Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/11/2020

RCEP : Cạm bẫy đưa Việt Nam vào tròng lệ thuộc Trung Quốc

Nhiều tác giả

RCEP, Việt Nam cần thận trọng với Trung Quốc

Phạm Chi Lan, Thanh Hà, RFI, 17/11/2020

Thêm một hiệp định tự do mậu dịch cho Việt Nam. Ngày 15/11/2020 Việt Nam đã ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensible Economic Pảtnership–RCEP). Làm thế nào để thỏa thuận này là bàn đạp cho kinh tế phát triển hơn, để thúc đẩy xuất khẩu mà không quá lệ thuộc vào một thị trường lớn là Trung Quốc ? Đó là những thách thức RCEP đặt ra cho phía Việt Nam theo phân tích của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

rcep1

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và bộ trưởng Công thương, Trần Tuấn Anh, trong lễ ký trực tuyến hiệp định RCEP, ngày 15/11/2020. AFP-Nhac Nguyen

Nếu như dịch Covid-19 không đe dọa một phần lớn nhân loại, chắc hẳn lãnh đạo 15 nước tham gia RCEP đã tề tựu về Việt Nam chứng kiến lễ ký kết một hiệp định tự do mậu dịch toàn diện với quy mô lớn hơn cả USMCA bao gồm ba nước Bắc Mỹ (Hoa Kỳ, Canada và Mexico) và hiệp định của Liên Âu cộng lại. Nhưng rốt cuộc sự kiện hằng mong đợi đó, sau tám năm đàm phán, đã chỉ có thể diễn ra qua cầu truyền hình.

RCEP là một sáng kiến được Bắc Kinh đề xuất từ năm 2012 và đã được 10 thành viên Hiệp Hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc, New Zealand hưởng ứng. Hiệp ước liên quan đến 2,2 tỷ dân toàn cầu, gần 1/3 tổng sản lượng của thế giới.

Một trong những mục tiêu của hiệp định là xóa bỏ đến 90% các hàng rào quan thuế giữa 15 nước, liên quan đến 29% tổng trao đổi mậu dịch toàn cầu.

Các bên tham gia đang trông thấy viễn cảnh khu vực xuất khẩu sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ một khi các hàng rào quan thuế gần như không còn nữa. Đây là điểm thu hút các quốc gia lấy xuất khẩu làm chủ đạo, đứng đầu là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và kể cả đối với hầu hết các thành viên ASEAN.

Riêng trong trường hợp Việt Nam, vừa thâm hụt mậu dịch với các đối tác ASEAN và vừa với Trung Quốc thì Hà Nội có thể chờ đợi gì từ Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực ? RFI đặt câu hỏi với kinh tế gia Phạm Chi Lan từ Hà Nội, nguyên phó chủ tịch, tổng thư ký Phòng Thương Mmại và Công nghiệp Việt Nam.

Phạm Chi Lan : Lợi ích chính đối với Việt Nam là thị trường Trung Quốc, chứ còn với những nước khác Việt Nam đã có sẵn với họ những hiệp định mậu dịch, như với Nhật Bản hay Hàn Quốc... Thậm chí, quy mô của những hiệp định đó còn lớn hơn nhiều so với RCEP. Riêng với nội bộ ASEAN thì các hàng rào quan thuế đã được xóa bỏ. Cái chính ở đây là đối với Trung Quốc : Việt Nam muốn tăng cường xuất khẩu và cải thiện cách thức quan hệ với Trung Quốc về đầu tư, về nhập khẩu… theo hướng cho phép Việt Nam tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị. Tới nay Việt Nam chỉ tham gia ở mức rất thấp, chỉ làm gia công thôi. Đó là kỳ vọng của Việt Nam ở hiệp định này. Có đạt được mục tiêu đó hay không thì tôi cũng còn ngần ngại, chưa biết thực sự phía Trung Quốc và Việt Nam làm thế nào để đạt được kỳ vọng đó.

RFI : Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Việt Nam từ nhiều năm qua và theo thống kê của Tổng Cục Hài Quan Việt Nam trong hai năm 2018 và 2019 tổng trao đổi mậu dịch hai chiều vượt ngưỡng 100 tỷ đô la. Nhưng Việt Nam bị thâm hụt so với Trung Quốc. Có nghĩa là nhập nhiều hàng của Trung Quốc hơn là khả năng xuất khẩu sang thị trường rộng lớn này vây thi hiệp định RCEP có giúp thu hẹp được khoảng cách bất lợi cho các nhà sản xuất Việt Nam hay không ? 

