Cần đến báo chí là một kênh thuần ‘lên’ tiếng nói của người dân
Nguyễn Nam, VNTB, 21/11/2020
Hiện có ý kiến lo ngại về ‘lỗ hổng’ giám sát các cơ quan hành chính cấp quận, cấp phường khi không tổ chức hội đồng nhân dân cùng cấp. Song, theo nhiều chuyên gia, không thiếu cơ chế để giám sát, kiểm soát, vấn đề cần thiết lập cơ chế giám sát phù hợp.
Tôn chỉ, mục đích của những tờ báo này phải là luôn tôn trọng tiếng nói của người dân, bất kể đó là tiếng nói trái chiều – dĩ nhiên là sẽ có những đối thoại tương ứng về các phản biện được gọi là ‘trái chiều’ ấy
Một trong số kênh giám sát đó, là những tờ báo chỉ làm mỗi công việc ghi nhận tiếng nói đa chiều của người dân, và các phản hồi từ cơ quan công quyền.
Lâu nay, thường nằm phía dưới măng-sét tên tờ báo, là dòng chữ đại để nội dung như với tờ Sài Gòn Giải Phóng "Cơ quan của Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Tiếng nói của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh".
Dưới măng-sét Tuổi Trẻ, là "Cơ quan của Đoàn Thanh niên cộng sản Thành phố Hồ Chí Minh". Với báo Thanh Niên, thì, "Diễn đàn của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam". Ở báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, là : "Cơ quan ngôn luận của Công an Thành phố Hồ Chí Minh". Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh : "Cơ quan ngôn luận của Hội liên hiệp phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh".
Pháp luật về báo chí của Việt Nam có giới hạn về quyền hành nghề của người làm báo, là chỉ được phép đưa tin đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí của cơ quan báo chí ; tức về nguyên tắc, báo của Đảng bộ, chỉ thuần tin tức về hoạt động của Đảng. Tương tự, báo Tuổi Trẻ chuyên nói về hoạt động Đoàn ; báo Thanh Niên là nơi ghi nhận các hoạt động trong phạm vi Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, do không có tờ báo nào, nên tiếng nói của người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh, đành phải ‘cậy nhờ’ vào những tờ báo ở các tổ chức khác của Đảng, Đoàn thể chính quyền.
Như vậy, trước băn khoăn ai sẽ giám sát chính quyền đô thị cấp quận, cấp phường trong mô hình "Chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh", thì một kênh truyền thông cần thiết là báo chí của tổ chức Mặt trận tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, và Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Những tờ báo này có trách nhiệm ghi nhận tất cả ý kiến của người dân về mọi mặt – nghĩa là không có vùng cấm, không phải chịu bất kỳ giới hạn nào của định hướng đối với báo chí kiểu như lâu nay.
Nói một cách khác, tôn chỉ, mục đích của những tờ báo này là luôn tôn trọng tiếng nói của người dân, bất kể đó là tiếng nói trái chiều – dĩ nhiên là sẽ có những đối thoại tương ứng về các phản biện được gọi là ‘trái chiều’ ấy.
Hơn thế, một khi có kênh báo chí chuyên ghi nhận và chuyển tải tiếng nói của người dân, thì đây còn là khẳng định của một quyền Hiến định về lá phiếu cử tri – tức bảo đảm quyền được bầu, bãi nhiệm của người dân.
Hiến pháp đã hiến định quyền lực cao nhất thuộc về nhân dân chứ không phải Quốc hội hay Hội đồng nhân dân các cấp, vì thế cần tạo lập một thể chế phù hợp với quyền đó, thiếu thì phải lập thêm, chưa có thì phải xây dựng để người dân thể hiện quyền của mình. Đó là quyền được bầu, quyền được bãi nhiệm chính quyền. Và cần có những tờ báo chuyên phụng sự các quyền lực hiến định ấy của người dân.
