Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/11/2020

Đảng cộng sản Việt Nam muốn chuyển hóa về… đâu ?

Nguyễn Huyền - RFA tiếng Việt

Cấm vận động cá nhân cho lá phiếu "Đảng cử" ?

Nguyễn Huyền, VNTB, 21/11/2020

Ngại tranh cử công khai trong chính nội bộ Đảng ?

Báo Thanh Niên, viết : "Nhân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng ở tất cả các khâu, góp phần nâng cao chất lượng nhân sự cấp uỷ các cấp và chuẩn bị cho nhân sự Trung ương.

"Những hiện tượng vận động, tranh thủ phiếu bầu cơ bản được khắc phục ; tình trạng chạy chức, chạy quyền, cục bộ, địa phương, lợi ích nhóm đã giảm hẳn", Tổng bí thư, Chủ tịch nước khẳng định (*).

dcsvn1

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh kiên quyết chống các biểu hiện cơ hội ; vận động cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm… trong công tác nhân sự ; kiên quyết xử lý những tập thể, cá nhân vi phạm.

Thắc mắc đặt ra : vì sao khi ‘Đảng cử’ theo quy trình, nhưng người ta vẫn có thể ‘chạy chọt’ theo chiều hướng tiêu cực cho lá phiếu bầu ? "Tranh thủ phiếu bầu" như lời trích ở trên của báo Thanh Niên, đó là nói giảm nhẹ cho vấn nạn tham nhũng quyền lực. Cụm từ rất quen thuộc luôn được nhắc trước mỗi kỳ đại hội Đảng, đó là, "tình trạng chạy chức, chạy quyền, cục bộ, địa phương, lợi ích nhóm đã giảm hẳn".

Câu hỏi : vì sao đến nay Đảng vẫn chưa đồng ý việc các đảng viên được quyền tranh cử công khai, minh bạch trước cử tri đảng viên và cả cử tri quần chúng ?

Đơn cử : nếu đảng viên Nguyễn Thiện Nhân ứng cử vào chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ông sẽ phải đưa ra được các quyết sách vừa giúp chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh thực thi tốt về "Chính quyền đô thị", đồng thời còn đưa ra được đường hướng giúp gia tăng an sinh bền vững của cư dân Sài Gòn.

Tương tự, đồng ý là đảng viên Nguyễn Văn Nên được Trung ương Đảng giới thiệu về sinh hoạt ở Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, và cũng sẽ là thành viên Đại biểu quốc hội của đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, song chí ít đảng viên Nguyễn Văn Nên phải chứng minh thực lực của mình qua phác thảo cụ thể tầm nhìn chiến lược, và phương thức thực hiện chiến lược đó sẽ ra sao, cần đến sự phối hợp như thế nào ?

Mặt khác, Đại biểu quốc hội Nguyễn Văn Nên phải có trách nhiệm trình bày trước rộng rãi cử tri ở Thành phố Hồ Chí Minh về khả năng của mình ra sao trong đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân Sài Gòn ?

Và không chỉ riêng hai ông Nhân, Nên, mà tất cả các đảng viên khác đều phải được quyền dân chủ trong trình bày những đề xuất của mình trên cương vị thích hợp khi tham gia vào nhiệm kỳ mới của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh.

Ở đây, cần thấy rằng nếu loại trừ lợi ích cục bộ địa phương, thì đó sẽ là bước cản trở nhiều hơn. Đơn cử, nhóm các lãnh đạo quản trị Thành phố Hồ Chí Minh ở hiện tại như các ông : Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Thành Phong, Lê Thanh Liêm, Võ Văn Hoan, Ngô Minh Châu…, cho thấy là một ê-kíp gắn bó đủ mạnh giúp Thành phố Hồ Chí Minh phát triển ngày một bền vững hơn, tiệm cận với cung cách quản trị chung của những đô thị ở các quốc gia phát triển khác.

Nếu vì ngại đây là nhóm lợi ích đang củng cố quyền lực tích lũy, nên phải chọn thay vị trí Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, song vẫn dè chừng sự phản kháng, nên duy trì quyền lực của người vừa trở thành cựu Bí thư… tất cả cho thấy rất cần xem lại việc tiếp tục không cho phép các đảng viên được quyền tranh cử.

Vì sao lại ngại đảng viên được tự do tranh cử ?

