Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/11/2020

Việt Nam là điểm hứng các đại công ty quốc tế di dời khỏi Trung Quốc ?

Mai Vân - Thanh Trúc

Apple và Samsung di dời sản xuất qua Việt Nam, Trung Quốc sốt ruột

Mai Vân, RFI, 30/11/2020

Làn sóng di dời sản xuất từ Trung Quốc qua Việt Nam, một trong những hệ quả của cuộc thương chiến Mỹ-Trung và nỗi lo ngại bị Bắc Kinh bắt chẹt lộ rõ qua đại dịch Covid-19 vừa có thêm một biểu tượng rõ nét : Theo hãng tin Anh Reuters ngày 27/11/2020, một nguồn thạo tin đã tiết lộ rằng tập đoàn Mỹ Apple đang đẩy mạnh việc dời cơ sở sản xuất qua Việt Nam, với sản phẩm tiêu biểu là iPad lần đầu tiên được xản xuất bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

apple1

Logo của Apple tại cửa hiệu ở Brooklyn, New York. Ảnh 23/10/2020.  Reuters – Brendan McDermid

Sự kiện Apple chuyển sản xuất qua Việt Nam nằm trong một loạt động thái theo cùng chiều hướng của nhiều tập đoàn khác, đi đầu là đối thủ cạnh tranh số 1 của Apple là tập đoàn Hàn Quốc Samsung, trong thời gian qua đã mở rộng thêm nhiều cơ sở sản xuất sẵn có tại Việt Nam để tiếp nhận các dây chuyền đến từ Trung Quốc.

Việc các đại tập đoàn quốc tế tháo chạy khỏi Trung Quốc đã làm dấy lên phản ứng bất đồng tình, và trạng mạng Hồng Kông Asia Times, ngày 27/11 đã ghi nhận sư kiện nhiều địa phương tại Hoa Lục lên tiếng cầu cứu chính quyền trung ương tại Bắc Kinh, đòi phải cấp tốc có chính sách mới nhằm giữ chân các doanh nghiệp nước ngoài, tránh để cho nạn thất nghiệp thêm nghiêm trọng.

Việt Nam sẽ là nơi đầu tiên sản xuất iPad ngoài Trung Quốc

Tập đoàn Apple dĩ nhiên rất kín tiếng về các hoạt động di dời sản xuất ra khỏi Trung Quốc, nhưng hãng Reuters đã trích dẫn nguồn tin từ tập đoàn Đài Loan Foxconn, chuyên sản xuất các sản phẩm cho Apple, cho biết là họ đang chuyển một phần dây chuyền sản xuất máy tính bảng iPad và máy tính xách tay MacBook từ Trung Quốc sang Việt Nam theo yêu cầu của Apple.

Theo nguồn tin trên, Foxconn đang xây dựng dây chuyền lắp ráp iPad và MacBook tại Bắc Giang, dự kiến đi vào hoạt động vào nửa đầu năm 2021. Dây chuyền này cũng sẽ sản xuất một số mặt hàng khác đang được làm ra ở Trung Quốc.

Hồi đầu tuần trước, Foxconn đã loan báo khoản đầu tư mới 270 triệu đô la vào một chi nhánh mới được cho là sẽ hỗ trợ việc phát triển hoạt động của tập đoàn tại Việt Nam.

Theo phân tích của nhóm nghiên cứu thị trường TrendForce, trụ sở tại Đài Loan, cho đến giờ, toàn bộ máy tính bảng iPad của Apple đều được sản xuất tại Trung Quốc, do đó, việc Foxonn dời dây chuyền qua Việt Nam đánh dấu bước đầu tiên mà sản phẩm đầy tính biểu tượng này của Apple được làm ra bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Airpods gắn nhãn "Lắp ráp tại Việt Nam"

Cũng chú ý đến việc Apple di dời một phần sản xuất qua Việt Nam, trang thông tin Asia Times tại Hồng Kông ngày 27/11 đã nhắc lại một số thông tin từ đầu năm cho biết là tập đoàn Mỹ bắt đầu chuyển hoạt động sản xuất các sản phẩm nổi tiếng của họ sang Việt Nam.

