Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/11/2020

Người thu gom lên tiếng qua triển lãm về rác

Giang Nguyễn

Rác thải, rác sinh hoạt là những thứ mỗi nhà, mỗi hộ đều có nhưng ít ai quan tâm đúng mức đến việc xử lý nguồn thải này. Trong khi đó, người thu gom rác hằng ngày còn bị xem thường như một tầng lớp thấp trong xã hội. Đó là lý do tổ chức phi chính phủ với trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh là Enda Việt Nam đã chọn rác và người thu gom rác để làm tâm điểm của những cuộc triển lãm được trưng bày tại nhiều nơi trong thành phố.

rac1

Bà Thành, vờ của ông Tống Văn Thơm, vợ chồng thu gom rác dân lập khu vực quân 5, Thành phố Hồ Chí Minh. Enda Vietnam

"Nếu lúc đầu mọi người chưa hiểu gì về lực lượng rác dân lập cả, thì chúng tôi muốn mọi người đều có một nhìn rất bao quát về vấn đề rác nói chung".

Đó là lời phát biểu của cô Nguyễn Thị Hoài Linh, Giám đốc của Enda Việt Nam, một tổ chức hoạt động nhằm cải thiện điều kiện và môi trường khu phố của các cộng đồng nghèo. Cô cho biết, từ năm 2013 Enda đã thực hiện những cuộc triển lãm qua hình ảnh gọi là Photovoice, với những chủ đề như ‘Rác – Cuộc sống quanh tôi’, hoặc ‘Rác – Sống và Ngẫm’.

"Photovoice là tiếng nói qua ảnh. Tức là những cô chú thu gom rác dân lập sẽ kể câu chuyện hàng ngày của họ bằng những bức ảnh và câu chuyện tự tay họ viết, tự tay họ chụp hình. Mục đích của dự án này để nói lên tâm tư, nguyện vọng của người thu gom rác dân lập, để mọi người hiểu những trăn trở, suy tư, khó khăn và những mong đợi của người làm rác dân lập với cộng đồng, với chính quyền là gì".

rac2

Triển lãm 'Photovoice : Rác-Sống và Ngẫm' trình bày hình ảnh và câu chuyện của người thu gom rác dân lập tại Thành phố Hồ Chí Minh. Courtesy of Enda Vietnam

Lực lượng rác dân lập ở Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 4.200 người. Họ là những cô chú thu gom rác phi chính thức. Qua các bức ảnh họ chụp cho nhau, chồng chụp cho vợ, vợ chụp cho chồng trong lúc thu gom rác, phân loại rác... họ chia sẻ về cuộc sống với rác.

"Tôi tên Nguyễn Thị Hồng Nhung, chồng tôi là Đinh Dũng. Tôi làm rác kể ra cũng được hơn 2 năm rồi, trước đây tôi làm công nhân, sau đó về nhà đi làm rác phụ chồng để cho có vợ có chồng. Ban đầu mới đi làm thì chưa quen mùi rác, tôi chịu không nổi, ói lên ói xuống, thậm chí cứ uống nước là ói. Nhưng sau được mấy tháng rồi cũng quen. Đường rác tôi đang làm có mấy công ty xe hơi, họ bảo dưỡng xe nên rác mấy chỗ này có nhiều hoá chất, nước sơn, những hoá chất mà sơn pha hoà lẫn trong những ngày nắng oi bức thì mùi rất nồng nặc và gắt. Tôi hay bị choáng, nhiều khi đứng trên xe lửa rác mà đứng không nổi, cái mùi của nó gắt đến tận óc làm mình nhức đầu muốn ngồi luôn vậy đó. Nhiều khi nghĩ thu rác này thường xuyên chắc đi bệnh viện sớm mất nhưng vẫn phải làm vì không làm nghề này thì không biết làm gì để sống mà nuôi con". (Nguyễn Thị Hồng Nhi)

"Tôi : Nguyễn Thanh Liêm cùng vợ là Nguyễn Thị Ngọc đã làm rác dân lập ở phường Trường Thọ, quận Thủ Đức nay hơn 16 năm nói chung : Rác sinh hoạt của hộ gia đình thải ra gồ đủ các thứ : như ăn uống hằng ngày, đồ dùng trong gia đình khi không còn sử dụng để bỏ ra…. Có lần vợ tôi sách các bịch rác trong đo không biết đựng gì mà vợ tôi bị sượt ở bắp đùi, máu ra xối xả lúc đó mới biết họ cắt hoa quả bỏ lưỡi lam trong rác. Rồi có lần vợ tôi bị mảnh thuỷ tinh bể bỏ trong rác bị ngay ở bắp chuối đó là hai lần vợ tôi bị thương, còn tôi cũng hay bị đứt tay vì xé các bịch rác". (Nguyễn Thanh Liêm)

"Nói thật mình làm cái nghề này mười mấy năm rồi mà nhiều lúc mình cũng còn thấy rác rất hôi nữa chứ nói gì những người đi đường. Những người có ý thức, họ hiểu thì họ nói nhỏ nhẹ, lịch sự. Chứ có nhiều người kỳ thị rõ rệt luôn, gặp xe mình đậu đó đi lấy rác là họ đuổi đi và không muốn cho để". (Nguyễn Minh Phương, người thu gom rác dân lập khu vực Quận 4).

Những lời chia sẻ ở trên của bà Nguyễn Thị Hồng Nhi, ông Nguyễn Thanh Liêm, và bà Nguyễn Minh Phương cho thấy những bất cập trong cuộc sống của người thu gom rác tại Thành phố Hồ Chí Minh. Người xem qua triển lãm Photovoice có thể thấy được công việc khổ nhọc, nguy hiểm của giới tham gia thu gom rác như thế nào.

