Báo chí Nga nói gì về bầu cử Hoa Kỳ
Nguyễn Hùng, VOA, 14/11/2020
Cho tới nay Nga coi như bầu cử Hoa Kỳ chưa kết thúc và chưa chúc mừng bất cứ ai cho dù đó là người được dự đoán sẽ thắng hay người tự nhận thắng.
Các ứng cử viên Tổng thống và phó Tổng thống Hoa Kỳ.
Dù sao Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng có quan hệ không đến mức tệ với đương kim Tổng thống Donald Trump, người từng nói ông tin lãnh đạo Nga hơn cả cơ quan tình báo CIA của Hoa Kỳ.
Với Tổng thống đắc cử Joe Biden, nhiều khả năng Hoa Kỳ sẽ cứng rắn hơn với Nga sau ngày 20/1 khi ông Biden dọn vào Tòa Bạch Ốc nếu không có những điều bất trắc xảy ra.
Hiện kênh truyền hình bằng tiếng Anh Russia Today, tức Nước Nga Ngày nay, tràn đầy hả hê với bầu cử ở Hoa Kỳ mà họ dùng từ "hỗn loạn" để mô tả. Kênh này đưa ra một thông điệp trên Twitter của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bờ Biển Ngà hồi đầu năm nay để cho thấy sự trớ trêu của những gì đang diễn ra tại chính Washington.
Thông điệp được trích dẫn nguyên văn : "Hoa Kỳ kêu gọi các nhà lãnh đạo Bờ Biển Ngà bày tỏ cam kết với tiến trình dân chủ và thượng tôn pháp luật.
"Chúng tôi thúc giục tất cả các đảng, các nhóm và các cá nhân cùng tham gia đối thoại toàn diện để tìm các giải pháp hòa bình cho những bất đồng của họ và hàn gắn chia rẽ quốc gia".
Russia Today làm nổi bật các đoạn "tiến trình dân chủ và thượng tôn pháp luật" cũng như "tìm giải pháp hòa bình cho các bất đồng của họ" và "hàn gắn chia rẽ quốc gia".
‘Hỗn loạn’
Kênh truyền hình quốc tế của Nga còn dẫn bình luận từ Hoàn Cầu Thời Báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc nói về bầu cử Hoa Kỳ : "Tranh chấp, hỗn loạn và bác bỏ kết quả bầu cử ngỡ là chỉ xảy ra ở các nước đang phát triển… Mọi thứ nay đã đổi khác – tất cả những thứ này xảy ra ở Hoa Kỳ, vốn không còn đồng nghĩa với một xã hội ổn định, lịch lãm và đồng thuận".
Tương tự như Nga, Trung Quốc nói họ còn chờ kết quả bầu cử Hoa Kỳ ngay cả sau khi các hãng truyền thông loan tin ông Biden thắng cử dựa vào các dữ liệu từ các bang [vừa sau khi bắt đầu viết bài này thì có tin Trung Quốc chính thức chúc mừng ông Biden ngày 13 tháng 11].
Russia Today dẫn nhiều tít báo của các trang ủng hộ ông Trump như Breibart trong một phóng sự và nói truyền thông chính thống sợ các trang này vì họ nói thật. Những người được Russia Today phỏng vấn cũng có vẻ ủng hộ những ý kiến cho rằng Đảng Cộng hòa đang hành động đúng khi ủng hộ ông Trump trong các vụ kiện liên quan tới kết quả bầu cử.
Trong khi đó trang mạng của Russia Today hôm 12/11 có bài với tựa ‘Nga đánh giá thấp Joe Biden, chưa liên hệ với nhóm của ông [Biden] & vẫn thất vọng về ‘hành vi xấu’ của Nhà Trắng hồi năm 2016 – Thứ trưởng Ngoại giao [Nga]’.
"Hành vi xấu" được nhắc tới là chuyện Tổng thống Barack Obama, với sự hỗ trợ của người phó Joe Biden, ra lệnh trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga bị nghi làm gián điệp khỏi Hoa Kỳ ngay trước khi ông Obama chuyển giao quyền lực cho ông Donald Trump. Lệnh của ông Obama được đưa ra sau khi các cơ quan tình báo Hoa Kỳ cho rằng Điện Kremlin đã cho phép quân đội Nga thâm nhập vào hệ thống máy tính của các cơ quan trong Đảng Dân chủ ở Hoa Kỳ.
