Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/11/2020

Việt Nam nên tham gia vào RCEP đến mức độ nào ?

Đinh Hoàng Thắng - Lan Anh

RCEP và Việt Nam trong lúc Mỹ lùi Trung Quốc tiến tới

Đinh Hoàng Thắng, BBC, 18/11/2020

Hiệp định "Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực" (RCEP) được ký kết ngày 15/11/2020 là thỏa thuận mậu dịch tự do "khủng" nhất. Nó ra đời đúng lúc có nhiều biến động và xáo trộn về chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, liệu RCEP có giúp Việt Nam giải quyết được bài toán nhập siêu từ Trung Quốc và từ một số đối tác ngay trong khối hay không, thì chưa thể xác quyết.

rcep1

Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh tại lễ ký kết Hiệp định RCEP trực tuyến được thực hiện tại Hà Nội hôm 15/11/2020

Sức nóng của hậu bầu cử Mỹ năm nay đã lấn át một phần các hội nghị Cấp cao ASEAN-37 và Cấp cao Đông Á (EAS-15), từ 11 đến 15 tháng này. Trong khuôn khổ ấy, 10 nước Đông Nam Á và 3 đối tác Đông Á là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cùng với Australia và New Zealand, đã ký Hiệp định RCEP thì Mỹ lại dường như bị gạt ra ngoài cơ chế liên kết khu vực.

Trước mắt, RCEP chưa hẳn đã là một thỏa thuận lý tưởng nhất vừa được ký kết, nhưng cũng không phải là một hiệp định tồi tệ. Ít nhất ở hai khía cạnh. Thứ nhất, các tập đoàn và các công ty toàn cầu sẽ bắt đầu nghĩ về Châu Á như một "thị trường cuối" phù hợp với họ. Các cơ sở kinh doanh và sản xuất sẽ tái cơ cấu hoạt động nhằm hướng tới thị trường bao trùm 1/3 dân số thế giới.

Thứ hai, vượt xa các thỏa thuận thương mại trong khuôn khổ "ASEAN+1", từ nay ASEAN giành thêm được quyền tiếp cận thương mại hàng hóa từ các nền kinh tế khổng lồ như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Việc đơn giản hóa và hợp nhất các quy tắc từ nhiều FTA khác nhau quả là "nhất cử lưỡng tiện". Ngoài việc sử dụng các FTA độc lập hiện có, các nước ASEAN có thể yêu cầu quyền tiếp cận thị trường theo RCEP.

Mỹ lùi, Trung Quốc tiến

rcep2

Với RCEP được ký kết, Trung Quốc đã có một "bước tiến", trong khi Hoa Kỳ "lùi" ở khu vực, theo tác giả

Trong vòng hai năm nay, ngoài Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đây là thỏa thuận lớn thứ hai không có Mỹ. Phải chăng Mỹ lùi thì Trung Quốc tiến ? Rồi đây, nếu Washington vẫn chỉ đóng vai trò "quan sát viên" đối với cơ chế hợp tác kinh tế hay an ninh khu vực, thì liệu RCEP có trở thành bước ngoặt cho các mối bang giao đầy trắc trở của cả Đông Nam Á lẫn Đông Á với Trung Quốc ?

Ở chiều ngược lại, tâm lý bồn chồn về tương lai vẫn còn ngự trị. Liệu RCEP và hiệu ứng của BRI (Sáng kiến Vành đai và Con đường) sẽ là "cái dây thòng lọng" thắt cổ các nước thành viên một khi các thỏa hiệp trong 8 năm đàm phán nhằm che đậy các động cơ trái ngược nhau trong quá trình đi đến đồng thuận, sẽ trào lên và dẫn đến xung đột không thể điều hoà ?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Hiệp định RCEP "là niềm tự hào, là thành quả to lớn". Tuy nhiên, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại thời điểm Hiệp định ra đời, vẫn bày tỏ quan ngại, trong khu vực kinh tế RCEP, có quá nhiều đối tác cùng cơ cấu sản phẩm tương tự hàng Việt Nam, nhưng năng lực cạnh tranh hơn Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc…

Đáng chú ý hơn, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh hôm 17/11 về dự Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc tại Nam Định quê hương ông, khi nói tới những thành tựu quan trọng trong công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, ít nhất là trên mặt báo, đã không nhắc gì đến sự kiện ký kết RCEP trong khuôn khổ Cấp cao ASEAN-37.

