Ai, tin vào điều gì, trong một cuộc bầu cử ?
Nguyễn Hùng, VOA, 18/11/2020
Điều rõ ràng có thể thấy qua cuộc bầu cử tổng thống 2020 ở Hoa Kỳ là có rất nhiều người Việt bao gồm cả các nhà hoạt động vì dân chủ coi Tổng thống Donald Trump là người hùng hay thần tượng của mình.
Tuần hành ủng hộ Tổng thống Trump tại D.C.
Người Việt nhìn thấy ở ông một tỷ phú có vợ đẹp, con khôn, cá tính mạnh mẽ và là người vì họ mà đấu tranh, dù là trước các thể chế họ cho là vô dụng hay trước một Trung Quốc đang hung hăng trỗi dậy.
Và họ sẵn sàng xem nhẹ các vấn đề khác, như trái đất nóng dần lên, hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương TTP…
Nhưng rõ ràng ông Trump đã thuyết phục được các ủng hộ viên của ông về hình ảnh một thế giới khác, trong đó ông đương đầu với nhiều thế lực đang chống lại ông và những điều ông theo đuổi. Con số trên 72 triệu cử tri bỏ phiếu với hy vọng đem đến cho đương kim tổng thống một nhiệm kỳ nữa cho thấy ông Trump đã khá thành công trong chiến dịch tạo ra niềm tin vào tương lai.
Cho đến thời điểm này, mặc báo giới đã xướng danh "tổng thống tân cử" Biden, ông Trump vẫn chưa chấp nhận thua cuộc, vì theo ông, cuộc bầu cử có quá nhiều gian lận.
Bầu cử ‘an toàn nhất’
Chính các cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức và bảo vệ an toàn bầu cử hôm 12/11 đã đưa ra tuyên bố hoàn toàn ngược lại với những gì vị tổng thống đã nói.
Tuyên bố của Cơ quan An ninh Mạng và An ninh Hạ tầng, Hội Bộ trưởng Nội vụ Tiểu bang, tức những người giám sát bầu cử cùng một loạt các tổ chức khác viết :
"Cuộc bầu cử hôm 3/11 là an toàn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ…
"Tất cả các bang với kết quả sít sao trong cuộc tranh cử tổng thống 2020 có hồ sơ giấy của từng phiếu bầu, cho phép quay lại và đếm từng lá phiếu nếu cần".
Thông báo còn im đậm câu : "Không có bằng chứng về chuyện có bất kỳ hệ thống bỏ phiếu nào bị xóa hay mất phiếu bầu, thay đổi phiếu, hoặc bị phương hại bằng bất kỳ hình thức nào".
Tuyên bố này gián tiếp nói rằng gian lận trong bầu cử hay thay đổi kết quả bầu cử là chuyện bất khả thi.
‘Chắc chắn tôi vẫn sống’
Một trong những tin đồn được tung đi khắp nơi là nhiều người chết đã bỏ phiếu cho ông Joe Biden. Các phóng viên của BBC đã lấyvài chục người từ danh sách được cho là 10.000 người chết vẫn bỏ phiếu ở Michigan và thấy rằng nhiều người vẫn còn sống. Một trong số họ, nhà giáo đã nghỉ hưu Roberto Garcia, nói với BBC : "Chắc chắn tôi vẫn sống và chắc chắn tôi bỏ phiếu cho ông Biden – tôi phải chết rồi mới đi bỏ phiếu cho Trump".
BBC cũng nói họ tìm thấy một cụ bà đã 100 tuổi mà theo danh sách đã chết từ năm 1982. Tuy nhiên bà vẫn sống và hiện đang ở trong một nhà dưỡng lão ở Michigan.
Trong số hơn 30 người mà BBC chọn để kiểm tra, có ba người quả thực đã chết, một người cách đây vài tuần và hai người đã khá lâu. Đối với trường hợp cụ bà mới qua đời cách đây vài tuần, BBC không xác định được phiếu của bà có được kiểm không. Các quan chức bầu cử nói họ thường so sánh danh sách người đi bầu với danh sách đăng ký khai tử để loại ra những phiếu mà người gửi đi sau đó qua đời.
