Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tình trạng "tạm lắng" của các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam và triển vọng ?

Trong ít nhất hơn ba thập niên gần đây, các tổ chức thuộc xã hội dân sự ở Việt Nam được nhận định đã có những lúc phát triển khá mạnh mẽ và đa dạng. Tuy vậy hiện nay, khu vực này bị cho "trầm lắng".

xhds1

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc tổ chức GreenID nhận giải thưởng môi trường Goldman năm 2018, bà sau đó bị đi tù vì bị cáo buộc "trốn thuế" đối với giải thưởng này - Goldman Environmental Prize

RFA có cuộc trao đổi với ông Trần Tiến Đức- nguyên Vụ trưởng vụ Truyền thông, Ủy ban Dân số & Kế hoạch hóa Gia đình (thuộc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam trước đây), ông là nhà quan sát xã hội dân sự, từng là chuyên gia hoạch định chiến lược, chính sách quốc gia của Việt Nam trong lĩnh vực truyền thông dân số, truyền thông phát triển, cựu Giám đốc dự án Policy do USAID tài trợ chuyên về vận động chính sách và thúc đẩy tiếp cận trên cơ sở quyền và tăng quyền cho người có HIV tại Việt Nam, cựu đại diện của The Futures Việt Nam, thuộc The Futures Group toàn cầu, chuyên về nghiên cứu chiến lược, nghiên cứu chính sách và vận động chính sách, trong đó có tư vấn chiến lược trong lĩnh vực dân số & kế hoạch hóa gia đình, giới, sức khỏe sinh sản v.v. Ông từng là Phó Chủ tịch Hội Kế hoạch hóa Gia đình Việt Nam (1993-1998) và cố vấn của Ủy ban các Vấn đề Xã hội thuộc Quốc hội Việt Nam các khóa trước đây. 

xhds2

Ông Trần Tiến Đức phát biểu tại một Hội thảo khu vực Châu Á và Thái Bình Dương hồi năm 3/2016 tại Hà Nội về sức khỏe tính dục (Sexuality health), mà ông thành viên của Ban Tổ Chức. Ảnh : Nhân vật cung cấp

RFA : Liệu có phải ở Việt Nam hiện đang có ít nhất hai loại hình tổ chức "xã hội dân sự" mà sự phân biệt dựa trên tính độc lập với chính quyền hay không ?

Trần Tiến Đức : Câu hỏi đề ra rất lý thú, nhưng nếu chúng ta cứ căn cứ vào định nghĩa của xã hội dân sự, thì hiện nay "xã hội dân sự" mà được nhà nước cho phép hoạt động, thì thực ra nó chưa đáp ứng đầy đủ các đặc tính của xã hội dân sự. Có hai đặc tính cơ bản của xã hội dân sự, trước hết nó là hoạt động tình nguyện, và thứ hai là sự độc lập đối với các cơ quan quyền lực nhà nước. Đấy là hai vấn đề rất quan trọng và câu hỏi được nêu về cái gọi là "tổ chức xã hội dân sự" mà được nhà nước công nhận và cho phép hoạt động thì phần lớn không độc lập với quyền lực của nhà nước. Họ hoạt động trong khuôn khổ những tổ chức đã được nhà nước chính thức cho phép hoạt động.

Ở Việt Nam, những tổ chức chính thức này gồm những hội đoàn như là Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, rồi Hội cựu chiến binh, rồi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam v.v. và một tổ chức mà hiện nay đang quy tụ những tổ chức phi chính phủ, nhưng chưa hoàn toàn là xã hội dân sự, là Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Vusta), Liên hiệp hội này được thành lập và được quản lý bởi nhà nước, các cán bộ ở đấy ăn lương từ ngân sách của nhà nước, và họ cũng hưởng những tiêu chuẩn như cán bộ nhà nước ; chẳng hạn, ông Chủ tịch Liên hiệp hội cũng có xe (công) đủ các thứ, rồi hưởng lương bổng v.v. Như vậy, tôi nghĩ rằng chưa thể coi những tổ chức ấy là tổ chức xã hội dân sự. 

Nếu xét về lịch sử tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam, thì trước năm 1945, ngay ở thời còn chính quyền thuộc địa của thực dân Pháp, cũng đã có những tổ chức dân sự đã hoạt động, tôi lấy thí dụ như là Hướng đạo sinh, họ được sự cho phép của chính quyền, nhưng hoàn toàn hoạt động không phụ thuộc vào chính quyền thuộc địa, không phụ thuộc vào chính quyền của Nam triều, tức là triều đình nhà Nguyễn, và họ tự chủ hoàn toàn về mặt tài chính, và họ làm những hoạt động thiện nguyện, trong đó có cả những vận động chính trị. Và còn nhiều tổ chức khác mà tôi còn nhớ, chẳng hạn hồi năm 1935, như thân phụ tôi, Bác sĩ Trần Duy Hưng, lúc đó còn là sinh viên đang học trường Y, đã cùng một nhóm kiến trúc sư và một nhóm các trí thức khác lập ra một hội lấy tên là "Hội ánh sáng", nhằm thiết kế, quy hoạch lại nông thôn Việt Nam, tạo nên những ngôi nhà phù hợp với nông thôn Việt Nam, nhưng sáng sủa hơn, vệ sinh hơn, thì đấy là tổ chức xã hội dân sự, chứ còn gì nữa ? Họ hoàn toàn hoạt động độc lập…

Nhưng sau này, nhất là từ sau năm 1950, khi có ảnh hưởng của tư tưởng Mao Trạch Đông và của các cố vấn Trung Quốc đối với đường lối và tôn chỉ hoạt động của đảng Lao động Việt Nam, thì các tổ chức dân sự dần dần không có chỗ đứng ; và đến năm 1954, sau khi Việt Nam chia cắt ra hai miền thành miền Bắc và miền Nam, thì tổ chức như Hướng đạo sinh không được cho hoạt động ở miền Bắc, vì họ lấy lý do rằng đã có Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam rồi, thì cần gì có Hướng đạo sinh nữa, tôi lấy đó là một ví dụ, còn ở miền Nam Việt Nam, tôi xin nói là vẫn có các tổ chức dân sự hoạt động. Thế nhưng đến năm 1975 và tới năm 1986, thì hầu như không có tổ chức nào hoạt động nữa, ngoài những tổ chức được nhà nước công nhận.

Nhưng sau năm 1986, rất nhiều tổ chức, nhất là những tổ chức về mặt nghiên cứu về những vấn đề xã hội, kinh tế của đất nước được thành lập và sau đó được cho vào trong một "cái rọ" chung, là Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật, cho nên những năm sau đó, đặc biệt sau những năm 1990, có thêm nhiều tổ chức hoạt động mà đúng là tổ chức xã hội dân sự thực sự, và tôi là người đã tham gia vào việc xây dựng những tổ chức cộng đồng đầu tiên của những người sống chung với HIV, những người làm nghề lao động tình dục, những người sử dụng ma túy, những người bị đặt bên lề xã hội… Chúng tôi thấy rằng muốn thắng được HIV, phải dựa vào những người bị ảnh hưởng bởi HIV, và phải cho họ có tiếng nói, để họ có ý kiến về điều trị, tiếp cận thuốc, đó là những vấn đề mà cuối cùng liên quan chính sách phải thay đổi, tôi nghĩ rằng chính những hoạt động xã hội dân sự liên quan HIV đã tạo nên những mầm mống cho các tổ chức xã hội dân sự thực sự và trong một cuộc làm việc với một quan chức trưởng đại diện tổ chức quốc tế PEPFAR, có liên quan lĩnh vực dự án này ở khu vực, khi tôi làm việc cho dự án Policy của USAID, thì không những vấn đề tăng cường tiếp cận với thuốc, tăng cường việc điều trị, mà căn bản nhất là trao quyền lực tạo sức mạnh cho nhóm những người yếu thế, và tôi nghĩ đấy là cách thức mà chúng tôi muốn thúc đẩy nền dân chủ, thúc đẩy xã hội dân sự ở Việt Nam.

xhds3

Một buổi tọa đàm khoa học Vùng biển bãi Tư Chính và luật pháp quốc tế tổ chức năm 2019 với các nhân sĩ, trí thức trong nước. Ảnh : FB Hoàng Ngọc Giao

Tình trạng xã hội dân sự ở Việt Nam thế nào ?

RFA : Tình trạng các tổ chức xã hội dân dự, các tổ chức cộng đồng, các tổ chức cơ sở và nhiều tổ chức cùng vai trò, chức năng nhưng với dạng thức khác, ra sao gần đây và hiện nay theo quan sát của ông ?

Trần Tiến Đức : Những năm gần đây, đặc biệt sau dịch Covid-19, khi các nguồn lực của các tổ chức quốc tế hoạt động trong các lĩnh vực xã hội, trong đó có y tế, giảm sút đi nhiều, cho nên nguồn lực để cho các tổ chức cộng đồng, các tổ chức xã hội dân sự bị thu hẹp rất nhiều… Còn trong những năm về trước, đầu tiên là các tổ chức cộng đồng, sau đó tới những tổ chức làm việc về những vấn đề như vận động chính sách, hoặc phản biện chính sách như Viện Phát triển Xã hội (IDS) của Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A và cố Giáo sư Hoàng Tụy, và một số người nữa, hoạt động rất hiệu quả. Trên cơ sở nghiên cứu, họ chứng minh được những gì trong chính sách cần phải thay đổi, kể cả vấn đề quản lý kinh tế. 

Nhưng sau đó, vì một quan niệm của chính quyền Việt Nam, mà đã được chính thức hóa trong văn kiện của một Đại hội đảng cộng sản Việt Nam, mà lúc đầu có một dự thảo văn kiện theo tôi được biết có nhắc đến từ "xã hội dân sự", nhưng sau đó bị gạch đi, và người ta không còn cho phép dùng từ "xã hội dân sự" nữa, mà chỉ cho phép dùng từ "các tổ chức xã hội", mà các "tổ chức xã hội" thì chưa hoàn toàn là xã hội dân sự, vì theo cách hiểu của dự thảo này, thì các tổ chức đó vẫn phải chịu sự kiểm soát rất chặt chẽ của nhà nước, và chính do đó những tổ chức như IDS, trước những quy định chặt chẽ như vậy, thấy rằng không thể hoạt động được, họ buộc phải tuyên bố tự giải thể. Bởi vì thí dụ… tất cả những phản biện chính sách phải được nhà nước kiểm soát trước, kiểm duyệt trước, rồi mới được đưa lên phản biện, tôi nghĩ đấy không còn là phản biện chính sách nữa, mà chỉ là những ý kiến ủng hộ mà thôi, còn ủng hộ thì đã có rất nhiều ý kiến rồi. 

Trong khi nhà nước phải nghe những ý kiến phản biện có cơ sở khoa học chân chính, trên các cơ quan ngôn luận của nhà nước và đảng cộng sản Việt Nam, người ta coi xã hội dân sự là một công cụ để làm các cuộc chuyển đổi không bạo lực, và như vậy tạo nên "diễn biến hòa bình" và họ nghĩ rằng những cuộc Cách mạng Nhung, hoặc những thay đổi ở Ba Lan, ở Đông Âu, ở Liên Xô trước kia, là bởi vì những hoạt động của xã hội dân sự mà họ nói rằng đã "ăn tiền" của các thế lực thù địch, của các thế lực đế quốc. 

Và gần đây nhất, những người như là ông Hoàng Ngọc Giao, là một nhà phản biện mà Viện nghiên cứu của ông cũng là thành viên trong Liên hiệp hội (Vusta), cũng được hoạt động chính thức, hay như trường hợp với bà Ngụy Thị Khanh, cũng đứng đầu một Trung tâm hoạt động được đăng ký với Vusta, và những ý kiến đó cũng là những ý kiến phản biện, nhưng người ta cho rằng "không phù hợp" với những quy định nào đó, những định hướng chính sách của họ, nên họ thậm chí đầu tiên buộc tội là "trốn thuế", sau đó mới đến buộc tội "lợi dụng quyền tự do dân chủ" để mà "chống lại đất nước", những cái đó làm ảnh hưởng rất nhiều đến sự hình thành và phát triển của xã hội dân sự ở Việt Nam. 

Như vậy, như tôi đã nói, những tổ chức xã hội dân sự, khi vượt ra ngoài những khuôn khổ, những vấn đề mà chính quyền cho phép hoạt động, thí dụ chúng tôi từng hoạt động trong lĩnh vực phòng chống HIV, hay là chống lạm dụng ma túy v.v., hoặc là giúp cho những người lao động tình dục có thể tìm cách sống rất đàng hoàng, mà những cái đó ít nhiều chưa đụng chạm những vấn đề liên quan thể chế, nhưng một khi những phản biện mang tính chất vận động chính sách, liên quan vấn đề thể chế, tôi chưa nói đến chế độ mà chỉ nói đến thể chế thôi, thì người ta thấy rằng đó là chuyện không thể chấp nhận được, chính vì thế mà tôi nói thẳng là người ta không muốn cho những tổ chức xã hội dân sự phát triển. Và trong môi trường, trong điều kiện ấy, các tổ chức xã hội dân sự không thể nào phát triển được và những tổ chức mới rất khó thành lập…

xhds4

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao trong ảnh chụp năm 2018 khi ông nhận quyết định nghỉ hưu tại Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, Khoa Luật. Ảnh : FB Hoàng Ngọc Giao

RFA : Với các tổ chức thuộc lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng, rồi nghiệp đoàn độc lập, thì ông có bình luận gì ?

