Gió Bấc, RFA, 03/12/2020
Dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về Đại Hội Nhà Văn lần thứ X vừa diễn ra nhưng ít ai chú ý điều quan trọng là thông tin từ các loa chính thống của Đảng như Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân đưa tin về đại hội này đều không có cụm từ quen thuộc mang tính bắt buộc với các cuộc đại hội, tiểu hội của hệ thống chính trị từ cấp xã phường đến Trung ương. Vì sao như vậy ? Phải chăng đại hội đã phát ra tín hiệu nào đó không vừa lòng lãnh đạo ?
cand.com.vn
"Thành công rực rỡ", "Thành công tốt đẹp", "Kết thúc thắng lợi" là những cụm từ khuôn mẫu, bắt buộc phải có trên tít những dòng tin về các đại hội dù là hội cây cảnh hay hội hiến xác nhân đạo. Cái tổ chức đại hội càng quan trọng thì chữ nghĩa càng phải trân trọng rổn rảng hơn. Hội Nhà Văn là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, luôn được Đảng quan tâm lãnh đạo đâu phải chuyện đùa. Các đại hội Nhà Văn luôn có tối thiểu một vị Ủy Viên Bộ Chính trị có khi cả Thường trực Ban bí thư, hoặc Tổng bí thư tham gia chỉ đạo. Đại hội lần này có sự tham gia của ông Võ Văn Thưởng Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên Giáo, Nguyễn Khoa Ðiềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Ðảng, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa trung ương ; Nguyễn Ðắc Vinh, Ủy viên trung ương Ðảng, Phó Chánh Văn phòng trung ương Ðảng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lẵng hoa chúc mừng. Long trọng tới chừng ấy mà đại hội không thành công rực rỡ mới lạ kỳ ?
Báo Nhân Dân quyền lực nhất trong làng báo đưa tin gọn lỏn "Bế mạc Đại hội X Hội Nhà văn Việt Nam". Báo Công an nhân dân cũng đưa tin trung tính : Ra mắt Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X. Báo Chính phủ đăng tin : Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều làm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam… Lãnh đạo gộc đã không khen, các báo cấp dưới đều đăng tin chung chung tương tự. Riêng hai tờ báo Đoàn, cánh tay phải của Đảng không chỉ không ngợi ca đại hội mà còn báo động như có đảo chánh. Tuổi trẻ của Thành Đoàn Sài Gòn viết "Đại hội Nhà văn đóng cửa với báo chí, ông Hữu Thỉnh rút khỏi ban chấp hành khóa mới". Báo Tiền Phong của Trung ương Đoàn cũng đăng "‘Hỗn loạn bỏ phiếu Hội Nhà văn, ông Hữu Thỉnh hai lần xin rút Ban chấp hành"
Chuyện gì đã xảy ra trong đại hội nhà văn lần này ? Nguy cơ diễn biến hòa bình của bọn phản động ư ? Không ! Những hội viên, những nhà văn nổi tiếng và cấp tiến như Nguyên Ngọc, Phạm Xuân Nguyên, Trần Mạnh Hảo… đã tự ý ra khỏi hội từ lâu. Bốn nhiệm kỳ vừa qua Hội Nhà Văn yên bình, ngoan ngoãn và được rót ngân sách hoạt động đầy đủ tươm tất dưới sự điều hành nhũn nhặn kính trên hòa dưới của nhà thơ Hữu Thỉnh.
Theo tường thuật của truyền thông lề phải thì Đại hội vẫn diễn ra trong sự lãnh đạo chặt chẽ, có hội nghị riêng cho các hội viên là đảng viên. Đặc biệt cẩn thận, Đại hội cấm cửa các nhà báo (ngay cả báo chí chính thống). Báo Tuổi trẻ đưa tin "Chỉ vài cơ quan báo chí được mời tham dự đại hội nhưng cũng chỉ được dự phiên bế mạc vào ngày mai 25-11. Phiên họp quan trọng hôm nay tất cả phóng viên đều bị chặn lại trước cửa. Các đại biểu là các nhà văn dự đại hội có thẻ dán ảnh chân dung để kiểm soát. Nhiều đại biểu nhà văn dự đại hội bất ngờ trước thông tin các nhà báo không được tham dự" (1).
Mắc cười là Ban Tổ chức khệnh khạng quy định như vậy nhưng lại quên một điều là đa số các ông nhà văn lại dắt lưng hai ba cái thẻ, các ông nhà báo kiên nhà văn vẫn đường đường tham dự và thông tin, hình ảnh chân thực của đại hội vẫn tràn ra trên các trang mạng xã hội vặn lưng, bẻ sườn các thông tin ngay ngắn, khuôn thước của báo chí chính thống.
Phần bí mật của đại hội được báo lề phải tường thuật từ xa rất long trọng nghiêm trang qua các lời chỉ đạo theo khuôn vàng thước ngọc.
"Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo văn học phải tiếp tục góp phần đáng kể trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, chống suy thoái biến chất về tư tưởng chính trị và đạo đức.
Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa mới cũng phải góp phần trong tổng kết văn học Việt Nam nửa thế kỷ sau thống nhất đất nước, thúc đẩy hòa hợp dân tộc, xây dựng đại đoàn kết toàn dân tộc thông qua văn học, thúc đẩy một đời sống dân chủ lành mạnh, tiếp tục bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống và tạo dựng những giá trị nhân văn mới cho xã hội ; tiếp tục tạo dựng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên thế giới thông qua văn học" (2).
Trưởng ban Tuyên giáo Võ Văn Thưởng phát biểu tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam. thanhtra.com.vn
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh, chủ trang Facebook Khoai Lang Trưởng Thôn, đại biểu chính thức của đại hội đã có một loạt bài tường thuật rất sống động, rất phong cách, dí dỏm về diễn biến, không khí của đại hội, đặc tả diễn biến của phiên họp long trong, bí mật này như sau :
"Trên bàn chủ tịch, anh Hữu Thỉnh đang phát biểu về một vài nội dung gì đó chả nghe thấy gì, chỉ biết chắc chắn là anh Hữu Thỉnh đang nói, vì đứng trên bục, còn âm thanh chủ yếu là các đại biểu nói chuyện râm ran, nói chuyện say mê, cười thoải mái.
Sau đó có ông gì to to, lên bục, nghe câu được câu chăng, đại khái là ca ngợi các nhà văn, ca ngợi những tác phẩm văn chương phục vụ đất nước, sau đó như quy trình phát biểu, chúng tôi hy vọng rằng, nhiệm kỳ tới, sẽ…"
Không nói ra thì ai cũng biết "ông gì to to" đó chính là ông Võ Văn Thưởng. Nhưng suốt 6 bài tường thuật nhà văn Nguyễn Quang Vinh chỉ một lần duy nhất chính thức nhắc tới tên ông Thưởng khi đại hội bế mạc : "Kết thúc, đột ngột hội trường ùn ứ, nhìn ai cũng cười, nhiều người bặm môi bặm miệng chen vào. Tưởng có sự cố gì hóa ra chen nhau chụp với Võ Văn Thưởng. Thích chụp với lãnh đạo có lẽ là một nét Việt thế giới khó theo.
Các đại biểu rời dần khỏi hội trường di chuyển nhanh về nhà ăn dự tiệc.
Vui quá nên Đại hội quên chào cờ bế mạc. Không sao. 5 năm nữa".
Hóa ra cái bí mật của đại hội là ở chỗ đó. Chỉ đạo của đảng chẳng ai nghe, chuyện bầu cử thì lộn xông như vở chợ, ai cũng muốn bầu xong để ra ngoài tán gẫu, lãnh đạo chỉ được chú ý quan tâm săn đón để chụp hình như một vật lạ trong các hội chợ triển lãm hoặc như các diễn viên nổi tiếng sau show diễn" (3).
Cách nhìn trào lộng của Nguyễn Quang Vinh từ bên trong đại hội nhà văn cũng phần nào đó tiệm cận với góc nhìn của những nhà văn không dự đại hội.
Nhà văn Võ Đắc Danh đang kẹt Covid bên Mỹ, nhưng nếu không kẹt Covid chắc hẳn không dự đại hội này, nhưng những chỉ đạo của ông Thưởng anh đã làm, làm tốt hơn ai hết.
Viết chống tham nhũng anh có hàng loạt bút ký trong đó chỉ một bài "Thư gởi nhà thơ Trần Mạnh Hảo" đánh cùng lúc bốn Bộ trưởng đã được rút thẻ nhà báo. Thời sự hiện nay anh có bút ký Đất Thủ Thiêm (đăng trên Facebook và phát trên YouTude) với những số phận con người cay nghiệt xúc động, chân thật gấp trăm lần Bản án Chế độ thực dân Pháp (4).
Góp phần xây dựng đất nước, năm 2019, chỉ với tập bút ký "Người Sài Gòn Bất Đắc Dĩ" anh đã huy động nguồn lực xã hội làm hơn 100 cây cầu nông thôn.
Nhà thơ Hữu Thỉnh tại Đại hội Hội nhà văn Việt Nam 2020 - 2025. nhavanhanoi.vn
Về hòa hợp dân tộc, ông Hữu Thỉnh gởi thơ mời văn nghệ sĩ Việt Nam định cư ở nước ngoài họp mặt bất thành nhưng Võ Đắc Danh, con bà mẹ Việt Nam anh hùng, vẫn hàng ngày cặp kè đi nhậu với Đỗ Trung Quân, Công giáo di cư, qua Mỹ thì chơi với Đinh Quang Anh Thái, viết báo Sài Gòn Nhỏ…
Từ Mỹ, Võ Đắc Danh trải lòng về đại hội nhà văn trên Facebook cũng bằng cái nhìn cười cợt : " …Sang năm 2003, tôi bị tịch thu thẻ nhà báo vì tội chống chính phủ, nhà thơ Lê Chí lại bảo mầy nên vào hội nhà văn để có chuyện gì thì ít ra cũng được hội bênh vực. Nghĩ thế tôi làm hồ sơ xin gia nhập hội nhà văn. Năm 2008 tôi được công nhận là hội viên hội nhà văn Việt Nam, thấy cũng bớt lạnh lưng. Nhưng đến năm 2013, nhà văn Nguyễn Quang Lập bị bắt vô cớ 6 tháng, nhưng hội nhà văn không hề lên tiếng can thiệp. Từ đó tôi đâm ra thất vọng, cảm thấy cái hội nầy chẳng ra tích sự gì. Có lần đại hội nhà văn, họ cấp cho mỗi hội viên cái vé máy bay khứ hồi và được thành phố cấp cho 2 triệu đồng, nhưng trước khi nhận tiền và vé máy bay thì các hội viên phải tập trung lại để nghe anh 3 Đua huấn thị.
Hôm ấy tôi với nhà thơ Đỗ Trung Quân ngồi nhậu dưới bờ kè kinh Nhiêu Lộc, anh Quân nói được cho vé cho tiền cũng muốn đi ra HN gặp bạn bè nhưng phải ngồi nghe thằng 3 Đua huấn thị thì nhục quá, thôi dẹp. Thế là tôi với anh Quân bỏ vé không đi. Mấy ngày sau chúng tôi nghe nói đại hội lần ấy các nhà văn chửi bới, mạt sát nhau còn tệ hơn cả cái chợ trời".
Cũng trên trang Facebook của Võ Đắc Danh, nhà thơ Đỗ Trung Quân tác giả Quê Hương, Phượng Hồng cũng chia sẻ tâm sự "Tôi bị canh giữ cấm xuất bản gần 10 năm theo lịnh của thằng ba đua không hề có văn bản luận tội HNV Hội nhà báo cũng câm như hến có ai lên tiếng cho hội viên thậm chí còn chấp hành tốt lịnh cô lập tôi của thằng giờ là tội phạm ấy chứ. Góa theo cụ Trang Thế Hy giũ tay áo " tao đi chỗ khác chơi ! " tự do là do mình chọn (5).
Tự do sáng tác theo định hướng biến văn học thành đống rác
Nghiêm túc hơn, có lý luận hơn, nhà văn Tạ Duy Anh, nhà văn duy nhất dám viết về tội ác Đồng Tâm, cũng nhìn về đại hội nhà văn qua tiếng cười với bài viết "VÌ SAO TIẾNG CƯỜI BỊ CĂM GHÉT ?"
Tạ Duy Anh đặt vấn đề "Tôi phát hiện ra rằng, những người cầm quyền trong chế độ toàn trị rất dị ứng với những tác phẩm hài hước, dù nó nói về bất cứ chủ đề gì. Cứ gây cười là rất đáng ghét và đáng sợ ?
