Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/11/2020

Đại hội 13 : Giải quyết thế nào về đảng viên sai phạm và tham nhũng ?

Nhiều tác giả

Đảng cộng sản Việt Nam sẽ có lãnh đạo mới

Charlie Mccann, VNTB, 21/11/2020

Đảng cộng sản Việt Nam sẽ tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13. Những đảng viên trung thành sẽ gật đầu tán thưởng người chiến thắng trong nội bộ đảng để trở thành tổng bí thư mới. Sau đó, tổng bí thư mới sẽ đặt ra các ưu tiên cho những năm tới.

lanhdao1

Việt Nam bị xiết chặt hơn giữa Trung Quốc và Mỹ - Ảnh minh họa

Trung Quốc sẽ là chủ đề quan trọng trong các cuộc thảo luận. Mối quan hệ của Việt Nam với nước láng giềng phương Bắc luôn luôn phức tạp. Trong năm tới, thậm chí sẽ còn phức tạp hơn vậy nữa. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở phần lớn biển Đông và sẽ xâm phạm vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền – đôi khi là chèn ép, như đã từng xảy ra vào năm 2020 khi tàu Trung Quốc tấn công và đâm chìm tàu cá Việt Nam.

Những hành động khiêu khích như vậy rất có thể khiến người Việt Nam xuống đường, gợi lại ký ức về các cuộc biểu tình hàng loạt vào năm 2014 và 2018, khi tâm lý chống Trung Quốc tạo ra một làn sóng bạo loạn.

Sự phẫn nộ của công chúng đối với các hành động khiêu khích của Trung Quốc sẽ đảm bảo rằng chính phủ, bề ngoài vẫn duy trì một thái độ lạnh lùng đối với Trung Quốc. Nhưng Việt Nam sẽ không muốn trở thành kẻ thù với siêu cường này, ông Carlyle Thayer thuộc Đại học New South Wales nói.

Chẳng còn mấy quốc gia cộng sản còn lại là bạn của Việt Nam, và quan hệ giữa Đảng cộng sản Việt Nam và đối tác Trung Quốc ngày càng sâu sắc. Quan trọng hơn, nền kinh tế của hai nước ngày càng gắn bó chặt chẽ hơn. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, là nguồn nhập khẩu lớn nhất đồng thời cũng là điểm đến cho hầu hết các mặt hàng xuất khẩu. Hơn nữa, ông Tuong Vũ ở Đại học Oregon nói, Đảng cộng sản Việt Nam sợ đối đầu với Trung Quốc.

Do đó, ban lãnh đạo mới sẽ tiếp tục giảm thiểu rủi ro. Điều này có nghĩa là sẽ làm sâu sắc hơn các liên kết thương mại với Trung Quốc nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời nỗ lực chống lại những bước tiến của Trung Quốc ở Biển Đông bằng cách vun đắp quan hệ với Mỹ.

Hai người được nhắm đến cho vị trí lãnh đạo hàng đầu là Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban bí thư và là người trung thành với đương kim tổng bí thư, và Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng. Mặc dù cả hai đều là những người cộng sản thâm căn cố đế, và đảng sẽ mãi là ưu tiên một, ai thắng cũng sẽ cần phải là một người rất thực dụng.

Tổng bí thư sẽ phải nói chuyện cứng rắn với Trung Quốc để giữ cho tinh thần chống Trung Quốc trong nước được kiểm soát, đồng thời chống lại sự lôi kéo của một phe trong đảng muốn xoay trục nhanh hơn về phía Mỹ. Chẳng hạn, cho Trung Quốc thấy rằng mối quan hệ xuyên Thái Bình Dương này đang phát triển mạnh mẽ hơn bằng cách cho phép các tàu chiến Mỹ đến thăm cảng nhiều hơn sẽ giúp lãnh đạo mới tăng cường sức mạnh. Nhưng cuối cùng, các nhà lãnh đạo Việt Nam biết rằng Trung Quốc sẽ luôn ở đó và còn về lâu dài thì Mỹ có thể không.

Charlie Mccann

Phóng viên Đông Nam Á, The Economist

Nguyên tác : Vietnam’s Communist Party will have a new leader, The Economist, 17/11/2020

Anh Khoa dịch

Nguồn : VNTB, 20/11/2020

**************************

Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh ra tòa, Hoàng Trung Hải có run ?

Nguyễn Duy, Thoibao.de, 21/11/2020

Đấu đá nội bộ trong Đảng cộng sản Việt Nam là chuyện dài nhiều tập, hiện nay có 2 cách đấu nhau. Thứ nhất là loại đối thủ khỏi xã hội và thứ nhì là loại ra khỏi ghế. Chuyện các quan chức chính quyền cộng sản đấu nhau đến xanh cỏ thì không thiếu tấm ngương Nguyễn Bá Thanh còn đó, nhưng phổ biến hơn vẫn là tố nhau tham nhũng rồi dùng lá bài đó triệt hạ nhau. Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Phạm Minh Tuấn, Vũ Huy Hoàng, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Văn Bình v.v. đều bị tố tham nhũng. Họ là những người dưới trướng Nguyễn Tấn Dũng. Điều trớ trêu là lính thì bị quy tội còn sếp Dũng thì vô can, đấy người ta gọi là cái "ưu việt xã hội chủ nghĩa".