Trần Tiến Đức : Về tổ chức tôn giáo, tôi nghĩ đây cũng là một dạng khá đặc biệt, nhưng rõ ràng ở các tổ chức tôn giáo vẫn hoạt động khá độc lập ở Việt Nam, nhất là với Thiên Chúa giáo. Phật giáo, thì nhiều tổ chức tôi nghĩ rằng còn bị nhà nước chi phối rất nhiều, tôi không dám nói hoàn toàn là của nhà nước, nhưng mà bị nhà nước chi phối rất nhiều và được nhà nước ủng hộ, cho nên tính độc lập và tính phản biện của họ không cao, tôi xin nói như vậy. Còn phía của bên Thiên Chúa giáo, hay đạo Tin lành, thì tất cả những tôn giáo đó, một mặt họ có cơ cấu truyền thống, thí dụ đặc biệt với Thiên Chúa giáo, họ được đào tạo các thầy dòng, các linh mục hoàn toàn theo thể chế độc lập và họ nhận được sự giúp đỡ của Giáo hội La Mã, nên họ có nhiều điều kiện kinh tế, và họ cũng biết huy động dân, giáo dân rất ủng hộ họ, cho nên việc họ xây dựng những nhà thờ là hoàn toàn do giáo dân. Và tôi biết những ông linh mục gần như sống với dân. Thí dụ tôi đã về Nhà thờ Phát Diệm và gặp các vị linh mục ở đấy và họ cũng thử nghiệm những giống lúa mới và sau đó phổ biến cho người dân, do đó khi họ cần sửa chữa gì với nhà thờ, thì họ đều được người dân ủng hộ. 

Còn có những vị linh mục mà tôi biết rằng họ là Đại biểu Quốc hội, như tôi đã đến một nhà thờ đó ở Hải Hậu, người dân kể rằng mỗi năm, khi các cháu học sinh tốt nghiệp phổ thông, vị linh mục đó đều mời các cháu và gia đình đến nhà thờ dự một bữa cơm và nhà thờ chúc mừng. Sau đó, mỗi lần vị linh mục đó lên Hà Nội họp, đều mời các cháu đến để nghe ngóng về tình hình học tập và cũng cho một chút quả nhỏ, để các cháu hiểu được mối liên hệ giữa Nhà thờ, giữa quê hương với các cháu, và tôi đã nói với một số ông Đại biểu Quốc hội ở các địa phương đi về Hà Nội họp, rằng : "Các ông nên học vị Linh mục đó, vì cái đó mới thấy được rằng các vị thực sự quan tâm đến người dân như thế nào !"

Còn với những nghiệp đoàn độc lập, họ hoạt động độc lập xuất phát từ nhu cầu của những người lao động, những nhu cầu đó thực sự có thật. Người lao động cần được bảo vệ về mọi khía cạnh trước giới chủ như về thu nhập, về lương bổng, về giờ, điều kiện làm việc, đó là những điều rất bức thiết với cuộc sống của họ. Chúng ta đều biết ở rất nhiều doanh nghiệp, xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện nay, công nhân, để đảm bảo thu nhập, họ phải xin trong nháy nháy là "tự nguyện" làm thêm, tức là một ngày thêm bốn tiếng đồng hồ, có khi nhiều hơn thế nữa, cho nên sức lao động của họ bị bóc lột kiệt quệ. Chúng tôi cũng đã làm việc nhiều với những lao động nhập cư đến, chúng tôi thấy rằng họ hoàn toàn không được hưởng quyền lợi nào về mặt bảo hiểm xã hội, về mặt y tế, những chăm sóc y tế, rồi vấn đề con cái trong gửi trẻ thôi, chứ chưa nói là đi học, rồi vấn đề nhà… ở có rất nhiều bức xúc. Cho nên có những tình trạng rất đáng thương, như là có những chị em làm ở các khu công nghiệp, thì ngoài giờ, lại phải ra đi "đứng đường", để mà kiếm thêm. Thực là những cái đó rất đau khổ, mà chúng tôi đã từng làm những nghiên cứu về các vấn đề đó. Thì rõ ràng phải có công đoàn độc lập và tôi đồng ý hoàn toàn rằng lúc đầu những người làm công đoàn độc lập có thể chưa biết nhiều, nhưng họ sẽ học tập và có những người sẽ trở thành những thủ lĩnh công đoàn thực thụ… Và tôi nghĩ rằng những ai đã dấn thân vào những hoạt động cho những người cùng cảnh ngộ với mình, tức là những người công nhân, thì tôi chắc là với sự dấn thân ấy, họ sẽ trưởng thành và họ sẽ có thể đóng góp được nhiều hơn cho những người cùng cảnh ngộ…

RFA :Mặc dù bối cảnh hiện nay có thể có những khó khăn, tạm thời gọi là thăng trầm như một số ý kiến nói, nhìn vào triển vọng tương lai của xã hội dân sự, trong đó có các tổ chức hội, đoàn độc lập, nếu có thể có một khuyến nghị hay thông điệp gì với nhà nước, với chính quyền Việt Nam hiện nay và với cả giới hoạt động xã hội dân sự, cùng những ai quan tâm lĩnh vực này ở Việt Nam, ông sẽ nói gì ?

Trần Tiến Đức : Tôi vẫn muốn khẳng định rằng sự tồn tại của xã hội dân sự là một chỉ dấu của một xã hội văn minh, dân chủ, của một thể chế dân chủ mà tin vào dân, dựa vào dân và thể hiện được ý chí của dân. Và những tổ chức xã hội dân sự nào mà không làm được điều đó, thì sớm muộn cũng sẽ bị đào thải, cho nên đã làm tổ chức xã hội dân sự là phải tâm niệm điều đó. Thứ hai là những người làm xã hội dân sự phải là những người dấn thân. Tôi đã từng nói rằng như các vị lãnh đạo Đảng Cộng sản thời kỳ còn chưa "cướp được chính quyền" thì đúng là những người dấn thân, những người đã dám từ bỏ những con đường rất sán lạn, thí dụ như ông Phạm Văn Đồng, ông Trường Chinh toàn là con nhà quan, học hành đầy đủ, nhưng dám từ bỏ những con đường có thể rải đầy hoa hồng để dấn thân vào con đường chông gai, dám đi tù, nhưng mà vì lý tưởng của họ. Nên tôi nghĩ rằng những người làm xã hội dân sự ngày nay cũng phải thế, cũng phải biết dấn thân, đừng có nghĩ rằng làm xã hội dân sự là có được thu nhập gì hay có được cái gì lớn. 

Còn về vấn đề luật liên quan các hội đoàn và xã hội dân sự, tôi khẳng định rằng cần làm càng sớm càng tốt, vì nó sẽ đảm bảo đem lại lợi ích cho cả hai phía, nhà nước sẽ có cơ sở quản lý trên cơ sở luật pháp hoạt động của các xã hội dân sự, và các tổ chức xã hội dân sự đồng thời sẽ có một khung pháp lý để có thể tự tin để hoạt động, mà làm tròn trách nhiệm của mình đối với người dân ở cộng đồng. 

RFA : Xin trân trọng cảm ơn ông Trần Tiến Đức đã trả lời cuộc phỏng vấn này.

Trên đây là phần đầu cuộc trao đổi của RFA tiếng Việt với ông Trần Tiến Đức nguyên là Vụ trưởng vụ Truyền thông, Ủy ban Dân số & Kế hoạch hóa Gia đình, thuộc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam trước đây, ông là nhà quan sát xã hội dân sự, từng là chuyên gia hoạch định chiến lược, chính sách quốc gia của Việt Nam trong lĩnh vực truyền thông dân số, truyền thông phát triển, cựu Giám đốc dự án Policy do USAID tài trợ chuyên về vận động chính sách và thúc đẩy tiếp cận trên cơ sở quyền và tăng quyền cho người có HIV tại Việt Nam, cựu đại diện của The Futures Việt Nam, thuộc The Futures Group toàn cầu, chuyên về nghiên cứu chiến lược, nghiên cứu chính sách và vận động chính sách, trong đó có tư vấn chiến lược trong lĩnh vực dân số & kế hoạch hóa gia đình, giới, sức khỏe sinh sản v.v. Ông từng là Phó Chủ tịch Hội Kế hoạch hóa Gia đình Việt Nam (1993-1998) và cố vấn của Ủy ban các Vấn đề Xã hội thuộc Quốc hội Việt Nam các khóa trước đây. Ở phần sau của cuộc trao đổi với Đài Á Châu Tự do, ông Trần Tiến Đức đề cập cụ thể vấn đề vì sao cần ban hành luật về hội, về các hội đoàn… tại Việt Nam, mời quý vị đón theo dõi.

Quốc Phương

Nguồn : RFA, 09/05/2023

Additional Info

  • Author Trần Tiến Đức, Quốc Phương
Published in Diễn đàn

Về mặt tuyên truyền, tài liệu của cơ quan Tuyên giáo Trung ương nói rằng với việc Quốc hội khóa XIV năm 2019 đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) với nhiều quy định mới, bảo đảm tốt hơn quyền của người lao động và gia nhập Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về quyền thương lượng tập thể.

laphoi1

Quyền tự do hiệp hội, tính đến nay vẫn là một quyền treo…

Quyền tự do công đoàn cũng chính là quyền con người ?

Công ước 98 là 1 trong 8 công ước cốt lõi của ILO trong khuôn khổ các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động. Đây là công ước mang tính bản lề, trở thành một phần quan trọng của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) hay FTA giữa Việt Nam và EU, cũng như trong phần lớn chính sách về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp của các công ty đa quốc gia.

Về quyền tự do hiệp hội, Công ước số 87 nêu nguyên tắc "Người lao động và người sử dụng lao động, không phân biệt dưới bất kỳ hình thức nào đều không phải xin phép trước mà vẫn có quyền được tổ chức và gia nhập các tổ chức theo sự lựa chọn của mình, với một điều kiện duy nhất là phải tuân theo Điều lệ của chính tổ chức đó".

Như vậy, quyền tự do công đoàn của người lao động, theo ILO bao gồm quyền được thành lập, gia nhập tổ chức công đoàn theo sự lựa chọn của người lao động. Điều này có nghĩa là người lao động có thể thành lập một hoặc nhiều công đoàn khác nhau trong một cơ sở lao động.

Ngay sau khi Bộ luật Lao động sửa đổi được Quốc hội Việt Nam thông qua vào tháng 11-2019, đại sứ quán Hoa Kỳ đã ra thông cáo hoan nghênh "một đạo luật lịch sử cho phép thành lập các tổ chức công đoàn độc lập tại cấp cơ sở".

Trong bản thông cáo này, đại sứ quán Mỹ cũng đã nhấn mạnh ngay đến "tầm quan trọng của việc củng cố những cải cách trong luật lao động, bao gồm cải cách thông qua các văn bản pháp luật sắp được ban hành về thành lập, đăng ký và hoạt động của các tổ chức công đoàn độc lập và sự bảo vệ đầy đủ đối với quyền thương lượng tập thể và quyền đình công".

Sau đó thì dịch giã Covid-19 bùng nổ ở Việt Nam, các vấn đề của giới xã hội dân sự về quyền tự do công đoàn, tự do hiệp hội đã không được nhắc tới như một sự quan tâm về một quyền hiến định.

Giờ thì ngay cả con số nhiễm Covid-19 mỗi ngày cũng đã được Bộ Y tế Việt Nam bãi bỏ ; và câu hỏi có lẽ cần thiết được xới lại, đó là chính quyền Việt Nam có đã thật sự chấp nhận cho hình thành các công đoàn hoàn toàn độc lập với công đoàn của nhà nước hay không ?

Coi chừng bị ‘chụp mũ phản động’

Tiến sĩ luật học Trương Hồng Quang cho rằng để các thắc mắc liên quan các cụm từ "xã hội dân sự" – "công đoàn độc lập" không bị chụp mũ là "chống phá Đảng", thì rất cần làm rõ về việc hạn chế quyền con người, quyền công dân được ghi ở Hiến pháp 2013.

Cụ thể, khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định : "Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng".

Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 15 của Hiến pháp năm 2013 cũng quy định : "Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác".

Những quy định trên được đánh giá là một điểm sáng của Hiến pháp năm 2013. Theo đó, từ nay không được ai tùy tiện cắt xén, hạn chế các quyền, ngoại trừ các trường hợp cần thiết nhưng phải được luật quy định.

Tuy nhiên, theo nhận xét của ông Trương Hồng Quang, quan niệm về hạn chế quyền của Hiến pháp năm 2013 rộng hơn so với quan niệm của thế giới.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 thì bất cứ quyền nào cũng có thể bị hạn chế trong những trường hợp cụ thể. Theo pháp luật nhân quyền quốc tế – ví dụ Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 – ICCPR và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa năm 1966 – ICESCR là hai Công ước mà Việt Nam đã tham gia, có những quyền con người không thể bị hạn chế thực hiện vì bất cứ lý do gì, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, kể cả trong những trường cần thiết như quy định của Hiến pháp năm 2013.

Chính vì vậy, việc thi hành khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 cần xem xét tới quy định tại khoản 1 Điều 5 ICCPR năm 1966.

Việc quy định các lý do để hạn chế quyền là đúng đắn. Tuy vậy, theo pháp luật nhân quyền quốc tế thì một số quyền cần phải được hạn chế trong mọi thời điểm mà không cần xuất hiện các trường hợp cần thiết vì lý do an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội…

Chẳng hạn, quyền tự do hội họp luôn kèm theo điều kiện "hòa bình" (xem Điều 21 ICCPR năm 1966), quyền tự do lập hội có thể bị hạn chế đối với những người làm việc trong lực lượng vũ trang và cảnh sát (xem khoản 2 Điều 22 ICCPR năm 1966).

Bên cạnh đó, có thể thấy lý do/mục đích về "quốc phòng" không xuất hiện trong cả Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền – UDHR năm 1948 hay ICCPR năm 1966, ICESCR năm 1966.

"Hiến pháp năm 2013 cũng chưa đề cập việc hạn chế quyền không được làm mất đi bản chất của quyền con người, quyền công dân như quy định của pháp luật quốc tế và hiến pháp của nhiều quốc gia trên thế giới.

