Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/11/2020

Cứu trợ nạn nhân bão lut : Xã hội dân sự và những hệ lụy ganh tị

Y Trang

Công tác cứu trợ : những scandals và chuyện ăn chặn không dứt

RFA, 12/11/2020

Nữ ca sĩ Phương Thanh vào ngày 12/11 đã có buổi làm việc với Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi liên quan phát ngôn của cô trên tài khoản Facebook bị cho là xúc phạm người dân Quảng Ngãi khi nữ ca sĩ này đi làm từ thiện tại các tỉnh miền Trung.

cuutro1

Người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt được cứu trợ lương thực tại làng Mỹ Thượng Lộc, tỉnh Quảng Bình, Việt Nam ngày 26 tháng 10 năm 2020 – Reuters/Thanh Huệ

Theo tin được truyền thông Nhà nước Việt Nam đăng tải, tại buổi gặp gỡ, ca sĩ Phương Thanh không nói rõ phát ngôn trên tài khoản cá nhân Facebook là đúng hay sai mà cho rằng chỉ phản ánh thực trạng "mặt trái của từ thiện" và không có mục đích xúc phạm người dân Quảng Ngãi hay Quảng Nam.

Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, qua điều tra, ca sĩ Phương Thanh chưa hề đến Quảng Ngãi làm từ thiện, nhưng lại có nội dung phản ánh phát ngôn trên trang Facebook cá nhân được cho đã xúc phạm, gây mất uy tín người dân Quảng Ngãi và đã vi phạm pháp luật theo Nghị định 15 của Chính phủ.

Nữ ca sĩ Thủy Tiên cũng vướng nhiều ồn ào liên quan tới công tác cứu trợ miền Trung của cô năm nay. Nhiều ý kiến cho rằng nữ ca sĩ có thể vi phạm luật pháp Việt Nam theo Nghị định 64/2008, khi làm từ thiện không thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội chữ thập đỏ Việt Nam…

Tuy nhiên, các quan chức lãnh đạo Việt Nam sau đó khi trả lời báo chí chính thống đều cho biết hành động của ca sĩ Thủy Tiên không vi phạm pháp luật, có chăng cô ca sĩ nên bàn giao cho một tổ chức thực hiện sẽ tốt hơn vì số tiền huy động được quá lớn.

Theo thông tin được nữ ca sĩ Thủy Tiên chia sẻ, chỉ trong 2 tuần kêu gọi, đã có 150 tỷ đồng được gửi đến tài khoản của cô để đi cứu trợ đồng bào miền Trung.

Trao đổi với RFA tối 12/11, Nhà hoạt động xã hội, blogger Nguyễn Lân Thắng, từng tham gia cứu trợ người dân tại vũng lũ Quảng Bình cuối tháng 10 vừa qua lý giải vì sao người dân lại tin tưởng gửi tiền đến nữ ca sĩ Thủy Tiên :

"Từ trước đến giờ thường công tác cứu trợ do Hội chữ thập đỏ hoặc do ban ngành, đoàn thể thuộc Mặt trận Tổ quốc phát động, nhưng trong rất nhiều năm người dân cũng biết, cũng chứng kiến nhiều lần cái trách nhiệm cũng như công tác cứu trợ phía Mặt trận, Hội Chữ thập đỏ rất kém. Có những năm chính những cán bộ phụ trách trong Mặt trận Tổ quốc hay bên Chữ thập đỏ dính vào chuyện tham ô, tham nhũng. Chính vì thế, trong những năm gần đây, khi những hoạt động thiện nguyện do các cá nhân hoặc các tổ chức tôn giáo phát động thường được người dân quan tâm, ủng hộ hơn".

Vẫn theo blogger Nguyễn Lân Thắng, chính vì khối dư luận quần chúng chuyển hướng sang các hoạt động của các hội nhóm phi nhà nước, nên phía nhà nước mới có phát biểu, cũng như chỉ đạo sao cho việc cứu trợ có thể tập trung vào các ban ngành, đoàn thể thuộc phía nhà nước.

