Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/11/2020

Chừng nào Việt Nam có tự do báo chí và báo chí tư nhân ?

Nhiều tác giả

Báo chí tư nhân mang đến lợi ích gì cho Đảng cộng sản Việt Nam ?

Lynn Huỳnh, VNTB, 19/11/2020

Cơ quan Tuyên giáo nói rằng báo chí ở Việt Nam là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, là diễn đàn của nhân dân, để quần chúng nhân dân thông qua đó, nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình, phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới, góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và thành viên của các tổ chức, cơ quan đó.

baochi1

Luật báo chí Việt Nam hiện không thừa nhận các tổ chức báo chí tư nhân. Tư nhân không có quyền ‘sản xuất báo chí’.

Sinh viên khoa báo chí ở trường đại học, cũng được dạy rằng, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng báo chí làm vũ khí sắc bén chĩa vào chủ nghĩa thực dân, đế quốc và tay sai của chúng ở trong nước và nước ngoài, làm "đòn xoay chế độ", góp vào thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945, giành độc lập dân tộc.

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trên cương vị Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò to lớn của báo chí trong sự nghiệp xây dựng, chấn hưng đất nước. Báo chí cách mạng được Đảng trao cho sứ mệnh là người tiên phong trong việc tuyên truyền, giáo dục về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nói chuyện với các thế hệ nhà báo Việt Nam, Người nói về đề tài của mình : "Tất cả những bài Bác viết chỉ có một "đề tài" là : chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác đối với báo chí là như vậy đó".

Theo những gì đúc kết trong cuộc đời làm cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì mục tiêu cao cả của báo chí cách mạng là phục vụ nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người.

Điều này được khẳng định khi Chủ tịch Hồ Chí Minh coi báo chí là bộ phận khăng khít trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân, của dân tộc và của Đảng.

Báo chí là bộ phận của công tác tư tưởng, luôn gắn liền với hoạt động của Đảng, phục vụ mục tiêu của cách mạng. Báo chí là diễn đàn rộng rãi, dân chủ của nhân dân, phục vụ lợi ích của nhân dân. Có mục đích chiến đấu rõ ràng, báo chí cần thực hiện tốt nhất những nhiệm vụ của báo chí vô sản – Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại huấn thị như vậy.

Các tài liệu của bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, nói rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ : mục đích của báo chí là "cốt làm cho dân ta biết, biết các việc, biết đoàn kết, đặng đánh Tây, đánh Nhật làm cho Việt Nam độc lập, bình đẳng tự do".

Từ việc nhận thức một cách sâu sắc vai trò to lớn của báo chí cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp viết báo, sử dụng báo chí làm vũ khí sắc bén, là diễn đàn tố cáo và tiến công địch, tuyên truyền cách mạng.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Người đã sáng lập ra nhiều báo. Le Paria là tờ báo cách mạng đầu tiên do Người sáng lập tại Pháp. Ngày 21-6-1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người sáng lập và trực tiếp chỉ đạo xuất bản báo Thanh niên, cơ quan của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, chính thức đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam. Báo Thanh niên trên thực tế, đã là tờ báo tuyên truyền đường lối cách mạng, chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam.

Như vậy có thể thấy rằng nhờ vào quyền tự do của báo chí tư nhân, đã giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh thêm vũ khí sắc bén trong công cuộc giải phóng dân tộc.

Nền báo chí cách mạng cũng hình thành từ quyền tự do báo chí tư nhân ấy, do vậy nên trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hơn trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam rất cần đến những tờ báo tư nhân cùng chung sức. Đây cũng từng là đề xuất của nhà báo tự do Phạm Chí Dũng, khi ông kiên trì kêu gọi cho quyền tự do của báo chí tư nhân.

Lynn Huỳnh

Nguồn : VNTB, 19/11/2020

**********************

Chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh cần báo chí tư nhân

Triệu Tử Long, VNTB, 19/11/2020

Theo quyết định của Quốc hội, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh sẽ không còn Hội đồng nhân dân cấp quận, phường, và sẽ có thành phố trong thành phố.

baochi2

Sở dĩ cần đến kênh truyền thông của báo chí tư nhân, là để phù hợp với mô hình quản trị "Chính quyền đô thị".