Quy định này cùng với sự thiếu vắng yêu cầu cần thiết trong một xã hội dân chủ, có thể dẫn đến hệ quả trong một số trường hợp sẽ hạn chế quá mức quyền con người, quyền công dân" – ông Trương Hồng Quang lưu ý, và đây chính là ‘cái bẫy’ khiến giới xã hội dân sự cả trong và ngoài nước khi phản biện, chỉ trích chính sách của Đảng, dễ bị ‘phản đòn’ qua các lập luận cũng được viện dẫn Hiến pháp từ cơ quan Tuyên giáo Trung ương.

Lynn Huỳnh

Nguồn : VNTB, 11/03/2023

Additional Info

  • Author Lynn Huỳnh
Published in Diễn đàn

EU đòi Việt Nam thực hiện các điều khoản của EVFTA về xã hội dân sự

Lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao, Hà Nội chấp nhận đối thoại trực tuyến với Liên Âu về Hiệp ước Mậu dịch Tự do (EVFTA) có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 8 năm ngoái.

xhds1

Đại diện Việt Nam tại Đối thoại trực tuyến giữa EU và Việt Nam vào ngày 12/11/2021 Photo : RFA

86 tổ chức Việt Nam và Liên Âu tham dự qua trực tuyến viễn liên tại Diễn Đàn chung, gồm có :

– Hội Đồng Liên Âu,

– Bộ Lao động, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam,

– Nhóm Tư vấn Liên Âu do Bà Jude Kirton-Darling làm Chủ tịch

– Nhóm Tư vấn Việt Nam do Bà Trần Thị Lan Anh, Ủy viên Ban Thường trực Phòng Thương mại và Công nghiệp, làm Chủ tịch, và

– Nhiều tổ chức xã hội dân sự — gồm các tổ chức phi chính phủ về nhân quyền, môi trường, phụ nữ, động vật, công đoàn thuộc nhiều quốc gia Liên Âu, các quỹ tài trợ, tổ chức thương mại, v.v…

Ngoài các phát biểu của DAG Liên Âu phê phán các cuộc đàn áp nhân quyền, bắt bớ, yêu sách trả tự do… ba chủ đề thảo luận chính là, Mậu dịch và Lao động ; Mậu dịch, Khí hậu và Môi sinh ; Mậu dịch và Ngư nghiệp.

Các cuộc thảo luận rất sôi nổi. Uỷ ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam (VHCR) quan tâm vấn đề quyền công nhân, nhắc lại các lời hứa của Việt Nam khi ký kết EVFTA là sẽ sửa đổi Luật Lao Động và cho ra đời những "Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở" (tức "WRO, Workers Representative Organisations") không trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam của Nhà nước. Thế nhưng một năm trôi qua sau khi EVFTA có hiệu lực, chưa hề thấy các WRO xuất hiện. Vì sao chậm thế nhất là vào lúc công nhân cần được bảo vệ, cần biết rõ quyền của mình ?

Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) hỏi về vụ ô nhiễm cá chết Formosa. Câu đáp cho qua việc của Bộ Tài nguyên và Môi trường không được hài lòng.

VCHR nhấn mạnh thêm, nhiều người hoạt động bảo vệ nhân quyền hay môi sinh bị kết án, tù đầy dưới những điều luật mơ hồ về "an ninh quốc gia" chỉ vì họ quay video, lập hồ sơ tố cáo những vi phạm về môi sinh, như trường hợp Nguyễn Văn Hóa.

Viện Công nhân và Công đoàn, trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếc rằng lương tối thiểu ở Việt Nam không đủ sống, đề nghị Liên Âu áp lực "trách nhiệm xã hội các Doanh nghiệp" (Corporate Social Responsibility), mua hàng hóa Việt Nam với giá cao hơn để bảo vệ quyền thợ thuyền Việt Nam.

Đại diện Khmer Krom lo âu về tình trạng các dân tộc thiểu số, đặc biệt giới Khmer Krom ở đồng bằng sông Cửu Long bị thiệt hại vì nước biển lên cao, còn bị kỳ thị, và chẳng ai bảo vệ họ.

Để nghe tiếng nói của Liên Âu, chúng tôi phỏng vấn bà Jude Kirton-Darling, Chủ tịch DAG Liên Âu.

xhds2

Bà Jude Kirton-Darling – Chủ tịch Nhóm Tư Vấn Liên Âu

Ỷ Lan : Thưa bà, lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao, Diễn Đàn chung giữa Việt Nam và Liên Âu về Thương mại và Phát triển bền vững vừa diễn ra qua đường dây viễn liên giữa Brussels và Hà Nội. Xin bà cho biết ý nghĩa về sự kiện này, và cảm tưởng bà trước cuộc đối thoại trực tuyến ?

Jude Kirton-Darling : Đúng vậy, Diễn Đàn chung giữa hai bên chuẩn bị đã từ lâu. Phải mất rất nhiều dàn xếp khó khăn giữa Liên Âu và Việt Nam trước khi Diễn Đàn chung này được mở ra. Lẽ ra đã phải gặp gỡ nhau từ hồi tháng 6 vừa qua, nhưng nhiều lần trì hoãn do những bất đồng của hai bên.

Điều thứ nhất tôi muốn nói ngay, là thật tuyệt vời Diễn Đàn được khai mở hôm nay. Thật là một điểm hẹn lịch sử. Đây là lần đầu tiên, chúng tôi có cuộc gặp gỡ, qua đó các đại diện xã hội dân sự có thể đối thoại trực diện với các viên chức thuộc Hội đồng Châu Âu và Chính phủ Việt Nam. Không riêng các đại biểu xã hội dân sự thuộc DAG (Ban Tư vấn Xã hội dân sự trong nước và Liên Âu) mà tất cả các tổ chức đều có thể tham dự. Họ có thể đặt mọi câu hỏi, hay chất vấn Liên Âu và Việt Nam về mọi thực tại hay vấn nạn của mậu dịch và phát triển bền vững. Tôi nhận thấy cuộc thảo luận khá tích cực. Rất quan trọng khi một số vấn đề gay cấn được đưa lên bàn mổ, thay vì che giấu chúng. Quan tâm đến những vấn đề, như thiếu một không gian cho xã hội dân sự tại Việt Nam ngày nay, bắt giam và cầm tù những nhà hoạt động môi sinh hay những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền, trì hoãn cải cách Bộ Luật Lao động, và những vấn đề sinh tử liên quan tới những điều luật trong lĩnh vực EVFTA nhằm bảo vệ sinh thái. Nói tóm, các vấn đề chính yếu là công khai thảo luận thay vì che giấu, bỏ lơ.

Ỷ Lan : Chính phủ Việt Nam hay DAG Việt Nam hồi đáp ra sao, thưa bà ?

Jude Kirton-Darling : Điều khó tránh là họ không hồi đáp trực tiếp câu hỏi nêu ra, chuyện chẳng có gì ngạc nhiên. Quả thật đây là lần đầu tiên chính quyền Việt Nam chấp nhận tham gia đối thoại tương đối cởi mở với xã hội dân sự. Do đó tôi nghĩ điều quan trọng là chính quyền Việt Nam đã chính thức nghe các mối quan tâm của xã hội dân sự. Việc còn lại là chuyện của chúng tôi, tức Ban Tư vấn và Hội đồng Châu Âu gây sức ép với nhà cầm quyền Việt Nam để tiếp tục theo đuổi các mối quan tâm do xã hội dân sự đề xuất.

Ỷ Lan : Theo hiệp ước EVFTA quy định thì các Ban Tư vấn hai bên phải được thiết lập từ các tổ chức xã hội dân sự độc lập. Ban Tư vấn Liên Âu có hơn 20 thành viên, kể cả các tổ chức nhân quyền và môi sinh, công đoàn, v.v… Thế nhưng Ban Tư vấn Việt Nam chỉ có ba tổ chức, và hai trong số ba tổ chức này chẳng độc lập tí nào. Sao lại mất cân đối như thế, thưa bà ?

Jude Kirton-Darling : Hiện tại DAG Việt Nam chỉ có ba tổ chức, gồm Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Viện Công nhân và Công đoàn trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, và Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD). Chúng tôi, DAG Liên Âu, đã lên tiếng minh bạch tại hội nghị rằng chúng tôi trông đợi và yêu sách số thành viên DAG Việt Nam phải được gia tăng. Chúng tôi cũng đòi hỏi các quy định rõ ràng cho việc chọn lựa, vì chúng tôi biết có những tổ chức xã hội dân sự nộp đơn xin tham gia DAG Việt Nam, nhưng bị chính quyền bác bỏ với những lý do không rõ ràng.

Đối với chúng tôi, điều tối ư quan trọng là phía đối tác Việt Nam phải là những tổ chức độc lập và đại biểu cho xã hội dân sự. Tại các cuộc hội nghị, nhà cầm quyền Việt Nam thường hứa hẹn rằng họ sẽ mở rộng cho những thành viên mới, và dự trù nhân đôi số lượng thành viên trong những tuần lễ hay tháng tới. Chúng tôi theo sát tiến trình này chặt chẽ. Chúng tôi biết rõ những nguy cơ cho các nhà hoạt động xã hội dân sự, chính vì vậy mà chúng tôi quyết tâm hành động liên đới với họ. Mỗi lúc nghe thấy tổ chức hay cá nhân nào bị hăm doạ, sách nhiễu hay bị bắt bớ vì muốn tham gia DAG Việt Nam, chúng tôi liền báo động Hội đồng Châu Âu và nhà cầm quyền Việt Nam, và chúng tôi sẽ tiếp tục hành động theo hướng đó.

Ỷ Lan : Như bà cho biết, tiến trình này không khỏi nguy hại cho các xã hội dân sự Việt Nam. Nhiều tổ chức không muốn gia nhập DAG Việt Nam vì họ sợ bị khép tội theo các điều mơ hồ về An ninh quốc gia trong Bộ Luật Hình sự, và có thể lãnh án nặng nề cho bất cứ ai đề cập. Nhiều nhà hoạt động bị cầm tù hiện nay do họ tố cáo những thảm nạn sinh thái như vụ ô nhiễm Formosa hay tranh chấp đất đai. Bà và Liên Âu có thể làm gì trước sự trạng này ?

Jude Kirton-Darling : Từ khi DAG Liên Âu được hình hành đầu năm nay, chúng tôi đã nêu lên nhiều trường hợp cá nhân bị đàn áp vì họ liên hệ với EVFTA. Chúng tôi không sống ở Việt Nam, nhưng chúng tôi hiểu rõ những áp lực và ép buộc mà họ phải chịu đựng. Nên chúng tôi đã mạnh mẽ áp lực cho từng trường hợp, áp lực công khai để đòi hỏi mở rộng không gian cho xã hội dân sự, vì chúng tôi nhận thấy đây là chìa khóa thúc đẩy nhà cầm quyền thực hiện các hứa hẹn khi ký kết EVFTA. Cần làm rõ một điều, là Hiệp ước Tự do Mậu dịch quy định rõ ràng và dầy đủ rằng DAG Việt Nam phải được thiết lập với những đại diện xã hội dân sự độc lập. Vì vậy, chúng tôi trông đợi điều khoản này được thực hiện, nếu không, chúng tôi sẽ sử dụng mọi phương cách để Việt Nam tôn trọng các điều cam kết.

Ỷ Lan : DAG Liên Âu có thể giúp gì cho những tổ chức xã hội dân sự Việt Nam được tham gia vào DAG Việt Nam không thưa bà ?

Jude Kirton-Darling : Họ phải theo tiến trình xin làm thành viên Việt Nam qua việc ghi danh trên trang web của Bộ Công thương. Nhưng tôi khuyến khích các tổ chức muốn gia nhập DAG Việt Nam liên lạc với chúng tôi qua DAG Liên Âu để chúng tôi có thể theo dõi và can thiệp với nhà cầm quyền.

Ỷ Lan : Xin cám ơn bà Chủ tịch.

Ỷ Lan

Nguồn : RFA, 25/11/2021

*******************

Xã hội dân sự cần "độc lập"

Hương Giang, VNTB, 23/11/2021

Tính tự nguyện của thành viên tham gia xã hội dân sự ?

Nếu nhìn vẻ ngoài, thì các tổ chức xã hội dân sự nằm ngoài Nhà nước, nằm ngoài các hoạt động của doanh nghiệp (thị trường), nằm ngoài gia đình, để liên kết người dân với nhau trong những hoạt động vì một mục đích chung, thì ở Việt Nam có Mặt trận Tổ quốc là tổ chức xã hội dân sự lớn nhất, bao gồm các đoàn thể như công đoàn, phụ nữ, thanh niên, nông dân, tôn giáo…, hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ…

xhds3

Ở Việt Nam, nhà chức trách có tâm lý nếu thúc đẩy xã hội dân sự độc lập, sẽ dẫn tới sự đối lập với chính quyền.

 Mặt khác có thể coi xã hội dân sự là diễn đàn, là nơi mọi người bắt tay nhau để thúc đẩy quyền lợi chung.

Xã hội dân sự hỗ trợ người dân thực thi luật pháp, đồng thời phản ánh nguyện vọng người dân. Nếu thể chế nhà nước hoạt động dựa vào luật, thể chế thị trường hoạt động dựa vào lợi nhuận, thì xã hội dân sự độc lập vẫn tuân theo pháp luật, tuân theo thị trường, nhưng thúc đẩy khía cạnh đạo đức, khai thác tính nhân văn, tính cộng đồng.

Theo kết quả nhận dạng ban đầu, xã hội dân sự tại Việt Nam có cấu trúc rất rộng, nhưng không sâu, tức là người dân thường là thành viên một tổ chức nào đó như phụ nữ, thanh niên, hội nghề nghiệp… của xã hội dân sự, nhưng tính tự nguyện còn thấp.