Phạm Chi Lan : Xuất khẩu sang Trung Quốc : Việt Nam đã cố gắng xuất khẩu nhiều và bây giờ chủ yếu trông chờ vào sự tăng trưởng của xuất khẩu nông sản. Trong lĩnh vực này lâu nay Việt Nam thường bị những vấn đề do phía Trung Quốc tạo ra. Đó là những hàng rào cả về thủ tục lẫn cung cách buôn bán không sòng phẳng của các thương gia Trung Quốc. Điều này gây khó khăn cho nông dân Việt Nam. Bây giờ Việt Nam kỳ vọng với RCEP làm ăn sẽ dễ hơn và đi theo con đường chính ngạch hơn. Mặt khác, hiệp định cũng có thể giúp cho doanh nghiệp Việt Nam hiểu là tham gia RCEP thì cũng phải cố gắng tận dụng để củng cố và xây dựng cách làm ăn mới với Trung Quốc cho đàng hoàng hơn, tránh gây thua thiệt cho nông dân Việt Nam, cho doanh nghiệp Việt Nam. Phía Việt Nam cũng phải tự mình thay đổi cung cách làm ăn.

RFI : Cụ thể hơn thì "thay đổi cung cách làm ăn đó" gồm những gì ?

Phạm Chi Lan : Nâng cấp hàng hóa, tổ chức tốt hơn, đáp ứng yêu cầu kể cả việc truy xét nguồn gốc sản phẩm, chú trọng vào chuẩn mực vệ sinh an toàn thực phẩm… Có như vậy Việt Nam mới chinh phục được các thị trường rộng lớn hơn để nếu như phía Trung Quốc có vấn đề gì thì còn có những đối tác thương mại khác mua hàng của Việt Nam. Trong trường hợp phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc cho đầu ra của một số nông sản Việt Nam, ngay cả khi có hiệp định mới, đây cũng là một rủi ro đối với Việt Nam. Tôi cho rằng ưu tiên vẫn phải là nâng cấp hàng hóa của mình và cố gắng đáp ứng yêu cầu mới tại các thị trường của các nước khác hơn là trông đợi ở RCEP để xuất khẩu sang Trung Quốc và lại vẫn buôn bán, vẫn lệ thuộc vào các thương lái Trung Quốc. Số này họ vào tận Việt Nam dụ dỗ các nhà sản xuất Việt Nam, họ mua hàng cho được một vài bận rồi họ bỏ. Nông dân Việt Nam lại kêu gọi nhau giải cứu. Đừng vì RCEP mà lại quay lại cách làm ăn như cũ.

RFI : Thực ra Việt Nam đã tham gia khá nhiều hiệp định tự do mậu dịch mà gần đây nhất là EVFTA với Liên Hiệp Châu Âu, hay Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương với một chục quốc gia trong vùng. Vậy đấy có là những ngõ thoát tránh để quá phụ thuộc vào một thị trường là Trung Quốc hay không ?

Phạm Chi Lan : RCEP không quá khó như các hiệp định tự do mậu dịch khác, chẳng hạn như với Liên Âu hay CPTPP nhưng Việt Nam vẫn phải cố gắng để vươn lên, phải cải thiện về mặt cơ bản để tận dụng cơ hội ở thị trường Liên Âu hay của các nước thành viên trong hiệp định tự do xuyên Thái Bình Dương hơn là ham thị trường dễ tính là Trung Quốc qua RCEP. Lâu nay Việt Nam xuất siêu nhưng lại luôn bị nhập siêu so với Trung Quốc. Điều đó rất bất lợi cho kinh tế Việt Nam vì như vậy các doanh nghiệp Việt Nam không vươn lên được. Thí dụ như Việt Nam chỉ làm gia công (dệt may, da giầy) cho Trung Quốc mà không tham gia được chuỗi cung ứng ở cấp cao hơn, không sản xuất được những sản phẩm trung gian do Việt Nam ỉ lại nhập khẩu từ Trung Quốc quá nhiều và quá dễ. Chính sách của Việt Nam cũng không khuyến khích doanh nghiệp phát triển và không tạo động lực phát triển cho ngành công nghiệp Việt Nam. Đấy là cái bất lợi lớn nhất. Nhập khẩu quá nhiều từ Trung Quốc kềm hãm kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp. Tôi cho rằng đó là mặt tệ nhất trong quan hệ kinh tế Việt Nam-Trung Quốc từ lâu nay.