Nhà chức trách nói rằng việc không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường thì quyền đại diện của cử tri sẽ được mở rộng thông qua các kênh đoàn đại biểu và đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố, các tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc…

Như vậy quyền đại diện của cử tri được nâng lên một mức cao, tạo điều kiện để chính quyền vận hành thể hiện sự công bộc, lấy hiệu quả cuộc sống, an lành, ấm no của người dân là thước đo hiệu quả bộ máy cấp cơ sở.

Việc giám sát của người dân thông qua các kênh mở rộng xuất phát từ đòi hỏi, yêu cầu của cử tri buộc cán bộ, công chức phải thực hiện trách nhiệm xây dựng chính quyền vững mạnh, bảo đảm cuộc sống yên bình của người dân. Bên cạnh đó đảm bảo tiết kiệm ngân sách có đủ điều kiện thêm lực cho chương trình đầu tư phát triển, chính sách dân sinh.

Trong bối cảnh dự kiến sẽ như trên, cho thấy để giúp cử tri có thêm kênh ghi nhận ý kiến đa chiều qua hình thức báo chí, và để tiết kiệm ngân sách, cần chấp nhận các tòa soạn báo chí tư nhân hoạt động độc lập, không còn phải buộc ‘liên kết’ như lâu nay với tờ báo nào đó thuộc nhà nước.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyên Hữu Đổng, Viện Chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, phân tích như sau :

"Các mặt đối lập cơ bản trong khái niệm báo chí là báo và chí. Nhìn từ góc độ các mặt đối lập song – hành, báo được nhìn nhận là hiện tượng thông tin của cộng đồng, quốc gia ; còn chí là các tiêu chí thông tin của cộng đồng, quốc gia.

Nhìn nhận từ góc độ các mặt đối lập nhân – quả, báo được nhìn nhận là các mục tiêu thông tin của báo chí được thông báo trong cộng đồng, quốc gia ; còn chí là các tiêu chí thực hiện mục tiêu thông tin của báo chí được thông báo trong cộng đồng, quốc gia.

Do vậy, khi nói đến báo chí là phải đề cập đến các mặt đối lập của chủ thể báo chí. Trong thể chế quốc gia hiện đại có các mặt đối lập chung là "nhà nước pháp quyền" và "xã hội dân sự". Theo đó, thể chế báo chí quốc gia cũng có các mặt đối lập chung về chủ thể là báo chí của nhà nước và báo chí của xã hội – tư nhân.

Trong các thể chế quốc gia hiện đại, việc tồn tại báo chí tư nhân là một hiện tượng khách quan. V.I.Lênin – Người sau khi trải qua kinh nghiệm thực tiễn xây dựng xã hội mới ở nước Nga sau bốn năm cầm quyền nhận thấy có nhiều sai lầm, vào năm 1921, đã chỉ ra rằng : "…giai cấp vô sản chủ trương không phải là thủ tiêu báo chí tư nhân, mà là bắt báo chí tư nhân phải chịu một sự kiểm soát nào đấy của nhà nước, và là lái nó vào con đường chủ nghĩa tư bản nhà nước.

Sắc lệnh quy định việc nhà nước nắm độc quyền quảng cáo có nghĩa là trong nước vẫn còn có báo chí tư nhân như hiện tượng thông thường, có nghĩa là vẫn còn có chính sách kinh tế đòi hỏi phải có những quảng cáo tư nhân, vẫn còn có chế độ tư hữu, vẫn còn có cả một loạt những xí nghiệp tư nhân cần rao hàng và quảng cáo". (V.I.Lênin, Toàn tập, Nhà xuất bản Tiến bộ, M, tập 44).

Theo quan điểm của Lênin, báo chí tư nhân trong quốc gia được nhìn nhận như một yêu cầu không thể thiếu khi có tự do sản xuất kinh doanh, trao đổi mua bán hàng hóa. Theo ông, báo chí tư nhân là chỉ do nhà nước quản lý bằng luật pháp, thay cho các sắc lệnh cấm đoán khi nhà nước vô sản mới thiết lập mấy năm đầu ; còn sự lãnh đạo của các đảng viên Đảng cộng sản Nga đối với báo chí cần được nhìn nhận là phải "phục vụ" các tờ báo nhà nước, tư nhân làm đúng trách nhiệm, chức năng của báo chí đối với đất nước, nhân dân.