Vì sao vậy ? Tại sao những tác phẩm mang đến bạn đọc tiếng cười lại bị săn lùng, ngăn chặn, tìm cách vô hiệu hóa ở mọi nơi, mọi lúc gắt gao, khắc nghiệt đến thế ? Hóa ra khi ngồi xem ti vi, tôi nhận ra toàn bộ các chương trình, dù rất nghiêm trang như những lễ kỷ niệm, những kì hội họp, những cuộc thăm thú, những lời phát biểu…đều ẩn chứa yếu tố hài hước, yếu tố diễn hề. Bất cứ gương mặt nào xuất hiện cũng có khả năng gây cười, nếu người xem có một chút hiểu biết về ông hay bà ta, rồi đặt bên cạnh những gì ông hay bà ta nói. Làm sao không gây cười được, khi một ông bà nào đó kiến thức rỗng tuếch, đến viết còn sai chính tả, lại nói rất hùng hồn về những thứ cao siêu, về thời đại trí tuệ, về tầm nhìn nửa thế kỷ ? Làm sao không gây cười được, khi trong một hội trường nào đó, trên những băng rôn, khẩu hiệu, trên những dáng đi, cử chỉ nghiêm cẩn…thực chất đều là diễn, đều đang làm trò, chẳng có cái gì thiêng liêng cả…".
Nhà văn Tạ Duy Anh đã nhắn gởi với đồng nghiệp những lời tâm huyết "Nhân đang diễn ra Đại hội Hội nhà văn, nơi tôi không có mặt vì sợ sự ồn ào, tôi muốn nói với các bạn đồng nghiệp rằng, chúng ta có lỗi lớn trong việc để cho nền đạo đức chính trị (chứ chưa nói đến đạo đức xã hội) xuống cấp trầm trọng, là môi trường dung dưỡng những quan chức tham lam, đồi bại, dốt nát, dối trá…vì thiếu vắng sự giễu nhại. Cái xấu, cái ác chỉ có thể bị đẩy lùi bằng tiếng cười. Hãy khiến chúng phát điên, phải đối diện ngày ngày với sự nhếch nhác của chúng, đến mức phải nhảy múa.
Và tiện đây tôi cũng muốn nói thêm : Cái gọi là tự do sáng tác theo định hướng, không những lố bịch về mặt ngôn từ, mà còn có nguy cơ biến nền văn học đương đại nước nhà thành đống rác khổng lồ không sọt nào chứa hết". (6)
Tổng hợp lại góc nhìn hóm hỉnh của nhà văn Nguyễn Quang Vinh về cái hổn tạp trong không gian đại hội, sự khinh bạc của Võ Đắc Danh, Đỗ Trung Quân, sự bức xúc của Tạ Duy Anh trước sự áp đặt, giả dối của đang với văn nghệ sĩ và văn học thì đại hội X Hội Nhà Văn đã thành công. Nó bộc lộ chân thật bản chất của cái Hội này là như nhà văn Vũ Hữu Sự đã viết "HÃY GỌI TÊN CHO ĐÚNG : HỘI NHÀ VĂN CHÍNH LÀ HỘI…BƯNG BÔ" ông kết luận đau đớn rằng "Chao ôi, hội nhà văn của tôi. Một cái hội được sinh ra với mục đích để bưng bô, và nó đã bưng bô một cách hoàn hảo. Không những thế, nó còn cổ vũ, hô hào để cả triệu thanh niên "có thể biến thiên nhiên thành điện, thép" lao vào chỗ chết. Và đó cũng là tội ác" (7).
Có lẽ đây chính là nguyên nhân mà Đảng và truyền thông lề phải đã tước bỏ "thành công rực rỡ" của đại hội nhà văn. Sự hỗn tạp hổ lốn trong đại hội nhà văn có thể xem như một sự phản kháng. Những kẻ ngoan ngoãn trung thành, nghiêm túc với Đảng bị xem như kẻ bưng bô. Người tâm huyết thì đứng ngoài cuộc với sự thờ ơ khinh bỉ. Nguồn sữa ngân sách từ mồ hôi công sức nhân dân đổ ra nuôi dưỡng bộ máy xưng tụng cho mình đã bị khinh rẻ, cười cợt thậm chí bị nguyền rủa từ chính những người trong guồng máy ấy.
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 03/12/2020
1. https://tuoitre.vn/dai-hoi-nha-van-dong-cua-voi-bao-chi-ong-huu-thinh-ru...
2. https://tuoitre.vn/ong-vo-van-thuong-hoi-nha-van-phai-thuc-day-hoa-hop-d...
3. https://www.facebook.com/nvNguyenQuangVinh
4. https://www.youtube.com/watch?v=I6nGRdf4Zeg&feature=share&fbclid=IwAR0S3...
5. https://www.facebook.com/dacdanhmientay
6-https://www.facebook.com/profile.php?id=1160946631
7. https://www.facebook.com/profile.php?id=100012513496781
*********************
Chung quanh chuyện bầu bán ở Hội nhà văn
Viết từ Sài Gòn, RFA, 26/11/2020
Tôi vốn không quan tâm mấy đến cái gọi là Hội nhà văn Việt Nam này, chắc chắn là vậy. Bạn tôi, anh em cầm bút, chiến hữu tôi, cũng có nhiều người trong hội đó, có người còn chọn cách trèo cao, luồn sâu để mong thay đổi được một thứ gì đó trong hội, đặc biệt, nhân vật tân Chủ tịch hội bây giờ cũng là bạn tôi, khá cởi mở trong quan niệm viết và theo như anh nói thì đã nhiều lần lên tiếng, khuyên nên có tự do báo chí. Không biết khi lên đến chỗ ghế này rồi, anh có còn giữ quan điểm này hay không, e khó nói, mà cũng khó đoán ! Vấn đề tôi muốn nói ở đây là nói về một cái chợ, chứ không phải cái hội.
Ông Nguyễn Quang Thiều là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa mới.
Nói nghiêm túc, Hội nhà văn Việt Nam trong gần hai mươi năm nay, nó giống cái chợ hơn cái hội. Bởi trong một cái hội, đặc biệt là hội nhà nước, nó không thể có những động thái và hành trạng của cái chợ, ngược lại, trong một cái chợ, không khí của nó không thể là không khí của một cái hội. Rất tiếc, không khí của hội nhà văn Việt Nam lại mang mọi sắc thái của cái chợ. Từ việc trình tác phẩm, cơ chế xin – cho phép ấn loát, ăn chặn tiền in ấn, xin xỏ tiền trợ cấp nhà nước cho đến ăn tiền của hội viên mới, nghĩa là muốn được giới thiệu vào hội, ngoài các tác phẩm, phải có tiền lót đường để vào hội. Vào một cái hội giống như cái chợ như vậy, sao lại có nhiều người cầm bút muốn vào ?
Xin thưa, bởi nhiều người cầm bút này, họ cũng thích không khí kẻ chợ, viết chỉ là cái cớ để thăng tiến, với tiêu chuẩn được in bao nhiêu tác phẩm, có hội viên cũ giới thiệu thì được kết nạp… Những kiểu tiêu chuẩn này thì bất kì ông già về hưu nào cũng có thể vào được, nếu không có khả năng viết thì thuê người viết, thuê người giới thiệu, ngày xưa có Vũ Khiêu, chuyên viết và giới thiệu, sau này thì có nhiều hơn nhưng không oanh tạc kiểu như Vũ Khiêu. Và sở dĩ người ta ham hố, muốn vào cái chợ ấy bởi nó có quá nhiều quyền lợi cho họ, nghe thì đơn giản, thậm chí có gì đó hèn hẹ, thê thảm, nhưng người ta vẫn muốn vào.
Như một nhà thơ, hiện là giám đốc một nhà xuất bản ở miền Trung, chia sẻ : "Vào hội thì mình được rất nhiều quyền lợi, ví dụ như tiền trợ cấp sáng tác hằng năm, rồi mình có đi chơi tỉnh khác, mình chỉ cần tới cơ quan Hội của tỉnh đó, trình thẻ hội viên nhà văn Việt Nam thì mình được cấp cho phòng ngủ ngon lành, được quan chức họ mời đi ăn, thậm chí phải bưng bê mình một chút để mình viết bài về tỉnh họ. Nói chung là nhiều quyền lợi lắm ! Do vậy mà người ta mới cố gắng vào phân hội của tỉnh, được khá nhiều quyền lợi ở cấp này, sau đó, vào thẳng hội trung ương thì được thêm lần có ăn nữa !". Đương nhiên không phải ai vào hội cũng chỉ nghĩ đến chuyện ăn uống, chuyện đi lại đỡ tốn tiền như ông bạn nhà thơ này. Bạn tôi cũng không thiếu người là hội viên trung ương, họ cũng có lòng tự trọng, cũng tự bỏ tiền túi mà mời bạn bè, anh em, thuê khách sạn… Và họ cũng ước mơ làm nên một thứ gì đó làm thay đổi bộ mặt văn học Việt Nam. Nhưng có vẻ như họ bất lực, bó tay !
Họ bất lực bởi khi bước vào chợ thì phải sống theo cách của người kẻ chợ, phải biết kì kèo bớt một thêm hai, phải biết xài tiền lẻ và cất cái gọi là lương tri hay lòng tự trọng vào một chỗ nào đó thật kín đáo. Bởi vào chợ chẳng ai dại mà mang vàng ra mua rau, việc cất lương tri và lòng tự trọng, tính trung thực của một người cầm bút vào chỗ thật kín đáo cũng giống như biết giấu vàng khi vào chợ. Hầu hết khi bước vào hội, họ là những người cầm bút, chắc chắn vậy rồi ! Nhưng họ phải biết là mình đang bước vào một cái chợ, mà ở đó, mọi qui luật về mua bán đều không tùy thuộc vào tài năng, tác phẩm hay nỗi thao thức vì văn chương, mà ở đó, tính giảo hoạt, sự vâng phục trước đảng cầm quyền, nhất nhất biến mình thành kẻ "ăn cơm chúa múa tối ngày" (chúa ở đây chính là trung ương đảng, kẻ ban bố cho họ thức ăn, quyền được viết và chỉ đạo cho họ nên viết, được viết cái gì, viết cho ai…).
Với một tâm thế như vậy, trong một sinh quyển hoạt động như vậy, chắc chắn rằng các hội viên sẽ không bao giờ thoát khỏi tư thế luồn cúi trước quyền lực. Mà hình như trước khi bước vào đây, họ buộc lòng hoặc rất muốn chọn tâm thế này rồi.
Và câu chuyện trở nên sôi nổi trong bầu bán chức vị ở hội nhà văn mấy ngày nay, thực ra là nó vốn vậy mấy chục năm nay rồi. Nhưng năm nay, dường như mọi sự trở nên khác thường bởi vì mọi thứ được rò rỉ ra mạng xã hội nhiều hơn, và người quan tâm đến hội này cũng nhiều hơn. Xin nói rõ là người ta không quan tâm vì nó cho ra lò nhiều tác phẩm, góp phần vào sự nghiệp làm đẹp tâm hồn con người mà người ta quan tâm bởi mức độ bôi bẩn tâm hồn con người ngày càng trầm trọng và đặc biệt là nó làm ảnh hưởng đến tiền thuế của nhân dân quá cao.
Mỗi năm, số tiền rót cho hội nhà văn Việt Nam hoạt động lên đến hàng ngàn tỉ đồng, trong đó có các hạng mục xây dựng cơ quan, đầu tư sáng tác, tài trợ ấn loát, tổ chức trại sáng tác, tổ chức giải… Đó là chưa nói đến các tỉnh phải tốn kém quĩ đất để xây dựng cơ quan phân hội, chưa xây xong đã đập xây lại… Toàn những hành trạng rửa tiền. Tốn thì nhiều nhưng tác phẩm, may mắn lắm mới có thể nói được rằng "chẳng có bao nhiêu". Trong suốt hơn ba chục năm nay, số lượng tác phẩm đọc được từ hội nhà văn, tôi dám khẳng định là đếm không tới mười đầu ngón tay ! Còn lại thì in, mang đi cho, tặng, ký gửi… Nhưng ngày cả người nhận cũng thấy mệt vì phải nhận mấy cuốn sách viết lằng chằng chẳng đâu vào đâu này ! Như vậy, nói cho cùng, sở dĩ cái hội này tồn tại được, lý do tồn tại của nó vẫn là cơ quan tuyên truyền số một của đảng Cộng sản Việt Nam. Nó sinh ra nhằm qui tụ các cây bút về một chỗ để "ăn cơm chúa múa tối ngày".
Chính vì những mục tiêu và mục đích tồn tại rất chợ búa của Hội nhà văn Việt Nam mà cái hội này được dư luận quan tâm nhiều nhất. Đến bây giờ, khi tân Chủ tịch Hội Nguyễn Quang Thiều lên nắm quyền (chuyện này hội viên chờ cả chục năm nay rồi !), không biết nó có khá hơn không ? Nhưng có một điều chắc chắn rằng, cái chợ luôn có mặt trong cái hội này, và mọi li kì từ nó, là li kì của một cái chợ gồm những người cầm bút mua bán, trả chắc và léo hánh nhau !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 26/11/2020 (VietTuSaiGon's blog)
‘Sông núi trên vai’ = ‘Mountains and rivers on the shoulder’ ? (VOA, 22/02/2019)
Chủ đề "Sông núi trên vai" của "Ngày thơ Việt Nam 2019", hoạt động thường niên do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hàng năm ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) đang khuấy động dư luận.
Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 17 - 2019. Hình minh họa.
