Dù cũng đọc được lõm bõm một hai ngoại ngữ, tôi rất ít khi rớ tới một tờ báo hay một cuốn sách viết bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp. Lý do, chả phải là vì tôi có máu bài ngoại hoặc dị ứng với văn hoá thực dân (hay đế quốc) gì ráo trọi mà chỉ tôi chỉ thạo tiếng mẹ đẻ thôi nên rất ngại "đụng" đến tiếng nước ngoài.
Những người cầm bút của nước Việt tuy viết dở hơi nhiều nhưng viết hay cũng đâu có ít. Đọc họ sướng muốn chết, và đọc mệt luôn cũng chưa hết chữ nên bận tâm làm chi đến những tác giả ở tận đâu đâu.
Cả ngày hôm nay tôi xem say mê bút ký Đồng Bằng của nhà văn Nguyên Ngọc. Ông viết như nói vậy đó : lưu loát, tươi cười, bình dị nhưng thâm trầm và lôi cuốn. Thản hoặc, cũng có đôi đoạn hơi cường điệu (hay nói nguyên văn theo cách dùng từ của chính ông là "gồng lên") nhưng rất ít. Tôi xin phép sẽ đề cập đến sau, khi có dịp.
Riêng hôm nay, xin mời mọi người xem chơi đôi ba đoạn ngắn, Nguyên Ngọc viết về chuyến đi của ông đến miền đất cực Nam của quê hương (Cà Mau) nơi mà T.B.T Lê Duẩn đã từng nương náu.
Khi ghe cặp bờ, tác giả cùng bạn đồng hành được ông Hai Phốc – Chủ Tịch Xã – đón tiếp vô cùng nồng nhiệt. Hai người, nhân dịp này, cũng tìm biết thêm được không ít chuyện thú vị về cuộc khởi nghĩa ở Hòn Khoai (Rạch Gốc) hồi năm 1940 :
"Sau thất bại Nam Kỳ Khởi nghĩa, mấy chục ngư dân Rạch Gốc – Cà Mau đều phải đi tù Côn Đảo, về sau Hai Phốc kể với tôi, mấy chục người ấy đã có ai biết chút chữ nghĩa gì đâu, ở tù Côn Đảo họ chỉ làm một nhiệm vụ : mỗi khi ông Lê Duẩn, ông Tôn Đức Thắng và các ông đầu lĩnh cộng sản bị mang ra đánh thì các ông xông ra chịu đòn thay. Có người bỏ mạng ở Côn Đảo, như cha anh Hai Phốc, còn sống trở về đâu không được mươi người, nay chỉ còn mỗi ông Hắc Hổ".
Thất bại là mẹ thành công nên sau nhiều lần "khởi nghĩa" bất thành – chung cuộc – cách mạng cũng đã "giải phóng" được cả hai miền Nam/Bắc, thống nhất giang sơn. Sau đó, bác Lê say sưa với chiến thắng nên không có dịp trở lại chốn xưa để thăm lại các ngư dân đã nuôi dưỡng (và bảo vệ) mình nhờ vào "vô số kênh rạch chi chít và bí hiểm" ở Cà Mau.
Bác Tôn, xem ra, nhàn nhã hơn thấy rõ :
"Ngoài việc dự các nghi lễ long trọng bắt buộc phải có mặt cụ, cụ không làm việc gì khác ngoài một việc cụ thích thú hơn cả là sửa xe đạp. Làm phó chủ tịch nước, ông thợ máy ngày trước buồn tay buồn chân. Hết xe đạp hỏng cho cụ chữa, anh em bộ đội bảo vệ và nhân viên phục vụ phải lấy xe của người nhà mang vào cho cụ kẻo ngồi không cụ buồn. Thương cụ quá, đôi khi họ còn làm cho xe trục trặc đi để dắt đến nhờ cụ sửa giùm" (1).
Tuy rất rảnh "nhưng ông thợ máy ngày trước" chỉ tìm vui trong việc sửa xe (đạp) để giết thời giờ, từ năm này sang năm khác, chứ cũng chưa lần nào ghé qua Rạch Gốc để thăm hỏi những kẻ đã chịu đòn thay cho mình ngoài ở Côn Đảo – năm nào.
Bác Bằng cũng xử xự y như thế :
"Khi Nguyễn Lương Bằng vượt ngục Sơn La ông được một thanh niên người Thái trắng dẫn đường. Đưa ông đi khỏi địa phận Sơn La xong, trở về nhà anh bị Pháp bắt đem chặt đầu.
Tôi đã tới bản Giảng, cách nhà tù Sơn La vài cây số, vào mùa thu năm 1965, để thăm gia đình anh thanh niên nọ. Trong ngôi nhà sàn xiêu vẹo chỉ còn lại bà mẹ anh, một bà lão lẩm cẩm, điếc lác, hỏi năm câu mới trả lời được một, câu trả lời lại chẳng ăn nhập gì với câu hỏi.
