Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/11/2020

Đại hội lần thứ X của Hội nhà văn có gì mới ?

Gió Bấc - Viết từ Sài Gòn

Đại hội nhà văn lần X… "thành công rực rỡ"

Gió Bấc, RFA, 03/12/2020

Dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về Đại Hội Nhà Văn lần thứ X vừa diễn ra nhưng ít ai chú ý điều quan trọng là thông tin từ các loa chính thống của Đảng như Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân đưa tin về đại hội này đều không có cụm từ quen thuộc mang tính bắt buộc với các cuộc đại hội, tiểu hội của hệ thống chính trị từ cấp xã phường đến Trung ương. Vì sao như vậy ? Phải chăng đại hội đã phát ra tín hiệu nào đó không vừa lòng lãnh đạo ?

nhavan1

Khai mạc Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ X, giai đoạn 2020-2025 ở Hà Nội hôm 24/11/2020 - cand.com.vn

"Thành công rực rỡ", "Thành công tốt đẹp", "Kết thúc thắng lợi" là những cụm từ khuôn mẫu, bắt buộc phải có trên tít những dòng tin về các đại hội dù là hội cây cảnh hay hội hiến xác nhân đạo. Cái tổ chức đại hội càng quan trọng thì chữ nghĩa càng phải trân trọng rổn rảng hơn. Hội Nhà Văn là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, luôn được Đảng quan tâm lãnh đạo đâu phải chuyện đùa. Các đại hội Nhà Văn luôn có tối thiểu một vị Ủy Viên Bộ Chính trị có khi cả Thường trực Ban bí thư, hoặc Tổng bí thư tham gia chỉ đạo. Đại hội lần này có sự tham gia của ông Võ Văn Thưởng Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên Giáo, Nguyễn Khoa Ðiềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Ðảng, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa trung ương ; Nguyễn Ðắc Vinh, Ủy viên trung ương Ðảng, Phó Chánh Văn phòng trung ương Ðảng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lẵng hoa chúc mừng. Long trọng tới chừng ấy mà đại hội không thành công rực rỡ mới lạ kỳ ?

Đại hội nhà văn, cấm nhà báo dự

Báo Nhân Dân quyền lực nhất trong làng báo đưa tin gọn lỏn "Bế mạc Đại hội X Hội Nhà văn Việt Nam". Báo Công an nhân dân cũng đưa tin trung tính : Ra mắt Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X. Báo Chính phủ đăng tin : Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều làm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam… Lãnh đạo gộc đã không khen, các báo cấp dưới đều đăng tin chung chung tương tự. Riêng hai tờ báo Đoàn, cánh tay phải của Đảng không chỉ không ngợi ca đại hội mà còn báo động như có đảo chánh. Tuổi trẻ của Thành Đoàn Sài Gòn viết "Đại hội Nhà văn đóng cửa với báo chí, ông Hữu Thỉnh rút khỏi ban chấp hành khóa mới". Báo Tiền Phong của Trung ương Đoàn cũng đăng "‘Hỗn loạn bỏ phiếu Hội Nhà văn, ông Hữu Thỉnh hai lần xin rút Ban chấp hành"

Chuyện gì đã xảy ra trong đại hội nhà văn lần này ? Nguy cơ diễn biến hòa bình của bọn phản động ư ? Không ! Những hội viên, những nhà văn nổi tiếng và cấp tiến như Nguyên Ngọc, Phạm Xuân Nguyên, Trần Mạnh Hảo… đã tự ý ra khỏi hội từ lâu. Bốn nhiệm kỳ vừa qua Hội Nhà Văn yên bình, ngoan ngoãn và được rót ngân sách hoạt động đầy đủ tươm tất dưới sự điều hành nhũn nhặn kính trên hòa dưới của nhà thơ Hữu Thỉnh.

