Tháng Hai năm 1956, ba năm sau khi Stalin mất, tham luận của Bí thư Nikita Khrushchev trong ngày cuối cùng Đại hội Đảng cộng sản Liên Xô lần thứ 20 là một quả bom bất ngờ, làm sững sờ những đảng viên và một quốc gia cộng sản. Trong bản tham luận mật có tựa "Tệ sùng bái cá nhân và những hệ lụy của nó", Khrushchev nêu đích danh Stalin cùng tệ sùng bái cá nhân, biến lãnh đạo thành những nhân vật siêu phàm và siêu nhiên như thần thánh là điều không chấp nhận được.
"Tệ sùng bái cá nhân và những hệ lụy của nó", Khrushchev nêu đích danh Stalin cùng tệ sùng bái cá nhân, biến lãnh đạo thành những nhân vật siêu phàm và siêu nhiên như thần thánh là điều không chấp nhận được.
Khác với sự ngưỡng mộ, yêu thích giới ca sĩ, thể thao hay những nhân vật đặc biệt, các doanh gia thành đạt, khái niệm và cụm từ "sùng bái cá nhân" (cult of personality) nghiêng về hiện tượng sùng bái lãnh tụ trong ý nghĩa chính trị được nhắc lại nhiều hơn trong xã hội hiện đại từ sau tham luận này của Khrushchev, cho dù nó đã từng hiện hữu trước kia.
Bịnh sùng bái lãnh tụ phổ biến trong các quốc gia độc tài và cộng sản khi một chiến dịch tuyên truyền và báo chí nằm trong tay nhà cầm quyền để tô vẽ, thần thánh hóa các nhân vật được tôn thờ. Nó xa lạ với các quốc gia phương Tây và càng xa lạ hơn ngay tại Mỹ, khi các lãnh tụ và chính khách chẳng được người dân mấy gì ưu ái và truyền thông không phải công cụ để chính phủ sử dụng cho mục đích tuyên truyền. Nơi công cộng không hề có ảnh lãnh tụ, ngoại trừ những bảng quảng cáo chính trị.
Mặt khác, với nhiệm kỳ có thời hạn cùng bản hiến pháp giới hạn vai trò và quyền lực của một tổng thống Hoa Kỳ, người dân Mỹ chưa bao giờ xem tổng thống là vị cứu tinh trọn đời của nước Mỹ. Bởi được đánh giá là tài ba hay thất bại, các nhiệm kỳ và chính sách tổng thống cũng mang tính giai đoạn, có thể hoàn toàn bị đảo ngược ở đời kế nhiệm như những gì người ta đã thấy.
Hiện tượng sùng bái và cuồng mê Donald Trump ra đời cũng qua những điều kể trên.
Kể từ khi Donald Trump nắm quyền trong bốn năm qua thì điều này đã hoàn toàn thay đổi trong văn hóa Mỹ. Nó không phải là một chọn lựa cá nhân ngẫu nhiên mà có ảnh hưởng từ tính chất và chiến lược nguy hiểm của sự tôn vinh sùng bái cá nhân. Các nghiên cứu về tệ nạn này đã chỉ ra rằng khi một cá nhân hay thể chế sử dụng kỹ thuật cùng phương tiện truyền thông đại chúng, các chiến dịch tuyên truyền, sự dối trá, tinh thần yêu nước... để tạo ra hình ảnh lý tưởng, anh hùng, thần tượng hóa lãnh tụ thì có thể tạo ra sự sùng bái số đông.
Hiện tượng sùng bái và cuồng mê Donald Trump ra đời cũng qua những điều kể trên. Nhưng điều này dường như là sự trùng hợp vì nó đánh đúng vào chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cá nhân vị kỷ cùng tinh thần thượng đẳng và bài ngoại của một nhóm Mỹ trắng đang cảm thấy mất mát quyền lực trước xã hội Hoa Kỳ ngày càng đa chủng tộc và đa văn hóa, hơn là nhờ vào chính con người của Trump.
Cho dù Donald Trump đánh đồng lòng trung thành và sự ủng hộ mình là sự trung thành và yêu nước, điều tương tự ở các thể chế độc tài và được người cuồng Trump tin theo nhưng Trump là một hình tượng thô nhám, chưa được gọt rửa trong văn minh và văn hóa Mỹ. Khả năng và tính cách dung tục, gian manh và ích kỷ không che đậy lại thu hút được đông đảo người ủng hộ bởi nó cho họ có được một đồng minh, lãnh tụ đúng như con người và suy nghĩ của họ.
Phải ghi nhận đây là trường hợp hiếm hoi trong lịch sử và văn hóa Mỹ, bởi như đã nói trên, người Mỹ chưa từng bị những cuộc tẩy não cưỡng ép hay tự nguyện để sùng bái cá nhân quá độ như tại các quốc gia cộng sản. Tuy nhiên những lý do nhóm Mỹ trắng ủng hộ là điều dễ hiểu và được từng được phân tích nhiều, chỉ có sự ủng hộ Trump trong cộng đồng Việt từ trong nước ra đến hải ngoại là điều khó giải thích hơn. Bởi người Việt tại Mỹ cũng là người di dân, là đối tượng bị kỳ thị và chưa bao giờ thuộc về nhóm da trắng thượng đẳng, ngoại trừ mang cùng chủ nghĩa vị kỷ và sự hung hăng giống họ. Còn với người Việt trong nước, chính Trump cũng có thể không biết đến hay không quan tâm tuồng lên đồng "ăn mày chính trị" này vì nó hoàn toàn vô giá trị.
Trên thực tế, nhiều người gốc Việt tại Mỹ mê Trump sống quần tụ trong cộng đồng và bị trở ngại ngôn ngữ, xa lạ với văn hóa Mỹ thì có lẽ phần lớn chỉ loáng thoáng nghe tên hay biết sơ sài về Donald Trump trước kia. Nhiều người tự thú nhận chưa từng thực hiện bổn phận công dân của mình. Nhưng bốn năm qua, trong khi quả có một số người Việt nhẹ dạ, vô tình bị dẫn dắt bởi những nguồn tin bịa đặt, còn thì lắm kẻ bỗng nhiên trở nên cuồng tín, "bảo hoàng hơn vua", không thua kém những kẻ quá khích trong cộng đồng bản xứ. Họ giành chính nghĩa và tinh thần yêu nước về mình. Nhưng có phải vậy ?
Khi phủ nhận một nước Mỹ với nhiều đời tổng thống tiền nhiệm, khi phủ nhận hiến pháp và cơ cấu pháp luật, nền tảng dân chủ, phủ nhận các hệ thống cùng sự vận hành công quyền của nước Mỹ thì rốt cuộc lại, họ chỉ tôn sùng và cuồng mê mỗi Donald Trump, cho dù ngụy biện bằng bất cứ lý do gì đưa ra. Hay không quá lời là họ đã phản bội lại chính nước Mỹ, nơi đã từng cưu mang và giúp gia đình họ tạo dựng sự ổn định hay thành công trên xứ người trong vài chục năm qua. Đến hôm nay, không ít người cuồng Trump gốc Việt vẫn còn bám víu thuyết QAnon không tưởng, khi tin Donald Trump sẽ trở thành tổng thống vào ngày 4 tháng Ba tới.
