Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/11/2020

Thành phố Hồ Chí Minh có ‘thoát ly’ sự lãnh đạo của Đảng ?

Võ Hàn Lam

Chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh có ‘thoát ly’ sự lãnh đạo của Đảng ?

Chính quyền đô thị" có đồng nghĩa với "chính quyền địa phương", và dẫn tới nguy cơ của "loạn 12 sứ quân" ?

dothi1

Đã có luật ?

Chính quyền địa phương là thuật ngữ thường được sử dụng với ý nghĩa để chỉ các hoạt động quản lý mang tính chất chung trên một địa bàn, hoặc một phạm vi lãnh thổ mang tính địa phương.

Chính quyền đô thị được xem là một dạng tổ chức của nhà nước ở địa phương, và là bộ phận cấu thành của hệ thống nhà nước nói chung để quản lý và chăm lo các công việc chung của quốc gia. Thậm chí cũng có quan niệm cho rằng, chính quyền đô thị là người địa phương tự lo công việc của mình, công việc của địa phương trả về cho địa phương quản lý, các hoạt động của địa phương để tự địa phương lo liệu…

Tại khoản 2 Điều 111 Hiến pháp năm 2013 quy định : "Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do luật định".

Cụ thể hóa nội dung này, khoản 3 Điều 4 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã quy định : "Chính quyền địa phương ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phường, thị trấn".

Như vậy có thể suy ra là "chính quyền đô thị" cũng là "chính quyền địa phương", còn có ‘loạn’ hay không thì thuộc về khả năng quản trị quốc gia.

Quan điểm từ quan chức đứng đầu lãnh đạo của Thành phố Hồ Chí Minh

Trình bày ở nghị trường Quốc hội, ông Nguyễn Thiện Nhân – ủy viên Bộ Chính trị được phân công theo dõi, chỉ đạo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh – cho rằng do đặc điểm Thành phố Hồ Chí Minh chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước nhưng dân số chiếm 9% và kinh tế chiếm 22% nên áp lực quản lý rất lớn về mặt công việc. Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 5 quận có dân số từ 500.000 – 800.000 dân nên số đầu việc phát sinh hằng ngày đến cấp này rất lớn.

Về cường độ kinh tế, theo ông Nhân, hiện trên 1km2 Thành phố Hồ Chí Minh tạo ra khoảng 40 lần giá trị kinh tế bình quân cả nước. Với mật độ dân số lớn, các vấn đề phát sinh lớn đòi hỏi phải xử lý nhanh, giải quyết kịp thời. Việc chậm trễ của chính quyền các cấp sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế, gây thiệt hại cho người dân và kinh tế.

"Khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị sẽ giúp chính quyền các cấp quyết định nhanh hơn, đặc biệt là nêu cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu chính quyền các quận, phường. Và nếu cá nhân đó không đáp ứng, việc thay thế người mới do UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định sẽ nhanh hơn" – ông Nhân nói.

Phân tích để làm rõ vì sao thành phố không cần làm thí điểm, ông Nhân cho rằng Hiến pháp và luật hiện nay đã cho phép. Thành phố cũng đã thí điểm trước đây và kết quả không phát sinh vấn đề lớn. Mặt khác, về băn khoăn bỏ Hội đồng nhân dân quận, phường có bảo đảm quyền giám sát, dân chủ của người dân, theo ông Nhân, so với 10 năm trước, hiện nay ngoài cơ chế Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội giám sát, Thành phố có thêm 4 cơ chế mới để tăng quyền giám sát.

Trước hết là cơ chế giám sát của cơ quan Đảng với chính quyền các cấp. Thành ủy Thành phố cũng có quy định 1374 yêu cầu cấp ủy chính quyền các cấp phải lắng nghe phản ánh người dân trên báo chí, tiếp xúc cử tri, khiếu nại tố cáo. Qua 33 tháng thực hiện, các cơ quan đã tiếp nhận gần 8.000 ý kiến người dân, xử lý kịp thời 96%. Bình quân mỗi tháng 239 ý kiến, qua đó xử lý trung bình mỗi tháng 10 đảng viên và 11 cán bộ, công chức vi phạm do dân phát hiện.