lanhdao2

Đinh La Thăng, Nguyễn Tấn Dũng và những than cận

Đệ tử Nguyễn Tấn Dũng, có người bị nhẹ chỉ là khiển trách như Hoàng Trung Hải và Nguyễn Văn Bình, có người thì bị vào khám như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng, Phạm Minh Tuấn. Thực ra người án nhẹ chưa chắc gì tội nhẹ. Lấy ví dụ như Hoàng Trung Hải, ông là phó thủ tướng thay mặt Nguyễn Tấn Dũng quản lý các dự án ở PVN, thế nhưng ông ta lại không có tội gì còn Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh gánh hết. Sau khi Nguyễn Tấn Dũng giã từ chiếc ghế quyền lực để "làm người tử tế" thì cả Đinh La Thăng và Hoàng Trung Hải đều nắm 2 chiến ghế quan trọng nhất ở 2 thành phố lớn. Ông Đinh La Thăng nắm chức bí thư Thành phố Hồ Chí Minh còn ông Hoàng Trung Hải nắm chức bí thư Hà Nội. Ông Đinh La Thăng thì làm được 1 năm thì ngã ngựa còn ông Hoàng Trung Hải làm được 4 năm thì bị truất phế.

Đinh La Thăng đã bị truy tố và tuyên án nhiều lần, nhưng bây giờ lại bị lôi ra tòa vì một một sai phạm từ rất lâu, dự án Etanol Phú Thọ. Không biết vụ án này họ muốn nhắm vào ai hay không ?

Ông Đinh La Thăng cùng Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc có sai phạm khi chỉ định nhà thầu thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ, gây thiệt hại hơn 540 tỷ đồng từi thời còn làm chủ tịch tịch PVN.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác định ông Thăng có vai trò chính nên truy tố về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3 điều 224 Bộ luật Hình sự 2015, khung hình phạt 10-20 năm tù".

Liên quan vụ án có 11 đồng phạm, trong đó Trịnh Xuân Thanh (cựu tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC) bị truy tố về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (khoản 3 điều 224) và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ (khoản 3 điều 356) ; Đỗ Văn Hồng truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ (khoản 3 điều 356).

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác định ông Thăng có vai trò chính nên truy tố về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3 điều 224 Bộ luật Hình sự 2015, khung hình phạt 10-20 năm tù.

Liên quan vụ án có 11 đồng phạm, trong đó Trịnh Xuân Thanh (cựu tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC) bị truy tố về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (khoản 3 điều 224) và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ (khoản 3 điều 356) ; Đỗ Văn Hồng truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ (khoản 3 điều 356).

Hoàng Trung Hải có liên quan không ?

Sai phạm dự án Ethanol Phú Thọ diễn ra từ năm 2007 kéo dài đến năm 2013, thời kỳ này ông Hoàng Trung Hải làm phó cho Nguyễn Tấn Dũng phụ trách về kinh tế ngành cho chính phủ. Nói tóm lại, những sai phạm của Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh trong thời gian đó là có liên quan đến vai trò Hoàng Trung Hải, nếu ông không dính đến đường dây ăn chia dự án này thì ông cũng phạm tội tắc trách để xảy ra tiêu cực trong lĩnh vực mà mình quản lý. Nếu truy ra tận gốc thì Hoàng Trung Hải và Nguyễn Tấn Dũng khó thoát được chịu tội liên đới.

Hiện nay báo chí không đề cập gì đến Hoàng Trung Hải trong dự án này, nhưng không thể loại trừ khả năng vụ án này có thể dẫn đường tới nhà Hoàng Trung Hải. Đại hội 13 đang rất gần, việc đấu đá cung đình bên trong Đảng cộng sản ngày một khốc liệt, không biết Hoàng Trung Hải có trụ vững sóng gió chỉ vài tháng nữa rồi tính con đường mới hay không ?

Được biết, ngày 9 tháng 12 năm 2019 Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12 đã đề nghị xem xét kỷ luật ông Hoàng Trung Hải vì thời gian làm Phó Thủ tướng đã "có vi phạm, khuyết điểm khi cho một số ý kiến chỉ đạo đối với Dự án TISCO II và sau đó ngày 10 tháng 1 năm 2020, ông Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Ủy viên Ban Cán sự Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính Phủ. Ông Hoàng Trung Hải không thể chỉ sai phạm trong một dự án trong khi dưới sự quản lý của ông có rất nhiều dự án mà các người liên quan đã bị truy tố. vậy nên vụ án Ethanol Phú Thọ cũng là một lưỡi đao đang treo trên đầu Hoàng Trung Hải chứ không hẳn là ông ta đã vô can. Có thể đợi tòa án xử xong Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh thì may ra mới biết số phận Hoàng Trung Hải đã an toàn.

lanhdao3

Hoàng Trung Hải thời còn làm phó thủ tướng

Ẩn số Hoàng Trung Hải

Tuy là đang bị kỷ luật nhưng rõ ràng cơ hội cho Hoàng Trung Hải vẫn chưa hết. Ông Hoàng Trung Hải hiện nay vẫn là ẩn số, người ta thường đặt câu hỏi rằng, liệu Hoàng Trung Hải có còn bám lại Bộ Chính Trị khóa sau hay không ? Về lý thuyết thì hiện nay Hoàng Trung Hải vẫn còn đang Ủy Viên Bộ Chính Trị cho nên hoàn toàn có khả năng tái cử vào đại hội 13 này. Nếu phiên tòa xử Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh không bất ngờ gọi tên Hoàng Trung Hải thì phần lớn là ông Hải sẽ ở lại Bộ Chính Trị khóa sau và không biết chừng ông ta có thể tiến lên một chức vụ cao hơn, vì sao như thế ?

