Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/11/2020

Đông Nam Á mong đợi gì từ Biden đối về Biển Đông ?

Trần Nghị

Đông Nam Á mong đợi gì từ chính sách của chính quyền Biden đối với Biển Đông ?

Những lựa chọn chiến lược cho chính quyền mới

Trong bối cảnh Joe Biden, người được cho là tổng thống đắc cử của Mỹ, đang tìm cách xoay xở với tiến trình chuyển tiếp của chính quyền, nhiều học giả chính sách đối ngoại đã bắt đầu thảo luận về những gì mà nước Mỹ có thể và nên làm với mối quan hệ Mỹ-Trung vốn đang tồn tại nhiều rạn nứt nghiêm trọng.

dna1

Tàu chiến USS Mustin của Mỹ đi cùng với tàu chiến JS Kirisame của Nhật Bản trong một diễn tập ở Biển Đông hôm 21/4/2015 - Reuters

Khúc mắc chính trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung là những xung đột ở Biển Đông, và người ta cho rằng có nhiều vấn đề mà hai bên đều có thể cân nhắc để có thể tiến tới ổn định bối cảnh khu vực.

Biển Đông là mấu chốt của cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung nhằm giành quyền thống trị khu vực và điều này khó có thể thay đổi. Ở thời điểm hiện tại, Mỹ duy trì cách tiếp cận "đáp trả sự hung hăng của Trung Quốc bằng cách sử dụng vũ lực quyết đoán hơn". Theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, Mỹ đang tích cực xây dựng "các năng lực… chúng ta cần ngăn chặn Trung Quốc cố tình kích động một cuộc đối đầu nghiêm trọng".

Bối cảnh hiện tại được đánh giá là nhiều rủi ro. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, quan hệ Mỹ-Trung nói chung và tại Biển Đông nói riêng đã xấu đi nhanh chóng. Cả hai quốc gia leo thang căng thẳng với những luận điệu hiếu chiến và hành động quân sự, đẩy mối quan hệ song phương vào tình thế tiến thoái lưỡng nan do thiếu lòng tin. Cả Mỹ và Trung Quốc đều tuyên bố sẵn sàng đáp trả và không bên nào sẵn lòng lùi một bước để giảm căng thẳng. Trên thực tế, Trung Quốc còn được cho là đã dự tính và chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.

dna2

Tổng thống đắc cử Joe Biden tại Wilmington, Delaware, Mỹ hôm 25/11/2020 Reuters

Mục tiêu quan trọng nhất của Mỹ ở Biển Đông là cùng với các quốc gia trên thế giới chống lại các yêu sách lãnh thổ biển sai trái của Trung Quốc. Trong đó, các quốc gia ASEAN đóng vai trò then chốt. Quan điểm công khai và quyết liệt hơn của chính quyền Trump đối với Trung Quốc có thể đã ngăn chặn hiệu quả việc Trung Quốc chiếm thêm các thực thể biển, nhưng sự răn đe này không ngăn chặn hiệu quả việc Bắc Kinh tiếp tục quân sự hóa các đảo nhân tạo mà họ đã kiểm soát. Trong 4 năm qua, Trung Quốc đã triển khai các hệ thống tên lửa đất đối không (HQ-9B) và hệ thống tên lửa hành trình chống hạm (YJ-12B và YJ-62) bố trí ngày càng nhiều máy bay chiến đấu Shenyang J-11 và máy bay ném bom Xian H-6 trên một số đảo nhân tạo mà Trung Quốc kiểm soát. Việc quân sự hóa này giúp Trung Quốc có thể vươn ra Thái Bình Dương, trong phạm vi mục tiêu là các lãnh thổ và căn cứ của Mỹ. Chính quyền Biden sẽ phải xem xét cách thức ngăn chặn Trung Quốc nhắm mục tiêu vào các tàu và căn cứ của Mỹ cũng như việc Trung Quốc vươn xa hơn ra Thái Bình Dương. Sự răn đe như vậy về mặt lý thuyết sẽ ngăn cản Trung Quốc chiếm đoạt thêm các thực thể biển và việc bê tông hóa các thực thể quốc gia này đã chiếm đóng, đặc biệt là bãi cạn Scarborough, nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Điều quan trọng là phải đạt được mục tiêu đó vì mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là giành được quyền kiểm soát hiệu quả hầu hết hoặc tất cả các thực thể biển ở Biển Đông. Như vậy, chiến lược cho mục tiêu ngăn cản Trung Quốc sẽ phải liên quan đến việc tăng cường nguồn lực cho Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và phù hợp với ý định của các bộ trưởng quốc phòng kế nhiệm.