Đại hội chính trị những người bảo thủ CPAC tại Florida vào cuối tuần này vốn quy tụ những nhân vật bảo thủ quan trọng của đảng Cộng hòa trước kia, thì lần này được xem là nơi tập trung những kẻ trung thành với Donald Trump. Họ tìm kiếm cách đưa Trump hay gia đình ông ta quay lại chính trường Hoa Kỳ để làm một cuộc thanh trừng, trả thù trong tương lai. Cơ hội và tính khả thi là câu chuyện khác nhưng nó cho thấy việc sùng bái Trump vẫn còn mạnh mẽ, không dễ dàng biến mất.
Phong trào bài Lenin, Stalin không phải dễ dàng, nó kéo dài qua nhiều thập niên tại Liên Xô hay nước Nga sau này. Hiện tượng Donald Trump chắc chắn sẽ còn là một đề tài phân tích sâu hơn cho những nhà lịch sử và xã hội học trong tương lai. Và nó càng cần thiết hơn với người Việt Nam nói riêng bởi đây là một điều đáng xấu hổ và cản trở bước tiến thế hệ tiếp nối trong lịch sử cộng đồng gốc Việt tại Hoa Kỳ.
Nhã Duy
(27/02/2021)
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua cho thấy rất rõ là có quá nhiều người Việt trong và ngoài nước ủng hộ ông Donald Trump.
Có quá nhiều người Việt trong và ngoài nước ủng hộ ông Donald Trump - Ảnh minh họa
Ngay cả giới đấu tranh người Việt không thúc đẩy liên kết với các phong trào bên ngoài, tạo sự chú ý với truyền thông quốc tế. Thay vào đó họ tập trung vào ủng hộ ông Trump... và lên án truyền thông.
Họ gồm các giáo sư, nhà khoa học khả kính, đến doanh nhân, quan chức, luật sư, tu sĩ, kỹ sư, nhà báo, giáo viên, nông dân…đều muốn một Việt Nam có dân chủ, nhân quyền.
Số nhà hoạt động, đấu tranh nổi trội trong nước không đồng ý với cách làm của ông Donald Trump chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Khi kết quả bầu cử Tổng thống phần thắng đang thuộc về Joe Biden đã được quyết định bởi đa số cử tri Mỹ.
Tuy nhiên, với đa số người Việt ủng hộ ông Donald Trump, không chấp nhận sự thật là ông Joe Biden đã thắng.
Họ đồng tình với những cáo buộc của Tổng thống thứ 45 qua những dòng tweet, thông tin thiếu chứng cứ từ đội ngũ luật sư ông và người ủng hộ tại Mỹ.
Trên mạng xã hội tiếng Việt, tôi thấy quá nhiều tin tức không đúng sự thật, bằng chứng giả về bầu cử Mỹ mà Donald Trump nói đã khiến ông thất bại hơn trên các trang tiếng Anh.
Việc lan truyền thông tin sai lệch tràn lan qua Facebook, Twitter và công cụ truyền thông khác đã góp phần đáng kể vào sự ngưỡng mộ mạnh mẽ của người Việt đối với ông Trump, phản đối ông Biden và ngược lại.
Người Việt dường như đang tự đầu độc lẫn nhau bằng những tin giả để 'bơm' ông Trump lên thành lãnh tụ. Bởi ông làm hài lòng ước muốn của họ.
'Donald Trump là niềm hy vọng'
Hồi cuối tháng Ba năm nay tôi bị một nhà hoạt động chuyên nghiệp người Việt, có tiếng tại Mỹ hủy tình trạng bạn trên Facebook. Lý do, tôi có những bài viết, phát biểu phê phán Tổng thống Donald Trump về cách ông xử lý dịch bệnh Covid 19.
Anh ta nói, "Tại sao trên Facebook của tôi lại có một người bạn chống Tổng thống Donald Trump như tay này. Vì chỉ có Trump mới đem lại tự do, dân chủ cho Việt Nam, giúp Việt Nam thoát Trung".
Trước đó, qua những bài viết của tôi, anh là người đã chủ động liên lạc. Chúng tôi đã nhiều lần nói chuyện qua tin nhắn, gọi điện và email cho nhau.
Anh nhiều lần mời tôi tham gia các buổi hội thảo trực tuyến với tham dự viên ở Mỹ và tại Việt Nam do anh chủ trì. Và tôi đã tham dự một buổi như thế.
Qua mạng xã hội, các bài báo, và trực tiếp nói chuyện với nhiều cá nhân hoạt động dân chủ người Việt trong và ngoài nước, tôi thấy đa số hy vọng vào vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ sẽ đem lại tự do, dân chủ, thoát Trung cho Việt Nam.
Liệu đây là sự đặt cược lầm ?
Cho đến ngày hôm nay, không có dấu hiệu cho thấy ông Trump thể hiện quan tâm đến vấn đề dân chủ, nhân quyền.
Bốn năm ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump hai lần đến Việt Nam. Nhưng ông chưa một lần gặp gỡ các nhà đấu tranh, hoạt động tại đất nước vẫn bị chính quyền của Đảng Cộng sản kiềm kẹp để khích lệ, truyền cảm hứng, niềm tin cho họ.
Trong những năm Donald Trump làm Tổng thống Mỹ, đó là khoảng 'thời gian vàng' chính quyền Việt Nam gia tăng bắt bớ các nhà đấu tranh cho dân chủ.
Người bị bắt bị xử với những bản án nặng hơn so với thời gian trước. Chưa một lần chính phủ của Donald Trump 'tuýt còi' Việt Nam từ cấp cao nhất về vấn đề này.
Tuy nhiên, điều này không làm rơi rụng sự ủng hộ của các cổ động viên tại Việt Nam dành cho ông Trump. Phải chăng đa số người đấu tranh tại Việt Nam không nhìn thấy những điều khác ngoài?
Điều này hoàn toàn khác với hoạt động của những nhà đấu tranh tại Hong Kong hay Thái Lan hiện nay.
Trong khi người đấu tranh tại Hong Kong, Thái Lan, cùng với Đài Loan tạo ra Liên minh Trà Sữa. Đây là liên minh đấu tranh với với việc bóp nghẹt các quyền về tự do, dân chủ tại Hong Kong, Thái Lan và sự can thiệp thô bạo của Trung Quốc.
Sự căng thẳng tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ gần đây đã kéo thêm sự tham gia của nhiều thành viên từ Ấn Độ vào Liên minh Trà Sữa.
Liên minh Trà Sữa tạo ra để ủng hộ, liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, tranh thủ được truyền thông, tạo được tiếng vang trên thế giới. Họ không trông cậy vào TT Trump mà kêu gọi báo chí Phương Tây giúp đỡ.
