Nhiều đại biểu quốc hội không thống nhất với Bộ Công an về luật thêm an ninh cơ sở
Diễm Thi, RFA, 19/11/2020
Chiều 17/11/2020, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc xin ý kiến Đại biểu quốc hội về hai nội dung liên quan đến dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Nội dung thứ nhất là có cần thiết ban hành luật này không. Nội dung thứ hai là có nên giao cho Chính phủ nghiên cứu tiếp, hoàn thiện dự án luật hay không.
Công an Việt Nam. Ảnh chụp tại Hà Nội ngày 27 tháng 2 năm 2019. Reuters
Ở nội dung thứ nhất có 290/393 Đại biểu quốc hội cho rằng chưa cần thiết và 96/393 đại biểu cho rằng cần thiết ban hành luật này.
Ở nội dung thứ hai có 206/393 đại biểu không đồng ý và 169/393 đại biểu đồng ý giao cho Chính phủ nghiên cứu tiếp.
Theo dự án luật trình Quốc hội, Bộ Công an muốn thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an bán chuyên trách hiện nay thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trung bình mỗi thôn có một tổ bảo vệ an ninh trật tự cơ sở từ 5 đến 10 người thì toàn quốc có khoảng 1.500.000 người tham gia lực lượng này. Báo cáo thẩm tra chỉ ra con số biên chế của lực lượng này hiện nay là 700.000 người. Nếu luật được thông qua với quân số lên tới 1.500.000 người thì sẽ tăng thêm khoảng 800.000 người.
Theo cựu Đại biểu quốc hội Lê Văn Cuông, trước đây nhiều lần các Đại biểu quốc hội cũng không đồng tình với các đề xuất của Chính phủ. Vấn đề gì mà cử tri đồng tình thì Đại biểu quốc hội cũng thể hiện nhất trí cao. Còn những gì cử tri thấy chưa phù hợp thì Đại biểu quốc hội cũng sẽ tranh luận, phản biện với Chính phủ. Việc đó là bình thường. Ông nói thêm về việc nên hay không nên ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở :
"Các Đại biểu quốc hội thể hiện thái độ như thế thì tôi thấy rất đồng tình thôi. Về phía công an thì họ cũng rất lo về an ninh cơ sở, làm sao đủ lực lượng để bảo đảm trật tự an toàn xã hội tốt hơn. Nhưng thành lập lực lượng an ninh trật tự cơ sở thì nó lại thêm một tổ chức biên chế và nó lại ảnh hưởng đến cái chung.
Bây giờ đang giảm biên chế nhưng lại muốn phình ra bộ phận công an ở cơ sở. Thật ra điều này cũng cần thiết cho an ninh ở cơ sở, nhưng nó chưa đến mức cần thiết, báo động là phải tăng cường lực lượng đó ngay. Với tình hình thực tiễn hiện nay thì nếu chỗ nào không an toàn thì công an nơi khác về hỗ trợ. Nếu ra luật này thì công an trên toàn quốc đều phình cái bộ máy vì tăng thêm lực lượng đó".
Phát biểu tại buổi thảo luận hôm 17/11, Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho rằng, việc điều động lực lượng công an chính quy xuống xã sẽ không hiệu quả bởi họ không phải người địa phương nên không nắm bắt được địa bàn. Theo ông Hải, nếu không có luật ra đời, sẽ khó khăn cho lực lượng này.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thì giải thích, do lực lượng này có lịch sử hình thành từ lâu, nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, nhiều hoạt động của lực lượng này động chạm quyền tự do dân chủ, quyền công an nên phải được quy định bằng luật.
Thiếu tướng Sùng Thìn Cò (Hà Giang), nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2 đặt câu hỏi với Bộ trưởng Công an rằng, bây giờ lực lượng công an quá đông, một tỉnh ít nhất phải từ 3.000 đến 4.000 công an chính quy, giờ lại thêm nhiều lực lượng nữa, chẳng lẽ lực lượng chính quy không đủ để nắm được tình hình, xử lý tình hình hay sao ?
Công an Việt Nam trấn áp người biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội ngày 9/12/2012. Reuters
Ông Đinh Đức Long, một Trung tá Quân đội Nhân dân nêu quan điểm của mình về việc này :
"Thứ nhất là mình không có số liệu chính xác và cũng không có cách nào kiểm chứng được có bao nhiêu công an. Đó là bí mật quốc gia của họ, họ độc quyền nên không ai kiểm chứng được. Nhưng theo cảm nhận của tôi thì công an nhan nhản đầy đường. Thêm vào đó, Nhà nước bây giờ là Nhà nước công an trị rồi còn gì nữa.
Hầu hết lãnh đạo thành phố lớn đều gốc gác công an cả. Ví dụ ông Nguyễn Văn Nên Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh mới nhậm chức từ công an mà ra. Trong chính phủ rất nhiều vị từng là công an như Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương ; Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ ; Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án tối cao cũng từ công an mà ra. Công an là lực lượng tin cậy nhất của chế độ thì họ phải phát triển, xây dựng thôi vì chả còn ai tin cậy hơn".
Ông Đinh Đức Long nhắc lại câu nói của cố Tổng bí thư Lê Duẩn, "công an là trung thành nhất trong những người trung thành, là những người chỉ biết còn Đảng còn mình".
Cho đến nay, không có con số chính thức về số lượng công an hay số lượng cảnh sát giao thông trên cả nước được công bố một cách công khai. Ngày 2/4/2017, Giáo sư Carl Thayer, chuyên viên về các vấn đề Việt Nam và Châu Á tại Học viện Quốc phòng Hoàng gia Úc, phổ biến trên blog một tài liệu ước lượng con số công an ở Việt Nam, từ công an có thẻ ngành đến những lực lượng bán quân sự trực thuộc sự chỉ huy và điều động của Bộ Công an năm 2013 là khoảng 6.700.000 người. Trong đó có 1.200.000 công an viên.