Hỗ trợ cho các quốc gia Đông Nam Á

Các nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á lo ngại rằng xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông sẽ gây tổn hại cho khu vực và đã công khai kêu gọi hai cường quốc kiềm chế hơn.

Mỹ cần phát đi tín hiệu rõ ràng về sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho các quốc gia Đông Nam Á, cả những nước có liên quan đến tranh chấp và các thành viên khác của ASEAN, tất cả đều đang bị Trung Quốc dụ dỗ bằng kinh tế. Ý định của Trung Quốc là thuyết phục các quốc gia này hợp tác với Trung Quốc thay vì cân bằng giữa Trung Quốc với phía Mỹ. Hiện tại, một số quốc gia thành viên ASEAN nhiệt thành ủng hộ Trung Quốc - bao gồm Campuchia, quốc gia dường như đang cho phép Trung Quốc xây dựng căn cứ trên lãnh thổ của mình - hoặc nghiêng về Trung Quốc, bao gồm cả Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte. Nếu Trung Quốc có thể thuyết phục một cách hiệu quả các quốc gia ở Đông Nam Á rằng Mỹ không sẵn sàng hỗ trợ họ một cách đáng tin cậy, Mỹ có thể đối mặt với rủi ro các quốc gia này sẽ rơi vào vùng ảnh hưởng của Trung Quốc. Bất chấp sự hiện diện quân sự bền vững, các cam kết liên minh đã nêu và sự ủng hộ đối tác, hồ sơ ủng hộ của chính quyền Trump đối với các quốc gia ASEAN còn yếu. Chính quyền Biden nên thể hiện rõ ràng việc sắp tới sẽ hỗ trợ các đối tác an ninh trong khu vực tăng cường năng lực quân sự của riêng họ, nhiều trong số đó đã lạc hậu, không đủ khả năng chống lại các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Mỹ có thể cung cấp các chuyển giao quân sự với giá hợp lý hơn cho các quốc gia này, chẳng hạn như máy bay do thám không người lái, thủy lôi, tên lửa chống hạm trên bộ, tàu tên lửa tấn công nhanh và hệ thống phòng không di động. Thông báo gần đây của chính quyền Trump về kế hoạch bán hệ thống tên lửa Harpoon cho Đài Loan là minh chứng cho việc chuyển giao quân sự tiềm năng như vậy trong khu vực.

Vì Trung Quốc sẽ tiếp tục hoạt động, cung cấp và bảo vệ các đảo nhân tạo mà họ xây dựng, Mỹ nên cung cấp hỗ trợ cho các đồng minh và đối tác an ninh của mình trong khu vực để ngăn chặn hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Mặc dù một số hòn đảo do Trung Quốc kiểm soát đã được xây dựng và quân sự hóa, nhưng không có sự hỗ trợ về hậu cần các tiền đồn ở xa có thể bị vô hiệu hóa. Do đó, việc tăng cường răn đe bằng cách phản đối có thể làm chậm khả năng tiếp tế của Trung Quốc đối với các đảo nhân tạo mà họ kiểm soát. Một đánh giá năm 2017 về khả năng quân sự trong khu vực cho rằng, về lâu dài, Trung Quốc sẽ không thể thực thi các yêu sách hàng hải của mình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông nếu các nước láng giềng của họ có thể tham gia vào các chiến lược A2/AD chống lại Trung Quốc trong khi Mỹ có thể củng cố và hỗ trợ những nỗ lực của các nước ASEAN.