Trong giai đoạn hiện nay, báo chí tư nhân ở Việt Nam có cần hay không ? Câu trả lời là rất cần. Tuy nhiên, trong thực tế thì báo chí tư nhân lại đang bị "rào lại" đường đi của mình ; tức báo chí tư nhân đang bị "cấm đường" (lề trái) – đường ngược chiều, mà lẽ ra nó phải được đi theo đúng quy luật khách quan.

Điều đó chỉ ra rằng, ở Việt Nam, cần phải hình thành và tôn trọng sự tồn tại của báo chí tư nhân. Báo chí tư nhân tương tự như "lề trái" của con đường ; còn báo chí nhà nước tương tự như "lề phải" của con đường đi đến xã hội "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường, con đường này được coi như "đường cao tốc" với hai bên đường ngược chiều nhau (đường của kinh tế "nhà nước" – công, và đường của kinh tế "xã hội" – tư nhân) ; còn dải ngăn cách ở giữa tượng trưng như luật pháp (công lý) của Quốc gia…".

Như phân tích ở trên, cho thấy cùng với "Chính quyền đô thị", cần đến sự chung sức phụng sự xã hội của kênh truyền thông báo chí tư nhân.

Triệu Tử Long

Nguồn : VNTB, 19/11/2020

***********************

Tự do là gì ?

Trần Thảo Nguyên, VNTB, 18/11/2020

baochi3

Quyền tự do biểu đạt chính trị ở Việt Nam dường như là điều cấm kỵ ? !

Bởi nếu không cấm kỵ thì chắc hẳn sẽ không có chuyện năm cơ quan độc lập của Liên Hiệp Quốc đã chất vấn chính phủ Việt Nam về các vụ bắt giữ, sách nhiễu liên quan đến Hội Nhà báo Độc lập, Nhà xuất bản Tự Do (*).

Tự do là gì ? Ngẫm lại chuyện Tây du ký của Ngô Thừa Ân :

Tôn Ngộ Không 500 năm bị dè dưới một hòn đá lớn…

– Đời người làm sao dài được đến thế ? chẳng có tự do !

Vùng vẫy mãi, Tôn Ngộ Không chỉ ngoi ra được cái đầu !

Cái đầu ? suy tư về tự do ?

– Sức mạnh cơ bắp có đem lại tự do không ? không được. Người ta bị ràng buộc bởi nhiều thứ trần tục làm sao có tự do được, thân xác ta vẫn dính chặt vào trần thế, làm sao có được tự do ?

– Nhưng tự do là khát vọng cháy bỏng trong ta.

Cái đầu nghĩ vậy và cơ bắp lại tiếp tục vùng vẫy nhưng vẫn không sao thoát khỏi kiếp trần.

Ngộ Không ngước mắt nhìn bầu trời và suy ngẫm về mong ước tự do.

Bỗng Phật Bà Quan âm bay ngang qua nháy mắt, vẫy gọi, Ngộ Không như được tiếp thêm sức mạnh vùng ra được khỏi khối đá đè nặng mấy trăm năm và cân đẩu vân – bay lên bầu trời tự do…

– Vậy là có tự do, ai cho ta tự do ? tự ta, đức tin của ta, ý chí của ta – tự do là ở chính trong ta, tâm hồn ta, suy tư của ta sẽ cho ta sức mạnh vươn tới tự do.

– Tự do là gì nhỉ ? tự ta cho ta tự do,vậy nó là của cá nhân ta chứ !

Có tự do rồi Ngộ Không xin được cùng thầy trò Đường Tam Tạng đi Tây Trúc lấy kinh. Đường đi xa lắm, quanh co, đầy những rắn rết, yêu quái, những đói khát và cả dục vọng…

Hội NB- Tự do tinh thần có thể giải thoát cho ta, giúp ta bay bổng nhưng ta không thể xa nổi được cõi trần ! Phải trao tự do của ta cho cuộc sống trần gian này, khổ đau, gian truân nhưng cũng thấm đẫm tình người. Sự giận dữ, đớn đau.. có đấy nhưng chỉ xảy ra trong chốc lát để rồi người ta lại tha thứ cho nhau, yêu thương nhau mà tồn tại.

– Tự do phải chia sẻ cho mọi người, không thể là của riêng mình được !