Ông Thayer cho hay con số này được lấy từ bài viết của một viên chức an ninh Liên bang Úc tên Laurie Gray viết trên tạp chí Cảnh sát Liên bang Úc.
Là một người dân bình thường ở Sài Gòn, anh Minh Đức cho rằng số lượng công an rất nhiều nhưng nhiệm vụ chính của họ dường như không phải để bảo vệ dân mà để trấn áp dân và bảo vệ chế độ. Anh kể, khi trong khu phố anh ở có những vụ đánh nhau nguy hiểm đến tính mạng người dận thì gọi hoài không thấy công an xuống. Nhưng để trấn áp biểu tình thì công an dày đặc. Anh nói thêm :
"Cái con số mà ông Đại biểu quốc hội nói ra thì mình không biết thực hư như thế nào bởi con số này là bí mật. Nhưng con số chắc chắn là rất lớn. Với cái nhìn của một người dân, mỗi khi có việc cần vào một đồn công an ở cấp phường khu tôi ở thôi thì tôi thấy từ vài chục cho đến cả trăm công an các loại trong đó. Lực lượng này hiện đang rất đông mà họ còn muốn tăng lên nữa với lý do bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ dân.
Nhưng thực tiễn cuộc sống thì tôi thấy họ dùng lực lượng này để bảo vệ chế độ, bảo vệ đảng cầm quyền của họ. Họ dùng công an để trị dân, trấn áp dân là nhiều chứ không phải để bảo vệ dân, giữ gìn an ninh trật tự. Không phải như thế !"
Dư luận cho rằng, xã hội Việt Nam là xã hội ‘công an trị’ khi lực lượng này được tăng rất nhiều quyền trong những năm qua cùng việc bổ nhiệm hàng loạt các lãnh đạo Bộ Công an hồi tháng 4 vừa qua.
Cuối tháng 4/2020, Bộ Công an có thêm hai thứ trưởng là Thiếu tướng Lê Quốc Hùng và Thiếu tướng Lê Tấn Tới.
Thiếu tướng Lê Quốc Hùng từng là Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, là Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương. Thiếu tướng Lê Tấn Tới từng giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu, là Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Cục trưởng Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 19/11/2020
********************
Vì sao công an được thời và đắc thế ?
Trân Văn, VOA, 18/11/2020
Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội Khóa 14 vừa kết thúc với một sự kiện hiếm có : Đa số đại biểu bác bỏ việc xem xét ba dự luật do chính phủ đề nghị và đã được các ủy ban chuyên trách của Quốc hội thẩm tra. Cả ba cùng liên quan tới việc tăng thẩm quyền cho công an.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII ngày 12/10/2020
***
Nỗ lực tách Luật Giao thông đường bộ thành hai bộ luật :Luật Giao thông đường bộ mới và Bảo đảm trật tự, an toàn Giao thông đường bộ bị bác bỏ vì vừa trái thông lệ chung trên thế giới, vừa gây ra những xáo trộn không cần thiết.
Việc sửa Luật Giao thông đường bộ hiện hành vốn nằm trong chương trình làm luật của Quốc hội khóa 14 nhưng sáng kiến tách Luật Giao thông đường bộ thành hai bộ luật riêng biệt, một về Giao thông đường bộ và một về Bảo đảm trật tự, an toàn Giao thông đường bộ chỉ nhằm để thỏa mãn yêu cầu của Bộ Công an.
Bộ Công an muốn giành việc quản lý đào tạo - sát hạch - cấp giấy phép lái xe tử tay Bộ Giao thông và vận tải với lý do tai nạn giao thông cao và cần xử lý vấn nạn giấp phép lái xe giả. Đáng ngạc nhiên là chính phủ chấp nhận yêu cầu đó !
Không ai rõ Bộ Công an dọa chính phủ thế nào để ông Phúc và nội các gật đầu với sáng kiến tách Luật Giao thông đường bộ làm hai và giao cho công an quản lý đào tạo - sát hạch - cấp giấy phép lái xe (?).
Người ta chỉ biết ông Nguyễn Thanh Hồng – một viên tướng công an được biệt phái sang Quốc hội để làm Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh (Ủy ban Quốc phòng an ninh) của Quốc hội – công khai dọa các đại biểu Quốc hội rằng nếu sáng kiến không được chuẩn thuận, công an không quản lý đào tạo – sát hạch – cấp giấp phép lái xe thì điều đó sẽ đe dọa trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia. Quản lý người điều khiển phương tiện chính là quản lý công cụ phương tiện gây án, thậm chí có thể là hoạt động khủng bố (1).
Không may cho công an là lần này, nhiều đại biểu Quốc hội lắc đầu. Có vị bảo rằng :Công an không nên nhận thêm nhiệm vụ khác, chỉ cần giải quyết tốt những vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm của mình để quốc thái, dân an là nhân dân cảm kích lắm rồi (2).
Có 302 đại biểu (62,7%) không tán thành tách Luật Giao thông đường bộ mới làm đôi. 321 đại biểu (66,7%) bác bỏ việc giao cho công an quản lý đào tạo - sát hạch - cấp giấp phép lái xe (3). Có đại biểu đề nghị xem xét trách nhiệm của Ủy ban Pháp luật do đã "tham mưu tách" luật" (4).