Các tin tặc này được cho là đã đánh cắp những điện thư có lợi cho chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump. Ông Trump luôn nói ông hoài nghi chuyện gián điệp Nga có liên quan.
Trang mạng của Russia Today cũngdành cho Hoa Kỳ riêng một mục. Mục nàycó bài cười nhạo Twitter vì dán nhãn cảnh báo thông tin không chuẩn xác lên nhiều thông điệp của Tổng thống Trump.
Đổ dầu vào lửa
Cả kênh truyền hình lẫn trang mạng Russia Today cònphản đối YouTube vì dán nhãn "phản cảm" và "không phù hợp" lên phóng sự của họ về các nhóm cực đoan tại Hoa Kỳ.
Phóng sự về các nhóm biểu tình vũ trang chuẩn bị cho "nội chiến lần hai" ở Hoa Kỳ của Russia Today cho tới hôm 12/11 đã được gần 70.000 lượt xem và gần 1.600 bình luận. Khi truy cập từ Anh, tôi nhận được cảnh báo : "Nội dung này được cộng đồng YouTube xác định là không phù hợp hay phản cảm với một số khán giả". Người dùng sẽ phải nhấn vào dòng in hoa "TÔI HIỂU VÀ MUỐN ĐI TIẾP" để xem. Phim có nhiều cảnh bạo lực, máu me và những thanh niên sở hữu hàng chục khẩu súng nói về một "cuộc cách mạng" sắp nổ ra ở Hoa Kỳ.
Một điều không khó nhận ra là Nga, và cả Trung Quốc, đang cười thầm trong bụng vì nền dân chủ giàu nhất thế giới đang gặp nhiều vấn đề. Các kênh như Russia Today và Hoàn Cầu Thời Báo chỉ chờ những dịp như thế này để tiếp thêm dầu vào lửa.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 14/11/2020
*********************
Làm sao tránh gian lận bầu cử ?
Ngô Nhân Dụng, VOA, 12/11/2020
"Ở nước ông có gian lận bầu cử bao giờ không ?" Ông Tập Cận Bình trả lời ngay : "Không bao giờ có chuyện nhơ bẩn đó !" Ông Nguyễn Phú Trọng gật gù đồng ý.
"Làm cách nào các ông đã ngăn chặn được gian lận bầu cử ?" "Rất dễ !" "Bằng cách nào ?" Tập Cận Bình để cho Nguyễn Phú Trọng góp ý kiến : "Đảng cử dân bầu !"
Phiếu bầu sớm.
Ở nước Mỹ, ông Neal Kelley, người phụ trách Ủy ban Ghi danh Cử tri của Quận Cam, California trong 17 năm qua, thú nhận rằng không thể nào bảo đảm 100% không có gian lận bầu cử. Nhưng ông vẫn xác định, "Tôi không nghĩ có người gian lận khi bỏ phiếu tức là tất cả hệ thống bầu cử hỏng hết". Ông so sánh : "Có bao nhiêu người gian lận trong hệ thống ngân hàng, nhưng không có nghĩa là cả hệ thống ngân hàng hư hỏng hết !"
Vậy người ta gian lận bầu cử như thế nào ? Trong cuộc phỏng vấn của báo Register vào tháng Chín năm nay, ông Kelley đưa ra nhiều thí dụ. Ở California ai cũng nhận được lá phiếu để bầu bằng thư, hàng tháng trước ngày bỏ phiếu. Ủy ban kiểm phiếu coi lại tên và chữ ký trên những bao thư này, ghi nhận người nào đã bầu rồi mà không mở bao thư ra coi lá phiếu. Nhiều người đã bỏ phiếu bằng thư, nhưng trong ngày bầu cử lại đến phòng phiếu, muốn thi hành phận sự công dân lần nữa. Ông Kelley bảo, phần lớn đó là các cụ đã bỏ phiếu rồi quên bẵng luôn ! Không ai truy tố các cụ ! Ông nói mỗi lần có độ một trăm vụ như thế, trong 1,7 triệu cử tri Quận Cam.
