Lời người dịch : Hôm qua tôi tình cờ đọc được bài viết này trên Project Syndicate. Mặc dù nó đã được đăng trước ngày bầu cử Mỹ vài ngày nhưng tính thời sự vẫn còn nên tôi dịch vội để gửi đến anh. Theo tôi, đây là một bài viết hay. (HTN)
NEW YORK - Nhiều người Mỹ có thể thấy việc bỏ phiếu cho Tổng thống Mỹ Donald Trump giống với việc tán thành chủ nghĩa dân tộc da trắng và kiểu suy nghĩ ma mị, âm mưu, phủ nhận các mối đe dọa thực sự như đại dịch và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ta cũng cần phải công nhận rằng, việc không bỏ phiếu chống lại Trump trong cuộc bầu cử năm nay tự nó là một hình thức hợp tác với cuộc tấn công vào nền dân chủ.
Nước Mỹ ngày nay bị đe dọa không chỉ bởi chủ nghĩa độc tài mà còn bởi chủ nghĩa phát xít vốn hoạt động rõ ràng như một giáo phái phản dân chủ, xoay quanh một nhà lãnh đạo hứa hẹn khôi phục quốc gia trước sự sỉ nhục được cho là do thiểu số những người theo chủ nghĩa tự do và những người theo chủ nghĩa mác xít gây ra. Vì chủ nghĩa phát xít tôn vinh bạo lực và quân sự hóa chính trị, chúng ta nên cảnh giác trước sự thật là Trump đã từ chối cam kết chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Cho dù việc ông ta thường xuyên sử dụng các luận điệu chống dân chủ chỉ là một chiến thuật để chuyển hướng sự chú ý ra khỏi việc ông ta không quản lý được đại dịch Covid-19, thì ngôn ngữ như vậy từ một nhà lãnh đạo dân cử là rất nguy hiểm và sẽ gây sốc cho công dân ở bất kỳ nền dân chủ nào.
Nhưng nhiều người Mỹ không bị sốc chút nào cả. Bằng cách bình thường hóa lời nói và hệ tư tưởng phản dân chủ, Trump cũng đã dần dần bình thường hóa chế độ độc tài. Đó là lý do tại sao cuộc bầu cử này phải được hiểu là một cuộc đấu tranh cho sự tồn vong của chính nền dân chủ Hoa Kỳ. Chiến lược của Trump nhằm phá hoại các chuẩn mực dân chủ và tính hợp pháp của cuộc bầu cử khiến người ta nhớ lại sự suy tàn của các nền dân chủ Mỹ Latinh trong những năm 1960 và 1970, khi những kẻ chuyên quyền tạo ra một môi trường mà ở đó những hành vi trước đây bị coi là bất hợp pháp bỗng nhiên trở thành tiêu chuẩn mới.
Điều chắc chắn là, trong khi chủ nghĩa phát xít thường đưa ra một tầm nhìn lớn về việc"phục hồi quốc gia", Trump không có tầm nhìn nào như vậy để nói về việc này. Nhưng điều đó không có nghĩa là nước Mỹ an toàn trước chủ nghĩa phát xít. Các cuộc tấn công của Trump vào nền dân chủ là sự đáp trả trước những thách thức mà giáo phái tôn sùng cá nhân ông đang phải đối mặt, cả từ cuộc vận động toàn quốc chống lại chủ nghĩa dân tộc da trắng vốn là ý thức hệ trụ cột chính của ông và từ Đảng Dân chủ, có vẻ như thống nhất hơn bao giờ hết.
Hai mối đe dọa này không phối hợp với nhau, như Trump tuyên truyền. Nhưng chúng đã tạo ra cái cớ để Trump khai triển vở kịch chủ nghĩa phát xít, thậm chí còn quyết liệt hơn những gì ông ta đã làm trước đây.
Giống như các phong trào phát xít cổ điển trong quá khứ, chủ nghĩa Trump, trong giai đoạn mới và nguy hiểm hơn này, có chiến dịch tăng cường sự lãnh đạo của thiên sứ, ngầm khích động bạo lực và mở các cuộc tấn công vào trật tự hiến pháp.
Ở giai đoạn này, giáo phái tôn sùng cá nhân Trump đã hoàn toàn loại bỏ nhu cầu về các kế hoạch và các đề xuất thực tế (thật vậy, Đảng Cộng hòa mà Trump hiện đang kiểm soát thậm chí không buồn đưa ra một cương lĩnh chính sách cho cuộc bầu cử). Trump là hiện thân của bất cứ điều gì mà những người ủng hộ ông ấy muốn, ngay cả khi chính họ không biết đó là cái gì. Đây là nét điển hình nổi bật của các nhà lãnh đạo phát xít, những người thường đóng vai như cha của những người dễ bị tính cách độc đoán lôi cuốn. Với tư cách là cha đẻ của quốc gia "MAGA", Trump quyết định điều gì là tốt nhất cho con cái mình và chính quyền lực gia trưởng này biện minh cho bạo lực, dối trá và ngay cả độc tài.
Trong bối cảnh này, các khuôn mẫu quyền lực khác (có thể là khoa học hoặc pháp lý) bị coi là mối đe dọa trực tiếp đối với một nhà lãnh đạo phát xít đầy tham vọng. Chẳng có gì lạ với chuyện Trump nổi giận ngay lập tức khi Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, cãi lại ông. Khi bản thân Trump bị nhiễm Covid-19, ông đã sử dụng cơ hội này không phải như một lời cảnh tỉnh mà là một cơ hội để chứng tỏ sức mạnh thể chất của mình (với sự trợ giúp của steroid mạnh mẽ). Cũng cùng cung cách như vậy, những màn thể hiện sức mạnh, sự thống trị và bạo lực của những người ủng hộ nhà lãnh đạo phát xít được khen thưởng xứng đáng, đặc biệt khi họ vi phạm trắng trợn các chuẩn mực và các giới hạn dân sự, như khi Trump ân xá cho Eddie Gallagher, Navy Seal, người bị kết án vì tội ác chiến tranh ghê tởm.
