Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/08/2017

Vụ Repsol : Có thể sẽ như ExxonMobil khai thác ở Đà Nẵng năm 2011

Cát Linh

Hãng Repsol của Tây Ban Nha ngày 2 tháng 8 chính thức xác nhận việc ngưng khoan thăm dò dầu khí tại một lô ngoài khơi Việt Nam ở Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tuy không xác nhận nhưng lên tiếng cho biết các hoạt động liên quan dầu khí tại vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo qui định của luật pháp quốc tế.

dotim1

Ảnh giàn khoan của Repsol trên trang mạng Repsol Việt Nam (https://www.repsol.energy)

Vấn đề này được nhận xét thế nào qua khía cạnh luật pháp, chính trị, và kinh tế ?

Hoàn toàn trái luật

Vào ngày 2 tháng 8, hãng tin Reuters dẫn lời viên chức phụ trách tài chính của Repsol, ông Miguel Martinez, xác nhận Repsol đang làm việc với PetroVietnam và cơ quan chức năng chính quyền Hà Nội về quyết định ngưng khoan thăm dò dầu khí ở lô 136/3, quanh khu vực bãi Tư Chính mà Trung Quốc nói nằm trong đường lưỡi bò 9 đoạn đánh dấu chủ quyền của Trung Quốc.

Theo một nguồn tin đáng tin cậy của Reuters có được trong lĩnh vực dầu khí, chính Bắc Kinh đã yêu cầu Hà Nội cho ngưng hoạt động khoan thăm dò tại lô 136/03.

dotim2

Bản đồ phân lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên Biển Đông.

dotim3

Bản đồ cho thấy các khu vực / lưu vực nơi Repsol có hoạt động thăm dò hoặc phát triển. www.repsol.energy

Nói về động thái của Trung Quốc, Tiến sĩ Tạ Văn Tài, nguyên giảng viên trường Luật thuộc Đại học Havard - Hoa Kỳ cho biết là "hoàn toàn trái luật".

"Vị trí của cái lô đó là ở trong thềm lục địa Việt Nam, vùng kinh tế độc quyền của Việt Nam. Nó chỉ có 1 phần nằm bên ngoài luồng đó. Thế thì, phần nào ở trong thềm lục địa hay đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Việt Nam có toàn quyền khai thác theo luật biển. Còn bên ngoài, trong trường hợp túi dầu khí đó tràn lan ra phía ngoài, thì người nước khác có quyền khai thác phía bên kia. Hai bên đều có quyền khai thác.

Trường hợp đó hay nhất là đề nghị một giải pháp là khác chung".

Nguồn tin do Reuters đưa ra cho biết Việt Nam không muốn gây hấn với Trung Quốc chỉ vì chuyện khoan thăm dò ở lô 136/03 khu vực bãi Tư Chính.

dotim4

Bản đồ hoạt động và thăm dò khai thác dầu khí của các Công ty dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên Biển Đông

Tuy nhiên, Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Quang A, từ Hà Nội, cho rằng "đây là vấn đề rất nghiêm trọng".

"Bởi vì cái lô hãng Tây Ban Nha đó thăm dò là cái lô vẫn còn nằm ở trong cái khoảng cách 200 hải lý thềm lục địa của Việt Nam, nhưng đồng thời vẫn nằm trong đường lưỡi bò của Trung Quốc, do Trung Quốc tự vạch ra. Và tòa án PCA năm trước đã phán đường lưỡi bò là vô hiệu, không ý nghĩa gì cả, thì việc Việt Nam cho phép Repsol thăm dò ở đó là hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam".

Trong phán quyết đưa ra hôm 12 tháng 7 năm 2016 liên quan đến vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Biển Đông, Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế ở La Haye nói rằng Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử ở Biển Đông, không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử đối với những nguồn tài nguyên nằm trong khu vực thường được gọi là "đường lưỡi bỏ" mà Bắc Kinh tự ý vẽ ra để nhận chủ quyền thuộc về mình.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đã lên tiếng không công nhận mọi phán quyết mà Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế đưa ra.

Do đó, theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, đó là lý do vì sao Trung Quốc vẫn gây sức ép và cũng là lý do ông cho rằng đấy là sự việc rất nghiêm trọng, và đặc biệt cần phải giải quyết "một cách êm thấm với sự tôn trọng pháp luật quốc tế", theo cách nói của ông.

