Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/11/2020

Hậu ý của Trung Quốc trong chiến lược RCEP là gì ?

Phạm Chi Lan - Andrew Scobell

RCEP tạo vị thế "chiến lược mạnh" cho Trung Quốc

Phạm Chi Lan, BBC, 20/11/2020

Trung Quốc có thể tận dụng tận dụng hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn Diện Khu vực RCEP vừa ký kết để đạt được các mục tiêu chiến lược của mình ở khu vực, kể cả làm bàn đạp cho sáng kiến Vành đai, Con đường trong tình hình mới, theo một chuyên gia kinh tế từ Việt Nam.

rcep1

Có ý kiến trong giới quan sát từ Việt Nam cho rằg với RCEP được ký kết, Trung Quốc đã có một "bước tiến", trong khi Hoa Kỳ "lùi" ở khu vực

Trao đổi với BBC News tiếng Việt từ Hà Nội tuần này về động thái của Trung Quốc, ngay sau khi nước này và bốn đối tác khác ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương ký kết kết cùng với các nước Asean, trong đó có Việt Nam, gia nhập RCEP hôm 15/11/2020, bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bình luận :

"Tôi nghĩ Trung Quốc chắc chắn trong mỗi quyết định, họ đều tính toán kỹ lưỡng trước mắt và đường xa và họ rất khôn ngoan trong việc chớp những cơ hội vào những thời điểm, thời cơ nhất định để đưa ra được những quyết định chiến lược, quan trọng.

"Thực ra RCEP đã được đàm phán cũng từ nhiều năm nay rồi, 8 năm trời đàm phán chưa đi đến kết quả, thì lúc này kết thúc, tôi nghĩ đây cũng là một sự thúc đẩy khôn ngoan của Trung Quốc để phù hợp với chiến lược của họ vào thời điểm này.

"Nhưng tôi phải nói ở đây có vấn đề rất rõ đối với Trung Quốc là với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và với tất cả những đối đầu mang tính chất chiến lược về nhiều mặt để tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ ở khu vực này, thì tham gia RCEP đặc biệt từ thời điểm này đạt được yêu cầu chiến lược lớn của Trung Quốc là họ muốn khẳng định vị thế của họ ít nhất ở trong khu vực Châu Á và một phần Thái Bình Dương, riêng với cơ chế của RCEP.

"Thứ hai nữa là dù là về thương mại và các lĩnh vực khác, dù cả về công nghệ, Trung Quốc vẫn có thể giành vị thế có ảnh hưởng lớn hơn ở khu vực này về công nghệ, trong cuộc cạnh tranh công nghệ với Hoa Kỳ và với các nước khác.

"Và rõ ràng là với hiệp định RCEP này, sản phẩm, công nghệ của Trung Quốc sẽ có một thị trường rộng lớn hơn nhiều để Trung Quốc có thể vươn ra, kể cả trước mắt cũng như trong tương lai. Và như vậy, nó điều này có thể tạo cho họ một vị thế rất là tốt, kể cả trong cuộc cạnh tranh quan trọng về công nghệ lâu dài với Hoa Kỳ, với Liên minh châu Âu và những nước khác.

"Trung Quốc, như thế tôi cho rằng, bao giờ họ cũng tính đường dài, đường xa hơn nhiều so với một số nước khác, trong đó có Việt Nam, bởi vì dù sao họ cũng là một nước lớn với thế và lực trong và ngoài khu vực ngày càng tăng lên, tuy là trong thời gian gần đây họ có một số khó khăn hơn, nhưng họ vẫn sẽ luôn luôn tìm được cách để họ có thể vượt lên được nhằm đạt các mục đích, tham vọng đặt ra.

"Tôi nghĩ RCEP lần này, sau khi ký kết, đã có thể đáp ứng được với Trung Quốc về nhiều mặt , kể cả câu chuyện sáng kiến Vành đai, Con đường của họ cũng vậy, chiến lược đó thời gian vừa qua, nhất là với đại dịch Covid-19, làm cho nhiều nước phải suy nghĩ lại việc tham gia Vành đai, Con đường, nhưng Trung Quốc lại hoàn toàn tận dụng cơ chế hiệp định RCEP này để thúc đẩy chiến lược Vành đai, Con đường của họ ít nhất ở trong khu vực này."