***
Một ngày sau khi thất bại trong việc vận động tách Luật Giao thông đường bộ để giành lại quyền quản lý đào tạo - sát hạch - cấp giấp phép lái xe từ tay Bộ Giao thông và vận tải, Bộ Công an thất bại thêm một lần nữa : Không thuyết phục được Quốc hội xem xét – ban hànhLuật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trong 393 đại biểu tham gia cho ý kiến về việc luật vừa kể cần hay không, có 290 đại biểu (73,7%) xác định, luật này chưa cần thiết vì nhiệm vụ của lực lượng này chưa rõ ràng, đồng thời tạo ra gánh nặng tài chính cho quốc gia (5).
Dùng luật(Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở) để thống nhất ba lực lượng : Công an bán chính quy, Bảo vệ dân phố, Dân phòng, trên toàn quốc là sáng kiến của ông Tô Lâm (Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an).
73,7% đại biểu tham gia cho ý kiến (tương đương 60,2% tổng số đại biểu), nhất trí bác bỏ đề nghị xem xét – ban hành dự luật, cho thấy hơn một nửa đại biểu Quốc hội không tin ông Tô Lâm nói thật :Nếu có luật, thống nhất ba lực lượng có thể giảm được 500.000 người !
Tuy nhiên đó chưa phải là điểm đáng chú ý nhất. Góp ý của hai ông tướng quân đội, cùng là đại biểu Quốc hội, mới đáng bận tâm. Tướng Sùng Thìn Cò (Phó Tư lệnh Quân khu 2), Ủy viên Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội, nhắc ông Tô Lâm rằng :Lực lượng công an đã quá đông. Mỗi tỉnh ít nhất cũng có 3.000, tỉnh to thì 4.000 công an chính quy. Đông như thế mà còn thêm nhiều lực lượng nữa ! Chẳng lẽ lực lượng chính quy không đủ khả năng để chúng ta nắm tình hình, xử lý tình hình ?
Tướng Nguyễn Mai Bộ (Phó Chánh án Tòa Quân sự Trung ương), cũng là Ủy viên Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội nói thêm, theo ông,thống nhất ba lực lượng không những không thể giảm 500.000 người mà còn khiến ngân sách phải gánh thêm lương cho chừng 800.000 người (126.000 công an xã bán chuyên trách, 70.000 bảo vệ phường - xã, 500.000 phòng cháy chữa cháy), chưa kể chi phí cho trụ sở, hoạt động và các địa phương sẽ không còn tiền đầu tư cho phát triển, an sinh xã hội(6).
***
Tuy phải đóng thuế nuôi cả quân đội lẫn công an nhưng người Việt chưa bao giờ được biết tổng số quân nhân và công an mà trước nay mình vẫn nuôi là bao nhiêu, tổng chi phí để duy trì hoạt động của lực lượng vũ trang là bao nhiêu ? Hợp lý hay không ?
Dựa vào một số nguồn khác nhau, Wikipedia cho biết, quân đội Việt Nam có khoảng một triệu người (lục quân khoảng 800.000, hải quân khoảng 70.000, phòng không – không quân khoảng 60.000, biên phòng khoảng 50.000, cảnh sát biển khoảng 30.000) (7).
Song chẳng có nguồn nào cho biết công an Việt Nam có bao nhiêu người. Dựa vào một vài dữ liệu từ phát biểu của tướng Sùng Thìn Cò hôm 17/11 vềDự luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở,có thể ước đoán, lực lượng công an các tỉnh, thành không dưới 200.000 người. Đó là chưa kể nhân sự của các cục chính trị, tình báo, an ninh, cảnh sát, hậu cần - kỹ thuật, thi hành án hình sự - hỗ trợ tư pháp, các trung đoàn cảnh sát cơ động trực thuộc Bộ Công an.
Nếu được thông qua,Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ góp thêm cho công an Việt Nam 800.000 người. Sáng kiến này sẽ giúp công an Việt Nam vượt qua quân đội Việt Nam về… nhân lực, trở thành lực lượng bảo vệ và thực thi pháp luật… đông nhất thế giới ! Chẳng phải đến bây giờ, công an Việt Nam mới được ưu ái như vậy. Cứ dùng Google để tìm và đối chiếu trang, thiết bị dành cho quân nhân với công an, đặc biệt là cảnh sát cơ động, ắt sẽ thấy bên nào trọng, bên nào khinh !
Không phải tự nhiên mà Bộ Công an Việt Nam hết sức tự tin khi ban hành Thông tư 17/2018/TT-BCAQuy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho lực lượng công an,tuyên bố sẽ đẩy nhanh việc cung cấp đầy đủ các loại vũ khí cá nhân (súng ngắn, súng trường, tiểu liên) cho công an xã. Hướng tới cung cấp những vũ khi có mức độ hủy diệt cao như súng chống tăng, những phương tiện mà các đơn vị quân đội cấp quân đoàn mới có như trực thăng cho công an huyện (8) !..
Vì sao quốc phòng lại trở thành thứ yếu, răn đe – ngăn ngừa bạo loạn, lật đổ mới là chính yếu ? Chỉ có một câu trả lời, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền xem đồng bào của mình là đối tượng bị trị nên phải… đầu tư thích đáng để có thể duy trì quyền thống trị !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 18/11/2020
Chú thích
(7) https://vi.wikipedia.org/wiki/Quân_đội_nhân_dân_Việt_Nam
(8) https://tuoitre.vn/cong-an-xa-duoc-trang-bi-sung-tu-1-7-20180612161414656.htm
***********************
Dân mừng khi Quốc hội lạnh nhạt với việc thêm quyền, tăng người cho công an
VOA, 18/11/2020
Với tỷ lệ đa số trên 60%, các đại biểu quốc hội Việt Nam hôm 17/11 bày tỏ "không đồng ý" chuyển việc cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông và vận tải sang Bộ Công an, cũng như cho rằng "không cần thiết" phải xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Đảng cộng sản Việt Nam xác định công an là thanh kiếm và lá chắn bảo vệ chế độ (ảnh chụp ở Bình Thuận, 10/6/2018)
Qua quan sát mạng xã hội, VOA nhận thấy nhiều người dân hoan nghênh động thái của các đại biểu quốc hội gạt đi hai chủ trương bị coi là phục vụ lợi ích của ngành công an.
