Myanmar thức dậy từ giấc mơ dân chủ
Rodion Ebbighausen, VNTB, 11/11/2020
Sau 5 năm lãnh đạo dưới thời bà Aung San Suu Kyi, rõ ràng dân chủ không phải là cây đũa thần có thể giải quyết các vấn đề của Myanmar. Rodion Ebbighausen nói rằng nền chính trị của một quốc gia cần bao gồm tất cả mọi người.
Sau 5 năm lãnh đạo dưới thời bà Aung San Suu Kyi, rõ ràng dân chủ không phải là cây đũa thần có thể giải quyết các vấn đề của Myanmar.
Khi bà Aung San Suu Kyi và đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (National League for Democracy-NLD) giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ở Myanmar vào năm 2015, cả nước và thế giới đều phấn khích trước chiến thắng của bà. Có vẻ như thành trì của quân đội ở Myanmar đã bị vượt qua. Người dân Myanmar đã từ chối chủ nghĩa độc tài và đang hướng tới một tương lai dân chủ tươi sáng.
Năm năm sau, chẳng còn lại mấy cảm giác hưng phấn. Sau cuộc bầu cử cuối tuần qua của Myanmar, không mấy ai nhiệt tình, sự kỳ vọng thấp và truyền thông quốc tế cũng ít quan tâm. NLD dự kiến sẽ thắng một cách dễ dàng.
Một nền dân chủ còi cọc
Năm năm qua đã chứng minh rằng bỏ phiếu không phải là một trò ảo thuật có thể giải quyết các vấn đề của đất nước một lượt. Người dân tộc thiểu số, trung tâm quyền lực thứ ba bên cạnh quân đội và chính phủ dân sự, đã phải nhận ra rằng NLD chưa sẵn sàng tiếp cận họ.
Kết quả là tiến trình hòa bình quan trọng để chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 70 năm đã không đạt được tiến bộ nào. Xung đột không thể kết thúc đơn giản thông qua một cuộc bầu cử, cũng không phải với tính cách lôi cuốn của một nhân vật chính trị như bà Aung San Suu Kyi.
Thay vào đó, cần phải có các cuộc đàm phán nghiêm túc và khó khăn để xác định một hệ thống liên bang ở Myanmar trông như thế nào để ngay cả các dân tộc thiểu số cũng có tiếng nói và số ghế.
5 năm đáng thất vọng
Với kỳ vọng cao dành cho NLD về chính sách kinh tế, rõ ràng rằng mặc dù một cuộc bầu cử hợp pháp hóa các chính trị gia, thì cuộc bầu cử như vậy không tự động biến họ thành chuyên gia.
Các công ty lớn ở Châu Á như Samsung đã rút khỏi Myanmar, bị xua đuổi do bộ máy quan liêu, quy định quá mức và ngăn chặn cải cách. Việc NLD cố chấp tin tưởng những người thân tín cũ và từ chối tiếp nhận chuyên môn bên ngoài đã làm chậm lại tiềm năng chuyển đổi kinh tế của Myanmar.
Đối với các quốc gia dân chủ và vô số tổ chức phi chính phủ cũng như các nhà hoạt động, những người đã ủng hộ bà Aung San Suu Kyi trong nhiều thập kỷ và làm việc cho công cuộc mở cửa đất nước, việc di dời khoảng 700.000 người Rohingya kể từ tháng 8 năm 2017 là đã gây sốc lớn.
Sự kiện bà Aung San SuuKyi sau đó đích thân xuất hiện tại Tòa án Công lý Quốc tế ở The Hague để bảo vệ Myanmar và quân đội nước này trước cáo buộc diệt chủng, khiến nhiều người ngưỡng mộ bà choáng váng.
Họ đã nhầm tưởng rằng họ đã tìm thấy ở Aung San Suu Kyi một người chia sẻ ý tưởng về dân chủ và nhân quyền. Họ cũng đã đánh giá thấp chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa Hồi giáo cũng như chủ nghĩa sô vanh đang lan rộng ở Myanmar.
Thực tế hơn
Aung San Suu Kyi bị tước đi hàng chục giải thưởng. Các nguyên thủ quốc gia và chính phủ, những người từng tranh giành tấm ảnh với bà Aung San Suu Kyi, giờ đã giữ khoảng cách với bà.
Các nước như Đức đã cắt giảm mạnh hợp tác phát triển với Myanmar. Nhiều người từng ủng hộ bà Suu Kyi nói Myanmar là một trường hợp vô vọng.
Nhưng sự thất vọng của ngày hôm nay cũng là kết quả của những kỳ vọng quá mức trước đây. Sự hưng phấn khi đó đã che khuất quy mô các vấn đề mà Myanmar phải đối mặt, giống như những lời lên án gay gắt ngày nay khiến người ta không thấy rõ những cơ hội hiện tại.
Đa số người dân trong nước muốn quá trình chuyển đổi tiếp tục. Họ ủng hộ nền dân chủ bầu cử, bằng chứng là số cử tri đi bầu cao bất chấp tình trạng dịch Covid-19. Quân đội cũng như các cộng đồng dân tộc thiểu số đã không ngăn cản hay tẩy chay quá trình bầu cử, vì vậy họ đang tham gia.
Tuy nhiên, thay vì những bước nhảy vọt, chỉ những bước nhỏ được mong đợi, và trên hết, luôn có mối đe dọa của sự đảo ngược và rẽ sai. 50 năm cai trị của quân đội, 70 năm nội chiến và những định kiến sâu sắc không thể xóa bỏ trong một sớm một chiều. Myanmar là một trường hợp khó nhưng không phải là vô vọng.