Theo tường thuật của truyền thông lề phải thì Đại hội vẫn diễn ra trong sự lãnh đạo chặt chẽ, có hội nghị riêng cho các hội viên là đảng viên. Đặc biệt cẩn thận, Đại hội cấm cửa các nhà báo (ngay cả báo chí chính thống). Báo Tuổi trẻ đưa tin "Chỉ vài cơ quan báo chí được mời tham dự đại hội nhưng cũng chỉ được dự phiên bế mạc vào ngày mai 25-11. Phiên họp quan trọng hôm nay tất cả phóng viên đều bị chặn lại trước cửa. Các đại biểu là các nhà văn dự đại hội có thẻ dán ảnh chân dung để kiểm soát. Nhiều đại biểu nhà văn dự đại hội bất ngờ trước thông tin các nhà báo không được tham dự" (1).

Mắc cười là Ban Tổ chức khệnh khạng quy định như vậy nhưng lại quên một điều là đa số các ông nhà văn lại dắt lưng hai ba cái thẻ, các ông nhà báo kiên nhà văn vẫn đường đường tham dự và thông tin, hình ảnh chân thực của đại hội vẫn tràn ra trên các trang mạng xã hội vặn lưng, bẻ sườn các thông tin ngay ngắn, khuôn thước của báo chí chính thống.

Không nghe Thưởng nói, chỉ chụp hình với Thưởng

Phần bí mật của đại hội được báo lề phải tường thuật từ xa rất long trọng nghiêm trang qua các lời chỉ đạo theo khuôn vàng thước ngọc.

"Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo văn học phải tiếp tục góp phần đáng kể trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, chống suy thoái biến chất về tư tưởng chính trị và đạo đức.

Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa mới cũng phải góp phần trong tổng kết văn học Việt Nam nửa thế kỷ sau thống nhất đất nước, thúc đẩy hòa hợp dân tộc, xây dựng đại đoàn kết toàn dân tộc thông qua văn học, thúc đẩy một đời sống dân chủ lành mạnh, tiếp tục bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống và tạo dựng những giá trị nhân văn mới cho xã hội ; tiếp tục tạo dựng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên thế giới thông qua văn học" (2).

nhavan0

Trưởng ban Tuyên giáo Võ Văn Thưởng phát biểu tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam. thanhtra.com.vn

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh, chủ trang Facebook Khoai Lang Trưởng Thôn, đại biểu chính thức của đại hội đã có một loạt bài tường thuật rất sống động, rất phong cách, dí dỏm về diễn biến, không khí của đại hội, đặc tả diễn biến của phiên họp long trong, bí mật này như sau :

"Trên bàn chủ tịch, anh Hữu Thỉnh đang phát biểu về một vài nội dung gì đó chả nghe thấy gì, chỉ biết chắc chắn là anh Hữu Thỉnh đang nói, vì đứng trên bục, còn âm thanh chủ yếu là các đại biểu nói chuyện râm ran, nói chuyện say mê, cười thoải mái.

Sau đó có ông gì to to, lên bục, nghe câu được câu chăng, đại khái là ca ngợi các nhà văn, ca ngợi những tác phẩm văn chương phục vụ đất nước, sau đó như quy trình phát biểu, chúng tôi hy vọng rằng, nhiệm kỳ tới, sẽ…"

Không nói ra thì ai cũng biết "ông gì to to" đó chính là ông Võ Văn Thưởng. Nhưng suốt 6 bài tường thuật nhà văn Nguyễn Quang Vinh chỉ một lần duy nhất chính thức nhắc tới tên ông Thưởng khi đại hội bế mạc : "Kết thúc, đột ngột hội trường ùn ứ, nhìn ai cũng cười, nhiều người bặm môi bặm miệng chen vào. Tưởng có sự cố gì hóa ra chen nhau chụp với Võ Văn Thưởng. Thích chụp với lãnh đạo có lẽ là một nét Việt thế giới khó theo.