Đành rằng RCEP là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới đồng thời như chính tên gọi của nó, đây là một Hiệp định Đối tác Toàn diện không chỉ liên quan đến các luồng trao đổi mậu dịch mà còn bao gồm cả các dịch vụ từ ngân hàng tới viễn thông hay chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Vào lúc Hoa Kỳ đánh động công luận thế giới về việc Trung Quốc đánh cắp công nghệ, đe dọa an ninh quốc gia của nhiều nước trên toàn cầu, đó cũng là những vấn đề mà tất cả các thành viên tham gia RCEP, trong đó có Việt Nam, cần quan tâm. 

Thanh Hà thực hiện

Nguồn : RFI, 17/11/2020

*********************

Người dân Việt sẽ tha hồ xài đồ Trung Quốc giá rẻ

Võ Hàn Lam, VNTB, 17/11/2020

Hàng hóa Trung Quốc xuất sang Việt Nam sẽ được ưu đãi thuế.

rcep2

Hàng Trung Quốc giá rẻ tự do tuồn vào Việt Nam.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (tiếng Anh : Regional Comprehensive Economic Partnership, viết tắt RCEP), vừa được ký kết và có thể đi vào hiệu lực sau đó 18 tháng.

Người dân Việt Nam nghèo khó sẽ hưởng lợi trước tiên từ RCEP. Chuyện hưởng lợi này đến từ việc khi thị trường nội địa Việt Nam phải mở theo RCEP, thì các hàng hoá có cơ cấu sản phẩm tương tự sẽ tràn vào Việt Nam. Lúc ấy đương nhiên là hàng Việt phải cạnh tranh trực diện với các mặt hàng nhập khẩu từ RCEP, đặc biệt từ Trung Quốc.

Trung Quốc được xem là một trong những thách thức lớn từ các nước tham gia RCEP. Với lợi thế hàng hoá phong phú, giá rẻ, nền kinh tế tỷ dân này được đánh giá có thể gây ra những tổn thương đến sinh kế của người dân tại các nước khác. Đây được xem là một nguyên nhân chính khiến Ấn Độ, tháng 11 năm ngoái, quyết định rút khỏi RCEP.

Mức độ phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc của Việt Nam được xác nhận là đầu bảng ở Asean. Với nguồn Trung Quốc, RCEP càng không mang lại thêm lợi thế nào cho hàng Trung Quốc ở Việt Nam từ góc độ quy tắc xuất xứ so với hiệp định giữa ASEAN và Trung Quốc (ACFTA) đang có.

Dĩ nhiên ở đây còn là bài toán khó khi ngoài chuyện xuất xứ, còn có nguy cơ gia tăng nhập khẩu, do tăng mua nguyên phụ liệu từ Trung Quốc để sản xuất hàng xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan trong RCEP. Điều này đang cảnh báo sẽ dẫn tới tình trạng gây ‘ngập lụt’ thị trường nội địa Việt Nam hàng hóa toàn là "Made in China".

Những điều đáng lo ngại còn là "bẫy" trung chuyển hàng hóa từ thị trường này sang thị trường khác, mà điều này thì Trung Quốc vốn là bậc thầy khi sử dụng cửa ngõ Việt Nam lâu nay để đưa hàng sang Mỹ.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) từng có báo cáo khẳng định về việc nhiều nghiên cứu đã cảnh báo các rủi ro cho các ngành sản xuất xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là ngành gỗ với một số bằng chứng về gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa từ Trung Quốc được xuất khẩu vào thị trường Mỹ qua con đường khác, nhằm né thuế đặc biệt là đối với các sản phẩm gỗ dán (HS 4412).

"Nếu như xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ chỉ là 53 triệu USD năm 2010 thì đến năm 2017, con số này lên tới 387 triệu USD, năm 2018 đạt 632 triệu USD, và đến hết 7 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ đã đạt 368 triệu USD", Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thông tin.

Cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định : Hiện trạng tăng xuất khẩu ồ ạt, đặc biệt là mặt hàng gỗ dán dẫn đến những quan ngại Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để chống lẩn tránh thuế đối với các sản phẩm gỗ dán của Việt Nam. Đồng thời, phát sinh nguy cơ Trung Quốc "mượn" nguồn gốc xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ.

Mới đây, ông Nguyễn Tiến Lộc, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, thời gian qua, lợi dụng ưu đãi thuế quan của Việt Nam được hưởng đối với các nước ký kết hiệp định, có hiện tượng lợi dụng xuất xứ Việt Nam để được hưởng ưu đãi đối với các hàng hóa xuất khẩu.

Theo ông Lộc, với việc chính thức áp đặt bổ sung các mức thuế, bao gồm các sắc thuế : Thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp xuất khẩu của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nhiều mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ khi căng thẳng thương mại Mỹ – Trung xảy ra, mức thuế bổ sung đánh vào hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc từ 7,5 – 285% tùy theo mặt hàng, dẫn đến sự chênh lệch về thuế giữa hàng hóa từ Việt Nam và hàng hóa từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.