Phải chăng khác với những lần tham gia các định chế quốc tế lớn trước đây, kỳ này Việt Nam phần nào tỏ ra thận trọng hơn ? Các tờ báo của Nhà nước không chạy xã luận "rung trời", coi gia nhập RCEP là "thắng lợi vẻ vang". Bởi vì, vẫn còn đó những quan ngại, với thể chế dễ bị cac nhóm lợi ích thao túng, Việt Nam có tận dụng được các cơ hội do EVFTA, CPTPP và RSEP mang lại hay không.

Bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VCCI mới đây đã nói với BBC rằng, thực sự bà tiếp cận thông tin về RCEP với cảm giác nửa mừng, nửa lo và có lẽ lo còn lớn hơn mừng. Bởi vì một mặt, Hiệp định có thể mang lại một số lợi ích cho Việt Nam và cũng vì có lợi ích nhất định cho nên Việt Nam mới tham gia.

rcep3

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tỏ ra lo nhiều hơn mừng về RCEP mà Việt Nam vừa ký kết

Nhưng mặt khác, RCEP cũng có thể nảy sinh một số vấn đề. Một trong những vấn nạn ấy là : Việt Nam hiện đang vươn lên tham gia chuỗi giá trị toàn cầu với một vị trí tốt hơn, mang lại nhiều lợi ích lớn hơn cho nền kinh tế và nhất là giúp tăng cường hội nhập, để thoát ra khỏi vị thế phụ thuộc quá nặng vào một số đối tác khổng lồ. Vậy tham gia RCEP liệu có giảm bớt các động lực của Việt Nam, liệu vì những lợi ích trước mắt, Việt Nam có lơ là những cố gắng dài lâu hơn ?

Hy vọng mong manh

Le lói một niềm hy vọng mong manh khác, RCEP rồi ra sẽ có tác động như một lực kiềm chế ở một mức độ nào đó đối với Trung Quốc. Nghĩ rằng, Trung Quốc sẽ phải dè chừng hơn trong các hành động của mình trên Biển Đông, Biển Hoa Đông. Bắc Kinh không thể "múa gậy vườn hoang", vì sẽ bị chế tài bởi lợi ích do Hiệp định mang lại. Biết đâu, sau RCEP họ càng không ngưng nghỉ tạo hình ảnh mới về mình đối với các nước trong khu vực.

Nhưng Bắc Kinh đã không hề kiềm chế !

Ngay khi RCEP chưa ráo mực, ngày 16/11/2020, bản tiếng Anh của "Nhân dân Nhật báo Trung Quốc" đã đăng tải tấm ảnh đảo Duy Mộng, thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, kèm thông báo Bắc Kinh "đang tập trận trên Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và cấm ngặt tàu bè qua lại".

Và như một cảnh báo không thể kịp thời hơn, ngày 16 và 17/11/2020, tại Hà Nội, Hội thảo quốc tế 2 ngày về Biển Đông lần thứ 12, với chủ đề : "Duy trì hòa bình và ổn định trong giai đoạn hỗn loạn", cũng chỉ rõ : Năm qua, Trung Quốc đã lợi dụng dịch bệnh để tăng cường các hoạt động phi pháp trên biển, cụ thể, nhân cơ hội các nước tập trung chống dịch Bắc Kinh đã thúc đẩy các tham vọng ở Biển Đông.

Một vấn đề nóng bỏng khác được đề cập tại cuộc Hội thảo nói trên liên quan đến chủ đề phòng tránh đụng độ trên biển là "Dự luật Cảnh sát biển của Trung Quốc". Điều bất trắc ở đây là Dự luật này có thể quy định cho phép lực lượng chấp pháp biển Trung Quốc sử dụng vũ lực trong vùng biển nước này yêu sách một cách trái với UNNCLOS 1982 trên Biển Đông.

rcep4

Lễ ký kết được thực hiện qua mạng với sự chứng kiến của nhiều quan chức hàng đầu, lãnh đạo chính phủ các nước tham gia RCEP

Cấp cao Đông Á, với ASEAN ở vị trí trung tâm, là diễn đàn chiến lược hàng đầu trong vùng, là nơi các lãnh đạo trao đổi về các vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến hoà bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết như thế khi phát biểu khai mạc EAS-15.