Các báo, trang tin trong nước bao gồm cả Thanh Niên, Lao Động, Tuổi Trẻ và Zing News đưa tin rằng 321 đại biểu Quốc hội (gần 67% tổng số đại biểu) chọn phương án "không chuyển" chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông-Vận tải sang Bộ Công an.
Về sự cần thiết phải ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, có 290 đại biểu Quốc hội (xấp xỉ 61%) chọn phương án "chưa cần thiết", vẫn báo chí Việt Nam tường thuật.
Thảo luận về dự luật kể trên, tướng quân đội Sùng Thìn Cò, đại biểu tỉnh Hà Giang, nói : "Lực lượng công an xã có lịch sử 70 năm xây dựng, trưởng thành. Tuy nhiên luật Công an nhân dân có hiệu lực đã đưa lực lượng công an chính quy xuống thay thế, tự nhiên sứ mệnh của lực lượng này đã hết. Xin lỗi đồng chí Bộ trưởng, bây giờ lực lượng công an quá đông", theo trích dẫn trên báo chí trong nước.
Nhiều người dân bày tỏ trên mạng xã hội rằng việc Quốc hội Việt Nam gạt ra lề hai chủ trương nêu trên là tín hiệu tốt, đáng mừng cho đất nước. Họ khen ngợi Quốc hội có chính kiến sáng suốt và hợp lòng dân khi ngăn Bộ Công an trở thành siêu bộ.
Viết trên trang cá nhân, tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động vì dân chủ và tiến bộ xã hội, đưa ra ý kiến : "Lực lượng công an là một nhóm lợi ích khổng lồ, nó còn muốn khổng lồ hơn nữa ! Phải chặn nó lại !"
VOA cố gắng liên lạc với đại diện Bộ Công an để tìm hiểu quan điểm của họ nhưng không có hồi đáp.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm tại Quốc hội Việt Nam, 4/11/2019
Ông Nguyễn Hữu Vinh, một cựu thiếu tá an ninh Việt Nam, từng bị bỏ tù vì viết blog về các vấn đề dân chủ, tự do chính trị, có chung suy nghĩ rằng Quốc hội đã sáng suốt.
Nhận xét thêm với VOA, ông Vinh nói việc Quốc hội chặn hai chủ trương tăng thêm quyền và lực lượng cho công an là động thái "đặc biệt".
Ông Vinh lưu ý rằng quyền lực của công an Việt Nam rất lớn với thực tế là ngày càng có nhiều người trải qua các vị trí lãnh đạo trong ngành công an rồi sau đó thăng tiến trong hệ thống đảng, chính
Nêu ra một số ví dụ về điều này, cựu tù nhân chính trị nay là nhà báo độc lập liệt kê ra các cái tên Nguyễn Tấn Dũng, Lê Hồng Anh, Trương Hòa Bình, Trần Đại Quang, Phạm Minh Chính, v.v. "Người dân gọi đó là sự công an hóa đảng và chính quyền", ông Vinh nói.
Vì vậy, việc Quốc hội bác hai chủ trương được nêu ra là điều rất lạ, cựu thiếu tá an ninh đánh giá. Ông Vinh đưa ra nhận định vì sao các đại biểu Quốc hội làm như vậy :
"Phải chăng nhiều người sắp mãn nhiệm nên họ thể hiện rằng họ có bản lĩnh và quan điểm riêng. Hoặc cũng có thể ở cấp cao hơn của Quốc hội, Thường vụ Quốc hội chẳng hạn, có sự không đồng tình nên các đại biểu được bật đèn xanh".
Cựu thiếu tá, cựu tù chính trị còn được biết đến với tên blogger Anh Ba Sàm bình luận với VOA rằng ngành công an cần nâng cao năng lực cho cán bộ, chiến sĩ, sao cho số người giảm xuống và có nghiệp vụ giỏi hơn thay vì phình to ra.
Ở tầm lãnh đạo chính trị, Đảng cộng sản Việt Nam cần siết chặt việc các quan chức công an được giao các vị trí chủ chốt trong hệ thống đảng, nhà nước. Với hiểu biết lâu năm về công an, ông Nguyễn Hữu Vinh đưa ra phân tích :
"Cá nhân tôi thấy các vị ở trong ngành công an thiếu điều kiện đào tạo, học hỏi những kiến thức về quản lý kinh tế, xã hội, nhà nước. Khi các vị lên các vị trí lãnh đạo đảng, nhà nước, chắc chắn là các vị gặp bất lợi hơn những người được đào tạo bài bản, được cọ sát rất nhiều ở vị trí quản lý đó. Các vị chỉ có quyền hơn, người ta sợ các vị chứ không nể các vị".
Blogger Anh Ba Sàm cho rằng không khó hiểu khi ngành công an "có vẻ đang bành trướng" trong nhiều lĩnh vực.
Ông khẳng định do đảng cộng sản tự cho mình có độc quyền lãnh đạo đất nước, họ cảm thấy không yên tâm về việc có thể duy trì quyền lực lâu dài, nên phải củng cố lực lượng bảo vệ thể chế mà trong đó công an có vai trò rất lớn.
"Đảng gọi công an là thanh bảo kiếm bảo vệ đảng", ông Vinh nói, "Giờ đây họ càng có thêm quyền lực vì công cuộc chống tham nhũng đang được đẩy mạnh".