Đối với hai người đàn ông qua đời đã lâu, BBC phát hiện rằng hai người con trai của hai ông có cùng tên với bố và sống ở cùng địa chỉ. Tuy nhiên trong cả hai trường hợp phiếu bầu đã được gửi cho người bố đã mất. Các quan chức bầu cử nói một trong hai phiếu đã được kiểm nhưng trong trường hợp đó họ không thấy phiếu của người con. Còn trong trường hợp còn lại, thực ra chính người con đã bỏ phiếu nhưng lỗi nhập dữ liệu đã ghi là của người bố cùng tên.
BBC cho rằng những người ủng hộ ông Trump đã lấy dữ liệu bầu cử của một bang để so sánh với dữ liệu người chết trên toàn quốc. Khả năng có những người trùng tên và trùng tháng sinh trên toàn quốc là nhiều và đó là lý do giải thích tại sao nhiều người được cho là đã chết và vẫn đi bầu thực ra vẫn sống.
Lý do mà nhiều người tin và chia sẻ những tin như thế này là họ không còn tin vào truyền thông chính thống và chỉ muốn tin vào những gì hợp với niềm tin sẵn có của họ.Báo New York Times nói chỉ có 13% số người thuộc phe ông Trump tin vào truyền thông, giảm từ mức 25% của năm 2015. Trong cùng giai đoạn những người thuộc phe thiên tả tin vào truyền thông lại tăng từ 35% lên 39%.
Nhiều người hâm mộ ông Trump hiển nhiên sẽ chọn tin vào những gì ông nói. Điều này một lần nữa cho thấy độ khả tín của nguồn tin đã mất đi tầm quan trọng đối với nhiều người. Họ tin vào điều họ muốn tin hơn là độ khả tín của thông tin, nhất là khi thông tin này đi ngược với cảm xúc và niềm tin của họ.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 18/11/2020
**************************
Đảng Dân chủ đã thất bại
Ngô Nhân Dụng, VOA, 17/11/2020
Trong cuộc bỏ phiếu ngày 3/11/2020 ông Joe Biden có thể được 5 triệu phiếu nhiều hơn ông Donald Trump. Nhưng đảng Dân chủ mất một số ghế ở Hạ viện, không chiếm được Thượng viện (nếu cuộc tranh cử thượng nghị sĩ ở Georgia thất bại). Điều này cho thấy nhiều người không bỏ phiếu cho Tổng thống Trump nhưng vẫn ủng hộ các ứng cử viên Cộng hòa. Cũng vì thế, đa số nghị viện các tiểu bang vẫn nằm trong tay đảng Cộng hòa. Đó là cơ quan quyết định việc phân chia lại các đơn vị bầu cử trong 10 năm tới để chiếm thêm lợi thế.
Đảng Dân Chủ rất khó bắt những người như Nghị sĩ Bernie Sanders và Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez giữ im lặng !
Gần một nửa số người bỏ phiếu cho ông Joe Biden cho biết một lý do chính là họ không thích ông Donald Trump. Như vậy thì số phiếu ủng hộ đảng Dân chủ có thể sẽ xuống nếu sau này ông Trump không ứng cử nữa.
Tại sao Đảng Dân chủ đã thất bại ở quốc hội và các nghị viện tiểu bang, mặc dù các ứng cử viên Dân chủ gây quỹ được nhiều hơn ở hầu hết các nơi ? Một lý do là nhiều người Mỹ nghi ngại khuynh hướng "cực tả" đảng lên cao trong đảng Dân chủ.
Tại tiểu bang Florida, ông Biden thua phiếu ông Trump ; và đảng Dân chủ đã mất hai ghế dân biểu. Kết quả này phần lớn do ảnh hưởng của những trang mạng nhắm vào các cử tri gốc Cuba và Venezuela. Họ liên tiếp gán cho ông Biden nhãn hiệu "xã hội chủ nghĩa" hoặc "cộng sản" mặc dù ông đã nhiều lần nói rằng ông đã đánh bại ông Sanders, một người tự nhận là theo chủ nghĩa xã hội. Người Việt Nam ở California, Texas hay Georgia cũng nghiêng về phía đảng Cộng hòa vì không thể chịu được những chữ "chủ nghĩa xã hội" và "cộng sản".