Nhưng "Tuyên bố Hà Nội" tại EAS-15 lại không đề cập gì cụ thể đến Biển Đông. Các tranh chấp ác liệt, đặc biệt tăng cao bất thường trong năm nay với các hoạt động gây hấn của Trung Quốc giữa bối cảnh đại dịch, đã không được nhắc đến. Tuyên bố chỉ nói chung chung rằng các quốc gia thành viên sẽ tăng cường các hành động thực tiễn và phối hợp toàn diện trong những lĩnh vực ưu tiên nhằm ứng phó đối với các thách thức cùng quan tâm.

Sự mềm mỏng nói trên là sách lược trong thời điểm nhất định hay đấy là sự điều chỉnh chính sách của Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung trong kỷ nguyên Biden đang tới ? Liệu tới đây, thi thoảng Việt Nam chỉ còn nhắc tới "Bộ tứ" như một giấc mơ thoảng qua, hay tiếp tục kiên trì xây đắp bộ khung an ninh tập thể theo hướng "Ấn Thái Dương tự do và rộng mở " (FOIP). Chừng nào BRI vẫn như một "vạn lý trường thành" xuyên các lục địa thì "QUAD" vẫn còn đất sống.

Chú ý không khí bữa tiệc

Dư luận cho rằng, giữa tâm trạng hưng phấn được kích hoạt bởi sự kiện RCEP, cả chủ nhà lẫn các lãnh đạo EAS-15 đã không muốn nhắc lại những điều rất khắc nghiệt trên Biển Đông trong năm đang khép lại với nhiều khả năng sang năm tới còn khắc nghiệt hơn. Vả lại, tại Thượng đỉnh ASEAN vừa qua, cả Việt Nam, Philippines cũng đã liên thủ thúc đẩy hồ sơ Biển Đông.

Thực tế mọi người đều biết, trong khi Mỹ muốn "đối đầu" và "ly thân" với Trung Quốc, thì các cuộc tập trận tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương năm qua vẫn chưa đủ sức răn đe và ngăn chặn Trung Quốc thao túng Đông Nam Á và hành xử với Biển Đông như cái ao nhà của họ.

rcep5

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho thấy Sắc lệnh rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi ông ký tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng ở Washington, DC ngày 23/01/2017

"Cái gậy và củ cà-rốt" của Trung Quốc tỏ ra lưỡng dụng. Một mặt, Trung Quốc tiếp tục thọc sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa (CS) của Việt Nam như chỗ không người, mặt khác, Bắc Kinh vừa qua đã hạ cố "tuyên dương" Hà Nội trong vài trò chủ tịch ASEAN đã dẫn dắt khối ASEAN kết thúc đàm phán RCEP.

Trung Quốc là vậy. Khen hôm nay, chê ngày mai. Là thỏa thuận liên quan đến địa-chính trị và địa-kinh tế, tương lai RCEP tuỳ thuộc vào cách 14 nền kinh tế thành viên và Trung Quốc sẽ điều chỉnh để thích nghi lẫn nhau trong khuôn khổ khối thương mại lớn nhất hành tinh. Ngược lại nếu ban lãnh đạo Bắc Kinh không tiết chế, RCEP dễ trở thành "con dao hai lưỡi", "lợi bất cập hại". Đến lúc ấy thì chính Trung Quốc cũng khó trở thành "ngư ông đắc lợi" trong tương lai !

Đinh Hoàng Thắng

Nguồn : BBC, 18/11/2020

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, cựu Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, hiện là Giám đốc Trung tâm Thông tin và Hợp tác Quốc tế, Viện Nghiên cứu các vấn đề Phát triển (VIDS).