Asia Times đã trích dẫn báo kinh tế Nhật Bản Nikon Keizai, cho rằng Apple đã bắt đầu sản xuất loại tai nghe nhét tai Bluetooth không dây AirPods ở Việt Nam, thông qua các nhà sản xuất là Goertek và Luxshare trong quý 1/2020, với sản lượng hàng năm có thể lên đến 15% số Airpods bán ra trên thế giới.

MacRumors, một trang web công nghệ chuyên theo dõi các sản phẩm của Apple, tháng Năm vừa qua cho biết là khách hàng tại phương Tây đã nhận được sản phẩm AirPods Pro có gắn nhãn "Lắp ráp tại Việt Nam" trên bao bì bên ngoài. Năm 2021, thế hệ thứ ba của AirPod dự kiến cũng sẽ được sản xuất tại Việt Nam.

Sắp tới sẽ là iPhone ?

Theo Asia Times, các thông tin nói trên đã góp phần củng cố giả thuyết theo đó rất có thể là Apple cũng sẽ cho sản xuất iPhone ở một nước Châu Á khác ngoài Trung Quốc, và đó có thể là Việt Nam. Một dấu hiệu : Sunny Optical, nhà cung cấp lớn linh kiện camera cho Apple, trụ sở ở Chiết Giang, Trung Quốc, gần đây cũng đã mở nhà máy ở Việt Nam.

Ninh Nam Sơn, chuyên gia phân tích thuộc Viện Chiến lược và Phát triển Quốc gia, Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho rằng Việt Nam đã đạt đến trình độ có thể sản xuất hàng loạt các sản phẩm phức tạp, và đây là điều đã được giới lãnh đạo Apple công nhận.

Trả lời Asia Times, chuyên gia này nhắc lại : "Vào tháng 12 năm 2017, giám đốc của Apple Tim Cook từng nói rằng Apple sẽ không dời sản xuất qua Đông Nam Á chỉ vì chi phí thấp ở đó". Lý do là vì Apple luôn muốn bảo đảm chuẩn mực kỹ thuật nghiêm ngặt, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm và đảm bảo được chuỗi cung ứng.

Thế nhưng, theo chuyên gia Trung Quốc: "Ba năm sau, các đối tác của Apple đã bắt đầu sản xuất một số mặt hàng tại Việt Nam và điều đó cho thấy rõ bước tiến đang đạt được ở đó".

Samsung đóng cửa hai nhà máy tại Trung Quốc

Không chỉ có Apple là đã chọn Việt Nam làm nơi đến cho các sản phẩm trước đây được làm ra tại Trung Quốc. Đối thủ cạnh tranh của Apple là tập đoàn Hàn Quốc Samsung đã đi trước tập đoàn Mỹ từ lâu.

Theo ghi nhận của Asia Times, Samsung đã lần lượt đóng cửa hai nhà máy lắp ráp điện thoại lớn nhất của họ ở Thiên Tân và Huệ Châu, thuộc tỉnh tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, từ cuối năm 2018 và 2019.

Việc Samsung đóng cửa dây chuyền sản xuất ở Huệ Châu vào tháng 9 năm ngoái, sau 27 năm sản xuất, đã khiến khoảng 6.000 công nhân Trung Quốc bị mất việc. Cộng thêm với việc bỏ sản xuất ở Thiên Tân, quyết định của tập đoàn Hàn Quốc đã kéo theo việc đóng cửa một loạt nhà máy ở nơi khác từng cung cấp linh kiện cho Samsung, thậm chí cả các quán ăn giá rẻ và siêu thị phục vụ công nhân.

Theo báo mạng Hồng Kông, giờ đây, hơn một nửa số thiết bị cầm tay hàng đầu mới nhất của Samsung, bao gồm cả loại điện thoại có thể gập lại, đã được lắp ráp tại các thị trấn nhỏ ở các tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên của Việt Nam. Đó là chưa kể đến các loại màn hình phẳng và màn hình khác của Samsung.

Nhiều địa phương Trung Quốc cầu cứu chính quyền trung ương

Hiện tượng di dời sản xuất ra khỏi Trung Quốc bắt đầu khiến các chính quyền địa phương quan ngại, đặc biệt là tại các tỉnh mà thu nhập lệ thuộc vào xuất khẩu. Một số nơi đã cố gắng giữ chân các nhà sản xuất, đồng thời kêu gọi chính quyền trung ương ở Bắc Kinh hành động.