Các đại biểu rời dần khỏi hội trường di chuyển nhanh về nhà ăn dự tiệc.

Vui quá nên Đại hội quên chào cờ bế mạc. Không sao. 5 năm nữa".

Hóa ra cái bí mật của đại hội là ở chỗ đó. Chỉ đạo của đảng chẳng ai nghe, chuyện bầu cử thì lộn xông như vở chợ, ai cũng muốn bầu xong để ra ngoài tán gẫu, lãnh đạo chỉ được chú ý quan tâm săn đón để chụp hình như một vật lạ trong các hội chợ triển lãm hoặc như các diễn viên nổi tiếng sau show diễn" (3).

Cách nhìn trào lộng của Nguyễn Quang Vinh từ bên trong đại hội nhà văn cũng phần nào đó tiệm cận với góc nhìn của những nhà văn không dự đại hội.

Không dự vì không thể nghe Đảng nói

Nhà văn Võ Đắc Danh đang kẹt Covid bên Mỹ, nhưng nếu không kẹt Covid chắc hẳn không dự đại hội này, nhưng những chỉ đạo của ông Thưởng anh đã làm, làm tốt hơn ai hết.

Viết chống tham nhũng anh có hàng loạt bút ký trong đó chỉ một bài "Thư gởi nhà thơ Trần Mạnh Hảo" đánh cùng lúc bốn Bộ trưởng đã được rút thẻ nhà báo. Thời sự hiện nay anh có bút ký Đất Thủ Thiêm (đăng trên Facebook và phát trên YouTude) với những số phận con người cay nghiệt xúc động, chân thật gấp trăm lần Bản án Chế độ thực dân Pháp (4).

Góp phần xây dựng đất nước, năm 2019, chỉ với tập bút ký "Người Sài Gòn Bất Đắc Dĩ" anh đã huy động nguồn lực xã hội làm hơn 100 cây cầu nông thôn.

nhavan2

Nhà thơ Hữu Thỉnh tại Đại hội Hội nhà văn Việt Nam 2020 - 2025. nhavanhanoi.vn

Về hòa hợp dân tộc, ông Hữu Thỉnh gởi thơ mời văn nghệ sĩ Việt Nam định cư ở nước ngoài họp mặt bất thành nhưng Võ Đắc Danh, con bà mẹ Việt Nam anh hùng, vẫn hàng ngày cặp kè đi nhậu với Đỗ Trung Quân, Công giáo di cư, qua Mỹ thì chơi với Đinh Quang Anh Thái, viết báo Sài Gòn Nhỏ…

Từ Mỹ, Võ Đắc Danh trải lòng về đại hội nhà văn trên Facebook cũng bằng cái nhìn cười cợt : " …Sang năm 2003, tôi bị tịch thu thẻ nhà báo vì tội chống chính phủ, nhà thơ Lê Chí lại bảo mầy nên vào hội nhà văn để có chuyện gì thì ít ra cũng được hội bênh vực. Nghĩ thế tôi làm hồ sơ xin gia nhập hội nhà văn. Năm 2008 tôi được công nhận là hội viên hội nhà văn Việt Nam, thấy cũng bớt lạnh lưng. Nhưng đến năm 2013, nhà văn Nguyễn Quang Lập bị bắt vô cớ 6 tháng, nhưng hội nhà văn không hề lên tiếng can thiệp. Từ đó tôi đâm ra thất vọng, cảm thấy cái hội nầy chẳng ra tích sự gì. Có lần đại hội nhà văn, họ cấp cho mỗi hội viên cái vé máy bay khứ hồi và được thành phố cấp cho 2 triệu đồng, nhưng trước khi nhận tiền và vé máy bay thì các hội viên phải tập trung lại để nghe anh 3 Đua huấn thị.