********************

Ai hưởng lợi nhiều nhất trong hiệp định RCEP ?

|

10 thành viên ASEAN cùng 5 nước ký hiệp định thương mại tự do qui mô hứa hẹn tăng tốc kinh tế hậu đại dịch Covid-19.

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết theo hình thức trực tuyến sau 8 năm đàm phán.

rcep6

Màn hình trực tiếp buổi lễ ký kết RCEP hôm 15/11, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 tại Hà Nội.

RCEP bao gồm mười thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

"Tôi tin tưởng hiệp định sẽ sớm đước các nước phê chuẩn và đưa vào thực thi, góp phần đưa vào phục hồi kinh tế sau đại dịch và góp phần phát triển các nước thành viên trong thời gian tới", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Các thành viên chiếm gần một phần ba dân số thế giới và chiếm 29% GDP toàn cầu.

Khu thương mại tự do mới sẽ lớn hơn cả Hiệp định Hoa Kỳ-Mexico-Canada và Liên Hiệp Châu Âu.

Ấn Độ cũng từng tham gia đàm phán, nhưng đã rút vào năm ngoái, do lo ngại rằng mức thuế thấp hơn có thể gây tổn hại cho các nhà sản xuất trong nước.

Lý do chính khiến Ấn Độ quyết định không tham gia RCEP là do lo ngại rằng một lượng lớn hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc có thể gây tổn hại thêm cho các ngành công nghiệp nội địa của Ấn Độ.

Thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc lên tới khoảng 50 tỷ USD trong năm tài chính 2019.

Mặt khác, Trung Quốc được cho là đang cố gắng mở rộng ảnh hưởng của mình bằng cách dẫn đầu việc tạo ra khuôn khổ thương mại đa phương trong bối cảnh rạn nứt ngày càng lớn với Hoa Kỳ.

Chính phủ Trung Quốc cho biết thương mại với các nước ASEAN từ tháng 1 đến tháng 10 đã tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 540 tỷ đô la, đưa ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Bắc Kinh.

RCEP được ký kết : Trung Quốc nói Hoa Kỳ ‘không thể phá bĩnh’

Thủ tướng Lý Khắc Cường nói về thắng lợi mậu dịch trong khi Tờ Hoàn Cầu nói rằng Mỹ không thể phá bĩnh.

Hiệp định này được xem là nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

"Trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, việc RCEP được ký kết sau tám năm đàm phán mang lại tia sáng và hy vọng giữa những đám mây", Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói.

Về lâu dài, ông Lý mô tả thỏa thuận này là "một chiến thắng của chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do".

Trong bài phân tích của mình trên Thời báo Hoàn Cầu, Giáo sư Thành Hán Bình, thuộc Đại học Nam Kinh, đặt câu hỏi. "Hoa Kỳ rất có thể sẽ dùng mọi cách, kể cả đối đầu, thù địch và các chiến dịch bôi nhọ để can thiệp vào hoạt động của RCEP".

RCEP dự kiến sẽ loại bỏ một loạt thuế nhập khẩu trong vòng 20 năm.

Hiệp định này cũng bao gồm các điều khoản về sở hữu trí tuệ, viễn thông, dịch vụ tài chính, thương mại điện tử và các dịch vụ chuyên nghiệp.

Nhưng có thể "quy tắc xuất xứ" mới – quy định chính thức xác định nguồn gốc sản phẩm – sẽ có tác động lớn nhất.

Nhiều quốc gia thành viên đã có các hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhau, nhưng vẫn còn có những hạn chế.

"Các FTA hiện tại có thể rất phức tạp để sử dụng so với RCEP", Deborah Elms từ Trung tâm Thương mại Châu Á cho biết.

rcep7

Biểu đồ mô tả độ phủ của hiệp định RCEP so với các hiệp định thương mại lớn tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương bao gồm hiệp định ASEAN và hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bao gồm 11 nước sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP năm 2017

Các doanh nghiệp có chuỗi cung ứng toàn cầu có thể phải đối mặt với thuế quan ngay cả trong một FTA vì sản phẩm của họ chứa các thành phần được sản xuất ở nơi khác.