Ghi nhận ý kiến từ một luật sư là đảng viên, thì trong 19 điều đảng viên không được làm, ở điều 4 "Tổ chức, xúi giục, tham gia các hoạt động bè phái, chia rẽ, cục bộ gây mất đoàn kết nội bộ ; Lợi dụng việc phát ngôn, nhân danh việc phản ánh, góp ý kiến đối với Đảng để đả kích, vu cáo, xúc phạm, nhận xét, đánh giá tuỳ tiện đối với người khác. Đe doạ, trù dập, trả thù người tố cáo, phê bình, góp ý", có quy định cụ thể như sau :

"1. Chủ trì, tham gia tổ chức, vận động, lôi kéo, tập hợp đảng viên, quần chúng mang tính chất cục bộ địa phương, phe cánh, họ tộc, nhóm lợi ích nhằm tranh giành lợi ích kinh tế, chính trị, vị trí công tác, chức vụ trong bầu cử, bổ nhiệm, sắp xếp, bố trí cán bộ của Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị – xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp.

2. Lợi dụng quyền phê bình, tự do ngôn luận, báo chí, diễn đàn, câu lạc bộ để phát ngôn hoặc nhân danh việc phản ánh, góp ý kiến đối với Đảng để nhận xét, bình luận, đánh giá ngoài phạm vi tổ chức cho phép ; đả kích, vu cáo, xúc phạm đối với tập thể và cá nhân".

Nếu cho phép đảng viên được quyền tự do tranh cử, vận động lá phiếu từ các đảng viên… thì dễ đưa đến những lo ngại về chuyện ‘thù địch’ như nêu ở điều 4 kể trên.

Chưa hết, trong 19 điều đảng viên không được làm, ở điều 7 buộc rằng đảng viên (kể cả cấp uỷ viên và đảng viên là cán bộ diện cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ quản lý) không được quyền tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử các chức danh của tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội (theo quy định phải do tổ chức đảng giới thiệu) khi chưa được tổ chức đảng có thẩm quyền cho phép.

Giờ sắp bước sang năm 2021. Việt Nam đã tham gia rất nhiều các thỏa thuận thương mại quốc tế cả song phương lẫn đa phương. Việt Nam cũng đã chấp nhận quyền tự do công đoàn. Vậy thì càng cần thiết sự tương thích chung giữa các chính sách trong việc chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng trong lá phiếu cử tri đảng viên cho bầu chọn công khai trên cơ sở ứng cử, tranh cử công bằng và dân chủ. Hơn nữa, đây là quyền hiến định.

Hiến pháp 2013, điều 4. 3, viết rằng : "Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật".

Nguyễn Huyền

Nguồn : VNTB, 21/11/2020

Chú thích :

(*)https://thanhnien.vn/thoi-su/tong-bi-thu-kien-quyet-chong-van-dong-ca-nhan-phe-canh-trong-cong-tac-nhan-su-1306886.html

**********************

Mặc cảm, định kiến về quá khứ có thể xóa như kêu gọi của ông Trọng ?

RFA, 19/11/2020

dcsvn2

Chiến tranh Việt Nam : Binh lính hai giới tuyến (Ảnh minh họa) - File photo

"Xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần, giai cấp ; chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc".

Đó là kêu gọi của ông Tổng bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đưa ra trong phát biểu khi tham dự Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2020) ở Hà Nội.

Thực tế vấn đề hòa hợp - hòa giải đối với chính quyền Việt Nam có như lời Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ?

Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, một cựu tù nhân quyền, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 19/11/2020 cho rằng, chuyện hòa hợp - hòa giải là một đề tài phức tạp và lớn lao, vì liên quan lịch sử và chính trị của Việt Nam rất nặng nề, ông tạm chia thành hai giai đoạn :

"Giai đoạn thứ nhất từ 1975 đến 1995, tức là 20 năm, đó là thời điểm Hoa Kỳ cấm vận Việt Nam. Trong giai đoạn này, đặc trưng của chế độ cộng sản là cướp phá và trả thù. Đặc trưng cướp phá là đổi tiền, đánh tư sản, kinh tế mới... Còn trả thù là tù cải tạo, thuyền nhân... đây là cuộc chiến vô nghĩa, bất chính danh và vô nhân đạo của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam".