Để trốn tránh hàng rào thuế quan và hàng rào kỹ thuật nêu trên, thời gian qua, xuất hiện hiện tượng hàng Trung Quốc "đội lốt" Việt Nam để tìm đường xuất khẩu sang Mỹ. Đáng chú ý, trong số các ngành hàng của Trung Quốc bị áp đặt bổ sung thuế có nhiều ngành hàng thuộc nhóm ngành hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có kim ngạch tăng đột biến như đồ điện tử, hàng may mặc, da giày, xe đạp, đồ gỗ nội thất, mặt hàng sắt thép, tấm pin năng lượng mặt trời.

"Tính trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn ngành hải quan đã thực hiện kiểm tra, điều tra xác minh 76 vụ việc, phát hiện 24 vụ việc vi phạm về xuất xứ hàng xuất khẩu ; phối hợp với Bộ Công an điều tra 1 vụ việc có dấu hiệu làm giả giấy chứng nhận xuất xứ.

Trên cơ sở đó, ngành Hải quan đã tịch thu 3.590 xe đạp nguyên chiếc, hơn 4.000 bộ linh kiện xe đạp và hơn 12.000 bộ linh phụ kiện lắp ráp tủ bếp là tang vật vi phạm. Số tiền thu qua xử phạt hơn 33 tỷ đồng, bao gồm số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm ; xử phạt vi phạm hành chính và trị giá tang vật vi phạm bị tịch thu", đại diện Cục Kiểm tra sau thông quan thông tin.

Tuy nhiên tình hình ‘tịch thu – phạt vạ’ này khả năng sẽ sớm kết thúc khi RCEP hiệu lực thi hành tại Việt Nam.

Võ Hàn Lam

Nguồn : VNTB, 17/11/2020

************************

RCEP : Khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới ra đời

Vũ Ngọc Yên, 16/11/2020

Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 tại Hà Nội, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership, viết tắt RCEP) có quy mô lớn nhất thế giới đã được ký kết giữa 10 quốc gia thành viên Hiệp hội ASEAN (Brunei, Myanmar, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) và 5 đối tác (Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand).

rcep3

Nguồn : VnExpress

Mục tiêu của RCEP là hài hòa mạng lưới các Hiệp định thương mại tự do (FTA) "ASEAN+1" hiện có thành một hiệp định thống nhất, tạo ra một bộ quy tắc thương mại thống nhất và duy nhất cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. RCEP cũng bao gồm các điều khoản quản lý đối với nhiều vấn đề thương mại của thế kỷ XXI, bao gồm dịch vụ, đầu tư, thương mại điện tử, viễn thông và sở hữu trí tuệ.

Khi được thực thi, RCEP sẽ tạo nên một thị trường lớn với 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP xấp xỉ 26.200 tỷ USD, chiếm khoảng 30% Tổng sản lượng kinh tế (GDP) toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới, vượt xa các khối thương mại khu vực khác như Liên minh Châu Âu (EU), Hiệp định thương mại Mỹ – Mexico – Canada (USMCA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. RCEP sẽ tạo cơ hội cho việc phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực. Theo ước tính, tăng trưởng GDP của 15 nước thành viên RCEP sẽ đạt 137 tỷ USD.

Với việc ký kết RCEP, thương mại giữa các quốc gia thành viên sẽ được thúc đẩy nhờ hàng rào thuế quan được hạ thấp, các quy định và thủ tục hải quan được quy chuẩn hóa, và cánh cửa thị trường được mở rộng hơn giữa các nước hiện chưa có Hiệp định thương mại tự do (iFTA) với nhau.

Chuyên gia Jeffrey Wilson của Học viện chính trị chiến lược Úc ASPI cho rằng "RCEP sẽ vẽ lại bản đổ chiến lược kinh tế của vùng Ấn Độ –Thái Bình Dương.Thoả ước thương mại tự do có ý nghĩa rất quan trọng.Thỏa ước sẽ đẩy mạnh những nỗ lực phục hồi kinh tế sau Đại dịch".

Tiến trình hình thành RCEP 

Buổi thảo luận đầu tiên diễn ra tại hội nghị cấp cao ASEAN 2011 tại Indonesia, tiến trình đàm phán RCEP chính thức bắt đầu tại hội nghị cấp cao ASEAN 2012 tại Campuchia. RCEP được khởi xướng, như một sáng kiến của ASEAN nhằm thúc đẩy thương mại giữa các nước trong khối và 6 đối tác thương mại lớn Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, New Zealand và Hàn Quốc.

