Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/05/2023

Tình trạng các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam

Trần Tiến Đức, Quốc Phương

Tình trạng "tạm lắng" của các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam và triển vọng ?

Trong ít nhất hơn ba thập niên gần đây, các tổ chức thuộc xã hội dân sự ở Việt Nam được nhận định đã có những lúc phát triển khá mạnh mẽ và đa dạng. Tuy vậy hiện nay, khu vực này bị cho "trầm lắng".

xhds1

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc tổ chức GreenID nhận giải thưởng môi trường Goldman năm 2018, bà sau đó bị đi tù vì bị cáo buộc "trốn thuế" đối với giải thưởng này - Goldman Environmental Prize

RFA có cuộc trao đổi với ông Trần Tiến Đức- nguyên Vụ trưởng vụ Truyền thông, Ủy ban Dân số & Kế hoạch hóa Gia đình (thuộc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam trước đây), ông là nhà quan sát xã hội dân sự, từng là chuyên gia hoạch định chiến lược, chính sách quốc gia của Việt Nam trong lĩnh vực truyền thông dân số, truyền thông phát triển, cựu Giám đốc dự án Policy do USAID tài trợ chuyên về vận động chính sách và thúc đẩy tiếp cận trên cơ sở quyền và tăng quyền cho người có HIV tại Việt Nam, cựu đại diện của The Futures Việt Nam, thuộc The Futures Group toàn cầu, chuyên về nghiên cứu chiến lược, nghiên cứu chính sách và vận động chính sách, trong đó có tư vấn chiến lược trong lĩnh vực dân số & kế hoạch hóa gia đình, giới, sức khỏe sinh sản v.v. Ông từng là Phó Chủ tịch Hội Kế hoạch hóa Gia đình Việt Nam (1993-1998) và cố vấn của Ủy ban các Vấn đề Xã hội thuộc Quốc hội Việt Nam các khóa trước đây. 

xhds2

Ông Trần Tiến Đức phát biểu tại một Hội thảo khu vực Châu Á và Thái Bình Dương hồi năm 3/2016 tại Hà Nội về sức khỏe tính dục (Sexuality health), mà ông thành viên của Ban Tổ Chức. Ảnh : Nhân vật cung cấp

RFA : Liệu có phải ở Việt Nam hiện đang có ít nhất hai loại hình tổ chức "xã hội dân sự" mà sự phân biệt dựa trên tính độc lập với chính quyền hay không ?

Trần Tiến Đức : Câu hỏi đề ra rất lý thú, nhưng nếu chúng ta cứ căn cứ vào định nghĩa của xã hội dân sự, thì hiện nay "xã hội dân sự" mà được nhà nước cho phép hoạt động, thì thực ra nó chưa đáp ứng đầy đủ các đặc tính của xã hội dân sự. Có hai đặc tính cơ bản của xã hội dân sự, trước hết nó là hoạt động tình nguyện, và thứ hai là sự độc lập đối với các cơ quan quyền lực nhà nước. Đấy là hai vấn đề rất quan trọng và câu hỏi được nêu về cái gọi là "tổ chức xã hội dân sự" mà được nhà nước công nhận và cho phép hoạt động thì phần lớn không độc lập với quyền lực của nhà nước. Họ hoạt động trong khuôn khổ những tổ chức đã được nhà nước chính thức cho phép hoạt động.

Ở Việt Nam, những tổ chức chính thức này gồm những hội đoàn như là Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, rồi Hội cựu chiến binh, rồi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam v.v. và một tổ chức mà hiện nay đang quy tụ những tổ chức phi chính phủ, nhưng chưa hoàn toàn là xã hội dân sự, là Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Vusta), Liên hiệp hội này được thành lập và được quản lý bởi nhà nước, các cán bộ ở đấy ăn lương từ ngân sách của nhà nước, và họ cũng hưởng những tiêu chuẩn như cán bộ nhà nước ; chẳng hạn, ông Chủ tịch Liên hiệp hội cũng có xe (công) đủ các thứ, rồi hưởng lương bổng v.v. Như vậy, tôi nghĩ rằng chưa thể coi những tổ chức ấy là tổ chức xã hội dân sự. 