Theo Asia Times, sở Thương mại tỉnh Chiết Giang chẳng hạn đã yêu cầu bộ Thương mại Trung Quốc đưa ra các biện pháp mới để đối phó với tình trạng "đầu tư trực tiếp nước ngoài và ngành xuất khẩu đang bị rút ruột".

Một nguồn tin cho biết bộ Thương mại Trung Quốc trong tháng 11 đã đệ trình một báo cáo về tình hình các nhà sản xuất bỏ đi tại một số tỉnh. Trong số các khuyến nghị chủ yếu, có việc trao thêm nhiều quyền hơn cho các địa phương để giữ chân các doanh nghiệp, đồng thời nâng mức trợ cấp thôi việc để giới chủ ngần ngại khi sa thải hàng loạt.

Theo báo chi địa phương, thành phố Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, chẳng hạn, được mệnh danh là "thành phố iPhone" vì là nơi có cơ sở sản xuất lớn nhất của Foxconn tại Trung Quốc, vừa ký với tập đoàn Đài Loan một thỏa thuận mới về việc giảm thuế cho tập đoàn này.

Thỏa thuận ký vào tháng 9, trước khi Apple ra mắt các mẫu mới nhất của mình và được coi là nhằm chiêu dụ Foxconn, trước đó đã bắn tin về khả năng chuyển một số sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Mai Vân

Nguồn : RFI, 30/11/2020

***********************

Giải quyết tốt bài toán nguyên liệu sẽ giúp Việt Nam thoát phận làm thuê

Thanh Trúc, RFA, 30/11/2020

Cái gì cũng nhập, nguy cơ thành quốc gia làm thuê là cản báo được đưa ra tại hội thảo với chủ đề "Khoa Học Công Nghệ và Đổi Mới Sáng Tạo" nhằm phục vụ phát triển công nghệ vật liệu đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

apple2

Các nữ công nhân trong một dây chuyền may thuộc Công ty May 10 ở Hà Nội hôm 20/10/2015 - AFP

Sự kiện do Ban Kinh tế Trung ương, phối hợp cùng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tổ chức hôm 25/11.

Báo chí trong nước trích dẫn phát biểu của Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát rằng "Việt Nam không thể nhập hầu hết nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp, nông nghiệp và các nền ngành kinh tế khác vì giá thành các sản phẩm của nước ta sẽ cao hơn đối thủ cạnh tranh hoặc sẽ biến đất nước thành quốc gia gia công, làm thuê".

Ông Cao Đức Phát chỉ ra giá thành các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam tăng cao, thiếu tính cạnh tranh, sản xuất nội địa thiếu tính tự chủ, phụ thuộc rất lớn vào các chuỗi giá trị ở nước ngoài.

Để xây dựng một nền kinh tế cạnh tranh hiệu quả, ông nói tiếp, Việt Nam phải tự chủ tối đa nguyên vật liệu, nhưng phải là nguyên vật liệu bằng hoặc tốt hơn về chất lượng, rẻ hơn so với nhập khẩu.

Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài Chính Việt Nam, cho biết ông đồng ý với nhận định của cán bộ Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát :

"Tất cả mọi thứ đều qui ra tiền, đều dính đến tài chính hết, chuyện nhập khẩu toàn bộ nguyên vật liệu đầu vào, kể cả máy móc thiết bị nữa, thì rõ ràng là đi làm thuê và chỉ hưởng tí công ngay trên đất nước mình. Như vậy không bao giờ chúng ta có được cái thu nhập thỏa đáng mà nó làm cho chúng ta cứ mãi là người làm thuê thôi.

Có những nguyên vật liệu mà chúng ta không thể có được thì vẫn phải nhập từ nước ngoài về, nhưng những gì có thể phát triển được thì phải qui hoạch tính toán bài bản".

Nêu ví dụ ngành dệt may của Việt Nam, ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng :

"Trước đây, có những thời gian mà 70- 80% nguyên vật liệu cho ngành dệt may là nhập khẩu từ Trung Quốc. Bây giờ, sau hai ba năm thì thực tế Việt Nam có thể tự túc được hơn 40% nguyên phụ liệu cho ngành rồi. Cộng thêm một số nhập khẩu từ các quốc gia khác, nguồn vật liệu nhập từ Trung Quốc giảm đáng kể. Đó là bước tiến, là bài toán Việt Nam đã làm được rất nhanh chóng và rất tốt".