Trẻ con xem Tây Du Ký có câu đồng dao này : Tôn Ngộ Không thần thông quảng đại, Chư Bát Giới vừa dại vừa ngu, Đường Tăng có mắt như mù để cho Ngộ Tĩnh gánh gù cả lưng.

Trực giác mách bảo cả thôi, con trẻ tinh thật, câu đồng dao chứa đựng cả cuộc sống, nói lên được bản chất của cuộc sống người ở cõi trần gian này. Trong mỗi cá nhân ta, ai chả có ít nhiều thông minh như Tôn Ngộ Không, ai chả có một chút ngờ ngệch đáng yêu như Đường Tăng, ai chả có một tý tham lam trần tục như Trư bát giới, ai chả có một chút nhẫn nại, siêng năng như Sa Tăng (Ngộ tĩnh)… Con người mà.

Có tự do, tinh thông hơn, nhìn xa hơn, nhưng Ngộ Không vẫn không thể xa rời hẳn đoàn người đang hành trình về Tây Trúc – hắn không thể xa được cuộc sống Người.

Một lần Ngộ Không thử cân đẩu vân bay tít tận trời xanh, bay mãi, bay mãi, lúc đỗ lại mới nhận ra rằng mình không thể vượt ra khỏi bàn tay của Phật !

A, cái chủ quan vẫn không thể thoát ly cái khách quan một cách tuyệt đối !

Ngộ Không chớp chớp mắt và tự nhủ rằng : Tự do là thế đấy !

Từ câu chuyện trong tiểu thuyết kể trên, cho thấy với tình cảnh Việt Nam lúc này, khi mà một số thành viên của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam bị khởi tố vì liên quan đến quyền tự do đó, đưa đến một nghịch lý đầy thách thức vào cuối nhiệm kỳ của Đảng, đó là với quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí được quy định trong Hiến pháp và trong Luật Báo chí, công dân có quyền lập diễn đàn của mình dưới nhiều hình thức – hoặc tham gia trao đổi các vấn đề kinh tế – xã hội trên các cơ quan ngôn luận "của Nhà nước" ; hoặc thành lập diễn đàn của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của diễn đàn, thì vì sao lại bắt bỏ tù những người đang cổ võ cho tự do báo chí, tự do biểu đạt như công dân Phạm Chí Dũng, Lê Hữu Minh Tuấn, Lê Anh Hùng, Nguyễn Tường Thụy…

Trước một việc sớm muộn cũng diễn ra, có lẽ ở nhiệm kỳ mới sắp tới của Đảng, cần chủ động nghiên cứu, ban hành quy phạm pháp luật để điều chỉnh, sẽ tốt hơn là ứng phó một cách thụ động về quyền tự do báo chí đã được Hiến định.

Trần Thảo Nguyên

Nguồn : VNTB, 18/11/2020

Chú thích :

(*)https://vietnamthoibao.org/vntb-lien-hiep-quoc-chat-van-viet-nam-ve-thanh-vien-hoi-nha-bao-doc-lap-viet-nam-bi-giam-giu/

*************************

Tự do – gương mặt đẹp đẽ nhất…

Vân Khanh, VNTB, 19/11/2020

Để có thể được những tờ báo đủ dũng khí đeo đuổi quá trình dân chủ hóa xã hội, thì những tòa soạn này phải là nơi không chịu sự điều chỉnh của những nội dung định hướng tuyên truyền định kỳ mà cơ quan Tuyên giáo Trung ương bắt buộc.

baochi4

Báo chí đang góp phần thúc đẩy quá trình dân chủ hóa xã hội. Đó là quá trình lấy đối thoại thay cho độc thoại, lấy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường thay cho độc quyền và đặc quyền "xin cho".

Dưới tác động của cuộc cách mạng thông tin và mạng internet, "ở mọi nơi, các hệ thống thứ bậc đang bị thách thức từ bên dưới và phải tự biến đổi thành các cấu trúc theo chiều ngang và có tính cộng tác hơn". Với mạng internet nối mạng toàn cầu thì sự bưng bít thông tin là chuyện ngớ ngẩn. Có khi, chính sự bưng bít ấy lại gợi thêm sự tò mò đến người đọc tự tìm lấy thông tin cho mình qua mạng.