Nếu xét về lịch sử tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam, thì trước năm 1945, ngay ở thời còn chính quyền thuộc địa của thực dân Pháp, cũng đã có những tổ chức dân sự đã hoạt động, tôi lấy thí dụ như là Hướng đạo sinh, họ được sự cho phép của chính quyền, nhưng hoàn toàn hoạt động không phụ thuộc vào chính quyền thuộc địa, không phụ thuộc vào chính quyền của Nam triều, tức là triều đình nhà Nguyễn, và họ tự chủ hoàn toàn về mặt tài chính, và họ làm những hoạt động thiện nguyện, trong đó có cả những vận động chính trị. Và còn nhiều tổ chức khác mà tôi còn nhớ, chẳng hạn hồi năm 1935, như thân phụ tôi, Bác sĩ Trần Duy Hưng, lúc đó còn là sinh viên đang học trường Y, đã cùng một nhóm kiến trúc sư và một nhóm các trí thức khác lập ra một hội lấy tên là "Hội ánh sáng", nhằm thiết kế, quy hoạch lại nông thôn Việt Nam, tạo nên những ngôi nhà phù hợp với nông thôn Việt Nam, nhưng sáng sủa hơn, vệ sinh hơn, thì đấy là tổ chức xã hội dân sự, chứ còn gì nữa ? Họ hoàn toàn hoạt động độc lập…

Nhưng sau này, nhất là từ sau năm 1950, khi có ảnh hưởng của tư tưởng Mao Trạch Đông và của các cố vấn Trung Quốc đối với đường lối và tôn chỉ hoạt động của đảng Lao động Việt Nam, thì các tổ chức dân sự dần dần không có chỗ đứng ; và đến năm 1954, sau khi Việt Nam chia cắt ra hai miền thành miền Bắc và miền Nam, thì tổ chức như Hướng đạo sinh không được cho hoạt động ở miền Bắc, vì họ lấy lý do rằng đã có Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam rồi, thì cần gì có Hướng đạo sinh nữa, tôi lấy đó là một ví dụ, còn ở miền Nam Việt Nam, tôi xin nói là vẫn có các tổ chức dân sự hoạt động. Thế nhưng đến năm 1975 và tới năm 1986, thì hầu như không có tổ chức nào hoạt động nữa, ngoài những tổ chức được nhà nước công nhận.

Nhưng sau năm 1986, rất nhiều tổ chức, nhất là những tổ chức về mặt nghiên cứu về những vấn đề xã hội, kinh tế của đất nước được thành lập và sau đó được cho vào trong một "cái rọ" chung, là Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật, cho nên những năm sau đó, đặc biệt sau những năm 1990, có thêm nhiều tổ chức hoạt động mà đúng là tổ chức xã hội dân sự thực sự, và tôi là người đã tham gia vào việc xây dựng những tổ chức cộng đồng đầu tiên của những người sống chung với HIV, những người làm nghề lao động tình dục, những người sử dụng ma túy, những người bị đặt bên lề xã hội… Chúng tôi thấy rằng muốn thắng được HIV, phải dựa vào những người bị ảnh hưởng bởi HIV, và phải cho họ có tiếng nói, để họ có ý kiến về điều trị, tiếp cận thuốc, đó là những vấn đề mà cuối cùng liên quan chính sách phải thay đổi, tôi nghĩ rằng chính những hoạt động xã hội dân sự liên quan HIV đã tạo nên những mầm mống cho các tổ chức xã hội dân sự thực sự và trong một cuộc làm việc với một quan chức trưởng đại diện tổ chức quốc tế PEPFAR, có liên quan lĩnh vực dự án này ở khu vực, khi tôi làm việc cho dự án Policy của USAID, thì không những vấn đề tăng cường tiếp cận với thuốc, tăng cường việc điều trị, mà căn bản nhất là trao quyền lực tạo sức mạnh cho nhóm những người yếu thế, và tôi nghĩ đấy là cách thức mà chúng tôi muốn thúc đẩy nền dân chủ, thúc đẩy xã hội dân sự ở Việt Nam.

xhds3

Một buổi tọa đàm khoa học Vùng biển bãi Tư Chính và luật pháp quốc tế tổ chức năm 2019 với các nhân sĩ, trí thức trong nước. Ảnh : FB Hoàng Ngọc Giao

Tình trạng xã hội dân sự ở Việt Nam thế nào ?

RFA : Tình trạng các tổ chức xã hội dân dự, các tổ chức cộng đồng, các tổ chức cơ sở và nhiều tổ chức cùng vai trò, chức năng nhưng với dạng thức khác, ra sao gần đây và hiện nay theo quan sát của ông ?