Xét ra, nếu coi đấu tranh với hoạt động chính trị độc tài trong nước, chống sự hung hăng của Trung Quốc là những vấn đề xứng đáng cho Việt Nam thì giới đấu tranh cho Việt Nam cần tham gia vào liên minh này của các xứ sở láng giềng.
Nhưng những tháng qua, đây không phải là mối quan tâm của giới đấu tranh người Việt.
Bởi những người hoạt động sôi nổi nhất vẫn còn ồn ào với bầu cử tại Mỹ, bận rộn với sự loan truyền những thông tin thiếu chứng cứ để ủng hộ ông Donald Trump.
Nhìn vào sự ủng hộ tôi thấy các nhà đấu tranh người Việt đầu tư vào niềm tin rằng ông Donald Trump sẽ bằng cách nào đó đem lại tự do, dân chủ cho Việt Nam.
Trump đem lại lợi ích cho Hà Nội
Trên thực tế thì chính quyền trong nước còn có lý do chính đáng hơn để ủng hộ Tổng thống thứ 45 của Mỹ. Bởi cách làm của ông Donald Trump đem lại quá nhiều lợi thế cho chính quyền Việt Nam.
Việc tăng thuế hàng hóa từ Trung Quốc, và chi phí sản xuất tại quốc gia này không còn hấp dẫn khiến nhiều doanh nghiệp tìm cách di dời sản xuất và Việt Nam đang có sức thu hút.
Cách làm của ông Donald Trump đem lại quá nhiều lợi thế cho chính quyền Việt Nam.
Đương kim chủ nhân Nhà Trắng không quan tâm đến các vấn đề nhân quyền. Việt Nam được 'tự do trước mắt chính phủ của Trump' về vấn đề này.
Ông Trump còn làm tăng uy tín của chính quyền độc đảng ở Việt Nam qua việc muốn làm trung gian xuất khẩu mô hình Việt Nam cho Bắc Hàn khi ông chọn Hà Nội làm nơi họp Hội nghị Mỹ - Bắc Triều Tiên với Kim Jong-un lần hai đầu năm 2019.
Đồng cảm, giải tỏa ức chế cho người Việt
Nhưng nhiều người Việt ủng hộ Tổng thống Donald Trump vì ông thể hiện thái độ chống Trung Quốc một cách mạnh mẽ, thô bạo... qua các phát biểu đầy mâu thuẫn.
Do đó, việc có nhiều người Việt Nam yêu thích Trump là tình cảm theo phản ứng tự nhiên bởi thái độ thù ghét Trung Quốc - quốc gia từ hàng nghìn năm nay bị họ coi là kẻ thù ngay sát nách, thường xuyên.
Cách làm của Trump giúp người Việt cảm thấy được đồng cảm, giải tỏa được sự ức chế trước sự hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông trong thế yếu của nhà nước Việt Nam chỉ "quan ngại", "phản đối" bằng miệng.
Bởi thế, không quá lạ kết quả khảo sát ba tờ báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, VnExpress của Việt Nam, có từ 78 - 80% người Việt ủng hộ Donald Trump tiếp tục thêm một nhiệm kỳ.
Người bất đồng với chế độ tại Việt Nam thấy sướng cả người khi Trump lên án chủ nghĩa xã hội trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Nhưng các nước độc tài cánh tả này chẳng sứt mẻ thêm sau lời phát biểu của ông Trump. Vì ông ấy nói cũng chỉ toàn chuyện thiên hạ biết cả rồi.
Theo anh Trần Bang, một nhà hoạt động trong nước, thì người ta tin ông Trump vì "Lời phát biểu của Trump trọng lượng hơn hàng triệu bài viết của những người khác".
Anh Bang cho rằng thế giới đang bị Trung Quốc lũng đoạn. Do đó, việc Trump rút Mỹ ra khỏi các định chế quốc tế là cần thiết. Trump rút ra để xây dựng lại cái khác nghiêm túc hơn.
Vậy nước Mỹ trên hết của Donald Trump để vào đâu ?
Quá nhiều người Việt suy nghĩ đơn giản rằng cách đánh của Trump sẽ khiến cho Trung Quốc sụp đổ.
Họ quên mất Trung Quốc bây giờ là cường quốc thứ hai về tài chính, sản xuất, công nghệ, quân sự, có sự ràng buộc về kinh tế, an ninh với nhiều quốc gia. Càng không thể làm cho Trung Quốc sụp đổ theo kiểu tùy hứng như Trump.
Trung Quốc sụp đổ, chế độ Việt Nam sụp đổ theo, lại một hy vọng sai lầm khác.
Chính quyền Việt Nam hiện nay không quá lệ thuộc vào Trung Quốc như hai chục năm trước đây. Họ đã có mối liên hệ khăng khít về kinh tế, chính trị, chiến lược với hàng loạt quốc gia từ cường quốc đến trung bình, cả dân chủ lẫn độc tài.
Ông Joe Biden sẽ chính thức trở thành tân Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1 tới. Sự cứng rắn với Trung Quốc của chính quyền dưới tay ông vẫn tiếp tục.
Việc bôi nhọ ông Joe Biden, miệt thị đảng Dân Chủ của nhiều người Việt đang tự đưa họ vào thế việt vị.
Bởi Việt Nam vẫn là đối tác hàng đầu của Mỹ tại Châu Á trong việc đối phó với Trung Quốc.
Vẫn còn là dấu hỏi cho việc chính phủ của ông Joe Bien có đưa Mỹ trở lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay không.
Nhưng tôi vẫn luyến tiếc, nếu Mỹ vẫn ở trong hiệp định TPP (đã được đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), thì liệu Trung Quốc có thể có được Hiệp định Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vừa mới được ký hết để áp đặt luật chơi của mình hay không?
Nhìn vào sự ủng hộ cho Donald Trump, tôi thấy không ít người trong dân Việt chúng ta vẫn thích 'bùa mê', tin tưởng cuồng nhiệt vào thuyết âm mưu hơn sự thật. Họ sẵn sàng phê phán, chửi bới những người không cùng quan điểm mà quên rằng khi quá dựa dẫm vào thế lực nước ngoài, hoặc để thỏa mãn cảm xúc trước mắt, họ dễ quên đi lợi ích lâu dài cho đất nước.
Võ Ngọc Ánh
Nguồn : BBC, 26/11/2020
Ông Võ Ngọc Ánh, sinh sống tại thành phố Tacoma, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ.
Ai, tin vào điều gì, trong một cuộc bầu cử ?
Nguyễn Hùng, VOA, 18/11/2020
Điều rõ ràng có thể thấy qua cuộc bầu cử tổng thống 2020 ở Hoa Kỳ là có rất nhiều người Việt bao gồm cả các nhà hoạt động vì dân chủ coi Tổng thống Donald Trump là người hùng hay thần tượng của mình.
Tuần hành ủng hộ Tổng thống Trump tại D.C.