Trong quá khứ, tháng 1/2003, tại Hội nghị Trung ương 7 khóa IX, ông bị Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam kỉ luật khiển trách vì trong thời kỳ làm bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (khóa VI, từ 1996-2000), ông chưa "làm tròn trách nhiệm trong việc chỉ đạo điều tra, ngăn chặn những hoạt động tội phạm của Trương Văn Cam cùng đồng bọn và có những khuyết điểm trong công tác cán bộ. Vậy nên việc Hoàng Trung Hải bị kỷ luật mà còn giữ ghế Ủy Viên Bộ Chính Trị thì không hẳn ông Hải hết hy vọng.

lanhdao4

Trương Tấn Sang từng bị kỷ luật nhưng vẫn giữ ghế Ủy Viên Bộ Chính Trị

Có 2 khả năng, nếu không loại bỏ được chức Ủy Viên Bộ Chính Trị của Hoàng Trung Hải ngay bây giờ thì Hoàng Trung Hải hoàn toàn có khả năng tái ứng cử trong Bộ Chính Trị, còn nếu muốn loại Hoàng Trung Hải ngay bây giờ thì chỉ có thể là dùng lá bài tham nhũng để lột chức Ủy Viên Bộ Chính Trị ông ta thôi.

Trong cáo trạng không nói gì về Hoàng Trung Hải

Theo cáo trạng ra ngày 17/11 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, năm 2007 ông Thăng với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã ký nghị quyết chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy sản xuất Ethanol khu vực phía Bắc. Cuối năm 2007, Công ty cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) được thành lập để làm chủ đầu tư dự án, vốn điều lệ ban đầu hơn 405 tỷ đồng.

Tháng 8/2008, PVB và Công ty cổ phần thiết kế Công nghiệp hóa chất (CECO) ký hợp đồng tư vấn lập dự án đầu tư xây dựng công trình và hồ sơ mời thầu. Tháng 2/2009, dự án được phê duyệt xây dựng tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ với tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, thực hiện trong 18 tháng.

Tháng 9/2008, PVB mời sơ tuyển gói thầu TK05 "Chìa khóa trao tay" xây dựng nhà máy Ethanol Phú Thọ. Trong 6 nhà thầu gửi hồ sơ có Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T, do Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thành lập, do PVC không đáp ứng đủ yêu cầu.

Thực hiện chỉ đạo của ông Thăng về việc chỉ định thầu, PVB không tổ chức đấu giá theo kế hoạch mà chuyển sang chỉ định thầu cho liên danh của PVC. Quá trình thực hiện hợp đồng không đúng tiến độ, PVC có báo cáo thừa nhận không đủ năng lực. Tháng 3/2013, PVC đơn phương dừng thi công dự án, chưa có hạng mục nào hoàn thành.

Khi thực hiện dự án, PVB vay ngân hàng và Công ty tài chính Dầu khí Việt Nam hơn 750 tỷ đồng. Từ ngày triển khai dự án (tháng 9/2009) đến khi khởi tố vụ án (tháng 6/2018), PVB đã thanh toán cho PVC hơn 600 tỷ đồng, Alfa Laval hơn 230 tỷ đồng. Chủ đầu tư sử dụng hơn 1.400 tỷ đồng để thực hiện dự án.

Nhà chức trách cáo buộc, biết PVC chưa từng thực hiện dự án nào về Ethanol và tình hình tài chính đang khó khăn, ông Thăng với vai trò Chủ tịch PVN, Trưởng ban chỉ đạo triển khai dự án, đã chủ trì nhiều cuộc họp, "quyết liệt" định hướng giao thầu cho PVC như đề nghị của bị can Thanh.

Bị can Thanh biết rõ liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực thực hiện gói thầu nhưng vẫn nhận chỉ đạo từ lãnh đạo PVN để ký văn bản xin được chỉ định thầu. Cựu chủ tịch PVC này còn chủ trì cuộc họp Hội đồng quản trị và ban Tổng giám đốc PVC đồng ý thực hiện gói thầu ; ký công văn gửi ông Thăng xin cam kết thực hiện gói thầu.

Hành vi làm trái các quy định của ông Thăng, Thanh và các bị can dẫn đến thiệt hại cho PVB hơn 540 tỷ đồng. Trong quá trình điều tra, ông Thăng thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác.

lanhdao5

Báo đưa tin Hoàng Trung Hải bị kỷ luật

Nói chung trong cáo trạng không có nhắc gì Hoàng Trung Hải. Nhưng chưa chắc gì an toàn, còn nhớ Vụ Án Dương Chí Dũng năm 2014 cũng không có tên Phạm Quý Ngọ trong cáo trạng, nhưng vào giờ chót thì xuất hiện tình tiết mới. Đây là bài học cho Hoàng Trung Hải.