Người ta ngạc nhiên khi Hội Nhà văn Việt Nam, tổ chức có không ít hội viên là dịch giả lại chuyển dịch "Sông núi trên vai" thành "Mountains and Rivers on the Shoulder" (1). Tuy nhiên ngô nghê trong chuyển ngữ là chuyện nhỏ.
Chuyện lớn hơn là sự trâng tráo của Hội Nhà văn Việt Nam. Ai tin tổ chức có 40.000 hội viên này đã và sẽ gánh vác chuyện sông núi mà dám ưỡn ngực tự nhận đặt "sông núi trên vai" trong sự kiện chủ yếu chỉ nhằm thông báo vẫn còn thoi thóp, chưa… chết hẳn ?
Có tổ chức nào đặt "sông núi trên vai" mà khi thảo luận với hệ thống chính trị, hệ thống công quyền về thời cuộc chỉ xin hỗ trợ, giải quyết khó khăn về nơi làm việc, phương tiện di chuyển, cũng như ăn, ở của những cá nhân tự cho là hữu công (2) ?
Có tổ chức nào tự nguyện gánh vác chuyện sông núi lại vật vã nằn nì, hoan hỉ khi vẫn còn được "nuôi" với chi phí lên tới 90 tỉ đồng/năm. Vì 90 tỉ đồng ấy nên cam kết sẽ tiếp tục làm "chiến sĩ" để "giữ vững trận địa văn hóa tư tưởng" (3) ?
Trên thực tế, sông núi quằn quại, tan hoang vì phải nuôi quá nhiều những kẻ trâng tráo như thế. Chỉ tính riêng tiền nuôi các tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp như Hội Nhà văn Việt Nam, mỗi năm, dân chúng Việt Nam phải moi ra, góp vào 68.000 tỉ (4).
Trẻ con thất học, người nghèo thiếu cơm ăn, áo mặc, người già không nơi nương tựa, người bệnh không được chữa trị, phúc lợi teo tóp, chính sách an sinh èo uột, nợ nần của quốc gia càng ngày càng cao, thuế phí càng ngày càng nặng… là vì như thế.
***
Đã đành Hội Nhà Văn Việt Nam, rộng hơn là Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam không vì sông núi theo nghĩa mà người Việt nào cũng biết. Ai cũng hiểu năm nay, "sông núi trên vai" xuất hiện vào tháng này, chủ yếu nhằm tạ ơn và tái đăng ký lập trường hết lòng, hết dạ tiếp tục phò tá sự nghiệp thâu tóm sông núi đặt vào tay đảng.
Tháng trước, Hội Nhà Văn Việt Nam nói riêng và Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam nói chung vừa nhận được quyết định, hứa sẽ… tái nuôi. Trước mắt, đảng tạm thời chưa buộc những tổ chức này "tự lực cánh sinh" như "Đề án Cải tiến phương thức hoạt động các hội văn học nghệ thuật" do Bộ Nội vụ soạn thảo.
Song bất kể thế nào thì "sông núi trên vai" vẫn làm người ta lợm giọng… Chỉ có một cách tự an ủi đó là… "rau nào, sâu ấy". Những tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp được lập ra, được nuôi dưỡng bằng mồ hôi, nước mắt của nam, phụ, lão, ấu để giúp đảng duy trì sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối tại Việt Nam làm sao có thể khác được !
Đã có một Tổng Bí thư huênh hoang : Đất nước chưa bao giờ có cơ đồ như hiện nay (4) ! Một Chủ tịch quốc hội tuyên bố : Phát triển bền vững là con đường tất yếu (5) ! Một Thủ tướng không hề thấy thẹn khi bảo với cộng đồng quốc tế : "Việt Nam là một nước dân chủ và chúng tôi lên án chế độ độc tài (6) !.. thì phải có Hội Nhà văn đặt "sông núi trên vai" thôi !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 22/02/2019
Chú thích
(1) https://plo.vn/van-hoa/chu-de-song-nui-tren-vai-dich-sang-tieng-anh-gay-xon-xao-817757.html
(2) https://tuoitre.vn/dung-bien-nghe-si-thanh-nguoi-di-xin-tien-1363942.htm
(3) https://tuoitre.vn/ong-huu-thinh-nha-nuoc-van-nuoi-anh-em-chung-ta-20190109122848202.htm
(6) https://www.youtube.com/watch ?v=jFZiH4FSw2Y
*********************
‘Đụng’ đến cựu ủy viên Bộ Chính trị, báo mạng bị đình chỉ 3 tháng (VOA, 22/02/2019)
Hôm 22/2, báo điện tử Người Tiêu Dùng buộc phải cải chính, xin lỗi, nộp phạt 65 triệu đồng và đình bản 3 tháng vì đưa "thông tin sai sự thật" trong một bài báo nêu đích danh ông Lê Thanh Hải và ông Lê Hoàng Quân, cựu lãnh đạo của Thành phố Hồ Chí Minh.
Ảnh chụp trang báo mạng Người Tiêu dùng trước đây.
Chiều 22/2, Bộ Thông tin và truyền thông cho biết Cục Báo chí của bộ đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với báo điện tử Người Tiêu Dùng (Người Tiêu Dùng), do báo này ‘có nhiều sai phạm trong hoạt động báo chí’.
Ông Lê Thanh Hải (ngồi hàng sau phía trên, bên trái). Ảnh minh họa
Một quyết định của Cục Báo chí nói bài viết "Nhiều cấp dưới bị bắt giam và bị kỷ luật nặng, bao giờ ông Lê Thanh Hải và Lê Hoàng Quân 'vào lò' ?" đăng trên báo điện tửNgười Tiêu Dùng số ra tháng 12/2018 "nêu nội dung thông tin lấp liếm" việc giao đất cho 51 dự án phân lô bán nền ngay tại khu tái định cư, và lấn ranh của người dân không thuộc quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Báo Người Tiêu Dùng khi ấy viết : "Ít nhất đến lúc này, ông Lê Hoàng Quân và nhất là ông Lê Thanh Hải đã có dấu hiệu của việc "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và "cố ý làm trái gây thiệt hại hết sức nghiêm trọng".
Ông Lê Thanh Hải nguyên là Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí Thư Thành ủy, ông Lê Hoàng Quân nguyên là Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí Thư Thành ủy, và Chủ tịch UBND thành phố.
Trang web của Bộ Thông tin và truyền thông, ngày 22/2/2019.
Báo Người Lao động trích lời Cục Báo chí cho rằng báo Người Tiêu Dùng đã "quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án, sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng".
Vào tháng 7 năm ngoái, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam cũng ra quyết định đình bản Tuổi Trẻ Online trong thời gian ba tháng và xử phạt tờ báo này 220 triệu đồng do đưa thông tin sai sự thật về phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong bài viết có tựa "Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật Biểu tình".
******************
Dự trữ bắt buộc có phải thuốc chữa cho ngành ngân hàng Việt Nam ? (RFA, 22/02/2019)
Chi nhánh ngân hàng Techcombank ở Hà Nội. AFP
Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam đang lấy ý kiến về dự thảo thông tư với qui định dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng trong nước và các chi nhanh ngân hàng nước ngoài được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tất cả các loại tiền gởi theo phương án phục hồi đã được phê duyệt.
Trang mạng BizLive của Việt Nam khi đăng tải tin này đã dẫn lời chuyên gia trong nước là cần có qui định rõ ràng về việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thì các Ngân Hàng có được hưởng thêm nhiều ưu đãi khác không.
Khái niệm dự trữ bắt buộc được chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành giải thích như sau :
Ngân Hàng Thương Mại được mở những tài khoản của những người có tiền đem tới gởi rồi dùng tiền đó để cho vay . Ví dụ một khách hàng gởi vào một trăm triệu thì Nhà Nước qui định trên một trăm triệu đó Ngân Hàng phải giữ lại một dự trữ bắt buộc 9% để bảo đảm không thiếu tiền cho vay và khi gặp sự cố gì thì bị mất khả năng thanh toán. Như vậy, không thể cho vay 100% tiền người ta gởi mà phải có dự trữ bắt buộc là bao nhiêu phần trăm trên số tiền gởi đó theo từng thời điểm.
Ví dụ khi trước dự trữ bắt buộc là 10% bây giờ còn 5% thì ngân hàng thêm được 5% nữa để cho vay, như vậy thị trường tài chính sẽ có nhiều cung ứng hơn và ngân hàng có khả năng cho vay nhiều hơn trước. Đó là cách Ngân Hàng Nhà Nước tạo cho Ngân Hàng Thương Mại khả năng tăng nguồn tín dụng của mình lên.
Kinh tế gia trưởng Ngân Hàng Đầu Tư & Phát Triển Việt Nam (BIDV), tiến sĩ Cấn Văn Lực, cho biết Thông Tư mới về dự trữ bắt buộc nhằm triển khai Luật của các tổ chức tín dụng năm 2017 mà đã có hiệu lực từ đầu 2018.
Theo chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành, khi có quyết định rút dự trữ bắt buộc xuống 50% từ mức cũ thì khả năng cho vay của ngân hàng sẽ tăng lên :
Ví dụ khi trước dự trữ bắt buộc là 10% bây giờ còn 5% thì ngân hàng thêm được 5% nữa để cho vay, như vậy thị trường tài chính sẽ có nhiều cung ứng hơn và ngân hàng có khả năng cho vay nhiều hơn trước. Đó là cách Ngân Hàng Nhà Nước tạo cho Ngân Hàng Thương Mại khả năng tăng nguồn tín dụng của mình lên.
Hiện tại tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở Việt Nam là 3%, được coi là tương đối thấp, tiến sĩ Cấn Văn Lực nói, vì thế nếu có giảm xuống một nửa cũng không phải là quá lớn. Dự trữ bắt buộc có mục đích bảo đảm an toàn cho hệ thống, là cách Ngân Hàng Nhà Nước giúp cho các Ngân Hàng Thương Mại có thêm thanh khoản.
Cần hiểu dự định giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc không áp dụng cho tất cả mà chỉ với một số Ngân Hàng đã giúp Ngân Hàng Nhà Nước trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém khác, là khẳng định của chuyên gia tài chính và ngân hàng, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu :
Chỉ một số thôi trong đó chẳng hạn như VietcomBank đang hổ trợ Ngân Hàng Xây Dựng, VietinBank đang hổ trợ Ngân Hàng Đại Dương và BIDV đang hổ trợ một ngân hàng khác. Bên cạnh đó thì tất cả những ngân hàng khác đều phải giữ cái tỷ lệ bắt buộc khởi đầu tức là 3% cho những vốn huy động ngắn hạn.
Điểm tích cực là những ngân hàng được hưởng chế độ đó thì chi phí vốn huy động sẽ giảm, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu trình bày tiếp :
Thí dụ một ngân hàng huy động vốn vào 100 đồng, nếu mức dự trữ bắt buộc là 3% thì họ phải giữ lại 3Đồng và chỉ có thể sử dụng 97 đồng để cho vay ra. Còn bây giờ nếu tỷ lệ dự trữ bắt buộc giảm từ 3% xuống 1,5% thì họ chỉ cần phải giữ 1,5Đồng tại tài khoản với Ngân Hàng Nhà Nước và họ có thể sử dụng 98,5 đồng để cho vay ra.Có nghĩa rằng họ có nhiều tiền cho vay hơn, chính vì thế mà chi phí vốn huy động giảm. Chi phí vốn huy động giảm tác động tích cực đến thanh khoản và khả năng sinh lời, dĩ nhiên là có lợi cho ngân hàng đó.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu. Hình do Tiến sĩ cung cấp.
Mặt tiêu cực của vấn đề, nếu có, cũng là điều cần phải nghĩ đến, là phân tích của tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu :
Tiêu cực thì tôi nghĩ rằng nó sẽ tạo sự phân hóa trong ngành ngân hàng,tạo ra một sân chơi không bình đẳng. Những ngân hàng được hưởng tỷ lệ dự trữ bắt buộc giảm sẽ có nhiều tiền cho vay hơn và sẽ tác đợng đến khả năng sinh lời của họ. Trong khi đó những ngân hàng còn lại phải giữ nguyên cái 3% tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ cảm thấy là không công bằng.
Thành ra bên cạnh cái điểm mang tính tiêu cực thì nó lại cũng là điểm tích cực, là các ngân hàng đầu tàu đó có thể kéo được cái mặt bằng lãi suất xuống và đến cuối cùng nó tạo điều thuận lợi cho tất cả các doanh nghiệp và tất cả người dân đi vay nếu mặt bang lãi suất được hạ.
Đối với kinh tế gia trưởng tập đoàn tài chính BIDV, đây cũng là một trong những cách thúc đẩy, đồng thời tạo thêm điều kiện để các tổ chức tín dụng tham gia vào việc hỗ trợ tái cơ cấu các đơn vị yếu kém khác.
Chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành thì cho rằng làm sao quản lý được việc cho vay tín dụng mà không tạo ra quá nhiều nợ khó đòi hoặc nợ xấu mới là quan trọng, còn dự trữ bắt buộc 5% hay 10% vân vân…thì chỉ ảnh hưởng tới mức nào đó, nghĩa là thêm một phần thanh khoản cho ngân hàng chứ thực sự không phải là điều quan trọng nhất. Theo ông thực tế còn rất nhiều việc mà Ngân Hàng Nhà Nước cần phải thực hiện và dự trữ bắt buộc chỉ là một trong những tiêu chí điều chỉnh hay sửa đổi.