Trần Tiến Đức : Những năm gần đây, đặc biệt sau dịch Covid-19, khi các nguồn lực của các tổ chức quốc tế hoạt động trong các lĩnh vực xã hội, trong đó có y tế, giảm sút đi nhiều, cho nên nguồn lực để cho các tổ chức cộng đồng, các tổ chức xã hội dân sự bị thu hẹp rất nhiều… Còn trong những năm về trước, đầu tiên là các tổ chức cộng đồng, sau đó tới những tổ chức làm việc về những vấn đề như vận động chính sách, hoặc phản biện chính sách như Viện Phát triển Xã hội (IDS) của Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A và cố Giáo sư Hoàng Tụy, và một số người nữa, hoạt động rất hiệu quả. Trên cơ sở nghiên cứu, họ chứng minh được những gì trong chính sách cần phải thay đổi, kể cả vấn đề quản lý kinh tế. 

Nhưng sau đó, vì một quan niệm của chính quyền Việt Nam, mà đã được chính thức hóa trong văn kiện của một Đại hội đảng cộng sản Việt Nam, mà lúc đầu có một dự thảo văn kiện theo tôi được biết có nhắc đến từ "xã hội dân sự", nhưng sau đó bị gạch đi, và người ta không còn cho phép dùng từ "xã hội dân sự" nữa, mà chỉ cho phép dùng từ "các tổ chức xã hội", mà các "tổ chức xã hội" thì chưa hoàn toàn là xã hội dân sự, vì theo cách hiểu của dự thảo này, thì các tổ chức đó vẫn phải chịu sự kiểm soát rất chặt chẽ của nhà nước, và chính do đó những tổ chức như IDS, trước những quy định chặt chẽ như vậy, thấy rằng không thể hoạt động được, họ buộc phải tuyên bố tự giải thể. Bởi vì thí dụ… tất cả những phản biện chính sách phải được nhà nước kiểm soát trước, kiểm duyệt trước, rồi mới được đưa lên phản biện, tôi nghĩ đấy không còn là phản biện chính sách nữa, mà chỉ là những ý kiến ủng hộ mà thôi, còn ủng hộ thì đã có rất nhiều ý kiến rồi. 

Trong khi nhà nước phải nghe những ý kiến phản biện có cơ sở khoa học chân chính, trên các cơ quan ngôn luận của nhà nước và đảng cộng sản Việt Nam, người ta coi xã hội dân sự là một công cụ để làm các cuộc chuyển đổi không bạo lực, và như vậy tạo nên "diễn biến hòa bình" và họ nghĩ rằng những cuộc Cách mạng Nhung, hoặc những thay đổi ở Ba Lan, ở Đông Âu, ở Liên Xô trước kia, là bởi vì những hoạt động của xã hội dân sự mà họ nói rằng đã "ăn tiền" của các thế lực thù địch, của các thế lực đế quốc. 

Và gần đây nhất, những người như là ông Hoàng Ngọc Giao, là một nhà phản biện mà Viện nghiên cứu của ông cũng là thành viên trong Liên hiệp hội (Vusta), cũng được hoạt động chính thức, hay như trường hợp với bà Ngụy Thị Khanh, cũng đứng đầu một Trung tâm hoạt động được đăng ký với Vusta, và những ý kiến đó cũng là những ý kiến phản biện, nhưng người ta cho rằng "không phù hợp" với những quy định nào đó, những định hướng chính sách của họ, nên họ thậm chí đầu tiên buộc tội là "trốn thuế", sau đó mới đến buộc tội "lợi dụng quyền tự do dân chủ" để mà "chống lại đất nước", những cái đó làm ảnh hưởng rất nhiều đến sự hình thành và phát triển của xã hội dân sự ở Việt Nam. 

Như vậy, như tôi đã nói, những tổ chức xã hội dân sự, khi vượt ra ngoài những khuôn khổ, những vấn đề mà chính quyền cho phép hoạt động, thí dụ chúng tôi từng hoạt động trong lĩnh vực phòng chống HIV, hay là chống lạm dụng ma túy v.v., hoặc là giúp cho những người lao động tình dục có thể tìm cách sống rất đàng hoàng, mà những cái đó ít nhiều chưa đụng chạm những vấn đề liên quan thể chế, nhưng một khi những phản biện mang tính chất vận động chính sách, liên quan vấn đề thể chế, tôi chưa nói đến chế độ mà chỉ nói đến thể chế thôi, thì người ta thấy rằng đó là chuyện không thể chấp nhận được, chính vì thế mà tôi nói thẳng là người ta không muốn cho những tổ chức xã hội dân sự phát triển. Và trong môi trường, trong điều kiện ấy, các tổ chức xã hội dân sự không thể nào phát triển được và những tổ chức mới rất khó thành lập…

xhds4

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao trong ảnh chụp năm 2018 khi ông nhận quyết định nghỉ hưu tại Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, Khoa Luật. Ảnh : FB Hoàng Ngọc Giao

RFA : Với các tổ chức thuộc lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng, rồi nghiệp đoàn độc lập, thì ông có bình luận gì ?