Giai đoạn thứ hai theo Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già là từ 1995 đến nay thì ngoài cướp phá, trả thù còn thêm hai đặc trưng là lừa dối và bạo lực. Ông nói tiếp :

"Giai đoạn trước, sự trả thù với người lính Việt Nam Cộng Hòa đã tàn khốc đau thương lắm rồi như hình ảnh Nghĩa trang quân đội Việt Nam Cộng Hòa ở Biên Hòa. Cho đến mãi sau này, những người thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, bây giờ họ là những người tàn tật, những ông già, sống bằng nghề bán vé số mưu sinh, sống lây lất tại vườn ra Lộc Hưng, mà họ còn bị tống cổ ra khỏi đó... thì tôi không hiểu ông Nguyễn Phú Trọng nói xóa bỏ mặc cảm thì là mặc cảm gì đây ? Mặc cảm của ai đây ? Và khi ổng bảo ‘tôn trọng những khác biệt’, thì tôi bỗng nhớ hồi Đại hội đảng 12, họ bảo ‘tôn trọng những khác biệt’ không trái với lợi ích của quốc gia dân tộc, thì mới sau bốn năm... tình trạnh người bất đồng chính kiến bị bắt bớ rất nặng nề và kết án tù rất cao".

Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già nêu trường hợp tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức và gia đình đã làm đơn yên cầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải thượng tôn pháp luật, nhưng chính quyền chả có một câu trả lời nào cho gia đình. Ông Nguyễn Ngọc Già nhận xét :

"Tôi không hiểu ông Nguyễn Phú Trọng có biết những điều này hay không ? Nó có trở nên nghịch lý với những điều ổng nói hay không ? Vì vậy trong bối cảnh hiện nay, tôi cho rằng phát ngôn của ông Nguyễn Phú Trọng trong tư cách Tổng bí thư và Chủ tịch nước, nó không giải quyết được gì mà chỉ mang tính mị dân, bởi vì lòng tin của người dân đã cạn kiện đến tận cùng".

Chiến tranh Việt Nam chấm dứt ngày 30/4/1975, để lại 20.000 thương binh Việt Nam Cộng hòa với mức độ thương tật nặng nhẹ khác nhau. Trong đó, số bị tàn phế, cụt tay, cụt chân, bị mù mắt, bị mất sức lao động là từ 3.000 đến 5.000 người. Chính quyền Việt Nam sau năm 1975 hầu như không hỗ trợ gì cho những người cựu chiến binh thương tật này. Các thương phế binh mất sức lao động chủ yếu sống bằng nghề bán vé số và trông chờ vào sự giúp đỡ của các mạnh thường quân.

Một người dân không muốn nêu tên vì lý do an ninh, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 19 tháng 11 năm 2020 qua tin nhắn liên quan vấn đề này, nhận xét :

"Thực ra, ‘xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ’ như lời ông Trọng không phải bây giờ mới nói đến. Từ thời ông Nguyễn Văn Linh làm Tổng bí thư (1986-1991) khi khởi xướng ‘Đổi Mới’ cũng đã từng đề cập vấn đề này. Những năm sau đó, Bộ chính trị đã cụ thể hóa bằng Nghị quyết 36 mà nội dung là kêu gọi đoàn kết của kiều bào nước ngoài, ‘khép lại quá khứ, hướng tới tương lai’, đặc biệt Đảng cộng sản Việt Nam xác định ‘Việt kiều là một bộ phận cấu thành của dân tộc VN’ !

dcsvn3

Các ngôi mộ của chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa tại Nghĩa trang Biên Hòa. File photo

Khi đó theo ông này, chính quyền nói là ‘xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ’, nhưng chỉ đối với Việt kiều đi học hoặc xuất khẩu lao động ở Liên Xô và các nước Đông Âu cũ. Còn đối với Việt kiều là những người ở Miền Nam Việt Nam ra đi sau 30/4/1975 đến các nước tư bản Mỹ, Canada, Anh, Úc... thì muốn về thăm quê hương cũng phải qua chọn lọc nhằm loại trừ những viên chức, sĩ quan cao cấp của chế độ cũ chứ không phải ai muốn về là được ! Ông nói tiếp :

