"Quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa
Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi"
trích "Bài thơ Tháng Tám", Bùi Minh Quốc, 19/8/1994.
Nhà thơ Bùi Minh Quốc trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm chiếm những bãi đá ở Trường Sa của Việt Nam ngày 11/05/2014 - Ảnh minh họa
"Nhân tiện, xin báo với đồng nghiệp và bạn đọc một tin vui : cách đây 20 năm, tôi kết thúc bài thơ bằng hình ảnh : "Tôi lại đi, lầm lũi cuộc hành trình", thì nay tôi không còn lầm lũi nữa, tôi được hiên ngang chung bước sánh vai với các đồng nghiệp trong Ban vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam và Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam cùng vô số bạn đọc tâm huyết của mình.
Chúng tôi đi đòi món nợ quyền dân, trước hết là các quyền tự do cơ bản như tự do báo chí, xuất bản, tự do hội họp, lập hội, lập nghiệp đoàn, tự do biểu tình, tự do ứng cử bầu cử mà người công dân – cử tri Việt Nam đã được hưởng dưới chính thể dân chủ cộng hoà năm 1946…" - Nhà thơ Bùi Minh Quốc từng tâm sự như vậy với thân hữu.
Bùi Minh Quốc là nhà thơ tài hoa, nhưng trước hết ông đại diện cho số ít thi nhân biết trọng nhân phẩm của người cầm bút, có nhân cách cứng cỏi, không chịu khuất phục trước cái xấu cái ác.
Lẽ ra với những đóng góp của ông trong chiến tranh, Bùi Minh Quốc thừa tiêu chuẩn nhận giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc giải thưởng Nhà nước, nhưng… Tuy nhiên, giải thưởng cao quý nhất là ông được những người cầm bút có tự trọng và nhân phẩm hết sức quý mến, được nhân dân kính phục, tin yêu. Điều này không phải người làm văn nghệ nào cũng có được.
Bài thơ nói trên ông viết cách nay đã hơn 26 năm, khi cả :
"lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp
giấc mơ con đè nát cuộc đời con"
(Chế Lan Viên, "Người đi tìm hình của nước),
thì Bùi Minh Quốc đã cứng cỏi thét lên :
"quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa
cả một thời đểu cáng đã lên ngôi",
dự báo nhiều điều ghê gớm sẽ xé nát xã hội. Thời gian đã chứng minh những điều ông nhận định, tiên cảm khá chính xác. Thậm chí có người bi quan nói xã hội lúc này còn tệ hơn gấp trăm lần khi nhà thơ dự báo.
Nhóm Thân hữu Đà Lạt đã kể rằng Bùi Minh Quốc từng tâm sự thế này : đã nhiều đêm trước ngọn đèn nhỏ ông tự nói với mình :
"Giờ này, tôi lặng lẽ chong lên ngọn đèn nhỏ của trái tim mình. Hồi nào nhỉ, đã xa lắm rồi mà sao ngỡ như mới đây thôi, tôi cất tiếng hát từ lồng ngực trẻ, tự tiếp sức cho mỗi bước hành quân nặng nhọc mà thư thái vượt Trường Sơn : "Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình". Với lửa ấy, tôi đã đi, đã đi, vực sâu, đèo cao, dốc hiểm, dặm này qua dặm khác, cố mau tới chiến trường. Vẫn với lửa ấy, tôi chong lên ngọn đèn nhỏ này, mỗi khi đêm xuống với trang giấy trắng, trắng rợn dưới ánh đèn. Viết gì đây ?
Chong lên ngọn đèn của trái tim mình. Một mình tôi với đèn. Trang giấy trắng dưới ánh đèn càng trắng hơn đêm trước, trắng tinh một nỗi thách thức, Viết gì đây ? Viết gì đây cho không hổ thẹn với ánh đèn này, cho không vấy bẩn ngòi bút này, trang giấy này ?
Chong lên ngọn đèn của trái tim mình. Một mình tôi với đèn. Trang giấy trắng dưới ánh đèn càng trắng hơn đêm trước, trắng tinh một nỗi thách thức, Viết gì đây ? Viết gì đây cho không hổ thẹn với ánh đèn này, cho không vấy bẩn ngòi bút này, trang giấy này ?"…
Một người bạn vong niên cùng sinh hoạt chung ở Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, kể là lúc còn giữ vai trò phó chủ tịch Hội phụ trách khu vực miền Trung, ông Bùi Minh Quốc vẫn chung thủy niềm tin vào những người cộng sản tử tế, khi ông đã dành nhiều thời gian cho thực hiện ấp ủ về "tam nông".
"Tam nông", đó là nói tắt của nội dung Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết 26-NQ/TW, ký ngày 5/8/2008, Nông Đức Mạnh). Đến nay, theo ý kiến của ông Bùi Minh Quốc, "tam nông" (nông nghiệp – nông thôn – nông dân) vẫn chưa đạt như kỳ vọng "duy ý chí" của Trung ương 7 khóa X. Trong lúc đó thì các hiệp định thương mại thế hệ mới đa phương lẫn song phương đều đang đòi hỏi phải cải cách nông nghiệp mạnh hơn trên nền tảng cần công nhận quyền tư hữu đất đai…
Ông Bùi Minh Quốc từng xúc tiến bộ hồ sơ cho thủ tục hành chính gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về dự định thành lập một hội đoàn dân sự độc lập về tam nông…
Thế nhưng mọi việc vẫn chưa thể đi đến đâu khi nói như lời của ông, thì vẫn là thời gian của "chúng tôi đi đòi món nợ quyền dân, trước hết là các quyền tự do cơ bản như tự do báo chí, xuất bản, tự do hội họp, lập hội, lập nghiệp đoàn, tự do biểu tình, tự do ứng cử – bầu cử"…
Một năm lại sắp đi qua. Quốc hội hiện tại đang là thời gian còn lại của nhiệm kỳ sắp kết thúc. Mong rằng món nợ quyền dân sẽ được trả sòng phẳng bởi những người đảng viên tử tế hơn ở Đại hội Đảng lần thứ XIII – Bởi nền dân chủ Việt Nam theo như khẳng định của Đảng, đó là dựa trên pháp quyền và luật pháp, nên mọi chuyện phải được tuân theo, dẫu có muộn màng.
Lâm Viên
Nguồn : VNTB, 18/11/2020