Ví dụ, một sản phẩm được sản xuất tại Indonesia có chứa các linh kiện của Úc có thể phải đối mặt với thuế quan ở những nơi khác trong khu vực thương mại tự do ASEAN.

Theo RCEP, các linh kiện từ bất kỳ quốc gia thành viên nào sẽ được đối xử bình đẳng, điều này có thể mang lại cho các công ty ở các quốc gia RCEP động lực để tìm kiếm nhà cung cấp trong khu vực thương mại của khối này.

Mặc dù RCEP là một sáng kiến của ASEAN, hiệp định được nhiều người coi là một giải pháp thay thế Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) được Trung Quốc hậu thuẫn.

TPP không có Trung Quốc tham gia nhưng bao gồm nhiều nước Châu Á. 12 hai quốc gia thành viên đã ký TPP vào năm 2016 trước khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump rút nước Mỹ ra vào năm 2017.

Các thành viên còn lại tiếp tục hình thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với 11 thành viên.

Mặc dù bao gồm ít quốc gia thành viên hơn, nhưng CPTPP cắt giảm thuế quan nhiều hơn và bao gồm các điều khoản về lao động và môi trường so với RCEP.

RCEP tập hợp các quốc gia thường có mối quan hệ ngoại giao bị trục trặc – đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản.

Cả Australia và Trung Quốc đều ký thỏa thuận này, bất chấp các báo cáo rằng Trung Quốc có thể tẩy chay một số mặt hàng nhập khẩu của Australia vì nhiều khác biệt chính trị.

Thương mại quốc tế nằm thấp hơn nhiều trong nghị trình trong cuộc bầu cử năm nay của Hoa Kỳ và Tổng thống đắc cử Joe Biden đã nói tương đối ít về việc liệu chính sách thương mại của ông sẽ thay đổi đáng kể hay liệu ông sẽ xem xét lại việc gia nhập TPP hay không.

rcep8

Phía Việt nam, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh ký kết RCEP trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sáng 15/11.

Ai mới là người hưởng lợi nhiều nhất trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực ? Đó là câu hỏi quan trọng và cũng là tiêu đề bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu đăng trên Facebook cá nhân của ông, nôi dung như sau :

"Có không ít người đã vội mừng vì thị trường 2,2 tỷ dân với GDP khoảng 26 200 tỷ USD sẽ mở ra "một chân trời mới’. Có người còn vội đánh giá rằng đây là "thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới", "khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới" !

Khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới không chỉ đơn thuần xác định bởi hai tiêu chuẩn là dân số và tổng GDP. Chất lượng của thị trường mới là tiêu chuẩn áp đảo (dominant). Mở ra một cái chợ, quan trọng nhất là ai đến chợ và chợ bán gì.

Tại sao Ấn Độ rời bỏ RCEP ?

Ngày 04/11/2019, tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – Ấn Độ và Hội nghị Thượng đỉnh RCEP diễn ra ở Bangkok, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chính thức tuyên bố Ấn Độ rút khỏi RCEP.

Nguyên nhân thì không chỉ một. Nhưng nguyên nhân chính là Trung Quốc. Không phải là Trung Quốc lấn chiếm biên giới Ấn Độ. Mà là Ấn Độ sẽ trở thành miếng mồi thị trường của Trung Quốc.

Là bởi vì khi gia nhập RCEP thì hàng hóa Trung Quốc sẽ tràn ngập thị trường Ấn Độ mà hang hóa Ấn Độ không thể xâm nhập thị trường Trung Quốc. Ấn Độ không phải là quốc gia có công nghệ cao như Nhật Bản để Trung Quốc mở cửa mong muốn ăn cắp, copy làm hàng nhái – ít nhất là trong thời gian đầu, sau đó rũ bỏ và đóng cửa mặt hàng công nghệ cao đã bị nội địa hoá. Nhật Bản ý thức được điều đó. Nhưng Nhật Bản sẽ có công nghệ mới mà Trung Quốc có thể thèm muốn để tiếp tục hé cửa cho vào. Nhưng Ấn Độ thì không.