Qua sóng gió liệu Hoàng Trung Hải có thăng tiến ?

Sắp tới đại hội 13, với vai trò Phó Trưởng Bộ phận Thường trực Tiểu ban văn kiện Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam bên cạnh ông Nguyễn Phú Trọng. Đến nay người ta cũng không biết, việc ông Nguyễn Phú Trọng chỉ kỷ luật mà không lột chức Ủy Viên Bộ Chính Trị của Hoàng Trung Hải thì liệu rằng, đây có phải là hình phạt nhẹ rồi lại tưởng thưởng sau đó hay không.

lanhdao6

Hoàng Trung Hải lại xuất hiện trên báo

Từ sau khi thôi giữ chức Bí Thư Thành Ủy Hà Nội thì tên tuổi của Hoàng Trung Hải bỗng chìm hẳn làm người ta nghĩ Hoàng Trung Hải sẽ có kết cục như Đinh La Thăng. Thế những gì đang diễn ra, ông Hoàng Trung Hải bỗng xuất hiện trên báo chí chiều hơn trong những ngày sắp diễn ra đại hội làm người ta nghĩ khác. Phải chăng ông Hải đang chuẩn bị cho một giai đoạn mới ? Gai đoạn nắm quyền lực cho nhiệm kỳ sau ?

Nguyễn Duy (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 21/11/2020

********************

Vì sao không thể xóa việc chạy chức, chạy phiếu vào nhân sự Đại hội 13 ?

Diễm Thi, RFA, 20/11/2020

=lanhdao7

Chủ tịch nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (trái), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (giữa) và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (phải). Ảnh chụp tại Hà Nội hôm 12/11/2020 - AFP

"Giảm hẳn tình trạng chạy chức"

Hôm 19 tháng 11 năm 2020, Tổng bí thư, Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết Đại hội Đảng bộ các cấp tại Hà Nội. Nhận định về việc chuẩn bị nhân sự Đại hội 13, ông Trọng phát biểu rằng : "Nhân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng ở tất cả các khâu, góp phần nâng cao chất lượng nhân sự cấp uỷ các cấp và chuẩn bị cho nhân sự trung ương. Những hiện tượng vận động, tranh thủ phiếu bầu cơ bản được khắc phục ; tình trạng chạy chức, chạy quyền, cục bộ, địa phương, lợi ích nhóm đã giảm hẳn".

Ông Trọng nói thêm là có nơi chuẩn bị nhân sự chưa thật kỹ, còn bố trí người nhà, người thân chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện, uy tín tham gia cấp ủy. Tuy vậy, ông vẫn khẳng định đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã thành công tốt đẹp, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra, để lại những dấu ấn nổi bật và những tình cảm tốt đẹp trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Với cái nhìn của một nhà quan sát thời cuộc, blogger Nguyễn Ngọc Già nêu nhận định về phát biểu của ông Trọng về tình trạng chạy chức, chạy quyền giảm hẳn :

"Thứ nhất, ông Trọng nên đưa ra con số rõ ràng chứ không nên nói chung chung như vậy. Phải có số tuyệt đối là bao nhiêu con người và số tương đối là chiếm bao nhiêu phần trăm. Ổng phải làm một phép so sánh với các kỳ đại hội đảng trước đây thì mới phát ngôn như vậy được.

Thứ hai, tất cả các đại hội đảng hàng chục năm qua họ đều nói là thành công. Như vậy có phải họ đã nói dối hay không khi đại hội nào họ cũng bảo là chọn ra những người xứng đáng, đủ tiêu chuẩn. Nhưng thực tế chứng minh ngược lại. Tham nhũng rồi bỏ trốn ra nước ngoài trở thành chuyện nghiêm trọng.

Vậy qua các kỳ đại hội vừa ra, nhân sự của họ đã bị ở tù, bị kỷ luật, bị khai trừ khỏi đảng là những người có chạy chức, chạy phiếu hay không, phải điểm ra cho rõ ràng. Nếu kỳ này gọi là giảm hẳn, thì cũng phải đưa ra những kẻ nào đã chạy chức chạy quyền ra cho dân biết".

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà phân tích chính trị, thì cho rằng cách nói của ông Trọng là tự khen, là ‘nói chỉ để mà nói’ thôi chứ làm sao mà biết là giảm hay tăng, bởi chính các ông ấy còn không biết ai chạy ai !

Đây không phải lần đầu ông Nguyễn Phú Trọng nói đến việc chạy chức, chạy quyền hay chạy phiếu cho nhân sự Đại hội 13. Hôm 26 tháng 4 năm nay, ông Trọng có một bài viết được đăng trên truyền thông trong nước có tựa 'Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội 13 của Đảng'.

Trong phần nói về tầm quan trọng của công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội có đoạn : "Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cấp cao, tuy đã được ngăn chặn nhưng vẫn chưa hoàn toàn bị đẩy lùi. Làm việc gì, giữ chức vụ gì cũng chỉ tính đến lợi quyền, bổng lộc cho cá nhân mình, gia đình mình trước nhất, quên cả thanh liêm, danh dự".

Vì sao chỉ giảm mà không dứt ?