Rodion Ebbighausen
Nguyên tác : Opinion : Myanmar wakes up from dream of democracy, Deutsch Welle, 10/11/2020
Khánh An lược dịch
Nguồn : VNTB, 11/11/2020
**********************
Bầu Quốc hội Miến Điện : Đảng của Aung San Suu Kyi chiến thắng
Trọng Thành, RFI, 10/11/2020
Đảng cầm quyền Miến Điện tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội. Một điểm đặc biệt được giới quan sát chú ý là đã có một ứng cử viên Hồi giáo đầu tiên đắc cử dân biểu.
Theo AFP, đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi ngày 10/11/2020 đã thông báo kết quả bầu cử sơ bộ. Đảng này giành được 322 ghế, thấp hơn lần trước (390). Đây là lần thứ hai Miến Điện tổ chức bầu cử Quốc hội, kể từ khi tập đoàn quân sự giải thể, và cũng là lần thứ hai đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân chủ giành đa số tại Quốc hội. Số phiếu sụt giảm của đảng cầm quyền một phần là do sự trỗi dậy của nhiều đảng mới thuộc các cộng đồng sắc tộc thiểu số.
Hiện tại, Ủy ban bầu cử chưa thông báo kết quả chính thức. Với số ghế nói trên, đảng của Aung San Suu Kyi có quyền lập chính phủ mới.
Người Hồi giáo, chiếm 4% dân số Miến Điện, thường chịu nhiều kỳ thị. Ông Sithu Maung, 33 tuổi, theo đạo Hồi, đắc cử với 80% phiếu bầu tại một đơn vị bầu cử ở thủ đô kinh tế Rangoon. Việc lần đầu tiên một ứng cử viên theo đạo Hồi, thuộc đảng của bà Aung San Suu Kyi, lọt vào Quốc hội được đánh giá là một dấu hiệu cho thấy chính sách hòa hợp tôn giáo, sắc tộc của lãnh đạo chính quyền dân sự Miến Điện bắt đầu phát huy tác dụng, cho dù giới quân sự tiếp tục nắm nhiều quyền hạn tại quốc gia này.
Với một phần tư ghế dân biểu được chỉ định dành riêng cho quân đội, không cần thông qua bầu cử, giới tướng lãnh ngăn cản mọi khả năng cải tổ Hiến pháp. Họ vẫn nắm quyền quản lý ba bộ quan trọng : Quốc phòng, Biên phòng và Cảnh sát.
Tuy giành chiến thắng, nhưng uy tín của bà Aung San Suu Kyi, giải Nobel Hòa Bình sụt giảm mạnh trong cộng đồng quốc tế, chủ yếu do việc các cộng đồng người Hồi giáo, nhất là người Rohingya theo đạo Hồi bị truy bức nặng nề tại Miến Điện.
Không kể hàng trăm người Hồi giáo phải bỏ nước ra đi, hiện có 600 nghìn người sống tại Miến Điện. Cuộc sống của đa số tín đồ Hồi giáo ở Miến Điện rất khó khăn. Hơn một triệu người dân Miến Điện, đa số thuộc các sắc tộc, trên tổng số 37 triệu cử tri, không có quyền bỏ phiếu, vì nhiều lý do.
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 10/11/2020
********************
Bầu cử Quốc hội Miến Điện : Aung San Suu Kyi ở thế thượng phong
Ba mươi bảy triệu cử tri Miến Điện được mời bầu lại Quốc hội, một cuộc bầu cử mang màu sắc trưng cầu dân ý. Chính phủ Aung San Suu Kyi vẫn được lòng dân nhưng đánh mất uy tín trên trường quốc tế trong vụ tai tiếng đàn áp người Rohingya.
Theo Reuters, Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi sẽ về đầu trong cuộc bầu cử Quốc hội nhiệm kỳ hai (từ khi chế độ quân nhân rút một chân vào hậu trường).
Mặc dù bà Aung San Suu Kyi vẫn được dân chúng ngưỡng mộ và tôn trọng như một nữ anh hùng tranh đấu cho dân chủ, nhưng chiến thắng của bà trong lần bầu cử này sẽ không rực rỡ như lần trước, theo dự phóng của giới quan sát.
Y tế và an ninh là hai vấn đề cốt lõi : Một số cử tri ngại không đi bầu vì sợ dịch Covid-19 lây cho. Hai là vì xung đột vũ trang ở vùng đông bắc làm cho hơn một triệu cử tri đã ghi danh nhưng không thể đến địa điểm bỏ phiếu, chưa kể vụ hàng trăm ngàn người Rohingya phải chạy trốn chiến dịch đàn áp, đi tị nạn ở biên giới Bangladesh, đa số không có quốc tịch Miến Điện.
Tổng thư Ký Liên Hiệp Quốc bày tỏ hy vọng "bầu cử được suôn sẻ và đáng tin cậy" để cho phép người tị nạn Rohingya hồi hương. Theo điều tra của Liên Hiệp Quốc, chiến dịch an ninh của quân đội Miến Điện năm 2017 nhắm vào thiểu số theo đạo Hồi là một kế hoạch diệt chủng.
Đối với công luận ủng hộ bà Aung San Suu Kyi, trông chờ thay đổi nhanh chóng tại Miến Điện là mơ ước không thực tế. Bởi vì quốc gia Đông Nam Á này bị quân đội cai trị quá lâu và hiện nay vẫn còn kiểm soát một số lãnh vực.
Hiến pháp thời "chuyển tiếp" bảo đảm cho giới quân nhân Miến Điện 25% ghế đại biểu Quốc hội với thẩm quyền phủ quyết các tu chính án bất lợi cho họ.
Tú Anh