Làm gì khi có bên quá lợi, bên lại quá thiệt thòi ?

hi được hỏi trong trường hợp có một thành viên được thụ hưởng lợi thế nhiều hơn tới mức thiên lệch so với và gây thiệt hại, thiệt thòi cho các thành viên còn lại, thì liệu có thể có cơ chế gì để tái cân bằng nội khối hay không, bà Phạm Chi Lan nói:

"Tôi chưa nghiên cứu cụ thể, chi tiết hết văn bản Hiệp định, nhưng tôi cũng chỉ e ngại là trong thực tế, khi tham gia một khối chung, trong đó có một nước quá lớn, quá mạnh so với các nước khác, thì thường nước đó dễ là nước nắm vai trò chi phối, thống trị, khống chế khối đó trên một số mặt, các nước khác đôi khi tuy đã cố gắng hợp tác, phối hợp, nhưng chưa chắc đã chặn được hết những hoạt động có tính chi phối gây bất lợi cho các thành viên khác mà đồng thời đem lại lợi ích lớn cho một thành viên nhất định.

"Hơn nữa, trong quan hệ giữa các nước Châu Á lâu nay cũng có nhiều cam kết giữa các nước với nhau, nhưng quá trình thực thi của nó nhiều khi không thực là sòng phẳng hoặc theo những cam kết đã có được và nó vẫn thường xuyên có chuyện các nước mạnh thì vẫn dễ thắng thế hơn so với các nước yếu.

"Tất nhiên cần phải nghiên cứu kỹ cơ chế đảm bảo việc kiểm soát quyền lực, vị thế của từng quốc gia một trong nội bộ khối RCEP như thế nào, hoặc tiếng nói trong các vấn đề lớn thì có thể đa số liệu có thể có tiếng nói áp đảo được hay không so với thiểu số của một vài nước có tiềm năng khống chế, chi phối nào đó."

RCEP giúp Trung Quốc kết liễu sự "bá chủ" của Mỹ ở khu vực ?

rcep2

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trưng Sắc lệnh rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) ký ngày 23/01/2017 tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng ở Washington, DC

Mới đây, có báo chí đối ngoại của Trung Quốc đưa ra thông điệp cho rằng hiệp định đối tác kinh tế khu vực RCEP là một bước chiến lược để Trung Quốc "kết liễu" sự bá quyền của Mỹ ở khu vực Tây Thái Bình Dương, khi được đề nghị bình luận về điều này, đặc biệt nếu trong tình huống viễn cảnh tương lai khi Mỹ có thể tái hội nhập các hiệp định đa phương ở khu vực như CPTPP, kinh tế gia Phạm Chi Lan nói:

"Nếu như có kịch bản như vậy, thì như Trung Quốc kỳ vọng là chấm dứt ngôi vị bá chủ của Mỹ, thì sự kỳ vọng ấy sẽ không còn như Trung Quốc chờ đợi nữa.

"Còn đối với các nước thành viên khác của RCEP, có lẽ kịch bản Hoa Kỳ tái hội nhập sẽ tốt hơn nhiều ở chỗ là không chấm dứt vai trò của bá chủ này mà lại thay bằng một bá chủ khác, bởi vì với cơ chế của RCEP này, rất dễ hình thành bá chủ khác, khi không còn có Mỹ làm bá chủ ở đây nữa.

"Đối với các nước thành viên RCEP hay Châu Á và khu vực Thái Bình Dương nói chung, tất cả các nước, đều có nguyện vọng và mong muốn, kể cả với các nước lớn, là khi tham gia vào các hiệp định, cơ chế ở khu vực này, thì tham gia với một tinh thần hợp tác cạnh tranh một cách lành mạnh và quan tâm đến lợi ích chung của các nước khác, kể cả các nước nhỏ, chứ không nên để xảy ra chuyện nước lớn bắt nạt, ăn hiếp nước nhỏ bằng bất cứ cách thức nào.

"Cũng không có ai có thể độc quyền làm bá chủ ở khu vực này được, ở khu vực này có rất nhiều các quốc gia với quy mô lớn nhỏ khác nhau đang sinh sống, đang tồn tại, họ phải có những chủ quyền, quyền hạn của mình, chứ không phải là bị biến trở thành các nước chư hầu của một vài bá chủ nào đó."