Theo đánh giá của Bộ Công thương Việt Nam, được ông Cao Đức Phát nhắc lại, năng lực sản xuất công nghiệp vật liệu của Việt Nam còn yếu trong lúc năng suất và chất lượng thì hạn chế. Tỷ lệ nội địa hóa sản xuất các loại vật liệu phục vụ cho ngành công nghiệp cũng vậy, điển hình như vật liệu gang chế tạo không tới 30%. Bên cạnh đó, vật liệu nhôm, vật liệu đồng chỉ chừng 5%. Các loại hóa chất cho ngành nhựa, cao su vẫn phải nhập khẩu đến 70%, rồi thì nguyên liệu cho ngành dệt may thì 90% vải và 80% sợi đều phải mua từ bên ngoài.

Tự chủ nguyên vật liệu cho sản xuất không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà cho cả nhiều nước trên thế giới. Ý kiến của ông Cao Đức Phát, cũng là quan điểm của kinh tế gia Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên ban cố vấn kinh tế thời thủ tướng Phan Văn Khải.

Trong thế giới ngày nay, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh, không nước nào có thể tự cung tự cấp được tất cả mọi thứ mà phải nhờ đến nguyên vật liệu hoặc sản phẩm trung gian nhập từ nước ngoài vào :

"Thế nhưng việc gần như tất cả nguyên vật liệu đều phụ thuộc vào bên ngoài, rồi các sản phẩm trung gian như linh kiện hoặc những bô phận này khác của máy móc thiết bị cũng nhập khẩu từ bên ngoài thì cái đó thực sự là nguy cơ một nền kinh tế thuần túy gia công bị phụ thuộc càng ngày càng nặng vào bên ngoài". 

Nếu nhìn vào quá trình phát triển từ ngày Việt Nam thực hiện đổi mới, nhà nghiên cứu độc lập Phạm Chi Lan nhận xét là càng hội nhập chừng nào thì mức độ lệ thuộc của Việt Nam đối với nguyên vật liệu, sản phẩm trung gian đầu vào cho nền sản xuất, kể cả sản xuất cho xuất khẩu cũng như sản xuất cho tiêu dùng trong nước càng ngày càng tăng lên :

"Đấy là một thực tế thể hiện rất rõ qua con số nhập siêu của Việt Nam từ các nước xung quanh, đặc biệt từ Trung Quốc rồi sau này thêm từ Hàn Quốc và các nước ASEAN càng ngày càng lớn lên. Rốt cuộc là Việt Nam cố gắng trong quá trình công nghiệp hóa của mình, nhưng những sản phẩm cơ bản nhất để cung cấp cho nền kinh tế của mình thì nhiều khi vẫn phải phụ thuộc vào thị trường bên ngoài".

apple3

Người lao động may áo khoác gia công cho hãng Zara ở một nhà máy tại Bắc Giang, gần Hà Nội hôm 21/10/2015. Hình Reuters

Vấn đề tự cung tụ cấp nguồn nguyên vật liệu đáng lẽ phải được thực hiện từ hơn chục năm nay rồi. Bà Phạm Chị Lan phân tích:

"Giai đoạn đầu đổi mới thì phải nhập khẩu từ bên ngoài thật. Nhưng sau một thời gian đã có đầu tư bên ngoài vô rồi, kinh tế bắt đầu vượt khỏi khủng hoảng hồi cuối thập kỷ ’80, thì lẽ ra phải tập trung phát triển nhiều hơn về các nguyên liệu đầu vào hoặc các sản phẩm phụ trợ". 

"Còn nhớ thời thủ tướng Phan Văn Khải năm 1997 cũng đã bàn rất nhiều về việc phải tăng cường phát triển các ngành công nghiệp của Việt Nam lên để làm sao đỡ bị lệ thuộc bên ngoài. Khi tham gia WTO cũng là cơ hội tốt cho Việt Nam vào thị trường thế giới, đồng thời cho Việt Nam tăng cường sản xuất của mình".

Nhưng vì chưa thực hiện được nên tình trạng của Việt Nam bây giờ là gia công, bà Phạm Chị Lan khẳng định:

"Từ các ngành mà Việt Nam tự hào xuất khẩu nhiều nhất, thí dụ dệt may, giày dép, túi xách du lịch…những sản phẩm tạo ra việc làm nhiều nhất, có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất và tăng lên liên tục, thì những ngành đó hầu hết đều là gia công. Nguyên vật liệu đầu vào, máy móc thiết bị nhập vào chiếm tới 80% tổng kim ngạch những mặt hàng này. Thành ra tiếng là xuất khẩu hàng chục tỷ USD nhưng trên thực tế thu nhập của Việt Nam vẫn rất thấp".