Thế còn vụ những người đã chết vẫn đi bầu thì sao ? Ông Kelley cho biết cũng có hàng chục vụ xảy ra mỗi lần bầu cử. Có người còn khoe khoang trên mạng xã hội rằng họ đã bầu thay cho người chết, thế là bị truy tố ! Những người đã chết thường không bao giờ về báo mộng yêu cầu rút tên khỏi danh sách cử tri. Nhưng ủy ban bầu cử vẫn theo dõi tên người chết từ các bệnh viện, nhà quàn ; cũng như hồ sơ của Experian, một công ty tiếp thị chuyên gửi quảng cáo đến từng nhà, và Lorton Data, một công ty cung cấp tin tiếp thị, cũng như tài liệu của các cơ quan tín dụng để biết ai đã đổi địa chỉ, ai đã qua đời. Mỗi năm danh sách cử tri được cập nhật hóa nhiều lần. Ông Kelley thú nhận, tất cả những danh sách cử tri trên thế giới ở nước nào cũng còn tên những người đã chết. Nhưng con số gian lận rất nhỏ. Trong năm 2014, người ta đã bắt được 26 lá phiếu bầu nhân danh 14 người đã chết ở Quận San Diego.
Dù con số nhỏ, nhưng rất quan trọng, vì trong nhiều cuộc bầu cử địa phương người thắng có thể hơn người thua rất ít phiếu. Năm 2008, ở Yorba Linda có người đắc cử vào hội đồng thị xã chỉ thắng có đúng một phiếu. Phải đếm lại hết, nhưng kết quả không thay đổi, không có phiếu nào gian lận ! Ông Kelley chưa bao giờ thấy có đến hàng trăm phiếu bầu gian lận. Còn chuyện có người mạo danh người khác để bỏ phiếu, hay đánh tráo phiếu bầu, ông Kelley chưa bao giờ thấy kể từ năm 2005 đến nay.
Năm nay Quận Cam là nơi chưa thấy ai tố cáo bầu cử gian lận đáng chú ý. Nhưng ủy ban tranh cử của Tổng thống Donald Trump đã khiếu nại ở các tiểu bang Georgia, Michigan, Nevada và Pennsylvania. Nhiều phiên tòa đã xét xử và thấy không đủ bằng chứng. Thống đốc Doug Ducey ở Arizona, thuộc đảng Cộng hòa, cam đoan rằng tiểu bang đã "theo đúng từng chữ" những thủ tục kiểm phiếu.
Cũng như Arizona, tiểu bang Georgia chưa bao giờ bầu cho một ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ từ 30 năm nay. Hai nghị sĩ Cộng hòa David Perdue và Kelly Loeffler đang chờ cuộc bỏ phiếu khác vào đầu năm 2021 để coi còn tại chức hay không. Hai ông đã tố cáo có bầu cử gian lận.
Ông Biden đang dẫn trước ông Trump ở Georgia với khoảng 12.000 phiếu — bằng 0.25% các phiếu đã đếm. Như thế tức là phải đếm lại. Ông Gabriel Sterling, người phụ trách việc kiểm phiếu, thuộc đảng Cộng hòa, đã lên tiếng bác bỏ ý kiến có gian lận bầu cử. Hai vị nghị sĩ đã phản công, yêu cầu ông bộ trưởng nội vụ tiểu bang (Secretary of State) phải từ chức vì để cho gian lận xảy ra. Ông Brad Raffensperger, bộ trưởng nội vụ phải lên tiếng, bảo đảm không có chuyện gian lận.
Ông Raffensperger, cũng thuộc đảng Cộng hòa, nói rằng, "Dân chúng Georgia bầu tôi lên làm công việc này, chỉ có họ mới có thể cách chức tôi". Ông đặt câu hỏi : "Liệu có phiếu bầu bất hợp pháp hay không ?" Và tự trả lời : "Chắc chắn có. Chúng tôi đang điều tra tất cả các vụ gian lận. Nhưng số phiếu đó có thay đổi kết quả cuộc bầu cử tổng thống tại Georgia hay không ? Chắc là không" vì nếu có cũng rất ít. Đến lượt ông Brian Kemp, thống đốc Georgia can thiệp, cam kết không bao giờ để chuyện gian lận xảy ra mà không truy tố. "Dân Georgia có quyền giữ niềm tin vào việc bầu cử !". Ông Kemp cũng thuộc đảng Cộng hòa.