Nhưng có hai điều trớ trêu được đặt ra song các đại biểu Quốc hội và báo chí nhà nước "không dám" chất vấn, theo góc nhìn của cựu thiếu tá an ninh-blogger Anh Ba Sàm, đó là công an có thật sự chống tham nhũng hiệu quả không khi mà tham nhũng đã và đang tăng lên, và bản thân lực lượng công an có trong sạch, miễn nhiễm với tham nhũng không.
Một vấn đề khác liên quan đến quyền lực của công an là việc bộ nắm cả bộ phận an ninh lẫn bộ phận cảnh sát, ông Nguyễn Hữu Vinh chỉ ra.
Cựu sĩ quan an ninh nói số cán bộ, chiến sĩ an ninh hiện chiếm tới nửa lực lượng toàn ngành công an, với nhân sự "xuống tận hang cùng ngỏ hẻm của người dân". Trong khi đó, ông Vinh so sánh rằng ở nhiều nước tiến bộ trên thế giới, an ninh-tình báo là lực lượng đặc biệt, không có số lượng nhân sự lớn.
Lấy riêng ví dụ mảng an ninh có tên là "bảo vệ văn hóa", blogger Anh Ba Sàm khẳng định lực lượng này giám soát chặt chẽ giới văn nghệ sĩ, các nhà khoa học, làm họ "sợ, ái ngại, bị kìm hãm sự phát triển trí tuệ, sáng tác, thấy bất an".
Hệ lụy của việc giới văn nghệ sĩ, trí thức bị kiểm soát tư tưởng là họ không thể cho ra đời các sản phẩm văn hóa, tri thức lành mạnh, bỏ mặc cho các sản phẩm hạ cấp, rẻ tiền làm mưa làm gió trên mạng xã hội, trong khi đạo đức xã hội xuống cấp, ông Nguyễn Hữu Vinh nói với VOA.
Như vậy, cựu sĩ quan an ninh tích cực lên tiếng vì tiến bộ xã hội đề xuất rằng Đảng cộng sản Việt Nam cần điều chỉnh cơ cấu của Bộ Công an, tách và tinh giản bộ phận an ninh, chuyển bộ phận này thành Ủy ban An ninh Tình báo (cấp tổng cục trực thuộc chính phủ).
Một đề xuất nữa của ông Vinh là việc đào tạo ra cán bộ, chiến sĩ công an - mà ông xem là gốc rễ - cũng cần cải tổ.
Từng là người trong ngành này, cựu thiếu tá an ninh nói với VOA : "Ở nhiều nước, họ tuyển những người trưởng thành để đào tạo thành cảnh sát hoặc nhân viên an ninh. Ở Việt Nam, người ta tuyển học sinh phổ thông rồi đào tạo thành công an. Việc dạy những học sinh ngây thơ về các thủ đoạn của ngành và gieo vào đầu họ ý thức rằng họ có quyền lực ghê gớm, điều đó thật là sai, thật phi lý".
Nguồn : VOA, 18/11/2020
**********************
Hai Bộ Giao thông và vận tải và Bộ Công an tranh quyền ở Quốc hội : dấu hiệu tốt hay "quyền anh, quyền tôi" ?
RFA, 17/11/2020
Ngày 16/11/2020 là đỉnh điểm tranh cãi khi Quốc hội Việt Nam cho ý kiến về hai dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ ; Tách hay không tách Luật Giao thông đường bộ ? Và Bộ Công an hay Bộ Giao thông và vận tải sẽ quản lý, đào tạo, cấp giấy phép lái xe...
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. RFA Edited
Phát biểu tại Quốc hội, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an cho rằng, trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông là của Bộ Công an, tách luật là để đi vào đi vào cụ thể, chứ không phải tách luật là để chia luật hoặc là chia quyền.
Trong khi nhiều Đại biểu Quốc hội (Đại biểu quốc hội) cho ý kiến phản bác. Đơn cử như Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng : Tách luật giao thông như 'tách mẹ khỏi con, lấy gan ghép thận'... Ông còn cho rằng thay vì tách luật, sao không chuyển lực lượng cảnh sát giao thông về Bộ Giao thông Vận tải quản lý...
Hay đối với việc Bộ Công an đòi quản lý việc cấp bằng lái xe, Đại biểu quốc hội Nguyễn Quốc Hận cho rằng, lực lượng công an với chức năng, quyền hạn của mình giải quyết tốt những vấn đề tội phạm trật tự xã hội, để quốc thái dân an thì nhân dân cảm kích, tôn vinh lắm rồi, công an không nên nhận thêm những nhiệm vụ khác.
Việc tranh giành giữa Bộ Giao thông và vận tải và Bộ Công an ở Quốc hội là dấu hiệu tốt hay vẫn là ‘quyền anh, quyền tôi’... Hay tranh giành quyền lợi giữa các nhóm lợi ích ?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, khi trao đổi với Đài Châu Á Tự Do hôm 17 tháng 11 năm 2020 liên quan vấn đề này, nhận định :
"Chí ít cũng có những tiếng nói khác nhau, thể hiện những lợi ích khác nhau trong Quốc hội. Những đại biểu thuộc Bộ Công an thì ăn cây nào rào cây ấy, kiên quyết ủng hộ đề nghị của Bộ Công an, tách luật đó ra thành một luật riêng về an toàn giao thông, rồi cấp bằng lái xe, dạy lái xe cũng ở bên Bộ Công an. Còn bên Bộ GT_VT thì phản đối kịch liệt. Tôi nghĩ có những thảo luận như thế là tốt, chứ không phải không tốt. Nhưng ở Việt Nam có những cái thể hiện rất rõ mà người ta gọi là nhóm lợi ích".