Câu hỏi được nhiều người nêu ra ở đây là việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc này có tạo tiền đề cho những sai phạm lập lại hay không, có tạo điều kiện để các ngân hàng rộng tay cho vay một cách bừa bãi như trước kia hay không. Bên cạnh đó, một quan ngại khác liên quan đến những biện pháp điều chỉnh, cải tổ hoặc tái cơ cấu từ đó nẩy sinh quá nhiều tai tiếng với những khối nợ xấu và những đại án làm rung động ngành Ngân Hàng của Việt Nam 20 năm nay, rồi đến lúc này quyết định giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc liệu có kéo thêm những tiêu cực khác, chuyên gia tài chính và ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu trả lời :
Trong những năm vừa qua sau những vụ đại án của các ngân hàng trong vấn đề cho vay, tất cả những sai phạm đó là lời cảnh giác rất mạnh mẽ. Hàng trăm cán bộ ngân hàng từ lãnh đạo cho đến cấp dưới bị đưa ra tòa, có người bị tử hình, có người chung thân, người 30 năm, người 20 năm, 10 năm, 5 năm, 1 năm, 6 tháng có, 3 tháng có và tù treo có. Đây là một kinh nghiệm nhãn tiền, nhất là các ngân hàng gọi là sân sau của các đại gia. Tôi nghĩ việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để cho các ngân hàng có nhiều tiền cho vay hơn nó không đồng nghĩa với chuyện họ sẽ mạnh tay cho vay một cách bừa bãi và phạm luật như trước.
Lấy lại niềm tin sau những sự cố làm rung động ngành Ngân Hàng, cải tổ toàn diện, thể hiện sự minh bạch, chỉnh đốn lại hàng ngũ lãnh đạo ngành Ngân Hàng, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh, là những việc làm cấp bách.
Chuyên gia tài chính và ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu còn cho biết ngoài Thông Tư giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sắp được áp dụng, năm nay sẽ có thêm Thông Tư 13 nhắm đến việc chấn chỉnh nội bộ ngành Ngân Hàng để tăng cường khả năng quản trị rủi ro, các Ngân Hàng Thương Mại sẽ được kiểm soát một cách chặt chẽ và chuyên nghiệp hơn.
Thanh Trúc
Vòi vĩnh để được "Nhà nước vẫn nuôi anh em chúng ta" mà cũng "Sông núi trên vai" ư ?
Những ngày giữa tháng giêng Kỉ Hợi vòm trời bâng khuâng, tiết trời se se lạnh gợi cảm, tôi vào FB tìm sự đồng cảm, sự phát hiện của những facebooker về cái đẹp của đất trời mùa xuân nhưng đã bị hụt hẫng khi phải gặp khá nhiều hình ảnh về hội thơ giữa tháng giêng của mấy nhà thơ quốc doanh. Có xã viên thơ hí hửng khoe cả giấy mời dự hội thơ như vị chủ nhiệm hợp tác xã văn chương của họ hí hửng khoe : Nhà nước vẫn nuôi anh em chúng ta.
Phát biểu của ông Hữu Thỉnh - Ảnh minh họa
1. Nhiều xã viên thơ đưa hình ảnh đứng hiên ngang vung tay, ưỡn ngực diễn thơ trên sân khấu lòe loẹt, chói chang sắc màu, chật chội, xô bồ chữ viết, tối tăm, kệch cỡm chữ ta chữ tây. Và hàng chữ bự nhất, hợm hĩnh nhất nhưng cũng nhỏ bé, chật chội, kệch cỡm nhất là tên chủ đề hội thơ : "Sông núi trên vai"
Sông núi luôn là khái niệm, luôn đồng nghĩa với đất nước, với tổ quốc, với quốc gia. Sông núi trên vai là trách nhiệm của công dân với đất nước. Sông núi trên vai là hình tượng lẫm liệt, là vóc dáng sừng sững, là vẻ đẹp vĩnh hằng của người lính cầm súng bảo vệ đất nước. Sông núi trên vai đâu phải là sứ mệnh, đâu phải là hình tượng tiêu biểu của nhà thơ.
Sông núi trên vai là hình tượng lẫm liệt, là vóc dáng sừng sững, là vẻ đẹp vĩnh hằng của người lính cầm súng bảo vệ đất nước.
2. Không chỉ có trách nhiệm với đất nước, nhà thơ đích thực nói tiếng nói của thân phận cá thể con người nhưng những cá thể đó đều mang bóng dáng, mang tầm vóc của cả loài người. Văn chương gọi dậy, đánh thức phần Người, phần lương tri trong mỗi con người. Văn chương là hồn vía của con người, là tiếng nói của thân phận con người trong xã hội ở tầm nhân loại.
Không chỉ diễn tả công việc của cô gái tát nước đêm trăng, câu ca dao :
"Cô kia tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi"
là sự phát hiện bất ngờ về giá trị của lao động sáng tao. Lao động sáng tạo tát nước cấy cày làm ra hạt lúa của một cô gái quê đã làm đẹp cả thiên nhiên, làm lung linh cả đất trời, làm lộng lẫy cả vũ trụ.
Tiểu thuyết Tắt Đèn của nhà văn Ngô Tất Tố không phải chỉ kể về cuộc sống cùng cực bế tắc của người đàn bà nông dân Việt Nam thời phong kiến thối nát, quan lại nhiễu nhương. Chị Dậu là thân phận người đàn bà nông dân trong đêm dài phong kiến trung cổ của cả một giai đoạn lịch sử loài người.
Tiểu thuyết Eugénie Grandet của nhà văn Honoré de Balzac không phải chỉ là câu chuyện của nước Pháp ở thế kỉ 19, Eugénie Grandet là thân phận con người ở nước Pháp, ở nước Anh, ở Trung Quốc, ở Việt Nam, ở mọi nơi trên trái đất thời con người bắt đầu bước vào xã hội công nghiệp đòi hỏi tích lũy tư bản. Con người khao khát kiếm tiền đến mức tham lam, keo kiệt, nhẫn tâm, mất tính người, trở thành nô lệ của đồng tiền. Người nghèo làm thuê phải sống khốn cùng đã đành mà ông chủ giầu có, kiếm được rất nhiều tiền cũng trở thành khốn cùng về nhân cách.
Thơ là hồn nhân văn, là nỗi khát khao cái đẹp của con người nhân loại.
3. Xu thế công nghiệp hóa, đô thị hóa là xu thế tất yếu của mọi đất nước, mọi xứ sở. Đô thị hóa sẽ làm phai nhạt, làm mất đi hồn dân dã từ ngàn đời của mọi miền quê :
"Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều".
Cảm hứng luyến tiếc, níu kéo hồn dân dã của nhà thơ Nguyễn Bính trong bài thơ Chân Quê :
"Nói ra sợ mất lòng em
Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa".
cũng là cảm hứng của mọi con người ở mọi miền quê đang đô thị hóa.
Thơ là hồn nhân văn, là nỗi khát khao cái đẹp của con người nhân loại. Nhà thơ đích thực không thể bị giới hạn bởi không gian địa lí, càng không thể bị giới hạn bởi thời gian sự vụ.
4. Sông núi trên vai mà cả hợp tác xã văn chương với hàng ngàn xã viên chế tạo thơ và sản xuất văn nhưng không cất được một lời về nỗi đau của giống nòi Việt Nam khi nhà nước cộng sản Việt Nam kí hiệp định biên giới cắt hàng ngàn kilomet đất biên cương của cha ông dâng cho giặc Tàu.
Sông núi trên vai mà cả một tổ chức văn chương quốc doanh mỗi năm tiêu tốn hàng chục tỉ tiền thuế của dân cho trợ cấp sáng tác, cho giải thưởng văn chương nhưng không có được một chữ viết về máu của người dân Việt Nam đánh cá trên biển của cha ông người Việt bị giặc Tàu cướp biển giết hại. Không viết được một chữ về đất nước đang bị giặc Tàu thôn tính và giống nòi đang trở thành nô lệ của giặc Tàu xâm lược.
5. Dù "Sông Núi Trên Vai" đã làm chật chội, hạn hẹp không gian của nhà thơ, đã thô thiển cơ bắp hóa nhà thơ nhưng với những "nhà thơ" của hội văn chương không tồn tại bằng tài năng, không tồn tại bằng tác phẩm văn chương mà chỉ tồn tại ở cái danh hão, tồn tại nhờ sự nuôi nấng chăm bẵm bằng đồng tiền thuế của dân, phải ngửa tay xin tiền nuôi nấng của quyền lực chính trị và khi nhận được đồng tiền tủi nhục đó thì sung sướng reo lên : Nhà nước vẫn nuôi anh em chúng ta ! "Nhà thơ" phải làm công cụ của chính trị, phải tự nguyện làm đội quân canh giữ mặt trận văn hóa cho một quyền lực chính trị nhất thời. Những "nhà thơ" đó có đủ tư cách, có đủ dũng khí để "sông núi trên vai", để gánh vác trách nhiệm với non sông đất nước không ? Và nhân dân có dám tin cậy trông chờ ở những "nhà thơ" tài năng và nhân cách như vậy gánh vác sông núi trên vai không ?
Phạm Đình Trọng
(20/02/2019)
Ông Nguyễn Phú Trọng : ‘Kiều hối gửi về nước gần 16 tỷ đôla’ (VOA, 28/01/2019)
Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng hôm 26/01 tiết lộ rằng người gốc Việt sinh sống tại các nước trên thế giới gửi về Việt Nam "gần 16 tỷ đôla" năm 2018.
Một nhân viên ngân hàng đếm các đồng đôla Mỹ ở Hà Nội.
Ông Trọng nói trong một bài phát biểu tại sự kiện có tên "Xuân quê hương 2019" ở Hà Nội rằng con số đó "tăng gấp hơn 100 lần so với năm 1993".
"Đáng chú ý là, đầu tư từ nguồn kiều hối trong những năm gần đây với khoảng 3.000 dự án tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao mức sống của nhân dân, trước hết là những gia đình được nhận", ông nói, theo Cổng thông tin của chính phủ Việt Nam.
Nguyên thủ Việt Nam còn được VGP News dẫn lời nói rằng "những đóng góp đáng trân trọng và đầy tự hào của bà con kiều bào ta đối với quê hương, đất nước xuất phát từ chính lòng yêu nước nồng nàn của mỗi người con đất Việt, là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam".
Hiện chưa rõ nguồn gốc con số thống kê gần 16 tỷ đôla mà ông Trọng đề cập trong bài phát biểu trước nhiều người gốc Việt về nước dịp Tết Nguyên đán.
Cũng xuất hiện ý kiến cho rằng "có không ít" người Việt gửi tiền về nước qua "dịch vụ chui lủi" nên con số thực có thể còn cao hơn.
******************
Kiều hối về Việt Nam trong năm 2018 đạt gần 19 tỷ đô la (RFA, 26/01/2019)
Trong năm 2018, người Việt ở nước ngoài chuyển về nước số tiền lên đến 18,9 tỷ đô la, theo số liệu thống kê được Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đưa ra trong buổi gặp mặt hơn 800 kiều bào về quê ăn Tết Kỷ Hợi 2019. Báo Tuổi Trẻ online loan tin này hôm 24/01/2019.
Nhân viên một ngân hàng thương mại đếm đô la tại một chi nhánh ngân hàng ở Hà Nội hôm 26/11/2009 - AFP - Ảnh minh họa
Theo người đại diện Thành phố Hồ Chí Minh, trong số gần 19 tỷ đô la kiều hối, có đến hơn 5 tỷ đô la được chuyển về thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Thành Phong đánh giá cao sự đóng góp, cống hiến của cộng đồng người Việt ở nước ngoài đối với sự phát triển của thành phố.
Theo Tuổi Trẻ, tại thành phố Hồ Chí Minh trong những năm qua, đã có hơn 400 trí thức, chuyên gia kiều bào về nước làm ăn dài hạn. Số lượng người Việt ở nước ngoài cư trú tại Việt Nam năm sau luôn cao hơn năm trước. Trong năm 2018 có hơn 42.000 lượt kiều bào nhập cảnh qua sân bay Tân Sơn Nhất.
Giới chức thành phố cho biết đã có gần 3.000 công ty của Việt kiều được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh với số vốn điều lệ trên 45.000 tỷ đồng,
Ông Nguyễn Thành Phong kêu gọi kiều bào góp sức với đảng và chính quyền thành phố nhiều hơn nữa để hoàn thành mục tiêu kinh tế xã hội năm 2019.
Việt Nam có một số lượng đông đảo người định cư ở nước ngoài, chủ yếu là từ sau cuộc chiến Việt Nam năm 1975 khi hàng triệu người phải bỏ nước ra đi để tìm kiếm cuộc sống tốt hơn.