Tệ nạn chạy chức, chạy quyền, thậm chí chạy phiếu trước mỗi kỳ đại hội đảng không là chuyện lạ trong xã hội Việt nam từ nhiều năm qua. Các cấp lãnh đạo trong Đảng, trong Chính phủ cũng từng nhiều lần đề cập thậm chí ra những quy định rõ ràng. Chẳng hạn như Quy định 205-QĐ/TW do Bộ Chính trị ban hành ngày 23 tháng 9 năm 2019.

Đây là Quy định của Bộ Chính trị về việc "Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền". Một trong những điểm nổi bật của Quy định này là đề cao trách nhiệm của người đang được xem xét, thực hiện các quy trình trong công tác cán bộ cũng như đề cao trách nhiệm của những cá nhân có thẩm quyền quyết định nhân sự. Đây được cho là chìa khóa để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền.

Theo một số nhà quan sát thì chuyện xóa bỏ hoàn toàn nạn chạy chức, chạy quyền là chuyện không thể có. Còn chuyện giảm hay giảm hẳn như lời ông Trọng nói thì không có căn cứ.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cũng khẳng định như vậy. Ông giải thích :

"Không bao giờ hết vì đây là chế độ chỉ có một đảng mà lại không công khai minh bạch gì cả. Do đó, cái nền tảng để đưa chuyện tham nhũng chính trị, chuyện chạy chọt, mua quan bán chức về số 0 là chuyện không thể có được. Với cái thể chế như thế nào thì không bao giờ chuyện đó xảy ra. Lý do thứ nhất là không có sự minh bạch ; thứ hai là không có một chính sách rõ ràng để bầu cử ; thứ ba là người ta làm việc theo cảm tính và theo kiểu tiến cử cá nhân".

Trong lần trò chuyện với RFA về vấn đề này hôm 6 tháng 5 năm 2020, tức hai tuần trước khi bị bắt, nhà báo Phạm Thành cho rằng, lời kêu gọi mà Chính phủ Hà Nội mỗi lần họp bàn nhân sự đại hội đảng đều nêu ra thể hiện ý muốn duy ý chí và không thể thực hiện được :

"Mồm nói như vậy nhưng cơ chế vận hành của chủ nghĩa xã hội lại không đảm bảo cho việc đó đạt được kết quả. Do thể chế chính trị, cơ cấu vận hành của thể chế chính trị tạo ra vòng xoáy cơ hội cho những phần tử ham muốn quyền lực, chỉ biết lợi ích riêng của mình mà không biết đến lợi ích cộng đồng chui vào bộ máy nhà nước vì mục đích quyền, tiền. Làm gì có cơ hội cho những người liêm chính, sống vì mục đích cộng đồng, dám hy sinh cái tôi của mình để cống hiến cho xã hội. Tuy nhiên cũng có tác dụng với người không hiểu biết và vẫn tin tưởng vào đảng".

Những năm gần đây, thông tin về việc những quan chức lạm dụng chức vụ, quyền hạn đưa người thân vào giữ các vị trí quan trọng trong các cơ quan công quyền ; chuyện cả nhà làm quan, cả họ làm quan không còn là hiện tượng đơn lẻ đã được truyền thông nhà nước Việt Nam nhiều lần công khai đăng tải.

Một trong những lãnh đạo nổi tiếng trên mạng xã hội với việc ‘cả họ làm quan’ là ông Triệu Tài Vinh ở tỉnh Hà Giang. Gia đình ông có ít nhất 8 người thân ruột thịt và họ hàng làm công chức nhiều ban ngành, địa phương trong tỉnh. Có thể kể những người ruột thịt của ông Vinh là bà Phạm Thị Hà, vợ ông, giữ chức Phó giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh. Em trai ông Vinh là Triệu Tài Phong giữ chức Bí thư Huyện ủy huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang ; Triệu Sơn An giữ chức Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Su Phì ; Triệu Tài Tân là Phó phòng Hành chính Viễn thông tỉnh Hà Giang. Em gái ông Vinh là Triệu Thị Giang giữ chức Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Hà Giang…

Nhằm kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, Khoản 6, Điều 3 Quy định 205-QĐ/TW nêu rõ : Không bố trí những người có quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan như : Bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra cùng cấp uỷ ; chủ tịch Ủy ban nhân dân và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp ở một địa phương ; thành viên trong cùng ban cán sự đảng, đảng đoàn ; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 20/11/2020

***********************

Vì sao tình trạng chi sai ngân sách nhà nước 5%/năm vẫn tiếp diễn ?

RFA, 19/11/2020

Ngân sách chi sai quy định 50 ngàn tỷ/năm

Thanh tra Chính phủ, vào ngày 18/11 tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Đổi mới tổ chức, hoạt động của ngành thanh tra góp phần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ nhân dân".

lanhdao8

Ảnh minh họa. Tượng đài Lênin ở Hà Nội.- AFP

Tại hội thảo này, Phó tổng Thanh tra Chính phủ, ông Nguyễn Văn Thanh cho biết dựa theo số liệu thống kê trong 5 năm vừa qua, ngành thanh tra và Kiểm toán Nhà nước phát hiện mỗi năm khoảng 5% ngân sách quốc gia, tương đương xấp xỉ 50 ngàn tỷ đồng, bị chi tiêu không đúng quy định và hàng ngàn héc-ta đất được giao quản lý sử dụng không đúng mục đích.