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhiều người cứ hiểu nhóm lợi ích theo nghĩa xấu. Nhưng thật sự trong xã hội rất nhiều nhóm lợi ích... hay bản thân trong Quốc hội, Bộ Công an là một nhóm lợi ích khổng lồ và nó luôn luôn muốn bành trướng quyền lực của nó. Ông nói tiếp :
"Có thể nói, sự đam mê quyền lực của Bộ công an là vô độ, họ muốn càng ngày càng to lên, càng ngày càng được chi nhiều tiền hơn, càng ngày càng nhiều quan số hơn... như thế quyền lực của họ càng ngày càng tăng lên và có ý kiến phản bác ngược lại (từ Bộ Giao thông và vận tải). Chuyện giữa quân đội và công an cũng thế, về chuyện Bộ Công an muốn tăng thêm rất nhiều quân số của lực lượng an ninh cơ sở dưới sự quản lý của Bộ Công an".
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng, những việc tranh giành quyền lực như thế chí ít diễn ra một cách công khai, việc công khai như thế là dấu hiệu của sự lành mạnh và việc đấu tranh để chống lại sự tham quyền lực của một nhóm này hay nhóm khác là một điều tốt.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên đã từ bỏ đảng, nói với Đài Châu Á Tự Do hôm 17 tháng 11 năm 2020 rằng đây là một dấu hiệu tốt sau một dấu hiệu xấu :
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Chính phủ, hôm 12 tháng 8 năm 2020. RFA Edited / chinhphu.vn
"Có dấu hiệu tốt sau dấu hiệu xấu, tại vì là dấu hiệu tốt là để chống lại dấu hiệu xấu. Thật ra việc cấp bằng lái trước đây thuộc chuyên môn của Bộ Giao thông, nhưng kiểm soát trên đường lại thuộc cảnh sát giao thông, vì thế bên công an muốn chiếm luôn phần cấp bằng lái xe. Thế thì việc ấy tôi cho là không hay, phải có bộ phận chống lại chuyện đó... thế là tốt, thế là hay, trong cái không hay đấy có cái hay. Tùy theo quan điểm mỗi người thôi, nhưng tôi cho rằng có tranh luận là hay rồi".
Nhưng theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, tranh luận ấy phải xem có công bằng không ? Có minh bạch không ? Nó có phục thiện không ? Người ta có hợp tác với nhau không ? Ông nói tiếp :
"Còn nếu tranh giành để mà đoạt quyền lợi thì tôi cho là không hay... Vấn đề này đầu tiên là từ tranh đoạt quyền lợi, nên mới bày ra chuyện anh này chuyển qua anh kia. Bây giờ có chuyện đấu tranh trở lại, đó là hay. Nhưng bây giờ hay như thế nào thì phải do công việc mà phải xem người ta diễn biến như thế nào. Đặc biệt, phải xem lãnh đạo quốc hội sẽ điều hành chuyện đấy ra làm sao ?"
Hôm 12 tháng 8 năm 2020, tại phiên họp Chính phủ về các dự án Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi, Luật Đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Giao thông đường bộ sửa đổi... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra phát biểu cho rằng : "Cái gì có lợi cho dân, làm gì để xã hội phát triển tốt thì nên tiến hành, không quyền anh, quyền tôi mà làm chậm trễ sự phát triển của đất nước".
Nghe qua cảm nhận được ông Phúc có lòng vì dân, vì sự phát triển của xã hội. Nhưng nếu xâu chuỗi nhiều sự kiện, nhiều câu nói của ông thì mới phát hiện ra cái ẩn chứa bên trong là sự hời hợt, sáo rỗng và thiếu sự chặt chẽ. Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, ở Việt Nam có một cách hành xử khác lạ so với nhiều nước là việc soạn thảo luật do cơ quan hành pháp đảm nhận hoàn toàn. Ngành nào soạn luật cho ngành đó. Nghe qua và kém hiểu biết thì thấy hợp lý, nhưng bên trong ẩn chứa nhiều bất cập của việc "vừa đá bóng vừa thổi còi". Vì thế mà có quyền anh quyền tôi trong việc soạn thảo hoặc kiểm soát, xử lý tình huống giữa hai bộ nói trên.
Cũng tại buổi họp Quốc hội hôm 16/11, Đại biểu quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, thuộc đoàn Hà Nội, cho rằng 99% dân sẽ ủng hộ không tách Luật Giao thông đường bộ (!?) Việc tranh giành giữa Bộ Giao thông và vận tải và Bộ Công an ở quốc hội là dấu hiệu tốt, nhưng nếu nói 99% dân ủng hộ sao không trưng cầu dân ý ?
Giáo sư Nguyễn Đình Cống nhận định về ý kiến này :
"Tôi cho rằng đó là một ý kiến chủ quan, anh nào muốn nói thì cứ nghĩ rằng người dân sẽ theo ý mình... Cũng biết đâu được, cũng có thể... nhưng muốn nó rõ ra thì phải trưng cầu dân ý chứ. Nhưng theo tôi việc tách luật hay không tách luật thì trưng cầu dân ý làm gì, chỉ nên tập trung trao đổi, bàn luận đối thoại... và có người sáng suốt quyết định. Hai bên đối thoại rồi thì phải có anh phân xử, giải quyết... trình độ người giải quyết rất quan trọng. Chứ hỏi ý kiến toàn dân thì việc lớn, chứ việc này hỏi làm gì. Nói 99% người dân đồng tình là chủ quan quá nặng, đã đi tham khảo, trao đổi với ai chưa ? Dù cho nói là đúng hay sai thì cái cách mà nói như thế là hàm hồ, chủ quan".
Nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng khi trả lời Đài Châu Á Tự Do cho rằng, từ trước đến nay dù nội bộ của Đảng có sự không đoàn kết, nhưng khi có những việc chung, ví dụ những chính sách áp dụng cho đất nước, dù chính sách đó đúng hay sai, có lợi hay có hại cho đất nước... nhưng trước những chính sách chung đó, họ thường đoàn kết nhất trí, và mọi sự mất đoàn kết đều được loại hết. Nhưng bây giờ theo ông, khi nói đến tình trạng ‘quyền anh, quyền tôi’ thì tức là vấn đề không nhất trí trong nội bộ Đảng đã trở thành nguy cơ.
Cho đến chiều ngày 17/11/2020, với hơn 62% đại biểu Quốc hội Việt Nam, tương đương 302 người, đã bỏ phiếu phản đối việc tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm an toàn trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Đồng thời, kết quả bỏ phiếu tại Quốc hội cho thấy có đến hơn 66% số đại biểu Quốc hội, tương đương 321 phiếu, phản đối việc giao Bộ Công an chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe, thay vì Bộ Giao thông Vận tải như từ trước đến nay.
Cũng theo thông báo từ Quốc hội vào ngày 17/11, 52% đại biểu tán thành việc chuyển dự thảo luật này sang xem xét tại kỳ họp thứ 2 quốc hội nhiệm kỳ sau (khóa 15).
Nguồn : RFA, 17/11/2020
*******************
Bộ Công an ngỏ ý muốn quản lý trung tâm cai nghiện ma túy
Ngô Ngọc Trai, BBC, 14/11/2020
Khi giải trình về các vấn đề trong dự án luật Phòng chống ma túy sửa đổi tại Quốc hội sáng ngày 13/11/2020, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, Bộ Công an không ngại quản lý các cơ sở cai nghiện ma túy nếu luật cho phép vì đây là một biện pháp ngăn ngừa tội phạm.
Hai học viên cai nghiện ma túy tại một trung tâm cai nghiện ở Hải Phòng. AFP
Bộ Công an đòi quản lý trung tâm cai nghiện có hợp lý không, khi lâu nay đã có nhiều lo ngại người cai nghiện bị coi như tù nhân, lao động khổ sai ? Trong khi chính Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã có lần phát biểu cho rằng, cần xã hội hóa trong công tác cai nghiện.
Một người giấu tên vì lý do an ninh, có kinh nghiệm 15 năm làm việc về phòng chống ma túy tại Việt Nam, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 13/11/2020 qua email liên quan vấn đề này, cho biết ý kiến của mình :
"Cần phân biệt rõ ràng giữa hành vi buôn bán và sử dụng ma túy. Nếu xem hai loại hành vi này như một và giao Bộ Công an làm hết, từ bắt buôn bán đến cai nghiện thì nguy cơ phải đổi luật xem cả hành vi sử dụng ma túy cũng là tội phạm.
Việc này rất nguy hiểm, vì sẽ tạo ra một xã hội khắc nghiệt và đi ngược lại các cam kết về quyền con người, mà Việt Nam đã ký kết với quốc tế. Tuy nhiên, đề xuất này của bô Công an cho thấy là việc cai nghiện ma túy ở Việt Nam đang có vấn đề lớn. Tôi nghĩ họ đã thất bại với tình hình kiểm soát hiện nay".
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đưa ra đề xuất vừa nêu với dẫn chứng về việc học viên cai nghiện đập phá, trốn trại ra ngoài gây náo động. Đơn cử vào tháng 11 năm 2016, hàng trăm học viên ở trung tâm cai nghiện Đồng Nai sau khi đập phá trại đã tràn ra ngoài tìm cách thoát thân. Theo cơ quan chức năng, hầu hết những học viên này đều thuộc diện bị tòa quyết định cai nghiện bắt buộc.
Hay trước đó, hàng trăm con nghiện tại trung tâm cai nghiện xã Xuân Phú, tỉnh Đồng Nai, cũng lợi dụng lúc tối trời và mưa gió đã phá cửa trốn ra ngoài, tụ tập gây náo loạn trên Quốc Lộ 1, khiến người dân hoảng sợ.
Người có kinh nghiệm 15 năm làm việc về phòng chống ma túy tại Việt Nam, nhận định thêm :
"Theo quan sát, tôi thấy các trại cai nghiện tư nhân hiện nay đang vận hành kiểu thương mại : chỉ biết đến tiền chứ không chú ý đến con người như trước kia. Còn các trại do nhà nước quản lý thì họ không có người chuyên môn làm việc mà chỉ làm đúng trách nhiệm thôi. Khi làm như vậy thì họ xem những người sử dụng ma túy như tù nhân. Bởi thế, hằng năm đều có chuyện anh em đào thoát khỏi trại. Vì vậy, hiện nay ở Việt Nam, theo tôi quan sát thì rất khó để thay đổi việc này. Vì thế mới có việc Bộ Công an lên tiếng trước Quốc hội như vậy".
Thực tế theo nhiều chuyên gia, các trung tâm cai nghiện đang cư xử với học viên như người tù, đặc biệt các trung tâm nhà nước vẫn coi việc quản lý cai nghiện như tù nhân. Do đó người cai nghiện phản kháng như một người mất tự do.
Tại sao chính phủ không có một phương pháp cai nghiện nào hiệu quả, nhân văn hay cai nghiện theo một phương pháp tốt, mà chỉ áp dụng giống như một trại tập trung hay một nhà tù ? Nếu chuyển Bộ công an quản lý thì có lẽ càng giống một nhà tù hơn ?