Chuyện dài bầu cử 2020 sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới. Người ta đang theo dõi khắp hoàn cầu, giống như coi trận chung kết giải Bóng tròn Thế giới. Các ông Vladimir Putin, Tập Cận Bình đang vỗ bụng vui mừng vì các báo, đài của Trung Quốc cũng như Nga đang mô tả cảnh "dân chủ giả hiệu" ở một cường quốc vẫn lên mặt dạy dỗ các nước khác về ưu điểm của thể chế dân chủ tự do.
Nhưng người Mỹ có thể hãnh diện về tấn kịch đang diễn ra. Năm nay có đến 159 triệu cử tri đi bầu - so với 138 triệu hồi bốn năm trước. Vì người dân tin tưởng vào hệ thống dân chủ. Tổng thống Trump đã thêm được hơn một triệu phiếu so với năm 2016. Phó Tổng thống Biden được hai triệu phiếu cao hơn bà Hillary Clinton. Có 95 triệu người đã bỏ phiếu trước ngày chính thức đi bầu, 3 tháng 11.
Cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi một phần cũng vì phương pháp bầu tổng thống bằng Cử Tri Đoàn (Electoral College). Nhiều người than phiền rằng lối bầu gián tiếp này khiến cho vị tổng thống đắc cử có khi kém người thất cử, khi đếm tất cả số phiếu đã nhận được. Nhưng đó là điều đã được hiến pháp Mỹ quy định, ai ra ứng cử đều biết trước. Họ phải vận động tranh cử trong khuôn khổ đó. Luật bầu cử cũng giống như luật lệ thể thao, ai không chấp nhận thì không chơi ! Hơn nữa, thay đổi lối bầu cử qua Cử Tri Đoàn cần phải tu chính hiến pháp Mỹ, một việc không thể nào thực hiện trong hàng trăm năm tới !
Còn một lý do quan trọng khác khiến lòng người bất an khi theo dõi kết quả cuộc kiểm phiếu trên toàn quốc, là, theo hiến pháp Mỹ, các tiểu bang nắm quyền quyết định về thủ tục bầu cử. Và mỗi tiểu bang đặt ra các thủ tục, quy tắc khác nhau. Lá phiếu của một người ở California bỏ qua thùng thư được kiểm soát và mở ra, đem đếm, khác với một lá phiếu ở Pennsylvania. Dân ở chỗ này không hiểu được tại sao ở chỗ khác lại chậm trễ, vì thế nên sinh lòng nghi ngờ !
Nếu như tất cả các tiểu bang cùng theo những thủ tục bỏ phiếu, kiểm phiếu giống nhau, thì chắc những tin đồn về gian lận sẽ giảm xuống, lòng người bớt chia rẽ hơn. Nhưng giới lãnh đạo liên bang không có quyền bắt các tiểu bang phải thay đổi !
Một điều tối thiểu mà chính phủ và quốc hội liên bang có thể làm là triệu tập một ủy ban gồm đại diện các tiểu bang để thảo luận việc thống nhất những thủ tục bầu cử. Đem những thủ tục kiểm phiếu khác nhau giữa các tiểu bang ra so sánh để đồng ý về những thủ tục chung, nếu có thể. Những lá phiếu gửi qua bưu điện sẽ được kiểm tra trước, hay đợi đến ngày bỏ phiếu chính thức mới làm ? Giới hạn ngày sau chót nhận những lá phiếu gửi thư là bao nhiêu ngày ? Tất cả những thứ đó phải được nghị viện các tiểu bang thông qua. Hiện nay tại Hạ viện Mỹ đã có một dự luật nhằm thống nhất các thủ tục bỏ phiếu và kiểm phiếu trên toàn quốc, nhưng chưa được Thượng viện cứu xét. Hy vọng trong vài năm tới người ta sẽ đồng ý với nhau.
Chính phủ và Quốc hội liên bang cũng có thể giúp các tiểu bang trang bị những hệ thống kiểm phiếu bằng máy vi tính giống nhau ; cung cấp ngân sách trả thêm lương cho các nhân viên phụ trách. Khi mọi nơi đều sử dụng cùng một loại máy và cùng nột chương trình điện toán, thì mối nghi ngờ về gian lận chắc chắn phải giảm bớt.
Cả thế giới đang chờ nước Mỹ chỉnh đốn các kỹ thuật bỏ phiếu, kiểm phiếu. Vì từ hàng trăm năm qua nước Mỹ vẫn đóng vai cổ võ, "dạy dỗ" các nước khác về tiến trình dân chủ hóa. Nước Mỹ phải tiếp tục đóng vai ngọn hải đăng của tinh thần dân chủ.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 12/11/2020
********************
Bầu cử Mỹ 2020 : Chuyện gì xảy ra nếu ông Trump không chịu rời Nhà Trắng ?