Còn nữa, là ngoài mặt thì tuân thủ hiệp ước tự do thương mại, nhưng ngầm bên trong Trung Quốc sẽ tìm cách cản đường. Và hàng hóa Ấn Độ sẽ rất khó thâm nhập thị trường Trung Quốc.

rcep9

Thủ tướng Ấn Độ, ông Narendra Damodardas Modi

Thương mại tự do là để đi bán hàng hóa mình sang nước khác. Nay hàng hóa mình không sang được thị trường của người mà hàng hóa của người lại tràn ngập thị trường của mình thì tham gia thị trường tự do làm gì ? Đó chính là nguyên nhân số 1 làm Ấn Độ phải rút ra khỏi RCEP.

Một nước lớn với dân số 1 tỷ 380 triệu người, sắp vượt Trung Quốc, mà Ấn Độ còn sợ Trung Quốc nuốt chửng thì các nước bé như Việt Nam chả thấm vào đâu.

Có người sẽ bảo vệ, rằng điều đó không thể xẩy ra. Vì Hiệp định sòng phẳng cho tất cả các bên ký kết. Thế là quên mất lý lẽ của kẻ mạnh, quên mất đường chữ U.

Với Việt Nam EVFTA có lợi hơn RCEP

Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng. Câu tục ngữ của cha ông dạy thật quá đúng cho chúng ta trong tham gia bàn cờ quốc tế.

Chẳng có RCEP thì Việt Nam cũng đã bị Trung Quốc "đàn áp" thị trường. Nhập siêu từ Trung Quốc năm sau lớn hơn năm trước với mức độ rợn người. Năm 2019 nhập siêu từ Trung Quốc tăng 40,1% so với năm 2018 và đạt con số 33,8 tỷ USD. Đó là chưa nói hàng buôn lậu qua biên giới. Càng chưa nói đến hàng Trung Quốc dán mác hàng Việt nam tại thị trường Việt Nam, cũng như xuất sang Mỹ và các nước khác. Nếu tính đủ, con số sẽ không dưới 50 tỷ USD. Việc ra đời RCEP, không ngi ngờ gì nữa, thị trường Việt Nam càng bị Trung Quốc thâu tóm.

Đừng ví Việt Nam với Nhật Bản và Hàn Quốc. Để từ đó kết luận rằng Nhật Bản và Hàn Quốc thấy lợi ích của RCEP nên đã tham gia.

rcep10

Lễ ký kết hiệp định EVFTA tại Hà nội ngày 30-6-2019

Như đã đề cập trong phần Ấn Độ ở trên, Nhật Bản và Hàn Quốc có công nghệ tân tiến để đối trọng với Trung Quốc – buộc Trung Quốc phải chấp nhận chia sẻ thị trường. Việt Nam không có vị thế như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Việt Nam phải chú trọng vào thị trường Châu Âu. EVFTA là rất quan trọng và rất có lợi cho Việt Nam. Năng lực xuất khẩu của Việt Nam còn hạn chế. Thay vì dàn trải thì phải dồn chủ lực cho thị trường chính. Với EVFTA Việt Nam học được công nghệ và đáp ứng được chuẩn mực Châu Âu. Tự Việt Nam bước lên đẳng cấp mới. Gần đèn thì rạng.

Thị trường 2 tỷ 200 triệu dân, tuy là rất lớn, nhưng không phải để cho Việt Nam. Thí dụ ngụ ngôn sau có lẽ phần nào giải thích được lý do vì sao.

Con hổ dụ các con báo, cáo, mèo – mỗi con mang một miếng mồi đến để góp ăn chung. Con mèo nghĩ đến miếng thịt to của con hổ nên mang mồi của mình đến. Nhưng con mèo không biết rằng con hổ đánh đuổi tất cả để dành lấy toàn bộ các miếng mồi.

Con hổ Bengal Ấn Độ mà còn phải tháo chạy khỏi RCEP thì xin đừng quá lạc quan. Thị trường 500 triệu dân của EVFTA mới là điều thực tế.

Lại tự răn bằng câu tục ngữ của cha ông : ‘Ngày lắm mối, tối nằm không’ !" Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu nêu quan điểm.

Lan Anh (Tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 18/11/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Đinh Hoàng Thắng, Lan Anh
Read 635 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)