Lịch sử báo chí Việt Nam mà sinh viên được học, có kể rằng vào năm 1936, một cuộc tranh luận xảy ra nảy lửa giữa các tờ báo liên quan đến… "tự do ngôn luận". Bắt đầu từ các tờ Phong Hóa, Ngày Nay… khơi mào "nổ" với các việc như đưa "tối hậu thư, khai chiến với hết thảy các báo Đông Pháp" để đạt cái gọi là : Xin (báo chí) được tự do ngôn luận !

Ngay sau đó, các tờ như Bắc Hà, Nghe Thấy… công kích dữ dội về cái được gọi là xin được tự do báo chí ấy. Đến Sông Hương của Phan Khôi (số ngày 14-11-1936) đã đưa ra lời "phán quyết" trò "lố bịch" khi kêu gọi tất cả các báo ở xứ Đông Dương bấy giờ kêu gọi "xin tự do ngôn luận"… Trên Sông Hương viết : "Tự do, chúng tôi biết là vật xưa nay chỉ có người ta tự tạo lấy cho mình, khi chưa được thì hẵng nhịn nhục và chờ đợi, chứ chẳng phải là vật có thể xin mà được. Nếu xin mà được cái ấy, chúng tôi quyết nó không phải là cái tự do".

Và Sông Hương không ngần ngại trình bày một thực tế : "Các báo xứ ta hiện nay ngôn luận không được tự do, điều ấy Chánh phủ vẫn biết, há còn phải đợi kêu ca ? Biết mà không để ngôn luận tự do, là vì Chánh phủ thấy chưa có gì buộc mình phải làm như thế…".

Sau đó, trên Sông Hương số ngày 5-12-1936, lại có một bài viết khác tiếp tục về đề tài này với tiêu đề : "Dù được ngôn luận tự do, chúng ta cũng chưa chắc sử dụng được cái quyền ấy".

Bài báo một lần nữa chỉ rõ : "Tự do ngôn luận là một cái quyền trong các thứ dân quyền. Đã là cái quyền thì phải do dân dùng sức mạnh của mình giành lấy mà được, chứ không phải do người bề trên ban cho mà được". Và nếu "xin mà chính phủ cho, chúng tôi e cho báo giới ta cũng không ngôn luận tự do được, vì theo thực sự, nó vốn không phải cái quyền của chúng ta mà chỉ là cái ơn của chính phủ ban cho chúng ta…", "Cái ơn đã vô ích thì việc quái gì phải xin ?".

Cuộc tranh luận này kéo dài tiếp sau đó, liên quan đến việc có hay không thành lập "nghiệp đoàn" báo chí và "tầm ảnh hưởng của báo chí lên Chánh phủ".

Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ là những tranh luận không hồi kết… Chính vì thế, vấn đề tự do ngôn luận hay tự do báo chí trên đất nước này, cho đến vẫn còn "ẩn nấp" như một điều "kỵ húy". Thi thoảng đọc lại những bài báo của Phan Khôi, Phạm Quỳnh, Nguyễn Tường Tam, Hoài Thanh… gần trăm năm về trước, vẫn thèm, các cụ ít nhiều đã làm được một điều là "tự do là do con người tự tạo lấy, chứ không phải vật có thể xin mà được" !

Thi sĩ Tố Hữu từng bày tỏ tình yêu trai gái thấm đượm sắc màu giai cấp thế này trong thi phẩm "Bài ca Xuân 61 :

"Trái tim anh chia ba phần tươi đỏ

Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều

Phần cho thơ và phần để em yêu…".

Cứ lấy ý tứ mà suy thì Tố Hữu chỉ dành tình cảm cho cái riêng (em yêu) chỉ chiếm 1/3 trái tim tươi đỏ của ông, còn hai phần nữa ông dành cho Đảng và cho thơ. Nhưng Đảng và thơ đối với ông, cũng chỉ là một. Bởi vậy, trái tim tươi đỏ của ông có đến 2/3 là dành cho Đảng, dành cho thơ viết vì cách mạng.

Nịnh đến thế là cùng, nhưng không sao cả, đó là quyền tự do trong tình yêu của Tố Hữu.

Cũng quyền tự do trong tiếng nói trái tim, thi sĩ Chế Lan Viên viết những câu thơ rướm máu của cả một thế hệ, và qua đó lại là một hoài nghi cho thế nào là quyền tự do :

"Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng

Chỉ một đêm, còn sống có 30

Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó ?