Người Việt nhìn thấy ở ông một tỷ phú có vợ đẹp, con khôn, cá tính mạnh mẽ và là người vì họ mà đấu tranh, dù là trước các thể chế họ cho là vô dụng hay trước một Trung Quốc đang hung hăng trỗi dậy.
Và họ sẵn sàng xem nhẹ các vấn đề khác, như trái đất nóng dần lên, hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương TTP…
Nhưng rõ ràng ông Trump đã thuyết phục được các ủng hộ viên của ông về hình ảnh một thế giới khác, trong đó ông đương đầu với nhiều thế lực đang chống lại ông và những điều ông theo đuổi. Con số trên 72 triệu cử tri bỏ phiếu với hy vọng đem đến cho đương kim tổng thống một nhiệm kỳ nữa cho thấy ông Trump đã khá thành công trong chiến dịch tạo ra niềm tin vào tương lai.
Cho đến thời điểm này, mặc báo giới đã xướng danh "tổng thống tân cử" Biden, ông Trump vẫn chưa chấp nhận thua cuộc, vì theo ông, cuộc bầu cử có quá nhiều gian lận.
Bầu cử ‘an toàn nhất’
Chính các cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức và bảo vệ an toàn bầu cử hôm 12/11 đã đưa ra tuyên bố hoàn toàn ngược lại với những gì vị tổng thống đã nói.
Tuyên bố của Cơ quan An ninh Mạng và An ninh Hạ tầng, Hội Bộ trưởng Nội vụ Tiểu bang, tức những người giám sát bầu cử cùng một loạt các tổ chức khác viết :
"Cuộc bầu cử hôm 3/11 là an toàn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ…
"Tất cả các bang với kết quả sít sao trong cuộc tranh cử tổng thống 2020 có hồ sơ giấy của từng phiếu bầu, cho phép quay lại và đếm từng lá phiếu nếu cần".
Thông báo còn im đậm câu : "Không có bằng chứng về chuyện có bất kỳ hệ thống bỏ phiếu nào bị xóa hay mất phiếu bầu, thay đổi phiếu, hoặc bị phương hại bằng bất kỳ hình thức nào".
Tuyên bố này gián tiếp nói rằng gian lận trong bầu cử hay thay đổi kết quả bầu cử là chuyện bất khả thi.
‘Chắc chắn tôi vẫn sống’
Một trong những tin đồn được tung đi khắp nơi là nhiều người chết đã bỏ phiếu cho ông Joe Biden. Các phóng viên của BBC đã lấyvài chục người từ danh sách được cho là 10.000 người chết vẫn bỏ phiếu ở Michigan và thấy rằng nhiều người vẫn còn sống. Một trong số họ, nhà giáo đã nghỉ hưu Roberto Garcia, nói với BBC : "Chắc chắn tôi vẫn sống và chắc chắn tôi bỏ phiếu cho ông Biden – tôi phải chết rồi mới đi bỏ phiếu cho Trump".
BBC cũng nói họ tìm thấy một cụ bà đã 100 tuổi mà theo danh sách đã chết từ năm 1982. Tuy nhiên bà vẫn sống và hiện đang ở trong một nhà dưỡng lão ở Michigan.
Trong số hơn 30 người mà BBC chọn để kiểm tra, có ba người quả thực đã chết, một người cách đây vài tuần và hai người đã khá lâu. Đối với trường hợp cụ bà mới qua đời cách đây vài tuần, BBC không xác định được phiếu của bà có được kiểm không. Các quan chức bầu cử nói họ thường so sánh danh sách người đi bầu với danh sách đăng ký khai tử để loại ra những phiếu mà người gửi đi sau đó qua đời.
Đối với hai người đàn ông qua đời đã lâu, BBC phát hiện rằng hai người con trai của hai ông có cùng tên với bố và sống ở cùng địa chỉ. Tuy nhiên trong cả hai trường hợp phiếu bầu đã được gửi cho người bố đã mất. Các quan chức bầu cử nói một trong hai phiếu đã được kiểm nhưng trong trường hợp đó họ không thấy phiếu của người con. Còn trong trường hợp còn lại, thực ra chính người con đã bỏ phiếu nhưng lỗi nhập dữ liệu đã ghi là của người bố cùng tên.
BBC cho rằng những người ủng hộ ông Trump đã lấy dữ liệu bầu cử của một bang để so sánh với dữ liệu người chết trên toàn quốc. Khả năng có những người trùng tên và trùng tháng sinh trên toàn quốc là nhiều và đó là lý do giải thích tại sao nhiều người được cho là đã chết và vẫn đi bầu thực ra vẫn sống.
Lý do mà nhiều người tin và chia sẻ những tin như thế này là họ không còn tin vào truyền thông chính thống và chỉ muốn tin vào những gì hợp với niềm tin sẵn có của họ.Báo New York Times nói chỉ có 13% số người thuộc phe ông Trump tin vào truyền thông, giảm từ mức 25% của năm 2015. Trong cùng giai đoạn những người thuộc phe thiên tả tin vào truyền thông lại tăng từ 35% lên 39%.
Nhiều người hâm mộ ông Trump hiển nhiên sẽ chọn tin vào những gì ông nói. Điều này một lần nữa cho thấy độ khả tín của nguồn tin đã mất đi tầm quan trọng đối với nhiều người. Họ tin vào điều họ muốn tin hơn là độ khả tín của thông tin, nhất là khi thông tin này đi ngược với cảm xúc và niềm tin của họ.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 18/11/2020
**************************
Đảng Dân chủ đã thất bại
Ngô Nhân Dụng, VOA, 17/11/2020
Trong cuộc bỏ phiếu ngày 3/11/2020 ông Joe Biden có thể được 5 triệu phiếu nhiều hơn ông Donald Trump. Nhưng đảng Dân chủ mất một số ghế ở Hạ viện, không chiếm được Thượng viện (nếu cuộc tranh cử thượng nghị sĩ ở Georgia thất bại). Điều này cho thấy nhiều người không bỏ phiếu cho Tổng thống Trump nhưng vẫn ủng hộ các ứng cử viên Cộng hòa. Cũng vì thế, đa số nghị viện các tiểu bang vẫn nằm trong tay đảng Cộng hòa. Đó là cơ quan quyết định việc phân chia lại các đơn vị bầu cử trong 10 năm tới để chiếm thêm lợi thế.
Đảng Dân Chủ rất khó bắt những người như Nghị sĩ Bernie Sanders và Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez giữ im lặng !
Gần một nửa số người bỏ phiếu cho ông Joe Biden cho biết một lý do chính là họ không thích ông Donald Trump. Như vậy thì số phiếu ủng hộ đảng Dân chủ có thể sẽ xuống nếu sau này ông Trump không ứng cử nữa.
Tại sao Đảng Dân chủ đã thất bại ở quốc hội và các nghị viện tiểu bang, mặc dù các ứng cử viên Dân chủ gây quỹ được nhiều hơn ở hầu hết các nơi ? Một lý do là nhiều người Mỹ nghi ngại khuynh hướng "cực tả" đảng lên cao trong đảng Dân chủ.