Mỹ có nên quay trở lại CPTPP để tái hội nhập ?

rcep3

Phó Tổng thống Joe Biden nói chuyện với một lớp học tiếng Hoa tại South Gate, California hôm 16/02/2012, trong một chuyến thăm Trung Quốc của ông Tập Cận Bình (trái), khi đó là Phó Chủ tịch Trung Quốc

Khi được hỏi, sau sự kiện RCEP hình thành và được ký kết, Mỹ có nên quay trở lại và tái hội nhập với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương như qua một khuôn khổ dạng Hiệp định toàn diện và tiến bộ đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay không trong thời gian tới đây, bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên tổ nghiên cứu, tư vấn chiến lược và chính sách cho Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thời kỳ trước đây, nói với BBC:

"Tôi nghĩ rằng đối với Mỹ, dù ông Joe Biden hay ông Donald Trump thắng cử lần này, mà chúng ta có thể chờ thêm một thời gian ngắn nữa để xem phía Mỹ công bố thế nào để rõ, thì dù ông nào đi chăng nữa, việc Trung Quốc thành công trong việc cùng với các nước khác ký RCEP lần này, cũng sẽ gây ra một thách thức trực tiếp đối với Mỹ và ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực này.

"Điều đó cũng cần nói rất thẳng ra, vì trước đây khi đàm phán TPP, thì một trong những động cơ của Mỹ cũng là tăng cường ảnh hưởng của Mỹ về kinh tế trong khu vực và từ đó có thể phần nào làm đối trọng với Trung Quốc đang lên.

"Tuy nhiên khi Mỹ quyết định rút ra khỏi TPP, tức là khi Tổng thống Donald Trump lên nhậm chức đầu năm 2017, ông đã làm cho việc trên không thực hiện được.

"Và bây giờ khi Trung Quốc thành công với RCEP ký kết, hình thành vào thời điểm này, thì nó có thể làm cho Mỹ sớm muộn phải xem xét lại.

"Tôi cũng chỉ mong là dù ông nào đắc cử đi chăng nữa, thì Mỹ cũng nên thực sự xem xét lại quyết định của mình về việc trở lại TPP mà nay là CPTPP.

"Nhưng tôi cho rằng trở lại CPTPP thì chỉ có tốt cho Mỹ, bởi vì tôi rất tán thành suy nghĩ của ông Joe Biden là giữa các nước phải liên minh, liên kết với nhau thì mới có thể làm được những mong muốn của mình.

"Và nhất là khi Mỹ vẫn muốn bản thân có vai trò của một cường quốc, thì rất cần sự hợp tác, sự liên kết với các nước khác, chứ không phải là nước Mỹ tự mình tách ra khỏi các đối tác, các đồng minh trước đây của mình và một mình một sân mà vẫn có thể thắng được trong công cuộc cạnh tranh với Trung Quốc trong toàn bộ giai đoạn này và tới đây," bà Phạm Chi Lan nói với BBC từ Hà Nội hôm 16/11/2020.

Nguồn : BBC, 20/11/2020

************************

RCEP trong chiến lược lớn của Trung Quốc

Andrew Scobell, Giang Nguyễn, RFA, 19/11/2020

RCEP là hiệp định tự do thương mại lớn nhất thế giới và được Trung Quốc hậu thuẫn nhưng lại không có sự tham gia của Hoa Kỳ.

1179902050

Lãnh đạo một số quốc gia tham dự thảo luận về RCEP tháng 11/2019 tại Thái Lan - Reuters

Việc này có ý nghĩa gì đối với siêu cường Châu Á đang trỗi dậy và các nước có lợi ích trong khu vực ? Giang Nguyễn trò chuyện với nhà khoa học chính trị cao cấp của Viện Nghiên cứu Rand Corporation của Hoa Kỳ, ông Andrew Scobell. Ông là tác giả chính trong bản báo cáo "Chiến lược Vĩ đại của Trung Quốc" viết cho Quân đội Hoa Kỳ để giúp hiểu rõ hơn chiến lược của Trung Quốc với tầm nhìn đến năm 2050.

rcep5

Giang Nguyễn : RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện) vừa được ký kết vào ngày 15/11. Đây là hiệp định thương mại tự do lớn nhất từ ​​trước đến nay. Ai thng ai thua trong vic ký kết này ?