Trong khi đó, môi trường để xã hội dân sự – khoan nói "độc lập" hay "lệ thuộc. phụ thuộc" – hoạt động đã được thúc đẩy trên văn bản, nhưng trên thực tế yếu tố khích lệ phát huy sự tham gia của xã hội dân sự trong công cuộc phát triển còn yếu. Điều này khiến tác động của xã hội dân sự đến xã hội còn yếu, tuy các giá trị xã hội dân sự được đánh giá là ở mức độ tương đối cao.

Vận hành theo luật, đừng tiếp tục cảm tính chính trị nữa

Như vậy, xem ra để tránh đôi co, cần thiết một khung pháp lý cho tổ chức xã hội dân sự độc lập, vì nếu vẫn như lâu nay thì chính quyền có thể mạnh tay trấn áp khi cảm thấy các hoạt động của xã hội dân sự độc lập nằm ngoài hệ thống trở nên vướng víu, gây phiền toái cho chế độ.

Ngoài ra tính hiệu quả của các hoạt động xã hội dân sự độc lập cũng bị hạn chế, đặc biệt trong lĩnh vực thông tin đến với dư luận trong nước, một khi chưa có một khung pháp lý để điều chỉnh, bảo vệ cho xã hội dân sự độc lập.

Vậy thì khung pháp lý ấy nếu được xây dựng, khi ấy trước tiên cần thay đổi lối nghĩ nặng nề ‘thù địch’ của nhóm từ ngữ cáo buộc về "diễn biến hòa bình".

Một định nghĩa tạm gọi là ‘trung tính’, rằng để có xã hội lành mạnh, công thức là "Xã hội = Nhà nước + Xã hội dân sự".

Ở những quốc gia mà nhà nước được trao cho quyền lực quá lớn, thì xã hội dân sự sẽ biến dạng và trở thành đối tượng bất hợp pháp. Phải khẳng định rằng xã hội dân sự là một không gian sống tất yếu của con người. Vì thế, việc không thừa nhận xã hội dân sự ở một số quốc gia chậm phát triển đã gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng.

Nói đến xã hội dân sự là nói đến nhân quyền, còn nói đến xã hội công dân là nói đến dân quyền.

Xã hội dân sự là xã hội mà ở đó nhân quyền thống trị, còn dân quyền là mảnh đất chung nhau giữa con người tự nhiên với con người xã hội. Dân quyền là cơ sở của việc hình thành nhà nước. Sau khi làm nghĩa vụ công dân thì con người mới có quyền đòi hỏi quyền làm chủ nhà nước, tức là quyền tạo ra nhà nước. Quyền tạo ra, cải tạo và cấu trúc lại nhà nước là quyền công dân, là kết quả của việc thực thi các nghĩa vụ công dân.

Có ý kiến, nếu như chính trị lấn át đời sống trí tuệ, chính trị trở thành yếu tố chỉ huy vô điều kiện đời sống trí tuệ, thì thực chất con người đã phá vỡ khả năng kiểm soát tốc độ để tìm kiếm các giới hạn của sự cân bằng. Cho nên, khi con người đi tìm một tỷ lệ hợp lý giữa phát triển và tự nhiên, thì đấy chính là đi tìm tỷ trọng của nhà nước chính trị, nhà nước ở quy mô nào thì còn giữ được đời sống dân sự.

Đời sống dân sự là cách thể hiện tập trung nhất của cái gọi là thái độ đi tìm sự cân bằng của con người. Xã hội dân sự là công cụ mà con người duy trì trạng thái bình tĩnh, trạng thái cân bằng trong quá trình phát triển.

Vậy thì vì sao lại cần thêm "độc lập" cho "xã hội dân sự" ?

Nôm na, xã hội dân sự, ở đó nhân quyền thống trị. Mà nhân quyền thì luôn được hiểu co giãn tùy vào mục đích của chính trị. Nếu xã hội dân sự không có được tính độc lập, mà lại phụ thuộc vào nhóm quyền lực chính trị nào đó, thay vì chỉ phải tuân thủ pháp luật, thì đó là tai họa của độc đoán/độc tài được ẩn dưới chiếc mặt nạ có tên "xã hội dân sự".

Thay lời kết

Con người, dù là người lao động bình thường hay một nhà lãnh đạo cấp cao, thậm chí cả tầng lớp hoạt động chính trị chuyên nghiệp, sau công việc, bao giờ cũng là sự trở về với cuộc sống dân sự bình thường của mình.

Đời sống dân sự là nơi năng lực và phẩm hạnh của con người được tái tạo lại hàng ngày sau một chu trình làm việc, tuy nhiên, không phải ai cũng nhận ra điều ấy, và chính vì gán vào cho nhà nước quá nhiều công việc nên con người đã vô tình co xã hội dân sự của mình.

Ở đây, xin phép nhấn mạnh đến một đối tượng "nhạy cảm" là nhà chính trị và những nhà quản lý hoạt động nhà nước. Bởi nhà nước cũng bao gồm những con người, cũng có những lúc họ rời khỏi địa vị của người cầm quyền. Cùng với lý thuyết về nhiệm kỳ thì mọi người đều trở thành dân, cho nên, phải có một xã hội dân sự để nhà chính trị quay trở về làm người bình thường.

Nếu không có một xã hội dân sự đủ hợp pháp, không có một cơ sở tạo ra nguồn sống hợp pháp cho họ thì họ quay về đâu, và rất có thể khi ấy lại phải bất đắc dĩ trở thành những con rối của ai đó chốn hậu trường…

Vậy thì hợp pháp là gì ? Theo từ điển Hán – Việt, hợp pháp là tính từ thể hiện sự phù hợp, đúng đắn với quy định của pháp luật. Và theo cách hiểu đó, bên cạnh chuyện xã hội dân sự, xem ra còn lắm điều để luận bàn về tính hợp pháp từ Hiến định "Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật" ghi tại Điều 4.3.

Hương Giang

Nguồn : VNTB, 23/11/2021

*********************

Sao lại e ngại tiếng nói "độc lập" của các tổ chức xã hội dân sự ?

Hồng Hà, VNTB, 23/11/2021

Nếu vẫn ‘lệ thuộc’ thì tranh biện sẽ thiếu khách quan

Trong tuyến bài viết chủ đề "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng", thường lập luận như sau :

Chiến lược "Diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch chống phá các nước xã hội chủ nghĩa được thực hiện bằng nhiều phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt hướng tới một mục đích cuối cùng là làm sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa, làm tan rã các Đảng cộng sản, thiết lập chế độ đa nguyên, đa đảng. Trong quá trình này, "xã hội dân sự" được họ sử dụng như một công cụ quan trọng. Thực tiễn sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô trước đây là diễn ra theo kịch bản này.

xhds4

Từ chuyện "độc lập" của "xã hội dân sự" sẽ là đòn bẩy thúc đẩy đa nguyên, đa đảng…

Cơ quan Tuyên giáo Đảng cũng nhìn nhận, về tổ chức, xã hội dân sự là một tổ hợp của các thiết chế chính trị – xã hội phù hợp với hệ thống dân chủ, tự do và kinh tế thị trường, bao gồm : các tổ chức cộng đồng, các tổ chức quần chúng, các hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ.

Trong một không gian công cộng, các thiết chế này được hình thành một cách tự nguyện, độc lập, có thể thảo luận, tranh luận với nhau ; độc lập hoặc cùng nhau thảo luận, tranh luận với nhà nước về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội để tạo ra sự đồng thuận trong những vấn đề của đời sống xã hội đặt ra.

Về bản chất, xã hội dân sự là xã hội tự lập phi nhà nước, được hình thành và vận hành trong không gian công cộng và tư nhân, nằm ngoài vùng ảnh hưởng trực tiếp của yếu tố nhà nước. Đó là sự khác biệt giữa "xã hội dân sự" với "xã hội quân sự" hay "xã hội chính trị" (nhà nước), nhưng xã hội dân sự có thể được nhà nước hậu thuẫn. Những vấn đề xã hội dân sự không tự giải quyết được thì thuộc chức năng của nhà nước.

Đảng cộng sản Việt Nam không thể ‘tệ’ hơn thực dân Pháp

Trong tài liệu có tên "Đồng chí Phan Đăng Lưu với báo chí Trung Kỳ thời kỳ Mặt trận Dân chủ" lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia, có đoạn viết (trích) :

"Trên lĩnh vực báo chí, Phan Đăng Lưu có những đóng góp quan trọng, trở thành một trong những nhà báo vô sản tiêu biểu của cách mạng Việt Nam.

Năm 1931, khi bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà tù Ban Mê Thuột, Phan Đăng Lưu đã học tiếng Êđê, tổ chức ra tờ báo lấy tên là "Doãn Đê tuần báo" với hai thứ tiếng Kinh và Êđê, dùng làm tài liệu để tuyên truyền, giáo dục tù nhân và anh em binh lính người Êđê. Đồng chí phụ trách mục Bình luận và Dạy tiếng Ê đê. Báo ra hàng tuần, viết tay và lưu hành bí mật trong anh em.

Để tố cáo chế độ hà khắc của nhà tù, Phan Đăng Lưu viết nhiều bài báo bằng tiếng Pháp, bí mật gửi ra ngoài, có bài bị bọn cai ngục bắt được, ghép vào tội viết báo tuyên truyền chống lại chính phủ bảo hộ, tăng án lên 5 năm tù khổ sai.

(…) Hoạt động trên lĩnh vực báo chí là một đóng góp rất to lớn của Phan Đăng Lưu trong phong trào này.

Là người phụ trách báo chí, đồng chí đã khắc phục, vượt lên mọi khó khăn về tài chính để tổ chức biên tập bài vở, in, phát hành báo dưới sự theo dõi, bắt bớ rất gắt gao của chính quyền thực dân Pháp. Sau khi báo Nhành Lúa bị cấm, Xứ ủy Trung kỳ không còn báo chí trong tay, trong khi cuộc đấu tranh quyết liệt giữa các lực lượng dân chủ và phản động vẫn đang tiếp diễn.

Lúc này, tờ Sông Hương do Phan Khôi chủ trương đang bế tắc, có thể phải đóng cửa và phá sản. Các đồng chí xứ ủy chủ trương mua lại, vẫn giữ nguyên tên báo, thêm hai chữ "tục bản" vì báo nghỉ đã lâu, nay ra lại. Ta giữ nguyên tên người sáng lập.

(…) Sau khi Xứ ủy Trung kỳ chính thức thành lập, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy đã chỉ thị việc xuất bản báo Dân và giao cho đồng chí Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo. Báo Dân được xuất bản thứ 4 hàng tuần tại Huế, do Nguyễn Đan Quế quản lý, đồng chí Phan Đăng Lưu, xứ ủy viên Xứ ủy Trung kỳ chỉ đạo biên tập. Báo ra được 17 số : số 1 ra ngày 6/7/1938 ; số cuối – số 17 ra ngày 7/10/1938. Tòa soạn báo đặt tại số 11, Doudart de Lagreé, Huế.

Thời kỳ này, nhiều cuộc mít tinh, biểu tình của quần chúng nhân dân trước Viện dân biểu Trung kỳ, trước tòa soạn báo Dân để phản đối, yêu cầu Viện Dân biểu bác dự án thuế thân và dự án tăng thuế điền thổ của chính phủ.

Kẻ thù bị thất bại trên mặt trận công luận, tư tưởng đã đưa tờ báo ra tòa, ra lệnh đóng cửa báo Dân. Không chịu bó tay và cũng không cần xin phép chính quyền thực dân Pháp, đồng chí Phan Đăng Lưu chỉ đạo ra tiếp tờ Dân Tiến xuất bản thứ 5 hàng tuần tại Sài Gòn.

Danh nghĩa báo là cơ quan liên hiệp các lực lượng cấp tiến nhưng thực chất là của Xứ ủy Trung kỳ Đảng cộng sản Đông Dương. Báo được biên tập ở Huế, in và phát hành tại Sài Gòn. Thư ký tòa soạn : Lưu Quý Kỳ. Quản lý : Huỳnh Văn Thanh. Tòa soạn : số 46B, Nguyễn Tấn Nghiệm, Sài Gòn (nay là đường Phát Diệm). Báo ra được 5 số : số 1 ra ngày 27/10/1938 ; số cuối – số 5 ra ngày 22/12/1938 thì bị đóng cửa.

Đồng chí lại tiếp tục cho ra tờ Dân Muốn, cơ quan trung ương của Xứ ủy Trung kỳ Đảng cộng sản Đông Dương. Báo được biên tập ở Huế, in và xuất bản xuất bản thứ 5 hàng tuần tại Sài Gòn. Đồng chí Phan Đăng Lưu là người trực tiếp chỉ đạo biên tập. Chủ nhiệm báo là Phan Văn Tạo. Thư ký tòa soạn : Lưu Quý Kỳ. Tòa soạn tại số 198, đại lộ Galiêni, Sài Gòn (nay là đường Trần Hưng Đạo). Báo in khổ 44,5cm x 60cm tại Nhà in Bảo tồn. Báo ra được 2 số : số 1 ra ngày 20/12/1938, số cuối – số 2 ra ngày 25/1/1939 thì bị đình bản" (dừng trích).

Tâm lý ‘đổ thừa’ là biểu hiện của mặc cảm ‘yếu kém’ cạnh tranh ?

Nếu làm một so sánh ‘xưa’ dưới thời thuộc địa, và ‘nay’ là độc lập dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, không khó nhận ra là mang tiếng thực dân Pháp đô hộ Việt Nam, nhưng những ông quan Tây này chấp nhận báo chí độc lập để cùng nhau thảo luận, tranh luận với Nhà nước Pháp về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội để tạo ra sự đồng thuận trong những vấn đề của đời sống xã hội ở xứ thuộc địa.

