Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/11/2021

Xã hội dân sự ở Việt Nam vẫn chỉ là ước mơ

Hương Giang, Hồng Hà, Cửu Long

EU đòi Việt Nam thực hiện các điều khoản của EVFTA về xã hội dân sự

Lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao, Hà Nội chấp nhận đối thoại trực tuyến với Liên Âu về Hiệp ước Mậu dịch Tự do (EVFTA) có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 8 năm ngoái.

xhds1

Đại diện Việt Nam tại Đối thoại trực tuyến giữa EU và Việt Nam vào ngày 12/11/2021 Photo : RFA

86 tổ chức Việt Nam và Liên Âu tham dự qua trực tuyến viễn liên tại Diễn Đàn chung, gồm có :

– Hội Đồng Liên Âu,

– Bộ Lao động, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam,

– Nhóm Tư vấn Liên Âu do Bà Jude Kirton-Darling làm Chủ tịch

– Nhóm Tư vấn Việt Nam do Bà Trần Thị Lan Anh, Ủy viên Ban Thường trực Phòng Thương mại và Công nghiệp, làm Chủ tịch, và

– Nhiều tổ chức xã hội dân sự — gồm các tổ chức phi chính phủ về nhân quyền, môi trường, phụ nữ, động vật, công đoàn thuộc nhiều quốc gia Liên Âu, các quỹ tài trợ, tổ chức thương mại, v.v…

Ngoài các phát biểu của DAG Liên Âu phê phán các cuộc đàn áp nhân quyền, bắt bớ, yêu sách trả tự do… ba chủ đề thảo luận chính là, Mậu dịch và Lao động ; Mậu dịch, Khí hậu và Môi sinh ; Mậu dịch và Ngư nghiệp.

Các cuộc thảo luận rất sôi nổi. Uỷ ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam (VHCR) quan tâm vấn đề quyền công nhân, nhắc lại các lời hứa của Việt Nam khi ký kết EVFTA là sẽ sửa đổi Luật Lao Động và cho ra đời những "Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở" (tức "WRO, Workers Representative Organisations") không trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam của Nhà nước. Thế nhưng một năm trôi qua sau khi EVFTA có hiệu lực, chưa hề thấy các WRO xuất hiện. Vì sao chậm thế nhất là vào lúc công nhân cần được bảo vệ, cần biết rõ quyền của mình ?

Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) hỏi về vụ ô nhiễm cá chết Formosa. Câu đáp cho qua việc của Bộ Tài nguyên và Môi trường không được hài lòng.

VCHR nhấn mạnh thêm, nhiều người hoạt động bảo vệ nhân quyền hay môi sinh bị kết án, tù đầy dưới những điều luật mơ hồ về "an ninh quốc gia" chỉ vì họ quay video, lập hồ sơ tố cáo những vi phạm về môi sinh, như trường hợp Nguyễn Văn Hóa.

Viện Công nhân và Công đoàn, trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếc rằng lương tối thiểu ở Việt Nam không đủ sống, đề nghị Liên Âu áp lực "trách nhiệm xã hội các Doanh nghiệp" (Corporate Social Responsibility), mua hàng hóa Việt Nam với giá cao hơn để bảo vệ quyền thợ thuyền Việt Nam.

Đại diện Khmer Krom lo âu về tình trạng các dân tộc thiểu số, đặc biệt giới Khmer Krom ở đồng bằng sông Cửu Long bị thiệt hại vì nước biển lên cao, còn bị kỳ thị, và chẳng ai bảo vệ họ.

Để nghe tiếng nói của Liên Âu, chúng tôi phỏng vấn bà Jude Kirton-Darling, Chủ tịch DAG Liên Âu.

xhds2

Bà Jude Kirton-Darling – Chủ tịch Nhóm Tư Vấn Liên Âu

Ỷ Lan : Thưa bà, lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao, Diễn Đàn chung giữa Việt Nam và Liên Âu về Thương mại và Phát triển bền vững vừa diễn ra qua đường dây viễn liên giữa Brussels và Hà Nội. Xin bà cho biết ý nghĩa về sự kiện này, và cảm tưởng bà trước cuộc đối thoại trực tuyến ?