BBC, 10/11/2020
Trong lịch sử 244 năm của nước Mỹ, chưa từng có vị tổng thống nào từ chối rời Nhà Trắng sau khi thất bại trong cuộc bầu cử.
Tổng thống Mỹ Donald Trump thất bại trong nỗ lực tái tranh cử. Chuyện gì xảy ra nếu ông Trump không chịu rời Nhà Trắng ? Nếu Trump từ chối rời Nhà Trắng, Cảnh sát Tư pháp Hoa Kỳ hoặc Sở Mật vụ có trọng trách hộ tống ông.
Sự chuyển giao quyền lực một cách trật tự, hợp pháp và ôn hòa là một trong những dấu ấn đặc trưng của nền dân chủ Hoa Kỳ.
Vì lý do này, việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố từ chối việc chấp nhận thua cuộc trước Joe Biden đã tạo ra một tình huống mới lạ và làm đảo lộn nước Mỹ.
Và nó đặt ra thách thức cho các nhà phân tích trong việc xem xét các kịch bản không tưởng.
"Còn lâu mới kết thúc"
Trump đang đánh gôn bên ngoài thủ đô Washington DC khi Biden được các hãng tin lớn của Mỹ xướng tên là người chiến thắng trong cuộc bầu cử vào ngày 7 tháng 11.
Ngay sau đó, ban vận động tranh cử của tổng thống đã đưa ra một tuyên bố nhấn mạnh rằng "cuộc bầu cử còn lâu mới kết thúc".
"Tất cả chúng ta đều biết tại sao Joe Biden vội vã giả vờ làm người chiến thắng, và tại sao các đồng minh truyền thông của ông ta đang cố gắng rất nhiều để giúp đỡ ông ta: họ không muốn sự thật bị phơi bày", ông Trump tuyên bố. "Sự thật đơn giản là cuộc bầu cử này còn lâu mới kết thúc", nó vẫn tiếp diễn, cho thấy ông Trump sẽ tiếp tục phản đối kết quả qua các vụ kiện tụng, cáo buộc có gian lận bầu cử.
Hiến pháp Hoa Kỳ hoàn toàn rõ ràng trong việc tuyên bố nhiệm kỳ tổng thống đương nhiệm sẽ chấm dứt "vào trưa ngày 20 tháng 1".
Joe Biden đã giành được đủ các bang để đảm bảo việc ông có được hơn 270 phiếu đại cử tri đoàn cần thiết. Do đó, ông Biden có quyền giữ chức vụ tổng thống trong bốn năm tiếp tới.
Donald Trump vẫn có các nguồn lực hợp pháp và chính danh mà ông có thể sử dụng để thách thức kết quả bỏ phiếu, nhưng trừ khi có sự thay đổi đáng kể tại các tòa án trong tương lai gần, và chỉ khi ông Trump có thể chứng minh những bất thường trong bầu cử mà ông cáo buộc nhưng không đưa ra bằng chứng là thực sự tồn tại, ngày 20 tháng 1 là ngày tổng thống mới tuyên thệ nhậm chức - cũng là ngày mà ông Trump phải rời Nhà Trắng.
Vị trí được quảng bá trước
Trump đã cảnh báo rõ ràng trong suốt chiến dịch tranh cử rằng ông sẽ không chấp nhận thua cuộc.
Ông nói đi nói lại rằng ông quyết tâm tiếp tục nắm giữ quyền hành, bất kể các cơ quan bầu cử nói gì, chỉ ra rằng khả năng duy nhất khiến không thất bại là do cuộc bầu cử bị đánh cắp.
Vì vậy, nước Mỹ đã bắt đầu thảo luận về những gì sẽ xảy ra nếu Trump làm lời hăm dọa của mình và cố gắng bấu víu quyền lực.
Giả thuyết này thậm chí đã được Joe Biden đề cập đến suốt cuộc bầu cử.
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình ngày 11 tháng 6, diễn viên hài Trevor Noah đã hỏi Biden rằng liệu ông có nghĩ đến khả năng Trump thua cuộc và từ chối rời dinh tổng thống hay không.
