Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/12/2020

Bằng Tiến sĩ của chế độ cộng sản Việt Nam còn giá trị gì ?

Thu Thủy - Trân Văn

Bằng cấp giả : Lừa đảo về học thuật !

Diễm Thi, RFA, 01/12/2020

Một sự kiện liên quan đến giáo dục Việt Nam được báo chí chính thống lẫn cư dân mạng xã hội bàn tán suốt tuần qua liên quan đến Trường Đại học Đông Đô ở Hà Nội - một trong những đại học ngoài công lập được thành lập sớm nhất tại Việt Nam.

bang01

Facebook Đại học Đông Đô - Ảnh minh họa

Theo kết luận điều tra của Cơ quan Công an, Trường Đại học Đông Đô đã cấp bằng cử nhân giả cho 193 người không qua tuyển sinh, đào tạo. Trong đó có 55 trường hợp sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ.

Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết quan điểm của bộ là kiên quyết xử lý bằng cách thu hồi và hủy bỏ những văn bằng này. Còn việc công khai hay không công khai danh tính những cá nhân sử dụng văn bằng mà bộ gọi là văn bằng ‘không hợp pháp’ sẽ do cơ quan có thẩm quyền xem xét theo quy định của pháp luật.

Chuyện bằng cấp giả các loại được in ấn như thật và được mua bán ngầm nhưng công khai tràn lan trong xã hội, không là chuyện lạ hay mới. Nhưng chuyện một trường đại học cấp hàng trăm văn bằng giả là chuyện chưa từng nghe tới, như chia sẻ của Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng với RFA tối ngày 1 tháng 12 :

"Thật ra việc làm bằng giả như vậy lâu nay chỉ một vài cá nhân. Đến Đại học Đông Đô thì tình hình đã quá tệ. Tức là các cấp lãnh đạo cao nhất của trường có chủ trương như thế. Đây là điều xưa nay chưa từng có.

Một cái lỗi to hay nhỏ thì cũng chỉ là lỗi nếu sau đó cái nguyên nhân và điều kiện làm nảy sinh lỗi đó được khắc phục. Nếu người ta chỉ giải quyết hậu quả do lỗi đó sinh ra mà không giải quyết cái nguyên nhân gây ra lỗi thì đó không phải là lỗi bình thường nữa. Phải làm sao để trường hợp như Đại học Đông Đô không xảy ra nữa là cái mà về mặt quản lý người dân quan tâm hơn rất nhiều, so với việc giải quyết vụ việc này riêng lẻ".

Đã từ lâu, nhiều người hoạt động trong lãnh vực giáo dục đã lên tiếng cảnh báo chuyện học giả nhưng có bằng thật, bởi nhiều nhà tuyển dụng còn quá thiên về bằng cấp, họ đòi hỏi bằng cấp này, chứng chỉ kia mới tuyển dụng. Thêm vào đó là bệnh háo danh của một bộ phận trong xã hội. Họ không học nhưng lại muốn có bằng cấp cao để lòe người khác nhằm tiến thân một cách dễ dàng hơn, thuận lợi hơn.

Giáo sư Đặng Hùng Võ cho biết ông không hề ngạc nhiên khi sự việc cấp bằng giả hàng loạt ở Trường Đại học Đông Đô đổ bể. Ông giải thích :

"Thực sự tôi không ngạc nhiên với chuyện Đại học Đông Đô. Với cách thức học tập, cách thức tiếp cận bằng cấp ở Việt Nam, kể cả bảo vệ luận án thạc sĩ, tiến sĩ nó vẫn đang có cái gì đấy lệch lạc. Nó không thể đi vào học thuật, nó không thể đi vào con đường khoa học mà vẫn là cái tiêu chí để vào được cương vị này, cương vị khác, từ công ty nhỏ đến bộ máy hành chính Nhà nước. Với cách tiếp cận như vậy thì nó không cổ vũ cho việc học hành. Bây giờ phải làm sao để đừng có tiến sĩ giấy nữa mà phải là tiến sĩ thật mới có đất dụng võ".

Làm sao để tránh chuyện tương tự 

Theo cơ quan điều tra, các trường hợp sử dụng văn bằng giả mạo của Trường đại học Đông Đô đều là những người có uy tín, vị trí chủ chốt trong các cơ quan, ban, ngành ; phần lớn đang làm thạc sĩ, nghiên cứu sinh. Có người là cán bộ chủ chốt của một số cơ quan ở Hà Nội, có người là giảng viên một cơ sở đào tạo đại học ngành tư pháp.

bang02

Buổi lễ cấp bằng giáo sư và phó giáo sư tổ chức tại Văn Miếu, Hà Nội ngày 24/12/2012. Ảnh minh họa.