Bác Cả Hà Đông của tôi chưa một lần trở lại bản Giảng để thăm hỏi bà lão tội nghiệp. Rõ ràng, ông là, hoặc đã trở thành, người không có ân nghĩa (2).
Đ… mẹ nhân tình đã biết rồi ! Lạt như nước ốc bạc như vôi.
Ấy thế nhưng nói cho nó hết lẽ thì Bác Tôn và bác Bằng vẫn còn chút (nhất điểm) lương tâm. Cả hai chỉ bạc thôi chứ không đến nỗi ác. Bác Hồ thì khác. Bạc bẽo, độc ác, gian trá, thâm hiểm… và không hề từ bất cứ một thủ đoạn đê tiện hay bất nhân nào.
Mụ địa chủ Cát-hanh Long cùng hai đứa con và mấy tên lâu la đã :
- Giết chết 14 nông dân. Tra tấn đánh đập hằng chục nông dân, nay còn tàn tật.
- Làm chết 32 gia đình gồm có 200 người
- Năm 1944, chúng đưa 37 gia đình về đồn điền phá rừng khai ruộng cho chúng. Chúng bắt làm nhiều và cho ăn đói. Ít tháng sau, vì cực khổ quá, 32 gia đình đã chết hết, không còn một người.
Trong cuộc phát động quần chúng, đồng bào địa phương đã đưa đủ chứng cớ rõ ràng ra tố cáo. Mẹ con Cát-hanh Long không thể chối cãi, đã thú nhận thật cả những tội ác hại nước hại dân. Thật là : Viết không hết tội, dù chẻ hết tre rừng, Rửa không sạch ác, dù tát cạn nước bể !
C.B (21/7/1953)
C.B là một trong những bút danh của Hồ Chí Minh. Còn Cát Hanh Long là ai ?
Theo Wikipedia : "Nguyễn Thị Năm (1906 – 9/7/1953, quê ở Làng Bưởi, ngoại thành Hà Nội), là một địa chủ có công đóng góp tài sản cho Việt Minh trong kháng chiến chống Pháp. Trong cuộc Cải cách ruộng đất, bà bị nông dân địa phương đấu tố là địa chủ gian ác và bị xử bắn. Bà nguyên là Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tỉnh Thái Nguyên. Bà còn được gọi là Cát Hanh Long vì đây là tên một hiệu buôn do bà làm chủ ở Hải Phòng".
Người trong cuộc cho biết thêm chi tiết :
"Khi du kích đến đưa bà ta đi, bà ta đã cảm thấy có gì nên cứ lạy van ‘các anh làm gì thì bảo em trước để em còn tụng kinh’. Du kích quát : ‘Đưa đi chỗ giam khác thôi, im !’. Bà ta vừa quay người thì mấy loạt tiểu liên nổ ngay sát lưng. Mình được đội phân công ra Chùa Hang mua áo quan, chỉ thị chỉ mua áo tồi nhất…
Mua áo quan được thì không cho bà ta vào lọt. Du kích mấy người bèn đặt bà ta nằm trên miệng cỗ áo rồi nhảy lên vừa giẫm vừa hô : ‘Chết còn ngoan cố này, ngoan cố nổi với các ông nông dân không này ?". Nghe xương kêu răng rắc mà tớ không dám chạy, sợ bị quy là thương địa chủ. Cuối cùng bà ta cũng vào lọt, nằm vẹo vọ như con rối gẫy vậy" (3).
So với bản Giảng (Sơn La) hay Rạch Gốc (Cà Mau) thì Đồng Tâm (Hà Nội) chả là cái đinh gì sất cả. Bản thân ông Nguyễn Đình Kình cũng thế, cũng chả có thành tích gì đáng kể, chưa giúp được một đồng chí lãnh đạo nào vượt ngục, cũng chả chịu đòn thay cho bất cứ ai.
Đã thế, về đường lối chính sách thì Nguyễn Đình Kình lại rất mù mờ. Năm mươi tám tuổi đảng mà chủ trương xuyên suốt (đất đai thuộc quyền quản lý của nhà nước) ông vẫn không thông. Do đó, thay vì bị khai trừ, ông bị khử trừ luôn không phải là chuyện lạ.
Tôi chỉ lạ ở cái thái độ phẫn uất của nhà văn Nguyên Ngọc, khi nghe ông gào thét : "Vụ án Đồng Tâm là một tội ác trời không dung đất không tha".
Chứ chả lẽ cái chết thảm thiết của bà Cát Hanh Long và của hàng bao nhiêu triệu lương dân khác nữa (ở khắp ba miền đất nước, từ hơn nửa thế kỷ nay) thì đất/trời có thể dung tha được hay sao ?
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 12/11/2020 (tuongnangtien's blog)
(1) Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày, Văn Nghệ, Westminster, CA : 1997
(2) Vũ Thư Hiên, s.đ.d., tr. 314
(3) Trần Đĩnh, Đèn Cù, Westminster, CA : Người Việt, 2014