16 nước xúc tiến đàm phán RCEP vào năm 2013, trong khi một thỏa thuận thương mại lớn khác là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đang được đàm phán. Do Trung Quốc tham gia RCEP và Mỹ đang dẫn đầu TPP – thỏa thuận khi đó được kỳ vọng sẽ trở thành FTA lớn nhất thế giới – đã có nhiều ý kiến cho rằng RCEP dưới sự tham gia của Trung Quốc sẽ là một cách để Bắc Kinh đối trọng với ảnh hưởng gia tăng của Washington trong khu vực.

Trải qua 8 năm đàm phán, 30 vòng thương thảo, 18 Hội nghị cấp bộ trưởng và 6 lần trì hoãn hạn ký kết kể từ cuộc đàm phán đầu tiên. Cuối cùng đến năm 2020, 15 quốc gia tham gia RCEP đã thống nhất kết thúc đàm phán trên văn bản cho tất cả 20 chương của hiệp định và các vấn đề tiếp cận thị trường.

Năm 2019,New Delhi tham gia đàm phán RCEP từ đầu, nhưng 2019 đã rút lui khỏi thỏa thuận, vì lo ngại không bảo vệ được các nhà sản xuất trong nước. Theo tin từ Bloomberg, Ngoại trưởng Ấn Jaishankar đã phát biểu trong một cuộc thảo luận ở Singapore là Ấn Độ vẫn còn nghi ngờ về sự tiếp cận thị trường "không bình đẳng" ở Trung Quốc và "các chính sách bảo hộ mậu dịch" gây mất cân đối thương mại lớn giữa hai nước.

Trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2019, Ấn Độ có thâm hụt thương mại 53,6 tỷ USD với Trung Quốc. Sự thận trọng của Ấn Độ chính là một trong những rào cản chính đối với tiến trình đàm phán RCEP trong thời gian qua.

Một số thành viên RCEP, trong đó có Nhật Bản, xem sự tham gia của Ấn Độ vào thỏa thuận có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên phương diện kinh tế cũng vai trò của nước này như một đối trọng với Trung Quốc, điều này dễ hiểu bởi Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ ba Châu Á và là một thị trường tiêu dùng lớn.

Công ty tư vấn The Economist Intelligence Unit (EIU) cho rằng "Không có Ấn Độ, RCEP giảm tầm quan trọng, nhưng con đường tiến tới thực thi thỏa thuận này trở nên êm ái hơn".

Hiệp định RCEP đã được ký chính thức vào ngày 15/11/2020, có hiệu lực vào năm 2021 hoặc tháng 1/2022 .

RCEP - Một sự thất bại cho Mỹ 

Vừa bước vào Toà Bạch Ốc vào đầu năm 2017, Tổng thống Donald Trump đã vội tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định TPP vì cho rằng đây là một thỏa thuận tồi cho Mỹ. Các nước còn lại trong thỏa thuận tiếp tục đàm phán, đi đến ký kết một Hiệp định mới vào cuối tháng 10/2018. Thỏa thuận này đã được đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với 11 nước (Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, Peru, New Zealand, Singapore và Việt Nam). Đến nay chỉ có bẩy nước phê chuẩn.

CPTPP có 480 triệu dân và chiếm khoảng 13% GDP toàn cầu.

Trong bốn năm cầm quyền, Trump đã áp thuế quan lên nhiều mặt hàng từ các đối tác thương mại của Mỹ mà ông cho là có hành vi thương mại bất bình đẳng. Đặc biệt, cuộc chiến thương mại khởi động chống Trung Quốc đã kéo dài hơn 1 năm rưỡi, gây sụt giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trong lãnh vực đối tác quân sự, Mỹ nâng cao vị thế của "Bộ tứ kim cương" gồm Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Australia và lôi kéo thêm một số quốc gia khác tham gia, trong đó có Hàn Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, vì chính sách của Mỹ nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc hơn là đem lại lợi ích cho các nước "Kim Cương+" nên không mấy thu hút được sự tham gia của các quốc gia này.