Hôm ấy tôi với nhà thơ Đỗ Trung Quân ngồi nhậu dưới bờ kè kinh Nhiêu Lộc, anh Quân nói được cho vé cho tiền cũng muốn đi ra HN gặp bạn bè nhưng phải ngồi nghe thằng 3 Đua huấn thị thì nhục quá, thôi dẹp. Thế là tôi với anh Quân bỏ vé không đi. Mấy ngày sau chúng tôi nghe nói đại hội lần ấy các nhà văn chửi bới, mạt sát nhau còn tệ hơn cả cái chợ trời".

Cũng trên trang Facebook của Võ Đắc Danh, nhà thơ Đỗ Trung Quân tác giả Quê Hương, Phượng Hồng cũng chia sẻ tâm sự "Tôi bị canh giữ cấm xuất bản gần 10 năm theo lịnh của thằng ba đua không hề có văn bản luận tội HNV Hội nhà báo cũng câm như hến có ai lên tiếng cho hội viên thậm chí còn chấp hành tốt lịnh cô lập tôi của thằng giờ là tội phạm ấy chứ. Góa theo cụ Trang Thế Hy giũ tay áo " tao đi chỗ khác chơi ! " tự do là do mình chọn (5).

Tự do sáng tác theo định hướng biến văn học thành đống rác

Nghiêm túc hơn, có lý luận hơn, nhà văn Tạ Duy Anh, nhà văn duy nhất dám viết về tội ác Đồng Tâm, cũng nhìn về đại hội nhà văn qua tiếng cười với bài viết "VÌ SAO TIẾNG CƯỜI BỊ CĂM GHÉT ?"

Tạ Duy Anh đặt vấn đề "Tôi phát hiện ra rằng, những người cầm quyền trong chế độ toàn trị rất dị ứng với những tác phẩm hài hước, dù nó nói về bất cứ chủ đề gì. Cứ gây cười là rất đáng ghét và đáng sợ ?

Vì sao vậy ? Tại sao những tác phẩm mang đến bạn đọc tiếng cười lại bị săn lùng, ngăn chặn, tìm cách vô hiệu hóa ở mọi nơi, mọi lúc gắt gao, khắc nghiệt đến thế ? Hóa ra khi ngồi xem ti vi, tôi nhận ra toàn bộ các chương trình, dù rất nghiêm trang như những lễ kỷ niệm, những kì hội họp, những cuộc thăm thú, những lời phát biểu…đều ẩn chứa yếu tố hài hước, yếu tố diễn hề. Bất cứ gương mặt nào xuất hiện cũng có khả năng gây cười, nếu người xem có một chút hiểu biết về ông hay bà ta, rồi đặt bên cạnh những gì ông hay bà ta nói. Làm sao không gây cười được, khi một ông bà nào đó kiến thức rỗng tuếch, đến viết còn sai chính tả, lại nói rất hùng hồn về những thứ cao siêu, về thời đại trí tuệ, về tầm nhìn nửa thế kỷ ? Làm sao không gây cười được, khi trong một hội trường nào đó, trên những băng rôn, khẩu hiệu, trên những dáng đi, cử chỉ nghiêm cẩn…thực chất đều là diễn, đều đang làm trò, chẳng có cái gì thiêng liêng cả…".

Nhà văn Tạ Duy Anh đã nhắn gởi với đồng nghiệp những lời tâm huyết "Nhân đang diễn ra Đại hội Hội nhà văn, nơi tôi không có mặt vì sợ sự ồn ào, tôi muốn nói với các bạn đồng nghiệp rằng, chúng ta có lỗi lớn trong việc để cho nền đạo đức chính trị (chứ chưa nói đến đạo đức xã hội) xuống cấp trầm trọng, là môi trường dung dưỡng những quan chức tham lam, đồi bại, dốt nát, dối trá…vì thiếu vắng sự giễu nhại. Cái xấu, cái ác chỉ có thể bị đẩy lùi bằng tiếng cười. Hãy khiến chúng phát điên, phải đối diện ngày ngày với sự nhếch nhác của chúng, đến mức phải nhảy múa.