Năm 2004, Bộ Chính trị Việt Nam ban hành nghị quyết 36 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài nhằm huy động tiềm lực kinh tế và trí thức từ cộng đồng người Việt ở nước ngoài, mà Việt Nam gọi là khúc ruột ngàn dặm.
Theo số liệu của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), từ năm 1990 đến 2015, đã có khoảng hơn 2,5 triệu người Việt Nam di cư từ Việt Nam ra nước ngoài. Trung bình mỗi năm có khoảng gần 100 ngàn người Việt di cư ra nước ngoài. Đích đến của người Việt chủ yếu là các nước phát triển ở Châu Âu, Mỹ và Úc.
************************
Hơn 700 người vẫn xin vào Hội Nhà Văn dù hội trưởng than nghèo (Người Việt, 27/01/2019)
Trong khi ông hội trưởng than nghèo, phải mượn xe để chạy và sợ nhà nước không tiếp tục nuôi cơm, vẫn có 702 ông bà xin vào Hội Nhà Văn trong năm 2018.
Đủ kiểu sách lậu được bày bán trên vỉa hè thành phố Sài Gòn. (Hình : SGGP)
Tờ Tuổi Trẻ hôm cuối tuần trước thuật lại buổi "trao giải thưởng văn học năm 2018 và kết nạp hội viên mới" của Hội Nhà Văn cộng sản Việt Nam kể rằng, "tổng số đơn xin gia nhập Hội Nhà Văn Việt Nam là 702 đơn. Các hội đồng đưa lên 75 người để Ban Chấp Hành Hội Nhà Văn Việt Nam xem xét, kết nạp gồm cả giới thiệu mới, bảo lưu cũ".
Theo bản thông báo ngày 10 tháng Giêng, 2019, hội nói trên đã "chọn được" 35 tác giả để kết nạp mới gồm : thơ 16 người, văn xuôi 15 người, lý luận phê bình 2 người, văn học dịch 2 người". Năm trước đó, trong số 75 người được "xem xét", chỉ có 29 người được cho "xếp hàng" vào danh sách hội viên kể từ nay, theo bản thông báo đề ngày 25 tháng Giêng, 2018 của Hội Nhà Văn cộng sản Việt Nam đăng tải trên tờ Văn Nghệ.
Lời loan báo đầu năm 2019 kết nạp thêm hội viên mới vào lúc hội nói trên cho hay hai năm qua, "không thể tìm được tác phẩm ở cả 2 thể loại văn xuôi và thơ để trao giải thưởng" dù "đa dạng về bút pháp, phong phú về nội dung, nhưng để thuyết phục, giành được đa số phiếu của hội đồng giải thưởng thì chỉ có ba tác phẩm gồm hai tác phẩm văn học dịch và một tác phẩm lý luận phê bình".
Trong cái Hội nghị toàn thể lần thứ X được tổ chức tại Hà Nội, trong các ngày 7, 8 và 10 tháng Giêng, 2019, ông Hữu Thỉnh, hội trưởng muôn năm của Ban chấp hành Hội Nhà Văn cộng sản Việt Nam khoe rằng ông "vui mừng thông báo là nguồn kinh phí hỗ trợ này chưa bị cắt". Tức là nhà nước vẫn "bao cấp" cho cái hội của ông 85 tỷ đồng (khoảng gần 3,7 triệu USD).
Nhà nước cộng sản Việt Nam dành ra khoảng 400 tỷ đồng (khoảng hơn 17 triệu USD) cấp cho mỗi nhiệm kỳ 5 năm hoạt động của Hội Nhà Văn nhưng năm ngoái, ông thủ tướng khi "làm việc" với Hội Nhà Văn đã hối thúc các ông văn nghệ sĩ tìm cách "xã hội hóa" nguồn tài chính hoạt động thay vì vẫn sống bám vào ngân sách nhà nước.
Trước sự đe dọa bị cắt phầm nuôi cơm, ông Trần Khánh Chương, chủ tịch Hội Mỹ Thuật Việt Nam, một thành viên của Liên Hiệp Các Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam, thành thật kêu ca rằng "Nếu nhà nước không cấp kinh phí nữa thì nghệ sĩ sẽ chạy theo thị trường, không còn ai sáng tác đề tài phục vụ chính trị" về số tiền nhỏ nhoi được nhà nước cấp cho hàng năm.
Lâu nay, nó không phải là ngân sách cố định được "rót xuống" mà hàng năm các ông phải làm dự án, kê khai nhu cầu mới được cứu xét và cấp phát. Bởi vậy, nó có thể trồi sụt nhiều ít và cũng có thể bị cắt luôn. Thêm nữa, Bộ Nội Vụ cộng sản Việt Nam lại còn có "đề án cải tiến phương thức hoạt động của các hội văn nghệ", trong đó quy định hội phải "tự quyết, tự chịu trách nhiệm, tự trang trải kinh phí" khiến các ông cầu đầu thấy bất an.
Ông Chương cho hay, Hội Mỹ Thuật Việt Nam "hiện có khoảng 50 biên chế, trong đó 30 người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, còn lại phải tự xoay sở". Trong khi "hội viên chỉ phải đóng hội phí 120.000 đồng mỗi năm, nhưng không thu được bao nhiêu vì có nhiều người không nộp. Vậy nên, ông phải tự tìm nguồn kinh phí trang trải tiền phúng viếng, thăm hỏi, tặng hoa… mỗi năm hơn 100 triệu đồng".
Cùng một giọng kêu khó kêu khổ như ông Trần Khánh Chương, ông hội trưởng Hữu Thỉnh kêu "không có biên chế, không trụ sở, không được hỗ trợ. Tình hình gay go vô cùng". Theo ông Thỉnh cho biết Liên Hiệp Hội có 40.000 hội viên, là những "chiến sĩ giữ yên mặt trận văn hoá tinh thần của đất nước". "Nếu nhà nước cắt kinh phí hỗ trợ thì sẽ mất nhiều hơn được. Bởi nghệ sĩ phải tự lo kiếm sống, xin tài trợ khắp nơi thì không thể giữ vững trận địa tư tưởng văn hoá và có tác phẩm đỉnh cao".
Ồng còn kêu rằng ông không được cấp xe hơi mà phải đi mượn một cái xe rách để chạy dù ông được ăn lương "ngang với trưởng ban của đảng".
Cũng giống như tất cả các hội đoàn khác đặt chung trong cái dù "Mặt trận tổ quốc", Hội Nhà Văn cộng sản Việt Nam đều do các đảng viên cốt lõi của đảng, hoạt động theo nhu cầu phục vụ chính trị của đảng. Chỉ có những người cầm đầu các hội và một ít thành viên được ở trong "biên chế" tức được nuôi cơm, không phải tất cả.
Có vẻ không được vào hội, không được nâng đỡ để xuất bản tác phẩm và không có cái danh tại Việt Nam.
Tư Ngộ
Văn nghệ sĩ đích thực là tâm hồn, là khí phách của Nhân Dân, nói tiếng nói trung thực của Nhân Dân, của cuộc sống, của thời đại để thức tỉnh lương tri và bồi đắp đạo đức xã hội, làm giầu có đời sống văn hóa, làm mạnh mẽ sức sống tinh thần của một cộng đồng, một dân tộc. Như ánh sáng, như khí trời, Nhân Dân là vĩnh hằng. Văn nghệ sĩ làm ra giá trị văn hóa đích thực của Nhân Dân thì giá trị văn hóa đó cũng là vĩnh hằng. Thế lực chính trị dù đang cầm quyền mạnh đến đâu, tàn bạo đến đâu cũng chỉ nhất thời.
Văn nghệ sĩ đích thực không khi nào là công cụ của thế lực chính trị, không khi nào là công cụ của cái nhất thời. Vậy mà trong cuộc gặp văn nghệ sĩ đầu năm 2019, bà chủ tịch quốc hội của nhà nước cộng sản Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân đòi hỏi những văn nghệ sĩ của nhà nước cộng sản phải có vai trò quan trọng hàng đầu trong việc chuyển tải các chủ trương, chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước đến Nhân Dân. Đòi hỏi nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của văn nghệ sĩ phải là công cụ của nhà nước cộng sản chỉ tồn tại nhất thời, dù nhà nước đó đã tồn tại gần thế kỉ cũng chỉ là một khoảnh khắc lịch sử.
Văn nghệ sĩ phải vui sướng chuyển tải thứ pháp luật cướp quyền Dân, không cần có lá phiếu bầu chọn của người Dân, đảng cộng sản bất tài, tham nhũng và đã vay quá nhiều nợ máu của Dân, đã để lại quá nhiều tội ác trong lịch sử, vẫn nghiễm nhiên là "lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội" (Điều 4 Hiến pháp 2013).
Văn nghệ sĩ phải tụng niệm chuyển tải thứ luật pháp rừng rú cướp tài sản quí giá nhất của Dân, cướp đất đai hương hỏa của Dân "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý" (Điều 4 luật đất đai năm 2013).
Con người khác muôn loài, vượt lên làm chủ muôn loài, làm chủ tự nhiên ở chỗ con người có tư duy, có tư tưởng. Từ thế kỉ 17, nhà khoa học người Pháp Blaise Pascal đã định nghĩa rất xác đáng, rất chí lí về con người : Con người chỉ là cây sậy, thực thể yếu đuối nhất trong tự nhiên, nhưng là cây sậy có tư duy. Văn nghệ sĩ công cụ của nhà nước cộng sản không cần tư duy, không cần có tư tưởng chỉ cần xăng xái chuyển tải tư tưởng của đảng cộng sản cầm quyền, do đó phải xăng xái chuyển tải luật an ninh mạng, thứ luật pháp xiềng xích tư tưởng của mọi cá thể trong xã hội, tước đoạt quyền tư duy, quyền riêng tư của người Dân.
Văn nghệ sĩ phải chuyển tải thứ chủ trương chính sách của nhà nước cộng sản coi kẻ thù truyền kiếp của lịch sử Việt Nam, coi kẻ cướp đất đai biên cương, cướp biển đảo của tổ tiên người Việt, hàng ngày bắn giết Dân Việt Nam đánh cá trên biển Việt Nam là bạn vàng bốn tốt của nhà nước cộng sản Việt Nam cũng là chủ nô định mệnh của Dân Việt Nam nô lệ. Nhà nước chư hầu đương nhiên phải mau lẹ làm luật đặc khu, dâng những vùng đất đắc địa nhất, hiểm yếu nhất làm đất tô giới, đất sang nhượng 70 năm, 99 năm để bạn vàng chủ nô đưa lính sang ém, đưa quân sang chiếm đóng vĩnh viễn, di dân thiên triều sang đất phiên thuộc, đưa đàn ông sang cấy giống Đại Hán, thay máu dân Việt như Đại Hán đang thay máu dân Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, thay máu dân Tạng của xứ sở Tây Tạng trên sườn Hymalaya, đưa văn minh Trung Nguyên của những hảo hán cưỡi ngựa múa gươm sang giết chết nền văn minh lúa nước. Văn nghệ sĩ công cụ phải tung hô luật đặc khu như tung hô thiên triều Đại Hán.
Văn nghệ sĩ công cụ phải lấy nhục làm vinh, coi là bình thường khi nhà nước cộng sản dành những dự án kinh tế lớn nhất, then chốt nhất cuả nền kinh tế đất nước để bạn vàng xuất khẩu lao động cơ bắp và tống tháo công nghệ lỗi thời đã trở thành phế thải bán sắt vụn sang lắp ráp cho nền công nghiệp Việt Nam với giá công nghệ hiện đại, biến Việt Nam thành bãi rác công nghệ, biến những ngành công nghiệp nặng, quan trọng nhất, công nghiệp năng lượng, công nghiệp sắt thép thành gánh nặng của nền kinh tế Việt Nam, càng sản xuất càng hủy hoại môi trường, càng sản xuất càng thua lỗ và biến nền kinh tế Việt Nam mãi mãi là nền kinh tế chư hầu, kinh tế phụ thuộc.
Văn nghệ sĩ công cụ phải coi việc nhà nước cộng sản phá nhà cướp đất của dân ở Văn Giang, Hưng Yên, ở Dương Nội. Hà Nội, ở Thủ Thiêm, ở Lộc Hưng, Sài Gòn là chủ trương chính sách sáng ngời nhân đạo cộng sản. Cho đám quan tham phá nhà cướp đất của dân, nhà nước cộng sản ra ơn mưa móc ban phát lòng nhân đạo cao cả, mở lượng hải hà cho đám quan tham cộng sản làm giầu bằng cướp đất của Dân, tạo ra một tầng lớp tư bản đỏ, một giai cấp thống trị mới, gắn lợi ích của đám quan tham, của giai cấp thống trị mới với sự tồn tại của nhà nước cộng sản.