Tôi ! Tôi – người viết những câu thơ cổ võ

Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi cuộc xung phong

Một trong ba mươi người kia ở mặt trận về sau mười năm

Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ

Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ

Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ !

Ai chịu trách nhiệm vậy ?

Lại chính là tôi !

Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời

Tôi ú ớ

Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong

Mà tôi xấu hổ

Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay

Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ

Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười"…

Bài thơ của Chế Lan Viên cho thấy danh dự là một cảm giác mang chất lượng sở hữu cá nhân. Khi nào danh dự trở thành sở hữu cá nhân, thì đó chính là điểm phát triển cao nhất của ý thức về đạo đức. Báo chí tư nhân chính là một danh dự tử tế như vậy.

Vân Khanh

Nguồn : VNTB, 19/11/2020

**************************

Quyền sở hữu ‘măng-sét’ tờ báo ?

Loan Thảo, VNTB, 19/11/2020

Luật báo chí Việt Nam hiện tại cho tư nhân tham gia làm báo theo hành lang như sau : "Cơ quan báo chí được phép liên kết trong hoạt động báo chí với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết theo quy định của pháp luật".

baochi5

Sự khác biệt giữa "tư nhân hóa" báo chí, và tư nhân tham gia làm báo, có lẽ nằm ở chỗ quyền sở hữu. Sở hữu măng-sét báo vẫn sẽ là cơ quan báo chí nhà nước, tư nhân chỉ tham gia liên kết.

Như vậy cá nhân có thể liên kết với các tờ báo không những trong các lãnh vực như "thiết kế, trình bày, in báo, quảng cáo, phát hành", họ còn được "sản xuất các sản phẩm báo chí in, báo chí điện tử thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, thể thao, giải trí, quảng cáo".

Nhà báo Nguyễn Vạn Phú nhận xét : "Sự khác biệt giữa "tư nhân hóa" báo chí và tư nhân tham gia làm báo có lẽ nằm ở chỗ quyền sở hữu. Sở hữu măng-sét báo vẫn sẽ là cơ quan báo chí nhà nước, tư nhân chỉ tham gia liên kết. Nhưng ở đây có hai vấn đề lớn.

Một là không tư nhân nào với tầm nhìn dài hạn, một ý hướng xây dựng lâu dài chịu liên kết theo kiểu này. Có thể nói ngay, liên kết kiểu này sẽ dẫn tới sự chụp giật, nhắm tới lợi ích ngắn hạn. Từ đó nỗ lực ngăn chận tình trạng "thương mại hóa" báo chí sẽ càng khó khăn, khi không có gì bảo đảm các cá nhân liên kết không vì lợi nhuận mà dùng các chiêu trò câu khách rẻ tiền.

Rất nhiều tờ báo nghiêm túc phải trải qua nhiều năm chịu lỗ để xây dựng tên tuổi, uy tín và một khi chưa có sự bảo đảm đó, khó lòng thu hút các cá nhân muốn liên kết lâu dài bỏ vốn ra để xây dựng cái không phải là của mình.

Ở hướng ngược lại, cũng khó lòng kiểm soát để cơ quan báo chí đứng tên duy trì được các chuẩn mực nhất định, một khi liên kết với bên ngoài để thực hiện sản phẩm báo chí. Các sai sót trong các chương trình truyền hình liên kết chứng tỏ điều đó.

Hai là, mặc dù các lãnh vực được phép liên kết đã được liệt kê rõ nhưng bất kỳ hoạt động kinh tế – xã hội nào cũng có sự chồng lấn. Tường thuật một phiên họp của Quốc hội về việc sửa đổi luật thuế có thể coi là hoạt động chính trị – xã hội cũng được hay hoạt động kinh tế cũng ổn ; đưa tin về một giải thi đấu thể thao rõ ràng là chuyện thể thao nhưng làm phóng sự về các đường dây cá độ bóng đá thì sao ?

Cho nên đừng nghĩ việc liên kết chưa được cho phép trong các lãnh vực "nhạy cảm" như chính trị – xã hội để tự yên tâm, nhà làm luật phải lường hết mọi khả năng để thấy trong thời đại thông tin tràn ngập như hiện nay, việc phân lãnh vực "được phép liên kết", lãnh vực "không được phép liên kết" là không khả thi".