Trần Tiến Đức : Về tổ chức tôn giáo, tôi nghĩ đây cũng là một dạng khá đặc biệt, nhưng rõ ràng ở các tổ chức tôn giáo vẫn hoạt động khá độc lập ở Việt Nam, nhất là với Thiên Chúa giáo. Phật giáo, thì nhiều tổ chức tôi nghĩ rằng còn bị nhà nước chi phối rất nhiều, tôi không dám nói hoàn toàn là của nhà nước, nhưng mà bị nhà nước chi phối rất nhiều và được nhà nước ủng hộ, cho nên tính độc lập và tính phản biện của họ không cao, tôi xin nói như vậy. Còn phía của bên Thiên Chúa giáo, hay đạo Tin lành, thì tất cả những tôn giáo đó, một mặt họ có cơ cấu truyền thống, thí dụ đặc biệt với Thiên Chúa giáo, họ được đào tạo các thầy dòng, các linh mục hoàn toàn theo thể chế độc lập và họ nhận được sự giúp đỡ của Giáo hội La Mã, nên họ có nhiều điều kiện kinh tế, và họ cũng biết huy động dân, giáo dân rất ủng hộ họ, cho nên việc họ xây dựng những nhà thờ là hoàn toàn do giáo dân. Và tôi biết những ông linh mục gần như sống với dân. Thí dụ tôi đã về Nhà thờ Phát Diệm và gặp các vị linh mục ở đấy và họ cũng thử nghiệm những giống lúa mới và sau đó phổ biến cho người dân, do đó khi họ cần sửa chữa gì với nhà thờ, thì họ đều được người dân ủng hộ. 

Còn có những vị linh mục mà tôi biết rằng họ là Đại biểu Quốc hội, như tôi đã đến một nhà thờ đó ở Hải Hậu, người dân kể rằng mỗi năm, khi các cháu học sinh tốt nghiệp phổ thông, vị linh mục đó đều mời các cháu và gia đình đến nhà thờ dự một bữa cơm và nhà thờ chúc mừng. Sau đó, mỗi lần vị linh mục đó lên Hà Nội họp, đều mời các cháu đến để nghe ngóng về tình hình học tập và cũng cho một chút quả nhỏ, để các cháu hiểu được mối liên hệ giữa Nhà thờ, giữa quê hương với các cháu, và tôi đã nói với một số ông Đại biểu Quốc hội ở các địa phương đi về Hà Nội họp, rằng : "Các ông nên học vị Linh mục đó, vì cái đó mới thấy được rằng các vị thực sự quan tâm đến người dân như thế nào !"

Còn với những nghiệp đoàn độc lập, họ hoạt động độc lập xuất phát từ nhu cầu của những người lao động, những nhu cầu đó thực sự có thật. Người lao động cần được bảo vệ về mọi khía cạnh trước giới chủ như về thu nhập, về lương bổng, về giờ, điều kiện làm việc, đó là những điều rất bức thiết với cuộc sống của họ. Chúng ta đều biết ở rất nhiều doanh nghiệp, xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện nay, công nhân, để đảm bảo thu nhập, họ phải xin trong nháy nháy là "tự nguyện" làm thêm, tức là một ngày thêm bốn tiếng đồng hồ, có khi nhiều hơn thế nữa, cho nên sức lao động của họ bị bóc lột kiệt quệ. Chúng tôi cũng đã làm việc nhiều với những lao động nhập cư đến, chúng tôi thấy rằng họ hoàn toàn không được hưởng quyền lợi nào về mặt bảo hiểm xã hội, về mặt y tế, những chăm sóc y tế, rồi vấn đề con cái trong gửi trẻ thôi, chứ chưa nói là đi học, rồi vấn đề nhà… ở có rất nhiều bức xúc. Cho nên có những tình trạng rất đáng thương, như là có những chị em làm ở các khu công nghiệp, thì ngoài giờ, lại phải ra đi "đứng đường", để mà kiếm thêm. Thực là những cái đó rất đau khổ, mà chúng tôi đã từng làm những nghiên cứu về các vấn đề đó. Thì rõ ràng phải có công đoàn độc lập và tôi đồng ý hoàn toàn rằng lúc đầu những người làm công đoàn độc lập có thể chưa biết nhiều, nhưng họ sẽ học tập và có những người sẽ trở thành những thủ lĩnh công đoàn thực thụ… Và tôi nghĩ rằng những ai đã dấn thân vào những hoạt động cho những người cùng cảnh ngộ với mình, tức là những người công nhân, thì tôi chắc là với sự dấn thân ấy, họ sẽ trưởng thành và họ sẽ có thể đóng góp được nhiều hơn cho những người cùng cảnh ngộ…