Nhìn cảnh ông chủ tịch liên hiệp các hội văn học nghệ thuật và những người được coi là văn nghệ sĩ tiêu biểu của thời đại Hồ Chí Minh mừng rỡ hân hoan trong cuộc gặp gỡ và nghiêm cẩn, thành kính chăm chú lắng nghe sự răn dạy, sự đòi hỏi của bà chủ tịch Quốc hội tôi lại nhớ chỉ mấy hôm trước trong lễ tổng kết năm hoạt động 2018 của liên hiệp các hội văn học nghệ thuật, ông chủ tịch liên hiệp cũng mừng rỡ hân hoan như vậy khi loan báo các hội của ông vẫn tiếp tục được nhà nước tài trợ mỗi năm 85 tỉ đồng. Ông chủ tịch liên hiệp nghiêm giọng giải thích "Nhà nước vẫn nuôi anh em chúng ta" vì "Bỏ bao cấp cho các hội văn học nghệ thuật là nhà nước mất đi đội quân bốn vạn chiến sĩ canh giữ mặt trận văn hóa tư tưởng của đất nước".
Nhắc đến đội quân bốn vạn văn nghệ sĩ canh giữ mặt trận văn hóa tư tửng của nhà nước cộng sản tôi lại nhớ đến những an ninh mật vụ bủa vây vòng trong, vòng ngoài trước nhà tôi trong những ngày lịch sử đau thương. Ngày 19 tháng một, ngày Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam giết chết 74 người lính Việt Nam trấn giữ quần đảo. Ngày 17 tháng hai, Trung Quốc tung hơn nửa triệu quan tràn qua toàn tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc giết hại hàng vạn người dân Việt Nam. Ngày 14 tháng ba, Trung Quốc đánh chiếm bãi đá Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa của lãnh thổ Việt Nam, giết chết 64 người lính Việt Nam giữ Gạc Ma. Những ngày đó an ninh mật vụ nhà nước cộng sản bủa vây ngăn chặn không cho tôi ra khỏi nhà đi dự lễ tưởng niệm những anh hùng hiệt sĩ đã bỏ mình trong cuộc chiến đấu chống Trung Quốc xâm lược giữ đất biên cương, giữ Hoàng Sa, Gạc Ma.
Để nuôi đội quân bốn vạn công cụ tước đoạt quyền tự do sáng tạo nghệ thuật, tước đoạt quyền tự do tư tưởng của người Dân, mỗi năm nhà nước cộng sản phải chi 85 tỉ đồng tiền thuế của Dân. Để nuôi đội quân công cụ bạo lực hàng triệu an ninh mật vụ tước đoạt quyền con người, quyền công dân, quyền yêu nước của người Dân, mỗi năm nhà nước cộng sản phải chi mấy chục, mấy trăm ngàn tỉ tiền thuế của Dân ?
Phạm Đình Trọng
(24/01/2019)
Đó là câu nói mừng rỡ của nhà văn Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trong buổi lễ tổng kết của tổ chức này vào sáng ngày 9 tháng 1 tại Hà Nội.
Ông Hữu Thỉnh nói bỏ bao cấp cho các hội văn học nghệ thuật là Nhà nước mất đi đội quân 4 vạn chiến sĩ canh giữ mặt trận văn hóa tư tưởng của đất nước – Ảnh : THIÊN ĐIỂU
Báo chí đăng lại không sót một câu phát biểu nào của ông Hữu Thỉnh, người được tiếng là giữ ghế bất cứ giá nào, những câu nói "trải lòng" của Hữu Thỉnh cho thấy sự thật về văn nghệ sĩ trong luồng của Việt Nam hiện nay.
Họ là 40 ngàn người hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật có tham gia vào Liên hiệp. Năm nay nhà nước cấp 81 tỷ cho Liên hiệp các hội văn hóa nghệ thuật Việt Nam hoạt động sau khi cân nhắc có nên tiếp tục cấp dưỡng cho những đứa con này hay để cho dự án xã hội hóa quyết định số phận của nó. Ông Hữu Thỉnh phấn khởi cho báo chí biết cuối cùng thì nhà nước vẫn chọn giải pháp tiếp tục hỗ trợ, và ông nhảy cẩng lên "Nhà nước vẫn nuôi anh em chúng ta".
Không phải ai trong số 40 ngàn người hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật cũng đều nhận được "lương tháng" trích trong 81 tỷ tiền hỗ trợ mà phần lớn do chính ông Hữu Thỉnh và ban bệ dưới quyền của ông ta tự ý chi tiêu cho cái cơ ngơi mà ông quyết tâm gìn giữ từ hơn hai mươi năm qua từ khi ngồi vào chức Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đến nay.
Theo ông Hữu Thỉnh nếu nhà nước chấm dứt không cấp kinh phí thì không khác gì "Đẩy 4 vạn văn nghệ sĩ cả nước đi chạy quảng cáo, xin tài trợ kiếm sống thì thời giờ đâu để trở thành chiến sĩ giữ vững trận địa văn hóa tư tưởng của đất nước".
Còn theo ông Trần Khánh Chương, chủ tịch hội Mỹ Thuật Việt Nam nói với VnExpress ngày 12/01/2019 rằng
"Nếu nhà nước không cấp kinh phí nữa thì không còn ai sáng tác đề tài phục vụ chính trị".
Quả thật đó là những câu nói vạch trần sự thật mà chính nhà nước cũng không buồn che giấu.
Tranh hí hoạ của Babui Mamburao 9/2017 nhân sự kiện Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam Hữu Thỉnh mời nhà văn Phan Nhật Nam, tác giả Mùa Hè Đỏ Lửa về tham dự cuộc họp mặt ở Hà Nội và một số địa phương miền Bắc từ ngày 20 đến 25 tháng 10 năm 2017 [nguồn : Đàn Chim Việt]
Đây cũng chính là bí quyết xin tiền của ông Hữu Thỉnh khi biết "bắt nọn" nhà nước một cách tinh vi. Hơn ai hết ông Thỉnh biết sức mạnh của đội quân 40 ngàn người dưới tay ông ta, sáng tác tuy chỉ quẩn quanh những đề tài từ thời… Pháp thuộc hay đánh Mỹ cứu nước nhưng lại luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền vì những tác giả ấy biết giữ im lặng trước các bất công, hà khắc của chế độ mà lẽ ra văn nghệ sĩ là người cảm nhận sâu xa nhất. Những tác giả hiếm hoi viết lên sự thật từ lâu không hề nhận ân huệ nào của nhà nước và họ không hề cần sắm vai "chiến sĩ giữ vững trận địa văn hóa tư tưởng của đất nước" như ông Hữu Thỉnh đề cao.
Nhà nước cần sự im lặng của 40 ngàn con người và 81 tỷ bỏ ra mua chuộc sự im lặng ấy không phải là cái giá quá cao. Đối với nhà nước, giữ sự im lặng quan trọng hơn tất cả và họ không bao giờ muốn thấy 40 ngàn con người ấy nổi loạn, khi chiếc vòng kim cô "kinh phí" không còn tác dụng.
Văn nghệ sĩ sẽ trở mặt, sẽ phỉ báng và lên án nhà nước này vì có quá nhiều xấu xa nằm phơi trần giữa lòng xã hội. Khi không còn kinh phí để họ dựa vào cho một cuốn sách, một cuộc triển lãm hay một tập thơ "phải đạo" họ sẽ tìm đường khác để hoạt động trong lĩnh vực mà họ đang sống. Không lẽ họ tiếp tục "giữ vững trận địa văn hóa tư tưởng" như từ trước tới nay khi mục tiêu sáng tác của họ chỉ vì kinh phí được rót từ nhà nước ?
Họ sẽ ăn cơm nhà và viết về những gì đang xảy ra chung quanh, lúc ấy chắc chắn nhà nước sẽ không thể nào kiểm soát nỗi bầy ngựa chứng sút chuồng chỉ muốn cất tung vó bù lại những ngày sống giả tạo vì bị kểm kẹp.
Và sẽ không ai ngạc nhiên khi ông Hữu Thỉnh lại nhảy cẩng lên vui mừng đến thế. Thứ nhất ông tiếp tục được ngồi trên ngai vàng, thứ hai sẽ không có ai trở thành ngựa chứng và thứ ba ông tiếp tục giữ vững trận địa văn hóa tư tưởng mà mấy chục năm qua chính ông đã dẫn dắt bày ngựa 40 ngàn con không con nào lạc đường trên hoang mạc.
Đầu năm 2017, người đứng đầu Hội Nhà Văn của đảng cộng sản Việt Nam đánh tiếng mời gọi các nhà văn người Việt ở nước ngoài về nước mở hội hòa giải, hòa hợp dân tộc vào ngày giỗ Vua Hùng, ngày giỗ thiêng liêng của nước, mồng mười tháng ba lịch ta. Lời mời đó chủ yếu hướng tới những nhà văn đứng ở bên kia trận tuyến trong cuộc chiến tranh Nam – Bắc đẫm máu vừa qua. Lời mời vu vơ rơi tõm vào im lặng.
Nhà văn hải ngoại Phan Nhật Nam từ chối lời mời của ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam về tham dự Cuộc gặp mặt giữa Hội nhà văn Việt Nam với các nhà văn Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài.
Không nản chí, người đứng đầu Hội Nhà Văn của đảng liền tính lại cách làm cụ thể, thiết thực hơn và chỉ hai tháng sau liền triển khai một chiêu mới : Chi tiền đưa một dư luận viên văn chương sang tận Mỹ tìm gặp bằng được nhà văn tay bút, tay súng trên mặt trận chống cộng. Gặp để mở đường làm quen. Như một cuộc hòa giải cá nhân. Như lễ chạm ngõ trong hôn nhân. Tạo cớ cho người đứng đầu Hội Nhà Văn của đảng viết thư mời đích danh nhà văn đó về nước tham dự "Cuộc gặp mặt của Hội Nhà văn Việt Nam với các nhà văn Việt Nam đang sống và làm việc tại nước ngoài… Với ý nghĩa cao cả, góp phần làm giàu các giá trị truyền thống của dân tộc, xứng đáng để chúng ta vượt qua mọi xa cách và trở ngại, cùng ngồi lại với nhau trong tình đồng nghiệp".
Cuộc gặp "làm giàu các giá trị truyền thống của dân tộc" chỉ là cách nói văn vẻ, hoa mĩ và sáo rỗng, cách nói né tránh, lừa mị, giấu ý đồ thực vốn là thuộc tính của những người cộng sản. Cuộc gặp của các nhà văn cộng sản và các nhà văn không chấp nhận cộng sản thực chất chỉ để tìm thêm một hướng thoát cho nhà nước cộng sản bị tham nhũng và dốt nát phá nát nền kinh tế, đang trống rỗng túi tiền, đang cạn kiệt nguồn thu và đang thân cô thế cô. Nhà nước của nhóm vua tập thể, của những lãnh chúa cộng sản đã trở thành nhà nước Chúa Chổm, nợ ngập đầu, nợ khắp thế giới. Làm ăn không hiệu quả, đồng vốn vay như ném vào thùng không đáy. Các chủ nợ đều cạch mặt, không ai cho vay nữa. Chỉ còn biết nghiêng ngó nhòm vào túi dân, trông chờ nguồn lực trong dân. Bỗng nhận ra nguồn lực to lớn trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài mà cộng đồng người Việt ở Mỹ là lớn nhất nhưng cũng là cộng đồng chống đối nhà nước cộng sản Việt Nam quyết liệt nhất. Muốn đến với nguồn lực to lớn của cộng đông người Việt xa nước thì phải giấu bộ mặt nhà nước cộng sản, phải mượn bộ mặt văn hóa, phải tìm sự bao dung, độ lượng, sự dung hòa, nhân văn của văn hóa. Và Hội Nhà Văn của đảng được lệnh tìm đến các nhà văn người Việt sống ở Mỹ.
Nhưng dù là cuộc gặp của các nhà văn của hai phía cũng là cuộc gặp của kẻ ở phía cái ác và người chống lại cái ác, nạn nhân của cái ác. Nếu gặp để làm lành, gặp để hòa giải và phục thiện thì dù là cuộc gặp của cái ác với nạn nhân của cái ác cũng đáng gặp và cần gặp.
Nhưng có phải gặp để làm lành, để hòa giải, để cái ác phục thiện ?
Đảng cộng sản cầm quyền đã gây quá nhiều tội ác với người dân của mình. Gây tội ác với những tế bào làm nên cơ thể đảng. Gây tội ác với những người dân nuôi dưỡng, che chở đảng từ khi còn trứng nước, những người dân làm nên sức mạnh của đảng, những người dân đã không tiếc của cải, công lao, trí tuệ và cả máu đưa đảng vượt qua mọi khó khăn, nguy nan, giúp đảng giữ được chính quyền, làm chủ giang sơn đất nước.
Những tội ác đảng cộng sản gây ra cho tất cả các tầng lớp nhân dân, từ những công thần cộng sản đến người nông dân, từ trí thức, văn nghệ sĩ đến nhà tư sản dân tộc. Những tội ác Cải cách ruộng đất, Xét lại, Nhân Văn Giai Phẩm, tiêu diệt, xóa sổ đội ngũ những nhà tư sản dân tộc và cướp đoạt, hủy hoại nền công nghiệp tư bản non trẻ và đầy tiềm năng là những món nợ lịch sử của đảng cộng sản cầm quyền với dân tộc Việt Nam. Nhưng đảng cộng sản cầm quyền vẫn đang vô cảm, thờ ơ lảng tránh món nợ lịch sử đó, như không hề có món nợ máu đó.