Thành phố cũng đã thực hiện đề án đô thị thông minh ; qua các kênh điện thoại, email…, người dân có thể báo tin cho chính quyền các cấp xử lý các vấn đề hằng ngày. Các quận huyện tiếp thu mỗi tháng hàng ngàn tin báo.

Ngoài ra, hằng năm thường vụ Thành ủy cũng rà soát và đồng bộ hóa nhiệm vụ giám sát, thanh tra và kiểm tra của 4 cơ quan gồm Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, thanh tra của chính quyền và kiểm tra của Đảng. Thông qua việc đồng bộ hóa này làm cho việc tiếp thu ý kiến người dân được chặt chẽ.

"Dù Quốc hội có cho phép thực hiện chính quyền đô thị không có thí điểm, nhưng trách nhiệm của Thành phố sau 3 năm vẫn sơ kết, sau 5 năm tổng kết để nếu có nội dung chưa phù hợp thì kiến nghị Quốc hội sửa đổi" – ông Nhân nói với tâm thế cầu thị trên cơ sở biện chứng khoa học.

Cách nhìn cấp tiến về yêu cầu lãnh đạo toàn diện của Đảng ?

Ghi nhận ý kiến từ một số nhà chuyên môn về quản trị đô thị, thì vấn đề không chỉ nằm trong nhánh hành chính, mà còn nằm ở hệ thống chính trị.

Bộ máy hành chính Việt Nam được xây dựng đan xen với hệ thống chính trị ; cho phép một cán bộ/công chức có thể nhiều vai : lúc giám sát nghị viện/nghị trường, lúc là lãnh đạo cấp ủy ra chủ trương, lúc lại trực tiếp giải quyết công việc, đôi khi dẫn đến tình trạng chồng chéo trách nhiệm, hoặc xung đột lợi ích và giảm tính phê phán khách quan.

Đặc biệt, khi nhiều cấp Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực, nhưng nghị quyết còn yếu khả năng thực thi, chưa đảm bảo toàn diện chức năng giám sát.

Như vậy, xây dựng chính quyền đô thị tự chủ/ tự quản (thuật ngữ : Autonomus status) với bản chất trao quyền cho "thị dân", là mục tiêu hướng tới và cần hiện thực hóa bằng các bước đi cụ thể, có tính đến điều kiện ở Việt Nam.

Để có được sự đồng bộ, tương thích chung với thế giới, ở đây cần mạnh dạn để cho nhân dân quyền trực tiếp chọn lựa người đứng đầu qua hình thức tranh cử. Đồng thời, nâng cao vị thế Hội đồng nhân dân để trở thành đối trọng bằng các quyền giám sát và năng lực giám sát.

Việc bầu cử trực tiếp phổ thông đầu phiếu là mô hình đáng tham khảo và sử dụng trong điều kiện dân trí đã nâng cao. Đã trao quyền thì phải trao thực quyền.

Việc tổ chức Hội đồng nhân dân chỉ có ý nghĩa khi có ngân sách riêng và chính sách riêng gắn với các sắc thuế riêng và loại phí riêng. Các vị trí phải độc lập, hành pháp thì không làm giám sát và ngược lại. Điều này cũng trùng với yêu cầu các vị trí dân bầu phải làm chuyên trách cao hơn.

Tất nhiên vấn đề ở trên liên quan đến cải cách về hệ thống chính trị – trong đó cần phải giải quyết được mối lo cố hữu lâu nay là liệu như thế có phải là ‘thoát ly’ sự quản lý chung của Đảng Cộng sản hay không ?

Võ Hàn Lam

Nguồn : VNTB, 13/11/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Võ Hàn Lam
Read 559 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)