Trong thực tế, không ứng cử viên Dân chủ nào tranh cử với nhãn hiệu "xã hội chủ nghĩa". Không ai vận động "bỏ ngân sách cảnh sát" (defund the police), mà ông Biden chính thức bác bỏ khẩu hiệu này ngay từ đầu. Nhưng hình ảnh "cực tả" đã dính vào cả đảng Dân chủ, khó lòng rửa sạch.
Trong Đảng Dân chủ đang có cuộc tranh cãi ai gây ra tình trạng đó. Bà Abigail Spanberger, mới đắc cử lại ở tiểu bang Virginia đã chỉ trích bà Alexandria Ocasio-Cortez, một người có khuynh hướng "xã hội chủ nghĩa theo lối Bắc Âu" là người gây nên nông nỗi này.
Đảng Dân chủ có thể tự an ủi rằng bà Alexandria Ocasio-Cortez, 31 tuổi, mang nhãn hiệu chủ nghĩa xã hội nhưng vẫn tái đắc cử, vượt xa đối thủ với 38 phần trăm số phiếu. Như vậy có ky vọng rằng hình ảnh cực tả cũng không khiến họ mất ghế trong quốc hội và các nghị viện tiểu bang trong tương lai.
Nhưng đó là một ảo tưởng. Vì đơn vị Queens, New York, của bà Cortez là một khu đô thị không tiêu biểu cho những đơn vị bầu cử quốc hội và nghị viện tiểu bang trong toàn thể nước Mỹ. Ngược lại, chính sự thành công của bà Cortez ở đó là một dấu hiệu đáng lo cho đảng Dân chủ về lâu về dài.
Các cuộc bỏ phiếu năm 2016 và năm 2020 cho thấy một chiều hướng chính trị rõ rệt ở Mỹ : Các vùng đô thị và vùng nông thôn bỏ phiếu khác nhau, có thể nói là đối nghịch với nhau. Đảng Cộng hòa chiếm được các vùng "nông thôn" và đảng Dân chủ làm chủ các vùng đô thị.
Tuần báo The Economist mới ghi nhận kết quả cuộc bỏ phiếu trong các vùng nông thôn và đô thị ở Mỹ trong cuộc bầu cử năm nay, so với bốn năm trước.
Trong kỳ bầu cử năm 2016, ở những quận với tỷ lệ dân sống ở đô thị thấp nhất (the least urbanised counties) ông Trump chiếm 32% số phiếu nhiều hơn bà Clinton ; năm nay ông vẫn vượt qua ông Biden 33%, cho thấy tỷ số ủng hộ đảng Cộng hòa lên mà không xuống. Đó là những nơi mật độ dân số thấp nhất (the bottom 20% of counties by population density), chứng tỏ phần lớn người ta sống trong các nông trại.
Ngược lại, ở các quận đã đô thị hóa nhiều nhất, với mật độ dân số cao nhất (the top 20%), thì năm nay bỏ phiếu cho ông Biden 29% nhiều hơn ông Trump. Năm 2016 bà Clinton chỉ vượt qua ông Trump được 25%.
Hình ảnh trên cho thấy ở những vùng đô thị, mật độ dân số cao, người ta ủng hộ các ứng cử viên Dân chủ hơn Cộng hòa. Ngược lại, ở các vùng nông thôn, mật độ dân số thấp thì Cộng hòa chiếm ưu thế.
Điều đáng lo ngại cho đảng Dân chủ là khuynh hướng đô thị hóa sẽ ngày càng gia tăng, ở hầu hết các tiểu bang ở Mỹ. Những cử tri ủng hộ đảng Dân chủ càng ngày càng kéo đến các vùng đô thị, đó là những trẻ, người tốt nghiệp đại học và các người Mỹ gốc thiểu số. Vùng nông thôn phần lớn là người da trắng, không tốt nghiệp đại học. Hiện tượng này gây ra hai hậu quả.