Việc ‘đổ thừa’ theo lập luận lâu nay của "diễn biến hòa bình", với viện dẫn sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô vì "xã hội dân sự độc lập", là xem thường dân trí trong các lựa chọn thể chế chính trị của người dân Đông Âu – nay là khối Liên Hiệp Châu Âu, với Hiệp định Thương mại tự do EVFTA mà Việt Nam đã ký kết.

Còn nói theo cách của môn "Tư tưởng Hồ Chí Minh" đang giảng dạy bắt buộc ở bậc đại học, chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân, sức dân như nước. Người Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã khẳng định như vậy. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng, "Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân" (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, trang 276).

Hồng Hà

*********************

Tòa án còn chưa ‘độc lập’, nói gì đến xã hội dân sự

Cửu Long, VNTB, 23/11/2021

"Độc lập" vẫn là từ nhạy cảm chính trị tại Việt Nam khi được gắn đến những tổ chức xã hội dân sự, chẳng hạn như với Hội Nhà báo độc lập Việt Nam.

xhds5

Công bằng mà nói, ‘tư pháp độc lập’ cũng vẫn tiếp tục là mơ ước của những thẩm phán.

"Độc lập" là lý thuyết đẹp đẽ trên giảng đường trường luật

Những tiết nhập môn của các thế hệ sinh viên trường luật, dù là trước hay sau tháng 4/1975, luôn được giảng dạy rằng sự tồn tại của bất kỳ nhà nước nào cũng đều gắn liền với chức năng xét xử.

Ngay từ thời Hy Lạp, La Mã cổ, người ta đã khẳng định : Ở đâu có pháp luật thì ở đó có một hệ thống bảo đảm cho pháp luật được thi hành một cách nghiêm túc. Sự bảo đảm đó trước hết phải bằng hoạt động của các cơ quan trong hệ thống các cơ quan nhà nước. Đó là các cơ quan tư pháp có chức năng xét xử những hành vi vi phạm pháp luật.

Muốn cho các cơ quan tư pháp xét xử tốt thì tòa án phải độc lập. Nguyên tắc quan trọng bậc nhất trong tổ chức và hoạt động của tòa án là sự độc lập. Lịch sử văn minh nhân loại đã có những cố gắng rất lớn cho việc thực hiện nguyên tắc này.

Mục đích của nguyên tắc tòa án độc lập là làm cho thẩm phán được tự do trong xét xử để tòa án thuận tiện hơn trong việc phục vụ công lý, bảo vệ quyền lợi của các bên.

Tính độc lập của tòa án thể hiện ở việc tòa án phải có quyền quyết định các vụ việc một cách vô tư, không thiên vị, dựa trên bản chất của sự việc và theo luật pháp mà không chịu những hạn chế, tác động hay ảnh hưởng không phù hợp, hoặc sự dụ dỗ, đe dọa hay can thiệp sai trái, một cách trực tiếp hay gián tiếp, từ bất cứ chủ thể nào, với bất cứ lý do nào.

Thêm vào đó, tòa án phải có quyền tài phán đối với mọi vấn đề thuộc thẩm quyền xét xử, và phải có quyền lực riêng để quyết định xem một vụ việc được trình lên tòa án có thuộc thẩm quyền của tòa theo như luật pháp quy định hay không.

Nguyên tắc độc lập của tòa án cũng đòi hỏi không một chủ thể nào được can thiệp một cách vô cớ hay không thoả đáng vào quá trình xét xử, cũng như không được xét lại các phán quyết của tòa án.

Chỉ có các tòa án cấp trên mới có quyền xét lại các phán quyết của tòa án cấp dưới theo quy trình tố tụng. Thêm vào đó, nguyên tắc này gắn với quyền của mọi người được xét xử bởi các tòa án thông thường, với những thủ tục pháp lý đã được ấn định.

Điều đó có nghĩa là việc lập ra một tòa án đặc biệt nào đó mà không sử dụng những thủ tục đã được pháp luật ấn định một cách hợp lệ trong quá trình xét xử để thay thế cho các tòa án thông thường được lập ra theo pháp luật, sẽ bị coi là vi phạm nguyên tắc độc lập của tòa án.

Ngoài việc thể hiện ở hệ thống thiết chế độc lập, sự độc lập tư pháp còn phải được thể hiện ở sự độc lập của mỗi cấp xét xử.

Khác với các cơ quan quyền lực nhà nước khác, các tòa án, về mặt tổ chức, không hợp thành một hệ thống theo kiểu "ngành dọc" từ trung ương đến địa phương. Hệ thống các tòa án bao gồm những cấp xét xử theo thẩm quyền tố tụng, khi xét xử, các hội đồng xét xử hoàn toàn độc lập trên cơ sở pháp luật và ý thức pháp luật của thẩm phán và hội thẩm nhân dân (hoặc các chức danh tư pháp tương tự).

Ở tòa án, chỉ có quan hệ giữa tòa "cấp cao hơn" và "cấp thấp hơn" về thẩm quyền tố tụng mà không có "tòa cấp trên" và "tòa cấp dưới"…

"Độc lập" qua lăng kính "chỉ đạo"

Những lý thuyết trên giảng đường trường luật như trên, nếu có sinh viên nào thắc mắc, vậy thì phải chăng trong một số "độc lập" cũng cần phải nhìn qua lăng kính của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực – như tựa bài báo mới đây trên VTV "Tổng bí thư yêu cầu khẩn trương xét xử sơ thẩm các vụ án trọng điểm", có đoạn viết :

"Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, khẩn trương đưa ra xét xử sơ thẩm các vụ án trọng điểm : Các vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi ; vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội ; vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí ; Tham ô tài sản ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn…".

Với mệnh lệnh ‘miệng’ như trên cho thấy quy trình tố tụng luật định ở Việt Nam trong một số vụ án là chịu ảnh hưởng của ý chí cá nhân từ các chính khách nguyên thủ. Điều này sẽ rất khó trong việc "độc lập" xét xử, cũng như gây khó đối với những thẩm phán muốn được có quyền "độc lập".

Và bởi tính độc lập của thẩm phán chính là một trong những yếu tố cơ bản của bộ máy tư pháp độc lập, nên nếu các thẩm phán có thể bị chính phủ hành pháp hay các cơ quan chính quyền khác can thiệp, thay đổi nhiệm vụ vào bất kỳ thời điểm nào thì tính độc lập của tòa án về mặt thể chế không thể đảm bảo.

Thẩm phán chỉ có thể hoàn thành tốt vai trò của mình khi hoàn toàn được độc lập trong hoạt động chuyên môn. Chính hoạt động độc lập chỉ tuân theo pháp luật của thẩm phán là nhằm mục đích bảo đảm quyền con người, quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật, tránh mọi sự lợi dụng chức quyền.

Tất cả vấn đề "độc lập" từ góc nhìn tòa án như diễn giải ở trên, góp phần lý giải vì sao một số tác giả đang luận bàn chủ đề này trên trang Việt Nam Thời Báo về "nước cờ dang dở" của những nhóm xã hội dân sự ở Việt Nam.

Cửu Long

Additional Info

  • Author Hương Giang, Hồng Hà, Cửu Long
Published in Diễn đàn

Cần thoát khỏi tư duy về quyền ban phát

Vũ Giao, VNTB, 16/11/2020

Những nhà soạn luật của Việt Nam dường như vẫn chịu định hướng của tư duy về một nhà nước có quyền ban phát…

tuduy01

Tư duy về một nhà nước có quyền ban phát… Ảnh minh họa 

Thứ nhất, cách viết và nội dung của nhiều quy định các luật, dự thảo luật cho thấy việc biên soạn vẫn chưa thoát hẳn được tư duy cũ về một nhà nước ‘đứng trên nhân dân’, "ban phát", "kiểm soát" các quyền cho nhân dân và luôn "sợ hãi", "đề phòng" nhân dân đấu tranh đòi hỏi sự tôn trọng và bảo đảm các quyền và tự do hiến định.

Minh chứng là việc nêu quy định về giới hạn quyền ở một số điều của Hiến pháp giống như một cách ngầm tuyên bố rằng "hãy liệu hồn đấy", cho dù diễn đạt trong quy định này đã cố tỏ ra mềm mại và "dân tuý" kiểu như quy định "cấm lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác", toát lên tính "răn đe" rất rõ.

Có nhiều điều luật "nhắc nhở" người dân là "quyền đi liền với nghĩa vụ với nhà nước", và những quyền của họ có là do Hiến pháp, pháp luật (tức nhà nước) quy định, cho dù nội dung của điều này không thực sự chính xác về mặt thực tế, và có khía cạnh đi ngược lại với nhận thức chung của cộng đồng quốc tế.

Ngoài ra, việc "quyết giữ" các cụm từ "theo pháp luật", "do pháp luật quy định" hoặc "theo quy định của pháp luật" trong nhiều quy định về các quyền quan trọng cũng phản ánh tâm thế "đề phòng" nhân dân, và "dự phòng" khả năng có thể "rộng tay" hành động để kiểm soát, giới hạn các quyền hiến định về sau này.

Sự lạm dụng các quy định mang tính "răn đe" và "phòng ngừa" nhân dân là rất ít có trong chế định về quyền con người, quyền công dân của hiến pháp các quốc gia trên thế giới.

Thứ hai, hiện nay dường như chưa có quy định cụ thể về nghĩa vụ của các cơ quan, công chức, viên chức nhà nước trong việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, quyền công dân ;

Cũng chưa có quy định về sự bình đẳng giữa các quyền hiến định và không hiến định ; Chưa có quy định về hiệu lực áp dụng trực tiếp của các quyền hiến định ; Chưa có quy định về quyền được vận dụng các cơ chế pháp lý để bảo vệ các quyền khi bị vi phạm.

Trong khi đó thì các điều kể trên lại là những quy định đã được ghi nhận trong luật nhân quyền quốc tế và hiến pháp của nhiều quốc gia, nhằm mục đích ngăn ngừa sự bỏ mặc tức vi phạm không hành động, và việc lạm dụng kẽ hở của hiến pháp để vi phạm nhân quyền, cũng như để xác lập cơ sở hiến định cụ thể, rõ ràng cho việc xử lý những hành vi vi phạm các quyền hiến định của các cơ quan, công chức, viên chức nhà nước.

Theo Liên hợp quốc, các công ước quốc tế về nhân quyền xác lập những tiêu chuẩn tối thiểu về quyền con người, mà các quốc gia thành viên cần nội luật hóa, ít nhất là ở mức ngang bằng.

Do đó, việc bảo đảm sự tương thích của hiến pháp với các điều ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã tham gia, là không thể thiếu để chứng minh rằng nhà nước tôn trọng cam kết với cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, quan trọng hơn, việc này tạo thuận lợi cho việc bảo vệ và thực hiện đầy đủ các quyền hiến định trong thực tế, qua đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước, bởi nó hạn chế những tranh cãi, phòng ngừa việc lợi dụng những quy định thiếu cụ thể và tăng khả năng áp dụng trực tiếp các quyền.

Ngoài ra, việc hiến định các quyền con người, quyền công dân theo các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế còn tạo cơ sở để điều chỉnh những lệch lạc trong tư duy và hành động của các cơ quan và viên chức nhà nước với nhân dân, góp phần xây dựng một xã hội thực sự dân chủ, một nhà nước pháp quyền thực sự "của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân" – điều mà rất cần thiết ở Việt Nam hiện nay.

Vũ Giao

Nguồn : VNTB, 16/11/2020

***********************

Cần có mạng lưới các tổ chức xã hội dân sự độc lập đủ mạnh

Nguyễn Huỳnh, VNTB, 16/11/2020

Một mạng lưới các tổ chức xã hội dân sự mạnh, có điều kiện hoạt động thuận lợi, có tính liên kết tốt cũng là một yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ các quyền con người, quyền công dân ở một quốc gia.

xhds1

Ở Việt Nam hiện chưa có bất cứ thiết chế nào thực sự tin cậy và hiệu quả trong việc bảo vệ các quyền con người, quyền công dân.

Nếu không ngại bụ chụp chiếc mũ chính trị về "tự diễn biến – tự chuyển hóa", thì xét các yếu tố về hành lang pháp lý hiện tại một cách khách quan, có thể khẳng định rằng ở Việt Nam hiện chưa có bất cứ thiết chế nào thực sự tin cậy và hiệu quả trong việc bảo vệ các quyền con người, quyền công dân.

Bởi vậy, việc hoàn thiện, thúc đẩy cơ chế này là rất cần thiết. Việc sửa đổi hiến pháp liên quan hầu như đến tất cả các yếu tố nêu trên (trừ việc chấp nhận thẩm quyền tài phán của các cơ chế nhân quyền khu vực và quốc tế). Cụ thể, để hoàn thiện cơ chế bảo vệ nhân quyền, Hiến pháp 2013 cần sửa đổi cần quy định và bảo vệ sự độc lập của hệ thống tư pháp ; thành lập toà án hiến pháp thay cho hội đồng hiến pháp ; đồng thời củng cố, mở rộng các quyền tự do về dân sự, chính trị để tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự.

Những sửa đổi nêu trên là rất cần thiết và quan trọng, bởi lẽ lịch sử nhân loại đã cho thấy rằng, thiếu sót trong việc hiến định các cơ chế bảo vệ quyền trong nhiều trường hợp còn nguy hại hơn nhiều thiếu sót trong việc hiến định nội dung các quyền.

Những thiếu sót trong việc hiến định các cơ chế bảo vệ quyền có thể dẫn tới việc diễn giải tuỳ tiện, bỏ qua hoặc lợi dụng hiến pháp nhằm thực hiện những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng một cách rộng khắp và liên tục, gây ra những tổn thất không thể lường được với người dân, xã hội và với đất nước.

Có thể lấy hai bài học cùng về nước Đức để minh chứng cho điều này.

