bầu cử của họ kỳ lạ như thế nào so với phần còn lại của thế giới - từ Đại cử tri đoàn cho đến cách xác định phạm vi địa lý các khu vực bỏ phiếu. Nhưng ngay cả bản thân quy trình bỏ phiếu cũng rất khác so với các nền dân chủ khác, khiến việc bỏ phiếu trở nên khó khăn hơn và làm tăng nguy cơ gian lận cũng như tranh chấp giữa các đảng phái.
Dưới đây là 10 khác biệt trong cách người Mỹ bỏ phiếu so với thế giới :
1. Ngày Bầu cử được tổ chức vào ngày làm việc. Hầu hết các nền dân chủ khác đều bỏ phiếu vào cuối tuần hoặc chuyển ngày bầu cử của họ thành ngày nghỉ, có nghĩa là nhiều người hơn có thể bỏ phiếu mà không phải lo lắng về việc bỏ lỡ công việc.
2. Không có sự thống nhất trong các cuộc bầu cử quốc gia. Hoa Kỳ dường như là nền dân chủ duy nhất trên thế giới không cố gắng đưa ra các quy tắc và thủ tục thống nhất để áp dụng cho tất cả các cuộc bầu cử quốc gia. Bỏ phiếu diễn ra trên hàng nghìn khu vực chính quyền với vô số loại phiếu bầu, tiêu chí xác định tư cách hợp lệ của cử tri, thiết bị bỏ phiếu, phương pháp kiểm phiếu và khung thời gian, thủ tục bỏ phiếu sớm hoặc bỏ phiếu vắng mặt, cũng như các quy tắc giải quyết tranh chấp khác nhau.
3. Không có cơ quan quản lý bầu cử quốc gia. Không giống như hầu hết các quốc gia khác, Hoa Kỳ thiếu một ủy ban bầu cử quốc gia hoặc một cơ quan nào đó chịu trách nhiệm về quy trình bầu cử. Ngay cả các quốc gia khác có truyền thống liên bang mạnh mẽ như Ấn Độ, Canada và Mexico cũng có ủy ban bầu cử quốc gia điều hành các cuộc bầu cử liên bang với các quy tắc thống nhất trên toàn quốc.
4. Quản lý bầu cử theo đảng phái. Tại 33 bang của Hoa Kỳ, quan chức giám sát bầu cử chính được bầu trong các cuộc bầu cử đảng phái và có quan hệ liên minh với một đảng chính trị nào đó - Mỹ là nền dân chủ duy nhất trên thế giới lựa chọn các quan chức bầu cử cấp cao của mình theo cách này. Do đó, tính khách quan và công bằng trong việc điều hành bầu cử phụ thuộc quá nhiều vào sự chính trực của các quan chức phụ trách bầu cử của bang và địa phương, những người thường ủng hộ các ứng cử viên hoặc tham gia tranh cử trong chính các cuộc bầu cử mà họ giám sát. Điều này làm tăng nguy cơ tranh chấp và kiện tụng rất nhiều.
5. Thủ tục đăng ký cử tri phức tạp. Không giống như hầu hết các quốc gia khác, Hoa Kỳ thiếu cơ sở dữ liệu đăng ký cử tri ở cấp quốc gia hoặc mang tính thống nhất. Thay vì đăng ký tự động hoặc diễn ra theo sự chủ động của chính phủ như ở hầu hết các quốc gia khác, thì gánh nặng đăng ký bỏ phiếu thuộc về mỗi cá nhân. Điều này có xu hướng khuyến khích sự không tham gia của cử tri.
6. Tranh cãi lan rộng về việc xác định danh tính cử tri. Hầu hết các quốc gia có quy định thống nhất về những gì mà cử tri phải cung cấp tại các địa điểm bầu cử để được bỏ phiếu. Nhiều quốc gia có thẻ căn cước quốc gia hoặc thẻ căn cước cử tri mà mọi cử tri đều phải xuất trình.
7. Gây khó khăn cho cử tri đi bỏ phiếu. Trong lịch sử Hoa Kỳ, thường có ít nhất một đảng lớn cố tình gây khó khăn hơn cho một số nhóm người trong việc đi bỏ phiếu. Hiện tại, một đảng chính trị lớn dường như đang cố gắng ngăn cản sự tham gia của cử tri. Điều này dường như không phổ biến ở những nơi khác trên thế giới. Việc một số bang của Hoa Kỳ tước bỏ quyền bầu cử của những người có tiền án hình sự cũng rất bất thường.
8. Bộ phận quản lý bầu cử có ít thẩm quyền. Các nhà quản lý bầu cử ở Hoa Kỳ nói chung có ít quyền quyết định hơn so với đồng nghiệp của họ ở các quốc gia khác trong việc điều chỉnh các quy tắc và thủ tục - ví dụ như về cách phản ứng với đại dịch Covid-19.
9. Không có quy trình bỏ phiếu hoặc đếm phiếu tiêu chuẩn. Ngay cả trong một tiểu bang, các công nghệ và quy trình cũng khác nhau giữa các quận. Các quy tắc về cách tính phiếu bầu vắng mặt rất khác nhau trên cả nước - đây là một nguồn tranh chấp tiềm tàng khác. Một lần nữa, dường như không có quốc gia nào khác làm theo cách này.
10. Không có cơ chế dành riêng cho việc giải quyết tranh chấp bầu cử. Trên toàn cầu, xu hướng là thiết lập các cơ chế giải quyết tranh chấp bầu cử chuyên biệt. Ngược lại, ở Hoa Kỳ, những ai có khiếu nại về quy trình này thường phải đến tòa án, nơi có xu hướng giải quyết khiếu nại chậm hơn với các thẩm phán ít có chuyên môn về bầu cử hơn.
Eric Bjornlund
Nguyên tác : "10 Problematic Ways in Which U.S. Voting Differs From the World’s", Foreign Policy, 03/11/2020.
Phan Nguyên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 05/11/2020