Andrew Scobell : Thành thật mà nói, kẻ thua cuộc lớn nhất có lẽ là Hoa Kỳ. Hiển nhiên Trung Quốc là một thành viên quan trọng và đã đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành khối. Nhưng khái niệm RCEP này ban đầu được đưa ra bởi các nước ASEAN. Những người chiến thắng là các nước tham gia RCEP, các nước ASEAN, Trung Quốc và các nước khác. Hoa Kỳ vắng bóng một cách đáng chú ý, và do đó là kẻ thua cuộc vì không có phần trong khối thương mại rộng lớn này.

Giang Nguyễn : Hoa Kỳ bị cho là thua thiệt khi RCEP được ký kết, vậy lâu nay họ làm gì để rơi vào tình huống này ?

Andrew Scobell : Nó rất quan trọng, nhưng nó chỉ là một quá trình, một khối giao dịch. Tôi không nghĩ chúng ta nên suy diễn quá nhiều về việc này. Vâng, nó là một bước ngoặt đáng kể cho thấy Hoa Kỳ cần phải nỗ lực hơn, quan tâm hơn đến khu vực, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Theo tôi trong những thập niên gần đây, Hoa Kỳ có xu hướng quân sự hóa quá mức chính sách đối ngoại của mình. Nói cách khác là họ dựa nhiều hơn vào khía cạnh quân sự. Số lượng thách thức mà chúng ta, thế giới và Hoa Kỳ phải đối mặt chắc hẳn đã đòi hỏi Hoa Kỳ phải đáp ứng bằng quân sự. Nhưng còn rất nhiều thách thức khác và giải pháp quân sự không phù hợp trong mọi tình huống. Vì vậy đây, là một cú cảnh tỉnh đối với Hoa Kỳ để, thứ nhất, là quan tâm hơn đến khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và, thứ nhì, là để tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực kinh tế.

Giang Nguyễn : Điều đáng chú ý nữa là RCEP là hiệp định tự do thương mại đầu tiên giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn được ký trong khi các quốc gia này đang có những khác biệt về địa dư chính trị. Ông hiểu sao về điều này ?

Andrew Scobell : Tôi nghĩ điều này cho thấy rõ trong những năm gần đây Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết đoán về mặt quân sự và mạnh tay trong khu vực có tranh chấp lãnh thổ cũng như các vấn đề khác. Nhưng nếu chỉ nhìn Trung Quốc qua lăng kính đó thì tôi cho là quá đơn giản hóa sự việc. Trung Quốc sử dụng phương pháp "cây gậy và củ cà rốt". Gần đây, chúng ta thấy họ dùng "cây gậy" nhiều hơn, nhưng RCEP là một ví dụ điển hình của "củ cà rốt" mà Trung Quốc dành cho các nước láng giềng. Điều này cho thấy Trung Quốc vừa là thách thức vừa là cơ hội đối với các quốc gia khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Ngay cả với những căng thẳng trong thời gian gần đây với Trung Quốc, tất cả các bên đều miễn cưỡng để cho nó leo thang. Hầu như tất cả các nước đều cố gắng quản lý những căng thẳng đó, và họ yên tâm hơn khi thấy Trung Quốc có thể hợp tác với các nước khác vì lợi ích chung. Nó cũng khiến họ miễn cưỡng hoặc do dự hơn trong việc phản đối quá mạnh đối với Trung Quốc khi nước này có những hành vi ép buộc trong các lĩnh vực khác. Mọi việc trong khu vực trở nên phức tạp hơn, nhưng tôi nghĩ theo đường hướng tốt vì nó cũng giúp giảm căng thẳng và tăng cường hợp tác.

Giang Nguyễn : Trong bản báo cáo "Chiến lược Vĩ đại của Trung Quốc" ông và các tác giả khác đã phân tích về chiến lược của Trung Quốc tầm nhìn 2050. Ông có thể cho biết thêm về viễn cảnh này ?