Tại tiểu bang Florida, ông Biden thua phiếu ông Trump ; và đảng Dân chủ đã mất hai ghế dân biểu. Kết quả này phần lớn do ảnh hưởng của những trang mạng nhắm vào các cử tri gốc Cuba và Venezuela. Họ liên tiếp gán cho ông Biden nhãn hiệu "xã hội chủ nghĩa" hoặc "cộng sản" mặc dù ông đã nhiều lần nói rằng ông đã đánh bại ông Sanders, một người tự nhận là theo chủ nghĩa xã hội. Người Việt Nam ở California, Texas hay Georgia cũng nghiêng về phía đảng Cộng hòa vì không thể chịu được những chữ "chủ nghĩa xã hội" và "cộng sản".
Trong thực tế, không ứng cử viên Dân chủ nào tranh cử với nhãn hiệu "xã hội chủ nghĩa". Không ai vận động "bỏ ngân sách cảnh sát" (defund the police), mà ông Biden chính thức bác bỏ khẩu hiệu này ngay từ đầu. Nhưng hình ảnh "cực tả" đã dính vào cả đảng Dân chủ, khó lòng rửa sạch.
Trong Đảng Dân chủ đang có cuộc tranh cãi ai gây ra tình trạng đó. Bà Abigail Spanberger, mới đắc cử lại ở tiểu bang Virginia đã chỉ trích bà Alexandria Ocasio-Cortez, một người có khuynh hướng "xã hội chủ nghĩa theo lối Bắc Âu" là người gây nên nông nỗi này.
Đảng Dân chủ có thể tự an ủi rằng bà Alexandria Ocasio-Cortez, 31 tuổi, mang nhãn hiệu chủ nghĩa xã hội nhưng vẫn tái đắc cử, vượt xa đối thủ với 38 phần trăm số phiếu. Như vậy có ky vọng rằng hình ảnh cực tả cũng không khiến họ mất ghế trong quốc hội và các nghị viện tiểu bang trong tương lai.
Nhưng đó là một ảo tưởng. Vì đơn vị Queens, New York, của bà Cortez là một khu đô thị không tiêu biểu cho những đơn vị bầu cử quốc hội và nghị viện tiểu bang trong toàn thể nước Mỹ. Ngược lại, chính sự thành công của bà Cortez ở đó là một dấu hiệu đáng lo cho đảng Dân chủ về lâu về dài.
Các cuộc bỏ phiếu năm 2016 và năm 2020 cho thấy một chiều hướng chính trị rõ rệt ở Mỹ : Các vùng đô thị và vùng nông thôn bỏ phiếu khác nhau, có thể nói là đối nghịch với nhau. Đảng Cộng hòa chiếm được các vùng "nông thôn" và đảng Dân chủ làm chủ các vùng đô thị.
Tuần báo The Economist mới ghi nhận kết quả cuộc bỏ phiếu trong các vùng nông thôn và đô thị ở Mỹ trong cuộc bầu cử năm nay, so với bốn năm trước.
Trong kỳ bầu cử năm 2016, ở những quận với tỷ lệ dân sống ở đô thị thấp nhất (the least urbanised counties) ông Trump chiếm 32% số phiếu nhiều hơn bà Clinton ; năm nay ông vẫn vượt qua ông Biden 33%, cho thấy tỷ số ủng hộ đảng Cộng hòa lên mà không xuống. Đó là những nơi mật độ dân số thấp nhất (the bottom 20% of counties by population density), chứng tỏ phần lớn người ta sống trong các nông trại.
Ngược lại, ở các quận đã đô thị hóa nhiều nhất, với mật độ dân số cao nhất (the top 20%), thì năm nay bỏ phiếu cho ông Biden 29% nhiều hơn ông Trump. Năm 2016 bà Clinton chỉ vượt qua ông Trump được 25%.
Hình ảnh trên cho thấy ở những vùng đô thị, mật độ dân số cao, người ta ủng hộ các ứng cử viên Dân chủ hơn Cộng hòa. Ngược lại, ở các vùng nông thôn, mật độ dân số thấp thì Cộng hòa chiếm ưu thế.
Điều đáng lo ngại cho đảng Dân chủ là khuynh hướng đô thị hóa sẽ ngày càng gia tăng, ở hầu hết các tiểu bang ở Mỹ. Những cử tri ủng hộ đảng Dân chủ càng ngày càng kéo đến các vùng đô thị, đó là những trẻ, người tốt nghiệp đại học và các người Mỹ gốc thiểu số. Vùng nông thôn phần lớn là người da trắng, không tốt nghiệp đại học. Hiện tượng này gây ra hai hậu quả.
Thứ nhất, các đơn vị bầu cử chọn những đại biểu quốc hội hay nghị viện tiểu bang trong các vùng nông thôn sẽ càng ngày càng đông cử tri Cộng hòa hơn, còn các đơn vị ở đô thị sẽ đông cử tri bầu đảng Dân chủ hơn. Ở đô thị, đảng Dân chủ sẽ thắng thế, dù đã chiếm đa số rồi ; trong khi số người ủng hộ họ ở các vùng nông thôn giảm bớt. Do đó, số ghế trong quốc hội nghiêng về phía Cộng hòa sẽ gia tăng ở các vùng nông nghiệp và các thị xã nhỏ.
Thứ hai, các ứng cử viên tổng thống Dân chủ còn có thể mất nhiều phiếu cử tri đoàn. Vì tình trạng đô thị hóa cũng đưa nhiều cử tri ủng hộ đảng Dân chủ đổi chỗ ở, từ các tiểu bang vùng Trung Tây chuyên về nông nghiệp đi xuống các thành phố lớn ở miền Nam. Như chúng ta đã thấy, nhiều tiểu bang ở đó trước đây vẫn nghiêng về phía đảng Dân chủ đang có thể chuyển qua Cộng hòa. Các tiểu bang Ohio và Iowa, trước đây được coi là "nghiêng ngửa" không nhất thiết thuộc đảng nào, ngày nay có vẻ sẽ hoàn toàn thuộc đảng Cộng hòa. Nếu tình trạng này tiếp tục, đảng Dân chủ có thể sẽ mất thêm số phiếu cử tri đoàn ở nhiều tiểu bang Trung Tây chuyên về nông nghiệp.
Trong cuộc bỏ phiếu ngày 3 tháng 11 vừa qua, ông Biden lật ngược thế cờ, chiếm lại các tiểu bang vùng Trung Tây mà cho ông Trump chiếm được năm 2016. Nhưng ông thắng ông Trump ở những nơi này chỉ nhờ khoảng tổng cộng 100.000 phiếu. Tại Wisconsin, số phiếu mà ông Biden thắng chỉ dưới 1 phần trăm.