Còn từ góc độ luật pháp, thể chế, cơ chế kiểm soát cơ quan hành chính các cấp hiện hành, nếu cơ quan hành chính làm sai thì các cơ quan kiểm soát, giám sát của Đảng, nhà nước có thể vào cuộc xử lý trách nhiệm – một chuyên gia về chính sách công cho biết.
Bình thường cơ quan hành pháp chịu sự giám sát của Hội đồng nhân dân, phải báo cáo trước Hội đồng nhân dân, chịu sự chất vấn, bỏ phiếu tín nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân ngang cấp. Với mô hình chính quyền đô thị, khi không còn Hội đồng nhân dân ngang cấp ở quận, ở phường thì Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trực tiếp giám sát Ủy ban nhân dân cấp quận.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp quận ngoài báo cáo với chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, phải báo cáo trước Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, các đại biểu hội đồng sẽ chất vấn trực tiếp với lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp quận. Theo định kỳ lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo thành phố, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ lấy phiếu tín nhiệm với chủ tịch Ủy ban nhân dân quận như các chức danh khác được Hội đồng nhân dân bầu ra.
Về lý thuyết, hiện Thành phố Hồ Chí Minh cũng có cơ chế đối thoại, khi hoạt động cơ quan hành chính cấp quận có vấn đề, người dân kiến nghị về các bất cập trong hoạt động của các cơ quan hành chính thì Hội đồng nhân dân sẽ yêu cầu lãnh đạo quận giải trình, các ban trực thuộc Hội đồng nhân dân cũng có quyền yêu cầu chủ tịch quận giải trình về các vấn đề đại biểu hội đồng, người dân, dư luận quan tâm.
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 21/11/2020
***********************
Báo chí tư nhân mang đến lợi ích gì cho Đảng cộng sản Việt Nam ?
Lynn Huỳnh, VNTB, 21/11/2020
Cơ quan Tuyên giáo nói rằng báo chí ở Việt Nam là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, là diễn đàn của nhân dân, để quần chúng nhân dân thông qua đó, nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình, phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới, góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và thành viên của các tổ chức, cơ quan đó.
Luật báo chí Việt Nam hiện không thừa nhận các tổ chức báo chí tư nhân. Tư nhân không có quyền ‘sản xuất báo chí’.
Sinh viên khoa báo chí ở trường đại học, cũng được dạy rằng, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng báo chí làm vũ khí sắc bén chĩa vào chủ nghĩa thực dân, đế quốc và tay sai của chúng ở trong nước và nước ngoài, làm "đòn xoay chế độ", góp vào thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945, giành độc lập dân tộc.
Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trên cương vị Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò to lớn của báo chí trong sự nghiệp xây dựng, chấn hưng đất nước. Báo chí cách mạng được Đảng trao cho sứ mệnh là người tiên phong trong việc tuyên truyền, giáo dục về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nói chuyện với các thế hệ nhà báo Việt Nam, Người nói về đề tàicủa mình : "Tất cả những bài Bác viết chỉ có một "đề tài" là : chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác đối với báo chí là như vậy đó".
Theo những gì đúc kết trong cuộc đời làm cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì mục tiêu cao cả của báo chí cách mạng là phục vụ nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người.
Điều này được khẳng định khi Chủ tịch Hồ Chí Minh coi báo chí là bộ phận khăng khít trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân, của dân tộc và của Đảng.
Báo chí là bộ phận của công tác tư tưởng, luôn gắn liền với hoạt động của Đảng, phục vụ mục tiêu của cách mạng. Báo chí là diễn đàn rộng rãi, dân chủ của nhân dân, phục vụ lợi ích của nhân dân. Có mục đích chiến đấu rõ ràng, báo chí cần thực hiện tốt nhất những nhiệm vụ của báo chí vô sản – Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại huấn thị như vậy.