Nhà báo độc lập Võ Văn Tạo, vào tối ngày 19/11 lên tiếng với RFA rằng theo ghi nhận của ông thì số liệu 5% ngân sách quốc gia bị chi tiêu không đúng quy định mỗi năm chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Bởi vì, số liệu thực tế còn cao hơn nhiều.

Nhà báo Võ Văn Tạo giải thích rằng trước hết phải hiểu đúng về khái niệm thế nào là "chi tiêu đúng quy định", "sử dụng đúng mục đích" mà ông Phó tổng Thanh tra Chính phủ đề cập đến.

"Ví dụ, cách đây mấy năm thì có một dự án xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tỉnh Sơn La, một tỉnh nghèo vào bậc nhất của cả nước. Dự án tiêu tốn đến 1.400 tỷ đồng và được duyệt, do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thừa lệnh của Thủ tướng Chính phủ ký. Thế nhưng, dự án bị dư luận xã hội phản đối mạnh mẽ nên dự án đó không thực hiện được.

Thế còn những dự án nào được duyệt mà không vấp phải sự phản đối dữ dội của xã hội thì cứ thế mà chi ngân sách thôi. Chẳng hạn như các trụ sở tỉnh ủy, công an, ủy ban nhân dân…rồi cổng chào đập đi xây lại…Dù là xây dựng một cách lãng phí, nhưng được duyệt thì đều được coi là đúng quy định".

Về khái niệm "không đúng quy định", "không đúng mục đích", được nhà báo Võ Văn Tạo nhấn mạnh là phải được hiểu "không được duyệt" và "cấp trên không cho phép làm".

Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, trưởng bộ môn Quản trị Tài chính quốc tế của Học viện Tài chính Việt Nam, vào tối ngày 19/11, nhận định về hệ lụy bởi tình trạng ngân sách bị chi tiêu sai quy định :

"Thực ra, chuyện chi tiêu sai quy định của ngân sách nhà nước thì cũng là một vấn đề lớn và nó cũng ảnh hưởng đến hoạt động coi như là quản lý nhà nước nói riêng và hoạt động kinh tế-xã hội của cả nước nói chung. Đặc biệt, hiện nay có rất nhiều hoạt động gọi là thực sự rất cấp thiết, nhưng nguồn vốn của ngân sách nhà nước thì lại rất ít mà trong khi đó lại có chi tiêu sai thì rõ ràng đây là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng và rất đáng phải lưu tâm".

Theo tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, việc chi tiêu ngân sách không đúng quy định cũng xảy ra ngay tại các nước phát triển ; thế nhưng, đối với Việt Nam hiện đang rất thiếu vốn để phát triển kinh tế-xã hội cũng như đáp ứng những nhu cầu khác nhau của nền kinh tế, thì việc chi ngân sách sai quy định như thế là không chấp nhận được.

Lý giải về hiện tượng chi tiêu ngân sách quốc gia bị sai quy định và đất đai bị sử dụng sai mục đích kéo dài nhiều năm, nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng bởi do đội ngũ cán bộ có chức có quyền trong Đảng cộng sản Việt Nam (CSVN) mới có thể có quyền lực để làm những chuyện như vậy.

"Bởi vì khác với nền dân chủ trên thế giới, Việt Nam hiện nay vẫn theo chế độ độc đảng, độc tài cai trị. Người ta nói công khai là không chia sẻ quyền lãnh đạo với bất cứ một lực lượng nào khác. Điều đó dễ dẫn đến tha hóa. Quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa tuyệt đối. Họ cầm quyền mà lại không có một lực lượng nào đối trọng để kiểm soát thì làm sao hạn chế được tiêu cực. Chắc chắn đó là mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực".

lanhdao9

Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến. AFP

Tình trạng vẫn tiếp diễn và nhiều hơn ?

Trao đổi với RFA, tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh cho rằng tình trạng chi tiêu ngân sách nhà nước sai quy định cần phải được quan tâm và khắc phục trong thời gian sớm nhất.

Mặc dù vậy, một vài nhà quan sát tình hình Việt Nam và nhà báo Võ Văn Tạo nhận xét rằng tình trạng ngân sách quốc gia bị chi tiêu sai quy định và tài nguyên đất đai bị sử dụng sai mục đích sẽ còn tiếp diễn và ngày càng tinh vi hơn. Nguyên nhân là do cả bộ máy nhà nước tham nhũng từ cấp địa phương đến trung ương, theo ghi nhận của nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam-Giáo sư Tương Lai.

Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Ban Dân vận Trung ương, hồi đầu tháng 11/2019 từng quả quyết với RFA rằng :

"Điều này gần như là thói quen và quy luật rồi. Bởi vì rất dễ hiểu là khi một nhà nước toàn trị do một đảng cầm quyền và không có ai kiểm soát thì tất yếu là các cơ quan trực thuộc nhà nước lủng đoạn thôi. Bởi vì có ai kiểm tra, kiểm soát được họ đâu. Có lần ông Trọng từng nhận định là phải chống tham nhũng trong bộ phận đi chống tham nhũng. Cho nên chuyện này gần như là đương nhiên và đây là một nỗi đau lớn của dân tộc".