Tóm lại, cuộc bỏ phiếu ngày 3 tháng 11 vừa qua cho thấy dấu hiệu đáng lo ngại cho tương lai đảng Dân chủ, dù họ có chiếm được Tòa Bạch Ốc và vẫn nắm giữ Hạ viện. Muốn lật ngược thế cờ, trong bốn năm tới đảng Dân chủ sẽ phải gột rửa nhãn hiệu "cực tả", cải chính quyết liệt rằng họ không theo chủ nghĩa xã hội ! Việc đó không dễ dàng vì rất khó bắt những người như Nghị sĩ Bernie Sanders và Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez giữ im lặng !
Dân biểu Abigail Spanberger yêu cầu trong hai năm tới, trước kỳ bầu cử quốc hội 2022, các nhà chính trị đảng Dân chủ sẽ không bao giờ nói đến "chủ nghĩa xã hội" nữa. Phải cố xóa bỏ hình ảnh "cực tả" đang dính vào mình ! Nếu ông Joe Biden làm tổng thống thì ông sẽ phải tạo ra một hình ảnh mới ; với một chính quyền chỉ lo các vấn đề thiết thực, không cần nói đến chủ nghĩa nào cả. Muốn vậy, chính quyền Dân chủ sẽ phải đưa ra những dự luật, những chính sách chỉ làm sao cho ích lợi thực tế cho đa số dân Mỹ.
Tuy nhiên, khi Thượng viện Mỹ vẫn do đảng Cộng hòa chiếm đa số thì ông Joe Biden cũng khó làm ăn. Ngay việc bổ nhiệm các bộ trưởng trong chính phủ mới cũng phải qua cánh cửa mà người nắm chìa khóa là ông Mitch McConnell, trưởng khối Cộng hòa trong Thượng viện.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 17/11/2020
Những ngày này vào FB thấy những lớp sóng người Việt lăn lộn gào thét gọi tên Trump trong nức nở yêu thương như dân Bắc Triều Tiên lăn lộn gào thét gọi tên Kim Jong-un khi Un xuất hiện trước dân Triều.
Dân Little Saigon xuống đường ủng hộ Donald Trump - Ảnh minh họa
Kinh ngạc là trong những tín đồ cuồng tín mê mẩn Trump như dân đạo Hồi cuồng tín, mê mẩn Thánh Allah lại có khá nhiều tên tuổi tưởng là trí thức vì có bằng cấp, học vị cao ngất ngưởng, có danh sang trọng, nhà nọ, nhà kia.
Những người Việt cuồng Trump đều có một chung một ảo tưởng là Trump chống Hán cộng giúp Việt Nam khỏi họa Bắc thuộc, Trump chống Chinazi cứu thế giới khỏi họa phát xít mới. Đảng cộng sản Việt Nam ươn hèn núp bóng Hán cộng để giữ ngôi vương của đảng vĩnh viễn cai trị dân Việt Nam thì đã có Trump đánh tan nơi núp bóng của cái đảng không còn vì dân vì nước nữa.
Trump lớn lao, cao cả, tài giỏi, hiên ngang, khí phách, đại nghĩa, người hùng thời đại như vậy làm sao không say đắm, làm sao không gửi gắm niềm tin và hi vọng.
Nhưng Trump có thực sự lớn lao, cao cả, đại nghĩa chống Hán cộng cho Việt Nam không ? Trump có thực sự tài giỏi, hiên ngang tiêu diệt Chinazi cứu thế giới không ?
Trước thời Trump, các đời Tổng thống Mỹ nối tiếp đã cùng thế giới dân chủ tạo dựng một thế trận bao vây ngăn chặn độc tài cộng sản muốn trùm bóng độc tài lên cả thế giới. Thế lực độc tài cộng sản lâu đời, có kinh tế phát triển, có quân sự hùng mạnh là ở nước Nga Xô Viết và Đông Âu. Mỹ cùng các nước Tây Âu đã dựng lên lá chắn quân sự NATO, khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương để ngăn chăn mối đe dọa của khối quân sựWarszawa do nước Nga Xô Viết cầm đầu.
Đất nước Trung Hoa mênh mông lọt vào tay Hán cộng. Có trong tay một phần tư dân số thế giới, Mao Trạch Đông liền gây sự với nước Nga Xô Viết bằng cuộc đấu tố cộng sản Nga là xét lại hiện đại để giành quyền cầm đầu thế giới cộng sản từ tay cộng sản Nga.
Thấy Hán cộng chống Nga Xô, Tổng thống Mỹ Richard Nixon và cố vấn an ninh Henry Kissinger tưởng có thể dùng Hán cộng kìm chân Nga Xô, nước Mỹ thời Richard Nixon liền đổ vốn liếng, chuyển giao công nghệ hiện đại, giúp Hán cộng có bước phát triển thần kì. Phát triển kinh tế, tất yếu kéo theo lớn mạnh quân sự. Sức mạnh Hán cộng cùng sức mạnh Mỹ sẽ chặn đứng tham vọng của nước Nga Xô Viết.
Nhưng khi vừa vươn lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Tập Cận Bình liền công khai và ráo riết thực hiện "Giấc Mộng Trung Hoa" của Mao Trạch Đông, giấc mộng thống trị thế giới, làm sống lại chủ nghĩa phát xít thời Đức Quốc Xã và Tập Cận Bình đã hiện nguyên hình là hình ảnh Adolf Hitler thời Chinazi.
Trước nguy cơ chiến tranh từ khối quân sự Warszawa do nước Nga chủ trương, Mỹ và các nước Tây Âu đã dựng lá chắn NATO. Trước mối đe dọa của chủ nghĩa phát xit Chinazi, nước Mỹ thời Barack Obama – Hillary Clinton đã thiết kế và dựng lên vành đai Thái Bình Dương, tập hợp 12 nước trong tổ chức với cái tên hiền lành, đơn thuần kinh tế, Hiệp đinh Đối tác Knh tế xuyên Thái Bình Dương, Trans-Pacific Partnership - TPP, nhưng thực sự là lá chắn ngăn chặn hiểm họa Chinazi ở phía Đông.
Trump kế tiếp Barack Obama lãnh đạo nước Mỹ và việc đầu tiên Trump làm khi vào Nhà Trắng là vất bỏ TPP, xóa bỏ vành đai kinh tế hòa bình bao vây nguy cơ chiến tranh Chinazi, phá bỏ vành đai dân chủ ngăn chặn độc tài Hán cộng mở đường Thái Bình Dương để tràn ra thế giới.
Tiếp theo, Trump bặm trợn gây sự với các nước đồng minh Tây Âu, đòi các nước đồng minh Tây Âu phải đóng tiền nuôi quân đội Mỹ có mặt ở Tây Âu theo hiệp ước NATO. Nghĩ suy bằng lợi nhuận, không có tư duy chính trị, không có tầm chính trị thế giới, Trump cho rằng NATO đã lỗi thời. Là nước lãnh đạo NATO, là lực lượng quân sự chủ yếu của NATO nhưng Trump phá NATO bằng cách đòi rút ra khỏi NATO. Dù chưa rời bỏ NATO nhưng Trump hầu như bỏ mặc NATO, tạo ra sự rệu rã và suy yều nghiêm trọng của lá chắn ngăn chặn tai họa độc tài cộng sản ở châu Âu.