Trước thế chiến thứ hai, kẽ hở của hiến pháp đã tạo cơ hội cho chính quyền Adolf Hitler ban hành bản "Nghị định cho việc Bảo vệ Nhân dân và Nhà nước" (sau khi dựng lên vụ đốt toà nhà Nghị viện nổi tiếng vào năm 1933). Nghị định cho phép đình chỉ áp dụng bảy mục trong hiến pháp, tất cả đều về các quyền tự do cá nhân, bao gồm tự do biểu đạt, tự do báo chí, tự do hội họp, lập hội, quyền bất khả xâm phạm về thư tín, điện tín, điện thoại, nhà ở và quyền sở hữu tư nhân về tài sản.

Với công cụ pháp lý là bản Nghị định này, lực lượng mật vụ Gestapo đã bắt giữ, tra tấn, giết hại và khủng bố hàng triệu người là các đảng viên cộng sản, lực lượng cánh tả, những người theo quan điểm xã hội, người Do Thái và tất cả những ai không đồng tình với chủ nghĩa phát xít, kể cả những người đang phục vụ trong quân đội và bộ máy nhà nước Đức lúc bấy giờ.

Việc "dọn sạch" nước Đức đã tạo điều kiện cho đảng phát-xít phát động cuộc chiến tranh thế giới thứ hai – thảm hoạ nhân quyền lớn nhất từ trước đến nay của nhân loại.

Đáng tiếc là sau đó, nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Đức đã "quên’ không học một phần bài học cũ. Kẽ hở hiến pháp đã tạo điều kiện cho bộ máy mẫn cán và chuyên nghiệp của cơ quan mật vụ Stasi thiết lập ra một hệ thống theo dõi, giám sát công dân khổng lồ nổi tiếng toàn thế giới, với hàng triệu chỉ điểm viên và một thư khố hồ sơ kéo dài hàng trăm ki-lô-mét. Điều đó cho thấy ở Stasi, người ta không hề đếm xỉa gì đến quyền hiến định về bí mật đời tư, thư tín, điện thoại, gia đình hay nơi ở.

Điều đáng nói là mặc dù đều nổi tiếng về hiệu quả, song cả Gestapo và Stasi đều đã không giúp duy trì, mà ngược lại, là một tác nhân quan trọng dẫn đến sự sụp đổ của hai nhà nước Đức mà chúng là một bộ phận cấu thành.

Như vậy, câu chuyện về các cơ quan mật vụ này đồng thời cho thấy nhiều sự thật : một hiến pháp sơ hở có thể gây hậu quả nguy hại như thế nào với việc bảo vệ nhân quyền ; một chế độ phản nhân quyền sẽ có kết cục bi thảm tất yếu như thế nào, và một cơ chế bảo vệ nhân quyền lỏng lẻo có thể dẫn đến hậu quả như thế nào với sự tồn tại của một nhà nước cũng như sự phát triển của một dân tộc.

Bóng dáng của câu chuyện lịch sử kể trên, dường như cũng đang ít nhiều hiện diện trong hệ thống pháp luật ở Việt Nam.

Nguyễn Huỳnh

Nguồn : VNTB, 16/11/2020

Additional Info

  • Author Vũ Giao , Nguyễn Huỳnh
Published in Diễn đàn

Công tác cứu trợ : những scandals và chuyện ăn chặn không dứt

RFA, 12/11/2020

Nữ ca sĩ Phương Thanh vào ngày 12/11 đã có buổi làm việc với Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi liên quan phát ngôn của cô trên tài khoản Facebook bị cho là xúc phạm người dân Quảng Ngãi khi nữ ca sĩ này đi làm từ thiện tại các tỉnh miền Trung.

cuutro1

Người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt được cứu trợ lương thực tại làng Mỹ Thượng Lộc, tỉnh Quảng Bình, Việt Nam ngày 26 tháng 10 năm 2020 – Reuters/Thanh Huệ

Theo tin được truyền thông Nhà nước Việt Nam đăng tải, tại buổi gặp gỡ, ca sĩ Phương Thanh không nói rõ phát ngôn trên tài khoản cá nhân Facebook là đúng hay sai mà cho rằng chỉ phản ánh thực trạng "mặt trái của từ thiện" và không có mục đích xúc phạm người dân Quảng Ngãi hay Quảng Nam.

Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, qua điều tra, ca sĩ Phương Thanh chưa hề đến Quảng Ngãi làm từ thiện, nhưng lại có nội dung phản ánh phát ngôn trên trang Facebook cá nhân được cho đã xúc phạm, gây mất uy tín người dân Quảng Ngãi và đã vi phạm pháp luật theo Nghị định 15 của Chính phủ.

Nữ ca sĩ Thủy Tiên cũng vướng nhiều ồn ào liên quan tới công tác cứu trợ miền Trung của cô năm nay. Nhiều ý kiến cho rằng nữ ca sĩ có thể vi phạm luật pháp Việt Nam theo Nghị định 64/2008, khi làm từ thiện không thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội chữ thập đỏ Việt Nam…

Tuy nhiên, các quan chức lãnh đạo Việt Nam sau đó khi trả lời báo chí chính thống đều cho biết hành động của ca sĩ Thủy Tiên không vi phạm pháp luật, có chăng cô ca sĩ nên bàn giao cho một tổ chức thực hiện sẽ tốt hơn vì số tiền huy động được quá lớn.

Theo thông tin được nữ ca sĩ Thủy Tiên chia sẻ, chỉ trong 2 tuần kêu gọi, đã có 150 tỷ đồng được gửi đến tài khoản của cô để đi cứu trợ đồng bào miền Trung.

Trao đổi với RFA tối 12/11, Nhà hoạt động xã hội, blogger Nguyễn Lân Thắng, từng tham gia cứu trợ người dân tại vũng lũ Quảng Bình cuối tháng 10 vừa qua lý giải vì sao người dân lại tin tưởng gửi tiền đến nữ ca sĩ Thủy Tiên :

"Từ trước đến giờ thường công tác cứu trợ do Hội chữ thập đỏ hoặc do ban ngành, đoàn thể thuộc Mặt trận Tổ quốc phát động, nhưng trong rất nhiều năm người dân cũng biết, cũng chứng kiến nhiều lần cái trách nhiệm cũng như công tác cứu trợ phía Mặt trận, Hội Chữ thập đỏ rất kém. Có những năm chính những cán bộ phụ trách trong Mặt trận Tổ quốc hay bên Chữ thập đỏ dính vào chuyện tham ô, tham nhũng. Chính vì thế, trong những năm gần đây, khi những hoạt động thiện nguyện do các cá nhân hoặc các tổ chức tôn giáo phát động thường được người dân quan tâm, ủng hộ hơn".

Vẫn theo blogger Nguyễn Lân Thắng, chính vì khối dư luận quần chúng chuyển hướng sang các hoạt động của các hội nhóm phi nhà nước, nên phía nhà nước mới có phát biểu, cũng như chỉ đạo sao cho việc cứu trợ có thể tập trung vào các ban ngành, đoàn thể thuộc phía nhà nước.

Đồng quan điểm nêu trên, cô Nguyễn Thị Hòa, ở quận Phú Nhuận, cũng gửi tiền cứu trợ đến tài khoản nữ ca sĩ Thủy Tiên trình bày, xin trích nguyên văn :"Ca sĩ, nghệ sĩ mà có tâm, có trách nhiệm, không cắt xén bớt tiền người khác đóng góp là được rồi. Cỡ hai chục năm trước cô cùng bạn bè cũng từng đem mì và tiền đi cứu trợ người dân bị lũ. Tới nơi thì ủy ban phường đó kêu mọi người ngồi chờ để kêu dân tới. Phát một hồi toàn thấy những người quần áo thẳng thớn đã nhận trước đó đang vòng lại nhận tiếp, nên nhóm cô quyết định dừng phát, nói muốn đi thẳng tới nhà dân phát. Lúc này người bên phường mới nói phải đưa tiền mướn xuồng để chở đi. Tới từng nhà thì thấy ai cũng đang co ro ngồi trên tủ. Từ lần đó cô và bạn cô có kinh nghiệm. Như ca sĩ Thủy Tiên cô thấy trên Facebook tới tận nhà dân nên cô ủng hộ, còn đưa tiền cho mấy ông phường, xã, nhà nước chắc khó tới tay dân".

cuutro2

Người dân xếp hàng để được tặng những thùng mì gói tại huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị vào ngày 16 tháng 10 năm 2020. AFP

Tệ nạn tại các cấp chính quyền trong việc cứu trợ như cô Hòa nêu ra thực tế đến nay vẫn còn.

Cụ thể, Ban cán sự thôn Ngọa Cương, xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã đến thu lại toàn bộ 414 triệu đồng của 69 hộ nhận được cứu trợ từ ca sĩ Thủy Tiên vào ngày 28/10. Nguyên nhân được nói là để chia đều cho 170 hộ của thôn.

Tuy nhiên, dưới sức ép của dư luận, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo cán bộ thôn Ngọa Cương, xã Cảnh Hóa trả lại tiền cho người dân.

Do đó, với góc nhìn của một người dân, cô Nguyễn Thị Hòa đưa ra đề xuất, cũng xin trích nguyên văn : "Năm nào báo chí cũng có tin ông này, ông kia ăn chặn, hoặc như kinh nghiệm của cô đó. Nên nhà nước mình phải quản lý, ra luật chặt chẽ hơn, còn những người ăn chặn như vậy khi phát hiện phải xử mạnh tay để nêu gương. Còn nhà nước vẫn phải hỗ trợ là chuyện đương nhiên, nhưng mà nhiều tầng lớp bộ máy, xuống tới nơi sợ cũng trễ, nên cứ để người dân giúp đỡ lẫn nhau bằng cách thức của họ nếu không phạm pháp, đừng gây khó dễ cho người ta. Đối với mấy người mất nhà, mất cửa tại thiên tai thì mình có cho bao nhiêu cũng không đủ với họ đâu".

Chị Nguyễn Thị Bích ở thôn 1 Trà Mé, xã Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình, người nhận được 40 triệu từ cô ca sĩ Thủy Tiên cho biết :

"Ca sĩ Thủy Tiên, vài đoàn đến cho nước sạch, gạo, mì tôm, có đoàn tới cho chút tiền hoặc 300 (ngàn đồng) mỗi phong bì, cho lương khô, đồ, các thứ khác, cả chăn cho những người già. Nói chung em thì hoàn cảnh cũng cực khổ mà nhà tan nát hết rồi. Em ở giữa làng mà các đoàn không biết nên mỗi lần đoàn nào về thì em chạy theo cầu cứu, kêu van để cho em một chút tiền để em sửa lại căn nhà để ở".

Còn theo anh Phan Quốc Vũ ở thôn Trương Xá, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, chỉ cần được hỗ trợ thì từ nhà nước hay tư nhân đều đáng quý :

"Họ cho được từng nào thì người dân hưởng chứ bên chỗ mạnh thường quân, cá nhân, tập thể hoặc bên chỗ Ủy ban Mặt trận tổ quốc ủng hộ thì em không biết. Người dân đen họ không biết, cho họ là họ chỉ biết mừng thôi, cho họ ăn uống, cái này cái nọ, ủng hộ của cải vật chất thì họ không ý kiến".

Từ Hà Nội, blogger Nguyễn Lân thắng cho rằng tâm lý chung việc quản lý xã hội của chính phủ Hà Nội từ trước đến nay là nhà nước ôm đồm quá nhiều việc trong sự quản lý của họ, không riêng từ thiện mà rất còn nhiều việc khác. Ông Thắng cho rằng với tư duy đó thì chính phủ đang bóp siết hoạt động dân sự rất bình thường của người dân :

"Tôi đã chứng kiến, tôi đã trực tiếp đi cũng có rất nhiều lần thiện nguyện bị ngăn trở, bị hạch sách, nói chung rất nhiều. Những kinh nghiệm đó cho tôi thấy nếu như nhà nước không thay đổi thì những tồn tại trong công tác thiện nguyện vẫn còn và đến một lúc nào đó thì người dân cũng thấy bức xúc và những bất đồng xã hội sẽ làm cho hố sâu ngăn cách giữa nhà nước và công dân ngày càng tăng lên. Chắc chắn điều đó sẽ gây ra bất ổn chính trị, xã hội lớn hơn nữa".

Người dân Việt với truyền thống tương thân tương ái, luôn hướng về miền Trung mỗi khi eo đất nối dọc 2 miền Nam – Bắc phải hứng chịu nhiều thiệt hại về cả người và của do bão lũ đổ về hàng năm.

Tuy nhiên, những bất cập xung quanh chuyện cứu trợ vẫn luôn là đề tài tranh cãi từ trước đến nay và được nhận định sẽ còn tiếp diễn nếu chính phủ Hà Nội không nghiên cứu cẩn thận và có biện pháp cứng rắn trong chuyện này.

Nguồn : RFA, 12/11/2020

***************************

Xã hội dân sự có cho Đảng cộng sản Việt Nam "sáng mắt sáng lòng" ?

Y Trang, RFA, 10/11/2020

Đảng/Nhà nước Việt Nam chưa bao giờ công nhận, thậm chí, còn dựng lên xã hội dân sự giả để "dìm hàng" là các tổ chức dân sự thật. Dầu vậy, các tổ chức, hội đoàn phi-lợi nhuận vẫn tồn tại một cách không chính thức dưới chế độ toàn trị. Tồn tại nhưng sống lay lắt, các tổ chức dân sự là những mục tiêu theo dõi, săn lùng, thậm chí đối tượng đàn áp của Công an. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo ấy, xã hội dân sự đôi khi vẫn lấp lánh và tỏa sáng tại một số nơi.

xhds1

Người dân nhận hàng cứu trợ sau lũ ở Quảng Bình hôm 26/10/2020 / Reuters

Miệng thế gian…

Một số cá nhân, tổ chức thiện nguyện và hội đoàn phi-lợi nhuận trở thành hiện tượng vào thời điểm nước sôi lửa bỏng như các đợt lũ chồng lũ, lụt chồng lụt, mưa bão chồng mưa bão vừa qua trên cái "rốn" miền Trung thảm thương. Có thể nói các cá nhân và tổ chức ấy đã bùng nổ thành những hiện tượng xã hội. Trong cơn đại hồng thủy càn quét, phẩm chất tốt đẹp của người dân Việt được phát lộ, đó là lòng trắc ẩn, tình nhân ái.