Và tiện đây tôi cũng muốn nói thêm : Cái gọi là tự do sáng tác theo định hướng, không những lố bịch về mặt ngôn từ, mà còn có nguy cơ biến nền văn học đương đại nước nhà thành đống rác khổng lồ không sọt nào chứa hết". (6)

Đại hội bộc lộ bản chất Hội Nhà Văn

Tổng hợp lại góc nhìn hóm hỉnh của nhà văn Nguyễn Quang Vinh về cái hổn tạp trong không gian đại hội, sự khinh bạc của Võ Đắc Danh, Đỗ Trung Quân, sự bức xúc của Tạ Duy Anh trước sự áp đặt, giả dối của đang với văn nghệ sĩ và văn học thì đại hội X Hội Nhà Văn đã thành công. Nó bộc lộ chân thật bản chất của cái Hội này là như nhà văn Vũ Hữu Sự đã viết "HÃY GỌI TÊN CHO ĐÚNG : HỘI NHÀ VĂN CHÍNH LÀ HỘI…BƯNG BÔ" ông kết luận đau đớn rằng "Chao ôi, hội nhà văn của tôi. Một cái hội được sinh ra với mục đích để bưng bô, và nó đã bưng bô một cách hoàn hảo. Không những thế, nó còn cổ vũ, hô hào để cả triệu thanh niên "có thể biến thiên nhiên thành điện, thép" lao vào chỗ chết. Và đó cũng là tội ác" (7).

Có lẽ đây chính là nguyên nhân mà Đảng và truyền thông lề phải đã tước bỏ "thành công rực rỡ" của đại hội nhà văn. Sự hỗn tạp hổ lốn trong đại hội nhà văn có thể xem như một sự phản kháng. Những kẻ ngoan ngoãn trung thành, nghiêm túc với Đảng bị xem như kẻ bưng bô. Người tâm huyết thì đứng ngoài cuộc với sự thờ ơ khinh bỉ. Nguồn sữa ngân sách từ mồ hôi công sức nhân dân đổ ra nuôi dưỡng bộ máy xưng tụng cho mình đã bị khinh rẻ, cười cợt thậm chí bị nguyền rủa từ chính những người trong guồng máy ấy.

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 03/12/2020

1. https://tuoitre.vn/dai-hoi-nha-van-dong-cua-voi-bao-chi-ong-huu-thinh-ru...

2. https://tuoitre.vn/ong-vo-van-thuong-hoi-nha-van-phai-thuc-day-hoa-hop-d...

3. https://www.facebook.com/nvNguyenQuangVinh

4. https://www.youtube.com/watch?v=I6nGRdf4Zeg&feature=share&fbclid=IwAR0S3...

5. https://www.facebook.com/dacdanhmientay

6-https://www.facebook.com/profile.php?id=1160946631

7. https://www.facebook.com/profile.php?id=100012513496781

*********************

Chung quanh chuyện bầu bán ở Hội nhà văn

Viết từ Sài Gòn, RFA, 26/11/2020

Tôi vốn không quan tâm mấy đến cái gọi là Hội nhà văn Việt Nam này, chắc chắn là vậy. Bạn tôi, anh em cầm bút, chiến hữu tôi, cũng có nhiều người trong hội đó, có người còn chọn cách trèo cao, luồn sâu để mong thay đổi được một thứ gì đó trong hội, đặc biệt, nhân vật tân Chủ tịch hội bây giờ cũng là bạn tôi, khá cởi mở trong quan niệm viết và theo như anh nói thì đã nhiều lần lên tiếng, khuyên nên có tự do báo chí. Không biết khi lên đến chỗ ghế này rồi, anh có còn giữ quan điểm này hay không, e khó nói, mà cũng khó đoán ! Vấn đề tôi muốn nói ở đây là nói về một cái chợ, chứ không phải cái hội.

hoinhavan0

Ông Nguyễn Quang Thiều là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa mới.