Về kinh tế, các doanh nghiệp tư nhân Mỹ đã đầu tư 384 tỷ USD vào các nước ASEAN. Năm 2019, kim ngạch thương mại 2 chiều đạt hơn 354 tỷ USD. Mỹ là nước từng khởi xướng Hiệp định Tự do Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn được coi là hiệp định tự do thương mại lớn nhất thế giới trước RCEP, nhưng sau đó Trump đã đơn phương rút khỏi hiệp định .Điều này khiến Mỹ không có mặt trong cả hai hiệp định tự do thương mại bao phủ khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Các quốc gia thành viên RCEP vẫn còn quan ngại 

Việc ký kết Hiệp định RCEP không mang ý nghĩa là mọi vấn đề giữa các đối tác thương mại đã được dẹp bỏ hay nhiều quốc gia thành viên bớt lo ngại về mức độ gia tăng sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Nhật bản đang cân nhắc chuyển đổi chuỗi cung ứng ở Trung Quốc. Cuộc xung đột giữa Úc và Trung Quốc vẫn căng thẳng vì Trung Quốc giới hạn hàng nhập khẩu từ Úc.

Sự hợp nhất ký kết RCEP chỉ là sự biểu dương thái độ không ủng hộ đường lối chủ trương tách rời (Decoupling) kinh tế và công nghệ ra khỏi Trung Quốc do Donald Trump quảng bá.

Hơn nữa, cuộc thương chiến Mỹ-Trung đã đặt các nước ASEAN vào một hoàn cảnh mới. và là động lực thúc đẩy thành lập RCEP. Hiệp định RCEP được xem là một nỗ lực của các nước chống lại chính sách bảo hộ thương mại của Trump.

Nhật Bản, Hàn Quốc đã tham gia nhiều Hội nghị ASEAN+ đã ủng hộ RCEP với các động cơ khác nhau. Hàn Quốc và đặc biệt là Nhật Bản đều muốn chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á với hơn 650 triệu dân, lớn gấp rưỡi Liên minh kinh tế Âu Châu (EU), tương đương Châu Mỹ Latinh và gấp 3 lần thị trường Mỹ.

Với việc hoàn tất RCEP và việc thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại các quốc gia đã phê chuẩn, Châu Á hiện có thể khai thác hai FTA lớn để thúc đẩy hội nhập sâu rộng trong khu vực.

Thành công cho Trung Quốc ?

Trung Quốc muốn dùng RCEP để ngăn chặn sự kiềm chế của Mỹ. Đối với Trung Quốc, đây là cơ hội để họ tạo thêm khả năng phá vỡ vòng kiềm tỏa của Mỹ ở Châu Á – Thái Bình Dương và tiếp tục thực hiện Chiến lược "Vành đai-Con đường".

Tại hội nghị lần thứ 19 giữa các Bộ trưởng kinh tế ASEAN và Trung Quốc, hai bên đã thống nhất một số nội dung chính. Thứ nhất, Trung Quốc hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN từ năm 2009, đạt tổng giá trị giao dịch lên tới 507,9 tỷ USD vào năm 2019 (theo số liệu thống kê từ phía ASEAN) và chiếm 18% tổng giao dịch thương mại của ASEAN. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc vào khối ASEAN đạt khoảng 10,2 tỷ USD vào năm 2019, chiếm 6,6% tổng giá trị FDI của ASEAN.

Hai là, hai bên ghi nhận rằng năm 2020 là năm đặt dấu mốc quan trọng trong quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và ASEAN, do đây là thời điểm kỷ niệm tròn 10 năm thiết lập quan hệ toàn diện về kinh tế giữa ASEAN và Trung Quốc.

Bắc Kinh đã khen ngợi cộng sản Việt Nam đã chu toàn trách nhiệm trong việc hoàn tất RCEP, đồng thời Trung Quốc kỳ vọng RCEP sẽ mang lại lợi ích chiến lược dài hạn và củng cố quan hệ với các nước láng giềng.

Ý nghĩa RCEP đối với Việt Nam

Với Việt Nam, sau khi thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và ký kết Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh Châu Âu (EVFTA) vào tháng 6/2019, việc kết thúc đàm phán RCEP sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.

RCEP được ký kết và có hiệu lực sẽ giúp mở cửa để nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm tổ chức thương mại thế giới (WTO) và Hội nhập, thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng RCEP được ký kết và đi vào thực thi, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tiếp cận thị trường tiêu thụ lớn, có quy mô GDP gấp đôi hiệp định CPTPP, mà còn tiếp cận được nguồn nguyên liệu, phục vụ chuỗi sản xuất các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu hiện nay.

Thay lời kết

Trong khi Mỹ ngày càng mất ảnh hưởng trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, thì Trung Quốc thông qua Hiệp định thương mại tự do mới lại tiếp tục gia tăng sức mạnh.