Chính trị Mỹ chi phối chính trị cả thế giới vì vậy dù chỉ là chính khách cấp nghị sĩ, cấp thống đốc bang, cấp trợ lí Bộ trưởng cũng phải có tầm nhìn thế giới, có tư duy nhân loại. Là Tổng thống Mỹ nhưng Trump không có tầm nhìn đó, không có tư duy đó và Trump đã rút nước Mỹ ra khỏi hàng loạt hiệp định và tổ chức quốc tế. Những hiệp định và tổ chức thế giới mà Mỹ có vai trò rất lớn, rất quan trong cho sự tồn tại và sự hoạt động hiệu quả, lành mạnh, Trump cũng bỏ mặc, rút người về, bớt được khoản tiền lớn phung phí ra thế giới. Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Paris về biến đội khí hậu, rút Mỹ ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Nơi nào vai trò của Mỹ bỏ trống, Hán cộng liền thay thế. Bốn năm làm Tổng thống Mỹ, Trump đã giúp Hán cộng vươn lên, trùm bóng Chinazi chi phối, lôi kéo cả thế giới vào ảnh hưởng của Hán cộng, giúp Bắc kinh có vị thế quyết định đời sống thế giới.
Trump hùng hổ đánh thuế hàng hóa Hán cộng tưởng làm cân bằng lại cán cân thương mại Mỹ Trung nhưng thực ra Trump đã đánh cú đòn nổ đom đóm mắt người dân Mỹ. Từ khi Nixon bắc cây cầu vượt Thái Bình Dương, nối Trung Hoa với nước Mỹ và biến đất nước Trung Hoa thành công xưởng thế giới, hàng hóa Hán cộng đã độc chiếm thị trường Mỹ. Chẳng cân nhắc, chẳng lo liệu tìm nguồn thay thế hàng Hán cộng. Chỉ là chú ngựa non chính trị nên háu đá, Trump hung hăng tung cú đá tăng thuế đột ngột đánh vào hàng Hán cộng làm cho hàng hóa Hán cộng tăng giá đột ngột và dân Mỹ cũng đột ngột bị thủng túi vì nguồn hàng duy nhất ở thị trường Mỹ bỗng giá tăng vọt.
Ít hơn Trump gần chục tuổi nhưng là cáo già chính trị, Tập Cận Bình ung dung mỉm cười nhìn Donald Trump ngoài 70 tuổi, Tổng thống của nước Mỹ hùng mạnh nhất thế giới nhưng chỉ là chú ngựa non chính trị. Sau cú đá tăng thuế què chân, giờ ngựa non Trump lại phải năn nỉ cáo già Tập mua hàng nông sản cho Mỹ để Trump đỡ thủng túi vốn chính trị khi bước vào kì bầu cử cuối năm 2020. Tập ra ơn kí mua cho Trump vài tỉ dollars hàng nông sản Mỹ để càng trói Trump và thị trường tỉ rưỡi người tiêu dùng.
Đó là buôn bán công khai giữa hai nước lớn bên hai bờ Thái Bình Dương, Kinh doanh nhà nước, Trump chỉ làm hai cho nước Mỹ và làm lợi cho Hán cộng. Còn buôn bán ngầm của riêng Trump và con gái Ivanka của Trump thì Trump và con gái đã kiếm bộn tiền từ thị trường tỉ rưỡi người dân Hán cộng. Ivanka kinh doanh 41 mặt hàng ở thị trường Trung Hoa và Trump có tới ba tài khoản ngân hàng bí mật tại đất nước của cáo già Tập Cận Bình. Trong ba năm Trump đã đóng góp cho ngân sách nhà nước Hán cộng 188 000 dollars tiền thuế, gấp 84 lần tiền thuế Trump đóng cho nước Mỹ.
Nhắc lại vài điều để những tín đồ cuồng Trump thấy Trump không hề đánh Hán cộng, không làm Hán cộng mảy may suy yếu mà chỉ mang lại lợi ích khổng lồ cho Hán cộng, giúp Hán cộng trùm bóng ra cả thế giới
Ảo tưởng Trump chống Hán cộng, làm cho Hán cộng suy yếu, có lợi cho Việt Nam là một ảo tưởng bi hài, tạo ra hội chứng Donald Trump bi hài. Hội chứng bi hài Donald Trump, Hội chứng đám đông nông nổi.
Phạm Đình Trọng
(06/11/2020)
Lười quan sát, ngại suy nghĩ, luôn mong an phận, thủ thường vốn là những nhược điểm có tính cố hữu của con người.
Fan cuồng Trump ở Hoa Kỳ - Ảnh youtube minh họa
Các chế độ độc tài cũng như cộng sản đã khai thác tối đa những nhược điểm này vừa bằng tuyên truyền theo kiểu nhồi sọ, vừa bưng bít thông tin, trừng phạt những nỗ lực tìm biết hay phổ biến những khác biệt với hiểu biết cố hữu để duy trì quyền bính và thường thì luôn luôn thành công vì đa số tự nguyện từ bỏ quan sát, so sánh, phân tích để thay đổi nhận thức, cách hành xử.
Đó chính là lý do tại sao Mao Trạch Đông, Kim Jong-Il, Hồ Chí Minh,... được sùng bái như thần thánh, thứ thần thánh mà độ "thiêng" có giới hạn về địa lý, chỉ khu trú ở Trung Quốc, Bắc Hàn, Việt Nam, còn trong mắt thiên hạ bên ngoài phạm vi tác động của cường quyền thì chỉ là "tội đồ".
Bởi là những nhược điểm cố hữu, sống trong môi trường tự do, cho dù không bị kiểm soát, khống chế bởi bạo quyền nhưng nếu vẫn lười quan sát, ngại suy nghĩ, thấy vừa mắt, nghe vừa tai là lập tức cho rằng có lý, không cần đối chiếu, so sánh, phân tích lợi – hại, thiệt – hơn thì người ta vẫn bị dụ như thường…
***
Theo một khảo sát về sự ủng hộ tổng thống Donald Trump của người Mỹ gốc Á Châu đăng trên VOA thì người Việt Nam chiếm tỉ lệ cao nhất 64%, kế đó là người Phi với 48%, thấp nhất là người Nhật, chỉ có 14%. Người Tầu (không nói rõ Taiwan hay China) cũng không thích ông Trump cho lắm, chỉ có 24%.
Lý do nào người Việt Nam chiếm tỉ lệ cao nhất trong số người Mỹ gốc Á Châu ủng hộ ông Donald Trump ?