Jude Kirton-Darling : Đúng vậy, Diễn Đàn chung giữa hai bên chuẩn bị đã từ lâu. Phải mất rất nhiều dàn xếp khó khăn giữa Liên Âu và Việt Nam trước khi Diễn Đàn chung này được mở ra. Lẽ ra đã phải gặp gỡ nhau từ hồi tháng 6 vừa qua, nhưng nhiều lần trì hoãn do những bất đồng của hai bên.

Điều thứ nhất tôi muốn nói ngay, là thật tuyệt vời Diễn Đàn được khai mở hôm nay. Thật là một điểm hẹn lịch sử. Đây là lần đầu tiên, chúng tôi có cuộc gặp gỡ, qua đó các đại diện xã hội dân sự có thể đối thoại trực diện với các viên chức thuộc Hội đồng Châu Âu và Chính phủ Việt Nam. Không riêng các đại biểu xã hội dân sự thuộc DAG (Ban Tư vấn Xã hội dân sự trong nước và Liên Âu) mà tất cả các tổ chức đều có thể tham dự. Họ có thể đặt mọi câu hỏi, hay chất vấn Liên Âu và Việt Nam về mọi thực tại hay vấn nạn của mậu dịch và phát triển bền vững. Tôi nhận thấy cuộc thảo luận khá tích cực. Rất quan trọng khi một số vấn đề gay cấn được đưa lên bàn mổ, thay vì che giấu chúng. Quan tâm đến những vấn đề, như thiếu một không gian cho xã hội dân sự tại Việt Nam ngày nay, bắt giam và cầm tù những nhà hoạt động môi sinh hay những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền, trì hoãn cải cách Bộ Luật Lao động, và những vấn đề sinh tử liên quan tới những điều luật trong lĩnh vực EVFTA nhằm bảo vệ sinh thái. Nói tóm, các vấn đề chính yếu là công khai thảo luận thay vì che giấu, bỏ lơ.

Ỷ Lan : Chính phủ Việt Nam hay DAG Việt Nam hồi đáp ra sao, thưa bà ?

Jude Kirton-Darling : Điều khó tránh là họ không hồi đáp trực tiếp câu hỏi nêu ra, chuyện chẳng có gì ngạc nhiên. Quả thật đây là lần đầu tiên chính quyền Việt Nam chấp nhận tham gia đối thoại tương đối cởi mở với xã hội dân sự. Do đó tôi nghĩ điều quan trọng là chính quyền Việt Nam đã chính thức nghe các mối quan tâm của xã hội dân sự. Việc còn lại là chuyện của chúng tôi, tức Ban Tư vấn và Hội đồng Châu Âu gây sức ép với nhà cầm quyền Việt Nam để tiếp tục theo đuổi các mối quan tâm do xã hội dân sự đề xuất.

Ỷ Lan : Theo hiệp ước EVFTA quy định thì các Ban Tư vấn hai bên phải được thiết lập từ các tổ chức xã hội dân sự độc lập. Ban Tư vấn Liên Âu có hơn 20 thành viên, kể cả các tổ chức nhân quyền và môi sinh, công đoàn, v.v… Thế nhưng Ban Tư vấn Việt Nam chỉ có ba tổ chức, và hai trong số ba tổ chức này chẳng độc lập tí nào. Sao lại mất cân đối như thế, thưa bà ?

Jude Kirton-Darling : Hiện tại DAG Việt Nam chỉ có ba tổ chức, gồm Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Viện Công nhân và Công đoàn trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, và Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD). Chúng tôi, DAG Liên Âu, đã lên tiếng minh bạch tại hội nghị rằng chúng tôi trông đợi và yêu sách số thành viên DAG Việt Nam phải được gia tăng. Chúng tôi cũng đòi hỏi các quy định rõ ràng cho việc chọn lựa, vì chúng tôi biết có những tổ chức xã hội dân sự nộp đơn xin tham gia DAG Việt Nam, nhưng bị chính quyền bác bỏ với những lý do không rõ ràng.

Đối với chúng tôi, điều tối ư quan trọng là phía đối tác Việt Nam phải là những tổ chức độc lập và đại biểu cho xã hội dân sự. Tại các cuộc hội nghị, nhà cầm quyền Việt Nam thường hứa hẹn rằng họ sẽ mở rộng cho những thành viên mới, và dự trù nhân đôi số lượng thành viên trong những tuần lễ hay tháng tới. Chúng tôi theo sát tiến trình này chặt chẽ. Chúng tôi biết rõ những nguy cơ cho các nhà hoạt động xã hội dân sự, chính vì vậy mà chúng tôi quyết tâm hành động liên đới với họ. Mỗi lúc nghe thấy tổ chức hay cá nhân nào bị hăm doạ, sách nhiễu hay bị bắt bớ vì muốn tham gia DAG Việt Nam, chúng tôi liền báo động Hội đồng Châu Âu và nhà cầm quyền Việt Nam, và chúng tôi sẽ tiếp tục hành động theo hướng đó.