Sau khi sự việc được truyền thông chính thức lên tiếng, cả người dân lẫn một số vị lãnh đạo lên tiếng yêu cầu công khai danh tánh 55 vị mua bằng giả của Trường Đại học Đông Đô.

Trao đổi với báo chí trong nước vào trưa 30 tháng 11, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, phải nêu danh tính những người gian dối đó để làm gương cho các thế hệ sau và là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những người sau này không dám làm như vậy nữa. Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho rằng cần phải công khai danh tính của 55 người mua bằng này, bởi đây là hành vi thách thức sự trong sạch của nền giáo dục. Nếu không xử lý nghiêm sẽ tạo ra tiền lệ rất xấu.

Trên mạng xã hội, hôm 29/11, nhà báo Nguyễn Như Phong cho biết ông có danh sách 55 vị này. Ông gia hạn nếu trong một tháng, các vị này không làm đơn xin rút ngay khỏi các chức vụ hiện có thì ông sẽ công khai danh tính từng vị. Ông cho biết sẽ chịu trách nhiệm về tính trung thực của danh sách này.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng cho rằng, nếu cơ quan có thẩm quyền mà không công khai danh tánh ‘những người có uy tín’ kia thì dư luận sẽ nổi giận và nhà nước để cho một cá nhân như ông Nguyễn Như Phong tung danh sách ra thì nhà nước đã thua ngay trên sân nhà. Tiến sĩ Hoàng Dũng nêu quan điểm của ông :

"Một trong những điều khiến cho người dân tin rằng nhà nước quyết tâm giải quyết triệt để vụ này, là những người được cho là ‘có uy tín’ bỏ tiền ra mua bằng có được công khai danh tánh hay không.

Tôi thấy không có lý do gì mà không công khai danh tánh những người này. Mà nếu họ không công khai thì người dân bắt buộc phải đặt ra câu hỏi ai đứng đằng sau 55 người này. Và 55 người này chắc chắc không phải ‘dân đen’, bởi nếu ‘dân đen’ thì đã bị trị từ lâu. Những người này chắc có chức vụ gì đó nên họ không tiện công bố. Nếu vậy thì đây là cái thể chế đứng về phía những người có chức, có quyền chứ không phải đứng về phía công lý".

Giáo sư Đặng Hùng Võ cũng đồng quan điểm khi cho rằng phải công khai danh tánh chứ không có lý do gì giấu diếm cả. Đã gian trá trong học thuật thì phải thừa nhận điều đó. Ông nói tiếp :

"Tôi cho rằng việc đầu tiên là phải xử rất nặng tất cả những người can dự vào việc man trá về học thuật này, bởi trong học thuật không thể có man trá. Đây là lừa đảo về học thuật. Phải xử gấp theo khung phạt trong BLHS không kiêng nể một ai cả để sau này không ai làm thế nữa.

Đây là việc phải làm ngay lập tức kể cả phải hy sinh mấy chục cán bộ nhà nước cấp cao thì cũng phải làm. Không có cách nào khác cả.

Tiếp theo đó là thay đổi cơ chế từ quản lý sang quản trị. Cách quản trị mềm dẻo để người dân tham gia vào giám sát tất cả mọi hoạt động, kể cả các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp lẫn các hoạt động dịch vụ công".

Hiến pháp năm 2013 khẳng định quyền lực nhà nước không chỉ là thống nhất, phân công, phối hợp mà còn được kiểm soát. Quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, Nhà nước của dân nên quyền lực phải được kiểm soát. Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước.

Với nguyên tắc quyền lực thuộc về Nhân dân, thống nhất và kiểm soát trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, nguyên tắc tiếp theo được khẳng định là cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan nhà nước có nghĩa vụ phục tùng Nhân dân, giữ mối liên hệ chặt chẽ và chịu sự giám sát của Nhân dân.

Hiến pháp quy định như thế nhưng thực tế thì khác hẳn vì người dân không có chỗ nào để công bố ý kiến giám sát cả. 