Ủy viên Bộ Chính trị- Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng năm 2019, diễn ra hồi trung tuần tháng 1/2020 cho biết đã thi hành kỷ luật hàng ngàn tổ chức đảng, hàng vạn cấp ủy viên các cấp và xấp xỉ 55 ngàn đảng viên, trong đó có 92 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.

Một trường hợp điển hình trong năm 2020 là vụ án Đinh Ngọc Hệ. Trong vụ án này, Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm bị truy tố về tội "Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản", "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Hồi hạ tuần tháng 5, Tòa án Việt Nam tuyên 20 năm tù đối với Đinh Ngọc Hệ và cựu Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến bị tuyên 4 năm tù về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Văn Hiến, khi đó là Tư lệnh Quân chủng Hải Quân, có vai trò cao nhất trong quản lý đất đai nhưng không làm hết chức trách nhiệm vụ, thiếu kiểm tra, đôn đốc, các cán bộ dưới quyền..., thiếu kiểm tra tính hợp pháp, không chỉ đạo kiểm tra năng lực các đối tác nên đã ký tờ trình đưa ba khu đất vào làm kinh tế trái quy định. Ba khu đất số 2, số 7-9 và số 9-11 đường Tôn Đức Thắng, Thành phố Hồ Chí Minh có giá trị quyền sử dụng hơn 939 tỷ đồng.

Nguồn : RFA, 19/11/2020

***********************

Kêu gọi lãnh đạo gương mẫu : vẫn là lý thuyết và không tưởng !

RFA, 18/11/2020

"Muốn người dân tin tưởng, đồng lòng, cán bộ lãnh đạo các cấp phải gương mẫu, đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu".

Đó là lời kêu gọi của ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) đưa ra khi tham dự buổi họp mặt kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 18/11/1930-18/11/2020.

lanhdao10

Kêu gọi lãnh đạo gương mẫu : vẫn là lý thuyết và không tưởng ! Ảnh minh họa. Courtesy chinhphu.vn

Một cán bộ về hưu ở thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Thương Mại, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 18 tháng 11 năm 2020, nhận định :

"Theo tôi bình luận, cái câu đó của ông Nên là đúng, dân mà thấy cán bộ thật lòng thì dân mới tin tưởng, dân thấy cán bộ gương mẫu thì dân mới tin tưởng, cái đó ý ông Nên nói đúng. Còn ý thứ hai, từ xưa đến nay dân có tin tưởng hay không ? Tôi cho rằng dân không tin tưởng, lý do vì sao ? Vì cán bộ không thật lòng với dân, nói vì dân vì nước nhưng lại vì cái lợi ích riêng tư, hay là vì lợi ích nên chỉ đạo thế này thì anh nói thế này, chỉ đạo thế kia thì nói thế kia, chứ không nói theo sự thật. Cho nên đúng là muốn cho dân tin tưởng thì cán bộ phải gương mẫu, mà gương mẫu thì phải nói theo cái nguyện vọng chính đáng của người dân, chứ còn nguyện vọng của dân như thế này mà anh nói thế kia... thì làm sao người ta tin tưởng được".

Vào năm 2019, có hơn 300 cán bộ, công chức tại Thành phố Hồ Chí Minh bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, cách chức, thôi việc vì thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý trong công tác, theo thống kê từ truyền thông Nhà nước. Trước đó hàng loạt cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh cũng bị đề nghị truy tố như nguyên Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Đào Anh Kiệt, Phó Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Lê Văn Thanh….

Vào đầu năm 2020, Cựu Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân bị Bộ Công an Việt Nam kiến nghị "kỷ luật hành chính nghiêm khắc" vì trong giai đoạn cựu Phó chủ tịch Nguyễn Thành Tài đã có hành vi sai phạm trong vụ giao khu đất vàng tại số 8-12 Lê Duẩn, Quận 1. Ông Tài trước đó cũng đã bị Bộ Công an đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về sai phạm này.

Ba cán bộ khác cùng bị truy tố cùng với ông Tài, bao gồm : ông Đào Anh Kiệt, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường ; Nguyễn Hoài Nam, nguyên Bí thư quận 2 ; Trương Văn Út, nguyên Phó phòng Quản lý đất.

Anh Đệ, một người dân tại thành phố Hồ Chí Minh khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 18 tháng 11 năm 2020, cho biết ý kiến của mình :

"Lãnh đạo luôn luôn nêu gương mẫu, đó chỉ là một khẩu hiệu thôi, còn vấn đề thực hiện điều đó là rất khó. Tại vì không có gì để mà ràng buộc được họ để họ gương mẫu, bằng chứng như sai phạm của cán bộ không chỉ ở Thủ Thiêm, đều rất khó xử lý vì vướng chỉ thị 15 của đảng, muốn kỷ luật đảng viên thì phải khai trừ ra khỏi đảng, nên công an không thể nhảy vào điều tra. Do đó họ không có gì phải sợ để mà gương mẫu, có gương mẫu hay không thì cũng chẳng sao. Nếu như họ thật sự gương mẫu thì họ đã xử lý vấn đề Thủ Thiêm suôn sẻ rồi. Điển hình như ông Lê Thanh Hải với 15 năm nắm Thành phố Hồ Chí Minh, thì tay chân, nhân viên của ông Hải rất nhiều, nên Thành phố Hồ Chí Minh không xử lý được, đó là gương mẫu đó".