Ỷ Lan : Như bà cho biết, tiến trình này không khỏi nguy hại cho các xã hội dân sự Việt Nam. Nhiều tổ chức không muốn gia nhập DAG Việt Nam vì họ sợ bị khép tội theo các điều mơ hồ về An ninh quốc gia trong Bộ Luật Hình sự, và có thể lãnh án nặng nề cho bất cứ ai đề cập. Nhiều nhà hoạt động bị cầm tù hiện nay do họ tố cáo những thảm nạn sinh thái như vụ ô nhiễm Formosa hay tranh chấp đất đai. Bà và Liên Âu có thể làm gì trước sự trạng này ?

Jude Kirton-Darling : Từ khi DAG Liên Âu được hình hành đầu năm nay, chúng tôi đã nêu lên nhiều trường hợp cá nhân bị đàn áp vì họ liên hệ với EVFTA. Chúng tôi không sống ở Việt Nam, nhưng chúng tôi hiểu rõ những áp lực và ép buộc mà họ phải chịu đựng. Nên chúng tôi đã mạnh mẽ áp lực cho từng trường hợp, áp lực công khai để đòi hỏi mở rộng không gian cho xã hội dân sự, vì chúng tôi nhận thấy đây là chìa khóa thúc đẩy nhà cầm quyền thực hiện các hứa hẹn khi ký kết EVFTA. Cần làm rõ một điều, là Hiệp ước Tự do Mậu dịch quy định rõ ràng và dầy đủ rằng DAG Việt Nam phải được thiết lập với những đại diện xã hội dân sự độc lập. Vì vậy, chúng tôi trông đợi điều khoản này được thực hiện, nếu không, chúng tôi sẽ sử dụng mọi phương cách để Việt Nam tôn trọng các điều cam kết.

Ỷ Lan : DAG Liên Âu có thể giúp gì cho những tổ chức xã hội dân sự Việt Nam được tham gia vào DAG Việt Nam không thưa bà ?

Jude Kirton-Darling : Họ phải theo tiến trình xin làm thành viên Việt Nam qua việc ghi danh trên trang web của Bộ Công thương. Nhưng tôi khuyến khích các tổ chức muốn gia nhập DAG Việt Nam liên lạc với chúng tôi qua DAG Liên Âu để chúng tôi có thể theo dõi và can thiệp với nhà cầm quyền.

Ỷ Lan : Xin cám ơn bà Chủ tịch.

Ỷ Lan

Nguồn : RFA, 25/11/2021

*******************

Xã hội dân sự cần "độc lập"

Hương Giang, VNTB, 23/11/2021

Tính tự nguyện của thành viên tham gia xã hội dân sự ?

Nếu nhìn vẻ ngoài, thì các tổ chức xã hội dân sự nằm ngoài Nhà nước, nằm ngoài các hoạt động của doanh nghiệp (thị trường), nằm ngoài gia đình, để liên kết người dân với nhau trong những hoạt động vì một mục đích chung, thì ở Việt Nam có Mặt trận Tổ quốc là tổ chức xã hội dân sự lớn nhất, bao gồm các đoàn thể như công đoàn, phụ nữ, thanh niên, nông dân, tôn giáo…, hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ…

xhds3

Ở Việt Nam, nhà chức trách có tâm lý nếu thúc đẩy xã hội dân sự độc lập, sẽ dẫn tới sự đối lập với chính quyền.

 Mặt khác có thể coi xã hội dân sự là diễn đàn, là nơi mọi người bắt tay nhau để thúc đẩy quyền lợi chung.

Xã hội dân sự hỗ trợ người dân thực thi luật pháp, đồng thời phản ánh nguyện vọng người dân. Nếu thể chế nhà nước hoạt động dựa vào luật, thể chế thị trường hoạt động dựa vào lợi nhuận, thì xã hội dân sự độc lập vẫn tuân theo pháp luật, tuân theo thị trường, nhưng thúc đẩy khía cạnh đạo đức, khai thác tính nhân văn, tính cộng đồng.