Đồng quan điểm nêu trên, cô Nguyễn Thị Hòa, ở quận Phú Nhuận, cũng gửi tiền cứu trợ đến tài khoản nữ ca sĩ Thủy Tiên trình bày, xin trích nguyên văn :"Ca sĩ, nghệ sĩ mà có tâm, có trách nhiệm, không cắt xén bớt tiền người khác đóng góp là được rồi. Cỡ hai chục năm trước cô cùng bạn bè cũng từng đem mì và tiền đi cứu trợ người dân bị lũ. Tới nơi thì ủy ban phường đó kêu mọi người ngồi chờ để kêu dân tới. Phát một hồi toàn thấy những người quần áo thẳng thớn đã nhận trước đó đang vòng lại nhận tiếp, nên nhóm cô quyết định dừng phát, nói muốn đi thẳng tới nhà dân phát. Lúc này người bên phường mới nói phải đưa tiền mướn xuồng để chở đi. Tới từng nhà thì thấy ai cũng đang co ro ngồi trên tủ. Từ lần đó cô và bạn cô có kinh nghiệm. Như ca sĩ Thủy Tiên cô thấy trên Facebook tới tận nhà dân nên cô ủng hộ, còn đưa tiền cho mấy ông phường, xã, nhà nước chắc khó tới tay dân".

cuutro2

Người dân xếp hàng để được tặng những thùng mì gói tại huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị vào ngày 16 tháng 10 năm 2020. AFP

Tệ nạn tại các cấp chính quyền trong việc cứu trợ như cô Hòa nêu ra thực tế đến nay vẫn còn.

Cụ thể, Ban cán sự thôn Ngọa Cương, xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã đến thu lại toàn bộ 414 triệu đồng của 69 hộ nhận được cứu trợ từ ca sĩ Thủy Tiên vào ngày 28/10. Nguyên nhân được nói là để chia đều cho 170 hộ của thôn.

Tuy nhiên, dưới sức ép của dư luận, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo cán bộ thôn Ngọa Cương, xã Cảnh Hóa trả lại tiền cho người dân.

Do đó, với góc nhìn của một người dân, cô Nguyễn Thị Hòa đưa ra đề xuất, cũng xin trích nguyên văn : "Năm nào báo chí cũng có tin ông này, ông kia ăn chặn, hoặc như kinh nghiệm của cô đó. Nên nhà nước mình phải quản lý, ra luật chặt chẽ hơn, còn những người ăn chặn như vậy khi phát hiện phải xử mạnh tay để nêu gương. Còn nhà nước vẫn phải hỗ trợ là chuyện đương nhiên, nhưng mà nhiều tầng lớp bộ máy, xuống tới nơi sợ cũng trễ, nên cứ để người dân giúp đỡ lẫn nhau bằng cách thức của họ nếu không phạm pháp, đừng gây khó dễ cho người ta. Đối với mấy người mất nhà, mất cửa tại thiên tai thì mình có cho bao nhiêu cũng không đủ với họ đâu".

Chị Nguyễn Thị Bích ở thôn 1 Trà Mé, xã Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình, người nhận được 40 triệu từ cô ca sĩ Thủy Tiên cho biết :

"Ca sĩ Thủy Tiên, vài đoàn đến cho nước sạch, gạo, mì tôm, có đoàn tới cho chút tiền hoặc 300 (ngàn đồng) mỗi phong bì, cho lương khô, đồ, các thứ khác, cả chăn cho những người già. Nói chung em thì hoàn cảnh cũng cực khổ mà nhà tan nát hết rồi. Em ở giữa làng mà các đoàn không biết nên mỗi lần đoàn nào về thì em chạy theo cầu cứu, kêu van để cho em một chút tiền để em sửa lại căn nhà để ở".