Các tài liệu của bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, nói rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ : mục đích của báo chí là "cốt làm cho dân ta biết, biết các việc, biết đoàn kết, đặng đánh Tây, đánh Nhật làm cho Việt Nam độc lập, bình đẳng tự do".
Từ việc nhận thức một cách sâu sắc vai trò to lớn của báo chí cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp viết báo, sử dụng báo chí làm vũ khí sắc bén, là diễn đàn tố cáo và tiến công địch, tuyên truyền cách mạng.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Người đã sáng lập ra nhiều báo. Le Paria là tờ báo cách mạng đầu tiên do Người sáng lập tại Pháp. Ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người sáng lập và trực tiếp chỉ đạo xuất bản báo Thanh niên, cơ quan của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, chính thức đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam. Báo Thanh niên trên thực tế, đã là tờ báo tuyên truyền đường lối cách mạng, chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam.
Như vậy có thể thấy rằng nhờ vào quyền tự do của báo chí tư nhân, đã giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh thêm vũ khí sắc bén trong công cuộc giải phóng dân tộc.
Nền báo chí cách mạng cũng hình thành từ quyền tự do báo chí tư nhân ấy, do vậy nên trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hơn trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam rất cần đến những tờ báo tư nhân cùng chung sức. Đây cũng từng là đề xuất của nhà báo tự do Phạm Chí Dũng, khi ông kiên trì kêu gọi cho quyền tự do của báo chí tư nhân.
Lynn Huỳnh
Nguồn : VNTB, 21/11/2020
**********************
Tư nhân không thể chung sức xây dựng nền báo chí cách mạng ?
Nguyễn Huỳnh, VNTB, 21/11/2020
"Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy : "Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc". Đại đoàn kết dân tộc là chủ trương chiến lược, có ý nghĩa sống còn, quyết định sự thành bại của cách mạng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối chiến lược cách mạng của Đảng ta".
Vì sao cống hiến bất vụ lợi chỉ giới hạn trong đội ngũ các nhà báo thuộc hệ thống báo chí của Đảng, và các hội, đoàn của Nhà nước ?
Đoạn trích diễn văn ở trên là của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc tại lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam – Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2020).
Bên lề của diễn văn trên, có ý kiến luận bàn rằng, trong giai đoạn cách mạng hiện nay, những quan điểm của Hồ Chí Minh về báo chí là cơ sở lý luận để Đảng ta nhận thức rõ vị trí và tầm quan trọng của việc xây dựng nền báo chí cách mạng trong công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa ; một nền báo chí dân chủ, trung thực, khoa học và hiện đại vì sự tiến bộ và phát triển của xã hội ; một nền báo chí hướng tới các giá trị chân, thiện, mỹ, hướng tới sự phát triển con người toàn diện ; một nền báo chí mà người làm báo luôn có ý thức trách nhiệm chính trị xã hội.
Đó là ý thức về một lập trường chính trị cách mạng, là thái độ bảo vệ chế độ, bảo vệ dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, kiên quyết chống lại sự phá hoại của kẻ thù. Đó là các gốc rễ để mỗi nhà báo tự vượt lên trên những tính toán vụ lợi, cống hiến toàn tâm, toàn lực cho sự nghiệp cách mạng.
Vậy thì vì sao trong chuyện cống hiến bất vụ lợi đó lại chỉ giới hạn trong đội ngũ các nhà báo thuộc hệ thống báo chí của Đảng, và các hội, đoàn của Nhà nước ?
Việt Nam đã chấp nhận nền kinh tế tư nhân trong vai trò chủ đạo ‘ngang hàng’ với các tập đoàn kinh tế của Chính phủ. Vậy thì vì sao còn ngần ngại khi cho rằng báo chí tư nhân không thể chung sức vì sự nghiệp chung là xây dựng đất nước hùng mạnh dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng cộng sản Việt Nam ?