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 01/12/2020

*********************

55 Tiến sĩ dùng bằng giả của Đại học Đông Đô là những ai ?

Thu Thủy, Thoibao.de, 27/11/2020

Bộ Công an Việt Nam hôm 25/11 đã xác định trong số 193 người được Đại học Đông Đô cấp bằng giả, có 55 trường hợp sử dụng bằng giả để bảo vệ luận án tiến sĩ.

bang1

Một bằng tốt nghiệp đại học do Đại học Đông Đô Hà Nội cấp năm 2019

Tuy nhiên 55 vị tiến sĩ bằng giả này hiện đang được giữ bí mật danh tính khiến dư luận nhiều người tỏ ý bất bình.

Được biết có nhiều vị tiến sĩ dùng bằng đại học giả này là cán bộ công chức, có lẽ đây cũng là lý do tế nhị mà báo chí và cơ quan điều tra muốn giữ kín tên tuổi chức vụ của họ.

Truyền thông nhà nước Việt Nam đồng loạt loan tin này vào cùng ngày. Được biết, trường Đại học Đông Đô chưa được Bộ Giáo dục và đào tạo cấp phép đào tạo văn bằng 2, trong đó có văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Tiếng Anh. Tuy nhiên, từ 2015 đến 2017, lãnh đạo của trường này đã đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh hệ văn bằng 2 chính quy.

Điều đáng nói là Bộ Giáo dục và đào tạo vẫn cho phép trường này đăng tải thông báo chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy lên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ. Truyền thông đang đặt nghi vấn liệu một số đơn vị của Bộ Giáo dục và đào tạo có "tiếp tay" cho Đại học Đông Đô trong việc cấp bằng giả hay không ?

Trong khi đó, sau khi thông báo tuyển sinh được "hợp thức hoá" trên cổng tuyển sinh của bộ, trong suốt thời gian từ 2015 đến 2017, Đại học Đông Đô đã tuyển sinh hàng ngàn học viên và cấp 626 bằng cử nhân ngôn ngữ Anh. Tuy nhiên, cơ quan điều tra chỉ tìm được 217 cá nhân có thông tin để xác minh.

Trong số này, 193 người được Đại học Đông Đô cấp bằng không qua tuyển sinh hoặc không đủ điều kiện nhưng vẫn được cấp. Toàn bộ bằng giả do ông Dương Văn Hòa (nguyên Hiệu trưởng) ký theo chỉ đạo của Trần Khắc Hùng (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị nhà trường, đang bị truy nã).

Tuy nhiên, theo kết luận điều tra của công an thì trong số 193 bằng giả, chỉ có thông tin về trường Đại học Đông Đô thu tiền của 161 trường hợp với tổng số tiền 2,5 tỷ đồng.

Như vậy, ngoài 217 người đã được làm rõ, vẫn còn 409 cá nhân đang có bằng cử nhân được làm giả hoặc không có giá trị của Trường Đại học Đông Đô.

Những người này hiện không thể xác định là ai, đang làm việc ở đâu, sử dụng bằng hay chưa… Điều này có thể dẫn tới hệ lụy các tấm bằng không có giá trị nêu trên được chủ nhân sử dụng vào các mục đích khác nhau mà không bị phát hiện.

Với 409 cá nhân chưa thể xác định, nhiều người trong số họ cũng có thể đã sử dụng văn bằng 2 của Trường Đại học Đông Đô vào các mục đích tương tự.

Đáng chú ý, để cấp bằng giả, Hiệu trưởng Trần Khắc Hùng giao Trần Kim Oanh và Lê Ngọc Hà (hai cựu phó hiệu trưởng) chỉ đạo cấp dưới tiếp nhận hồ sơ học viên, không tổ chức thi đầu vào, không đào tạo theo chương trình, đồng thời hướng dẫn học viên hợp thức các bài thi bằng cách phát đề thi và đáp án rồi chép lại. Cá biệt có trường hợp không phải hợp thức hóa bài thi.

Điều này đồng nghĩa các cá nhân được cấp bằng giả của Trường Đại học Đông Đô biết rõ bản thân họ không đủ điều kiện để cấp bằng, nhưng vẫn đồng ý phối hợp với nhà trường sử dụng các thủ đoạn nêu trên để hợp thức bài thi.

