Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/11/2020

Cần bỏ "tính pháp lệnh" của chỉ tiêu tăng GDP trong các văn kiện của Đảng !

Phạm Quý Thọ

Đảng cộng sản toàn trị xã hội và nền kinh tế bằng văn kiện, nghị quyết. Tăng trưởng kinh tế được tận dụng để khỏa lấp tính ‘chính danh’ của một chế độ không được toàn dân bầu lên.

phaplenh1

Một người dân đeo khẩu trang chống Covid-19 đi qua một tấm biển trên đường phố Hà Nội hôm 8/4/2020 - AFP

Trong bối cảnh chính trị và kinh tế quốc tế thay đổi sâu rộng, biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh bất thường và nghiêm trọng, quá trình chuyển đổi sang thị trường không thể trì hoãn thì việc vận hành nền kinh tế nói chung và sử dụng tỷ lệ tăng tổng sản phẩm nội địa (GDP) như chỉ tiêu kế hoạch mang tính pháp lệnh kiểu chế độ kinh tế tập trung ngày càng trở nên bất cập và không hiệu quả. Bởi vậy nên chăng cần thay đổi toàn diện phương thức điều hành nền kinh tế cũng như các tiếp cận với chỉ tiêu GDP.

Không ai chịu trách nhiệm

Nếu là chỉ tiêu mang tính pháp lệnh, khi không được thực hiện thì phải có ai chịu trách nhiệm. Thiếu cơ chế công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình trong cơ chế tập thể lãnh đạo khiến cho trên thực tế tỷ lệ tăng GDP chỉ còn mang ý nghĩa cảnh báo về xu hướng phát triển hay tuyên truyền. Từ khía cạnh chuyên môn, việc tính toán cho từng năm cũng gặp khó khăn, chứ đừng nói đến việc xác định cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm theo nhiệm kỳ đại hội Đảng Cộng sản và chiến lược phát triển 10 năm hoặc tầm nhìn xa hơn. Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 14 đang diễn ra tại Hà Nội, trong phiên toàn thể đầu tháng 11, các Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường, xem xét tính khả thi của một số chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP. Các ý kiến cho rằng kế hoạch năm 2020 đặt ra là 6,0 - 6,5% nhưng vì tình hình đại dịch Covid-19 nên "nếu đạt 2% cũng là sự nỗ lực của Chính phủ". "Kế hoạch năm 2021 đặt ra 6% là cao vì "tình hình dịch bệnh khó lường, thiên tai biến đổi khí hậu đang xảy ra trên diện rộng, gây thiệt hại nặng nề ở hầu hết các tỉnh".

Trong các văn kiện của Đại hội 13 lần này chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế GDP vẫn được nhấn mạnh, tuy nhiên những con số vẫn chỉ thể hiện "ý chí quyết tâm", nhưng khó thuyết phục về tính khả thi khi thiếu vắng cơ chế chịu trách nhiệm. Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 cho thấy tăng trưởng kinh tế thấp hơn mục tiêu kế hoạch đề ra, ước tính chỉ đạt 5,9% do chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Trong 5 năm tới (2021-2025) tỷ lệ tăng GDP vẫn được "kế hoạch hoá" bình quân khoảng 6,5 - 7% và GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.700 - 5.000 USD. Ngoài ra, Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 : Tính chung cả thời kỳ Chiến lược 2011 - 2020, cũng cho biết tỷ lệ tăng GDP cũng thấp khá xa so với mục tiêu Chiến lược là 7 - 8%/năm và "thấp hơn so với hai giai đoạn trước" và "GDP bình quân đầu người năm 2020 … vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực". Tỷ lệ GDP bình quân năm trong chiến lược vẫn được đặt ra ở mức khoảng 7%/năm và GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD/người...

Bệnh thành tích

Các nước xã hội chủ nghĩa trước đây ở Đông Âu sau khi chuyển đổi sang chế độ dân chủ và nền kinh tế thị trường đã không còn sử dụng công cụ kế hoạch hoá nền kinh tế. Một số ít quốc gia còn lại theo ý thức hệ này, như Trung Quốc và Việt Nam, vẫn áp dụng kiểu vận hành nền kinh tế hỗn hợp, "nửa kế hoạch, nửa thị trường", trong đó GDP là chỉ tiêu pháp lệnh quan trọng. Tăng trưởng kinh tế như lá bùa thể hiện tính chính danh của chế độ đảng toàn trị. Ngoài ra, ý thức hệ giáo điều vẫn chi phối quan niệm rằng chính phủ có thể điều hành được nền kinh tế khi coi nó như một cỗ máy cơ học. Nếu sự tăng trưởng "thần kỳ", mặc dù bị chỉ trích về tính chính xác, của Trung Quốc trong một thời gian dài, dường như, đã khích lệ tính hữu dụng của chỉ tiêu này, thì những năm gần đây tỷ lệ tăng GDP đang trên đà giảm tốc, và từ Đại hội 19 của Đảng cộng sản Trung Quốc nó đã không còn mang tính pháp lệnh nữa.