"Có, tôi đã nghĩ về điều đó", Biden trả lời và nói thêm ông tin chắc rằng, trong tình huống như vậy, quân đội sẽ chịu trách nhiệm ngăn ông Trump tiếp tục tại và đơn giản chỉ cần đuổi ông ấy ra khỏi Nhà Trắng.
Việc Biden khăng khăng rằng cử tri, chứ không phải ứng cử viên, sẽ quyết định kết quả cuộc bầu cử - điều được xác nhận trong tuyên bố của ban vận động tranh cử của ông hôm thứ Sáu :
"Người dân Mỹ sẽ quyết định cuộc bầu cử này, và chính phủ Hoa Kỳ tuyệt đối có khả năng hộ tống những kẻ vi phạm ra khỏi Nhà Trắng", tuyên bố ghi.
Việc thi hành nhiệm vụ hộ tống Trump ra khỏi dinh tổng thống có thể do Cảnh sát Tư pháp Hoa Kỳ hoặc Sở Mật vụ thực hiện.
Sở Mật vụ là cơ quan dân sự phụ trách an ninh của tổng thống, nhưng theo luật, cơ quan này cũng có nghĩa vụ bảo vệ tất cả các cựu tổng thống và sẽ tiếp tục bảo vệ ông Trump ngay cả sau ngày 20 tháng 1.
Khi lợi thế cuộc bầu cử nghiêng về Biden trở nên rõ ràng và việc tuyên bố ông là người thắng cử gần kề, Sở Mật vụ đã tăng cường các biện pháp an ninh để bảo vệ tổng thống đắc cử.
Một cách có hiệu lực, ông Biden đang được bảo vệ với mức độ an ninh của "tổng thống", bất chấp việc ông Trump khăng khăng rằng đảng Dân chủ bại trận.
Kịch bản không tưởng?
Nếu kết cục tồi tế nhất xảy đến, và Trump vẫn kiên quyết từ chối rời Nhà Trắng, lòng trung thành của lực lượng an ninh với ông có thể cần được suy xét.
BBC đã hỏi các chuyên gia rằng có khả thi không khi Trump cố gắng dùng lực lượng an ninh quốc gia để nắm quyền một cách bất hợp pháp.
Giáo sư Dakota Rudesill, một chuyên gia về chính sách an ninh quốc gia và luật pháp liên đới với Đại học Bang Ohio ở Mỹ nói với BBC:
"Để một tổng thống lạm dụng quyền hạn tổng thống để tiếp tục nắm quyền sau khi thua bầu cử, sẽ là điều khó khăn và sẽ hủy hoại các chuẩn mực quan trọng. Nhưng điều đó không phải là không thể tưởng tượng được".
Ông cảnh báo: "Điều này sẽ gây nguy hại lớn cho đất nước, cho các nguyên tắc cốt lõi của mối quan hệ quân sự-dân sự và triển vọng về nền dân trên toàn cầu.
Tuy nhiên, ông nói rõ rằng, theo quan điểm của mình, kịch bản Trump bám trụ chức vị tổng thống nhờ vào sự hỗ trợ của lực lượng an ninh, khó có thể xảy ra.
"Các quân nhân thề trung thành với hiến pháp, chứ không phải tận tụy với chính trị gia đang nắm quyền. Và sĩ quan quân đội cấp cao nhất quốc gia hiện thời, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đã nhiều lần nói rằng quân đội không đóng vai trò gì trong cuộc bầu cử này".
Giáo sư Rudesill không phải là người duy nhất xem xét những vấn đề này. Keisha Blaine là giáo sư tại Đại học Pittsburgh và là chuyên gia nghiên cứu các phong trào phản kháng xã hội, nói với BBC:
"Việc chúng ta phải tự hỏi chính mình liệu các lực lượng vũ trang có can thiệp vào cuộc bầu cử hay không lộ ra rất nhiều điều đáng buồn về tình trạng của đất nước chúng ta".
"Vào bốn năm trước, hầu hết người Mỹ chẳng ai thắc mắc về điều này. Nhưng khi chứng kiến Trump điều động các đặc vụ liên bang [trong cuộc bạo loạn gần đây] ở Portland và Washington trong những tháng gần đây, đó trở thành một mối quan tâm hệ trọng. Tôi không nghĩ đây là một kịch bản có thể xảy ra, nhưng chúng ta không loại bỏ nó vì đây là một khả năng nghiêm trọng, khi xem xét mọi thứ đã xảy ra trong năm nay", bà nói thêm.