Cuối cùng, với việc Trump giữ vị trí người cha, một chiều hướng tôn giáo phát triển mạnh mẽ trong Chủ nghĩa Trump. Trong bối cảnh này, người ta không thể coi thường những biểu hiện hoài nghi và vụng về của Trump về tôn giáo. Khi những người ủng hộ Trump càng coi ông như một loại quyền lực thần thánh, thì họ càng cảm thấy có lý trong việc sử dụng bạo lực để bảo vệ ông ta. Những thường dân có vũ trang đe dọa và thậm chí còn bắn người biểu tình trên đường phố không phải để "bảo vệ tài sản". Thật ra, họ đang đòi quyền sử dụng bạo lực chống lại kẻ thù của nhà lãnh đạo. Việc huy động các lực lượng liên bang, tiểu bang và địa phương chống lại những người biểu tình được xem là hợp lý - ngay cả khi nó bất hợp pháp - để bảo vệ một mệnh lệnh bắt đầu từ cấp trên.
Gần đến ngày bầu cử, Trump nâng cao hiểm họa phát xít. Ông ta thường xuyên mô tả những người chống lại mình bằng những từ ngữ phân biệt chủng tộc trắng trợn và chính quyền của ông ta tăng cường ngược đãi những người nhập cư đang nằm trong vòng kiểm soát của mình, bao gồm cả việc cho phép một "đại dịch thầm lặng" lây lan qua một trung tâm giam giữ người nhập cư ở Georgia. Liên kết người nhập cư với bệnh tật là một thủ đoạn quen thuộc trong tuyên truyền của chủ nghĩa phát xít, cũng như chiến lược biến tuyên truyền thành hiện thực, như những người theo chủ nghĩa quốc xã (the National Sosialist) đã làm ở các khu ổ chuột(ghetto) của Châu Âu vào những năm 1930.
Trump cũng đang leo thang chiến dịch tranh cử của mình để làm suy giảm lòng tin của công chúng đối với các tổ chức bầu cử. Tại đây, ông đã dựa vào lịch sử lâu dài của Đảng Cộng hòa trong nỗ lực tước quyền bầu cử của các cử tri người Mỹ gốc Phi và vẽ lại bản đồ (gerrymandering) để giảm tỷ trọng phiếu bầu ở các trung tâm đô thị thiên tả và đa dạng hơn.
Mục đích của mọi việc làm này là để loại trừ khả năng thất cử bằng cách tuyên bố rằng, một nhóm lớn trong giới tinh hoa truyền thông phản dân chủ đang "gian lận" hệ thống nhằm ngăn chặn ý chí của người dân. Như chúng ta đã thấy, không số lượng bằng chứng thực nghiệm nào có thể thuyết phục những người ủng hộ Trump để họ hiểu được rằng, tuyên bố gian lận bầu cử của nhà lãnh đạo của họ là sai. Việc xác minh dữ kiện (fact-checking) của các phương tiện truyền thông chính thống bị dễ dàng gạt bỏ vì nó bị xem đó chỉ là một thuyết âm mưu khác từ những kẻ thù của nhân dân.
Nếu kết quả đầu tiên được báo cáo vào ngày bầu cử cho thấy Trump thất bại, thì đây sẽ là cơ hội cuối cùng để ông ta tận dụng niềm tin của những người ủng hộ mình, bằng cách biến sự hoài nghi lâu dài về quy trình bầu cử thành những mối đe dọa cụ thể mới, có khả năng tạo ra một cuộc khủng hoảng mà ở đó ông ta sẽ tuyên bố mình đứng trên luật pháp. Nếu Trump không chấp nhận thất bại trong cuộc bầu cử, ông ấy sẽ không có nơi nào khác để quay trở lại ngoại trừ một hình thức độc tài phát xít rõ rệt.
Chỉ một chiến thắng rõ ràng và dứt khoát của Joe Biden mới có thể khiến chuyện đó khó xảy ra hơn. Ngụ ý rất rõ ràng : không bỏ phiếu chống lại giáo phái Trump thì không khác gì tự mình gia nhập giáo phái đó.
Jason Stanley, Federico Finchelstein, Pablo Piccato
Nguyên tác : "Will Fascism Win the US Election ?, Project Syndicate, 30/10/2020
Hoàng Thủy Ngữ chuyển ngữ (10/11/2020)
Ghi chú về những tác giả :
Federico Finchelstein, Giáo sư Lịch sử tại Trường Nghiên cứu Xã hội Mới và Đại học Eugene Lang, là tác giả của A Brief History of Fascist Lies (Lược sử về những dối trá phát xít)
Pablo Piccato, Giáo sư Lịch sử tại Đại học Columbia, là tác giả, gần đây nhất, cuốn A History of Infamy : Crime, Truth, and Justice in Mexico (Lịch sử ô nhục : Tội ác, Sự thật và Công lý ở Mexico)
Jason Stanley, Giáo sư Triết học tại Đại học Yale, là tác giả của How Fascism Works : The Politics of Us and Them (Chủ nghĩa phát xít hoạt động như thế nào : Chính trị của chúng ta và của chúng)