Buổi đối thoại giữa Thanh tra Chính phủ và đại diện các hộ dân có đất ở khu vực "5 khu phố thuộc 3 phường" ở Thủ Thiêm kết thúc mà không tìm được "tiếng nói chung" giữa 2 bên. Phía Thanh Tra Chính phủ cho rằng khu đất trên nằm trong ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong khi người dân mạnh mẽ phản bác. Người dân trình ra nhiều bằng chứng cho thấy kết luận của Thanh Tra Chính phủ là sai luật.
Người dân tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn bày tỏ quan điểm chưa đồng ý với thông tin mà Thanh tra Chính phủ cung cấp tại buổi đối thoại chiều 27/11.
Dự thảo kết luận của Thanh tra Chính phủ
Cuộc đối thoại mới nhất giữa cơ quan chức năng và người dân Thủ Thiêm khiếu kiện vì cho nhà đất của họ nằm ngoài ranh qui hoạch dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm diễn ra lúc 2 giờ chiều ngày 27/11 vừa qua. Tham gia đối thoại có đại diện 50 hộ dân ở 5 khu phố, thuộc 3 phường An Khánh, Bình An và Bình Khánh, quận 2.
Tại buổi đối thoại, đại diện Thanh tra chính phủ cho hay Thanh tra chính phủ đã thành lập tổ liên ngành gồm Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính… để thực hiện kiểm tra, giải quyết khiếu nại này của người dân.
Tổ kiểm tra đã được cung cấp một số bản đồ do ông Võ Viết Thanh, nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh còn lưu giữ về quy hoạch Thủ Thiêm. Đây là bản đồ kèm theo hồ sơ trình Thủ tướng ký ban hành Quyết định 367 (năm 1996) về phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Hồ sơ này được văn phòng Kiến trúc sư trưởng, Sở Xây dựng, Công ty Dịch vụ đô thị đóng dấu.
Theo Dự thảo kết luận của Thanh tra chính phủ, qua kiểm tra đối chiếu các bản đồ, các đơn vị liên quan, xác định ranh quy hoạch của Khu đô thị mới Thủ Thiêm thì khu 4,3 ha nằm ngoài ranh quy hoạch. Còn nhà, đất của các hộ dân trong 5 khu phố, thuộc 3 phường, đều nằm trong ranh quy hoạch.
Thanh tra chính phủ cho biết, khiếu nại của người dân là dựa vào Quyết định số 255 ban hành năm 1998 của UBND thành phố, và Quyết định 13585 ban hành ngày 16/9/1998 của Kiến trúc sư trưởng thành phố thời kỳ đó về phê duyệt quy hoạch 1/2000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thanh tra Chính phủ cho rằng, quyết định 255 có những nội dung không đúng quy định, còn Quyết định 13585 có sai sót về xác định vị trí.
Việc dùng tài liệu làm sai của quận và văn bản có thiếu sót của Văn phòng kiến trúc sư trưởng trước đây để cho rằng nhà đất của mình nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm là không có cơ sở giải quyết theo quy định.
Người dân phản biện
Ông Nguyễn hồng Quang, người có nhà đất nằm trong khu vực này, đồng thời cũng được mời tham dự cuộc đối thoại vào chiều ngày 27/11 phản bác lại lập luận của Thanh tra chính phủ. Ông yêu cầu chính quyền phải chứng minh được 2 tấm bản đồ do nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Viết Thanh cung cấp là hợp pháp thì người dân sẽ nhận đền bù ngay :
"Cơ sở pháp lý chúng tôi nắm quá vững. Họ huy động ba bốn chục sở ngành toàn là tiến sĩ, thạc sĩ về bản đồ, về địa chính, cả về xây dựng nhưng mà không ai dám mở miệng tranh luận rằng anh đưa cái bản đồ đó đã đúng pháp luật hay chưa. Thủ tướng Chính phủ chỉ cho hơn 640 ha, mà bản đồ đó đến 820 ha. Như vậy là anh đã đúng hay chưa ?
Rồi cái bản đồ đó không có một cái phê duyệt gì hết. Trong khi bản đồ gốc của chúng tôi lấy từ Cục lưu trữ, có luôn dấu đỏ. Còn họ không đưa ra một cái văn bản nào hết".
Ông Quang cho biết người dân ở "5 khu phố thuộc 3 phường" không chỉ dựa và 2 cái tài liệu 255 và 13585 mà Thanh tra chính phủ đề cập để xác định đất của mình ngoài ranh. Mà người dân dựa vào hàng loạt văn bản pháp lý, kéo dài từ lúc Chính phủ bắt đầu ra quyết định quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm cho đến nay :
"Chúng tôi nắm rất rõ văn bản gốc. Tất cả diễn tiến pháp lý, hàng trăm văn bản, nghị quyết của Hội đồng nhân dân, của các cấp ủy Đảng… Chúng tôi có đến khoảng 30 cái bản đồ gốc mà chúng tôi đã tích lũy trong 20 năm qua.
Vấn đề trong ranh hay ngoài ranh, họ chứng minh bằng hai văn bản đó (255 và 13585 - PV) là cực kỳ yếu. Không phải chúng tôi chỉ căn cứ vào hai cái văn bản đó. Chúng tôi căn cứ từ bản đồ gốc của quy hoạch tổng thể, cho đến bản đồ 367 được phê duyệt.
Ngoài cái bản đồ 255, còn có các văn bản 4945, tờ trình 1095, nghị quyết 21, nghị quyết 18, nghị quyết 10… của Đảng, của Hội đồng nhân dân thành phố, quyết định 65 điều chỉnh quy hoạch… đều thống nhất cái ranh như vậy rồi. Nó phù hợp với bản đồ, phù hợp với quyết định gốc 367".