Andrew Scobell : Đại chiến lược của Trung Quốc là một tầm nhìn dài hạn, bao trùm cho sự phát triển của Trung Quốc. Tất nhiên nó có khía cạnh quốc tế. Nhưng phần lớn cốt lõi của các kế hoạch quốc gia và chiến lược dài hạn mà Trung Quốc đang theo đuổi trong lãnh vực kinh tế, khoa học, công nghệ vv, đều tập trung vào sự phát triển quốc nội. Trong lúc tập trung phát triển trong nước, họ hiểu rằng điều đó chỉ có thể xảy ra trong bối cảnh rộng hơn, nghĩa là Trung Quốc phải có những tương tác trên toàn cầu. Vì vậy, RCEP là một tin mừng trong bối cảnh Chiến lược Vĩ đại này, và theo tôi, cũng là tốt cho khu vực vì nó cho thấy Trung Quốc quan tâm và sẵn sàng hợp tác, mặc dù chắc chắn sẽ có những căng thẳng và xung đột.

rcep6

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu khai mạc tại Hội nghị Bộ trưởng giữa kỳ lần thứ ba giữa các nước đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sáng 22/5 tại Hà Nội. Courtesy of Bocongthuong

Giang Nguyễn : Trong báo cáo, quý vị viết rằng "Đến năm 2030 Trung Quốc có vượt qua được các tranh chấp, xung đột trên một phạm vi rộng lớn của khu vực. Quân đội Hoa Kỳ như một phần của lực lượng chung, cần có khả năng ứng phó ngay với các cuộc khủng hoảng". Quý vị đã viết báo cáo này để giúp Quân đội Hoa Kỳ hiểu rõ hơn về Trung Quốc. Ông có thể giải thích thêm về việc này không ?

Andrew Scobell : Đối với sự phát triển quân sự của Trung Quốc, như tôi đã đề cập, họ có các mục tiêu trung hạn và dài hạn để Quân đội Giải phóng Nhân dân có khả năng thể hiện sức mạnh vượt ngoài ranh giới của Trung Quốc, và ngoài cả cái gọi là quần đảo đầu tiên. Đây là học thuyết của Quân đội Trung Quốc trong lúc này, bao gồm cái mà họ gọi là chiến tranh thông tin hóa và hợp tác chiến dịch. Nhưng đó là một học thuyết mong muốn. Các nhà lãnh đạo quân sự Trung Hoa thừa nhận hiện giờ họ chưa làm được. Nhưng họ đang đầu tư vào việc tái cấu trúc và hiện đại hóa quân đội của mình với mục tiêu có thể làm được điều đó trong 10, 15, 20 năm nữa. Hoa Kỳ và các quốc gia trong khu vực cần phải chuẩn bị cách đối phó với một Trung Quốc mạnh hơn không những chỉ về kinh tế, mà còn về quân sự.

Giang Nguyễn : Vậy thì đối với những quốc gia đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông như Việt Nam thì nên làm gì ?

Andrew Scobell : Tôi nghĩ họ nên tiếp tục làm những gì họ đang làm, đó là cố gắng có quan hệ tốt với Trung Quốc, đồng thời duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Hoa Kỳ. Thật khó khi phải sống trong cái bóng của Trung Quốc và có những tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông. Và hầu như giống mọi quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam cũng nằm trong quỹ đạo kinh tế của Trung Quốc. Trung Quốc vừa là cơ hội vừa là mối đe dọa và đây là thách thức mà Hà Nội phải đối mặt, làm thế nào để đẩy lui Trung Quốc khi có xung đột lợi ích và làm thế nào để hợp tác với Trung Quốc khi có lợi ích hỗ tương, và duy trì được sự độc lập của mình, cũng như hợp tác với các nước khác mà không khiêu khích Trung Quốc một cách không cần thiết. Do đó khối ASEAN thực sự quan trọng đối với Việt Nam, một khối với sức mạnh tổng hợp có khả năng chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc và có thể đàm phán từ một vị thế mạnh hơn. Vì vậy RCEP cũng là một tin vui cho Việt Nam.

Bạn biết đấy, ASEAN thường bị chê là một thực thể thiếu chặt chẽ không có tầm ảnh hưởng. Nhưng khối này có nhiều ảnh hưởng và tác động hơn nhiều người nghĩ.

Giang Nguyễn : ...và việc ký kết RCEP chắc chắn đã cũng nâng tầm quan trọng của ASEAN.

Andrew Scobell : Đúng vậy.

Giang Nguyễn : Rất cảm ơn thời gian của ông.

Giang Nguyễn thực hiện

Nguồn : RFA, 19/11/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Chi Lan, Andrew Scobell , Giang Nguyễn
Read 490 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)