Đánh giá 2017 cũng cho rằng các nước láng giềng của Trung Quốc có thể có năng lực hải quân tốt hơn so với những gì mà mọi người biết. Cụ thể, ở biên giới biển phía Nam (Indonesia và Malaysia) và phía Tây (Việt Nam), các quốc gia Đông Nam Á đã đạt được năng lực A2/AD có thể ngăn chặn năng lực chỉ huy trên biển và trên không của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp. Các quốc gia này đã sở hữu một số năng lực trong đó có tàu chiến được trang bị tên lửa chống hạm, các năng lực trên không và năng lực tàu ngầm. Các năng lực này khi phối hợp cùng với nhau sẽ giúp ngăn chặn hoạt động chỉ huy trên không và trên biển của Trung Quốc đối với những vùng biển tranh chấp này. Việc mở rộng những năng lực này với sự hỗ trợ của Mỹ và các cuộc tập trận chung với các quốc gia này có thể ngăn chặn tốt hơn việc Trung Quốc thực thi các tuyên bố chủ quyền trên biển và quyền kiểm soát các thực thể hàng hải, đồng thời thách thức việc Trung Quốc củng cố quyền kiểm soát và chỉ huy vùng biển tranh chấp. Mặc dù các thực thể biển do Trung Quốc kiểm soát khó có thể bị đảo lộn, song Mỹ và các đối tác có thể nỗ lực ngăn chặn việc quân sự hóa hơn nữa nếu họ mở rộng khả năng răn đe trong khu vực.

Thiết lập sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ các đồng minh của Mỹ

Các đồng minh của Mỹ gồm Nhật Bản, Australia và Ấn Độ - các thành viên của Đối thoại An ninh Tứ giác (Nhóm Bộ tứ) - cũng như Hàn Quốc, Pháp và Anh, nên tiếp tục đóng vai trò ngày càng tăng trong việc ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc cùng với Mỹ, về mặt quân sự, chính trị và kinh tế. Các đồng minh của Mỹ có thể tham gia các hoạt động triển khai đa quốc gia tới các vùng biển quốc tế ở Biển Đông ngoài các hoạt động tự do hàng hải, đặc biệt là trong các hoạt động chung và tập trận với các bên tranh chấp mà Trung Quốc thách thức.

dna3

Tàu nạo vét của Trung Quốc ở Đá Vành Khăn, quần đảo Trường Sa. Hình chụp vệ tinh hôm 21/5/2015 - Reuters

Các đồng minh này cũng nên xem xét tăng cường hỗ trợ quân sự và kinh tế cho các quốc gia Đông Nam Á để giúp Mỹ duy trì được thế đối trọng với Trung Quốc. Với tư cách là thành viên của "Bộ tứ", Nhật Bản và Australia đã đẩy mạnh các động thái này, trong khi Hàn Quốc và các đồng minh khác có thể và nên làm theo.

Cho đến thời điểm này, các chiến lược của Mỹ đã phần nào ngăn cản việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa và bành trướng ở Biển Đông và khu vực Thái Bình Dương rộng lớn hơn. Chính quyền Biden nên tiếp tục răn đe một cách đáng tin cậy và quyết đoán các chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông theo nhiều cách. Điều này nghĩa là tiếp tục các hoạt động tự do hải hành và các cuộc tập trận quân sự chung, tạo ra sự hỗ trợ mạnh mẽ và đáng tin cậy hơn cho các quốc gia Đông Nam Á, sự tham gia nhất quán và nhiều hơn của các đồng minh của Mỹ để cân bằng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, tăng cường diễn tập cho các kịch bản chiến tranh và các biện pháp trừng phạt nhắm vào các công ty Trung Quốc tham gia vào việc xây dựng hoặc quân sự hóa các đảo nhân tạo, hoặc khảo sát các vùng biển của Biển Đông. Mỹ nên thể hiện sự sẵn sàng thông qua các dấu hiệu cho thấy sự quyết tâm và răn đe có giá trị, chuẩn bị cho rủi ro xảy ra giao tranh với tàu Trung Quốc. Chính quyền Biden nên thực hiện nghiêm túc ý định của chính quyền Obama xoay trục sang Châu Á, nhưng cũng xem xét tiếp tục theo đuổi một số hành động của chính quyền Trump. Vô hiệu hóa sự thống trị của Trung Quốc ở Biển Đông nên là ưu tiên cao nhất của chính quyền mới của Mỹ.

Trần Nghị

Nguồn : RFA, 26/11/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Nghị
Read 509 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)