Một vướng mắc cứ như đèn cù ở đây là liên quan đến yêu cầu "định hướng" trong việc làm báo.

Định hướng này nghiệt một nỗi là đến từ cơ quan quản lý thuộc Đảng, chứ không phải là cơ quan chuyên trách trong hệ thống quản lý pháp luật nhà nước. Về nguyên tắc của một nhà nước pháp quyền, báo chí có thể không buộc phải thực hiện các yêu cầu định hướng đó, song như tường thuật dưới đây sẽ cho thấy rất rõ rằng về hệ lụy với bất kỳ ai dám từ chối :

"Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu, năm 2020, các cơ quan chỉ đạo quản lý, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí phải coi trọng công tác thông tin tuyên truyền về Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội 13 của Đảng ; làm rõ những thành quả quan trọng mà các ngành, địa phương đã đạt được trong thực hiện nghị quyết Đại hội 12 của Đảng.

Báo chí phải tăng cường các tuyến bài bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, sắc sảo và thuyết phục ; đồng thời, phải hết sức tỉnh táo trước việc lợi dụng báo chí để đấu đá nội bộ, cạnh tranh phe nhóm" (*).

Như vậy, dù quyền sở hữu ‘măng-sét’ là của ai đi nữa, thì tất cả tòa soạn báo chí ở Việt Nam vẫn phải chịu dưới quyền một ông tổng biên tập chung là Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Loan Thảo

Nguồn : VNTB, 19/11/2020

Chú thích :

(*)http://baosoctrang.org.vn/trong-nuoc/ong-vo-van-thuong-khac-phuc-cac-bieu-hien-tu-nhan-hoa-bao-chi-33893.html

************************

Không báo chí tư nhân vẫn đảm bảo tự do ngôn luận ?

Trần Dzạ Dzũng, VNTB, 18/11/2020

"Lâu nay người dân đã giám sát phản biện trên báo chí nhưng có thể chưa nhiều. Một khi chúng ta quy định trong luật rồi, người dân sẽ nhận thức đầy đủ hơn về quyền của mình để thực thi quyền ấy trong thực tiễn cuộc sống. Đó là điều rất có ý nghĩa trong việc thực thi quyền tự do ngôn luận của công dân".

baochi6

Phát biểu ở trên là của một cựu lãnh đạo Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh : "Tuy không cho phép thành lập báo chí tư nhân nhưng hiện chúng ta có hàng ngàn ấn phẩm báo chí của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội hội nghề nghiệp đại diện cho người dân đủ sức là diễn đàn để người dân thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình. Với thực tế như vậy không có vướng mắc gì trong việc thực thi quyền tự do ngôn luận của công dân".

Không được nhẹ nhàng như phát biểu trên, một quan chức khác thuộc khối báo Đảng, nhận định với tâm thế ‘thiếu tự tin’ : "Những năm gần đây, hội nhập quốc tế ngày càng nhanh và mạnh mẽ, các quan điểm, xu hướng mới du nhập vào nước ta là tất yếu, không thể tránh khỏi và quá trình này cũng là "thời cơ" để các thế lực thù địch lợi dụng đẩy mạnh âm mưu "diễn biến hòa bình".

Trong lĩnh vực báo chí, chiêu bài "tự do ngôn luận", "tự do báo chí" trở thành "vũ khí" để các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng chống phá ta trên mặt trận tư tưởng. Chính vì vậy, bảo đảm tự do ngôn luận, tự do báo chí là yêu cầu quan trọng, cấp thiết, là cơ sở vững chắc để tránh "bẫy tự do báo chí" của các thế lực thù địch trong thời kỳ đẩy mạnh hội nhập quốc tế của nước ta".

Theo vị nhà báo quan chức Đảng, thì, cứ việc "Thực hiện tốt nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý báo chí sẽ bảo đảm cho sự thống nhất về tư tưởng, giúp báo chí hoàn thành nhiệm vụ chính trị, không bị động trước sự tấn công của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị trên mặt trận tư tưởng, tránh được "bẫy tự do báo chí", đồng thời bảo đảm tự do ngôn luận, tự do báo chí và thúc đẩy sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ hội nhập quốc tế".