Theo kết quả nhận dạng ban đầu, xã hội dân sự tại Việt Nam có cấu trúc rất rộng, nhưng không sâu, tức là người dân thường là thành viên một tổ chức nào đó như phụ nữ, thanh niên, hội nghề nghiệp… của xã hội dân sự, nhưng tính tự nguyện còn thấp.

Trong khi đó, môi trường để xã hội dân sự – khoan nói "độc lập" hay "lệ thuộc. phụ thuộc" – hoạt động đã được thúc đẩy trên văn bản, nhưng trên thực tế yếu tố khích lệ phát huy sự tham gia của xã hội dân sự trong công cuộc phát triển còn yếu. Điều này khiến tác động của xã hội dân sự đến xã hội còn yếu, tuy các giá trị xã hội dân sự được đánh giá là ở mức độ tương đối cao.

Vận hành theo luật, đừng tiếp tục cảm tính chính trị nữa

Như vậy, xem ra để tránh đôi co, cần thiết một khung pháp lý cho tổ chức xã hội dân sự độc lập, vì nếu vẫn như lâu nay thì chính quyền có thể mạnh tay trấn áp khi cảm thấy các hoạt động của xã hội dân sự độc lập nằm ngoài hệ thống trở nên vướng víu, gây phiền toái cho chế độ.

Ngoài ra tính hiệu quả của các hoạt động xã hội dân sự độc lập cũng bị hạn chế, đặc biệt trong lĩnh vực thông tin đến với dư luận trong nước, một khi chưa có một khung pháp lý để điều chỉnh, bảo vệ cho xã hội dân sự độc lập.

Vậy thì khung pháp lý ấy nếu được xây dựng, khi ấy trước tiên cần thay đổi lối nghĩ nặng nề ‘thù địch’ của nhóm từ ngữ cáo buộc về "diễn biến hòa bình".

Một định nghĩa tạm gọi là ‘trung tính’, rằng để có xã hội lành mạnh, công thức là "Xã hội = Nhà nước + Xã hội dân sự".

Ở những quốc gia mà nhà nước được trao cho quyền lực quá lớn, thì xã hội dân sự sẽ biến dạng và trở thành đối tượng bất hợp pháp. Phải khẳng định rằng xã hội dân sự là một không gian sống tất yếu của con người. Vì thế, việc không thừa nhận xã hội dân sự ở một số quốc gia chậm phát triển đã gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng.

Nói đến xã hội dân sự là nói đến nhân quyền, còn nói đến xã hội công dân là nói đến dân quyền.

Xã hội dân sự là xã hội mà ở đó nhân quyền thống trị, còn dân quyền là mảnh đất chung nhau giữa con người tự nhiên với con người xã hội. Dân quyền là cơ sở của việc hình thành nhà nước. Sau khi làm nghĩa vụ công dân thì con người mới có quyền đòi hỏi quyền làm chủ nhà nước, tức là quyền tạo ra nhà nước. Quyền tạo ra, cải tạo và cấu trúc lại nhà nước là quyền công dân, là kết quả của việc thực thi các nghĩa vụ công dân.

Có ý kiến, nếu như chính trị lấn át đời sống trí tuệ, chính trị trở thành yếu tố chỉ huy vô điều kiện đời sống trí tuệ, thì thực chất con người đã phá vỡ khả năng kiểm soát tốc độ để tìm kiếm các giới hạn của sự cân bằng. Cho nên, khi con người đi tìm một tỷ lệ hợp lý giữa phát triển và tự nhiên, thì đấy chính là đi tìm tỷ trọng của nhà nước chính trị, nhà nước ở quy mô nào thì còn giữ được đời sống dân sự.

Đời sống dân sự là cách thể hiện tập trung nhất của cái gọi là thái độ đi tìm sự cân bằng của con người. Xã hội dân sự là công cụ mà con người duy trì trạng thái bình tĩnh, trạng thái cân bằng trong quá trình phát triển.

Vậy thì vì sao lại cần thêm "độc lập" cho "xã hội dân sự" ?