Để thực hiện các hình ảnh và câu chuyện tổ chức Enda đã cung cấp cho các cô chú làm rác dân lập này những thiết bị và huấn luyện họ cách dùng máy chụp hình. Enda cũng đã huy động các em sinh viên thiện nguyện hỗ trợ các chú thực hiện ghi lại hình ảnh. Nếu các cô chú không biết viết thì thiện nguyện viên sẽ ghi lại lời kể của họ, nhưng nguyên văn là của họ.

rac3

Người thu gom rác dân lập tại Thành phố Hồ Chí Minh. Courtesy of Enda Vietnam

Cô Linh nói : "Tổ chức Enda của mình rất là tôn trọng ý tưởng cũng như bức hình của các cô chú và giữ nguyên bản không thay đổi bất cứ cái gì".

Và còn nhiều câu chuyện nữa, như câu chuyện của ông Tống Văn Thơm. Ông đã làm nghề thu gom rác từ 42 năm nay. Ông cũng là Chủ tịch Hiệp đoàn Vệ sinh dân lập phường 5 :

"Chú lập ra cái nhóm dân lập đầu tiên rồi sau này máy quận, huyện thấy vậy bắt chước. Bây giờ hầu hết toàn Thành phố Hồ Chí Minh đều có đội ngũ rác dân lập này. Lý do là lúc thành phố mới giải phóng ngày 30/4, thời gian đó bên nhà nước không có thu gom rác. Thành ra rác bừa bãi nhiều quá, thì chú thấy vậy chú mới vận động bà con dọn dẹp. Xong rồi mới đi từng hộ, liên hệ nhận thu gom rác cho họ để giải tỏa vấn đề rác thì bà con họ đồng ý. Thời gian đó mỗi hộ chỉ có 50 xu thôi".

Bây giờ thì mỗi hộ trả từ 30-50.000 đồng một tháng tùy theo số lượng rác của hộ. Vợ ông Thơm cũng làm nghề thu gom rác sát cánh với ông. Ông Thơm nói, một tháng vợ chồng phục vụ 100 hộ, nhưng không đủ sống.

"Khó khăn nhất với chú là khi mà làm đội ngũ rác dân lập này thì những chế độ của nhà nước không có. Hoàn toàn từ bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, từ cái áo, cái quần không có".

Ngoài những thiếu thốn về vật chất, còn những đối xử miệt thị của người xung quanh. Nhưng ông nói, qua nhiều thập niên, và với sự hỗ trợ của Enda, gia đình đã xoay sở và thái độ của cộng đồng cũng có thay đổi :

"Trước đây thì cộng đồng chưa có hiểu thì họ đối xử tệ bạc lắm. Đi ngang họ cũng bịt mũi rồi cũng khạc nhổ. Những cái xe rác mà để trước cửa nhà họ để lấy rác của họ thì họ lại đuổi đi. Họ xem thường lắm. Nhưng bây giờ thì tương đối ổn rồi. Như một chục cái nhà thì cũng có một, hai nhà khó khăn thôi. Không đến nổi".

Giám đốc Enda, cô Nguyễn Thị Hoài Linh chia sẻ dự án Photovoice đã góp phần thay đổi được cái nhìn của cộng đồng về những người "làm nghề bần cùng nhất của xã hội". Và lực lượng rác dân lập cũng đã thay đổi được cái nhìn của cộng đồng về môi trường, giúp nâng cao ý thức về tác hại của rác nhựa. Cô Linh thuật lại, các hình ảnh và câu chuyện được trình bày đã tạo thêm sự cảm thông với người rác dân lập rất nhiều. Từ đó, cô mong sẽ tác động đến thái độ của người dân, và xa hơn nữa, là cách sống thân thiện với môi trường và với con người hơn. Tất nhiên cuộc triển lãm Photovoice chỉ là một trong nhiều nỗ lực để thay đổi cuộc sống của người thu gom rác. Cô nói :

"Khi làm Photovoice câu chuyện của cô chú đã đi vào lòng người. Đặc biệt Enda cũng tham gia vào các buổi triển lãm của thành phố như Ngày hội Sông Xanh, hoặc sự kiện về môi trường như Ngày Đại Dương, v.v... cũng làm việc với Sở Tài nguyên Môi trường hoặc công viên để mình triển lãm những bức hình đó, để cộng đồng họ tiếp cận nhiều hơn về những trăn trở, suy tư, hy vọng mà các cô chú muốn nói với cộng đồng và chính quyền".

rac4

Triển lãm 'Photovoice : Rác-Sống và Ngẫm' trình bày hình ảnh và câu chuyện của người thu gom rác dân lập tại Thành phố Hồ Chí Minh. Courtesy of Enda Vietnam

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 10 năm 2018 ban hành Quyết định 38 nâng giá thu gom rác với giá căn bản là 48.000 đồng/hộ/tháng.

Cô Linh nhận định khi chính quyền tăng phí thu gom rác thì thu nhập của người thu gom rác tăng lên rất nhiều, có người tăng gấp đôi, có người ít nhất 70%. Việc này cải thiện rất nhiều đời sống của lực lượng rác dân lập.

Từ đó mới nảy sinh ra triển lãm với chủ đề "Rác – Sống và Yêu". Cô Linh tiết lộ :

"Tại sao có rác sống và yêu ? Khi các cô chú làm rác dân lập, thấy cuộc sống của họ được cải thiện hơn, thấy cộng đồng tôn trọng họ hơn, thấy chính quyền cải thiện vấn đề phí thu gom, thì cuộc sống họ được cải thiện. Từ đó họ bắt đầu yêu nghề rác.."..

Giang Nguyễn

Nguồn : RFA, 06/11/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Giang Nguyễn
Read 536 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)