Tuy nhiên có một luồng ý kiến trái ngược cũng đứng trên lập trường chuyên chính của người cộng sản, đại ý có phản đề thế này :

"Trước kia, do lề trái của lĩnh vực kinh tế là kinh tế tư nhân trong con đường đi tới xã hội tốt đẹp bị rào lại, nên đã xảy ra hiện tượng "phá rào", tạo nên thành phần kinh tế tư nhân trước khi đổi mới (1986).

Hiện nay, việc phá rào của báo chí trong lĩnh vực văn hóa là báo chí tư nhân, hay việc lập ra các tổ chức chính trị, xã hội độc lập trong lĩnh vực chính trị, xã hội là các hiện tượng tất yếu khách quan, không thể tránh khỏi.

Báo chí tư nhân trong các lĩnh vực văn hóa, như văn học, nghệ thuật, y tế, giáo dục… chính là các giác quan bên trái của con người, văn hóa "đa dạng" của quốc gia.

Trong thể chế quốc gia mà thiếu báo chí tư nhân sẽ làm cho văn hóa trở nên "đơn dạng", đơn điệu, ngày càng xuống cấp về các chuẩn mực ; điều đó cũng chẳng khác nào con người bị khiếm thính, khiếm thị… cả khuyết về khiếu giác, còn quốc gia thì bị khiếm khuyết về giáo dục, y tế, văn học, nghệ thuật…

Do vậy, những người lãnh đạo có chức trách của quốc gia cần phải nhận thấy rõ sự đa dạng khách quan của văn hóa, trong đó có báo chí, nhận thức rõ chức năng của các loại hình báo chí, xây dựng các đạo luật và phương pháp quản lý báo chí đúng đắn, phù hợp, nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển bền vững đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập trong xu thế toàn cầu hóa".

Vậy thì câu trả lời rõ ràng ở đây, là để bảo đảm tự do ngôn luận với quyền được nói, được biết không phải chịu sự giới hạn của định hướng trong tuyên truyền từ cơ quan Tuyên giáo Trung ương đối với báo chí, đương nhiên là rất cần đến việc chấp nhận cạnh tranh của báo chí tư nhân, hoạt động theo luật pháp chung, không chịu bất kỳ ràng buộc định hướng nào khác ngoài pháp luật.

***

Về tự do báo chí

Phan Đăng Lưu (*)

Tự do báo chí không bao giờ có hại cho nhà cầm quyền, vì nhiều lẽ :

1. Khi các báo được tự do xuất bản thì chỉ những tờ báo có dân chúng ủng hộ mới có thể sống, còn không thì chết hoặc sống ngắc ngoải, chẳng có ảnh hưởng gì đáng sợ.

2. Một tờ báo đã sống, đương nhiên nó đại diện cho một tầng lớp dân chúng, nó diễn đạt tất cả hoài vọng và chí hướng của đám dân ấy. Nhà cầm quyền muốn cai trị được hoàn thiện, không thể bỏ qua những hoài vọng hoặc chí hướng của đám dân này. Tất nhiên cũng cần đọc hết tờ báo ấy.

3. Một tờ báo nói vượt qua trình độ dân chúng, kêu gào dân chúng làm những việc tày trời không bao giờ dẫn đạo được dân chúng, sẽ bị dân chúng gạt qua bên mặt trận nghịch thù.

4. Một tờ báo sống một cách mạnh mẽ, có ảnh hưởng trong dân chúng, đưa ra những vấn đề trái ngược với quyền lợi của nhà cầm quyền, cũng chẳng có hại cho cuộc trị an. Nó chỉ là một tiếng còi báo trước cho chánh phủ hãy thay đổi chính sách cai trị đi để chuộc ong dân.

Căn cứ vào những lẽ đó, chúng tôi quả quyết rằng tự do báo chí không bao giờ có hại cho nhà cầm quyền. Có hại chăng là một chánh sách cai trị hẹp hòi, đi ngược với sự tiến hóa của dân chúng mà thôi.

Báo Dân Tiến (số ra ngày 10/11/1938)

Trần Dzạ Dzũng

Nguồn : VNTB, 18/11/2020

(*) Phan Đăng Lưu (1902-1941) là nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng của Đảng cộng sản Việt Nam.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lynn Huỳnh, Triệu Tử Long, Trần Thảo Nguyên, Vân Khanh, Loan Thảo, Trần Dzạ Dzũng
Read 622 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)