Cũng trong tuần lễ đó, một hãng tin quốc tế khác, Tạp chí Foreign Policy cho biết Trung Quốc đã đe doạ sử dụng vũ lực đối với Việt Nam nếu như không cho ngừng khoan thăm dò.

Động thái này, qua nhận định của Tiến sĩ Tạ Văn Tài, là "càng trái luật quốc tế"

"Vì đó là tài nguyên trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì Việt Nam hoàn toàn có quyền khai thác, không phải hỏi ký kiến ai hết.

Doạ dẫm như thế là đi trái với Hiến chương Liên Hiệp Quốc là không dùng võ lực trong bang giao quốc tế".

Tuy nhiên ông cũng nói thêm rằng lời doạ đó được thể hiện qua hình thức bán chính thức, là ông Thượng tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc đột ngột bỏ về, cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam vừa qua.

‘Lùi một bước, tiến hai bước’ ?

Ngoài việc cho biết hoạt động khoan thăm dò đã ngưng, ông Miguel Martinez không thể đưa ra bình luận nào khác.

Về phía nhà nước Việt Nam, tuy không xác nhận tin cho ngưng khoan thăm dò dầu khí nhưng trong tuần vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khi trả lời báo giới chỉ nói rằng các hoạt động liên quan dầu khí đó được thực hiện tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam theo qui định của luật pháp quốc tế.

Không như những gì thấy được trên truyền thông mạng xã hội, những người quan tâm vụ việc này đã bày tỏ bức xúc vì sự im lặng của nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng :

"Đó là một cách ứng xử khôn và khéo, bởi vì không nên nói lên những gì không cần phải nói và không muốn nói".

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, ông tin rằng "vấn đề như thế có thể tìm ra rất nhiều giải pháp mà tất cả các bên liên quan đều hài lòng".

"Tôi không nghĩ rằng Việt Nam có thể phủ phục đầu hàng một cách dễ dàng như thế. Vì cái đấy sẽ rất nguy hiểm. Mà nguy hiểm nhất là cho bản thân những lãnh đạo bây giờ".

Còn đối với Tiến sĩ Tạ Văn Tài, ông cho rằng khi Việt Nam giữ im lặng là với mục đích giảm căng thẳng.

"Tạm ngừng thôi. Giải pháp gọi là lùi 1 bước nhưng có thể lấn tới 2 bước sau này".

Ông phân tích thêm đó là một hình thức, hoặc có thể gọi là một nghệ thuật trong lĩnh vực ngoại giao mà Việt Nam đang áp dụng, nhằm tránh những rắc rối khác sau này.

Có hy vọng tiếp tục

Một trong những vấn đề quan trọng được nhiều người quan tâm trong sự việc này là liệu Việt Nam có phải đền bù số tiền 27 triệu đô la Mỹ là kinh phí do hãng Repsol đã bỏ ra cho giếng khoan thăm dò tại lô 136/3 hay không ?

Câu trả lời của Tiến sĩ Tạ Văn Tài là "có" nếu hai bên hủy hợp đồng, ngưng khoan thăm dò vĩnh viễn.

Tuy nhiên, theo ông Greg Poling, Giám đốc Nhóm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc tế tại Washington D.C cho biết, việc ngưng khoan thăm dò không có nghĩa là hợp đồng bị huỷ.

Phân tích thêm tính khả thi của ý kiến trên, Tiến sĩ Tạ Văn Tài đưa ra dẫn chứng.

"Giống như ExxonMobil, vào năm 2012, ngay ở Washington, Trung Quốc đe doạ chính phủ Việt Nam không được khai thác ở khu vực tranh chấp trên biển Đông. Nhưng sau khi dừng 1 vài năm, ExonMobil vẫn khai thác trở lại".

Cũng cần nhắc lại, năm 2009, tập đoàn Exxon đã giành được quyền thăm dò trên một diện tích hơn 52.000 km2 ngoài khơi bờ biển Việt Nam, trong một khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo công ước Liên Hợp Quốc về luật biển, cho dù khu vực đó Trung Quốc cũng tuyên bố sở hữu một vài lô. Và "đại gia" dầu khí của Mỹ, ExxonMobil cùng với đối tác là tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam - Petro Việt Nam, đã khoan thành công hai giếng trong các năm 2011 và 2012.

Cát Linh, RFA

Nguồn : RFA, 11/08/2017

Quay lại trang chủ
Read 941 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)