Chưa hòa giải được với người dân trong nước. Không đủ lòng dũng cảm nhìn nhận tội ác đã gây ra cho người dân, cho đất nước trong quá khứ. Không những không đủ lòng chân thành để tạ tội, để hòa giải với nhân dân về những tội ác đã gây ra mà nhà nước cộng sản Việt Nam vẫn đang gây hấn, vẫn đang gây thêm tội ác mới với người dân trong nước.
Coi lương tri và khí phách nhân dân là thế lực thù địch, nhà nước cộng sản Việt Nam vẫn đang dành quá nhiều tiền thuế mồ hôi nước mắt của dân, dồn vốn liếng còm cõi của nước để dựng lên và chăm bẵm một bộ máy công cụ khổng lồ, tối tân và dùng sức mạnh bạo lực khổng lồ đó chống lại nhân dân, tước đoạt tự do, dân chủ của người dân, tước đoạt giá trị làm người của người dân.
Nhà nước cộng sản Việt Nam vẫn đang tồn tại bằng cái ác, ứng xử với dân bằng cái ác. Một người mẹ đơn thân nuôi hai con nhỏ chỉ làm những việc hợp pháp của lương tri con người và trách nhiệm công dân như : Thét lên tiếng thét lên án Đại Hán cướp biển đảo Việt Nam. Thét lên tiếng thét đòi tống cổ Formosa giết chết biển Việt Nam. Tiếng thét của lòng dân đòi quyền sống cho con người và đòi sự sống cho đất nước Việt Nam. Làm hồ sơ thống kê hàng trăm cái chết oan khiên, chết tức tưởi của người dân lương thiện dưới bàn tay công an, công cụ bạo lực của đảng. Một việc làm bình thường, hợp pháp và cần thiết để cảnh tỉnh những cái ác đang âm thầm diễn ra hàng ngày, đang dồn dập diễn ra khắp nơi trên đất nước Việt Nam đau thương. Những việc làm chính đáng và hợp pháp của người mẹ đơn côi đó đã bị nhà nước cộng sản vu cho là tội và tuyên bản án 10 năm tù. Đó là cái ác man rợ của một nhà nước tồn tại bằng tiền thuế của dân nhưng đang lạnh lùng, mê muội và quyết liệt chống lại nhân dân, chống lại lẽ phải, chống lại đạo lí.
Cái ác man rợ đó đã liên tục diễn ra và đang tiếp diễn nối dài theo năm tháng với những bản án phi pháp, bất lương đối với Trần Huỳnh Duy Thức, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Cương, Bùi Thị Minh Hằng, Trần Thị Thúy Nga, Nguyễn Văn Oai… Những bản án man rợ nhằm giết chết lương tri và khí phách con người Việt Nam, biến người dân Việt Nam thành bầy cừu cam phận nô lệ, cam chịu sự chăn dắt của bạo lực cộng sản.
Với những nhà văn ở trong nước, những người đã mang cả năm tháng tuổi trẻ chiến đấu hi sinh trong đội ngũ những người cộng sản, làm lên chiến thắng cho những người cộng sản, nay tỏ thái độ không chấp nhận cộng sản bằng việc li khai khỏi Hội Nhà Văn của đảng cộng sản, lập Văn Đoàn Độc Lập để giành lại quyền độc lập tư duy và sáng tạo, để thực sự làm thiên chức nhà văn là thức tỉnh lương tri, đánh thức tính người, hướng con người tới cái đẹp và vun đắp đạo đức xã hội chứ không chịu cam phận làm công cụ cho quyền lực chính trị nữa. Lập tức bạo lực của nhà nước cộng sản, cái ác cộng sản liền xuất hiện, tước đoạt tự do, tước đoạt quyền con người của họ. Những lần Văn Đoàn Độc Lập làm lễ kỉ niệm ngày khai sinh và trao giải thưởng Văn Việt, nhiều thành viên Văn Đoàn Độc Lập bị an ninh nhà nước cộng sản bủa vây bịt bùng, không cho nhà văn ra khỏi nhà, không thể tham dự một sinh hoạt quan trọng của Văn Đoàn Độc Lập. Cuộc họp mặt của Văn Đoàn Độc Lập cũng bị an ninh nhà nước cộng sản phá bằng cách ép chủ phòng họp hủy hợp đồng, không cho Văn Đoàn Độc Lập thuê phòng họp.
Có được quyền lực và giữ được quyền lực bằng lừa dối và bạo lực. Cai trị bằng lừa dối và bạo lực. Ứng xử với dân bằng cái ác. Đảng cộng sản cầm quyền đã gây tội ác chồng chất với người dân. Không dám nhìn nhận những tội ác tày trời đó để hòa giải với nhân dân và vẫn đang dấn sâu vào những tội ác mới chống lại nhân dân. Đảng cộng sản cầm quyền chưa hòa giải được với người dân trong nước đang đóng thuế nuôi nấng đảng làm sao đảng cộng sản có thể hòa giải được với người dân phải bỏ nước ra đi chạy trốn cái ác cộng sản !
Sài Gòn, 21/09/2017
Phạm Đình Trọng
Tại buổi lễ trao giải thưởng văn học 2016 hôm 14 tháng giêng vừa qua, chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, ông Hữu Thỉnh đã đưa ra ý kiến mời các nhà văn, nhà thơ người Việt hải ngoại, kể cả đó là những người cầm bút phục vụ chế độ cũ (Việt Nam Cộng Hòa) về tham dự.
Nhà thơ Hữu Thỉnh trao giải thưởng xuất sắc cho các tác giả đạt giải. Photo courtesy of cinet.vn
Lời đề nghị được cho là chưa từng có này được những người cầm bút trong và ngoài nước đón nhận thế nào ?
Ý tưởng lạ nhưng không mới
Lời đề nghị của ông Chủ tịch Hội nhà văn được viện dẫn với lý do "giao lưu với tinh thần hòa hợp dân tộc văn học" và dự định thực hiện đúng vào dịp giỗ tổ Hùng Vương ngày 10 tháng 3 âm lịch sắp đến.
Hòa hợp hòa giải dân tộc thật ra không phải là lời kêu gọi mới lạ. Đây là một phần nằm trong Nghị Quyết 36-NQ-TW do Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao công bố vào 2004, với đường lối chính sách mệnh danh là ‘công tác đối với người Việt Nam ở ngoài đất nước".
Nghị quyết này được chính những nhân vật cao cấp của nhà nước đề cập đến nhiều lần trong 10 năm qua. Thế nhưng có vẻ như "hòa hợp dân tộc văn học" là một ý tưởng lần đầu tiên được nêu ra, và do chính ông Chủ tịch Hội nhà văn khai ngôn.
Tuy không được báo chí trong nước trích dẫn và tường thuật về lời kêu gọi này, nhưng giới cầm bút trong và ngoài nước đều được tin và có những ý kiến khác nhau.
Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên đưa ra nhận định rằng việc trở về trong nước, tham gia các hoạt động văn hóa xã hội, trong đó có ngày giỗ tổ Hùng Vương là một tín hiệu tốt.
"Các văn nhân người Việt dù sống trong nước hay ngoài nước thì họ vẫn là những người viết văn, nặng lòng với tiếng Việt. Qua tiếng Việt thì nặng lòng với quê hương đất tổ. Ngay cả bây giờ các nhà văn ở hải ngoại dù là ra đi thì họ đã sống nửa phần đời của mình trong nước, sau biến cố 75 họ mới ra đi. Rồi ngay cả những thế hệ thứ hai sinh ra ở hải ngoại viết văn bằng tiếng Việt, đều muốn tác phẩm của mình dù viết về vấn đề gì nữa thì cũng được xuất bản trong nước, được người Việt đọc".
Tuy nhiên, để đi đến sự hòa hợp đó thì ông có nhấn mạnh thêm "Về phía phát tín hiệu trong nước là thật tâm, thật tình. Và phía người Việt ngoài nước là con dân mang trong mình dòng máu Việt, thấy đó là thật tâm thật tình thì đáp ứng".
Nhà văn Nguyễn Đông Thức, người được biết đến với những tác phẩm tiểu thuyết mang tính xã hội hiện đại như Ngọc Trong Đá, Vĩnh biệt mùa hè, Ngôi sao cô đơn… nhận định về tính khả thi của lời kêu gọi này là 50 – 50.
Ông cho rằng 50% là quyền lực của bên mời gọi là 50% còn lại tuỳ thuộc và bên được mời có tham dự hay không. Ông cũng dự đoán rằng họ sẽ chọn những người ôn hoà, từng về nước nhiều lần.
"Nhưng thực chất tôi không tin bên nội địa thật lòng. Màu mè, hình thức thôi. Còn lâu mới có hòa hợp hòa giải trong văn học văn nghệ, lãnh vực thượng tầng, quyết định tư tưởng, mà chính quyền Việt Nam luôn đặt lên hàng đầu".
Đối với giới cầm bút người Việt hải ngoại, đặc biệt những người được ông Hữu Thỉnh nhấn mạnh là "những người cầm bút phục vụ chế độ cũ (Việt Nam Cộng Hòa)" thì nhà văn Nguyễn Đông Thức ghi nhận rằng "về phía hải ngoại, tôi cũng không nghĩ mọi sự dễ dàng chút nào !".
Thâm ý chính trị ?
Trong một buổi lễ kỷ niệm 20 năm Văn học miền Nam diễn ra ở Nam California cách đây ba năm, nhà thơ Du Tử Lê, người mà nhà văn Nguyễn Đông Thức "đoán" rằng có thể sẽ là một trong những cái tên đầu tiên được chính quyền Việt nam mời về tham dự hội nghị, đã nhận định rằng "những tác phẩm của người cầm bút giai đoạn 54-75 không bị bắt buộc hay nhận chỉ thị phải viết cái này cái kia. Những tác phẩm của họ mang tính nhân bản, toát lên cái tôi trần trụi".
Vậy thì ngày nay, nếu muốn mời gọi những nhà cầm bút của giai đoạn ấy trở về cùng "hòa hợp hòa giải văn học" liệu có thể dễ dàng thực hiện trong khoảng thời gian 1 hoặc 2 tháng hay không ?
Nhà văn Phạm Phú Minh, được biết với bút danh là Phạm Văn Đài, từ California khẳng định không thể thực hiện được trong thời gian này.
"Đây có vẻ như là thái độ thăm dò có tính chính trị. Vì làm sao họ kêu gọi được một số lớn các nhà văn hải ngoại về nước trong vòng 1,2 tháng ? Điều đó cần một thời gian rất dài".
Câu hỏi này cũng được nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, chính là người đã đưa ra vấn đề này trên trang Việt Nam thời báo đặt ra cùng với sự nghi vấn về "thâm ý chính trị".
"Đối với Hữu Thỉnh, trước mắt phải làm sao để Hội nhà văn tồn tại và có kinh phí tồn tại. bây giờ phải bày ra chuyện để làm. Thực chất nó là như vậy và nó nằm trong chủ trương chiêu dụ người Việt hải ngoại".
"Thứ hai nữa là họ muốn làm cũng không có khả năng, vì việc đi quan hệ tiếp xúc và thuyết phục giới nhà văn hải ngoại để về nước rồi nói cái gì là vô cùng khó đối với họ. Ở đây chỉ có vài văn đoàn độc lập mà họ còn không chịu tiếp cận, không chịu tiếp xúc không chịu chia sẻ thì làm sao tiếp cận giới nhà văn hải ngoại ?"
Hòa giải từ trong nước
Các tác giả đạt giải thưởng Văn học năm 2016. Photo courtesy of vov.vn
Theo dòng sự kiện văn nghệ trong nước những năm gần đây, có thể thấy rằng rất nhiều nghệ sĩ trong lĩnh vực âm nhạc quay trở về phục vụ cho người Việt trong nước sau mấy mươi năm rời quê hương. Sự trở về của những tiếng hát ấy phần nhiều được chào đón. Đơn giản vì sau hơn 40 năm, người Việt trong nước vẫn chưa thể quên những dòng nhạc và những tiếng hát đã gắn liền với một thời tuổi trẻ của họ.
Thế nhưng, nhà văn Nguyễn Đông Thức có đưa ra một nhận xét
"Cho tới giờ, tất cả những show diễn của Phạm Duy, Khánh Ly đều không được phép quảng cáo ở Thành phố Hồ Chí Minh, một cái bandrole cũng không có. Cuộn phim tài liệu về Phạm Duy về nước làm tám năm nay vẫn không được phép phát hành !"
Một câu chuyện được nhà văn Phạm Phú Minh đưa ra để dẫn chứng cho vấn đề có hay không việc hòa hợp dân tộc văn học.
"Ông Dương Nghiễm Mậu khi muốn tái bản một tác phẩm của mình đã phải yêu cầu muốn cắt phần nào thì cắt, chỉ xin đừng thay đổi lời văn của ông. Chỉ như thế thôi cũng không được, thì làm sao có thể hòa hợp hòa giải được ?".
Ông nhắc lại, "ngày đó còn xa lắm".