Qua cuộc bầu cử Tổng thống ngày 3/11/2020, Nước Mỹ sẽ có chính quyền mới dưới sự lãnh đạo của Tân Tổng thống thắng cử Joe Biden. Tổng thống Biden đã công bố chủ trương một chiến lược cập nhật, cứng rắn hơn chính sách xoay trục hay tái cân bằng thời Tổng thống Obama.Chíến lược kiềm chế Trung Quốc sẽ thực hiện qua hai phương cách : Hợp tác với Liên Hiệp Châu Âu trong lãnh vực thương mại và kinh tế ; Liên minh với các đối tác Châu Á trong lãnh vực quân sự.

Thế giới đang chờ đợi phản ứng của Mỹ trước việc ra đời Hiệp định RCEP dưới sự dẫn dắt của Trung Quốc. Liệu Tổng thống Biden có quyết định đưa Mỹ gia nhập Hiệp định CPTPP hay đề xuất một liên minh kinh tế mới thay thế ? 

Vũ Ngọc Yên

Nguồn : VNTB, 16/11/2020

***********************

Trung Quốc hả hê với RCEP

Diễm My, VNTB, 16/11/2020

Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực – RCEP của 15 quốc gia vùng Đông Nam Á Thái Bình Dương gồm cả Trung Quốc cho thấy rằng ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực đang tăng lên.

rcep4

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh hân hoan trưng bày văn bản tham gia RCEP ký ngày 15/11/2020 trong cuộc họp báo trực tuyến

Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực – (RCEP)

Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực – (RCEP) Regional Comprehensive Economic Partnership – được xem là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới cho đến nay. Hiệp định này gồm có 10 quốc gia Đông nam Á và các quốc gia Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật và Trung Quốc.

GDP của toàn bộ khối này chiếm là hơn 26 nghìn tỷ đô la, chiếm gần 30% GDP toàn thế giới, và bao phủ 1/3 dân số thế giới, nơi được xem là các nền kinh tế lớn nhất và sôi nổi nhất trong khu vực.

Mục đích của hiệp định này là để thúc đẩy thương mại và tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế toàn cầu.

RCEP được thiết kế để giảm chi phí và thời gian cho các công ty và thương nhân bằng cách cho phép họ xuất khẩu hàng hóa của họ sang bất kỳ quốc gia ký kết nào mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt đối với từng quốc gia. Thỏa thuận dự kiến có hiệu lực vào năm 2021.

Có đánh giá cho rằng mức độ bao phủ của các dịch vụ là chắp vá và hầu như không liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Ví dụ, Nhật Bản sẽ duy trì thuế nhập khẩu cao đối với một số sản phẩm nông nghiệp "nhạy cảm về chính trị" đã được cắt giảm theo TPP như gạo, lúa mì, thịt bò và thịt lợn, sữa và đường.

Trong khi đó ông Lương Hoàng Thái, Trưởng phòng Chính sách Thương mại Đa biên tại Bộ Công Thương Việt Nam cho biết RCEP "sẽ giúp giảm hoặc loại bỏ thuế quan đối với các sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp và đặt ra các quy tắc truyền dữ liệu".

Hiệp định này được xem là tương tự như hiệp định TPP mà chính quyền Trump đã rút khỏi ngay sau khi Tổng thống Trump nhậm chức khiến Nhật, Singapore và Việt Nam thất vọng. Tuy nhiên, RCEP không có một điều khoản nào đề cập đến các cam kết về lao động cũng như môi trường và quy tắc cho các doanh nghiệp nhà nước.

Báo The Economist cho rằng với việc ký kết hiệp định này đánh dấu một thắng lợi cho Trung Quốc và đã bỏ Mỹ cũng như Ấn Độ lại phía sau. Trong khi Hoa Kỳ rút lui khỏi RCEP vì cho rằng đây là một thỏa thuận lỗi thời không như TPP, và với Ấn Độ lo ngại sẽ làm tổn hại đến các ngành công nghiệp và nhà sản xuất trong nước.

Trung Quốc hả hê

Liu Zongyi, một học giả người Trung Quốc viết trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo, tỏ vẻ hả hê rằng Ấn Độ đã bỏ lỡ "cơ hội cuối cùng để hội nhập vào quá trình toàn cầu hóa". Với sự vắng mặt của Hoa Kỳ trong hiệp định này, câu nói trên có lẽ cũng có thể ám chỉ cho cả siêu cường số một trên thế giới.

Báo EU Today cho rằng "Nhờ ông Donald Trump, Hoa Kỳ hiện bị loại khỏi cả RCEP và TPP, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương do Obama dẫn đầu, khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới bị loại khỏi hai nhóm thương mại trải dài khắp khu vực phát triển nhanh nhất trên trái đất.