RFA :Mặc dù bối cảnh hiện nay có thể có những khó khăn, tạm thời gọi là thăng trầm như một số ý kiến nói, nhìn vào triển vọng tương lai của xã hội dân sự, trong đó có các tổ chức hội, đoàn độc lập, nếu có thể có một khuyến nghị hay thông điệp gì với nhà nước, với chính quyền Việt Nam hiện nay và với cả giới hoạt động xã hội dân sự, cùng những ai quan tâm lĩnh vực này ở Việt Nam, ông sẽ nói gì ?

Trần Tiến Đức : Tôi vẫn muốn khẳng định rằng sự tồn tại của xã hội dân sự là một chỉ dấu của một xã hội văn minh, dân chủ, của một thể chế dân chủ mà tin vào dân, dựa vào dân và thể hiện được ý chí của dân. Và những tổ chức xã hội dân sự nào mà không làm được điều đó, thì sớm muộn cũng sẽ bị đào thải, cho nên đã làm tổ chức xã hội dân sự là phải tâm niệm điều đó. Thứ hai là những người làm xã hội dân sự phải là những người dấn thân. Tôi đã từng nói rằng như các vị lãnh đạo Đảng Cộng sản thời kỳ còn chưa "cướp được chính quyền" thì đúng là những người dấn thân, những người đã dám từ bỏ những con đường rất sán lạn, thí dụ như ông Phạm Văn Đồng, ông Trường Chinh toàn là con nhà quan, học hành đầy đủ, nhưng dám từ bỏ những con đường có thể rải đầy hoa hồng để dấn thân vào con đường chông gai, dám đi tù, nhưng mà vì lý tưởng của họ. Nên tôi nghĩ rằng những người làm xã hội dân sự ngày nay cũng phải thế, cũng phải biết dấn thân, đừng có nghĩ rằng làm xã hội dân sự là có được thu nhập gì hay có được cái gì lớn. 

Còn về vấn đề luật liên quan các hội đoàn và xã hội dân sự, tôi khẳng định rằng cần làm càng sớm càng tốt, vì nó sẽ đảm bảo đem lại lợi ích cho cả hai phía, nhà nước sẽ có cơ sở quản lý trên cơ sở luật pháp hoạt động của các xã hội dân sự, và các tổ chức xã hội dân sự đồng thời sẽ có một khung pháp lý để có thể tự tin để hoạt động, mà làm tròn trách nhiệm của mình đối với người dân ở cộng đồng. 

RFA : Xin trân trọng cảm ơn ông Trần Tiến Đức đã trả lời cuộc phỏng vấn này.

Trên đây là phần đầu cuộc trao đổi của RFA tiếng Việt với ông Trần Tiến Đức nguyên là Vụ trưởng vụ Truyền thông, Ủy ban Dân số & Kế hoạch hóa Gia đình, thuộc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam trước đây, ông là nhà quan sát xã hội dân sự, từng là chuyên gia hoạch định chiến lược, chính sách quốc gia của Việt Nam trong lĩnh vực truyền thông dân số, truyền thông phát triển, cựu Giám đốc dự án Policy do USAID tài trợ chuyên về vận động chính sách và thúc đẩy tiếp cận trên cơ sở quyền và tăng quyền cho người có HIV tại Việt Nam, cựu đại diện của The Futures Việt Nam, thuộc The Futures Group toàn cầu, chuyên về nghiên cứu chiến lược, nghiên cứu chính sách và vận động chính sách, trong đó có tư vấn chiến lược trong lĩnh vực dân số & kế hoạch hóa gia đình, giới, sức khỏe sinh sản v.v. Ông từng là Phó Chủ tịch Hội Kế hoạch hóa Gia đình Việt Nam (1993-1998) và cố vấn của Ủy ban các Vấn đề Xã hội thuộc Quốc hội Việt Nam các khóa trước đây. Ở phần sau của cuộc trao đổi với Đài Á Châu Tự do, ông Trần Tiến Đức đề cập cụ thể vấn đề vì sao cần ban hành luật về hội, về các hội đoàn… tại Việt Nam, mời quý vị đón theo dõi.

Quốc Phương

Nguồn : RFA, 09/05/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Tiến Đức, Quốc Phương
Read 315 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)