Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/11/2020

Anh Quốc điều tàu sân bay đến vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương

Mai Vân

Anh Quốc có kế hoạch điều tàu sân bay đến vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương

Vào thượng tuần tháng 10, lần đầu tiên nhóm tác chiến tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth đã tập hợp lại và bắt đầu hoạt động tại vùng Biển Bắc (hay Bắc Hải - North Sea). Trong thông cáo ngày 05/10/2020, Hải quân Hoàng gia Anh khẳng định đây là nhóm tác chiến Châu Âu lớn nhất và hùng mạnh nhất từ gần 20 năm nay. Điều đáng chú ý là, theo các nguồn tin báo chí, Anh Quốc đã có kế hoạch điều hàng không mẫu hạm Queen Elizabeth đến vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương năm 2021.

anhquoc1

Tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth đi ngang qua bờ biển Maroc khi đến vùng lãnh thổ Gibraltar của Anh ngày 09/02/2018.  AP - Marcos Moreno/ Ảnh minh họa

Kế hoạch triển khai hoạt động của Hải quân Hoàng gia Anh tại vùng Ấn Độ Thái Bình Dương cụ thể ra sao, liệu có suôn sẻ như mong đợi của Luân Đôn hay không ? Đây là một số câu hỏi đã được chuyên gia Ian Storey thuộc Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ISEAS tại Singapore phần nào giải đáp trong một bài phân tích đăng trên chuyên san Nhật Bản The Diplomat ngày 07/11/2020.

Hạm đội Anh tại Ấn Độ-Thái Bình Dương sẽ rất hùng hậu

Đối với Ian Storey, kế hoạch mà Bộ Quốc phòng Anh Quốc vạch ra mang rất nhiều cao vọng, vì đội tàu mà Hải quân Hoàng gia Anh dự định triển khai có quy mô lớn nhất trong một thế hệ gần đây.

Nhóm tác chiến tàu sân bay của Hải quân Anh sẽ do chiến hạm lớn nhất trong lịch sử Hoàng gia Anh dẫn đầu : Hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth trị giá 3,9 tỷ đô la, 65.000 tấn, mang theo một phi đội máy bay chiến đấu F-35B của Không quân Hoàng gia cũng như một phi đội F-35B của Thủy quân lục chiến Mỹ. Chiếc tàu sẽ được từ 9 đến 10 chiến hạm khác tháp tùng, bao gồm tàu khu trục, tàu hộ tống, tàu tiếp liệu và tàu ngầm, có thể bao gồm cả chiến hạm của một đồng minh NATO.

Hạm đội Anh sẽ ghé Đông Nam Á, và gần như chắc chắn sẽ ghé căn cứ hải quân Changi ở Singapore. Đội tàu cũng có thể tham gia vào các hoạt động hải quân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập khối Hiệp ước Phòng thủ Ngũ cường (Five Powers Defence Arrangements FPDA), một liên minh quân sự bao gồm Vương Quốc Anh, Singapore, Malaysia, Úc và New Zealand.

Có khả năng tập trận với Mỹ, Nhật hay Úc trên Biển Đông

Nhóm tàu sẽ đi qua Biển Đông - có thể tham gia các cuộc tập trận kết hợp với chiến hạm Mỹ, Nhật Bản và Úc – điều chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc giận dữ.

Sau đó, nhóm tàu Anh Quốc có thể đi ngược lên Nhật Bản, ghé thăm một số cảng trên đường đi. Sau chiến dịch dự trù kéo dài từ 5 đến 6 tháng, đội tàu sẽ quay trở lại Vương quốc Anh.

Theo Ian Storey, hoạt động của chiếc Queen Elizabeth, cũng như của chiếc tàu sân bay thứ hai cùng lớp HMS Prince of Wales (dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2023) sẽ được theo dõi sát trong bối cảnh giới lãnh đạo Hải quân Anh từng cho biết là họ muốn thấy tàu sân bay Anh hoạt động phần lớn thời gian ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Nhân một cuộc hội thảo trực tuyến do Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc tế (IISS) tổ chức vào tháng 7 vừa qua, phó đô đốc Jerry Kyd, tư lệnh hạm đội của Hải quân Anh, đã lưu ý rằng, trong khi khu vực Châu Âu-Đại Tây Dương vẫn là trọng tâm chiến lược của Anh, đặc biệt là trước mối đe dọa từ một nước Nga đang vươn lên trở lại, Hải quân Anh đang "quay trở lại" vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương và tham vọng (của Anh) là kiên quyết hiện diện thường xuyên trong vùng, "có thể với một nhóm tác chiến tàu sân bay, nhưng cũng có thể không".

Nhận xét của phó đô đốc Kyd nhất quán với chính sách của Anh. Sau khi quyết định rời Liên Hiệp Châu Âu vào năm 2016, đảng Bảo Thủ cầm quyền đã thúc đẩy tầm nhìn về một "Nước Anh Toàn Cầu", trong đó có chủ trương duy trì một sự hiện diện quân sự lớn hơn ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Chiến hạm Anh đã từng tuần tra tại vùng biển Hoàng Sa

Từ năm 2018 đến năm 2020, Hải quân Anh đã cử 5 tàu chiến đến Châu Á. Tất cả các chiến hạm này đều đã đi qua Biển Đông, và thậm chí có chiếc HMS Albion, đã thực hiện một chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải (FONOP) theo kiểu Hoa Kỳ tại vùng quần đảo Hoàng Sa vào tháng 8 năm 2018.