Trong số 193 bằng giả được cấp, có 60 người sử dụng bằng giả này, trong đó có 55 người sử dụng bằng để nộp hồ sơ xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ ; 1 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, 1 trường hợp thi công chức, 2 trường hợp khai vào hồ sơ cán bộ và 1 trường hợp nộp hồ sơ xét tuyển thạc sĩ.

bang2

Tuy không công khai danh tính nhưng báo chí Việt nam cũng tiết lộ có khá nhiều cán bộ công chức đã mua bằng giả ở Đạo học Đông đô

Hiện nay 55 vị tiến sĩ dùng bằng Đại học giả này vẫn được giữ bí mật danh tính trong khi dư luận đòi hỏi được công khai tên tuổi chức vụ cũng như việc xử lý cụ thể thế nào, tuy nhiên chưa có nhà báo nào có thể tiếp cận và công bố thông tin.

Bình luận về sự việc này, nhà báo Nguyễn Tiến Tường viết trên Facebook cá nhân rằng :

"Quý vị mua dâm người mẫu các thứ, được bí mật danh tính

Con cái quý vị hối lộ nâng điểm, được bảo vệ danh tính

Quý vị léo lên máy bay nguyên thủ đi ké sang Hàn Quốc, cũng không lộ danh tính

Rồi bây giờ quý vị dùng bằng giả của đại học Đông Đô để làm tiến sĩ, quý vị cũng không bị công khai danh tính

Không ấy quý vị lên bàn thờ quốc gia ngồi rồi xong ăn gì dân cúng, chứ có đâu quốc pháp mà lại bông phèng như rứa.

Thần trên đỉnh Olympia làm bậy còn bị nhắc tên, quý vị quyền năng hơn cả họ luôn rồi !", nhà báo Nguyễn Tiến Tường nêu thái độ.

Cơ quan Công an đã kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý cán bộ theo quy định đối với 58 người, 2 trường hợp còn lại một người đã chết, người còn lại xin thôi không học thạc sĩ trước khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án nên không kiến nghị xử lý.

bang3

Các bị can Dương Văn Hòa (SN 1983, Hiệu trưởng) ; Trần Ngọc Quang (SN 1962, Phó trưởng Phòng quản lý đào tạo và quản lý sinh viên) ; Phạm Vân Thùy (SN 1981, cán bộ đào tạo)

"Dấu hỏi" danh tính 55 người dùng bằng giả Đại học Đông Đô để bảo vệ luận án tiến sĩ

Nhiều người cho rằng phải công khai danh tính 55 người đã dùng bằng giả của ĐH Đông Đô phục vụ cho việc xét tuyển nghiên cứu sinh, làm luận án tiến sĩ để xem hiện nay họ công tác ở đâu, đảm nhiệm vị trí gì.

Một giảng viên đại học nêu ý kiến : "Tôi không thể tưởng tượng được khi đọc thông tin có đến 55 người dùng bằng giả cho việc xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ.

Bằng giả tức là bằng không có giá trị, không qua học tập mà có, cũng có thể những người này không biết lấy một chữ tiếng Anh nhưng dùng tiền mua bằng để vượt qua tiêu chuẩn về tiếng Anh phục vụ cho làm nghiên cứu sinh và tiến sĩ.

Thử hỏi, một nhà khoa học nhưng đến tiêu chuẩn ngôn ngữ cũng không có, chưa nói đến việc đạo đức của người làm nghiên cứu cũng không thì họ có xứng đáng với hai từ "tiến sĩ" ?

Một người làm nghiên cứu khoa học mà gian dối thì không thể chấp nhận được. Tôi đề nghị phải công khai danh tính của những người này để dư luận biết, để thấy những con người dối trá trong làm khoa học thế nào".

bang4

Cơ cở chính trường đại học Đông Đô ở Hà Nội

"Nghiên cứu sinh và tiến sĩ mà trắng trợn mua bằng, làm giả chứng chỉ để lừa lọc thì không có đủ tư cách.

Không có lòng trung thực mà lại tham gia vào nghiên cứu khoa học để trở thành tiến sĩ rồi từng bước leo cao, tiến xa trên con đường quan trường thì thực sự những con người ấy sẽ gây nguy hại cho xã hội.

Phải công khai danh tính 55 cán bộ đã mua bằng giả để phục vụ cho việc làm luận án tiến sĩ này, xem hiện nay họ đang công tác ở đơn vị nào, đảm nhiệm vị trí gì, nếu cần thiết thì đề nghị xử lý kỷ luật và xử lý hình sự vì tội mua bán bằng giả.

