Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/11/2020

Bắc Kinh, Washington và chuỗi đảo chiến lược

RFI tiếng Việt

Tuần báo Pháp L’Express tuần này nhận định, Washington đã tăng cường cảnh giác trước tham vọng về biển đảo và chiến lược tằm ăn dâu của Trung Quốc nhằm gặm nhấm dần Biển Đông và cả Biển Hoa Đông.

chuoidao0 (2)

Sơ đồ các căn cứ hải quân cho thấy Trung Quốc bị bao vây bởi chuỗi đảo chiến lược

Khái niệm "chuỗi đảo" có từ thập niên 40, đối với Mỹ là để chận lại sự bành trướng của cộng sản. Chuỗi đảo thứ nhất gồm quần đảo Kuril (một phần thuộc Nga), Nhật Bản, Đài Loan, Philippines ; những đồng minh của Hoa Kỳ. Chuỗi đảo thứ hai là Guam và Bắc Mariana, các "Nhà nước tự do liên kết với Mỹ" : Micronésie, Marshall, Palao. Chuỗi thứ ba tập trung vào quần đảo Hawai.

Trung Quốc cho rằng mình bị bao vây, và từ 30 năm qua đã mở rộng lực lượng hàng hải hoạt động ngoài khơi xa và tăng cường vũ trang. Thế nên lợi thế quân sự của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương bị yếu đi, và ngay cả các căn cứ ở chuỗi đảo thứ hai, nhất là Guam cũng đã trở nên dễ tổn thương hơn. Từ vài tháng qua, các nhà chiến lược Mỹ đã lo ngại Bắc Kinh sẽ dùng đến vũ lực trong khu vực.

Tất nhiên mọi chú ý tập trung vào Đài Loan. Trung Quốc liên tục tập trận sát cạnh, và hôm 19/09 có đến khoảng 20 chiến đấu cơ bay vào vùng nhận diện phòng không của Đài Bắc, trong khi trước nay Bắc Kinh chưa bao giờ xâm phạm lằn ranh này.

Đây không phải là căng thẳng đầu tiên, nhưng bối cảnh đã khác : phe thân Bắc Kinh ở Đài Loan thất cử, đại dịch, Hồng Kông bị mất quyền tự trị, và các nhà lãnh đạo Trung Quốc không còn dùng từ "thống nhất hòa bình" với Đài Loan.

Nếu bị quân Trung Quốc xâm lược, hòn đảo không thể chống cự được quá 48 giờ, và số phận Đài Loan tùy thuộc vào sự bảo vệ của Hoa Kỳ. Thế nhưng chiến lược của Bắc Kinh là ngăn trở Washington can thiệp.

Để giảm thiểu nguy cơ xung đột với Mỹ, Trung Quốc có thể gặm nhấm dần các đảo nhỏ như Kim Môn, Đông Sa, Bành Hồ… Chiến lược tiệm tiến này cũng được sử dụng ở eo biển Ba Sĩ, Miyako để dòm ngó quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý. Từ mùa hè rồi, Trung Quốc tiến sát vùng duyên hải và yêu sách chủ quyền.

Châu Âu xưa nay cho rằng không liên hệ gì tới mình, nay chú ý hơn đến diễn tiến tại vùng biển quan trọng đối với kinh tế thế giới. Theo L’Express, tuy không tham gia trực tiếp nếu xung đột nổ ra, nhưng Châu Âu chuẩn bị sẽ phải "chọn phe".

Thụy My

Nguồn : RFI, 07/11/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 528 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)