Nôm na, xã hội dân sự, ở đó nhân quyền thống trị. Mà nhân quyền thì luôn được hiểu co giãn tùy vào mục đích của chính trị. Nếu xã hội dân sự không có được tính độc lập, mà lại phụ thuộc vào nhóm quyền lực chính trị nào đó, thay vì chỉ phải tuân thủ pháp luật, thì đó là tai họa của độc đoán/độc tài được ẩn dưới chiếc mặt nạ có tên "xã hội dân sự".

Thay lời kết

Con người, dù là người lao động bình thường hay một nhà lãnh đạo cấp cao, thậm chí cả tầng lớp hoạt động chính trị chuyên nghiệp, sau công việc, bao giờ cũng là sự trở về với cuộc sống dân sự bình thường của mình.

Đời sống dân sự là nơi năng lực và phẩm hạnh của con người được tái tạo lại hàng ngày sau một chu trình làm việc, tuy nhiên, không phải ai cũng nhận ra điều ấy, và chính vì gán vào cho nhà nước quá nhiều công việc nên con người đã vô tình co xã hội dân sự của mình.

Ở đây, xin phép nhấn mạnh đến một đối tượng "nhạy cảm" là nhà chính trị và những nhà quản lý hoạt động nhà nước. Bởi nhà nước cũng bao gồm những con người, cũng có những lúc họ rời khỏi địa vị của người cầm quyền. Cùng với lý thuyết về nhiệm kỳ thì mọi người đều trở thành dân, cho nên, phải có một xã hội dân sự để nhà chính trị quay trở về làm người bình thường.

Nếu không có một xã hội dân sự đủ hợp pháp, không có một cơ sở tạo ra nguồn sống hợp pháp cho họ thì họ quay về đâu, và rất có thể khi ấy lại phải bất đắc dĩ trở thành những con rối của ai đó chốn hậu trường…

Vậy thì hợp pháp là gì ? Theo từ điển Hán – Việt, hợp pháp là tính từ thể hiện sự phù hợp, đúng đắn với quy định của pháp luật. Và theo cách hiểu đó, bên cạnh chuyện xã hội dân sự, xem ra còn lắm điều để luận bàn về tính hợp pháp từ Hiến định "Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật" ghi tại Điều 4.3.

Hương Giang

Nguồn : VNTB, 23/11/2021

*********************

Sao lại e ngại tiếng nói "độc lập" của các tổ chức xã hội dân sự ?

Hồng Hà, VNTB, 23/11/2021

Nếu vẫn ‘lệ thuộc’ thì tranh biện sẽ thiếu khách quan

Trong tuyến bài viết chủ đề "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng", thường lập luận như sau :

Chiến lược "Diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch chống phá các nước xã hội chủ nghĩa được thực hiện bằng nhiều phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt hướng tới một mục đích cuối cùng là làm sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa, làm tan rã các Đảng cộng sản, thiết lập chế độ đa nguyên, đa đảng. Trong quá trình này, "xã hội dân sự" được họ sử dụng như một công cụ quan trọng. Thực tiễn sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô trước đây là diễn ra theo kịch bản này.

xhds4

Từ chuyện "độc lập" của "xã hội dân sự" sẽ là đòn bẩy thúc đẩy đa nguyên, đa đảng…

Cơ quan Tuyên giáo Đảng cũng nhìn nhận, về tổ chức, xã hội dân sự là một tổ hợp của các thiết chế chính trị – xã hội phù hợp với hệ thống dân chủ, tự do và kinh tế thị trường, bao gồm : các tổ chức cộng đồng, các tổ chức quần chúng, các hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ.

Trong một không gian công cộng, các thiết chế này được hình thành một cách tự nguyện, độc lập, có thể thảo luận, tranh luận với nhau ; độc lập hoặc cùng nhau thảo luận, tranh luận với nhà nước về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội để tạo ra sự đồng thuận trong những vấn đề của đời sống xã hội đặt ra.

Về bản chất, xã hội dân sự là xã hội tự lập phi nhà nước, được hình thành và vận hành trong không gian công cộng và tư nhân, nằm ngoài vùng ảnh hưởng trực tiếp của yếu tố nhà nước. Đó là sự khác biệt giữa "xã hội dân sự" với "xã hội quân sự" hay "xã hội chính trị" (nhà nước), nhưng xã hội dân sự có thể được nhà nước hậu thuẫn. Những vấn đề xã hội dân sự không tự giải quyết được thì thuộc chức năng của nhà nước.