Phải mạnh tay để làm tấm gương cho những tiến sĩ "rởm" có ý định mua bán bằng với mục đích làm đẹp hồ sơ, tiến thân… Làm sao có thể chấp nhận những kẻ dùng tiền để mua tri thức sau đó lại xếp ngang hàng với những trí thức thực thụ đổ mồ hôi, công sức trên giảng đường, trong các trung tâm nghiên cứu được.

Nếu không xử lý mạnh tay, để họ len lỏi vào đội ngũ tiến sĩ thật sẽ là sự xúc phạm với đội ngũ nghiên cứu khoa học nước nhà", một nhà nghiên cứu Toán (Đại học Sư phạm Hà Nội) nói.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường đại học, Cao đẳng Việt Nam cho rằng, về trường hợp 55 người sử dụng văn bằng 2 ngôn ngữ Anh của Đại học Đông Đô để tham gia thi tuyển hoặc làm điều kiện bảo vệ luận án tiến sĩ, cần xác định rõ những người này vô tình hay cố ý sử dụng bằng giả.

Nếu vô tình thì trách nhiệm sẽ nhẹ nhàng hơn, còn nếu là cố tình gian lận thì chắc chắn phải xử lý nghiêm, thậm chí là là tội hình sự "mua bán bằng giả" mới đủ sức răn đe.

bang5

Ông Bùi Văn Cường vẫn bí tỉnh ủy Đắc lắc vẫn tái đắc cử với 100% phiếu bầu mặc dù bị tố cáo 70% nội dung luận án tiến sĩ là sao chép

Tuy nhiên, dù là vô tình hay cố ý sử dụng bằng giả ngôn ngữ Anh để thi tuyển/làm điều kiện bảo vệ luận án tiến sĩ thì các trường đều phải vô hiệu hóa giá trị của tấm bằng này ngay lập tức.

Đồng thời, các trường nên rà soát lại toàn bộ các học viên, thạc sĩ, nghiên cứu sinh, tiến sĩ của trường đã và đang đào tạo để phát hiện thêm các trường hợp sử dụng văn bằng 2 ngôn ngữ Anh của Đại học Đông Đô.

Về tư cách của các nghiên cứu sinh, tiến sĩ sử dụng văn bằng 2 ngôn ngữ Anh giả, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến đề nghị huỷ bỏ kết quả học và thi của các cá nhân này, kể cả những người đã được các trường cấp bằng tiến sĩ. Vì gian lận không những là điều tối kị, trái đạo đức người làm nghiên cứu mà nó còn vi phạm cả tội hình sự cần xử lý theo pháp luật.

bang6

Cơ quan Công an đến làm việc với cán bộ trường

Theo luật sư Tạ Hồng Thái (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội), để xử lý 55 trường hợp sử dụng văn bằng 2 ngôn ngữ Anh giả tham gia thi tuyển/làm điều kiện bảo vệ luận án tiến sĩ, cơ quan công an điều tra phải xác định rõ và có đầy đủ bằng chứng, chứng minh 55 người này cố tình mua bán bằng giả.

Như những thông tin được công bố, có thể những người này không biết Đại học Đông Đô cấp bằng "chui" và họ vẫn đi học đầy đủ và làm bài kiểm tra bình thường. Đây là điểm cần làm rõ, luật sư Thái cho biết thêm.

Tuy nhiên, trên thực tế, không khó để chứng minh 55 người này cố tình gian lận trong việc đào tạo văn bằng 2 ngôn ngữ Anh bởi hầu hết văn bằng này đều được trường tổ chức học và thi theo dạng "chép bài, làm cho có, tất cả đều sẽ vượt qua". Luật sư Thái nhấn mạnh, những văn bằng, chứng chỉ do Đại học Đông Đô cấp không đạt yêu cầu cần thu hồi ngay lập tức.

Trên quan điểm cá nhân, luật sư Thái cho rằng, với những người sử dụng bằng giả để làm nghiên cứu sinh, là điều kiện để bảo vệ, xin cấp bằng tiến sĩ thì đồng nghĩa họ không đủ điều kiện đầu vào hoặc đầu ra của đạo tạo trình độ tiến sĩ. Do đó, cần xem xét, kiểm điểm tư cách của những người này, nếu mạnh tay thì các trường có thể thu hồi quyết định trúng tuyển nghiên cứu sinh hoặc bằng tiến sĩ.

Thu Thủy (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 27/11/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Thủy, Trân Văn
Read 587 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)