Thứ nhất, các đơn vị bầu cử chọn những đại biểu quốc hội hay nghị viện tiểu bang trong các vùng nông thôn sẽ càng ngày càng đông cử tri Cộng hòa hơn, còn các đơn vị ở đô thị sẽ đông cử tri bầu đảng Dân chủ hơn. Ở đô thị, đảng Dân chủ sẽ thắng thế, dù đã chiếm đa số rồi ; trong khi số người ủng hộ họ ở các vùng nông thôn giảm bớt. Do đó, số ghế trong quốc hội nghiêng về phía Cộng hòa sẽ gia tăng ở các vùng nông nghiệp và các thị xã nhỏ.
Thứ hai, các ứng cử viên tổng thống Dân chủ còn có thể mất nhiều phiếu cử tri đoàn. Vì tình trạng đô thị hóa cũng đưa nhiều cử tri ủng hộ đảng Dân chủ đổi chỗ ở, từ các tiểu bang vùng Trung Tây chuyên về nông nghiệp đi xuống các thành phố lớn ở miền Nam. Như chúng ta đã thấy, nhiều tiểu bang ở đó trước đây vẫn nghiêng về phía đảng Dân chủ đang có thể chuyển qua Cộng hòa. Các tiểu bang Ohio và Iowa, trước đây được coi là "nghiêng ngửa" không nhất thiết thuộc đảng nào, ngày nay có vẻ sẽ hoàn toàn thuộc đảng Cộng hòa. Nếu tình trạng này tiếp tục, đảng Dân chủ có thể sẽ mất thêm số phiếu cử tri đoàn ở nhiều tiểu bang Trung Tây chuyên về nông nghiệp.
Trong cuộc bỏ phiếu ngày 3 tháng 11 vừa qua, ông Biden lật ngược thế cờ, chiếm lại các tiểu bang vùng Trung Tây mà cho ông Trump chiếm được năm 2016. Nhưng ông thắng ông Trump ở những nơi này chỉ nhờ khoảng tổng cộng 100.000 phiếu. Tại Wisconsin, số phiếu mà ông Biden thắng chỉ dưới 1 phần trăm.
Tóm lại, cuộc bỏ phiếu ngày 3 tháng 11 vừa qua cho thấy dấu hiệu đáng lo ngại cho tương lai đảng Dân chủ, dù họ có chiếm được Tòa Bạch Ốc và vẫn nắm giữ Hạ viện. Muốn lật ngược thế cờ, trong bốn năm tới đảng Dân chủ sẽ phải gột rửa nhãn hiệu "cực tả", cải chính quyết liệt rằng họ không theo chủ nghĩa xã hội ! Việc đó không dễ dàng vì rất khó bắt những người như Nghị sĩ Bernie Sanders và Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez giữ im lặng !
Dân biểu Abigail Spanberger yêu cầu trong hai năm tới, trước kỳ bầu cử quốc hội 2022, các nhà chính trị đảng Dân chủ sẽ không bao giờ nói đến "chủ nghĩa xã hội" nữa. Phải cố xóa bỏ hình ảnh "cực tả" đang dính vào mình ! Nếu ông Joe Biden làm tổng thống thì ông sẽ phải tạo ra một hình ảnh mới ; với một chính quyền chỉ lo các vấn đề thiết thực, không cần nói đến chủ nghĩa nào cả. Muốn vậy, chính quyền Dân chủ sẽ phải đưa ra những dự luật, những chính sách chỉ làm sao cho ích lợi thực tế cho đa số dân Mỹ.
Tuy nhiên, khi Thượng viện Mỹ vẫn do đảng Cộng hòa chiếm đa số thì ông Joe Biden cũng khó làm ăn. Ngay việc bổ nhiệm các bộ trưởng trong chính phủ mới cũng phải qua cánh cửa mà người nắm chìa khóa là ông Mitch McConnell, trưởng khối Cộng hòa trong Thượng viện.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 17/11/2020