Trong tiết học bồi dưỡng chính trị hàng năm dành riêng cho các lãnh đạo báo chí, người ta thấy là luôn được viện dẫn về Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Theo đó, Tư tưởng Hồ Chí Minh xem báo chí là một lĩnh vực hoạt động đặc biệt, đòi hỏi năng lực cao về trí tuệ, hiểu biết, kinh nghiệm cuộc sống phong phú và nhiều năng lực nghề nghiệp.
Báo chí phải là sự tập hợp mọi tiềm năng, mọi nguồn lực trí tuệ, có tầm hiểu biết rộng lớn, có lương tâm và đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Mỗi bài viết đều phải chứa đựng hàm lượng cao chất xám và nhiệt huyết cao của người viết. Hồ Chí Minh nói, nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Người làm báo phải phấn đấu rèn luyện không mệt mỏi và phải nghiên cứu và hoạt động thực tiễn.
Hồ Chí Minh khẳng định : "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa ; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động".
Người nhấn mạnh tính giai cấp, tính định hướng chính trị của các phương tiện thông tin đại chúng. Bất cứ một phương tiện thông tin đại chúng nào khi xây dựng một chương trình, xuất bản một tác phẩm, thể hiện một đề tài đáp ứng nhu cầu của độc giả… đều hàm chứa định hướng chính trị.
Theo Hồ Chí Minh, nhà báo làm ra sản phẩm lao động là các giá trị tinh thần cụ thể được xã hội hóa ở mức rất cao. Nếu nhà báo không có trách nhiệm sâu sắc đối với sản phẩm mà mình làm ra thì hậu quả sẽ khôn lường. Vì thế hơn ai hết nhà báo phải luôn trau dồi đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp thì mới đáp ứng được yêu cầu của Đảng, của nhân dân, của xã hội.
Tất cả các nội dung kể trên nếu đặt ra với báo chí tư nhân như một điều kiện cần và đủ để cấp một giấy phép làm báo, có lẽ sẽ giúp tránh được sự hoài nghi của chuyện Đảng dường như vẫn đang thiếu tự tin trong thực hiện đại đoàn kết dân tộc.
Nguyễn Huỳnh
Nguồn : VNTB, 20/11/2020
**********************
Doanh nghiệp đang sợ báo chí cách mạng !
Thới Bình, VNTB, 20/11/2020
Ở Việt Nam chỉ có báo chí của Đảng – Nhà nước, do vậy thật trớ trêu khi có nhiều chủ doanh nghiệp kể là họ sợ mấy ông, bà nhà báo dữ lắm…
"Hóa ra báo chí cách mạng cũng có thể dễ dàng mua được bằng tiền !"
Tại một cuộc hội thảo về Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, có khá nhiều doanh nghiệp đã phàn nàn về những tiêu cực của báo chí cách mạng, như sự thiếu tích cực của báo chí, thông tin không chính xác… gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Đây có thể là "lỗi" về mặt nhận thức thuần túy, về chuyên môn do nắm bắt thông tin không đầy đủ hoặc không chính xác.
Nhưng – nói theo ngôn ngữ Tuyên giáo Đảng, cũng có một nguyên nhân khác, đó là do bản thân nhà báo khi đến doanh nghiệp với động cơ không trong sáng, vụ lợi. Tuy nhiên, đôi khi sai phạm của nhà báo cũng bắt nguồn từ động cơ của chính doanh nghiệp. Bởi một số doanh nghiệp mượn báo chí để nhằm vào những điểm yếu của đối thủ cạnh tranh…
"Hóa ra báo chí cách mạng cũng có thể dễ dàng mua được bằng tiền !"
Một vài chủ doanh nghiệp chắt lưỡi mai mỉa như vậy, và còn ‘chua’ thêm rằng nếu đó không phải là đóng mác của ‘báo chí cách mạng’, thì chắc chắn giới chủ doanh nghiệp với đội ngũ luật sư làm trợ lý, sẽ chẳng chút ngần ngại gì mà không lôi mấy tay nhà báo lẫn tòa soạn báo kiểu này ra hầu tòa.