Còn theo anh Phan Quốc Vũ ở thôn Trương Xá, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, chỉ cần được hỗ trợ thì từ nhà nước hay tư nhân đều đáng quý :

"Họ cho được từng nào thì người dân hưởng chứ bên chỗ mạnh thường quân, cá nhân, tập thể hoặc bên chỗ Ủy ban Mặt trận tổ quốc ủng hộ thì em không biết. Người dân đen họ không biết, cho họ là họ chỉ biết mừng thôi, cho họ ăn uống, cái này cái nọ, ủng hộ của cải vật chất thì họ không ý kiến".

Từ Hà Nội, blogger Nguyễn Lân thắng cho rằng tâm lý chung việc quản lý xã hội của chính phủ Hà Nội từ trước đến nay là nhà nước ôm đồm quá nhiều việc trong sự quản lý của họ, không riêng từ thiện mà rất còn nhiều việc khác. Ông Thắng cho rằng với tư duy đó thì chính phủ đang bóp siết hoạt động dân sự rất bình thường của người dân :

"Tôi đã chứng kiến, tôi đã trực tiếp đi cũng có rất nhiều lần thiện nguyện bị ngăn trở, bị hạch sách, nói chung rất nhiều. Những kinh nghiệm đó cho tôi thấy nếu như nhà nước không thay đổi thì những tồn tại trong công tác thiện nguyện vẫn còn và đến một lúc nào đó thì người dân cũng thấy bức xúc và những bất đồng xã hội sẽ làm cho hố sâu ngăn cách giữa nhà nước và công dân ngày càng tăng lên. Chắc chắn điều đó sẽ gây ra bất ổn chính trị, xã hội lớn hơn nữa".

Người dân Việt với truyền thống tương thân tương ái, luôn hướng về miền Trung mỗi khi eo đất nối dọc 2 miền Nam – Bắc phải hứng chịu nhiều thiệt hại về cả người và của do bão lũ đổ về hàng năm.

Tuy nhiên, những bất cập xung quanh chuyện cứu trợ vẫn luôn là đề tài tranh cãi từ trước đến nay và được nhận định sẽ còn tiếp diễn nếu chính phủ Hà Nội không nghiên cứu cẩn thận và có biện pháp cứng rắn trong chuyện này.

Nguồn : RFA, 12/11/2020

***************************

Xã hội dân sự có cho Đảng cộng sản Việt Nam "sáng mắt sáng lòng" ?

Y Trang, RFA, 10/11/2020

Đảng/Nhà nước Việt Nam chưa bao giờ công nhận, thậm chí, còn dựng lên xã hội dân sự giả để "dìm hàng" là các tổ chức dân sự thật. Dầu vậy, các tổ chức, hội đoàn phi-lợi nhuận vẫn tồn tại một cách không chính thức dưới chế độ toàn trị. Tồn tại nhưng sống lay lắt, các tổ chức dân sự là những mục tiêu theo dõi, săn lùng, thậm chí đối tượng đàn áp của Công an. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo ấy, xã hội dân sự đôi khi vẫn lấp lánh và tỏa sáng tại một số nơi.

xhds1

Người dân nhận hàng cứu trợ sau lũ ở Quảng Bình hôm 26/10/2020 / Reuters

Miệng thế gian…

Một số cá nhân, tổ chức thiện nguyện và hội đoàn phi-lợi nhuận trở thành hiện tượng vào thời điểm nước sôi lửa bỏng như các đợt lũ chồng lũ, lụt chồng lụt, mưa bão chồng mưa bão vừa qua trên cái "rốn" miền Trung thảm thương. Có thể nói các cá nhân và tổ chức ấy đã bùng nổ thành những hiện tượng xã hội. Trong cơn đại hồng thủy càn quét, phẩm chất tốt đẹp của người dân Việt được phát lộ, đó là lòng trắc ẩn, tình nhân ái.