Khi tham gia hiệp định thương mại đa phương đầu tiên này, Trung Quốc có thể thể hiện việc họ cam kết tự do hóa thương mại vào thời điểm Mỹ dường như tương đối xa rời khu vực và vẫn đang theo đuổi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Lý Khắc Cường, thủ tướng Trung Quốc, vui mừng gọi RCEP là "một chiến thắng của chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do", à "tia sáng và niềm hy vọng".

Trong khi xuất khẩu sang EU đang giảm và thì trong 6 tháng đầu năm nay ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.

Tờ Asian Times nhận định RCEP sẽ được Trung Quốc tận dụng như một tín hiệu cho Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden về việc Bắc Kinh đã mở rộng chương trình thương mại tự do đa phương của họ ra sao dưới thời chính quyền Donald Trump khi ông Trump theo chủ nghĩa đơn phương và hướng nội hơn.

RCEP sẽ được coi là minh chứng cho cách tiếp cận chậm chạp đối với các cuộc đàm phán từ thương mại đến Biển Đông. Nhưng về lâu dài, một số thành viên của tổ chức này cũng lo lắng về việc Trung Quốc sẽ có thể thống trị Châu Á về kinh tế, chính trị và quân sự.

Vì lý do đó, nhiều người ở ASEAN sẽ hy vọng rằng dưới thời Joe Biden, Hoa kỳ sẽ tái tham gia mạnh mẽ hơn với khu vực.

Diễm My

Nguồn : VNTB, 16/11/2020

*************************

15 nước ký Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) do Trung Quốc hậu thuẫn

RFA, 15/11/2020

Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) do Trung Quốc hậu thuẫn với sự tham gia của 15 quốc gia khu vực Châu Á Thái Bình Dương vừa được ký kết nhân Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 tại Hà Nội hôm 15/11.

rcep5

15 quốc gia khu vực Châu Á Thái Bình Dương vừa được ký kết nhân Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 tại Hà Nội hôm 15/11.

Đây là hiệp định tự do thương mại lớn nhất thế giới được Trung Quốc hậu thuẫn nhưng lại không có sự tham gia của Hoa Kỳ.

Các nước tham gia hiệp định bao gồm 10 quốc gia thuộc ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, Úc và New Zealand. GDP của toàn bộ 15 nước là hơn 26 nghìn tỷ đô la, chiếm gần 30% GDP toàn thế giới, và bao phủ 1/3 dân số thế giới.

Phát biểu tại Thượng định lần thứ 4 RCEP, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nói rằng : "Việc hoàn tất đàm phán RCEP, hiệp định tự do thương mại lớn nhất thế giới, sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ về vai trò đi đầu của ASEAN trong việc ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, giúp tạo nên một cấu trúc thương mại mới trong khu vực".

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu tại lễ ký RCEP rằng : "Đây là một chiến thắng của chủ nghĩa đa phương và tự do thương mại".

Theo Bộ Công thương Việt Nam, các điều khoản giảm và bỏ thuế trong hiệp định mới sẽ giúp các công ty của các nước ASEAN thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là vào các đối tác thương mại chính.

RCEP được 10 nước ASEAN và 6 đối tác của khối đề xuất và được bắt đầu đàm phán từ năm 2012 tại Thượng đỉnh ASEAN ở Phnom Penh, Campuchia. Trong số 6 quốc gia đối tác có Ấn Độ. Tuy nhiên tại lần đàm phán vào tháng 11/2019 ở Thái Lan, Ấn Độ đã quyết định rút khỏi hiệp định vì một số vấn đề không thể giải quyết, đặc biệt là đối với thuế cho hàng nông nghiệp.

VIETNAM-ASEAN-DIPLOMACY

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) vỗ tay khi Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Zhong Shan cầm bản thỏa thuận trong lễ ký RCEP tại Thượng đỉnh ASEAN ở Hà Nội hôm 15/11/2020 - AFP

Hoa Kỳ nước từng khởi xướng Hiệp định Tự do Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn được coi là hiệp định tự do thương mại lớn nhất thế giới trước RCEP, nhưng đã rút khỏi hiệp định này dưới thời của Tổng thống Donald Trump. Điều này khiến Hoa Kỳ không có mặt trong cả hai hiệp định tự do thương mại bao phủ khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Reuters trích lời Iris Pang, Kinh tế gia trưởng của ING nhận định, RCEP có thể giúp Bắc Kinh bỏ sự lệ thuộc vào các thị trường nước ngoài và công nghệ, một sự thay đổi đang gia tăng bởi một rạn nứt sâu hơn với Washington.

Nguồn : RFA, 15/11/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Chi Lan, Thanh Hà, Võ Hàn Lam, Vũ Ngọc Yên, Diễm My, RFA tiếng Việt
Read 580 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)