"Thử nghĩ, cứ sắp vào ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ngày Thương binh – liệt sỹ, ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam…, là luôn có mấy ông, bà nhà báo từ những tòa soạn của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, của Tòa án nhân dân tối cao, của báo Thanh Tra, báo Quốc hội… gọi điện mời tham gia quảng cáo chào mừng mấy ngày lễ kỷ niệm cách mạng đó.
Làm sao từ chối vì người mời cũng ‘đóng mác’ nhà báo cách mạng ?" – một chủ doanh nghiệp xuất thân là sinh viên trường luật, nói thêm rằng thật ra cũng thông cảm, vì phần trăm hoa hồng từ hợp đồng đăng quảng cáo thường lên tới hàng triệu đồng – "Không ai làm cách mạng dẫu chuyên chính vô sản đến đâu đi nữa, mà không cần đến tiền cả đâu !".
Cuộc sống của doanh nghiệp vô vàn khó khăn, họ ngại khi báo chí cách mạng nói không đúng, không hết về họ ; và cũng bởi báo chí cách mạng thường phản ánh những tiêu cực nhiều hơn tích cực về họ. Hơn thế, một khi đã đóng dấu là ‘báo chí cách mạng’ thì trong nếp nghĩ, ít ai dám ‘đụng’ tới mấy ‘nhà báo cách mạng’ đang nhân danh quyền lực tối thượng đó qua hai từ ‘cách mạng’.
Một chủ doanh nghiệp ‘khéo miệng’ hơn, khi phát biểu ý kiến kiểu dĩ hòa – vi quý thế này với những ai nhân danh cho cái gọi là ‘nhà báo cách mạng’ :
"Trong bối cảnh xã hội hiện đại, trước một bầu thông tin rất lớn từ báo chí chính thống, các mạng xã hội… nhưng tiếng nói từ báo chí chính thức lúc nào cũng quan trọng, đưa những thông tin một cách có trách nhiệm. Và đó chính là những thông tin tham khảo, định hướng quan trọng của doanh nghiệp.
Báo chí chính là diễn đàn của doanh nghiệp, qua báo chí môi trường kinh doanh của nền kinh tế được phản ánh, là cầu nối giữa doanh nghiệp với Chính phủ. Báo chí cũng là kênh để các doanh nghiệp kết nối với nhau, quảng bá hàng hóa dịch vụ của doanh nghiệp. Thậm chí báo chí là người thầy cho doanh nghiệp.
Không phải những lúc vui báo chí mới chia sẻ cùng doanh nghiệp mà ngay cả khi doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh khó khăn báo chí cũng vẫn đồng hành, giống như bầu khí quyển của doanh nghiệp.
Do đó, tôi ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước trong vấn đề quy hoạch báo chí nhằm xây dựng đội ngũ báo chí chuyên nghiệp. Song dù vậy, báo chí cũng cần có vai trò phản biện, dũng cảm nói lên tiếng nói của người dân và doanh nghiệp, có tính chất xây dựng. Điều này cũng nói lên trách nhiệm xã hội, chính trị của báo chí là vô cùng quan trọng".
Một chủ doanh nhân khác lại đưa ra một thách thức : "Kinh tế tư nhân làm ăn sòng phẳng, vậy sao không cho tư nhân bỏ vốn vào làm báo tư nhân ? Luật Doanh nghiệp không có điều khoản nào hạn chế về quyền được đầu tư sản xuất báo chí, song trên thực tế thì tư nhân chỉ được quyền hùn hạp với tòa soạn báo chí nhà nước trong vài công đoạn nào đó mà họ cần đến nhiều đồng vốn của tư nhân, còn lại thì họ vẫn là độc quyền…".
Thới Bình ghi
Nguồn : VNTB, 20/11/2020