Học viên cai nghiện ở Vũng tàu trốn trại bị bắt trở lại, tháng 11/2016. AFP
Một Mục sư ở Trung tâm cai nghiện Nissi tại Cần Guộc – Long An, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 13/11/2020, cho biết về cơ sở cai nghiện của mình cũng như cho biết ý kiến về việc quản lý các cơ sở cai nghiện :
"Thật ra Trung tâm cai nghiện của Đạo Cơ Đốc này thì theo luật của Chính phủ Việt Nam thì chưa được cho phép để hoạt động chính thức. Trung tâm này cũng như các trung tâm khác trên cả nước chỉ hoạt động như hội nhóm. Nếu trung tâm cai nghiện của nhà nước thì sẽ trực thuộc Bộ Lao động Thương binh Xã hội, hay Bộ Y tế quản lý. Còn nếu giao Bộ Công an thì mình cũng chưa biết Bộ Công an sẽ quản lý như thế nào ? Còn bây giờ thì đã có quy trình cấp phép và thành lập theo luật, thì tôi nghĩ Bộ nào cũng vậy thôi, Bộ Công an thì có lẽ sẽ chặt chẽ hơn về nghiệp vụ, chứ quy trình cai nghiện thì đã có hết rồi".
Theo Mục sư này cai nghiện nếu đưa vô mô hình quản lý diện rộng thì bắt buộc phải có những quy chế, còn mô hình cai nghiện ở Hội Thánh thì là nhỏ lẻ, thiên về công tác tư tưởng nhiều hơn. Ông cho rằng, nếu như trong cơ sở của nhà nước mà họ có thể đưa những tư vấn tâm linh tâm lý vào thì sẽ hiệu quả tốt hơn, dạy kinh thánh kết hợp với các phương thức khoa học thì sẽ hiệu quả hơn.
Mục sư Nam Quốc Trung, quản lý Trung tâm Giải cứu Aquila Center, một trung tâm cai nghiện ma túy thuộc Hội Thánh Tin Lành, cho Đài Á Châu Tự Do biết ý kiến của mình hôm 13/11/2020 :
"Chúng tôi cũng có đề xuất về dự thảo luật phòng chống ma túy, và chúng tôi đã gởi lên Văn phòng các vấn đề Văn hóa Xã hội của Quốc hội, cũng như Ủy ban Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Chúng tôi cũng có gởi bản dự thảo đề xuất sửa đổi luật về Phòng chống ma túy lên các ủy ban đó. Thật ra, công tác cai nghiện của Hội thánh Tin lành tương đối tốt và hiệu quả, chúng tôi mong muốn các cơ quan chính phủ ủng hộ xã hội hóa công tác cai nghiện, cho các tổ chức tôn giáo có thể tham gia và chung tay vào công tác cai nghiện".
Dù chưa được hồi đáp từ phía các cơ quan Quốc hội cũng như chính quyền, nhưng Mục sư Nam Quốc Trung cũng hy vọng đề xuất của Hội thánh sẽ được lắng nghe :
"Thật ra chúng tôi cũng mới gởi đợt vừa rồi, vẫn đang trong khoảng thời gian đang được xem xét. Chúng tôi tin chắc sẽ có phản hồi từ các cơ quan đó".
Để giúp giảm bớt hiện trạng hiện nay của các cơ sở cai nghiện nhà nước, Mục sư Nam Quốc Trung cũng cho biết, trong đề xuất về dự thảo luật phòng chống ma túy gởi các cơ quan Quốc hội, có đề nghị các cơ sở cai nghiện và các tổ chức tôn giáo có thể tham gia đóng góp dịch vụ vào các trung tâm cai nghiện của nhà nước. Ông nói tiếp :
"Như chúng tôi đã từng làm từ năm 2013 đến 2017. Chúng tôi đã vào các trung tâm cai nghiện của nhà nước để truyền đạt các kinh nghiệm từ bỏ ma túy. Trong khoảng thời gian 3 năm đó, rất nhiều cuộc đời, nhiều con người đã được thay đổi, và hiệu quả là không thể phủ nhận khi chúng tôi được đánh giá là 55,1% tỷ lệ thành công. 55,1% là tỷ lệ không tưởng đối với một xã hội nào, bất cứ quốc gia nào, đây là tỷ lệ thành công lớn".
Mục sư Nam Quốc Trung hy vọng sẽ tham gia đóng góp dịch vụ vào các trung tâm cai nghiện của nhà nước như trước đây, để được chung tay cai nghiện với xã hội theo chủ trương của Thủ tướng chính phủ về xã hội hóa cai nghiện.
Theo tổ chức Giám sát Nhân quyền Human Rights Watch, người nghiện ma túy ở Việt Nam bị giam giữ trong những trung tâm lao động cưỡng bách của nhà nước, không được điều trị đúng cách mà còn bị lạm dụng rất nhiều. Người nghiện có thể bị đánh và bị bắt lao động ngoài ý muốn để sản xuất hạt điều, giày dép, quần áo hoặc những sản phẩm khác không chỉ để tiêu thụ trong nước mà còn để bán ra nước ngoài.
Human Rights Watch cho rằng, Việt Nam nên dẹp bỏ những hành vi lạm dụng này, bởi thay vì giúp người nghiện chữa dứt cơn ghiền thì lại để cho họ bị hành hạ bị ngược đãi và bị buộc lao động cho những kẻ kiếm lợi trên những người nghiện như vậy.
Vào ngày 13/11 vừa qua, các đại biểu quốc hội Việt Nam vẫn còn băn khoăn nên coi những người nghiện ma túy là bệnh nhân hay tội phạm.
Ngô Ngọc Trai
Nguồn : BBC, 14/11/2020