Anh Quốc tin rằng tự do hàng hải là một trong những trụ cột của trật tự quốc tế dựa trên luật pháp và cam kết duy trì quyền này. Vào tháng 9 vừa qua, cùng với Pháp và Đức, nước Anh đã gởi công hàm đến Liên Hiệp Quốc tán thành phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye năm 2016, bác bỏ tuyên bố chủ quyền Đường 9 Đoạn của Trung Quốc vì không phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS.

Theo Hải quân Anh, sự hiện diện bền bỉ của họ ở Châu Á sẽ giúp bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.

Vấn đề được tác giả bài phân tích trên tờ The Diplomat nêu bật là sự hiện diện bền bỉ đó mang nội dung chính xác là gì và có thể đạt được như thế nào.

Hiện diện "bền bỉ - persistent" thay vì "thường trực - permanent"

Theo Ian Storey, ý định chiến lược của Luân Đôn đối với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương sẽ được hiểu rõ hơn nhiều khi Anh Quốc công bố bản Đánh giá tổng hợp về Chính sách đối ngoại, quốc phòng và an ninh vào cuối năm nay. Tuy nhiên, căn cứ vào những thông tin đã có được, người ta vẫn có thể suy đoán ra một số nét chính.

Từ "bền bỉ" – nguyên văn tiếng Anh là "persistent" - đã được dùng một cách có chủ ý, mang nghĩa là trong một khoảng thời gian dài, nhưng không nhất thiết là thường trực (tiếng Anh gọi là "permanent").

Ý tưởng triển khai thường trực một tàu sân bay Anh tới khu vực là không thực tế. Vào một số thời điểm, chiếc Queen Elizabeth sẽ phải được đại tu và để cho chiếc Prince of Wales một mình hoạt động. Và do tính chất quan trọng của vùng Châu Âu-Đại Tây Dương chiếc tàu sân bay này sẽ phải đặt căn cứ tại Vương Quốc Anh. Tương tự như vậy, khi chiếc Prince of Wales phải được đại tu, thì Queen Elizabeth phải túc trực tại Anh Quốc.

Hơn nữa, chi phí liên quan đến việc triển khai hơn một phần ba số tàu của Hải quân Anh thường trực ở nước ngoài là rất cao, đặc biệt vào thời điểm Vương Quốc Anh đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong 300 năm do đại dịch và những bất ổn kinh tế của Brexit vào cuối năm nay, nhất là nếu Anh và EU không ký kết được một thỏa thuận thương mại.

Dư luận Anh cũng sẽ phản đối ý kiến này. Các căn cứ hải quân sử dụng hàng nghìn người, và trong thời điểm thất nghiệp gia tăng ở Anh, mọi người sẽ đặt câu hỏi tại sao thuế của họ lại được chi để thuê lao động nước ngoài hơn là người Anh.

Không loại trừ việc một chiến hạm Anh hiện diện lâu dài

Khái niệm "bền bỉ" cho thấy Hải quân Anh dự kiến cho một tàu sân bay triển khai qua vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương mỗi năm một lần hoặc thực tế hơn là hai năm một lần.

Tuy nhiên, có khả năng là một khu trục hạm hoặc hộ tống hạm Anh Quốc có thể được triển khai tới Châu Á trên cơ sở lâu dài hơn.

Mô hình này đã được hải quân Anh sử dụng ở Bahrain, vùng Trung Đông, nơi chiếc HMS Montrose đặt căn cứ trong thời hạn ba năm.

Mai Vân

Nguồn : RFI, 13/11/2020

**********************

Ấn Độ - ASEAN mở rộng hợp tác, chú trọng vào tự do hàng hải trên Biển Đông

Anh Vũ, RFI, 13/11/2020

Theo trang tin The Economic Times của Ấn Độ, hôm qua, 12/11/2020, trong hội nghị cấp cao, các lãnh đạo ASEAN và Ấn Độ đã thảo luận các vấn đề về Biển Đông và cùng khẳng định sự cần thiết phải bảo đảm quyền tự do lưu thông hàng hải, giữa lúc Bắc Kinh luôn có những thái độ và hành vi gây hấn trên tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới này.

anhquoc2

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Hà Nội, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 12/11/2020.  Reuters - Kham

Trang tin này cho hay, các cuộc thảo luận tại hội nghị cấp cao lần thứ 17 ASEAN - Ấn Độ, diễn ra trực tuyến, tập trung vào các vấn đề của khu vực và quốc tế mà các bên đang quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông, chống khủng bố, hợp tác kinh tế. 

Phát biểu tại hội nghị, thủ tướng Narendra Modi ủng hộ lập trường của ASEAN về Biển Đông và tầm quan trọng của ASEAN trong chính sách hướng đông của Ấn Độ trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Lãnh đạo Ấn Độ tuyên bố thúc đẩy các sáng kiến hợp tác, kết nối về kinh tế, xã hội, kỹ thuật số, tài chính và hàng hải luôn là ưu tiên tuyệt đối của New Delhi và trong những năm qua, Ấn Độ và ASEAN đã xích lại gần nhau trong nhiều lĩnh vực.

Thủ tướng Modi bày tỏ là Ấn Độ sẵn sàng cùng các nước ASEAN hợp tác, phấn đấu vì khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không. 

Ấn Độ khẳng định ủng hộ lập trường của ASEAN về Biển Đông, nhất là các nguyên tắc không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp, không quân sự hóa, tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). 

Theo trang tin VnEconomy, về Biển Đông, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam phù hợp với lập trường nguyên tắc của ASEAN được khẳng định tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 lần này, nhằm xây dựng Biển Đông thành vùng biển của hòa bình, ổn định và hợp tác.

Anh Vũ

Nguồn : RFI, 13/11/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mai Vân
Read 608 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)