Trong những tấm lòng nhân hậu ấy, nổi bật lên một khuôn mặt điển hình, đó là ca sĩ Thủy Tiên và chuyến hành trình gian khó của hai vợ chồng cô đến với bà con vùng lũ. Công Vinh mới đây cho biết, Thủy Tiên vừa qua bị lao lực, suy nhược cơ thể nặng sau nhiều đợt liên tục đi cứu trợ tại miền Trung. Cô đã sụt 6 kg, bị kiệt sức và suy nhược cơ thể do nhiều ngày nay không ăn uống được gì. Là một người chồng, chàng trai xứ Nghệ xót xa và gần như không thể chịu đựng nổi khi nhìn thấy cảnh vợ mình như vậy.

Cho đến gần đây, Thủy Tiên đã quyên góp được hơn 150 tỷ đồng cứu trợ. Thủy Tiên trực tiếp mang quà đến cho những nạn nhân của lũ lụt mà không qua bất cứ một tổ chức trung gian nào. Ấy vậy hay chính vì vậy mà đã có bao nhiêu "lời ong tiếng ve" trên các trang mạng đủ mọi loại lề. Đúng như đại thi hào Nga Aleksandr Puskin từng ca thán, miệng thế gian như làn sóng bể : "Có mấy chục tỷ mà chỉ trao được thùng mì gói", "Sao hỗ trợ nhà này tận 20 triệu, nhiều vậy ?", "Làm từ thiện bằng tiền người khác thì ai chẳng làm được. Vừa không mất một xu vừa được tiếng", "Cho cần câu, đừng cho con cá", "Bớt khoe mẽ đi", "Diễn sâu quá", "Làm từ thiện với động cơ gì ?"... Chưa hết, có những bài báo nói Thủy Tiên có thể bị truy tố theo Nghị định 64.

Thậm chí, báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh ra ngày 16/10/2020 còn ra đòn : "Thủy Tiên à, cô nhiễu sự vừa thôi !". Vẫn theo bài báo ấy : "Thôi Thủy Tiên ạ, trót lần này thôi nhé. Lần sau đừng "nhảy nhỏm" như vậy nữa. Có làm, cô nhớ thuê một ê-kíp lên "pờ lan" thật chỉn chu, kẻ ô thật đẹp, bôi viền đậm đà, đợi bố cáo thiên hạ xong hẵng đi nhé". Một tờ báo chuyên về phụ nữ sao nỡ nghe theo sự chỉ đạo từ trên, buông ra những lời độc địa đến như vậy ?

Vì theo Khoản 3 Điều 5 Nghị định 64/2008, ngoài các tổ chức được chính quyền cho phép, thì không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ. Do đó, việc ca sĩ Thủy Tiên nhận tiền từ thiện của người dân để ủng hộ đồng bào miền Trung, theo các trang mạng của hệ thống "dư luận viên", cô ca sĩ đã vi phạm pháp luật.

Nhưng Thủy Tiên không lẻ loi, cô độc. Vn có nhng tiếng nói của những người có lương tri lên tiếng bảo vệ cô ca sĩ. Họ cho rằng, Nghị định 64/2008 là "rào cản" lòng tốt. Ngay đến bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ cũng phải phát biểu : "Không nên quá khắt khe khi một người có tấm lòng nhân hậu như ca sĩ Thủy Tiên đứng ra giúp đỡ đồng bào. V mt pháp lut, vic này không vi phạm".

Thủ tướng có nghĩ thế thật không ?

Được biết hôm 24/10/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ thị : "Không để người dân đói rét, không gây khó khăn cho nhà hảo tâm". Theo đó, Thủ tướng đồng thời "lưu ý các địa phương không gây khó khăn cho các nhà hảo tâm khi cứu trợ". Điều gì đã làm cho Thủ tướng chỉ trong 3 ngày mà đã quay ngoắt 180 độ ? Từ chỗ ban đầu, ông Phúc yêu cầu giám sát việc vận động quyên góp hỗ trợ, bảo đảm theo Nghị định 64/2008, nay bỗng chốc lệnh cho sửa lại cái Nghị định "quá đát" và chỉ thị cho các địa phương không gây khó khăn cho các nhà hảo tâm khi cứu trợ ?