Trong những tấm lòng nhân hậu ấy, nổi bật lên một khuôn mặt điển hình, đó là ca sĩ Thủy Tiên và chuyến hành trình gian khó của hai vợ chồng cô đến với bà con vùng lũ. Công Vinh mới đây cho biết, Thủy Tiên vừa qua bị lao lực, suy nhược cơ thể nặng sau nhiều đợt liên tục đi cứu trợ tại miền Trung. Cô đã sụt 6 kg, bị kiệt sức và suy nhược cơ thể do nhiều ngày nay không ăn uống được gì. Là một người chồng, chàng trai xứ Nghệ xót xa và gần như không thể chịu đựng nổi khi nhìn thấy cảnh vợ mình như vậy.

Cho đến gần đây, Thủy Tiên đã quyên góp được hơn 150 tỷ đồng cứu trợ. Thủy Tiên trực tiếp mang quà đến cho những nạn nhân của lũ lụt mà không qua bất cứ một tổ chức trung gian nào. Ấy vậy hay chính vì vậy mà đã có bao nhiêu "lời ong tiếng ve" trên các trang mạng đủ mọi loại lề. Đúng như đại thi hào Nga Aleksandr Puskin từng ca thán, miệng thế gian như làn sóng bể : "Có mấy chục tỷ mà chỉ trao được thùng mì gói", "Sao hỗ trợ nhà này tận 20 triệu, nhiều vậy ?", "Làm từ thiện bằng tiền người khác thì ai chẳng làm được. Vừa không mất một xu vừa được tiếng", "Cho cần câu, đừng cho con cá", "Bớt khoe mẽ đi", "Diễn sâu quá", "Làm từ thiện với động cơ gì ?"... Chưa hết, có những bài báo nói Thủy Tiên có thể bị truy tố theo Nghị định 64.

Thậm chí, báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh ra ngày 16/10/2020 còn ra đòn : "Thủy Tiên à, cô nhiễu sự vừa thôi !". Vẫn theo bài báo ấy : "Thôi Thủy Tiên ạ, trót lần này thôi nhé. Lần sau đừng "nhảy nhỏm" như vậy nữa. Có làm, cô nhớ thuê một ê-kíp lên "pờ lan" thật chỉn chu, kẻ ô thật đẹp, bôi viền đậm đà, đợi bố cáo thiên hạ xong hẵng đi nhé". Một tờ báo chuyên về phụ nữ sao nỡ nghe theo sự chỉ đạo từ trên, buông ra những lời độc địa đến như vậy ?

Vì theo Khoản 3 Điều 5 Nghị định 64/2008, ngoài các tổ chức được chính quyền cho phép, thì không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ. Do đó, việc ca sĩ Thủy Tiên nhận tiền từ thiện của người dân để ủng hộ đồng bào miền Trung, theo các trang mạng của hệ thống "dư luận viên", cô ca sĩ đã vi phạm pháp luật.

Nhưng Thủy Tiên không lẻ loi, cô độc. Vn có nhng tiếng nói của những người có lương tri lên tiếng bảo vệ cô ca sĩ. Họ cho rằng, Nghị định 64/2008 là "rào cản" lòng tốt. Ngay đến bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ cũng phải phát biểu : "Không nên quá khắt khe khi một người có tấm lòng nhân hậu như ca sĩ Thủy Tiên đứng ra giúp đỡ đồng bào. V mt pháp lut, vic này không vi phạm".

Thủ tướng có nghĩ thế thật không ?

Được biết hôm 24/10/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ thị : "Không để người dân đói rét, không gây khó khăn cho nhà hảo tâm". Theo đó, Thủ tướng đồng thời "lưu ý các địa phương không gây khó khăn cho các nhà hảo tâm khi cứu trợ". Điều gì đã làm cho Thủ tướng chỉ trong 3 ngày mà đã quay ngoắt 180 độ ? Từ chỗ ban đầu, ông Phúc yêu cầu giám sát việc vận động quyên góp hỗ trợ, bảo đảm theo Nghị định 64/2008, nay bỗng chốc lệnh cho sửa lại cái Nghị định "quá đát" và chỉ thị cho các địa phương không gây khó khăn cho các nhà hảo tâm khi cứu trợ ?

Thật ra trong thiên tai, khi chính quyền bất lực, rất nhiều người trong bộ máy nhà nước vẫn không thoát khỏi ám ảnh phải độc chiếm mọi không gian sinh hoạt trong ngôi nhà chung. Nhưng rõ ràng, đó là tham vọng không tưởng. Bất kể chính quyền có cố gắng đến đâu, người dân vẫn sẽ luôn tìm mọi cách để lên tiếng và đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của mình.

Chính phủ, trước áp lực của xã hội, cho biết sẽ xây dựng nghị định thay thế Nghị định số 64 vốn bị nhiều phản ứng. Đó là dấu hiệu cho thấy sức mạnh của xã hội dân sự bất chấp nhiều thập niên bị đè nén. Sách "Chính trị bình dân" của Đoan Trang (tác giả vừa mới bị bắt giam) đã ghi lại các khuyến nghị để "xây dựng không gian cho xã hội dân sự", trích từ báo cáo của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc ra ngày 11/4/2016. Trong đó, khuyến nghị đầu tiên trong phần "tạo sự hỗ trợ và nguồn lực dài hạn cho các tổ chức xã hội dân sự". Mục này đã ghi rõ như sau :

"Thừa nhận rằng hạn chế một cách vô lý việc tài trợ là một sự vi phạm quyền tự do hiệp hội, đảm bảo rằng những người làm xã hội dân sự có thể tìm kiếm, tiếp nhận và sử dụng tiền tài trợ và các nguồn lực khác, dù là trong nước hay nước ngoài, mà không cần được sự cho phép trước và không có các cản trở vô lý khác". Cho nên : "Nếu không có những hạn chế đối với việc tiếp nhận tài trợ nước ngoài ở các cơ quan nhà nước hay cơ sở kinh doanh, thì cũng không được có hạn chế ở các tổ chức xã hội dân sự".

Việc chính quyền, trước áp lực dư luận, đánh tiếng xem xét thay đổi yêu cầu về vận động tiền cho công tác thiện nguyện chỉ là một phần rất nhỏ trong số những thay đổi đã, đang và sẽ phải diễn ra. Xã hội dân sự sẽ không chấp nhận bị "dìm đầu trấn nước" từ ngày này qua tháng khác, chỉ được ngoi lên thở mỗi khi chính quyền cần miếng tóp mỡ.

Theo một số thông tin rò rỉ từ nội bộ, ngay đối với những điều được cho là tích cực "đã, đang và sẽ phải diễn ra" thì vẫn còn đó, "mặt trái của tấm huân chương". Nghĩa là nói vậy nhưng không phải vậy. Tuy ngoài miệng, giờ đây, nhà nước không dám đe nẹt những việc làm tự phát như của Thủy Tiên và một số cá nhân hay đội nhóm đi làm thiện nguyện, nhưng trong thâm tâm chính quyền vẫn muốn "be bờ" xu hướng này.

Ngày 27/5/2020, Học viện Chính trị Công an nhân dân (CAND) đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Phòng, chống hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề "xã hội dân sự" để chuyển hóa chính trị ở Việt Nam hiện nay". Trong tinh thần của Hội thảo này, không biết vợ chồng Công Vinh, Thủy tiên, MC Phan Anh… có bị coi là những "đối tượng" phải theo dõi ?

Được biết, trong quá trình chuẩn bị Báo cáo cho Đại hội 12 cách đây gần 5 năm, cụm từ "xã hội dân sự" ban đầu có được ghi vào dự thảo, nhưng sau đó đã bị gạt ra. Trong Báo cáo chuẩn bị cho Đại hội 13, đến dự thảo cũng không được đưa vào. Quả là một bước thụt lùi về tư duy ! Có lẽ phải chờ đến 2030, "xã hội dân sự" mới được đưa vào chương trình nghiên cứu của Đảng cộng sản Việt Nam theo tinh thần của Nghị quyết 37 (NQTW/2015) ?

Y Trang

Nguồn : RFA, 10/11/2020

Additional Info

  • Author Y Trang
Published in Diễn đàn

Một nhóm hoạt động dân sự tại Việt Nam vừa thực hiện một bộ phim tài liệu mang tên Đừng sợ, kể lại những hoạt động dân sự vì môi trường, dân chủ tại Việt Nam trong những năm qua. Trong đó có đề cập đến ông Hoàng Bình, người hoạt động môi trường sau thảm họa Formosa đang bị nhà nước Việt Nam bỏ tù.

thongdiep1

Biểu tình chống Formosa tại Hà Nội, 1/5/2016. Cuộc biểu tình lớn nhất Việt Nam từ sau năm 1975. AFP

Đại diện nhóm làm phim cho đài RFA cuộc trao đổi sau đây.

Nhóm làm phim : Bộ phim này khái quát phong trào xã hội dân sự từ năm 2006 đến nay, với nhiều người đấu tranh cho chủ quyền biển đảo, cho dân chủ, bị nhà cầm quyền câu lưu bỏ tù, nhưng họ không chùn bước.

Trong bối cảnh đó thì thảm họa Formosa là cú hích lớn cho xã hội dân sự Việt Nam, lần đầu tiên một phong trào có sự chuẩn bị kỹ càng. Nhân sự kiện Formosa, những người hoạt động dân chủ đứng lên thực hiện cái quyền của họ.

Vụ Formosa là một cái lõi để bộ phim đó mô tả xã hội dân sự từ 2008 đến nay.

Thông điệp bộ phim đưa ra là công chúng đã sẳn sàng cho một xã hội dân sự lành mạnh phát triển. Còn chính quyền thì họ đang chờ đợi một điều gì ?

Trong bộ phim này anh Hoàng Bình là một điểm nhấn của bộ phim. Điều đặc biệt là chính anh Hoàng Bình là người cùng tham gia với nhóm làm phim, cùng bị chính quyền truy đuổi một cách gắt gao.

RFA : Khi làm phim có một nhân vật bị chính quyền bỏ tù như vậy thì có ngại những cái mà chính quyền cho là nhạy cảm không ?

Nhóm làm phim : Thật ra thì toàn bộ phim là một sự nhạy cảm : chuyện Formosa, chuyện đền bù, chuyện bắt bớ, chuyện biểu tình,…thêm anh Hoàng Bình nữa thì cũng không quá nhiều.

Hơn nữa bộ phim cũng là sự tri ân tới ah Hoàng Bình nói riêng, và những tù nhân lương tâm khác, kể cả những người như Nguyễn Văn Hóa, Bạch Hồng Quyền, … những người đã đồng hành cùng nhóm làm phim. Bộ phim là sự tri ân đối với họ.

RFA : Nhóm làm phim định phổ biến bộ phim như thế nào ?

Nhóm làm phim : Phổ biến càng nhiều càng tốt, trong và ngoài nước, Hà Nội, Hồ Chí Minh, và dĩ nhiên là gốc gác của bộ phim là miền Trung. Tất nhiên sẽ chiếu bí mật thôi, mời những người quan tâm, nhân sĩ trí thức, nghệ sĩ, để họ hiểu thêm bức tranh của xã hội dân sự hiện tại.

Chúng tôi rất mong muốn nó được chiếu ở các tổ chức nhân quyền, môi trường quốc tế.

RFA : Có một kênh mà các nhóm dân sự, hoạt động dân chủ hay dùng là thông qua các tòa đại sứ phương Tây tại Hà Nội, lãnh sự tại Sài Gòn, nhóm làm phim có định như vậy không ?

Nhóm làm phim : Thưa có, buổi chiếu đầu tiên sẽ mời các vị ở các sứ quán khối EU đến xem.

RFA : Theo anh thì trong thời gian qua, nhóm dân sự vì môi trường gặt hái được những gì và có trở ngại gì lớn ?

Nhóm làm phim : Trong thời gian qua thì nhóm cũng chưa gặt hái được nhiều thành công, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Nguyên nhân khách quan là phía nhà cầm quyền họ đàn áp rất là mạnh, làm xã hội dân sự nói chung bị lắng xuống, các nhóm môi trường cũng bị tác động rất nhiều.

Về chủ quan thì nội bộ các nhóm cũng có sự thay đổi, cho nên gần đây nhóm cũng chưa đạt thành tựu gì đáng kể.

RFA : Theo anh thì ý thức của người dân thường Việt Nam đã đủ mạnh chưa để hình thành một phong trào dân sự mạnh về môi trường ?

Nhóm làm phim : Ý thức về môi trường của người dân thì có nhưng chưa đủ mạnh.

Tôi có trao đổi với một số tổ chức quốc tế về môi trường thì họ nói những cuộc biểu tình vì môi trường vài trăm người là chưa đủ, phải có những cái cuộc biểu tình cả triệu người thì mới có ý thức về môi trường rõ rệt nhất, mới thay đổi nhiều thứ như vận động chính sách. Lúc ấy mới có sự xoay chiều, còn hiện tại thì chưa.

Các tổ chức môi trường cũng đang cố gắng bằng nhiều cách, nhiều hình thức, nhưng thực sự vẫn chưa đạt được kết quả nhiều.

Nhưng vẫn phải làm bởi vì không thể chờ được, càng khó thì càng phải có những cách làm thông minh hơn.