Đảng cộng sản Việt Nam không thể ‘tệ’ hơn thực dân Pháp

Trong tài liệu có tên "Đồng chí Phan Đăng Lưu với báo chí Trung Kỳ thời kỳ Mặt trận Dân chủ" lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia, có đoạn viết (trích) :

"Trên lĩnh vực báo chí, Phan Đăng Lưu có những đóng góp quan trọng, trở thành một trong những nhà báo vô sản tiêu biểu của cách mạng Việt Nam.

Năm 1931, khi bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà tù Ban Mê Thuột, Phan Đăng Lưu đã học tiếng Êđê, tổ chức ra tờ báo lấy tên là "Doãn Đê tuần báo" với hai thứ tiếng Kinh và Êđê, dùng làm tài liệu để tuyên truyền, giáo dục tù nhân và anh em binh lính người Êđê. Đồng chí phụ trách mục Bình luận và Dạy tiếng Ê đê. Báo ra hàng tuần, viết tay và lưu hành bí mật trong anh em.

Để tố cáo chế độ hà khắc của nhà tù, Phan Đăng Lưu viết nhiều bài báo bằng tiếng Pháp, bí mật gửi ra ngoài, có bài bị bọn cai ngục bắt được, ghép vào tội viết báo tuyên truyền chống lại chính phủ bảo hộ, tăng án lên 5 năm tù khổ sai.

(…) Hoạt động trên lĩnh vực báo chí là một đóng góp rất to lớn của Phan Đăng Lưu trong phong trào này.

Là người phụ trách báo chí, đồng chí đã khắc phục, vượt lên mọi khó khăn về tài chính để tổ chức biên tập bài vở, in, phát hành báo dưới sự theo dõi, bắt bớ rất gắt gao của chính quyền thực dân Pháp. Sau khi báo Nhành Lúa bị cấm, Xứ ủy Trung kỳ không còn báo chí trong tay, trong khi cuộc đấu tranh quyết liệt giữa các lực lượng dân chủ và phản động vẫn đang tiếp diễn.

Lúc này, tờ Sông Hương do Phan Khôi chủ trương đang bế tắc, có thể phải đóng cửa và phá sản. Các đồng chí xứ ủy chủ trương mua lại, vẫn giữ nguyên tên báo, thêm hai chữ "tục bản" vì báo nghỉ đã lâu, nay ra lại. Ta giữ nguyên tên người sáng lập.

(…) Sau khi Xứ ủy Trung kỳ chính thức thành lập, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy đã chỉ thị việc xuất bản báo Dân và giao cho đồng chí Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo. Báo Dân được xuất bản thứ 4 hàng tuần tại Huế, do Nguyễn Đan Quế quản lý, đồng chí Phan Đăng Lưu, xứ ủy viên Xứ ủy Trung kỳ chỉ đạo biên tập. Báo ra được 17 số : số 1 ra ngày 6/7/1938 ; số cuối – số 17 ra ngày 7/10/1938. Tòa soạn báo đặt tại số 11, Doudart de Lagreé, Huế.

Thời kỳ này, nhiều cuộc mít tinh, biểu tình của quần chúng nhân dân trước Viện dân biểu Trung kỳ, trước tòa soạn báo Dân để phản đối, yêu cầu Viện Dân biểu bác dự án thuế thân và dự án tăng thuế điền thổ của chính phủ.

Kẻ thù bị thất bại trên mặt trận công luận, tư tưởng đã đưa tờ báo ra tòa, ra lệnh đóng cửa báo Dân. Không chịu bó tay và cũng không cần xin phép chính quyền thực dân Pháp, đồng chí Phan Đăng Lưu chỉ đạo ra tiếp tờ Dân Tiến xuất bản thứ 5 hàng tuần tại Sài Gòn.

Danh nghĩa báo là cơ quan liên hiệp các lực lượng cấp tiến nhưng thực chất là của Xứ ủy Trung kỳ Đảng cộng sản Đông Dương. Báo được biên tập ở Huế, in và phát hành tại Sài Gòn. Thư ký tòa soạn : Lưu Quý Kỳ. Quản lý : Huỳnh Văn Thanh. Tòa soạn : số 46B, Nguyễn Tấn Nghiệm, Sài Gòn (nay là đường Phát Diệm). Báo ra được 5 số : số 1 ra ngày 27/10/1938 ; số cuối – số 5 ra ngày 22/12/1938 thì bị đóng cửa.