Thật ra trong thiên tai, khi chính quyền bất lực, rất nhiều người trong bộ máy nhà nước vẫn không thoát khỏi ám ảnh phải độc chiếm mọi không gian sinh hoạt trong ngôi nhà chung. Nhưng rõ ràng, đó là tham vọng không tưởng. Bất kể chính quyền có cố gắng đến đâu, người dân vẫn sẽ luôn tìm mọi cách để lên tiếng và đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của mình.

Chính phủ, trước áp lực của xã hội, cho biết sẽ xây dựng nghị định thay thế Nghị định số 64 vốn bị nhiều phản ứng. Đó là dấu hiệu cho thấy sức mạnh của xã hội dân sự bất chấp nhiều thập niên bị đè nén. Sách "Chính trị bình dân" của Đoan Trang (tác giả vừa mới bị bắt giam) đã ghi lại các khuyến nghị để "xây dựng không gian cho xã hội dân sự", trích từ báo cáo của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc ra ngày 11/4/2016. Trong đó, khuyến nghị đầu tiên trong phần "tạo sự hỗ trợ và nguồn lực dài hạn cho các tổ chức xã hội dân sự". Mục này đã ghi rõ như sau :

"Thừa nhận rằng hạn chế một cách vô lý việc tài trợ là một sự vi phạm quyền tự do hiệp hội, đảm bảo rằng những người làm xã hội dân sự có thể tìm kiếm, tiếp nhận và sử dụng tiền tài trợ và các nguồn lực khác, dù là trong nước hay nước ngoài, mà không cần được sự cho phép trước và không có các cản trở vô lý khác". Cho nên : "Nếu không có những hạn chế đối với việc tiếp nhận tài trợ nước ngoài ở các cơ quan nhà nước hay cơ sở kinh doanh, thì cũng không được có hạn chế ở các tổ chức xã hội dân sự".

Việc chính quyền, trước áp lực dư luận, đánh tiếng xem xét thay đổi yêu cầu về vận động tiền cho công tác thiện nguyện chỉ là một phần rất nhỏ trong số những thay đổi đã, đang và sẽ phải diễn ra. Xã hội dân sự sẽ không chấp nhận bị "dìm đầu trấn nước" từ ngày này qua tháng khác, chỉ được ngoi lên thở mỗi khi chính quyền cần miếng tóp mỡ.

Theo một số thông tin rò rỉ từ nội bộ, ngay đối với những điều được cho là tích cực "đã, đang và sẽ phải diễn ra" thì vẫn còn đó, "mặt trái của tấm huân chương". Nghĩa là nói vậy nhưng không phải vậy. Tuy ngoài miệng, giờ đây, nhà nước không dám đe nẹt những việc làm tự phát như của Thủy Tiên và một số cá nhân hay đội nhóm đi làm thiện nguyện, nhưng trong thâm tâm chính quyền vẫn muốn "be bờ" xu hướng này.

Ngày 27/5/2020, Học viện Chính trị Công an nhân dân (CAND) đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Phòng, chống hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề "xã hội dân sự" để chuyển hóa chính trị ở Việt Nam hiện nay". Trong tinh thần của Hội thảo này, không biết vợ chồng Công Vinh, Thủy tiên, MC Phan Anh… có bị coi là những "đối tượng" phải theo dõi ?

Được biết, trong quá trình chuẩn bị Báo cáo cho Đại hội 12 cách đây gần 5 năm, cụm từ "xã hội dân sự" ban đầu có được ghi vào dự thảo, nhưng sau đó đã bị gạt ra. Trong Báo cáo chuẩn bị cho Đại hội 13, đến dự thảo cũng không được đưa vào. Quả là một bước thụt lùi về tư duy ! Có lẽ phải chờ đến 2030, "xã hội dân sự" mới được đưa vào chương trình nghiên cứu của Đảng cộng sản Việt Nam theo tinh thần của Nghị quyết 37 (NQTW/2015) ?

Y Trang

Nguồn : RFA, 10/11/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Y Trang
Read 438 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)