Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/11/2020

Tư duy ban phát và xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam

Vũ Giao - Nguyễn Huỳnh

Cần thoát khỏi tư duy về quyền ban phát

Vũ Giao, VNTB, 16/11/2020

Những nhà soạn luật của Việt Nam dường như vẫn chịu định hướng của tư duy về một nhà nước có quyền ban phát…

tuduy01

Tư duy về một nhà nước có quyền ban phát… Ảnh minh họa 

Thứ nhất, cách viết và nội dung của nhiều quy định các luật, dự thảo luật cho thấy việc biên soạn vẫn chưa thoát hẳn được tư duy cũ về một nhà nước ‘đứng trên nhân dân’, "ban phát", "kiểm soát" các quyền cho nhân dân và luôn "sợ hãi", "đề phòng" nhân dân đấu tranh đòi hỏi sự tôn trọng và bảo đảm các quyền và tự do hiến định.

Minh chứng là việc nêu quy định về giới hạn quyền ở một số điều của Hiến pháp giống như một cách ngầm tuyên bố rằng "hãy liệu hồn đấy", cho dù diễn đạt trong quy định này đã cố tỏ ra mềm mại và "dân tuý" kiểu như quy định "cấm lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác", toát lên tính "răn đe" rất rõ.

Có nhiều điều luật "nhắc nhở" người dân là "quyền đi liền với nghĩa vụ với nhà nước", và những quyền của họ có là do Hiến pháp, pháp luật (tức nhà nước) quy định, cho dù nội dung của điều này không thực sự chính xác về mặt thực tế, và có khía cạnh đi ngược lại với nhận thức chung của cộng đồng quốc tế.

Ngoài ra, việc "quyết giữ" các cụm từ "theo pháp luật", "do pháp luật quy định" hoặc "theo quy định của pháp luật" trong nhiều quy định về các quyền quan trọng cũng phản ánh tâm thế "đề phòng" nhân dân, và "dự phòng" khả năng có thể "rộng tay" hành động để kiểm soát, giới hạn các quyền hiến định về sau này.

Sự lạm dụng các quy định mang tính "răn đe" và "phòng ngừa" nhân dân là rất ít có trong chế định về quyền con người, quyền công dân của hiến pháp các quốc gia trên thế giới.

Thứ hai, hiện nay dường như chưa có quy định cụ thể về nghĩa vụ của các cơ quan, công chức, viên chức nhà nước trong việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, quyền công dân ;

Cũng chưa có quy định về sự bình đẳng giữa các quyền hiến định và không hiến định ; Chưa có quy định về hiệu lực áp dụng trực tiếp của các quyền hiến định ; Chưa có quy định về quyền được vận dụng các cơ chế pháp lý để bảo vệ các quyền khi bị vi phạm.

Trong khi đó thì các điều kể trên lại là những quy định đã được ghi nhận trong luật nhân quyền quốc tế và hiến pháp của nhiều quốc gia, nhằm mục đích ngăn ngừa sự bỏ mặc tức vi phạm không hành động, và việc lạm dụng kẽ hở của hiến pháp để vi phạm nhân quyền, cũng như để xác lập cơ sở hiến định cụ thể, rõ ràng cho việc xử lý những hành vi vi phạm các quyền hiến định của các cơ quan, công chức, viên chức nhà nước.

Theo Liên hợp quốc, các công ước quốc tế về nhân quyền xác lập những tiêu chuẩn tối thiểu về quyền con người, mà các quốc gia thành viên cần nội luật hóa, ít nhất là ở mức ngang bằng.

Do đó, việc bảo đảm sự tương thích của hiến pháp với các điều ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã tham gia, là không thể thiếu để chứng minh rằng nhà nước tôn trọng cam kết với cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, quan trọng hơn, việc này tạo thuận lợi cho việc bảo vệ và thực hiện đầy đủ các quyền hiến định trong thực tế, qua đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước, bởi nó hạn chế những tranh cãi, phòng ngừa việc lợi dụng những quy định thiếu cụ thể và tăng khả năng áp dụng trực tiếp các quyền.

Ngoài ra, việc hiến định các quyền con người, quyền công dân theo các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế còn tạo cơ sở để điều chỉnh những lệch lạc trong tư duy và hành động của các cơ quan và viên chức nhà nước với nhân dân, góp phần xây dựng một xã hội thực sự dân chủ, một nhà nước pháp quyền thực sự "của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân" – điều mà rất cần thiết ở Việt Nam hiện nay.

Vũ Giao

Nguồn : VNTB, 16/11/2020

***********************

Cần có mạng lưới các tổ chức xã hội dân sự độc lập đủ mạnh

Nguyễn Huỳnh, VNTB, 16/11/2020

Một mạng lưới các tổ chức xã hội dân sự mạnh, có điều kiện hoạt động thuận lợi, có tính liên kết tốt cũng là một yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ các quyền con người, quyền công dân ở một quốc gia.

xhds1

Ở Việt Nam hiện chưa có bất cứ thiết chế nào thực sự tin cậy và hiệu quả trong việc bảo vệ các quyền con người, quyền công dân.