Theo Anh Đệ, nói chung gương mẫu chỉ là một khẩu hiệu đơn giản... anh cho biết mong muốn của anh với tân bí thư thành ủy Nguyễn Văn Nên :

"Tôi mong rằng bí thư thành ủy Nguyễn Văn Nên, cố gắng làm cho tốt chứ đừng hứa nữa, nếu ông tiếp tục hứa thì ông sẽ thất hứa... vì cán bộ có gương mẫu đâu, nói họ có nghe đâu, trên bảo dưới không nghe, Thủ Thiêm là một bằng chứng".

111111111111111111111

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) tại buổi họp mặt kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 18/11/1930-18/11/2020. Courtesy hcmcpv.org.vn

Không chỉ tại Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian gần đây, các trường hợp cán bộ, đảng viên bị kỷ luật ngày càng nhiều. Đơn cử như trường hợp ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch tỉnh Hà Giang bị khiển trách ; ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch tỉnh Hà Giang bị cảnh cáo vì sai phạm trong kỳ thi trung học phổ thông năm 2018.

Hay trường hợp nguyên phó chủ nhiệm văn phòng Chính phủ là ông Nguyễn Hữu Vũ bị kỷ luật và ông Văn Trọng Lý bị cảnh cáo vì những sai phạm ở dự án gang thép Thái Nguyên.

Mới nhất là vào tháng 4/2020, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã xem xét kỷ luật hai ông Lê Viết Chữ, Bí thư tỉnh Quảng Ngãi và ông Trần Ngọc Căng, Phó bí thư vì đã có nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai...

Luật sư Trần Quốc Thuận, đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, người có gần 50 năm tuổi đảng, nguyên Chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do nhận định :

"Cái này người ta thường nói là "Thượng bất chính, hạ tắc loạn". Đất nước này nó hư đốn do có nhiều nguyên nhân. Nếu những người đứng đầu đất nước này mà làm gương không tham nhũng, không làm sai thì tự nhiên trật tự nó ổn định trở lại. Cho nên một trong những nguyên nhân sai trái là người lãnh đạo không gương mẫu, trong đời sống riêng tư, trong sinh hoạt, và nhất là thâm lạm tiền của nhân dân đất nước".

Hay việc lâu nay từng xảy ra nhiều vụ cán bộ dùng tiền nhà nước, dùng xe công bảng số xanh đi chùa, đền thờ… Báo chí cũng đưa tin, nhưng xử lý không nghiêm. Dư luận cho rằng, muốn xử lý thì nhà nước phải xử lý dứt khoát, cho dù là ‘con ông, cháu cha’. Chứ không phải, cứ nếu là dân thường thì còng tay, còn cán bộ thì chỉ xin lỗi, như vậy thì làm sao có thể làm người dân tin tưởng được.

Nhà văn Phạm Đình Trọng, nguyên đại tá quân đội đã từ bỏ đảng, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do cho rằng :

"Nêu gương chỉ là một việc làm luẩn quẩn thôi, cái quan trọng nhất của một quốc gia là pháp luật. Cứ làm theo pháp luật thì không cần nêu gương gì cả và cán bộ nhà nước thì lại càng phải làm theo pháp luật. Chứ còn nêu gương chỉ là vấn đề đạo đức của một cá nhân thôi. Vận động nêu gương chỉ là do không biết làm gì trong tình hình sa sút hiện nay của đội ngũ cán bộ đảng viên, họ làm một cách bế tắc chứ không giải quyết được gì cả".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, một nhà ngôn ngữ học ở Sài Gòn, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do cho rằng, không nên chỉ nhìn ở góc độ đạo đức. Vì nếu nhìn góc độ đạo đức thì sẽ lạc đề... đạo đức theo ông là câu chuyện của từng cá nhân, quan chức ở đâu cũng có người tốt người xấu, nhưng số người tốt và toàn tâm toàn ý với công việc, vì chuyện chung thì quá ít. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, với cách tổ chức xã hội như ở Việt Nam hiện nay, thì số phận của một quan chức trong rất nhiều trường hợp là do trên quyết định, chứ không phải do dân quyết định. Người dân không có nghĩa lý gì dù họ luôn luôn nói ‘của dân, do dân, vì dân’. Ông nói tiếp :

"Vấn đề ở đây là do thể chế. Một cái thể chế xa rời người dân, một cái thể thực chất do trên quyết định chứ không do dân quyết định nhất định sẽ đẻ ra một tầng lớp quan chức không coi dân ra gì. Thể chế đó cũng đẻ ra chuyện sống hai mặt. Một mặt là nói những lời rất tốt đẹp ; một mặt là tìm mọi cách vơ vét cho mình".

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, chừng nào mà chưa giải quyết được vấn đề trong nguyên lý tổ chức của thể chế này, thì chừng đó mọi chuyện nêu gương đều tầm phào, không có ý nghĩa, có hô hào cũng vậy thôi, vì càng hô hào nêu gương thì càng dấn sâu vào giả dối.

Nguồn : RFA, 18/11/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Charlie McCann, Nguyễn Duy, Diễm Thi, RFA tiếng Việt
Read 591 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)