Thật sự suốt thời gian các cuộc biểu tình xã hội nổ ra với phong trào chống phân biệt chủng tộc vào giữa năm nay, Trump đã tính đến việc huy động quân đội để trấn áp các cuộc biểu tình.
Vào ngày 5 tháng 6, New York Times nói rằng Tướng Milley đã thuyết phục Trump không viện dẫn Đạo luật Chống Nổi loạn 1807 để huy động quân đội đang hoạt động trên toàn quốc dập tắt các cuộc biểu tình.
Tờ báo viết rằng đó là "một lằn ranh mà một số quan chức quân đội Mỹ nói họ sẽ không vượt qua, ngay cả khi tổng thống ra lệnh".
Cuối cùng, Trump đã hạ lệnh sử dụng Vệ binh Quốc gia, những người, tùy từng trường hợp, có thể được điều động dưới quyền của tổng thống và/hoặc thống đốc bang.
Các thành viên của lực lượng an ninh phi quân sự báo cáo với Bộ An ninh Nội địa cũng tham gia vào việc kiềm hãm các cuộc biểu tình ở Washington, Portland và các thành phố khác của Hoa Kỳ.
Vì lẽ đó, một số người suy đoán rằng nếu có khủng hoảng khởi phát từ cuộc bầu cử, có khả năng Trump sẽ ra lệnh triển khai một số nhân viên phi quân sự được trang bị vũ khí.
Tuy nhiên, với giả định lực lượng vũ trang không được phép đặt mình vào vai trò phục vụ cho mưu đồ chính trị của tổng thống thì rất khó để hình dung ông Trump sẽ thành công trong việc tiếp tục níu giữ quyền lực.
Bạo lực trong thời gian chờ đợi ?
Giáo sư Rudesill bày tỏ lo ngại về các tình huống liên quan.
"Tôi đã viết về khả năng Tổng thống Trump sẽ cố gắng sử dụng lệnh hành pháp hoặc Bộ Tư pháp vốn được kiểm soát bởi các đồng minh chính trị của ông để cố gắng đưa ra 'chỉ thị', nêu rõ rằng nhánh hành pháp nên coi Trump là người chiến thắng trong cuộc bầu cử đang tranh chấp" chuyên gia nói với BBC, nhưng ông cảnh báo rằng điều này là "hoàn toàn không phù hợp và không thể chấp nhận được".
Ông nói: "Lệnh cho quân đội tiếp tục chào tổng thống sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào trưa ngày 20/1 sẽ đặt quân đội vào tình thế bất khả.
Các nhà phân tích cảnh báo rằng một tình huống mà một ứng cử viên thua cuộc trong cuộc bầu cử tổng thống từ chối chấp nhận thất bại có khả năng dẫn đến "rối loạn dân sự nghiêm trọng"
"Một nửa nước Mỹ và nhiều người trên khắp thế giới sẽ nghĩ rằng quân đội Hoa Kỳ vốn phi chính trị đã có lập trường về đảng phái. Quân đội không bao giờ được, không bao chấp hành lệnh đó", Giáo sư Rudesill nói.
Và không kể các trường hợp cực đoan khi mà tính tự trị của quân đội bị thách thức do tranh chấp đảng phái, nhiều người khác cảnh báo tình hình chính trị hiện tại có thể châm ngòi cho bạo lực ở các khu vực khác.
Keisha Blaine nói với BBC rằng một tình huống mà ứng cử viên thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống nhưng từ chối thừa nhận kết quả có khả năng dẫn đến "rối loạn dân sự trầm trọng".
Bà lập luận rằng lối nói hùng hồn của tổng thống "đã làm gia tăng khả năng nổ ra các cuộc biểu tình và thậm chí là bạo lực".
Nhiều thành phố khác nhau ở Mỹ đã chứng kiến tình huống này trong vài tháng gần đây, với những người biểu tình được trang bị vũ khí tận răng bày tỏ sự ủng hộ đối với tổng thống, cũng như sự xuất hiện trên đường phố của các nhóm đối lập cực đoan.
Việc một số người trong nhóm này được trang bị vũ khí là lời gợi nhắc về bạo lực tiềm tàng được dung chứa từ những căng thẳng chính trị hiện tại trong lòng nước Mỹ.
Nguồn : BBC, 10/112020