RFA : Chúng ta hay nói đến sự cản trở của phía chính quyền, nhưng với tư cách một nhà hoạt động dân sự thì trong vài năm qua anh có quan sát thấy họ có sự cải thiện nào không, có lắng nghe những vấn đề về nhân sinh, về dân sự như thế này ?

Nhóm làm phim : Thực sự thì họ vẫn chưa thực sự lắng nghe. Nếu đôi khi do (áp lực) của mạng xã hội thì họ có điều chỉnh gì đấy, nhưng thực sự không thay đổi, tác động gì đến hoạt động dân chủ. Thật ra họ vẫn chưa có gì thay đổi lắm.

Họ ngày càng siết chặt hơn, sự tụ tập của các nhóm là không được phép, kiên quyết là như vậy.

RFA : Anh còn có điều gì nói thêm về việc thực hiện và trình chiếu bộ phim này ?

Nhóm làm phim : Có một mong muốn là bộ phim này được trình chiếu quốc tế, để có một bức tranh về hoạt động xã hội dân sự Việt Nam, thấy rằng vẫn có những nhà đấu tranh vì môi trường hiện vẫn còn trong chốn lao tù.

Mong muốn đây sẽ là động lực cho những nhóm khác làm những bộ phim hay hơn, mong muốn của nhóm làm phim là như vậy.

Kính Hòa thực hiện

Nguồn : RFA, 27/03/2019

Published in Diễn đàn

Lần đu tiên trong lch s mi quan h Liên Hiệp Châu Âu (EU) vi chính quyn Vit Nam nói chung và vi gii xã hi dân s đc lp - bao gm nhng người đu tranh cho dân ch và nhân quyn Vit Nam - nói riêng, mt văn bn hành chính ca Văn phòng Ch tịch Hội đng Châu Âu (cơ quan chính tr cao nht EU) đã được gi đến 17 t chc xã hi dân s đc lp Vit Nam, phúc đáp bn kiến ngh ngày 18/1/2019 ca khi xã hi dân s đc lp v phn ng tình trng chính quyn Vit Nam vi phm nhân quyn trm trng và đề ngh hoãn phê chun Hip đnh Thương mi T do EU-Vit Nam (EVFTA).

hdca1

Trang đầu ca lá thư thay mt ông Donald Tusk gi các t chc xã hi dân s Vit Nam. (Hình : Phạm Chí Dũng cung cấp)

ng h các t chc xã hi dân s Vit Nam

Văn bản trên mang s SGS19/001167, ký ngày 12 tháng 2 năm 2019 bi mt viên chc có trách nhim, truyn đt ý kiến ca Ch tch Hi đng Châu Âu Donald Tusk, trong đó nhn mnh : "Các vn đ nhân quyn vn liên tc được EU nêu ra vi Vit Nam, k c cp cao nhất. Đi thoi Nhân quyn EU-Vit Nam ti đây cũng là mt dp đ chúng tôi tiếp tc vic này, và s đ cp đến khuôn kh pháp lý ca Vit Nam đi vi quyn t do biu đt, t do hip hi, t do t tp, t do tôn giáo tín ngưỡng, và trường hp ca cá nhân những nhà hot đng nhân quyn".

Chủ tch Hi đng Châu Âu cũng cho biết nhà nước Vit Nam "đã nhiu ln nhc li cam kết thúc đy tiến b nhanh chóng" trong lĩnh vc liên quan đến quyn lao đng, và "EU chc chn s theo dõi sát sao bt kỳ din tiến nào trong lĩnh vực này".

Cuối thư, Hi đng Châu Âu xác quyết vic h ng h các t chc xã hi dân s Vit Nam tiếp tc n lc đu tranh đ bo v và thúc đy nhân quyn trong nước.

hdca2

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker (phải), Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk (trái) và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Cấp cao Á-Âu, Brussels. (Hình: AFP)

Văn bản ca Văn phòng Ch tch Hi đng Châu Âu gi cho T chc Theo dõi Nhân quyền quc tế và 17 t chc xã hi dân s đc lp, trong đó có nhng t chc trong nước như Hi Bu Bí Tương Thân, Hi Cu Tù nhân Lương tâm, Hi Nhà báo Đc lp, Defend the Defenders, Văn phòng Công lý và Hòa bình, Lut Khoa tp chí, Hi đng Liên tôn và một s t chc tôn giáo khác.

Sự công nhn mc nhiên

Nguyễn Anh Tun - mt nhà hot đng nhân quyn có nhiu kinh nghim quc tế vn cho biết trước đây EU thường ch tr li thư kiến ngh ca nhng t chc xã hi dân s bng hình thc thư ghi nhn ý kiến và cám ơn. Nhưng văn bn ca EU gi các t chc xã hi dân s Vit Nam vào ngày 12/2/2019 là mt trường hp đc bit vì đó không phi là mt bc thư cám ơn, mà là mt công văn mang tính thông báo tình hình và th hin thái đ tôn trng hơn hn vi gii hoạt đng nhân quyn Vit Nam. EU thường s dng văn bn hành chính đ làm vic vi các đi tác, và trong trường hp này, đó là s công nhn mc nhiên ca EU đi vi v thế chính tr - xã hi ca các t chc xã hi dân s đc lp Vit Nam, bt chp chính quyền Vit Nam chưa tng tha nhn cũng như đã c tình quên lãng quyn t do lp hi được quy đnh bi hiến pháp 1992.

Rõ ràng vào đầu năm 2019, vai trò và v thế ca gii t chc xã hi dân s đc lp Vit Nam đã vươn lên mt tm cao mi trong con mt cộng đng quc tế.

Vào trung tuần tháng 1 năm 2019 khi Hi đng Châu Âu chun b mt cuc hp đ b phiếu v kh năng có phê chun EVFTA và sau đó trình cho Ngh vin Châu Âu hay không, mt bn kiến ngh khn cp ca T chc Theo dõi Nhân quyn quc tế (Human Right Watch) cùng 17 tổ chc xã hi dân s trong và ngoài Vit Nam gi đến Ngh vin Châu Âu, Hi đng Châu Âu và các cơ quan liên quan, yêu cu EU hoãn thông qua EVFTA vì chính quyn Vit Nam đã không làm bt c điu gì đ ci thin nhân quyn, và ‘nhân quyền trên hết’ - điu kin cn ca Ngh vin Châu Âu - cho ti nay đã hoàn toàn b chính th đc tr Vit Nam pht l.

Ngay sau đó, cuộc hp ca Hi đng Châu Âu đã quyết đnh hoãn phê chun EVFTA, to nên mt cú s ln đi vi chính th Vit Nam - giới chóp bu mà cho ti gn thi đim đó vn t tin vi kết qu ‘EVFTA s sm được ký kết và phê chun’ cùng mt lung dư lun trong ni b đng v ‘Châu Âu cn Vit Nam hơn Vit Nam cn Châu Âu’, đc bit sau cuc điu trn EVFTA ti Brussels ca B vào tháng 10 năm 2018 mà sau đó Ủy ban Châu Âu đã chun thun EVFTA và gi t trình cho Hi đng Châu Âu đ xem xét phê chun, khiến Th tướng Nguyn Xuân Phúc cùng h thng tuyên giáo và báo đng đng ca v ‘thng li EVFTA’.

Nhưng thái đ ch quan thái quá đã phải tr giá. Nhng t chc xã hi dân s trong và ngoài Vit Nam - gii mà chính quyn luôn coi thường ‘ch có mt nhúm người’ và hoàn toàn không phi là đi trng chính tr ca Đảng cộng sản Việt Nam, đã làm nên mt chiến thng ngon mc nhưng được tích lũy bi chiều sâu hệ thng : bn kiến ngh yêu cu hoãn EVFTA đã có tác đng đáng k đến EU và dn đến quyết đnh hoãn EVFTA.

Thắng li này đã dn ra mt đnh đ ‘sáng mt sáng lòng’ đi vi Đảng cộng sản Việt Nam : nếu trong nước, đng có th huy đng hàng trăm ngàn công an đp nghẹt quyn làm người ca người dân, đàn áp dã man các cuc biu tình và đình công, bt b gii đu tranh dân ch nhân quyn, thì khi ra sân chơi quc tế li là mt câu chuyn khác hn. Dù ch là ‘mt nhúm người’, nhưng gii t chc xã hi dân s vi hành động đu tranh cho quyn li ca người dân li có sc nh hưởng quc tế và hiu qu quc tế vn cao hơn rt nhiu so vi B Ngoi giao và các t chc ‘cánh tay ni dài ca đng’ ch biết m dân và di trá v nhân quyn.

Quyết đnh hoãn EVFTA ca Hi đng Châu Âu là bằng chng rõ ràng nht cho ti nay v vic Liên Hiệp Châu Âu không còn đáng b xem là yếu thế và nhu nhược trong con mt ca chính quyn Hà Ni, và quyết đnh này là s tuân th mt cách trit đ và kiên đnh tinh thn bn ngh quyết nhân quyền của Ngh vin Châu Âu ban hành vào tháng 11 năm 2018.

Quyết đnh hoãn EVFTA cũng là mt cnh báo gián tiếp đi vi chính quyn Vit Nam : không chu ci thin nhân quyn mt cách thc tâm, thc cht và mang tính chng minh được, s chng có EVFTA nào t đng chui vào d dày ca nhng k ch biết ăn không biết làm.

Và nếu nhng k đó vn ch biết ăn mà không biết làm, thm chí quc hi mi ca Châu Âu sau tháng 5 năm 2019 cũng s không tái xem xét hip đnh này cho nhng k ch biết đàn áp đng bào ca mình.

Vận hành cơ chế tham vn xã hi dân s

Sau vụ EVFTA b hoãn, có l gii chóp bu Vit Nam đã phi nhìn nhn Xã hi dân s không ch là mt thc th, mà còn là mt thc th không h yếu t trong cuc chiến nhân quyn vi chính quyn.

Văn bản ca EU thông báo tình hình nhân quyền - EVFTA cho các t chc xã hi dân s Vit Nam không nhng là mt s công nhn thc th trên, mà còn là s th hin công khai mt phương châm và phương pháp làm vic ca EU : nhn mnh vai trò tham vn ca các t chc xã hi dân s n mt quy đnh nm trong khuôn kh Hip đnh EVFTA mà phía Vit Nam đã ký. Không cn ch đến khi EVFTA được trin khai (chưa biết khi nào), ngay vào lúc này đây EU đang vn hành cơ chế tham vn y vi tiêu chí ‘nhân quyn trên hết’.

chế vn hành mang tính hành chính và tôn trọng trên cũng có nghĩa là nếu trong thi gian ti EVFTA được ký kết, phê chun, b phiếu thông qua và đi vào trin khai, nhng cuc hp ca EU vi các cơ quan ca chính ph Vit Nam v các d án thành phn và tiu thành phn trong hiệp đnh này s có th có mt nhng t chc xã hi dân s v lao đng, môi trường và nhân quyn - như mt yếu t thúc đy và đm bo tính minh bch hóa các chương trình và d án, gia tăng phn bin ca cng đng và nhân dân và tăng cường tính hiu qu ca hiệp đnh đ hn chế đến mc ti thiu hành vi lm dng, li dng, lũng đon và tham nhũng ca gii quan chc Vit Nam trong quá trình thc hin Hip đnh EVFTA.

Phạm Chí Dũng

Nguồn : VOA, 15/02/2019

Published in Diễn đàn

Chiều ngày 10/10/2018, tai Brussels, thủ đô Vương quốc Bỉ, Ủy ban chuyên trách thương mại quốc tế thuộc Nghị viện Châu Âu đã tổ chức cuộc điều trần công khai về Hiệp đinh thương mại tự do EU – Việt Nam.

Buổi điều trần mang tên "Các hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa EU và Việt Nam - Lợi ích và giá trị".

Cách đây gần 3 năm, vào đầu tháng 12/2015 Việt Nam và EU đã hoàn tất đàm phán hiệp định EVFTA. Tuy nhiên hiệp định chưa được hai bên ký kết chính thức và thông qua để đi vào thực thi. Mối quan tâm của EU đến 3 vấn đề gồm nhân quyền, các quyền của người lao động và bảo vệ môi trường được xem là các rào cản chính.

Đai diện nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tại cuộc điều trấn là ông Trần Quốc Khánh, thứ trưởng Bộ Công thương.

Ông Khánh phát biểu 3 vấn đề. Trong vấn đề thứ ba được đề cập đến là nhân quyền, ông Khánh nói trong quá trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, Việt Nam "đã không bao giờ cam kết điều gì về nhân quyền, vì WTO không tập trung vào nhân quyền". Ông Khánh khẳng định nhân quyền "nằm ngoài lĩnh vực chuyên môn" của mình.

Sau bài phát biểu của đại diện giới cầm quyền cộng sản Việt Nam, là phiên thảo luận với tiến sĩ Nguyễn Quang A, người được giới thiệu là "Chuyên gia Nhân quyền đến từ Việt Nam", và các đại diện của Phòng Thương mại Châu Âu ở Việt Nam, Tổ chức Lao động Quốc tế, Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc, và tổ chức vận động hành lang Business Europe.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A nêu rõ trong vài năm gần đây, tình hình nhân quyền ở Việt Nam đã "xấu đi". Ông cho rằng với đòi hỏi Việt Nam phải phê chuẩn nốt 3 công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), EVFTA sẽ giúp cải thiện nhân quyền.

Sau cuộc điều trần, trong cuộc trả lời phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thành, Tiến sĩ Nguyễn Quang A khẳng định rằng : Các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam cần được đóng vai trò giám sát việc thực thi EVFTA.

Nội dung như sau, mời quí vị cùng nghe :

YouTube phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Quang A

Trần Quang Thành thực hiện

Tiếng Dân Việt Media, 11/10/2018

Published in Video