Nếu không ngại bụ chụp chiếc mũ chính trị về "tự diễn biến – tự chuyển hóa", thì xét các yếu tố về hành lang pháp lý hiện tại một cách khách quan, có thể khẳng định rằng ở Việt Nam hiện chưa có bất cứ thiết chế nào thực sự tin cậy và hiệu quả trong việc bảo vệ các quyền con người, quyền công dân.

Bởi vậy, việc hoàn thiện, thúc đẩy cơ chế này là rất cần thiết. Việc sửa đổi hiến pháp liên quan hầu như đến tất cả các yếu tố nêu trên (trừ việc chấp nhận thẩm quyền tài phán của các cơ chế nhân quyền khu vực và quốc tế). Cụ thể, để hoàn thiện cơ chế bảo vệ nhân quyền, Hiến pháp 2013 cần sửa đổi cần quy định và bảo vệ sự độc lập của hệ thống tư pháp ; thành lập toà án hiến pháp thay cho hội đồng hiến pháp ; đồng thời củng cố, mở rộng các quyền tự do về dân sự, chính trị để tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự.

Những sửa đổi nêu trên là rất cần thiết và quan trọng, bởi lẽ lịch sử nhân loại đã cho thấy rằng, thiếu sót trong việc hiến định các cơ chế bảo vệ quyền trong nhiều trường hợp còn nguy hại hơn nhiều thiếu sót trong việc hiến định nội dung các quyền.

Những thiếu sót trong việc hiến định các cơ chế bảo vệ quyền có thể dẫn tới việc diễn giải tuỳ tiện, bỏ qua hoặc lợi dụng hiến pháp nhằm thực hiện những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng một cách rộng khắp và liên tục, gây ra những tổn thất không thể lường được với người dân, xã hội và với đất nước.

Có thể lấy hai bài học cùng về nước Đức để minh chứng cho điều này.

Trước thế chiến thứ hai, kẽ hở của hiến pháp đã tạo cơ hội cho chính quyền Adolf Hitler ban hành bản "Nghị định cho việc Bảo vệ Nhân dân và Nhà nước" (sau khi dựng lên vụ đốt toà nhà Nghị viện nổi tiếng vào năm 1933). Nghị định cho phép đình chỉ áp dụng bảy mục trong hiến pháp, tất cả đều về các quyền tự do cá nhân, bao gồm tự do biểu đạt, tự do báo chí, tự do hội họp, lập hội, quyền bất khả xâm phạm về thư tín, điện tín, điện thoại, nhà ở và quyền sở hữu tư nhân về tài sản.

Với công cụ pháp lý là bản Nghị định này, lực lượng mật vụ Gestapo đã bắt giữ, tra tấn, giết hại và khủng bố hàng triệu người là các đảng viên cộng sản, lực lượng cánh tả, những người theo quan điểm xã hội, người Do Thái và tất cả những ai không đồng tình với chủ nghĩa phát xít, kể cả những người đang phục vụ trong quân đội và bộ máy nhà nước Đức lúc bấy giờ.

Việc "dọn sạch" nước Đức đã tạo điều kiện cho đảng phát-xít phát động cuộc chiến tranh thế giới thứ hai – thảm hoạ nhân quyền lớn nhất từ trước đến nay của nhân loại.

Đáng tiếc là sau đó, nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Đức đã "quên’ không học một phần bài học cũ. Kẽ hở hiến pháp đã tạo điều kiện cho bộ máy mẫn cán và chuyên nghiệp của cơ quan mật vụ Stasi thiết lập ra một hệ thống theo dõi, giám sát công dân khổng lồ nổi tiếng toàn thế giới, với hàng triệu chỉ điểm viên và một thư khố hồ sơ kéo dài hàng trăm ki-lô-mét. Điều đó cho thấy ở Stasi, người ta không hề đếm xỉa gì đến quyền hiến định về bí mật đời tư, thư tín, điện thoại, gia đình hay nơi ở.

Điều đáng nói là mặc dù đều nổi tiếng về hiệu quả, song cả Gestapo và Stasi đều đã không giúp duy trì, mà ngược lại, là một tác nhân quan trọng dẫn đến sự sụp đổ của hai nhà nước Đức mà chúng là một bộ phận cấu thành.

Như vậy, câu chuyện về các cơ quan mật vụ này đồng thời cho thấy nhiều sự thật : một hiến pháp sơ hở có thể gây hậu quả nguy hại như thế nào với việc bảo vệ nhân quyền ; một chế độ phản nhân quyền sẽ có kết cục bi thảm tất yếu như thế nào, và một cơ chế bảo vệ nhân quyền lỏng lẻo có thể dẫn đến hậu quả như thế nào với sự tồn tại của một nhà nước cũng như sự phát triển của một dân tộc.

Bóng dáng của câu chuyện lịch sử kể trên, dường như cũng đang ít nhiều hiện diện trong hệ thống pháp luật ở Việt Nam.

Nguyễn Huỳnh

Nguồn : VNTB, 16/11/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Vũ Giao , Nguyễn Huỳnh
Read 563 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)