Đa số người Việt Nam sống ở bên ngoài Việt Nam đều không ưa chế độ cộng sản Việt Nam và đặc biệt là căm ghét Trung Quốc – quan thầy của chế độ cộng sản Việt Nam. Cũng vì vậy, một tổng thống đã cũng như đang có những tuyên bố và hành động "dường như" cứng rắn, nào là trừng phạt kinh tế, rồi tuyên bố ngăn chận tham vọng bá quyền của Trung Quốc ở biển Đông của Trung Quốc khiến họ cảm thấy hả hê, vui mừng…
Mỹ là cường quốc đứng đầu thế giới, có đầy đủ sức mạnh, phương tiện, từ kinh tế đến ngoại giao, quốc phòng... để có thể thay mặt người Việt dạy cho Trung Quốc một bài học, thành ra 64% người Việt được hỏi trong cuộc thăm dò ý kiến mà VOA đã kể ủng hộ Donald Trump là lẽ đương nhiên.
Song có thật là ông Trump sẽ dạy cho Trung Quốc một bài học, thậm chí quất sụm Trung Quốc hay không ? Chẳng có gì là chắc, kể cả khi nhiệt độ ở biển Đông nóng hơn, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến Việt Nam nhiều hơn và những đòn "trừng phạt kinh tế" mà Donald Trump liên tiếp tung ra trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng tới.
Sở dĩ người viết dùng hai chữ "dường như" và bỏ trong ngoặc kép vì có nhiều lý do để tin rằng, sau cuộc bầu cử vừa kể, chiến tranh mậu dịch Mỹ - Trung sẽ giảm cường độ, hai bên sẽ ký một thỏa thuận hưu chiến, hiện trạng biển Đông vẫn thế. Những lý do gây hưng phấn, mang lại tỉ lệ ủng hộ ông Trump và Đảng Cộng hòa cao bất thường sẽ bốc hơi.
Muốn đặt hy vọng vào ông Trump thì phải xem ông Trump ở nhiều góc độ khác. Ví dụ giảm thuế (Taxcut 2.0) vừa được Quốc hội Mỹ thông qua. Cho dù thu nhập hàng tháng cao hơn một chút thì cũng nên khoan ghi nhận "ân đức" Tổng thống bởi nó chẳng thấm vào đâu so với khoản lợi mà các CEO, CFO… các đại tổ hợp của Mỹ được hưởng. Khoan còn vì rõ ràng vật giá đang tăng đều đều, rồi nhiều phúc lợi xã hội cho người nghèo, người già sẽ bị cắt, bỏ thê thảm để bù vào chỗ thiếu hụt ngân sách.
Thấy có lý, nghe có lý là tin không suy xét đến mức mù quáng, kể cả nhét chữ vào miệng những nhân vật cộng đồng có chút tiếng tăm như cựu tướng thiết giáp Trần Quang Khôi của Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975, hoặc tướng Lương Xuân Việt, Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Nhật, Bộ trưởng quốc phòng James Mattis... để vận động người khác bỏ phiếu cho Đảng Cộng hòa để hỗ trợ ông Trump thì quả là đáng ngại.
Căm thù độc tài tại sao không nhận ra khuynh hướng độc tài của Donald Trump đang tiển triển dẫu chậm nhưng rất chắc. Tại sao cứ có bất kỳ tin tức nào bất lợi cho mình là Donald Trump chụp ngay cho chúng cái mũ Fake News và những người Việt phụ họa ngay rằng, đó là truyền thông thổ tả, tay sai của đảng Dân Chủ, cố tình phá hoại các chính sách của Trump.
Thế còn chuyện Donald Trump công khai ca ngợi những lãnh đạo độc tài trên thế giới thì sao, Trump có quyền độc tài và ủng hộ độc tài nên những lời Trump tán tụng những lãnh đạo độc tài trên thế giới không phải là vấn đề đáng bận tâm :
1. Kim Jong-un = A Smart Cookie (Một người rất khôn ngoan).
2. Putin = Very, Very Strong Man (Một người rất là cứng rắn).
3. Tập Cận Bình (Xi Jinping) = A Very Good Man. Who Loves China - King Of China (Một người tốt. Một người yêu tổ quốc. Một Hoàng đế của Trung Quốc).
4. Abdel-Fattah el-Sissi = Hopefully You Like Me A Lot More (Tổng thống Ai Cập : Hi vọng là ông ta sẽ thích tôi thật nhiều).
5. Recep Tayyip Erdogan = He Earns Very High Marks From Me. We Have A Great Friendship. (Tổng thống độc tài Thổ Nhĩ Kỳ : Ông ta đáng được những lời khen ngợi của tôi. Chúng tôi có một tình bạn tốt).
6. Rodrigo Duterte = A Great Leader (Tổng thống Phi Luật Tân : Ông ta là một nhà lãnh đạo tài ba). Trump từng bày tỏ hi vọng gặp gỡ Duterte nhưng Duterte từ chối thẳng rằng… ông ta bận lắm, không thể hứa hẹn gì được.
Nếu thành ngữ "Hãy nói cho tôi biết bạn anh là ai, tôi sẽ biết anh là người như thế nàoé đúng thì những lời tán tụng các lãnh tụ độc tài của Trump sẽ giúp hiểu bản chất thực của Trump. Thử tưởng tượng, nếu Trump mà nắm được trong tay toàn bộ quyền lực như Kim Jong-un, Tập Cận Bình, Putin... thì điều gì sẽ xẩy ra ? Điều đầu tiên có thể đoan chắc là sẽ không còn truyền thông, báo chí tự do nữa. Washington Post, New York Times, CNBC, Hufftington Post, CNN... sẽ bị đóng cửa, kế đến là các tờ báo ở địa phương… Vậy thì có khác gì cộng sản Việt Nam ?
Tổ chức văn bút Mỹ PEN America, đầu tuần này đã kiện Donald Trump khi dùng quyền lực tối cao của mình để vi phạm hiến pháp - tu chính án thứ nhất về quyền tự do ngôn luận - cổ võ cho hành động của Greg Giantforte hành hung ký giả Ben Jacobs. Tất nhiên Trump không ngán, trong quá khứ Trump đã bị kiện vài ngàn lần, bao gồm 1.800 vụ dính tới sòng bài và 150 lần khai phá sản.
Viết đến đây chợt nhớ câu chuyện Luộc Con Ếch. Nếu thả con ếch vào một nồi nước đang sôi, tất nhiên nó sẽ nhẩy vọt ra nhưng nếu thả nó vào nước lạnh, đun nóng từ từ, con ếch sẽ chậm rãi chuyển từ đang sống sang từ trần mà không hề hay biết. Lịch sử có giá trị vì có nhiều bài để học. Đầu thập niên 1930, không người Đức, Pháp, Ba Lan... gốc Do Thái nào nghĩ mình có thể bị Hitler tống vào lò hơi ngạt, ngay cả khi quân đội Đức tập trung ở biên giới Áo năm 1934, nhiều người vẫn cho là "fake news" để rồi sau đó ôm hận mà chết.
George Santayana từng chua chát thốt ra như sau : Một chế độ độc tài không bao giờ xuất hiện đột ngột, nó chỉ hình thành từng bước khi các điều kiện đã chín mùi. Những người không chịu học bài học lịch sử sẽ phải sống lại lịch sử. Thế đó !
Thạch Đạt Lang
(27/10/2018)