Dẫn chứng báo cáo 2019 của GENIO, Tổ Chức Phát Triển Công Nghiệp Liên Hiệp Quốc, và từ Sách Trắng Công Nghiệp Việt Nam 2019, cho thấy giá trị gia tăng rất thấp là hậu quả của tình trạng gia công.

Nếu không tự điều chỉnh được, bà Phạm Chi Lan cảnh báo, Việt Nam sẽ nằm hoài ở bẫy thu nhập trung bình chứ không thể ngoi lên thành nước có thu nhập cao theo như tầm nhìn năm 2045 được : 

"Làm gia công thì không thể có thu nhập cao lên được. Phụ thuộc bên ngoài quá nhiều từ nguyên vật liệu đầu vào trở đi thì sẽ không bứt ra khỏi bẫy thu nhập trung bình đâu".

Đó là cái nhìn và cách phân tích của lãnh đạo và nhà kinh tế, còn phía doanh nhân thì sao. Theo ông Diệp Thành Kiệt, chuyên gia ngành may mặc và da giày xuất khẩu, nên tách bạch vấn đề gọi là tự chủ tối đa nguyên vật liệu nhưng phải là nguyên vật liệu bằng hoặc tốt hơn về chất lượng, rẻ hơn so với nhập khẩu mà ông Cao Đức Phát nêu ra.

"Ngay cả Trung Quốc ai cũng nói có đầy đủ nguyên liệu thì phải hiểu một cách tương đối là họ có phần mạnh hơn các nước khác. Trung Quốc vẫn phải nhập một số từ ngoài.

Nói như thế để suy nghĩ việc xây dựng một bên là nguyên liệu, một bên là chế tạo, liệu rằng có phải làm tất cả mọi thứ trên trời dưới đất không. Việt Nam không có đủ điều kiện thổ nhưỡng để trồng bông, đất cũng không đủ rộng để làm, liệu có phải cố hết sức trồng bông để tự túc cho ngành dệt không.

Đối với ngành da giày và thuộc da, Bộ Nông Nghiệp rồi Bộ Công Nghiệp cũng mong muốn tự túc để sản xuất giày và những sản phẩm bằng da. Liệu có cần bỏ hết mọi thứ khi mà ta chưa có những cánh đồng để nuôi những nuôi đàn bò cả trăm ngàn con, hoặc những loại thú khác để lấy da và thuộc da. Nói đến thuộc da thì ta đã sẵn sàng làm chuyện thuộc da ở trong nước chưa". 

Vì thế chỉ nên chủ động và tập trung vào những cái có thể làm được, còn những gì không hay chưa làm được thì :

"Chúng ta xây dựng và ký kết Hiệp Định Thương Mại với nhiều nước là để chúng ta tận dụng những lợi thế cạnh tranh của các nước. Không chỉ Việt Nam mà nhìn ra lân cận thì có phải nước nào cũng đã có điều kiện chủ động tất cả nguồn nguyên liệu hay không. Liệu phải làm tất cả mới gọi là chủ động hay là xem cái gì Việt Nam sản xuất được mà các nước khác không thể làm được thì chúng ta tập trung vào cái đấy. 

Thử hình dung là nếu cả thế giới đi vào thế tự cung tự cấp thì toàn cầu hóa để làm gì, các Hiệp Đinh Thương Mại, các quan hệ song phương về kinh tế để làm gì? Liệu rằng người ta có chơi với cái ông chỉ biết bán mà không biết mua hay không, chưa kể câu hỏi sau cùng và lớn nhất là nếu làm tất cả mọi thứ thì có tạo ra sản phẩm cạnh tranh được với thế giới hay không".

Đó là những câu hỏi mà doanh nhân Diệp Thành Kiệt cho rằng các cấp hữu trách phải đặt ra và phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Vị trí của lãnh đạo ở đây, ông Diệp Thành Kiệt nói, không phải là kêu ca hay than phiền mà là tập trung tìm giải pháp.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 30/11/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mai Vân, Thanh Trúc
Read 598 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)