Trước Đại hội 12 của Đảng Cộng sản (tháng 1, 2016) thực trạng "bất ổn kinh tế và thể chế" khiến nhiều nhà quan sát cho rằng sự cầm quyền của Đảng đang lung lay, và Đảng lo ngại tình hình suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống của nhiều quan chức có thể đe doạ sự tồn vong của chế độ. Thế nhưng, chế độ đảng toàn trị đang phải tự thay đổi để ứng phó với tình hình : tự củng cố nội bộ đồng thời với nỗ lực phục hồi kinh tế và đối phó với đại dịch Covid-19.
Người lính đứng canh trước tấm biển có chân dung Hồ Chí Minh (phải) tại Hà Nội hôm 17/1/2011 - AFP
Yêu cầu phải tự thay đổi để thích ứng có ý nghĩa quan trọng để tạo động lực tiếp tục cải cách, chuyển đổi, nhưng mặt khác, cũng có thể dẫn đến sự tập trung quyền lực quá độ, nguy cơ quyền lực cá nhân áp đảo các chuẩn mực thể chế, tăng cường chuyên chế, tổn hại dân chủ và làm giảm niềm tin vốn là cơ sở của tính chính danh đang yếu ớt.
"Tự củng cố"
Sau Đại hội 12 Đảng đã ban hành một loạt các chỉ thị, nghị quyết về tổ chức, các tiêu chuẩn lựa chọn, kỷ luật, nêu gương đạo đức … hướng tới xây dựng bộ máy lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban chấp hành trung ương. Nghị quyết 4 năm 2016 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ là một trong những căn cứ "đảng lý" để thúc đẩy chiến dịch chống tham nhũng đang diễn ra nghiêm trọng. Hàng nghìn quan chức "vi phạm nguyên tắc" của đảng và pháp luật nhà nước "gây hậu quả nghiêm trọng" bị kỷ luật đảng với các hình thức khác nhau và bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trong đó đáng chú ý có 3 ủy viên Bộ Chính trị và nhiều ủy viên Ban Chấp hành Trung ương là lãnh đạo tỉnh, thành, lực lượng vũ trang… của Khóa 12.
Đảng nhấn mạnh công tác cán bộ là quyết định sự tồn vong chế độ, bởi vậy đồng thời với việc thanh trừng "không vùng cấm" trong nội bộ là củng cố tổ chức, quy hoạch cán bộ và chuẩn bị đại hội các cấp từ cơ sở đến trung ương. Đến cuối tháng 10/2020 đại hội cấp tỉnh, thành phố và tương đương để thảo luận văn kiện và bầu chọn lãnh đạo đảng ở địa phương đã "hoàn thành", và được tiến hành "tổng kết", một sự kiện chưa từng có tiền lệ trong sinh hoạt đảng, tại Hà Nội ngày 19/11. Các hội nghị trung ương 12, 13 bàn thảo về công tác nhân sự đảng cũng đã diễn ra, trong đó danh sách các ủy viên trung ương, cả từ Khóa 12 và mới quy hoạch cho Khóa 13 khoảng hơn 200 người đã được dự kiến.
Ba lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam : (từ trái sang) Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Thượng đỉnh ASEAN 37 ở Hà Nội hôm 12/11/2020 AFP
Còn khoảng hơn hai tháng đến Đại hội 13 dự kiến tổ chức vào tháng 1/2021. Trong thời gian này, theo quy trình, có "nhiều nội dung" quan trọng phải hoàn thành, như việc dự kiến cơ cấu "tứ trụ" và các ủy viên Bộ Chính trị khóa mới. Việc chuyển giao quyền lực cấp cao nhất của đảng đang là vấn đề phức tạp, khi thiếu quy hoạch kế thừa, và vì vậy "các trường hợp đặc biệt", nghĩa là "quá" tiêu chuẩn quy định, đặc biệt về tuổi, phải "lấy ý kiến" tập thể Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương. Cùng với công tác chuẩn bị cho đại hội, Hội nghị Trung ương 14 sẽ diễn ra trong nay mai, trong đó nội dung nêu trên là chủ yếu sẽ có trong nghị trình.
Đảng nhận định Đại hội 13 sẽ diễn ra thành công. Các nhà quan sát có thể bình luận kiểu "gây chú ý’ rằng "bất ngờ" vẫn có thể xảy ra ở "phút 89". Tôi cho rằng sau những động thái quyết liệt ngăn chặn nguy cơ "bè phái" thông qua "chống tham nhũng" thì nhu cầu cần có sự đồng thuận giữa các lãnh đạo đang trở lại "quỹ đạo" và việc lựa chọn các ủy viên của Bộ Chính trị khóa 13 cần nhận được sự đồng thuận của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương hiện thời.