Đồng chí lại tiếp tục cho ra tờ Dân Muốn, cơ quan trung ương của Xứ ủy Trung kỳ Đảng cộng sản Đông Dương. Báo được biên tập ở Huế, in và xuất bản xuất bản thứ 5 hàng tuần tại Sài Gòn. Đồng chí Phan Đăng Lưu là người trực tiếp chỉ đạo biên tập. Chủ nhiệm báo là Phan Văn Tạo. Thư ký tòa soạn : Lưu Quý Kỳ. Tòa soạn tại số 198, đại lộ Galiêni, Sài Gòn (nay là đường Trần Hưng Đạo). Báo in khổ 44,5cm x 60cm tại Nhà in Bảo tồn. Báo ra được 2 số : số 1 ra ngày 20/12/1938, số cuối – số 2 ra ngày 25/1/1939 thì bị đình bản" (dừng trích).

Tâm lý ‘đổ thừa’ là biểu hiện của mặc cảm ‘yếu kém’ cạnh tranh ?

Nếu làm một so sánh ‘xưa’ dưới thời thuộc địa, và ‘nay’ là độc lập dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, không khó nhận ra là mang tiếng thực dân Pháp đô hộ Việt Nam, nhưng những ông quan Tây này chấp nhận báo chí độc lập để cùng nhau thảo luận, tranh luận với Nhà nước Pháp về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội để tạo ra sự đồng thuận trong những vấn đề của đời sống xã hội ở xứ thuộc địa.

Việc ‘đổ thừa’ theo lập luận lâu nay của "diễn biến hòa bình", với viện dẫn sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô vì "xã hội dân sự độc lập", là xem thường dân trí trong các lựa chọn thể chế chính trị của người dân Đông Âu – nay là khối Liên Hiệp Châu Âu, với Hiệp định Thương mại tự do EVFTA mà Việt Nam đã ký kết.

Còn nói theo cách của môn "Tư tưởng Hồ Chí Minh" đang giảng dạy bắt buộc ở bậc đại học, chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân, sức dân như nước. Người Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã khẳng định như vậy. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng, "Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân" (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, trang 276).

Hồng Hà

*********************

Tòa án còn chưa ‘độc lập’, nói gì đến xã hội dân sự

Cửu Long, VNTB, 23/11/2021

"Độc lập" vẫn là từ nhạy cảm chính trị tại Việt Nam khi được gắn đến những tổ chức xã hội dân sự, chẳng hạn như với Hội Nhà báo độc lập Việt Nam.

xhds5

Công bằng mà nói, ‘tư pháp độc lập’ cũng vẫn tiếp tục là mơ ước của những thẩm phán.

"Độc lập" là lý thuyết đẹp đẽ trên giảng đường trường luật

Những tiết nhập môn của các thế hệ sinh viên trường luật, dù là trước hay sau tháng 4/1975, luôn được giảng dạy rằng sự tồn tại của bất kỳ nhà nước nào cũng đều gắn liền với chức năng xét xử.

Ngay từ thời Hy Lạp, La Mã cổ, người ta đã khẳng định : Ở đâu có pháp luật thì ở đó có một hệ thống bảo đảm cho pháp luật được thi hành một cách nghiêm túc. Sự bảo đảm đó trước hết phải bằng hoạt động của các cơ quan trong hệ thống các cơ quan nhà nước. Đó là các cơ quan tư pháp có chức năng xét xử những hành vi vi phạm pháp luật.

Muốn cho các cơ quan tư pháp xét xử tốt thì tòa án phải độc lập. Nguyên tắc quan trọng bậc nhất trong tổ chức và hoạt động của tòa án là sự độc lập. Lịch sử văn minh nhân loại đã có những cố gắng rất lớn cho việc thực hiện nguyên tắc này.

Mục đích của nguyên tắc tòa án độc lập là làm cho thẩm phán được tự do trong xét xử để tòa án thuận tiện hơn trong việc phục vụ công lý, bảo vệ quyền lợi của các bên.

Tính độc lập của tòa án thể hiện ở việc tòa án phải có quyền quyết định các vụ việc một cách vô tư, không thiên vị, dựa trên bản chất của sự việc và theo luật pháp mà không chịu những hạn chế, tác động hay ảnh hưởng không phù hợp, hoặc sự dụ dỗ, đe dọa hay can thiệp sai trái, một cách trực tiếp hay gián tiếp, từ bất cứ chủ thể nào, với bất cứ lý do nào.