Nói nghiêm túc, Hội nhà văn Việt Nam trong gần hai mươi năm nay, nó giống cái chợ hơn cái hội. Bởi trong một cái hội, đặc biệt là hội nhà nước, nó không thể có những động thái và hành trạng của cái chợ, ngược lại, trong một cái chợ, không khí của nó không thể là không khí của một cái hội. Rất tiếc, không khí của hội nhà văn Việt Nam lại mang mọi sắc thái của cái chợ. Từ việc trình tác phẩm, cơ chế xin – cho phép ấn loát, ăn chặn tiền in ấn, xin xỏ tiền trợ cấp nhà nước cho đến ăn tiền của hội viên mới, nghĩa là muốn được giới thiệu vào hội, ngoài các tác phẩm, phải có tiền lót đường để vào hội. Vào một cái hội giống như cái chợ như vậy, sao lại có nhiều người cầm bút muốn vào ?

Xin thưa, bởi nhiều người cầm bút này, họ cũng thích không khí kẻ chợ, viết chỉ là cái cớ để thăng tiến, với tiêu chuẩn được in bao nhiêu tác phẩm, có hội viên cũ giới thiệu thì được kết nạp… Những kiểu tiêu chuẩn này thì bất kì ông già về hưu nào cũng có thể vào được, nếu không có khả năng viết thì thuê người viết, thuê người giới thiệu, ngày xưa có Vũ Khiêu, chuyên viết và giới thiệu, sau này thì có nhiều hơn nhưng không oanh tạc kiểu như Vũ Khiêu. Và sở dĩ người ta ham hố, muốn vào cái chợ ấy bởi nó có quá nhiều quyền lợi cho họ, nghe thì đơn giản, thậm chí có gì đó hèn hẹ, thê thảm, nhưng người ta vẫn muốn vào.

Như một nhà thơ, hiện là giám đốc một nhà xuất bản ở miền Trung, chia sẻ : "Vào hội thì mình được rất nhiều quyền lợi, ví dụ như tiền trợ cấp sáng tác hằng năm, rồi mình có đi chơi tỉnh khác, mình chỉ cần tới cơ quan Hội của tỉnh đó, trình thẻ hội viên nhà văn Việt Nam thì mình được cấp cho phòng ngủ ngon lành, được quan chức họ mời đi ăn, thậm chí phải bưng bê mình một chút để mình viết bài về tỉnh họ. Nói chung là nhiều quyền lợi lắm ! Do vậy mà người ta mới cố gắng vào phân hội của tỉnh, được khá nhiều quyền lợi ở cấp này, sau đó, vào thẳng hội trung ương thì được thêm lần có ăn nữa !". Đương nhiên không phải ai vào hội cũng chỉ nghĩ đến chuyện ăn uống, chuyện đi lại đỡ tốn tiền như ông bạn nhà thơ này. Bạn tôi cũng không thiếu người là hội viên trung ương, họ cũng có lòng tự trọng, cũng tự bỏ tiền túi mà mời bạn bè, anh em, thuê khách sạn… Và họ cũng ước mơ làm nên một thứ gì đó làm thay đổi bộ mặt văn học Việt Nam. Nhưng có vẻ như họ bất lực, bó tay !