Người dân đã dẫn ra nhiều văn bản chứng minh nhà đất của mình nằm ngoài ranh quy hoạch. Điển hình là: Quyết định về phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm năm 1998. Trong quyết định này ghi rõ vị trí giới hạn, phạm vi quy hoạch của Khu đô thị mới Thủ Thiêm như sau: Tổng diện tích quy hoạch 748 ha, trong đó diện tích đất 618 ha, diện tích mặt nước sông Sài Gòn là 130 ha. Phía Bắc, phía Nam, phía Tây giáp sông Sài Gòn, phía Đông giáp phần còn lại phường An Khánh (quận 2). Trong quyết định này, nhà, đất thuộc 2 phường Bình An, Bình Khánh không thuộc trong quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Tháng 4/2002, tờ trình gửi Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh của Kiến trúc sư trưởng Thành phố Hồ Chí Minh An Dũng về việc trình thông qua nội dung định hướng điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Thủ Thiêm một lần nữa cho khu vực phường Bình An, Bình Khánh ngoài ranh quy hoạch.
Đến năm 2007, UBND Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản về việc thực hiện quy hoạch đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Văn bản này lại xác định ranh giới Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cho thấy 2 phường An Bình và Bình Khánh không dính tới dự án.
Bà Nguyễn Thuỳ Dương, người luôn theo sát và bảo vệ quyền lợi cho người Thủ Thiêm nói người dân còn rất nhiều bằng chứng khác chứng minh cho lập luận của mình, trong khi Chính quyền thì đã "hết bài" :
"Người dân họ có một cái hệ thống văn bản gồm có 35 văn bản, chứ không phải là chỉ có hai quyết định đó. Và bản đồ 13585 cũng không được đánh giá cao về tính pháp lý ở bên phía người dân.
Hệ thống 35 văn bản đó là đã được người dân sao y và có đóng dấu tại văn phòng tàng thư của thành phố.
Dĩ nhiên người dân có cách để phản biện lại và đồng thời là chúng tôi có những con bài mà chưa đưa ra. Lúc nào người dân cũng thủ sẵn bài cho mình hết. Trong khi đó tôi biết được rằng Thanh tra chính phủ đã không còn chiêu bài nào nữa rồi".
Ý kiến luật sư
Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho rằng mục tiêu của buổi đối thoại là tìm sự thống nhất pháp lý để giải quết vấn đề nhưng đã không thực hiện được. Ông khẳng định sẽ lắng nghe, ghi nhận đầy đủ ý kiến của các hộ dân liên quan. Thanh tra chính phủ sẽ tập trung rà soát, báo cáo đầy đủ với Thủ tướng Chính phủ để có chỉ đạo xem xét, giải quyết.
Như vậy, buổi đối thoại vào ngày 27/11 vừa qua kết thúc mà không tìm được sự đồng thuận giữa Thanh tra chính phủ và người dân Thủ Thiêm. Bên nào cũng cho rằng các bằng chứng, văn bản của mình có được mới là đúng, là hợp pháp.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, thuộc đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh nói trong trường hợp này thì phải chờ báo cáo lên trên và Thủ tướng sẽ xem xét rồi quyết định :
"Vừa rồi, các cử tri thành phố tiếp xúc thì vẫn chưa đạt được kết quả. Do đó, cử tri thì đề nghị chính quyền giải quyết sớm về vấn đề đô thị Thủ Thiêm.
Tôi thấy là các cơ quan họ phải nghiên cứu thêm. Bởi vì, nó không thống nhất với nhau thì sẽ phải báo cáo với Thủ tướng để giải quyết".
Luật sư Đặng Đình Mạnh thì cho rằng bất kỳ một sự tranh chấp nào, dù là giữa dân với nhau hoặc là giữa dân với nhà nước, thì cũng cần một tòa án ra phán quyết là nên căn cứ theo tài liệu của dân hay là của bên phía chính quyền :
"Dù sau buổi đối thoại đó dân có đồng ý hay không đồng ý thì Chính quyền cũng phải ra quyết định là sẽ làm theo hướng nào.
Trong trường hợp người dân không đồng ý thì có quyền khởi kiện vụ án. Khi đó tòa án hành chính họ sẽ khẳng định câu chuyện giữa hai bên là như thế nào. Và trong câu chuyện đó có vấn đề là họ xem xét tính hợp pháp của bản đồ, bản đồ do bên nào xuất trình là có thể tin cậy.
Đó là về nguyên tắc. Còn vấn đề thứ hai mang tính chất thực tế là mọi sự tranh chấp đều phải được giải quyết thông qua tòa án. Tuy nhiên, mình cũng phải thừa nhận một thực tế tại Việt Nam là cơ quan hành chính thường thì họ bảo vệ cho chính quyền hơn là bảo vệ dân.
Trong các cuộc họp Quốc hội gần đây khi nhắc tới vấn đề này hầu như chính quyền cũng thừa nhận. Tức là tòa án họ không bảo đảm về luật pháp mà bảo vệ quyền lợi cho chính quyền, đây là một thực tế".
Theo luật sư Mạnh, chỉ có một cách duy nhất để chấm dứt câu chuyện ở Thủ Thiêm, đó là bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân mà thực ra chính quyền cũng biết điều đó là cần thiết. Nhưng vấn đề là họ không có khả năng để thực hiện. Cho nên, dù có cán bộ nào mới tiếp nhận vụ việc này thì hầu như sau đó họ đều như "gà mắc tóc" không giải quyết được.
Cao Nguyên
Nguồn : RFA, 30/11/2020