Thêm vào đó, tòa án phải có quyền tài phán đối với mọi vấn đề thuộc thẩm quyền xét xử, và phải có quyền lực riêng để quyết định xem một vụ việc được trình lên tòa án có thuộc thẩm quyền của tòa theo như luật pháp quy định hay không.

Nguyên tắc độc lập của tòa án cũng đòi hỏi không một chủ thể nào được can thiệp một cách vô cớ hay không thoả đáng vào quá trình xét xử, cũng như không được xét lại các phán quyết của tòa án.

Chỉ có các tòa án cấp trên mới có quyền xét lại các phán quyết của tòa án cấp dưới theo quy trình tố tụng. Thêm vào đó, nguyên tắc này gắn với quyền của mọi người được xét xử bởi các tòa án thông thường, với những thủ tục pháp lý đã được ấn định.

Điều đó có nghĩa là việc lập ra một tòa án đặc biệt nào đó mà không sử dụng những thủ tục đã được pháp luật ấn định một cách hợp lệ trong quá trình xét xử để thay thế cho các tòa án thông thường được lập ra theo pháp luật, sẽ bị coi là vi phạm nguyên tắc độc lập của tòa án.

Ngoài việc thể hiện ở hệ thống thiết chế độc lập, sự độc lập tư pháp còn phải được thể hiện ở sự độc lập của mỗi cấp xét xử.

Khác với các cơ quan quyền lực nhà nước khác, các tòa án, về mặt tổ chức, không hợp thành một hệ thống theo kiểu "ngành dọc" từ trung ương đến địa phương. Hệ thống các tòa án bao gồm những cấp xét xử theo thẩm quyền tố tụng, khi xét xử, các hội đồng xét xử hoàn toàn độc lập trên cơ sở pháp luật và ý thức pháp luật của thẩm phán và hội thẩm nhân dân (hoặc các chức danh tư pháp tương tự).

Ở tòa án, chỉ có quan hệ giữa tòa "cấp cao hơn" và "cấp thấp hơn" về thẩm quyền tố tụng mà không có "tòa cấp trên" và "tòa cấp dưới"…

"Độc lập" qua lăng kính "chỉ đạo"

Những lý thuyết trên giảng đường trường luật như trên, nếu có sinh viên nào thắc mắc, vậy thì phải chăng trong một số "độc lập" cũng cần phải nhìn qua lăng kính của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực – như tựa bài báo mới đây trên VTV "Tổng bí thư yêu cầu khẩn trương xét xử sơ thẩm các vụ án trọng điểm", có đoạn viết :

"Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, khẩn trương đưa ra xét xử sơ thẩm các vụ án trọng điểm : Các vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi ; vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội ; vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí ; Tham ô tài sản ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn…".

Với mệnh lệnh ‘miệng’ như trên cho thấy quy trình tố tụng luật định ở Việt Nam trong một số vụ án là chịu ảnh hưởng của ý chí cá nhân từ các chính khách nguyên thủ. Điều này sẽ rất khó trong việc "độc lập" xét xử, cũng như gây khó đối với những thẩm phán muốn được có quyền "độc lập".

Và bởi tính độc lập của thẩm phán chính là một trong những yếu tố cơ bản của bộ máy tư pháp độc lập, nên nếu các thẩm phán có thể bị chính phủ hành pháp hay các cơ quan chính quyền khác can thiệp, thay đổi nhiệm vụ vào bất kỳ thời điểm nào thì tính độc lập của tòa án về mặt thể chế không thể đảm bảo.

Thẩm phán chỉ có thể hoàn thành tốt vai trò của mình khi hoàn toàn được độc lập trong hoạt động chuyên môn. Chính hoạt động độc lập chỉ tuân theo pháp luật của thẩm phán là nhằm mục đích bảo đảm quyền con người, quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật, tránh mọi sự lợi dụng chức quyền.

Tất cả vấn đề "độc lập" từ góc nhìn tòa án như diễn giải ở trên, góp phần lý giải vì sao một số tác giả đang luận bàn chủ đề này trên trang Việt Nam Thời Báo về "nước cờ dang dở" của những nhóm xã hội dân sự ở Việt Nam.

Cửu Long

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hương Giang, Hồng Hà, Cửu Long
Read 353 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)