"Chưa kể, người dân ở Miền Nam Việt Nam còn bị chủ nghĩa lý lịch trong những năm sau 1975 đến thập kỷ 1990 đeo bám họ, nhất là những gia đình có nguồn gốc trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Ngay cho đến bây giờ, có thể nói hầu như cán bộ từ cấp thấp nhất ở thôn, xã đến phường, quận ở thành phố... đều phải có ‘lý lịch rõ ràng’ ám chỉ họ không xuất thân từ gia đình viên chức, sĩ quan chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Đặc biệt, riêng đối với ngành công an, khi một cán bộ công an nào đó muốn kết hôn, thì người vợ hoặc người chồng đó phải có ‘lý lịch trong sach’ tuyệt đối và phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan công an quản lý cán bộ đó. Điều này là vi phạm Luật hôn nhân và gia đình, nhưng đó là ‘quy định ngầm’ của ngành công an !

Người dân không muốn nêu tên cho rằng sở dĩ Tổng bí thư, Chủ tịch nước kêu gọi ‘xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ’, vì trong thực tế thời gian qua những điều này đến nay vẫn tồn tại, và nếu không có ‘mặc cảm, định kiến’ thì kêu gọi làm gì ? Theo ông, có thể chủ trương của Đảng cộng sản Việt Nam là như ông Trọng nói, nhưng trong thực tế thì giữa lời nói đó với việc làm hãy còn khoảng cách xa lắm !

Trong khi tại Việt Nam, chính quyền bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng các nghĩa trang liệt sĩ, nhằm tôn vinh những người lính bắc Việt đã nằm xuống, nhiều nơi còn xây dựng cả những tượng đài trăm tỷ đồng. Thì những nghĩa trang của quân đội Việt Nam Cộng hòa lại gần như bị bỏ hoang, việc trùng tu phải trông chờ vào các tổ chức hải ngoại. Tuy nhiên đôi khi lại bị chính quyền Việt Nam gây khó khăn, cản trở.

Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa được xây dựng vào năm 1967, nay được gọi tên là Nghĩa trang Bình An. Nơi đây chôn cất hàng ngàn ngôi mộ của binh sĩ Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Tuy nhiên trong hơn 4 thập niên qua, rất nhiều ngôi mộ bị xuống cấp nghiêm trọng, do không được chăm sóc, bảo quản vì việc thăm viếng ở nghĩa trang này thường bị chính quyền địa phương gây khó dễ.

Hội Người Mỹ gốc Việt (VAF), một tổ chức thiện nguyện ở Mỹ khởi xướng chương trình trùng tu các ngôi mộ ở Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa từ năm 2007. Giới chức ngoại giao và một số vị Dân biểu Hoa Kỳ kêu gọi Chính phủ Việt Nam hợp tác với VAF trong việc trùng tu toàn diện nghĩa trang này.

Một bạn trẻ Hà Nội, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm nay, cho biết ý kiến của mình :

"Công cuộc hòa giải của đất nước Việt Nam mình vẫn chưa được hoàn thiện và hầu như rất chậm chạp. Ngay chính bên trong đất nước Việt Nam này họ cũng đang có sự không hòa hợp được với nhau. Ngay chính bản thân nội tại trong một đất nước nó đã không hòa hợp hòa giải với nhau rồi thì nói gì đến việc người Việt Nam trong nước hòa hợp được với người Việt Nam ở hải ngoại, chính quyền cũ hòa hợp với chính quyền mới".

Một bạn trẻ khác ở Thanh Hóa, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm nay cho rằng việc hòa hợp hòa giải ở Việt Nam còn xa lắm :

"Hòa hợp dân tộc chỉ xảy ra khi một chính thể cởi mở, có nhiều tổ chức xã hội dân sự, chính quyền và nhân dân cùng phấn đấu một mục đích chung, đòi hỏi sự minh bạch để nhân dân tin tưởng là một chính quyền trong sạch, tin tưởng sự đóng góp của mình là để xây dựng tổ quốc, giúp đỡ cộng đồng chứ không phải để nuôi một nhóm người hay một đảng phái nào đó".

Do đó theo bạn trẻ này, việc hòa hợp dân tộc còn phải dựa trên tinh thần phản biện. Với chính quyền Việt Nam hiện tại thì chuyện hòa hợp hòa giải dân tộc, khó có thể xảy ra trong một sớm một chiều.

Nguồn : RFA, 19/11/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Huyền, RFA tiếng Việt
Read 509 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)