Ghi nhận lại từ ý kiến của những bằng hữu từ hải ngoại, nhà báo Phạm Chí Dũng nói rằng có một yêu cầu để hòa giải với người Việt hải ngoại
"Muốn làm gì thì làm phải hòa giải với giới bất đồng chính kiến trong nước trước cái đã. Bởi vì họ thấy giới bất đồng chính kiến trong nước còn bị đàn áp thì làm sao họ tin để trở về được ?"
Cũng theo nhà báo Phạm Chí Dũng, sau 13 đề ra Nghị quyết 36, vẫn còn rất nhiều trí thức hải ngoại nói chung vẫn chưa tìm được tiếng nói chung với chính quyền Việt Nam. Sức mạnh sáng tác của họ vẫn phải bó hẹp trong những qui chuẩn mang tính chính kiến.
Và ngược lại, đối với người cầm bút trong nước cũng không ngoại lệ.
Thiện chí
Tuy nhiên, nói về điều này, nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên cho rằng để thực hiện được cũng cần phải có thời gian. Và cũng phải có một nguyên tắc chung.
"Ngay cả những người Việt trong nước được tự do viết, tự do xuất bản thì rõ ràng là một bước khác nữa. Một bước thứ hai mà nếu thật tâm, thật tình, có thiện ý thì mới thực hiện được".
Đặc biệt, ông có niềm tin về một cuộc hòa hợp hòa giải khi tín hiệu đã được phát đi từ trong nước và kêu gọi người Việt phải rộng lòng với nhau và phải thực tâm với nhau.
"Các nhà văn luôn hơn các mọi ngành nghệ thuật khác, là hướng đến con người, nhân văn. Nên tôi nghĩ rằng đây là tín hiệu tốt, đòi hỏi sự đáp ứng tích cực của hai bên".
Bên cạnh đó, ông Phạm Xuân Nguyên tin rằng lời kêu gọi của Chủ tịch Hội nhà văn sẽ góp phần hòa hợp, mở rộng đường cho văn chương của người Việt hải ngoại xuất bản trong nước.
Cách đây khoảng một tháng trước lời kêu gọi "hòa hợp hòa giải văn học" của Chủ tịch Hội nhà văn Hữu Thỉnh, một tác phẩm lịch sử có giá trị là "Petrus Ký – Nỗi oan thế kỷ" của học giả Nguyễn Đình Đầu đã không thể ra mắt độc giả vì một lý do nào đó mà chính tác giả cũng không được biết.
Cát Linh, phóng viên RFA
Nguồn : RFA tiếng Việt, 07/02/2017
Có những dấu hiệu khá rõ cho thấy một chủ trương - chiến dịch "chiêu dụ người Việt hải ngoại" một lần nữa được đảng chỉ đạo thực hiện từ đầu năm 2017. Chỉ có điều khác với tư thế đủng đỉnh của Nghị quyết 36 "về công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài" ra đời 13 năm trước, lần này mọi chuyện có vẻ vội vã và có ý nghĩa sinh tử hơn nhiều…
Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh đột ngột thông báo sẽ ‘Mời tất cả các nhà văn hải ngoại, kể cả những người đã cầm bút phục vụ chế độ cũ, về dự ‘Hội nghị hòa hợp dân tộc’ dịp giỗ tổ Hùng Vương’.
Đột biến
Đột biến là chuyện ông Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh đột ngột thông báo sẽ "Mời tất cả các nhà văn hải ngoại, kể cả những người đã cầm bút phục vụ chế độ cũ, về dự ‘Hội nghị hòa hợp dân tộc’ dịp giỗ tổ Hùng Vương".
Ngày giỗ tổ Vua Hùng lại rất cận kề : 10/03/2017.
Làm thế nào để Hội Nhà văn Việt Nam của ông Hữu Thỉnh có thể hoàn thiện khâu tổ chức (kinh phí, liên lạc, mời, đón tiếp, hội nghị…) chỉ trong vòng 2 tháng kể từ ngày ra thông báo trên, trong khi những kế hoạch "kiều vận" trước đây của cơ quan chuyên trách là Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài thông thường phải mất ít nhất 6 tháng để chuẩn bị và phải thông qua nhiều cấp đảng, chính quyền và đặc biệt là hằng hà cơ quan an ninh thuộc Bộ Công an ?
Còn nhớ vào ngày 16/12/2016, tại Hội nghị văn học 2016 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ở Hà Nội, ông Hữu Thỉnh đã than vãn về việc kinh phí hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam bị ngân sách trung ương cắt giảm đến 50%, đồng thời bất ngờ nêu ra ý tưởng về tổ chức "hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học". Chỉ khoảng 3 tuần sau, dường như đề xuất này đã được cấp trên phê duyệt và "đưa nghị quyết vào đời sống" - một tốc độ phi mã đáng kinh ngạc so với thói quen "ngủ ngày" của đảng trước hiện tình khốn quẫn của dân tộc.
Một câu hỏi đương nhiên được đặt ra : ý tưởng trên là tác phẩm riêng của ông Hữu Thỉnh hay chính là một chủ trương và sách lược của "đảng ta" ?
Ý tưởng của ai ?
Nổi tiếng là một nhà thơ "ngoan", Hữu Thỉnh chưa bao giờ thể hiện tính cách tự sáng tạo vượt quá khuôn khổ và khuôn phép của đảng. Hội Nhà văn Việt Nam cũng bởi thế đã luôn bị xem là "cánh tay nối dài của đảng" trải qua nhiều nhiệm kỳ cơ cấu chủ tịch nghiễm nhiên cho ông Hữu Thỉnh.
Nhưng bây giờ, xem ra ông Hữu Thỉnh có cả chủ trương lẫn ngân sách nhà nước, thậm chí còn có thể được ai đó tự nguyện tài trợ để tổ chức "hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học".
Một video đã tường thuật nguyên văn phát biểu của ông Hữu Thỉnh về "hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học" : "Đây là một sự kiện chưa từng có, Tổng Bí thư có hỏi tôi rằng : Có phải đây là lần đầu tiên tổ chức hội nghị này không ? Tôi trả lời : Đây là lần đầu tiên chúng ta sẽ tổ chức vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 (âm lịch) 2017…".
Hữu Thỉnh đã có "ô". Cái ô chủ trương đó chính là Nguyễn Phú Trọng, cho dù chưa biết ông Trọng có phải là nhân vật chủ xướng về chủ trương này hay thuộc về một nhân vật khác hay một nhóm lãnh đạo khác.
Nhưng "sự kiện chưa từng có" là hoàn toàn đúng, vì hoạt động tổ chức hội nghị vừ kể là chưa từng có tiền lệ trong suốt chiều dài lịch sử của đảng.
Những thâm ý chính trị
Từ thời "Mở cửa" đến nay, đảng và công an đã chỉ chấp nhận rất hạn chế một ít văn sĩ và nghệ sĩ hải ngoại về nước, sau khi đã làm "đúng quy trình" về tất cả những gì có thể bảo đảm là những nghệ sĩ hải ngoại ấy sẽ không gây hại cho "an ninh quốc gia". Phạm Duy, Khánh Ly, Hương Lan… là một ít ví dụ.
Nhưng không hề có chuyện "mời tất cả nhà văn hải ngoại"…
Vì nếu là "mời tất cả", đảng sẽ phải mời cả các nhà văn thuộc dòng "chống cộng" của Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975 và những nhà văn hải ngoại đối kháng với chế độ Cộng sản sau năm 1975. Đây quả là một hành động chưa có tiền lệ và sẽ mang lại rủi ro không ít cho Hà Nội, nếu có những nhà văn "chống cộng" về nước và cất lên tiếng nói công khai ngay giữa lòng chế độ cầm quyền.
Dường như có một cái gì đó thật sự thúc bách đảng phải làm như vậy.
Kế hoạch tổ chức "hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học" của Hội Nhà văn Việt Nam cũng bởi thế mang ý nghĩa một chỉ dấu đặc biệt, thậm chí rất đặc biệt, không chỉ về công tác vận động "kiều bào ta" ở nước ngoài mà còn ẩn lồng những thâm ý chính trị.
Mọi việc hình như được khởi đầu từ mảng văn học và nhà văn, thông qua Hội Nhà văn Việt Nam và "chính khách - nhà thơ" Hữu Thỉnh.
Chưa kể một động tác thăm dò nho nhỏ khi chính quyền cho phép "Họp mặt cán binh và thân nhân Hoàng Sa, Gạc Ma" ngay tại Hội trường Thống Nhất (tên gọi cũ là Dinh Độc Lập) lại Sài Gòn vào đầu năm 2017, dù chẳng có quan chức nào đến dự.
Nếu kế hoạch này thành công dù chỉ ở một mức độ khiêm tốn, đảng sẽ được tiếng "mở rộng vòng tay khoan hồng" trong mắt cộng đồng người Việt hải ngoại. Tiếng vang dù nhỏ nhoi ấy sẽ có thể khiến một số "kiều bào ta" tiếp thêm "đạn" cho nền kinh tế và qua đó là chế độ trong nước bằng con đường kiều hối về Việt Nam.
Nếu vào đầu năm 2016, các cơ quan bộ ngành của Việt Nam vẫn còn hào hứng đặt ra kế hoạch thu hút kiều hối đến 12 tỷ USD cho năm tài khóa, thì đến cuối năm 2016, báo chí cho biết lượng kiều hối thực gửi về Việt Nam chỉ có 9 tỷ USD, tức đã giảm đến 25% so với năm 2015 - một sự sụt giảm mạnh nhất trong vòng 23 năm qua.
Với 3 tỷ USD bị sụt giảm từ lượng kiều hối, GDP danh nghĩa của Việt Nam sẽ bị giảm khoảng 1,5% trong năm 2016.
Nguồn cung kiều hối từ thị trường Mỹ lại chiếm khoảng 60% tổng kiều hối từ hơn 4 triệu người Việt Nam sinh sống và làm việc tại 187 quốc gia trên thế giới, khi kiều hối từ thị trường này giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tổng lượng kiều hối gửi về Việt Nam.
Vậy làm sao để khắc phục khó khăn và thu hút kiều hối mạnh trở lại để "làm giàu cho đất nước" ?
Và làm thế nào để đạt được một thâm ý sống còn hơn hết thảy : cộng đồng người Việt ở các quốc gia, đặc biệt ở Mỹ, sẽ "để yên" cho nhiều quan chức và thân nhân quan chức Việt Nam ung dung rửa tiền, mua sắm nhà cửa, kinh doanh và hưởng thụ cuộc sống ở xứ sở tượng trưng cho lối thoát, nếu tình hình trong nước "có biến" ?
‘Trước hết phải hòa giải với giới bất đồng trong nước’
Giới nhà văn hải ngoại, trong đó chủ yếu giới nhà văn "chống cộng", lại tập trung ở "thị trường Hoa Kỳ". Nếu các nhà văn này được "kiều vận" thành công, thị trường kiều hối Mỹ về Việt Nam sẽ có thể phục hồi phần nào.
Còn nếu kinh tế khốn quẫn hơn nữa mà có thể gây hại trực tiếp đến chân đứng của chế độ, không loại trừ khả năng đảng sẽ chỉ đạo "mở toang".
Tuy thế, không phải cứ muốn là có được, nhất là sau 13 năm triển khai Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài nhưng nhiều trí thức hải ngoại đã nhận ra rằng không hề có đất dụng võ ở Việt Nam, còn những nhà văn nào chỉ mới ho he khác biệt chính kiến với đảng là bị công an sách nhiễu và cấm nhập cảnh.
Một người ở Paris cho biết chỉ một tuần trước thông báo tổ chức "Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học" của Hội Nhà văn Việt Nam, một nhà văn Việt quốc tịch Pháp chẳng mấy liên quan đến chính trị đã bị Bộ Ngoại giao Việt Nam từ chối cấp visa nhập cảnh vào Việt Nam.
"Tôi tin là chẳng có văn sĩ hải ngoại nào chịu về Việt Nam cho dù có được Hội Nhà văn Việt Nam mời. Họ có tin đâu mà về ? Họ lại còn sợ bị bắt bỏ tù nữa chứ… Có về thì chỉ mấy tay nhà văn thân chính quyền mới về thôi" - một nhà văn hải ngoại cười khẩy.
Còn với một nhân vật hoạt động nhân quyền cho Việt Nam ở hải ngoại : "Hãy nhìn những gì cộng sản làm. Nếu đảng cộng sản Việt Nam muốn hòa hợp hòa giải dân tộc thì đầu tiên họ phải hòa giải với giới bất đồng chính kiến ở quốc nội. Thấy mới tin. Có hòa giải và đối thoại được như vậy thì hải ngoại mới có thể tin và mới tính đến chuyện về Việt Nam".
Cần nhắc lại, một trong những tổ chức bất đồng chính kiến trong nước chính là Ban vận động Văn đoàn độc lập Việt Nam - tổ chức đã từng bị Hội Nhà văn Việt Nam của "đồng chí Hữu Thỉnh" quyết liệt tham mưu cho đảng và công an để coi là "chống đối" và tìm mọi cách để trấn áp.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA tiếng Việt, 01/02/2017