"Mục tiêu kép"
Tăng trưởng kinh tế là "cứu cánh" cho tính chính danh của đảng đang yếu ớt sau những "bất ổn kinh tế vĩ mô" và thể chế. Tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội GDP dần lấy lại được đà liên tục trong 4 năm đầu : 2016 – 6,21% ; 2017 – 6,81% ; 2018 – 7,08% ; 2019 – 7,02%. Đại dịch Covid-19 đã "chặn" đà tăng này. Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) mới đây, ngày 20/11, đưa ra dự báo tăng GDP 2020 của Việt Nam là 2,4%, "một trong những tỷ lệ được xem là cao nhất trên thế giới trong năm diễn ra đại dịch trên toàn cầu, nhờ vào các bước quyết định nhằm ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế". Với cách tiếp cận thực tế và chủ động, Chính phủ đặt ra mục tiêu kép cho nền kinh tế vừa phòng và chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng đã đưa đến "thành công kép" trong nhiệm kỳ. Đây là cơ sở đảm bảo cho tăng việc làm và thực hiện các chính sách xã hội.
Bỏ qua "bàn cãi" về tính chính xác của số liệu thì kết quả như trên là "nỗ lực đáng ghi nhận" sau thời kỳ khủng hoảng kinh tế vĩ mô do sai lầm chính sách trong nhiệm kỳ trước. Sự thay đổi chính sách kinh tế theo hướng thực dụng đã phát huy tác dụng huy động nguồn lực xã hội lớn hơn cho tăng trưởng. Giới tinh hoa, các nhà nghiên cứu đã "yên tâm" hơn với "Chính phủ kiến tạo" với phương châm điều hành "liêm chính, phục vụ", "làm những gì có lợi cho người dân và doanh nghiệp", trong đó tập trung tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích khởi nghiệp và loại bỏ các rào cản pháp lý, thủ tục hành chính và thực thi công vụ. Một trong những điểm nhấn cần thiết là Chính phủ đã chỉ ra "cải cách thể chế là dư địa lớn để tăng trưởng".
Theo tôi, hiệu ứng của "chính sách thực dụng" và phương thức điều hành của "Chính phủ kiến tạo" đã lan toả tích cực sang các lĩnh vực khác. Trước hết, quan niệm về ý thức hệ xã hội chủ nghĩa đã "mềm" và bớt "giáo điều" hơn. Nếu chính sách đối ngoại "thực dụng", đa phương với mọi chế độ chính trị, thì cớ gì chính sách "đối nội", đặc biệt về kinh tế lại không "thực dụng" để phát triển ! ? Ngoài ra, việc vận hành chính sách hiện hành không những không làm "yếu", mà còn phát huy được "ưu thế" của nhà nước trong những tình huống cấp bách như phòng, chống đại dịch và ứng phó với thảm hoạ thiên tai, bão lũ, sạt lở đất ở miền Trung vừa qua.
"Tập trung quá độ"
Nỗi lo của các nhà cải cách : "quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa tuyệt đối". Thực tế tại nhiều quốc gia đã chỉ ra rằng tập trung quyền lực quá độ luôn có xu hướng dẫn đến độc tài. Cách cai trị Trung Quốc hiện thời của Tập Cận Bình cho thấy nhận xét trên là xác thực, từ toàn trị sang độc tài có biên giới mong manh.
Một đặc trưng của chế độ tập quyền là sự thiếu vắng các định chế chính trị mang tính đối trọng, như Nhà nước pháp quyền, hay trách nhiệm giải trình mang tính dân chủ, mà chủ yếu dựa vào tầng lớp lãnh đạo đất nước, thông qua con đường "giáo dục". Tập thể lãnh đạo không phải là cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu, nhưng có thể là "khả dĩ chấp nhận" để ngăn chặn độc tài, và một trạng thái cân bằng lẫn nhau theo truyền thống có thể được thiết lập.
Mặc dù hiện nay các cơ quan như Ban Tổ chức Trung ương và Ủy Ban Kiểm tra Trung ương có vai trò nhất định trong quá trình "tự củng cố", chỉnh đốn và chống tham nhũng, nhưng "đối trọng" nào kiểm soát họ, bởi vậy việc duy trì nguyên tắc tập thể lãnh đạo là cần thiết đối với chế độ đảng toàn trị, một mặt, để tránh tha hóa quyền lực, tệ sùng bái cá nhân lãnh tụ và chuyên chế, và mặt khác, để "tiếp tục" cải cách thể chế chính trị, chuyển đổi dân chủ phù hợp hơn với kinh tế thị trường.
Phạm Quý Thọ gửi từ Hà Nội
Nguồn : RFA, 22/11/2020