Họ bất lực bởi khi bước vào chợ thì phải sống theo cách của người kẻ chợ, phải biết kì kèo bớt một thêm hai, phải biết xài tiền lẻ và cất cái gọi là lương tri hay lòng tự trọng vào một chỗ nào đó thật kín đáo. Bởi vào chợ chẳng ai dại mà mang vàng ra mua rau, việc cất lương tri và lòng tự trọng, tính trung thực của một người cầm bút vào chỗ thật kín đáo cũng giống như biết giấu vàng khi vào chợ. Hầu hết khi bước vào hội, họ là những người cầm bút, chắc chắn vậy rồi ! Nhưng họ phải biết là mình đang bước vào một cái chợ, mà ở đó, mọi qui luật về mua bán đều không tùy thuộc vào tài năng, tác phẩm hay nỗi thao thức vì văn chương, mà ở đó, tính giảo hoạt, sự vâng phục trước đảng cầm quyền, nhất nhất biến mình thành kẻ "ăn cơm chúa múa tối ngày" (chúa ở đây chính là trung ương đảng, kẻ ban bố cho họ thức ăn, quyền được viết và chỉ đạo cho họ nên viết, được viết cái gì, viết cho ai…).

Với một tâm thế như vậy, trong một sinh quyển hoạt động như vậy, chắc chắn rằng các hội viên sẽ không bao giờ thoát khỏi tư thế luồn cúi trước quyền lực. Mà hình như trước khi bước vào đây, họ buộc lòng hoặc rất muốn chọn tâm thế này rồi.

Và câu chuyện trở nên sôi nổi trong bầu bán chức vị ở hội nhà văn mấy ngày nay, thực ra là nó vốn vậy mấy chục năm nay rồi. Nhưng năm nay, dường như mọi sự trở nên khác thường bởi vì mọi thứ được rò rỉ ra mạng xã hội nhiều hơn, và người quan tâm đến hội này cũng nhiều hơn. Xin nói rõ là người ta không quan tâm vì nó cho ra lò nhiều tác phẩm, góp phần vào sự nghiệp làm đẹp tâm hồn con người mà người ta quan tâm bởi mức độ bôi bẩn tâm hồn con người ngày càng trầm trọng và đặc biệt là nó làm ảnh hưởng đến tiền thuế của nhân dân quá cao.

Mỗi năm, số tiền rót cho hội nhà văn Việt Nam hoạt động lên đến hàng ngàn tỉ đồng, trong đó có các hạng mục xây dựng cơ quan, đầu tư sáng tác, tài trợ ấn loát, tổ chức trại sáng tác, tổ chức giải… Đó là chưa nói đến các tỉnh phải tốn kém quĩ đất để xây dựng cơ quan phân hội, chưa xây xong đã đập xây lại… Toàn những hành trạng rửa tiền. Tốn thì nhiều nhưng tác phẩm, may mắn lắm mới có thể nói được rằng "chẳng có bao nhiêu". Trong suốt hơn ba chục năm nay, số lượng tác phẩm đọc được từ hội nhà văn, tôi dám khẳng định là đếm không tới mười đầu ngón tay ! Còn lại thì in, mang đi cho, tặng, ký gửi… Nhưng ngày cả người nhận cũng thấy mệt vì phải nhận mấy cuốn sách viết lằng chằng chẳng đâu vào đâu này ! Như vậy, nói cho cùng, sở dĩ cái hội này tồn tại được, lý do tồn tại của nó vẫn là cơ quan tuyên truyền số một của đảng Cộng sản Việt Nam. Nó sinh ra nhằm qui tụ các cây bút về một chỗ để "ăn cơm chúa múa tối ngày".

Chính vì những mục tiêu và mục đích tồn tại rất chợ búa của Hội nhà văn Việt Nam mà cái hội này được dư luận quan tâm nhiều nhất. Đến bây giờ, khi tân Chủ tịch Hội Nguyễn Quang Thiều lên nắm quyền (chuyện này hội viên chờ cả chục năm nay rồi !), không biết nó có khá hơn không ? Nhưng có một điều chắc chắn rằng, cái chợ luôn có mặt trong cái hội này, và mọi li kì từ nó, là li kì của một cái chợ gồm những người cầm bút mua bán, trả chắc và léo hánh nhau !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 26/11/2020 (VietTuSaiGon's blog)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Gió Bấc, Viết từ Sài Gòn
Read 431 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)