Tăng trưởng kinh tế GDP là chỉ tiêu quan trọng của kinh tế tư bản chủ nghĩa, của kinh tế thị trường. Lý thuyết tăng trưởng luôn được hoàn thiện bởi các nhà kinh tế học bằng các mô hình kinh tế khác nhau, và sự vận dụng có khác biệt trong từng giai đoạn phát triển. Mặc dù có nhiều công trình nghiên cứu về GDP, cụ thể hoá các phương pháp tính như dựa vào các nhân tố : lao động, tư bản, công nghệ và tài nguyên thiên nhiên, nhưngtrong nền kinh tế chuyển đổi khi thiếu vắng các nguyên tắc thị trường, phụ thuộc nặng nề vào đầu tư nước ngoài và một thể chế với nhiều rào cản cho kinh tế thị trường phát triển, việc áp dụng còn luôn khó thuyết phục bởi căn cứ khoa học, nên sự nghi vấn bị đặt ra về tính chính xác và bị chỉ trích về "bệnh thành tích" khi các số liệu có thể điều chỉnh.

Việc vận dụng chỉ tiêu này ở Việt Nam cũng luôn gặp "vấn đề". Tỷ lệ tăng GDP được xác định trong kế hoạch phát triển kinh tế hàng năm và 5 năm trên phạm vi cả nước cũng như từng tỉnh thành. Trong nhiều năm "hiện tượng bất thường" đã thường được cảnh báo, rằng chỉ tiêu này ở hầu hết các địa phương đều cao hơn đáng kể so với mức chung toàn quốc. Mới đây, năm 2019 Tổng cục Thống kê đã công bố kết quả ban đầu về việc đánh giá lại GDP theo Quyết định số 715/QĐ-TTg. Quy mô GDP bình quân giai đoạn 2010-2017 "được đánh giá lại" tăng thêm 25,4%/năm so với số liệu đã từng công bố chính thức. Nghĩa là GDP năm 2017 tăng từ 220 tỷ USD lên 275 tỷ USD. Như vậy, ước tính đến nửa đầu năm 2019, quy mô nền kinh tế của Việt Nam đã vượt con số 300 tỷ USD và GDP bình quân đầu người nhờ đó tăng lên ngưỡng 3.000 USD, thay vì 2.590 USD, năng suất lao động cũng tăng cao tương ứng với tỷ lệ tăng GDP khi số lao động không đổi. Đây là sự kiện "gây tranh cãi" trong giới nghiên cứu, mặc dù đại diện cơ quan thống kê đã cố giải thích nhưng không thuyết phục rằng khoảng 7.600 doanh nghiệp, đã "bỏ sót" trước đây, mới được bổ sung chủ yếu là từ cơ quan thuế !

Hàng năm trong các kỳ họp có hàng trăm Đại biểu Quốc hội luôn góp ý "sổi nổi", nhằm làm sáng tỏ việc thực hiện và kế hoạch chỉ tiêu GDP. Một số tổ chức nghiên cứu kinh tế trong nước đã thể hiện năng lực khi đưa ra các phương án tăng trưởng kèm với các gói chính sách tương ứng. Tuy nhiên, khoảng cách giữa nghiên cứu và thực tế còn khá xa. Ngoài ra, sự "tồn tại" của chỉ tiêu này như nêu ở trên liệu có gợi ý cho sự phối hợp hiệu quả về cơ chế sử dụng GDP sao cho hiệu quả, phản ánh thực chất của nền kinh tế, việc sử dụng hợp lý các nguồn lực cho tăng trưởng và cải thiện mức sống của người dân.

Ngày 4/11 trong phiên thảo luận về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế tại hội trường của kỳ họp đang diễn ra ở Hà Nội có vị đại biểu phát biểu, được truyền hình trực tiếp trên truyền hình nhà nước, rằng : "cần phải nhìn vào thực chất của vấn đề xem tăng trưởng đó có nâng cao được đời sống của người dân hay không, đây là vấn đề quan trọng". Tuy nhiên, những góp ý sâu về "cải cách thể chế là dư địa lớn cho tăng trưởng" cần được khuyến khích như một bước thay đổi nhận thức về chủ đề này trước thềm Đại hội 13.

Phạm Quý Thọ (Hà Nội)

Nguồn : RFA, 06/11/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Quý Thọ
Read 366 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)